HẦU CHUYỆN MỘT ANH... CHÓ

- Chào anh chó

- Gâu.

- ối, làm gì mà khiếp thế

- Thì tôi cũng chào lại anh đấy chứ

- Chào gì mà lại... Gâu,... kinh bỏ mẹ!

- Chó thì phải chào kiểu chó chứ sao. Các ông... Người đúng là chúa đa nghi. Rất hay suy bụng ta ra bụng... chó.

- Vâng, có lẽ đúng là thế thật. Nhưng anh cũng nên biết rằng chí ít tôi đã bị rách mấy cái quần và tốn mấy lọ thuốc đỏ rồi đấy. Tôi đi xem bói, thầy bói bảo tôi phải cẩn thận trước bất kỳ loại chó nào. Tôi tuổi Sửu. Mà Sửu- Tuất thì xung...

- Thìn- Tuất- Sửu- Mùi... Tứ hành xung, đúng rồi. Xung. Nhưng mà trong cuộc xung ấy thì chúng tôi, tức họ hàng nhà chó bị thiệt nhiều hơn. Chúng tôi có anh cắn người thật, làm người bị thương, nhưng đó là thực nhiện nhiệm vụ được giao, mà cũng đa số chỉ để doạ. Còn lại phần lớn là bị Người cắn. Mà chó nếu đã bị người cắn là chỉ có chết, chết thui, chết chẳng toàn thây, thế mới khiếp. Dù với Người, chúng tôi luôn tỏ ra lễ phép, tận tuỵ trung thành, bảo vệ trông nom nhà cửa cho họ. Đã có câu rằng: Con còn có khi chê cha mẹ khó chứ chó không chê chủ nghèo... đấy, chúng tôi là thế đấy, ăn ở tình nghĩa trước sau thuỷ chung với Người thế đấy. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chính các anh cũng đã có hẳn một bộ phim nói về tình nghĩa của chúng tôi đối với con người, một bộ phim rất hay và rất xúc động. Nhưng cũng có nhiều người cứ trông thấy chúng tôi là nước bọt họ đã ứa ra. Họ nghĩ ngay đến lá mơ, riềng mẻ, mắm tôm.... Có những vị có học thức... như các nhà khoa học, có tâm hồn... như các nhà văn nhà thơ... và rồi nhiều loại người khác nữa đều thích chén thịt chúng tôi? Trong khi trái đất này dù chó rất nhiều nhưng bói vẫn không ra một cửa hàng chó bán thịt người, dù là thịt gì người đi nữa, trong khi đó thì khắp các nẻo đường ngõ phố, đâu đâu cũng thấy treo biển Cầy tơ bảy món. Tại sao vậy ?

- Có lẽ... tại thịt các anh ngon. Tôi đã đọc một bài báo nói rằng thịt chó là thức ăn cao đạm vào loại nhất nhì. Với lại cũng còn là vì các anh không biết mở quán, không biết chế biến, nấu nướng... Mà thôi, ông giời đã sinh ra muôn loài thì cũng biết làm cho mỗi loài có một cách chết cho hợp lý. Chết trong một cái xoong hay chết trong một cái hòm gỗ sơn vẽ loè loẹt thì ... cũng là chết cả thôi. Với lại nghĩ cho cùng thì cũng chưa chắc cái nào đã hơn cái nào. Chết mà làm người ta phải ứa nước miếng ra thì... cũng đáng để chết lắm chứ.

- Cám ơn anh. Có phải anh là một triết gia? Nói chuyện với anh tôi thấy bình tâm trở lại. Bởi đã có lúc tôi bi quan đến... muốn được làm Người!

- Bi quan? Anh dùng cái từ này có lẽ không ổn chăng. Theo tôi thì dù trong tình huống nào đi nữa thì được làm người vẫn phải luôn là một mơ ước của muôn loài, trong đó có các anh chứ ?

- Anh nghĩ vậy là do các anh quá đề cao mình, luôn tự cho mình là chúa tể, tự cho mình có quyền thay thượng đế để sắp xếp định đoạt số phận kẻ khác.

- Thì ... cũng quả có như thế thật chứ. So với muôn loài vật có đại từ CON đứng trước thì chả phải con người luôn xứng đáng ở vị trí đầu bảng ?

- Vì lý do gì anh nói như vậy ?

- Này nhé, để dễ hiểu, tôi so luôn các anh với chúng tôi. Chúng tôi sống thành một xã hội có tổ chức, có tiếng nói, có chữ viết, có khả năng lao động sáng tạo để sản xuất ra các biệt thự, Tivi, tủ lạnh, máy điều hoà, quần áo thời trang các kiểu. Và lại còn biết hút thuốc lá, làm được thơ nữa,.. tạm vậy đã. Các anh có khả năng ấy không ?

- Không hẳn chúng tôi không làm được mà đơn giản là chúng tôi không cần. Tự chúng tôi trong quá trình tiến hoá đã hoàn thiện mình để sống mà không cần đén những thứ vớ vẩn ấy. Một cái ổ rơm hoặc một cái hang; Một bộ lông dày ấm phù hợp với mọi thời tiết; chúng tôi lang thang giữa thiên nhiên, nhìn ngắm mặt trời mọc và lặn trên thảo nguyên mênh mông chứ không thèm nhìn qua tivi; Còn thuốc lá thì... có cho kẹo chúng tôi, kể cả những anh đã được huấn luyện trong rạp xiếc cũng không làm được, quả có thế. Nhưng đấy là do tổ tiên chúng tôi từ trước các anh đã nhận ra tác hại của việc hút thuốc lá nên không truyền cho con cháu cái thói hư ấy ... đại loại vậy. Anh nói các anh sống thành một xã hội có tổ chức. Đấy là các anh muốn thế. Còn chúng tôi thì sống theo kiểu bầy đàn. Chúng tôi cũng có chỉ huy như các anh có người đứng đầu. Nhưng vẫn có điểm khác trong ấy đấy. Trong cuộc đua để làm thủ lĩnh chúng tôi đơn giản hơn. Một cuộc chiến đấu bằng răng giữa những quân tử thực thụ và sau đó kẻ thắng luôn được thừa nhận một cách công minh và sòng phẳng. Còn các anh thì... chưa chắc đã là như vậy. Lại nữa, không nói đến tranh giành chức quyền, chỉ nói đến việc tranh ăn hoặc cao hơn chút, tranh một bạn tình. Trong cuộc tranh đấu ấy chúng tôi cũng lao vào nhau bằng tất cả sức mạnh cùng những sắc nhọn của mình. Nhưng sau đó nếu có ai giành được chiến thắng thì kẻ bị thua cũng chấp nhận, không thù oán, không để bụng. Các anh có được sự sòng phẳng ấy không ? Tôi thấy có người trong các anh khi bị thua cuộc đã để bụng thù và sau đó rất lâu vẫn còn tìm cách để trả thù kẻ thắng. Anh nói các anh có tiếng nói và có chữ viết? Đó chẳng qua là các anh không tìm được lối biểu cảm khác trong giao tiếp mà thôi. Tôi thấy các anh nói với nhau rất nhiều, viết trao đổi với nhau rất nhiều nhưng hình như càng viết, càng nói thì các anh lại càng không hiểu nhau. Mà càng không hiểu nhau thì lại càng nói nhiều, viết nhiều. Rõ luẩn quẩn. Có người lại còn dùng chữ viết để viết những lá thư nặc danh bôi nhọ nhau, dùng lời nói để xỉ vả nhau. Có người thề thốt toàn những lời có cánh sau đó lại lau mồm phản bội, tìm cách đưa nhau vào bẫy, nói một đằng làm một nẻo. Đấy , cái mà anh gọi là văn minh đấy. Trong khi đó tôi chỉ cần một tiếng sủa là đủ để đồng loại của chúng tôi lẫn các anh biết tôi muốn gì.

- Đúng là có những cái như vậy. Bên cạnh chó có má. Bên cạnh Người có Ngợm mà. Nhưng anh mới thấy điều xấu ở con người mà chưa thấy đièu tốt. Anh quên bên cạnh đó chúng tôi còn có những bản trường ca của Iliat, những dòng thơ ánh sáng của Hômer, tiếng thơ cháy bỏng của Mai - a trên quảng trường Đỏ... Tiếng nói và chữ viết đấy.

- Chả cần, chúng tôi cũng làm thơ chứ, làm trong đầu. Cũng có khi tôi cất tiếng tru giữa một đêm trăng suông ngoài cánh đồng hoặc trên một vách núi nào đó khi gió bấc đang ào ạt thổi về. Chúng tôi đọc thơ đấy.

- Đọc thơ ? Thơ về đề tài gì vậy ?

- Thơ ngợi ca tự do và cái chết. Thơ lên án mọi xiềng xích, mọi cầm tù về thể xác và tâm hồn. Tất cả tình yêu, khát vọng dồn nén vào chỉ một câu thơ thôi. Nhưng với tôi, thế là đủ. Chính các anh cũng nói rằng thơ hay không có nghĩa là thơ dài, thơ in thành tập chưa chắc đã hay bằng thơ truyền miệng là gì ?

- Chúng tôi đã nói thế thật à ?

- Một căn bệnh nữa của cái gọi là thế giới văn minh: Bệnh đãng trí.

- Thôi được. Cứ cho là tôi đã quên về định nghĩa giá trị của thơ. Nhưng có những thứ chúng tôi đã tuyên bố, ví như con người là chúa tể, là động vật thượng đẳng của muôn loài thì chúng tôi không quên đâu đấy. Bởi đó là hiện thực.

- Ví dụ?

- Chúng tôi có những cái mà loài vật các anh không có. Ví như lao động. Các anh chỉ tìm lấy những thứ sẵn có trong thiên nhiên còn chúng tôi thì lao động. Chúng tôi lao động để nuôi mình và nuôi đồng loại, biến lao động thành sáng tạo để thể hiện tình yêu với cuộc sống. Ví như đức hy sinh. Vì điều nghĩa - nhớ là vì điều nghĩa nhé, chứ không phải chỉ là vì nhu cầu tồn tại - có nhiều người trong chúng tôi sẵn sàng hy sinh bản thân mình. Ví như lý tưởng. Chúng tôi xây dựng cho mình một lý tưởng sống cao đẹp để suốt đời thờ phụng và phấn đấu cho lý tưởng ấy được thành hiện thực, để mình và xã hội của mình mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Và tình yêu. Chúng tôi làm cho cái bản năng sinh tồn và duy trì nòi giống ở loài động vật nói chung vượt lên cao hơn một bậc, nghĩa là làm cho những tình cảm bản năng thăng hoa thành khát vọng tình yêu mà ở đó, vì tình yêu con người ta có thể đợi chờ, có thể chấp nhận mọi mất mát và có thể chết. Chúng tôi cũng sinh con đẻ cái , hiểu rằng con chúng tôi sẽ là một tiếp tục của chúng tôi trên cuộc đời này, nghĩa là làm cho cuộc sống trở thành bất tử. Và để cuộc sống thật sự trở thành bất tử, chúng tôi dạy cho con về ý nghĩa của cuộc sống, về tình yêu, về đức hy sinh, lòng vị tha, cao thượng; để chúng biết sống vì đồng loại và sống cho những điều cao đẹp... Hiểu lẽ phải và biết tự điều chỉnh, nâng niu cái đẹp, gạt dần cái xấu.. Vậy thôi đã. Và chỉ những đièu đó thôi cũng đã làm nên điều khác biệt c bn giữa chúng ta.

- ....

- Tại sao anh im lặng?

- Này, tôi hỏi khí không phải nhưng... hình như trong đạo Phật của các anh có nói đến kiếp luân hồi ? Và trong vòng xoáy luân hồi đó thì kiếp chó chúng tôi là gần với kiếp người nhất? Nghĩa là ... tôi nghe anh nói và... Nếu quả có như anh nói về con người thì... tôi sẽ không giận các anh nữa. Tôi muốn sớm được làm người.

- Dù phải trải qua riềng mẻ mắm tôm?

- Vâng.

- Tôi thì lại nghĩ khác. Rằng đừng nôn nóng. Và rằng cần giữ lấy một sự cân bằng. Dưới gầm giời này cùng lúc vẫn nên phải có người và có chó. Vậy thì chúng ta vẫn có thể luôn là bạn của nhau. Tôi có một anh bạn là nhà văn. Anh ấy chơi với một anh chó. Và khi anh chó mất, nhà văn ấy đã làm một bài điếu văn khóc bạn xúc động đến nỗi được đưa vào sách và tôn vinh là bài điếu văn hay nhất mọi thời đại đấy. Còn bây giờ,tôi nói với anh về cái sự hơn, cái vượt trội, không phải để khẳng định sự thắng thua mà là để anh hiểu, mỗi loài đều có một thế mạnh, một ưu điểm và cũng có những khuyết tật. Vấn đề là sự tiếp thu và điều chỉnh. Mà anh biết không, giá trị của mỗi loài , cái sự mà ta tạm gọi là hơn thua ấy mà, còn nằm ở khả năng tiếp thu và điều chỉnh theo hướng để mỗi ngày một hoàn thiện hơn cơ đấy. Anh có đồng ý không ?

- Gâu. Gâu. Gâu!