Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Ngày thầy thuốc Việt Nam là ngày 27 tháng 2 hàng năm.

Ngày 27.2.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ ngành Y tế và nhắn nhủ trách nhiệm của cán bộ ngành y tế với nội dung “Lương y như từ mẫu”, từ đó, ngày 27.2 đã được chọn làm ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Hàng năm, vào ngày 27.2, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước lại tổ chức các hoạt động kỷ niệm như: gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà... bày tỏ lòng biết ơn đối với các bệnh viện, cơ sở y tế và các thầy thuốc.

Thần y Hải Thượng Lãn Ông.

Mỗi năm, Nhà nước đều xét tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc nhân dân cho những cá nhân có nhiều đóng góp vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Riêng các địa phương trong cả nước cũng có những hoạt động tôn vinh những người thầy thuốc. Hiện nay, 100% số xã, phường trên toàn quốc đã có cán bộ y tế, 69% số xã có bác sĩ và hơn 46% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 25/2008/QĐ/TTs về việc ban hành một số chính sách đối với các tỉnh Tây Nguyên, trong đó tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế thôn bản bằng 50% mức lương cơ bản. Tối 22.2.2009, tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ tiêu biểu và trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần I cho 22 cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác chuyên môn, có sáng kiến cải tiến trong quá trình lao động; có đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá loại khá, hoặc được triển khai thực tiễn năm 2008. Năm 2008, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có 50 thầy thuốc trẻ tiêu biểu được tuyên dương. Trong lịch sử, có một thầy thuốc đã trở thành huyền thoại là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ông từng dạy các học trò: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.

Những điều khắc cốt ghi xương mà vị thần y đã dạy các học trò: Thầy thuốc không được coi nghề nghiệp của mình như là nghề buôn bán. Thầy thuốc không được lợi dụng nghề nghiệp để lừa dối bệnh nhân. Thầy thuốc phải siêng năng lúc nào cũng nghĩ đến giúp người, đừng vì vui chơi mà bỏ dở cấp cứu. Thầy thuốc không được phân biệt đối xử vì bệnh nhân giàu hay nghèo hèn. Người giàu thì thăm trước, người nghèo sau; người giàu bốc thuốc tốt; người nghèo bốc thuốc xấu.