Chùa Hương lần đầu tiên ta đến

Chùa Hương lần đầu tiên ta đến,

(8-10/5/2009)

Lê Trung Tính

Chùa Hương lần đầu tiên ta đến,

Ai trong chúng ta, dù không phải là những người am hiểu hoặc thích thơ ca hay âm nhạc, nhưng khi nghe đến tiếng nhạc-lời ca hay tứ thơ dưới đây, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến vùng đất Phật, gần ngàn năm văn vật, ở phía Bắc quê hương ta:

“Hôm nay đi chùa Hương

Hoa cỏ mờ hơi sương

Cùng thầy me em dậy

Em quấn đầu soi gương”.

(Thơ Nguyễn Nhược Pháp)....

Hoặc

“Hỡi cô con gái hái mơ già.

Cô chửa về ư? đường thì xa

Mà ánh trời hôm dần một tắt

Hay cô ở lại về cùng ta?”...

(Thơ Nguyễn Bính)

Hoặc “Tiếu ngạo giang hồ” hơn:

“Bày đặt kia ai khéo khéo phòm

Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom

Người quen cõi Phật chen chân xọc

Kẻ lạ bầy Tiên mỏi mắt dòm…”

Chính vì lẽ đó nên ai trong chúng ta không mong đến đó một lần. Thế nhưng, công việc hàng ngày thì cứ bộn bề, cuồn cuộn chảy như thời gian qua mau và bản thân tôi đã chục lần đi đi-về về giữa thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội và dù chùa Hương chỉ cách Hà Nội, có khỏang 60 km nhưng lại chưa có dịp một lần đến viếng nơi này!

Thế rồi, tình cờ vào những ngày đầu tháng năm-mưa đổ đầu mùa, theo lời mời của Tổng công ty cơ khí 3/2, cùng đòan các đợn vị vận tải thành phố và các tỉnh bạn tham quan nhà máy ở Hưng Yên, chúng tôi lại có dịp thăm viếng chùa Hương trong mùa Phật Đản 2009.

Giới thiệu một chút về Chùa Hương,

Chùa Hương cách Hà Nội 60 km về phía Tây Nam, bên phải dòng sông Đáy(Là phân lưu và nằm bên hữu ngạn hạ lưu sông Hồng, thuộc miền Bắc Việt Nam, đi qua địa bàn các tỉnh Hòa Bình-Ninh Bình-Hà Nam-Nam Định và TP Hà Nội, có nhiệm vụ rút nước sông Hồng đổ ra vịnh Bắc bộ, dài 240 km; trên sông Đáy có quãng sông gọi là sông Hát hay Hát giang, nơi Hai Bà Trưng tuẫn tiết khi không đánh bại được quân Nam Hán), thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây và nay đã thuộc về Hà Nội(với biệt danh HN2).

2503079.jpg image by hoahong_samac

Tuy gọi là chùa Hương nhưng thực ra đây là một quần thể gồm 18 chùa-đền-hang động có vẻ đẹp kỳ vĩ và mang đậm nét văn hoá Việt Nam. Riêng chùa Hương còn có tên là chùa Hương Tích hoặc chùa Trong và nằm ở trung tâm của khu vực.

Khi nói về chùa Hương, chúng ta cũng cần biết thêm là ở Hà Tĩnh cũng có tên chùa Hương Tích(xã Thiên Lộc-Huyện Can Lộc-tỉnh Hà Tĩnh), được xây dựng trên núi Hồng Lĩnh từ thế kỉ 13-đời Trần(trước cả chùa Hương ở Hà Tây cả 100 năm)tựa mình vào lưng chừng núi Hồng Lĩnh và từ xưa Hương Tích đã nổi tiếng là “Hoan châu đệ nhất danh lam”với bao hình khe-thế núi tuyệt vời(Đến ngày 15/3/2009, đề đáp ứng nhu cầu thưởng ngọan của du khách Tỉnh đã cho xây dựng cáp treo hiện đại theo tiêu chuẩn EU).

Chùa Hương Hà Tây, được mệnh danh là miền đất Phật, vì có nhiều chùa cổ-nhiều hang động kỳ thú; nhưng đồng thời cũng là nơi có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, hội đủ các lọai hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch hang động...

Hàng năm cứ vào mùa Xuân, hội chùa Hương được mở, và thường kéo dài trong hai tháng(từ mùng 6 tháng giêng đến rằm tháng ba âm lịch). Du khách có thể đến chùa Hương bằng nhiều cách, nhưng có lẽ đường thủy là cách thích nhất, và khởi đi từ bến Yến.

Còn truyền thuyết về sự tích chùa Hương thì ở vùng “Linh sơn phúc địa” này, ngay từ thế kỉ đầu tiên đã có cô công chúa Diệu Thiện tục gọi là bà Chúa Ba(nay còn hình thờ trong Chùa) ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, đã đến đây tu hành và đắc đạo và Ngài giáng sinh vào ngày 19/2 Âm lịch(nên ngày hội ngày nay xảy ra trong thời gian này, riêng làng Yến Vĩ hàng năm vào ngày mồng 6 Tết thường làm lễ mở cữa rừng gọi là “Tế Khai Sơn). Còn người phát hiện ra khu Phật tích này là 3 vị hoà thượng từ thời Vua Lê Thánh Tông thế kỉ 16. Việc mở hội có qui mô lớn chỉ áp dụng từ thời vua Thành Thái-1896.

Những nơi đã qua và dấu ấn để lại,

Rời Hà Nội chúng tôi đi qua thị xã Hà Đông(là quê hương của lụa Hà Đông vang danh muôn thuở: “Nắng Sài Gòn Anh đi mà chột mát/Bỡi vì Em mặc áo lụa Hà Đông”, cũng theo lời kể của các cô gái làng Yến Vĩ nghề chính của họ là nuôi tằm dệt tơ, trong đó có loại tơ trắng dành cho lụa Hà Đông), vào thị trấn Vân Đình, tới dốc Thanh Bồ thì rẽ vào Bến Đục(Bến nước trong nhưng không hiểu vì sao họ gọi là Bến Đục? Có thuyết cho rằng trước khi đến chùa Hương Sơn để cầu nguyện trong chúng ta tâm vẫn còn vẩn đục!?).

Đó là lối đi bằng đường bộ, còn đi bằng đường thuỷ chúng ta có thể đến đây bằng cách đi từ cuối tỉnh Hà Nam ngược theo giòngsông Đáy qua thị xã Phủ Lý, ước khoảng hơn một ngày thuyền thì tới Bến Đục, là địa đầu của thắng cảnh chùa Hương, bến Đục thuộc đất làng Đục Khê(nên gọi là Bến Đục?).

Từ bến Đục đi thêm 1km ta mới tới được bến Yến(tên làng và địa hình giống như Yến Vĩ-đuôi con chim Én, một loài chim đẹp báo hiệu mùa Xuân), nếu khách đi bằng đường bộ, chúng ta đi xuyên qua rừng mơ(là con đường mòn mà ngày xưa các tiều phu vào rừng lấy củi hoặc hái thuốc) và đây là dịp chúng ta sẽ hòa mình vào nhiều chùa, hang động, cảnh đẹp; đặc biệt chúng ta có dịp ghé thắp nén nhang cho thi sĩ Tản Đà(một bên núi Tản, một bên sông Đà-Tản Đà) một thi sĩ nổi tiếng đầu nửa thế kỉ 20.

Và khi đi qua rừng mơ, làm sao chúng ta có thể quên được một cách tỏ tình đầy lãng mạn của người xưa, qua bài thơ của Nguyễn Bính:

“Hỡi cô con gái hái mơ già.

Cô chửa về ư? đường thì xa

Mà ánh trời hôm dần một tắt

Hay cô ở lại về cùng ta?

Nhà ta ở dưới gốc cây dương

Cách động Hương Tích nửa dặm đường

Có suối nước trong tuôn róc rách

Có hoa bên suối ngát hương đưa!”

Còn Đoàn chúng tôi chọn đi bằng đường thủy, nghe nói cũng rất hữu tình. Thế là chúng tôi xuống đò. Trước khi đi chúng tôi đã nghe các HDV báo rằng, khi xuống đò chúng ta sẽ có dịp chứng kiến những cô gái làng Yến nhẹ nhàng(nhẹ nhàng thật nhưng chuyến đi của chúng tôi lại gặp người đẹp Lan-chiếc đò thứ hai, ảnh bên cạnh thật không nhẹ chút nào, vì ghen tị với cô Lan HDV nên suốt hành trình chúng tôi được nghe những câu chuyện thật lý thú) đưa đò trôi lờ lững theo dòng suối Yến(chính là một nhánh của sông Đáy), bằng đôi tay yếu ớt của mình; còn chúng ta có dịp đưa mắt nhìn phong cảnh hai bên bờ súôi, vừa nghe tiếng róc rách của nước dưới mạn thuyền, vừa có dịp phóng tầm mắt nhìn nước biếc, non xanh!

Bước đầu tiên, đò chúng tôi dừng khoảng 20’ ở khu đền Trình, để du khách vào làm lễ trình diện với các sơn thần, với một dũng tướng của vua Hùng được phân công cai quản vùng đất thiêng liêng này.

Sau khi rời khỏi đền Trình, chúng tôi nhìn thấy ngay núi ngũ nhạc ở phía bên tay phải, đồng thời đi tiếp một đoạn vơi cảnh sơn thuỷ hữu tình, chúng tôi chợt nhớ đến những câu thơ mà Chu Mạnh Trinh đến đây đã mô tả:

“Bầu trời cảnh bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay

Kìa non non-nước nước-mây mây

“Đệ nhất động” hỏi là đây có phải?”

Tiếp theo, chúng tôi đến được cửa hang với 4 chữ Hán:“Sơn Thuỷ hữu tình”thực ra là “Sơn kỳ thuỷ tú” là dấu tích của Tĩnh Vương Trịnh Sâm ghi lại ở phía bên phải(Còn nghe HDV giải thích là có cả phần giường bằng đá dành cho Chúa “lung bệnh”); còn ở phía bên trái đối lại là chùa Tuyết Sơn, chỉ dành cho các ni cô tu nên người ta gọi là “Sơn Thuỷ thất tình”, thú vị chưa các bạn?

Dọc theo 2 bờ suối Yến, qua thuyết minh chúng tôi thấy ngừơi xưa nói chung hoặc cư dân ở đây nói riêng, có đầu óc tưởng tượng khá phong phú là tên các núi được đặt theo dáng núi, nào là: núi Ngũ Nhạc (có hình năm trái chuông), núi Đụn(như một đụn thóc), núi Voi(hình con voi), núi Lân(hình con kỳ lân), núi Qui(hình con rùa), núi thuyền rồng, núi Phượng Hòang ở hai bên suối Tuyết(con suối dẫn vào chùa Tuyết Sơn), núi mâm xôi, núi Trống, núi Chiêng, núi ông Sư, núi bà Vãi...

Rồi khách lại tiếp tục xuôi đò, theo dòng suối uốn lượn quanh co, qua hang Bà, cầu Hội, cảnh đẹp như tranh thủy mạc, với cỏ-cây-hoa-lá đung đưa trước gió Xuân thật lãng mạn.

Trên đường đi chúng tôi còn được HDV Lan cho biết một số sự tích liên quan đến việc đặt tên các sự vật ở đây như:

- Cầu Hội, là cây cầu nhỏ bắt qua suối Yến, nối hai làng Hội Xá và làng Đục Khuê , thể hiện sự hợp tác giữa 3 làng với nhau vì thắng cảnh chùa Hương! đồng thời cây cầu này cũng giúp cảnh nên đẹp hơn như nữ sĩ Hằng Phương khi qua đây đã viết:

“Mây luồn đáy nước qua cầu

Thuyền đi tưởng núi quay đầu trông theo”.

- Núi Voi, là núi duy nhất trong 100 ngọn núi ở đây không quay đầu vào chầu chùa Hương nên đã bị Đức Phật giận quá tuốt gươm phạt, vạt mất một mảng mông!

- Núi “Con trăn” là nơi “Đổi chèo” tức cách bến chừng nửa đoạn sông(2,3 km) là dịp người chèo đò được đổi ca, đặc biệt là đối với những ai có sức khoẻ để gánh trách nhiệm thay cho phái nữ yếu đuối mỏi tay chèo, nên ca dao mới có câu:

“Ai sinh ra núi Con Trăn

Để cho con cháu băn khoăn đổi chèo”.

Chỉ tiếc một điều là nếu chúng tôi mà “đổi chèo” thì chắc thuyền sẽ quay ngược về bến Yến mất thôi!

Nhà Anh công nợ mấy năm

Sao Anh kéo lưới quanh năm đủ đời!

Thương thay thân phận chú rùa

Trên Chùa đôi đá dưới chủa đội bia

Chùa Thiên Trù,

Cuối cùng, sau gần một tiếng đồng hồ thả hồn theo mây nước, đò chúng tôi cũng cập bến cho du khách tham quan chùa Thiên Trù(còn có tên gọi khác là chùa Ngòai, chùa Trò, được coi là bếp nhà Trời vì theo ngữ nghĩa hán tự Thiên(Trời), Trù(bếp), nhờ vào ba ngọn núi chụm lại ở nơi này hình thành một khoản không ở giữa như bếp Trời!).

Ở chùa Thiên Trù, ngoài nội dung chính là viếng ngôi chùa, một kiến trúc cổ khác rất đáng lưu ý là tòa “Viên Công bảo tháp” nơi lưu giữ xá lợi của tổ Viên Quang, người có công kiến tạo lại chùa Hương sau nhiều năm bỏ hoang phế. Đó là một kiến trúc đặc sắc thời Hậu Lê được xây bằng gạch tốt màu đỏ hồng, để lộ thiên, kết hợp được cả hai phong cách kiến trúc vừa hiện đại,vừa mang tính truyền thống.

Chúng tôi tham quan phía bên trái, có các bảo tháp thờ các vị hoà thượng trụ trì nơi đây khi viên tịch, có những cây nhãn 197 tuổi, cây thị 275 tuổi, vườn si cổ-ở đó có con đường nhỏ dẫn lên một chiếc am nhỏ, dành cho những vị sư vi phạm trong quá trình tu hành(mà Anh em gọi vui là: lối nhỏ là lối an tòan, ở ngay trong con đường to, có một lối nhỏ đi vào, trong đường vào lối nhỏ, lại gặp một ngôi nhà to to và đặc biệt là trong nhà to to kia, lại có cô gái nho nhỏ, đang chờ ta ở đó, Thật tuyệt vời phải không các bạn?) lên đây tự ăn năn sám hối(chuộc lỗi).

Ngay bên phải chùa Thiên Trù là động Tiên Sơn, với nhiều nhủ đá trên vách và 5 pho tượng đá. Nơi đây còn có hồ bán nguyệt, nuôi cá-thả hoa sen... Quanh chùa Thiên Trù là núi cao và hàng trăm ngọn tháp(?).

Nói chung, chùa Hương không chỉ hấp dẫn khách ở vẻ đẹp thiên tạo mà còn lưu giữ những dấu tích văn hóa của nhiều giai đọan lịch sử, một trong những cổ vật ghi niên đại sớm nhất ở Hương Sơn là:“Bảo đài Hương Sơn Tích Đại Hồng chung”, với chiều cao 1,24m, đường kính 0,63m; thân chuông có 8 núm lồi chìa ra 4 góc, mỗi góc có hai núm, xung quanh mỗi vú là những chấm tròn tạo nên sự khác biệt so với chuông cùng thời.Đây là quả chuông có niên đại Cảnh Hùng thứ 7(tức năm 1766) một quả chuông khác nhỏ hơn đúc từ thời Tây Sơn(tức năm 1793) treo ở nhà Tổ chùa Thiên Trù.

Núi Hương Sơn có cách nay khỏang 200 triệu năm nhưng theo truyền thuyết và ngọc phả còn lưu lại ở đây thì động Hương Tích chỉ ra đời cách nay khỏang 2.000 năm.

Ngòai ra, ở đây còn có những lọai bia đá như lọai tứ trụ, lục trụ và bia ma nhai(lọai bia mài khắc lên đá) trong đó, có bia đá có niên đại sớm nhất là “Thiên Trù tự bi ký” hiện dựng ở nhà bia trên đường vào trên đường từ bến Thiên Trù vào chùa, đây là bia đá có niên hiệu Chính Hòa thứ 7(1688) khắc đẽo rất công phu trên các con vật như voi-trâu-vịt-cua...khỏe khoắn và bay bướm.

Động Hương Tích,

Tiếp tục chúng tôi đi sâu vào bên trong, nơi có động Hương Tích cổ kính, từng được chúa Trịnh Sâm-thế kỉ 18, tôn vinh là “Nam thiên đệ nhất động”! Do không nhiều thời gian cũng như không đủ sức lực nên chúng tôi phải dùng cáp treo(nghe nói đây là công trình do Thứ trưởng Bùi Văn Sướng tư vấn khi chef đã về hưu).

Trong động Hương Tích(Từ tích Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân thành công chúa Diệu Thiện và tu ở đây 9 năm, sau đó thành chánh quả-Hương tích có nghĩa là dấu vết thơm tho), sau khi xuống gần hàng trăm bậc thang đá(120 bậc) trơn trợt do trời mưa lâm râm, chúng tôi bắt gặp ngay “Đụn gạo” và theo thuyết phong thuỷ, người ta cho rằng: Động Hương Tích là con rồng Chúa đang há miệng vờn ngọc; phía bên trái có bút tích của chúa Trịnh Sâm viết năm 1770: “Nam Thiên đệ nhất động”; tiếp tục đi sâu vào bên trong, chúng tối thấy có lối lên Trời, có lối xuống Âm phủ, núi Cô, núi Cậu, cây Vàng, cây Bạc, nong tằm, né kén…

Ngòai hai cảnh vật chính là chùa Hưong và động Hương Tích, nơi đây còn hội tụ các cảnh đẹp khác như: chùa giải Oan, chùa Cữa Võng, am Phật Tích, động Tuyết Kình... với chim kêu-vựơn hót-tiếng suối róc rách như một bản hòa âm diền dã, thật tuyệt vời!

Động Hương Tích gắn với bao thi nhân, nhân vật lịch sử như Trịnh Sâm,Cao Bá Quát,Chu Mạnh Trinh,Xuân Diệu...

Các bệ đá đặt trước điện thờ Phật ở động Hương Tích mang tính nghệ thuật cao thời Lê-Trịnh chạm nổi hình người ở tư thế ngồi đóng khố để trần đầu và hai tay nâng phần trên của bệ Phật tương tự như bệ đá thời Lý-Trần.

Rau sắng chùa Hương,

Rau đắng là loại rau với lá non, đọt mầm hoặc chùm hoa lấy từ cây sắng.

Chưa đến chùa Hương và đặc biệt là đối với những ai ở miền Trung hoặc miền Nam, khi nghe đến rau đắng, chúng ta cứ ngỡ là rau lấy tư hoa hoặc lá gì của loại củ sắn(thường dùng ăn sống cho mát hoặc xào với thịt bò để ăn bún bò)nhưng khi đến tại quê hương của rau sắng, chúng ta thấy rằng đây là một loại rau thân mộc, có thể cao trên 10m và thân có đường kính từ 20-30cm(khác với các loại rau khác là thân thảo).

Cây rau sắng có rất nhiều tên gọi khác nhau tuỳ theo dân tộc.Tiếng Việt thường gọi là cây mì chính hoặc cây rau ngót rừng, tiếng Dao gọi là cây lai cam, tiếng Mường gọi là tắt sắng, tiếng Tày-Thái gọi là pắc-van và tất cả đều có nghĩa là rau ngọt.

Đặc điểm của loại cây này giống như cây đu đủ là cả cây đực hoặc cây cái đều ra hoa, nhưng chỉ có hoa cái mới kết thành quả.

Nói về rau sắng, chắc chúng ta ai đến chùa Hương đều được các cô gái lái đò làng Yến Vĩ giới thiệu về đặc sản này qua câu ca dao:

“Muốn cho da trắng tóc dài(hoặc má hồng)

Phải ăn rau đắng củ mài chùa Hương

hoặc chúng ta thường biết về 4 câu thơ của thi sĩ Tản Đà:

“Muốn ăn sau sắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa

Mình đi ta ở lại nhà

Cái dưa thì khú cái cà thì thâm”

nhưng ít ai biết rằng: ngay sau khi tin này được phổ biến trên báo chí thời bấy giờ, đã có người đáp lễ mong muốn ấy của Ông:

“Kính dâng rau sắng chùa Hương

Tiền đò đỡ tốn con đường đỡ xa

Không đi thì gửi lại nhà

Thay cho dưa khú cùng là cà thâm”

Và thế là thi sĩ đành phải ngỏ lời tri ân:

“Mấy lời cảm tạ tri âm

Đồng bang là nghĩa đồng tâm là tình

Đường xa rau vẫn còn xanh

Tấm lòng thơm thảo bát canh ngọt ngào

Yêu nhau xa cách càng yêu

Dẫu rằng suông nhạt càng nhiều chứa chan

Nước non khắp nẻo ngư nhàn

Tạ lòng xin mượn thế gian đưa tình”

Từ câu rau sắng chùa Hương phía Bắc, tôi lại nghĩ đến cây rau ngót miền Nam(còn gọi là bồ ngót, bù ngót) cũng tuyệt vời chẳng kém, thế nhưng sao lại chẳng nổi tiếng bằng nhỉ?

Rau ngót miền Nam,thuộc lọai thân thảo nhưng lá xanh um và vị ngọt khi nấu canh(với giò heo hoặc thịt nạt bằm hay chỉ nêm một chút muối nó vẫn ngọt như thường) lại chẳng kém, ngòai là món ăn khóai khẩu thì rau ngót còn là một số vị thuốc như:giúp cân bằng thân nhiệt, trị chứng nước tiểu vàng, trị bệnh tua lưỡi cho trẻ và cả cho người lớn,chữa sót nhau cho phụ nữ... đúng là thiên nhiên khá công bằng: không cho bù ngót thì bù cây sắng hay ngược lại!

Củ mài,

Đó là một loại cây leo, nhẵn, thuộc loại cây ăn củ thuộc họ củ nâu, gồm có các loại tương tự nhau như: khoai mỡ/củ từ/củ mài/củ nâu…Củ mài khi dùng làm thuốc gọi là hoài sơn hoặc sơn dược.Nó được dùng chữa các chứng bệnh như tiêu khát(tiểu đường), tiêu chảy, bồi dưỡng cơ thể suy nhược…Khi dùng để ăn nó được dùng dưới hình thức luộc-xào-nấu canh, nấu chè …

Mơ,

Đặc sản thứ ba của chùa Hương là trái mơ, đây là một loại cây đặc biệt, có bộ rễ khoẻ, ăn sâu vào lòng đất, có thể len lỏi vào các nơi đất đá khô cằn.

“Mớ rau sắng quả mơ non

Mơ chua sắng ngọt biết còn thương chăng?”

Hàng năm sau tiết đông chí, mơ bắt dầu nở hoa trắng cả suối rừng và toả hương thơm dịu.

Cây mơ trồng rất lâu, đến 10 năm mới ra trái, nhưng nó có thể sống đến 50 năm. Hái quả cũng rất công phu vì phải tránh rụng lá-gãy cành, trái mơ có thể làm rượu, nấu chè; gỗ mơ có thể dùng nấu nước uống giải khát và thường đựơc gọi là nước lão mai, màu hồng đỏ và mát. Mơ chùa Hưong còn có đặc biệt là nhờ có chất đá vôi nên có hương vị lạ: chua mà không gắt.

Cả ba đặc sản này đều có bán dọc theo các con đường tham quan, đặc biệt là món củ mài nóng hổi vừa thổi vừa ăn!

Kết thúc cuộc hành trình,

Thế rồi ngày vui qua mau, buổi chiều ở chùa Hương về chúng tôi lại ra sân bay để về thành phố, bỏ lỡ chuyến thăm khu “Hà Nội thu nhỏ” mà bạn Đào Anh giới thiệu nghe rất thú vị.

Quay về thành phố chúng tôi thầm cám ơn cá anh Hồng, Anh Mai lãnh đạo công ty 3/2 và tất cả các bạn Dũng- đã dành thời gian hai ngày nghỉ của mình cho Đoàn chúng tôi được đi đây đó thõa lòng ao ước của người miền Nam ra thăm đất Bắc.

Chưa đến chùa Hương thì ai cũng ao ước mong sao đến đó một lần. Đến rồi nghĩ lại thì:

“Không đi không biết chùa Hương

Có đi mới biết thấy thương cặp giò!”

Cũng như rất tiếc là một khu di tích lịch sử và một danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thế nhưng các nhà tổ chức và quản lý ở đây chưa có những đầu tư và chăm sóc tương xứng! Chỉ xét trên bình diện môi trường và cảnh quang thôi, chúng ta đã thất vọng; còn đi sâu hơn như xem xét đến cách quảng bá du lịch và giới thiệu lịch sử về quần thể này lại càng thiếu thốn.

Chia tay chùa Hương, chúng ta luôn nhớ về ca khúc “Hôm qua em đi chùa hương” của nhạc sĩ Trung Đức phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp, tuy ra đời sau bản nhạc phổ thơ của Trần Văn Khê, nhưng đã vượt thời gian và trở thành bất tử và chúng ta cũng không thể nào quên một thiên tài bạc mệnh:Nguyễn Nhược Pháp (Con ông Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà báo xuấtsắc ở miền Bắc-Nguyễn Văn Vĩnh xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, từ Hà Tây lên Hà Nội kiếm ăn, nhưng đã có chí học hành sau làm thông ngôn cho Pháp, nhưng sau khi tham dự hội nghị Marseille ở Pháp về, đặc biệt là sau khi tham quan nhà xuất bản Hachette và tòa soạn sách tự điển Larousse, ông đã xin thôi làm quan, chuyển sang làm báo, làm chủ bút của Đông dương tạp chí, L’Annam Nouveaux, Đăng Cổ Tùng báo(tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Miền Bắc) với bút hiệu Tân Nam Tử(người nam mới) để suốt đời phụng sự cho sự nghiệp chiếc cầu nối cho sự nghiệp Đông-Tây.

Ông đã có những bài dịch từ Việt sang Pháp như truyện Kiều, Hán sang Pháp như Tiền, hậu Xích Bích; Pháp sang Việt như ba chàng ngự lâm pháo thủ, Những người khốn khổ hoặc truyên ngụ ngôn của La Fontain mà thời trai trẻ ai trong chúng ta không thuộc nằm lòng như bài Con ve và cái kiến(La Cigale et La fourmi) theo kiểu “dĩ vật giáo nhân”: “Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè/ Đến kỳ gió bấc thổi/nguồn cơn thật bối rối/ Một miếng cơm chẳng còn”…hoặc đọan đối đáp thật tuyệt vời…”Nắng ráo chú làm gì, kiến hỏi ve như vậy?/ Ve rằng luôn đêm ngày tôi hát, thiệt gì bác?/ Kiến rằng:Xưa chú hát/nay thử múa coi đây!”).

Ông sinh ngày12/12/1914, quê ở làng Phượng Vũ-Phú Xuyên-Hà Tây; Ông bắt đầu viết báo-làm thơ-viết truyện ngắn từ năm 18 tuổi, nhưng cuộc đời ông rất ngắn ngủi, ông mất lúc 24 tuổi và ông làm bài thơ Chùa Hương vào năm 20 tuổi, trong bài thơ Chùa Hương ông đã thể hiện tình cảm của mình với cô bé 15 tuổi thanh tao đến thánh thiện, đằm thắm mà không ủy mị, nồng cháy mà vẫn thanh lịch, trữ tình mà tinh tế, nên đã được hai nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh-Hoài Chân đánh giá một cách trân trọng:

“Với vài ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một một thời xưa. Thơ Ông đậm đà những nét phong tục xưa, những nếp văn hóa truyền thống được thể hiện qua những nét tinh tế mang đậm bản sắc dân tộc nhưng không thể thấy dấu tích một nhà thơ xưa nào. Ông mất năm 24 tuổi, tấm lòng trắng trinh như hồi còn thơ”.

Chia tay Chùa Hương, Đoàn chúng tôi chắc cũng giống như nhà thơ Yến Lan-Bình Định quê tôi, đã từng đến đây:

“Hương Tích ơi ta còn đến nữa

Như hoa mơ lại đến với mùa mơ

Nâng cuộc đời đẹp hơn những ước mơ!”

Còn bây giờ an toàn trở về nhà, chuẩn bị cho ngày mai quay về với công việc bộn bề, chúng tôi tự kiểm tra mình theo tư duy Nguyễn Bính ngày nào:

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua Ta đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều!”

(Bài ngợi ca quê hương của Nguyễn Bính “Chân quê-1936”).

Phụ lục I

Đi Chơi Chùa Hương

Sáng tác: Trần Văn Khê

Ca sĩ: Ý lan

Thơ: Nguyễn Nhược Pháp

Hôm nay đi chùa Hương,

Hoa cỏ mờ hơi sương.

Cùng thầy me em dậy,

Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ đuôi gà cao!

Lưng đeo dải yếm đào!

Quần lĩnh, áo the mới!

Tay cầm nón quai thao.

Me cười: “Thầy nó trông!

Me cười: Thầy nó trông!

Chân đi đôi giép cong.

Con tôi xinh xinh quá! Xinh quá!

Bao giờ cô lấy chồng?”

- Em tuy mới mười lăm,

Mà đã lắm người thăm.

Nhờ mối mai đưa tiếng,

Khen em đẹp như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,

Vì thầy bảo người mai.

Rằng em còn bé lắm,

Ý đợi người tài trai.

Em đi cùng với me,

Me em ngồi cáng tre.

Thầy theo sau cưỡi ngựa,

Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò.

Thuyền mấp mênh

mấp mênh bên bờ ( ơ hơ hớ)

Em nhìn sông nước chảy,

Ðưa cánh buồm lô nhô.

NÓI:

Mơ xa lại nghĩ gần.

Ðời mấy kẻ tri âm?

Thuyền nan vừa lẹ bước,

Em thấy một văn nhân …

Người đâu thanh lạ thường!

Tướng mạo trông phi thường

Lưng cao dài, trán rộng

Hỏi ai nhìn (mà) không thương?

HÁT:

Chàng ngồi bên me em

Me hỏi chuyện làm quen:

“Thưa thầy, Thầy đi chùa ạ!

Thuyền đông, ứ! giời ôi chen!”

Chàng thưa vâng thuyền đông,

Rồi ngắm trời mênh mông,

Xa xa mờ núi biếc,

Phơn phớt áng mây hồng.

Giòng sông nước đục lờ

Ngâm nga chàng đọc thơ!

Thầy khen hay. Hay quá! Hay quá!

Em nghe rồi ngẩn ngơ!

Thuyền đi. Thuyền đi

Thuyền đi bến Ðục qua.

Mỗi lúc gặp người ra,

Thẹn thùng em không nói:

“Nam mô A–di–đà!”

Réo rắt suối đưa quanh,

Ven bờ ngọn núi xanh,

Nhịp cầu xa nho nhỏ!

Cảnh đẹp gần như tranh.

NÓI:

Sau núi Oản, Gà, Xôi

Bao nhiêu con khỉ ngồi

Tới núi Con Voi Phục

Có đủ cả đầu đuôi

Chùa lấp sau rừng cây

Thuyền ta đi một ngày

Qua cửa chùa em thấy

Hơn một trăm ăn mày

Em đi, chàng theo sau

Em đi chàng theo sau

Em không dám đi mau,

Ngại chàng chê hấp tấp

Số gian nan không giàu.

HÁT:

Thầy me đến điện thờ

Trầm hương khói tỏa mờ

Hương như là sao lạc

Lớp sóng người lô nhô

Chen vào thật lắm công

Thầy me em lễ xong

Quay về nhà ngang bảo:

“Mai ta vào chùa trong”

Chàng hai má đỏ bừng

Kêu với thằng tiểu đồng

Mang túi thơ bầu rượu:

“Mai ta vào chùa trong”

Ðêm hôm ấy em mừng!

Mùi trầm hương bay lừng

Em nằm nghe tiếng mõ

Rồi chim kêu trong rừng.

NÓI:

Em mơ, em yêu đời

Mơ nhiều …viết thế thôi

Kẻo ai mà trông thấy

Nhìn em đến nực cười

HÁT:

Em chưa tỉnh giấc nồng

Mà mây núi đã pha hồng

Thầy me em sắp sửa

Vàng hương vào chùa trong

Ðường mây đá cheo leo

Hoa đỏ, tím, vàng leo

Vì thương me quá mệt

Cho nên. Săn sóc chàng đi theo

Me bảo: “Ðường thì còn lâu

Cứ vừa đi ta cầu

Quan-thế-âm Bồ-tát

Là tha hồ ta đi mau”

NÓI:

Em ư? Em không cầu,

Ðường vẫn thấy đi mau

Chàng cũng cho như thế

Ra ta hợp tâm đầu

HÁT:

Khi qua chùa Giải Oan

Trông thấy bức tường ngang,

Chàng đưa tay lẹ bút

Thảo bài thơ liên hoàn

Tấm tắc thầy khen hay

Chữ đẹp như rồng bay

Bài thơ này em nhớ

Nên chả chép vào đây

Ôi! Chùa trong đây rồi!

Ðộng thấp bóng xanh ngời

Ðá rêu trần thạch nhũ

Ðộng nhuốm hương trầm rơi

Me vui mừng hả hê!

“Tặc! Con đường dài ghê!”

Thầy kêu: “ Mau lên nhé,

Chiều hôm nay ta về”

NGÂM:

“Chiều hôm nay ta về”

Em nghe bỗng rụng rời!

Nhìn ai luống nghẹn lời!

Ngày vui đời có vậy,

Thoáng ngày vui qua rồi!

Phụ lục II

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp

Hôm nay đi Chùa Hương,

Hoa cỏ mờ hơi sương.

Cùng thầy me em dậy,

Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,

Em đeo giải yếm đào;

Quần lĩnh, áo the mới,

Tay cầm nón quai thao.

Me cười: “Thầy nó trông!

Chân đi đôi dép cong,

Con tôi xinh xinh quá!

Bao giờ cô lấy chồng?”

Em tuy mới mười lăm

Mà đã lắm người thăm,

Nhờ mối mai đưa tiếng,

Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,

Vì thầy bảo người mai

Rằng em còn bé lắm!

(Ý đợi người tài trai.)

Em đi cùng với me.

Me em ngồi cáng tre,

Thầy theo sau cưỡi ngựa,

Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò,

Thuyền mấp mênh bên bờ.

Em nhìn sông nước chảy

Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần,

Đời mấy kẻ tri âm?

Thuyền nan vừa lẹ bước,

Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ thường!

Tướng mạo trông phi thường.

Lưng cao dài, trán rộng.

Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em,

Me hỏi chuyện làm quen:

“Thưa thầy đi chùa ạ?

Thuyền đông, trời ôi, chen!”

Chàng thưa: “Vâng thuyền đông!”

Rồi ngắm trời mênh mông,

Xa xa mờ núi biếc,

Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.

Ngâm nga chàng đọc thơ.

Thầy khen: “Hay! Hay quá!”

Em nghe rồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi, Bến Đục qua.

Mỗi lúc gặp người ra,

Thẹn thùng em không nói:

“Nam Mô A Di Đà!”

Thầy me đến điện thờ,

Trầm hương khói tỏa mờ.

Hương như là sao lạc,

Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.

Thầy me em lễ xong,

Quay về nhà ngang bảo:

“Mai mới vào chùa trong.”

Chàng hai má đỏ hồng

Kêu với thằng tiểu đồng

Mang túi thơ bầu rượu:

“Mai ta vào chùa trong!”

Đêm hôm ấy em mừng.

Mùi trầm hương bay lừng.

Em nằm nghe tiếng mõ,

Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời!

Mơ nhiều... Viết thế thôi!

Kẻo ai mà xem thấy,

Nhìn em đến nực cười!

Em chưa tỉnh giấc nồng,

Mây núi đã pha hồng.

Thầy me em sắp sửa

Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo veo,

Hoa đỏ, tím, vàng leo.

Vì thương me quá mệt,

Săn sóc chàng đi theo.

Me bảo: “Đường còn lâu,

Cứ vừa đi ta cầu

Quán Thế Âm Bồ Tát

Là tha hồ đi mau!”

Em ư? Em không cầu,

Đường vẫn thấy đi mau.

Chàng cũng cho như thế.

(Ra ta hợp tâm đầu.)

Khi qua chùa Giải Oan,

Trông thấy bức tường ngang,

Chàng đưa tay lẹ bút

Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen: “Hay!

Chữ đẹp như rồng bay.”

(Bài thơ này em nhớ,

Nên chả chép vào đây.)

Ô! Chùa trong đây rồi!

Động thắm bóng xanh ngời.

Gấm thêu trần thạch nhũ,

Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Me vui mừng hả hê:

“Tặc! Con đường mà ghê!”

Thầy kêu: “Mau lên nhé!

Chiều hôm nay ta về.”

Em nghe bỗng rụng rời

Nhìn ai luống nghẹn lời!

Giờ vui đời có vậy,

Thoảng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây,

Em nghe tà áo bay,

Em tìm hơi chàng thở.

Chàng ôi, chàng có hay?

Đường đây kia lên trời,

Ta bước tựa vai cười.

Yêu nhau, yêu nhau mãi!

Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng,

Say trong giấc mơ màng,

Em cầu xin Trời Phật

Sao cho em lấy chàng

Version