1 . Tôi vào y tá

Sau đợt huấn luyện quân sự tại quân trường Quang Trung tôi được giữ lại biên chế vào cán bộ khung của đại đội 3 Trung đoàn 115 Sư đoàn 2 .Khoảng thảng 3 năm 1977 đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ mới : Xây dựng kinh tế : Xây dựng hồ Dầu tiếng huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh .Tôi còn nhớ ngày đầu chuyển quân về đóng tại chân núi Bà Đen tại Ấp Suối Đá .Một vùng đất cát tràn đầy nắng gió . Một cơn lốc đã giật bay số tôle che mái tạm ,làm cho tôi một phen hết vía ,

Đơn vị tôi là “ Đội thi công cơ giới “ .Qui tụ những thành viên có nghiệp vụ trong lĩnh vực cơ khí ,lái xe …,còn tôi chẳng có nghề ngỗng gì vì mình là học sinh chân ướt chân ráo nhập ngũ …Tôi nghe kể câu chuyện đội thi công cơ giới như sau : Một cô thanh niên xung phong trong đoàn phục vụ chiến trường Miền Nam .Cô viết thư về thăm gia đình trong thư kể : “ …Chúng con hằng ngày đi xe về xe , ăn cơm đường ,uống nước chanh …” Gia đình đọc thư xong mừng quá khoe với hàng xóm ,con mình may mắn được ở trong đơn vị có điều kiện thuận lợi ,hằng ngày có xe đưa đi rước về , ăn uống không kham khổ …( Ở Miền Bắc những năm chống Mỹ điều kiện vật chất khó khăn nhất là ở vùng quê ) . Sự thật là cô được trang bị 1 chiếc xe cút kít ,sợ mất đi đâu cũng phải kéo theo (đi xe về xe ), ăn cơm ngoài công trường ,bờ bụi dọc đường (ăn cơm đường ) ,nước khan hiếm nên khi có nước cung cấp phải tranh nhau mà uống ( Cô này viết sai chính tả “tranh” thành “chanh” ) Thế mới tai hại .

Đơn vị của chúng tôi cũng vậy mang danh là "thi công cơ giới" nhưng chẳng có trang bị máy móc gì ngoài những vật dụng thông thường là cuốc với xẻng ! .Ngay khi vào lòng hồ Dầu Tiếng đốn cây về làm láng trại cũng phải nhờ xe của Trung đoàn chở đi nhưng không được đón về ! .Những hôm thiếu gạo vì không kịp cung ứng phải mượn gạo của Thanh niên xung phong để nấu cháo .Sau đó cắt người lội bộ cả ngày về doanh trại mang lương thực trả lại ...

Một hôm đại đội trưởng Diêu ,chính trị viên Mỵ có gọi tôi lên trao đổi .Nội dung là tôi quá gầy , trông ốm yếu (lúc đó tôi khoảng 43 - 45 Kg ), nếu ra công trường “ đập đá e không thọ “ .Sư đoàn có tuyển lớp y tá ,các vị muốn tôi theo học để sau này về phục vụ .Tôi đồng ý .

Sáng 1/6/1977 tôi được đơn vị kết nạp vào Đoàn Thanh niên cùng với anh Chính ( nhập ngũ cùng Phường Cầu Kho Quận 1) và ngay chiều hôm đó tôi vác ba lô về trường y tá . Tôi không còn nhớ những chi tiết như thế nào trong lúc về trường .Chỉ biết chúng tôi đoàn kết gắn bó nhau trong tập thể của Trường .

Ban đầu chúng tôi được tập hợp dưới 1 cây dầu cổ thụ ,1 láng trại che tạm và ấn tượng nhất là món chè đậu đen đã bị lũ bọ đen tấn công ( Ai đã xem lũ bọ trong phim xác ướp Ai cập thì biết được cái cảm giác này ! ).Không biết chúng đến từ đâu mà nhiều "khủng" đến thế …Tôi nhớ tôi đã ăn nhầm 1 con trong chén chè đậu đó .

Ngoi lang bo den

( Bấm vào đây xem bài về lũ bọ đen )

Tập thể chúng tôi đủ mọi thành phần ,mọi trình độ ,mọi cỡ tuổi .Trẻ chiếm đa số, nhưng hàng U30 cũng có các “thiếm bộ đội “ đã trải qua 2 mùa chiến đấu (chống Mỹ và đánh Pốt ) như Chị Nương ,chị Nhiều ,Cương …vừa là Việt kiều sống ở xứ sở Chùa Tháp (*) .

Chúng tôi cất láng trại nhằm ổn định sinh hoạt trước khi học chuyên môn ,Cũng chẳng nhớ rõ thời gian là bao lâu ,cất bao nhiêu căn nhà cho Trường huấn luyện .Và cũng chẳng biết đã tập bao nhiêu bài thể dục buổi sáng . Chính trị viên tiểu đoàn có sáng kiến thay vì 3 bài tập thể dục buổi sáng được thay thế : Hôm chạy vào rừng vác cây ,hôm đắp nền nhà ,hôm dãy cỏ,cuốc đất …

Ăn uống thiếu thốn ,nhiều hôm nhóm bạn lợi dụng con rạch bơi sang vườn mì bên kia moi trộm vài củ ,lén lút nấu ở bìa rừng ,và cũng lén lút chia nhau một vài miếng khoai mì để cầm lòng đỡ đói . Thông cảm dùm cho chúng tôi vì biết tội nhưng cũng phạm vào 10 lời thế của Quân Đội Nhân dân Việt nam .Mọi việc tưởng chừng êm xuôi để bước vào học tập nhưng chúng tôi lại bị “đuổi” khỏi trường huấn luyện với lý do chính đáng lớp y tá phải gần với bệnh xá để có điều kiện " vừa học vừa hành " .

Lại ra đi và làm lại từ đầu .Cũng mừng là chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm và chỉ làm 2 gian nhà ( 1 cho nam và 1 cho nữ ) đã hoàn tất trong một thời gian ngắn . Sau đó được các thầy ( Y bác sĩ quân y ) giảng dạy.

Những cái tên biệt danh (**) được ra đời trong điều kiện lịch sử nhất định đã tạo nên thành tích của những chàng trai trẻ như “ Trung B40 “ ,” Công ngủ “ ( Xin đọc lái lại , từ này khá sát nghĩa đen để phân biệt nam và nữ vì lớp có 2 tên Công ) , Sang Dê ( D là cấp tiểu đoàn đó xin các chị đừng hiểu nhầm tội nghiệp .!!! ),Trung úy Hoài Mơ ... Chúng tôi lại không may vì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam .Pôn Pốt đánh vào Tây Ninh .Chiến tranh đã đến những làng quê hẻo lánh như Sa mát ,Gò dầu …Tiếng súng đã nổ vang khắp miền biên giới ,dân chúng chạy loạn ,cảnh tan tóc điêu tàn lại diễn ra .

Ngày 22/12/1977 Chúng tôi được điều động nhận nhiệm vụ chiến đấu .Tập thể được chuyển quân đến vùng biên giới Hoa lư , Lộc Ninh trên 1 chuyến xe lô bồi ( *** ).Vừa học vừa chiến đấu tập thể lớp y tá chúng tôi với nhiều kỉ niệm : những đêm bốc dỡ đạn ,những chuyến phục vụ tiền phương bị giặc đánh trong những ngày cuối năm 77 ở vùng chiến địa Snoul .Đất nước Kămpuchia đang bị Pôn pốt thống trị …

( Kỳ tới : Trên đường chiến dịch )

Ghi chú :

(* )Kăm pu chia được mệnh danh là xứ Chùa Tháp vì có nhiều đền ,đài ,tháp ; nhất là đền Angkor đã trở thành di sản thế giới .

(**)Thông thường những vị lãnh đạo của chúng ta đều có biệt danh cả như chú Sáu ,chú Mười …bình thường không bao giờ nhắc tên “tộc” của các vị .

(*** )Lowboy ( chàng trai lùn ): Xe đầu kéo của quân đội Mỹ , phía sau kéo thớt đóng thùng ,rất dài dùng để chở hàng hoặc xe ủi ,khẩu pháo ...