Thuốc và Thơ

Anh Nhật-Tấn Thân !

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam ( 27/2 ) , Hòa xin gửi đến anh Nhật-Tấn và trang Quân-Y 302 bài viết Thuốc và Thơ để "Giúp Vui Văn Nghệ" nhé !!

Chúc anh Nhật-Tấn và trang Web Quân-Y 302, ngày càng phát triển.

Nguyễn Đức Hòa

Thay mặt nhóm Quân y 302 xin cảm ơn anh Hòa rất nhiều ,anh đã gửi bài này để góp vào trang của chúng ta .

Có một câu chuyện nhiều người biết, nhưng trong câu chuyện đó có một bài thơ, lại ít người biết. Nhân ngày thầy thuốc VN năm nay, bèn sực nhớ lại rằng:

Xưa có một gia đình làm nghề thầy thuốc, trải qua tám đời đều xứng bậc lương y, giúp đỡ dân chúng trong vùng được nhiều ân đức.

Đến người con trai đời thứ 9 thì không làm thuốc nữa (chắc tay này mải lo hội nhập nên không nối nghiệp tổ tiên). Mặc dù không làm thuốc, nhưng sách thuốc tám đời ông cha để lại rất nhiều. Do vậy, một vài trường hợp bệnh vặt thông thường anh này đọc sách nên biết cách chữa, và cũng thường chữa cho người nhà hoặc bà con quanh xóm, nếu có ai tới hỏi ví dụ các bệnh cảm mạo, đau đầu, ho gà uống thuốc gì chẳng hạn, anh từ tốn lấy sách ra tra cứu, xong rồi chép toa cho người ta đi mua về tự uống.

Ấy cũng là việc tốt, giúp đỡ dân nghèo.

Một hôm nọ, có anh nhà gần xóm chạy sang hỏi anh nhà thầy thuốc đời thứ 9 rằng: "Cha tôi đang đau bụng dữ dội, nhờ anh coi sách xem uống thuốc gì thì khỏi". Anh chàng làm thuốc bèn lấy sách ra tra, thấy mục đau bụng có ghi toa: "Phúc thống phục nhân sâm" (đau bụng uống nhân sâm), anh bèn kêu người hỏi bệnh "về mua 3 lạng nhân sâm sắc cho ông già anh uống". Anh kia làm theo, mua nhân sâm loại tốt về sắc cho cha uống, uống xong, người cha bèn chết!

Nghĩ chắc cha mình bị bệnh nặng không qua hỏi, người con cũng không thắc mắc gì về việc anh chàng kia cho thuốc. Tuy nhiên, trong làng có người thọc gậy bánh xe, nói rằng "tại cái ông kia làm thuốc sai, nên cha mày mới chết, chứ đau bụng ai lại đi uống nhân sâm". Nghe thế, anh con trai người chết bèn lên báo quan, nhờ phân xử thiệt hơn, để khỏi băn khoăn là cha mình chết do uống thuốc sai hay do bệnh nguy kịch không qua khỏi.

Quan triệu anh chàng đời thứ 9 của dòng họ làm thuốc lên xét hỏi: có cơ sở bằng cấp học vị hay tài liệu gì để cho anh làm thuốc? Anh này thưa: Dạ, con không làm nghề thuốc, con chỉ có sách thuốc, ai bị bệnh gì nhờ con coi giùm uống thuốc nào thì con coi giúp thôi, làm không lấy tiền, không bán thuốc kiếm lời chi cả…

Quan hỏi: Vậy vụ vừa qua, đau bụng uống nhân sâm, sách nào viết thế?

Anh này trình sách lên, viên quan lật ra trang "đau bụng" mà anh kia đã y cứ để cho thuốc, thấy dòng chữ "phúc thống phục nhân sâm" viết ở cuối trang mà chưa chấm câu, vị quan bèn lật tiếp trang sau (cái lật trang trị giá một mạng người) thì thấy còn hai chữ "tắc tử" (tất chết) nữa mới hết câu. Hóa ra trang sách chỗ ấy ghi câu này để lưu ý rằng: "đau bụng uống nhân sâm tất chết". Anh chàng mải lo hội nhập kia đọc chưa hết câu đã vội cho toa, thành ra xúi người bệnh uống ngay món thuốc cấm kỵ.

Nhưng vị quan xét kỹ, thấy anh này xuất phát từ ý tốt, chỉ do không đọc kỹ nên gây chết người, tội này quy ra là ngộ sát, quan bắt phạt anh ta ngoài khoản tiền mấy trăm quan đền mạng, còn phải lo liệu toàn bộ đám tang cho nhà người chết.

Đau đớn quay về, anh chàng làm thuốc kia huy động cả nhà, gồm vợ con dâu rể đều đến nhà ông hàng xóm xấu số phục vụ đám tang.

Trong khi vợ con bận rộn chuyện ma chay cho nhà người, ông này cám cảnh quá bèn buột miệng:

Ngô gia bát đại cát lương y (nhà ta tám đời đều làm thầy thuốc giỏi), chắc ý ông

muốn nói rằng tại vì mình nông nổi coi sách không kỹ mà làm ra chết người, tổn hại âm đức của tổ tiên.. vân vân…. Thì bà vợ thực tế hơn, đọc tiếp theo:

Thê tử hà do thậm khổ chi (Cớ sao vợ con ông lại khổ thế này), ý nói cũng do ông này bày đặt làm thuốc, để mắc lỗi sai, thành ra vợ con bị phạt vạ lây, khốn khổ đến thế này.

Đến lúc khiêng quan tài, người con trai lại than:

Cánh thán trọng bì gia trọng nhục (Than ôi đã nặng vì mập lại nặng vì cao lớn nữa), tức người chết thuộc vóc dáng lớn con, người nông dân thuở xưa hay lam hay làm chắc cơ thể lực điền là điều thường gặp. Đến đó thì người con dâu đọc tiếp:

Tùng tư vi xú mạc vi phì (Lần sau chữa người ốm, đừng chữa người mập), tức đứa con dâu muốn nhắn với cha chồng rằng: cha có làm thuốc nữa, thì cũng mạnh dạn chọn người ốm ốm mà chữa, chứ chọn người mập thế này, đến khi khiêng đi đưa ma, nặng quá.

Đám tang khiêng đến đoạn đường làng quanh co ngập nước, người con gái lại đọc tiếp:

Khúc cù nê trạch nan di chuyển (đường quanh ngập bùn khó di chuyển), thì người con rể đọc luôn:

Trực lộ bình san dị thích nghi (đường thẳng đất bằng dễ khiêng hơn), ý hai đứa con này muốn nhắn người cha rằng lần sau có làm thuốc cho nhà nào, cũng nên cân nhắc chọn nhà nào ở mặt tiền, đường thẳng đất bằng mà cho thuốc, có mệnh hệ gì con cháu khiêng đám tang dễ đi chút ít.

Đến đây thì ông con trai người chết ôm lấy quan tài mà khóc:

Tá vấn kỷ thời tương kiến phụ (Thử hỏi bao giờ mới gặp lại cha), anh này thương cha quá, lại giận vì chính anh ta đi xin toa, mua thuốc, rồi sắc cho cha uống, để rồi hôm nay cha con ly biệt sanh tử thế này, than ôi, cha ơi cha, bao giờ con mới gặp lại cha đây. Bất đồ, vị quan đi giám sát công tác thi hành án của anh chàng làm thuốc kia (coi xem anh này có chấp hành tổ chức đám tang đàng hoàng tử tế không) nghe anh này khóc thế, bèn đọc tiếp một câu:

Nhất triêu nhữ ẩm dược ông y (Cứ uống thuốc của ông này nè), tức là vị quan đáp lời anh con trai người chết: sao lại băn khoăn chuyện bao giờ mới gặp lại cha, nếu muốn gặp lại cha phỏng có khó gì, cứ mạnh dạn đến kêu ông này làm thuốc, là thế nào cha con cũng gặp lại nhau.

Than ôi, phần hay nhất của câu chuyện này nằm ở chỗ sự ra đời của một bài thơ:

Ngô gia bát đại cát lương y

Thê tử hà do thậm khổ chi

Cánh thán trọng bì gia trọng nhục

Tùng tư vi xú mạc vi phì

Khúc cù nê trạch nan di chuyển

Trực lộ bình san dị thích nghi

Tá vấn kỷ thời tương kiến phụ

Nhất triêu nhữ ẩm dược ông y.

Nhưng trong thiên hạ đã mấy người đọc hết câu chuyện này? Hay chỉ đọc đến chỗ vị quan lật qua trang sách sau, thấy hai chữ "tắc tử" thì hết. Đọc chuyện như thế, há chẳng giống anh chàng kia đọc sách thuốc lắm ru?

(Tuổi Trẻ Phật Giáo)