Bạn đã biết gì về nguồn gốc bánh tét

Có thể đa phần chúng ta vẫn chưa thật sự hiểu rõ về chiếc Bánh tét quen thuộc mà vẫn thường hay thấy trên bàn thờ ngày Tết, ngoài quầy hàng ở chợ v.v… Chúng ta đã thật sự biết rõ về nguồn gốc sự ra đời của Bánh tét chưa?!

Nguồn : http://www.tinnongdulich.com/ban-da-biet-gi-ve-nguon-goc-banh-tet/

Bánh Tét – hình ảnh chiếc bánh quen thuộc

Mỗi độ xuân về cũng như Tết đến, những người Việt từ Đà Nẵng đến Cà Mau có phong tục làm bánh tét. Trong khi đó, người Việt ở Huế trở ra, nhất là từ Hà Tĩnh ra Bắc, lại có phong tục làm bánh chưng để ăn Tết, chào Xuân. Đã bao giờ bạn thắc mắc sự khác biệt này xuất phát từ nơi đâu không?

Sở dĩ khác nhau như vậy là vì người Việt ở phương Nam đã trải qua quá trình giao lưu văn hóa với tộc người Chăm. Tộc Chăm xưa theo đạo Hindu (tức Ấn Độ Giáo, mà trước công nguyên gọi đạo Bà La Môn), thờ vị thần chính phù hộ cho dân tộc là Thần Siva (một trong ba vị thần chính của đạo Hindu) trong các tháp Chăm.

Thần Siva

Những ai đã tìm hiểu về văn hóa Chăm hoặc đến những nơi trưng bày, những di tích Chăm, ắt hẳn sẽ không xa lạ với những vật thờ tự nơi ấy. Vật thờ chính trong các Tháp Chăm biểu thị cho Thần Siva chính là Linga (bộ phận sinh dục nam) – Yoni (bộ phận sinh dục nữ) bằng đá. Do quá tôn sùng Thần Siva nên người Chăm đã làm Tháp Chăm dưới dạng một Linga, đồng thời làm vật cúng dâng lên Thần Siva là đòn bánh tét giống với Linga.

Biểu tượng Linga trong điêu khắc Chăm

… và đây là biểu tượng Yoni

Quay về dòng lịch sử, trong quá trình Nam tiến, người Việt đã giao lưu văn hóa người Chăm, cho nên người Việt ở phương Nam đã tiếp thu bánh tét của người Chăm, thay cho bánh chưng gói quá công phu.

Vậy, cách gọi “Bánh tét” như ngày nay do đâu mà có? Là do đọc trại từ “bánh Tết” mà ra đấy các bạn ạ! Ngay tên gọi của loại bánh cũng nói lên cái ẩn ý đầy ý nghĩa: Đây là loại bánh làm trong dịp Tết để phục vụ cho việc cúng lễ và ăn tết. Do đó, mỗi năm tết đến, ở các nẻo xóm, đường quê phương nam, thật không khó để bắt gặp những hình ảnh quen thuộc như những nồi bánh tét sôi ùn ụt trên bếp lửa và nhà nhà người người quây quần gói bánh, nấu bánh bên nhau vui vẻ.

Các phụ nữ Chăm đang quây quần bên nồi bánh tét…

Sau khi bánh chín, vớt ra để treo cho ráo nước. Mùi bánh chín tỏa ra hương thơm ngào ngạt làm nao lòng khách xa quê…

Cách lấy bánh ra cũng rất “độc đáo” mà chắc hẳn ai cũng biết: Bánh tét lột lá ra, lấy chính dây chuối buộc bánh mà… tét bánh ra thành từng khoanh, trông bánh khi ấy rất hấp dẫn đấy nhé! Mặc dù gọi là “Bánh tết” nhưng ngày nay, bánh tét đã dần thích nghi với cuộc sống thường nhật của người dân, bánh tét đã xuất hiện mọi lúc, mọi nơi đáp lại sự ưa thích của nhiều người, để khi ăn vào nhớ ngay đây chính là… Linga!

SPY