NÊN HAY KHÔNG NÊN TỒN TẠI CÁC HVN ĐỊA PHƯƠNG

Vừa qua PV Văn nghệ Trẻ có đặt vấn đề trao đổi với tôi ( Nhà văn Kao Sơn ) về một số vấn đề sau:

•- Là người lâu năm làm công tác Hội, anh nhìn nhận những vấn đề nổi cộm / bất cập hiện nay của các Hội VHNT địa phương là gì?

•- Hướng giải quyết theo anh?

•- Hội VHNT địa phương nên tồn tại hay không?

•- Nếu không có Hội VHNT địa phương, thì việc phát triển đội ngũ sáng tác , đặc biệt là những tác giả trẻ tại các địa phương sẽ rơi vào tình trạng sống chết mặc bay?. Có giải pháp nào?

Bằng cảm nhận của một nhà văn, một người có điều kiện hoạt động trong một tổ chức của Hội VN địa phương khá lâu năm và bằng những thu lượm từ những chuyến đi giao lưu, gặp gỡ, những cuộc trao đổi bạn bè văn nghệ ở các địa phương tôi xin nêu một vài ý nhỏ vừa để trao đổi học hỏi bổ xung nhận thức, rút kinh nghiệm với các bạn văn chương,vừa để đề xuất với các nhà quản lý văn nghệ một số vấn đề như sau:

Về hoạt động của các Hội VHNT địa phương hiện nay có nhiều vấn đề nổi cộm và có nhiều bất cập: Cả về cơ chế quản lí, tổ chức lãnh đạo cũng như đầu tư.

Về cơ chế: Trong Định nghĩa về tổ chức Hội có nêu: Hội VHNT ( sau đây gọi tắt là Hội ) là một tổ chức Chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Tôi biết để có được hai chữ Chính trị, nhiều người, nhiều cấp Hội đã phải hao tâm tổn trí, phải tốn rất nhiều công sức mới đưa được hai chữ đó vào trong định nghĩa Hội, nhất là đặt hai chữ Chính trị lên đầu. Nhưng đã là một Hội Chính trị, lấy chính trị là mục tiêu quan trọng nhất thì trước hết phải làm nhiệm vụ chính trị. Lấy văn chương làm chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị trước tiên. Điều này có gì không ổn. Bởi văn chương nghệ thuật là sản phẩm được hình thành từ xúc cảm thật của người nghệ sỹ, của nhà văn: Yêu thật, ghét thật. Tôi nhấn mạnh chữ Thật. Bởi nếu chỉ yêu giả, ghét giả hoặc nửa chừng nửa vời, hoặc chỉ dùng đến lý trí để rồi làm một sắp xếp, một mô phỏng thì không thể có tác phẩm có giá trị thực sự. Và đã là cảm xúc thì nó lại không thể định hướng, nhiều khi thiếu tỉnh táo, cái tỉnh táo rất cần của người làm chính trị. Tôi nói điều này không phải tôi chủ trương loại chính trị ra khỏi các tác phẩm của Văn nghệ sỹ mà tôi chỉ nêu lên một thực tế rằng để kết hợp cái tỉnh táo của Chính trị với cái cảm xúc sáng tác của người sáng tác các tác phẩm VHNT là rất khó ( Nói khó là khó trong một kết hợp nhuần nhuyễn, không lộ và thật tâm , tránh việc mô phỏng chính trị trong tác phẩm nghệ thuật một cách lộ liễu và khô cứng... nghĩa là người VNS cũng tha thiết, cũng cảm thấy tâm đắc, thậm chí thấy máu thịt với vấn đề chính trị mà mình tiếp thu và chuyển hoá hay thể hiện trong TP một cách thuyết phục ).

Thứ hai, Về quản lý: Hội đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh... Có lẽ trong điều lệ Hội của tất cả các Hội đều có dòng chữ này. Tiếng thì là vậy nhưng lãnh đạo cái gì, lãnh đạo như thế nào? Nhà nước quản lý, đồng ý, nhưng quản lí bằng cách nào và như thế nào thì có nơi không rõ. Đội ngũ quan chức tỉnh vì một lí do nào đấy, phần đa không mấy người đọc các tác phẩm văn học, không hiểu văn nghệ, từ đó dẫn đến đầu tư không theo một nguyên tắc nào: Tỉnh có kinh phí nhiều thì cho nhiều. Tỉnh nào nghèo hoặc chả cần nghèo, ông Bí thư hoặc chủ tịch không khoái văn nghệ thì chưa nói đến gặp gỡ, quan tâm hỏi han động viên mà tiền cho hoạt động cũng cấp gọi là điều đó dẫn đến cùng là các Hội nhưng hoạt động và uy tín của các Hội là rất khác nhau.

Thứ nữa, lãnh đạo thì phải đi kèm chỉ đạo, phải ra kế hoạch cụ thể rồi lại phải kiểm tra sát sao. Vậy các nhà lãnh đạo định chỉ đạo thế nào? chỉ đạo như chỉ đạo xã viên HTX đồng loạt xuống đồng gieo cấy vụ đông xuân hay đợt này trồng ngô đông, đợt tới lúa chiêm xuân ? Không ổn. Lao động sáng tạo của các VNS là một lao động đặc thù, có cảm hứng thạt sự thì mới viết được. Không ai có thể ra lẹnh cho nhà thơ tháng này viết mấy bài, về đề tài gì. Vậy thì cũng k kiểm tra kiểm soát được nốt.

Thứ ba là về tổ chức, lãnh đạo:

Trên thực tế, mặc dù đã định nghĩa: Hội là tổ chức của những người có cùng chí hướng, cùng ham thích, cùng tự nguyện tụ hợp lại. Nhưng rồi cái gọi là tổ chức tự nguyện ấy lại không được tự bầu ra người lãnh đạo của mình một cách tự nguyện. Lãnh đạo văn nghệ cũng như bất cứ một lãnh đạo nào ở bất cứ ngành nghề nào đều phải là người có khả năng quản lý, có sự am hiểu sâu trong lĩnh vực mà mình đảm nhận cương vị lãnh đạo, và như một đặc thù, nó rất cần người lãnh đạo phải có tâm huyết, biết vì sự nghiệp văn nghệ, nói một cách văn vẻ thì cần một nhân vật kiểu như Cập thời vũ Tống Công Minh trong Thuỷ Hử vậy, tức là người có thể về chuyên môn không giỏi bằng nhiều anh em hội viên nhưng có tấm lòng trung thực, bao dung, bảo vệ, vì anh em, biết cách tập hợp, đoàn kết xây dựng phong trào. Không phải tất cả, nhưng lãnh đạo của nhiều Hội như nhiều anh em ở các địa phương đã phản ánh, bắt đầu từ cách bố trí cán bộ trong khâu tổ chức chính quyền của nhà nước đã có nhiều bất hợp lí: Chủ tịch Hội phải là công chức nhà nước, được xác định độ tuổi, bằng cấp như bất cứ một công chức nhà nước của các ngành nghề khác do đó có khi người có khả năng, được Hội viên tín nhiệm thì lại quá tuổi hoặc thiếu bằng cấp không thể bổ nhiệm. Lại có nơi chức CTH được đưa từ những quan chức các ngành khác đang sắp về hưu hoặc không biết bố trí vào nơi nào khác sang bất chấp cả việc người đó không có một chuyên môn nào về Văn nghệ; Có nơi thì Tỉnh bố trí người của mình về Hội thông qua những cuộc bầu bán mà trước đó là rất nhiều những họp hành, quán triệt, gợi ý, thậm chí thẳng băng: Nếu không sẽ không hợp y!...

Nói tất cả những điều đó để nói một điều rằng đang có sự nửa giăng nửa đèn trong cơ cấu tổ chức và lãnh đạo quản lý hội.

Từ sự nửa giăng nửa đèn đó dẫn đến hiệu quả hoạt động của Hội ở một số nơi không cao, thậm chí sai hướng, hoạt động của một hội văn nghệ giống như của Phòng văn nghệ trong sở văn hoá: chạy theo phong trào, theo các nhiệm vụ chính trị của tỉnh để mở những triển lãm, mở trại vội để sáng tác các bài thơ văn, những vở kịch chào mừng.

Về đầu tư: Gần đây TW có quan tâm đầu tư hàng năm cho các Hội một số tiền gọi là đầu tư cho sáng tác nhưng thực tế thì cũng mối Hội làm theo một kiểu. Có Hội được đồng chí chủ tịch Hội tâm huyết, yêu thương và thông cảm với anh em đã cùng BCH tìm ra các phương án tối ưu nhất để làm cho số tiền đầu tư tới được anh em sáng tác một cách hiệu quả, công bằng nhất. Nhưng có hội thì chủ trương chia đều cho anh em. Có hội làm theo kiểu ăn chắc, chỉ chi ra khi anh em đã sáng tác và mang tác phẩm đến nộp. Lại có nơi dùng tiền đó một phần nhỏ đầu tư trực tiếp cho người có tác phẩm, một phần tổ chức ra các trại sáng tác kiểu tập thể, bầu đoàn thê tử năm mấy lần kéo nhau lên ô tô, ban ngày tới các vùng tham quan, ngắm nghía, tối vào các khách sạn sang để nghỉ, không khác gì một tua du lịch cho CB công chức ở các cơ quan khác, còn lại để chi dùng chung cho hoạt động của Hội như tiếp khách, đi giao lưu học hỏi hiệu quả rất tù mù. Một vấn đề nữa, không phải tất cả, nhưng có khi vì có đầu tư mà đã có không ít người bị phụ thuộc hoặc cố bằng mọi cách tập hợp những sáng tác cũ chưa in được ở đâu, nặn vội ra cái gọi là tác phảm để được lĩnh tài trợ, kết quả là số tác phẩm thứ phẩm , chất lượng kém ngày càng nhiều. Độc giả sẽ ngày càng quay lưng lại với người sáng tác và lâu dài sẽ là cả với một nền VH. Rồi vàng đen lẫn lộn. Những VNS đích thực, những người viết tâm huyết bị đám cầm bút cải lương, phường chèo lấn sân. Kính chả bõ phiền. Tất cả những điều trên dẫn đến số tác phẩm thực sự có tính nghệ thuật, tính nhân văn cao trở nên ngày một khan hiếm nhường chỗ cho những tác phẩm nhạt nhẽo, na ná nhau, trơn truội và cuối cùng là trở nên Vô tích sự: Không có độc giả.

Nói như thế không có nghĩa là từ nay đề nghị nhà nước không đầu tư cho văn nghệ nữa. Phải nói luôn, một nhà nước mà biết đầu tư cho văn nghệ là một nhà nước tốt và thông minh bởi đó là đầu tư cho tâm hồn con người. VNS nói chung là nghèo, có người rất nghèo, việc có được một khoản tiền để đi thực tế, mua sắm vật tư, thiết bị, sưu tầm tài liệu, in ấn công bố tác phẩm... là cả một vấn đề nan giải. Vậy thì với họ, đầu tư và quan tâm của nhà nước là rất quý. Cái chính là phải thay đổi cách đầu tư cho phù hợp. Hội Văn nghệ khác các hội khác ở chỗ, với các hội khác, nếu nhà nước có đầu tư là lập tức thu được kết quả trông thấy, có thể định lượng được. Nhưng với văn nghệ thì chưa chắc. Văn nghệ có đặc thù riêng do đó cũng phải có cách đầu tư riêng, không thể đầu năm cấp tiền, cuối năm nghiệm thu, cho tài chính xuống khoá sổ quyết toán như trong thời gian vừa qua được. Và cũng không nên đầu tư về các Hội căn cứ theo đầu Hội viên theo kiểu cá đếm đầu, rau kể mớ; không nên có sự cào bằng, bỏ qua đặc thù vùng miền giữa các hội; Không phải cứ VNS có công bố tác phẩm là được đầu tư. Vấn đề này còn nhiều phức tạp và bất cập khác có lẽ xin trao đổi ở một chuyên đề riêng để chúng ta bàn sâu hơn và kĩ hơn.

Hướng giải quyết:

Trước khi bàn đến vấn đề này, theo tôi ta nên đặt ra câu hỏi: Chúng ta cần gì ở Hội địa phương. Tác phẩm hay hay có được một phong trào rộng lớn kiểu trăm hoa đua nở, hay một sự bình ổn về chính trị trong một bộ phận xã hội ? Phải tìm ra Mục đích, cái ta cần đạt tới đã rồi mới tính đến vấn đề giải pháp: Xoá bỏ hay duy trì các Hội địa phương.?

Về mong muốn có được một phong trào rộng lớn kiểu trăm hoa đua nở, hay một sự bình ổn về chính trị trong một bộ phận xã hội thì rõ rồi, duy trì các Hội địa phương sẽ góp phần làm được điều đó. Đã có một số Hội làm rất tốt việc tuyên truyền cổ vũ và phục vụ kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế của điạ phương, được lãnh đạo các đia phương đánh giá cao. Với một số Hội thì hàng năm tỉnh bỏ ra một ít tiền, TW cấp về một ít tiền, Hội viên các hội theo đó mỗi năm nhận được một ít tiền để bù đắp phần nào cho việc đã bỏ tiền ra in sách, được vài ba chuyến đi thực tế, giao lưu. Lãnh đạo hội anh nào bụng dạ kém có thể nhờ việc tổ chức trại sáng tác, đi thực tế để gửi giá, ăn chia với các khách sạn nhà hàng hoặc khai khống vài món kiếm ít tiền đút túi. Lãnh đạo tỉnh vào các dịp chào mừng, kỉ niệm có được người ủng hộ. Rồi cũng lại hàng năm, hoặc bốn năm năm, các hội cố vấn để tỉnh tổ chức xét thưởng, tấn phong nhau theo kiểu so bó đũa chọn cột cờ, rồi cũng lại phân định Nhất, Nhì, Ba, Tư... in ra hàng loạt các loại giấy khen, bằng khen thậm chí trao huy chương... đã có hội số được lĩnh bằng khen chiếm tới trên 50% tổng số hội viên, nghĩa là... tài cả. Vui vẻ cả.

Vậy thì nên duy trì các Hội ĐP.

Về mong có tác phẩm hay thì không phải cứ là VNS ở TW thì sẽ viết được hay hơn ĐP. Không có tác phẩm TW và cũng không có tác phẩm ĐP, chỉ có hay và không hay.

Không phải cứ có Hội, có đầu tư là có tác phẩm hay,

Tác phẩm hay không phụ thuộc việc VNS có nhiều tiền hay không mà phụ thuộc hoàn toàn vào bầu không khí và môi trường mà VNS lặn ngụp và sáng tác. Phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết cũng như nghị lực của VNS. Điều này đúng không chỉ ở cấp ĐP mà cả ở cấp TW.

hệ quy chiếu này tôi thấy không nhất thiết phải duy trì sự tồn tại của các hội văn nghệ địa phương.

Việc này nêu ra trong thời điểm này chắc sẽ có nhiều người không đồng tình và trên thực tế sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng cái gì muốn được mà lại không bị mất một cái gì ? Trước hết về phía nhà nước phải có một nguồn kinh phí hay có một chính sách thoả đáng để giải quyết cho mấy trăm CB, viên chức đang làm việc trong các cơ quan VP của các Hội có điều kiện để có công ăn vịêc làm mới, đảm bảo cuộc sống. Và có lẽ giải quyết được điều đó là cái nút gỡ cơ bản đã xong.

Tiếp theo, mạnh dạn để các hội văn nghệ địa phương hoạt động theo luật chung về hội do Chính phủ đã ban hành không có một phân biệt hay ưu đãi gì đặc biệt. Cứ để những người có cùng sở thích, cùng quyền lợi và cùng chí hướng, khả năng nghề nghiệp tụ lại tự nguyện với nhau, thành lập nên các Hội nếu cần và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật bình đẳng với các Hội khác.

Trước đây có ý kiến cho rằng nếu giải tán Hội VHNT thì những người gọi là VNS kia sẽ sáng tác không có định hướng, sẽ gây nên bất ổn, sẽ làm nên những rối loạn thậm chí còn có người lo rằng nếu TA không NUÔI, người KHáC sẽ nuôi: Ăn cơm ai, mặc áo ai sẽ hót theo giọng đó. Tôi cho rằng đó chỉ là lời hù doạ vô căn cứ. VNS đích thực trước hết và bao giờ cũng là một công dân tốt, không ai đang tâm phản bội dân tộc, phản bội tổ quốc. Không ai đi làm cái việc hèn hạ là bôi nhọ những điều tốt đẹp và xuyên tạc những sự thật tốt đẹp. Có thể có những lúc, người VNS viết, sáng tạo ra các tác phẩm mà nhà cầm quyền không thích, cảm thấy bị chỉ trích, thậm chí bị chống lại thì đó cũng là tâm sự thật, cảm xúc thật của họ. Tôi cho rằng một nhà cầm quyền thông minh là nhà cầm quyền biết đọc, biết lắng nghe từ Văn học và Văn nghệ, tìm thấy trong đó những góc khuất mà VNS phản ánh ,những điều còn thiếu sót của mình trong điều hành và phuc vụ để qua đó điều chỉnh chính sách cho hợp với lẽ phải, hợp lòng dân và có lợi cho đất nước hơn. Một nhà văn chân chính và một nhà chính trị uyên thâm, công minh rất gần với nhau. Chính trị mà trong sáng, chính trực, vì cái chung tốt đẹp, vì nhân văn, vì tự do, dân chủ thực sự, vì tiến bộ con người, vì phồn vinh dân tộc, vì an toàn đất nước thì cũng chính sẽ trở thành cái mà vì nó người VNS sáng tác. Tất nhiên cũng sẽ có những con sâu. Nhưng gương tày liếp cũng đã sờ sờ ra đấy. Có người đã có danh, có chức làm một cuộc lội ngược dòng, chạy sang đâu đó để được nuôi, để thoả sức chửi bới nhưng thực tế đã làm được gì? Không gì cả ngoài sự tự bôi nhọ.

Nếu một VNS đích thực có khát vọng sáng tác thì dù có hay không có tổ chức Hội, có hay không có tiền đầu tư người ta vẫn sáng tác cho dù cô đơn, không được nhận tài trợ, cho dù phải ăn đói nhịn khát. Và thực tế đã chứng minh rằng chính trong giai đoạn nhiều người trong chúng ta có một cuộc sống vật chất vô cùng thiếu thốn, các tổ chức hội chưa có hoặc nếu có thì còn rất èo uột, thì ở thời điểm ấy anh em VNS sống với nhau rất chân thành, đầm ấm, nhiều tác phẩm đã ra đời, có thể chưa đạt tới ngưỡng thật hay nhưng rõ ràng về tỷ lệ nếu bắc lên cân, so sánh thì chất lượng hơn rất nhiều thời điểm này. Hiện nay, cơ chế thị trường đã ảnh hưởng sâu sắc đến giới văn nghệ và tạo ra sự phân cực đa dạng cả về xu hướng sáng tác, quan điểm cũng như lối sống. Số tác phẩm được xuất bản hiện nay ( Và xin nhấn mạnh, nhất là sau khi có tài trợ hàng năm của TW cho các Hội ) thì lượng tác phẩm đúng là tăng vọt, tính trong cả nước là rất lớn và phong phú ở mọi thể loại nhưng chất lượng thì ai cũng đã biết.

Chúng ta đã nhận tài trợ được bốn năm năm rồi nhưng trong nhận định của các nghị quyết ngay ở cấp BCT thì vẫn là câu muôn thủa: Chưa có những tác phẩm hay, tính thẩm mỹ cao xứng đáng với tầm vóc của lịch sử và đòi hỏi của nhân dân mặc dù ( cũng lại xin mở ngoặc ) hàng năm vẫn có hàng ngàn giải thưởng này nọ từ khắp các Hội chuyên ngành tới các địa phương. Điều đó nói lên rằng, tiền tài trợ và tổ chức Hội không phải bao giờ cũng làm nên tác phẩm có giá trị. Và cũng xin đừng có ai lo rằng không có Hội , không có tài trợ , không có người uốn nắn hay hướng dẫn, chỉ lối đưa đường thì các cây bút trẻ ( cả Già nữa ) sẽ rơi vào tình trạng sống chết mặc bay. Nếu nhà nước có cơ chế quản lý chuyên nghiệp, vừa chặt chẽ, vừa cởi mở thật sự dân chủ và tự do cho VNS ( Tất nhiên là trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật quy định !) và VNS với một tình yêu thật sự với Văn nghệ, có khát vọng sáng tác, cảm thấy mình có trách nhiệm thật sự với dân tộc, với nhân dân, với cuộc sống thì họ cũng sẽ vẫn viết. Và họ sẽ tự biết cách chứng tỏ mình. Và tôi thực sự tin rằng đến và chỉ đến lúc đó, cái thời điểm mà mọi VNS đều bơi bằng sức của mình, viết bằng sự thôi thúc nội tâm thực sự, không sợ bị trù dập, không bị cám dỗ bằng những thứ đầu tư này nọ thì chúng ta sẽ có những tác phẩm thực sự có giá trị.