Những đội quân nghĩa dũng

Đó là những đội quân "động làm binh, tĩnh làm dân". Rất nhiều trận đánh của họ đã khiến quân Pháp nhiều phen khiếp đảm. Trong chính sử, những câu chuyện, hình ảnh đó ít được lưu lại, nhưng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian với những trận đánh, cách đánh ly kỳ, hấp dẫn.

Đánh trận bằng trái mù u, vỏ dừa khô và đôi gióng

Về làng Phong Lệ (nay thuộc P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng), chúng tôi tìm gặp bác Ông Ích Trưng, hậu duệ bốn đời của vị tướng Ông Ích Khiêm. Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm nhỏ bên chân cầu Đỏ, bác Trưng đã 71 tuổi, ngồi trầm ngâm bên cốc trà vừa rót: "Ông cố tôi là người chỉ huy trận mù u". Nói rồi bác say sưa đọc hai câu thơ: Đà Nẵng - Sơn Trà - Miếu Bông - Cẩm Lệ/Chuyện trăm năm còn kể trận mù u.

Theo gia phả họ Ông, năm 16 tuổi Ông Ích Khiêm đã đỗ cử nhân, sau đó được bổ làm tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Nhưng vì tính khí khẳng khái, không chịu nổi cảnh một chánh tổng hà hiếp dân đen nên đã có lần ông đánh viên chánh tổng. Ngay sau đó ông bị cách chức về quê. Đúng lúc ấy Pháp tấn công Đà Nẵng, nghe lời kêu gọi của Nam triều, Ông Ích Khiêm tập hợp nghĩa binh quanh làng Phong Lệ đứng lên cùng với quân triều đình kháng Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Tri Phương.

"Khi lớn lên tôi được ông nội kể rằng ngày ấy vùng Hóa Khuê (Khuê Trung ngày nay) có nhiều cây mù u lắm. Vào năm ấy cha của ông nội tôi - danh tướng Ông Ích Khiêm - đã đánh quân Pháp một trận tơi bời mà vũ khí chỉ vỏn vẹn là những trái mù u" - bác Trưng tự hào kể. Cũng giống như bác Trưng, khi hỏi về trận mù u, nhiều người làng Phong Lệ kể rằng vào tháng 10-1859, khi trái mù u bắt đầu chín rộ khắp nơi, họ Ông ngầm lệnh cho bà con quanh vùng hái trái thật nhiều để chuẩn bị một trận đánh lớn.

Cơ hội đã đến khi một tốp lính Pháp theo đường 14 tiến lên Phong Lệ, Ông Ích Khiêm cho quân ra chặn đánh rồi giả vờ tháo chạy. Lính Pháp đuổi theo nhưng chân mang giày đinh ống cao lại giẫm phải trái mù u khiến quan quân ngã nhào. Chỉ chờ có vậy, phục binh bất ngờ đổ ra đánh, lính Pháp một phen kinh hồn bạt vía, máu nhuộm đỏ đường. Người làng Phong Lệ còn truyền rằng trong một lần ngồi bên sông, Ông Ích Khiêm đã nghĩ ra kế đánh giặc đầy mưu trí.

Đó là vào một đêm đen, ông cho lính lấy vỏ dừa khô đổ dầu chai vào đốt rồi thả đầy mặt sông để chúng trôi từ sông Cẩm Lệ đến Nại Hiên rồi đổ ra cửa Hàn. Quân Pháp trong đồn thấy vậy tưởng quân nhà Nguyễn tấn công nên ra sức xả súng. Chờ chúng hết đạn, Ông Ích Khiêm chỉ huy ba quân hè vào đồn đánh giáp lá cà khiến quân Pháp thất kinh hồn vía.

Người làng Phong Lệ còn lưu truyền những trận đánh bằng gióng nổi tiếng của Ông Ích Khiêm. Sau khi tính đường đi của lính Pháp, cứ mờ sáng ông lại cho quân đem những đôi gióng rải khắp lối đi. Khi lính Pháp đi qua, ông xua quân khua chiêng gõ mõ khiến chúng bất ngờ bỏ chạy, gặp phải dây gióng nên ngã nhào, cứ thế quân Nam triều tha hồ tấn tới. "Cố tôi là người mưu cơ, vũ dũng nên ai cũng nể vì” - bác Ông Ích Trưng nhớ lại.

Đan sọt tre ngăn sông

Theo cuốn sách Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (Nhà xuất bản Đà Nẵng) của Lưu Anh Rô, cũng như Ông Ích Khiêm, Lâm Hữu Chánh (người làng Cẩm Toại, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang ở quê dùi mài kinh sử chờ ngày lai kinh ứng thí thì nghe tin vua ban chỉ dụ kêu gọi thân hào, sĩ phu trong cả nước chiêu binh mãi mã, nghĩ cách chống Tây để phò vua giúp nước. Lập tức ông dẹp bút nghiên đứng ra chiêu mộ nghĩa quân trong tổng Châu An Thượng rồi dẫn đến ra mắt tướng quân Nguyễn Tri Phương xin được ra trấn giữ tiền đồn. Quá cảm kích trước tấm lòng yêu nước của ông, Nguyễn Tri Phương đã phong chức bá hộ và cử làm quản cơ chuyên lo việc chỉ huy quân dân đắp lũy ngăn giặc ngoài bờ biển, rồi giữ đồn Cẩm Khê.

Dù đã bước qua tuổi 86, nhưng với ông Lâm Quang Minh - người gọi ông Lâm Hữu Chánh là cố nội - vẫn nhớ như in những gì gia phả họ Lâm lưu lại cho hậu thế, trong đó có chuyện ông Lâm Hữu Chánh chống quân Pháp ngày ấy. Trong một lần tìm kế ngăn chặn tàu Pháp ngược sông Hàn và sông Nại Hiên, quản cơ Lâm Hữu Chánh đã nghĩ ra cách ngăn sông ở thượng nguồn để hạ bớt mực nước phía hạ lưu, như thế "tàu ghe của ta vẫn đi được nhưng tàu chiến của Pháp thì không".

Kế sách này được chấp thuận, lập tức ông đốc thúc binh sĩ đóng thùng gỗ và đan sọt tre chứa đất thả xuống ngăn một phần nước hai sông Yên và Lạc Thành. Đúng như dự tính, mực nước tại cửa Hàn hạ thấp hẳn khiến các chiến hạm của liên quân chỉ còn cách đứng từ xa nhìn tới. Tàu Pháp không vào sâu theo cửa Hàn được, quân Nam triều chỉ còn lo việc chặn đánh trên bộ mà thôi.

Sau hơn năm tháng bị cầm chân tại bán đảo Sơn Trà, tháng 2-1859, quân Pháp dưới sự chỉ huy của viên tướng Genouilly đã quyết định rời Đà Nẵng vào đánh chiếm Gia Định. Ngay khi đó, Lâm Hữu Chánh cùng nhiều nghĩa quân lập tức theo tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh vào Gia Định ứng cứu. Nhưng trước sức mạnh của "tàu đồng đạn sắt", cả thành Gia Định lẫn ba tỉnh miền đông Nam kỳ lần lượt rơi vào tay Pháp. Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) với những điều khoản nặng nề, trong đó có việc mở cảng biển Đà Nẵng cho Pháp, đã được triều đình nhà Nguyễn đặt bút ký.

Năm Ất Sửu (1865), quá uất ức lại gặp gia cảnh có tang mẹ nên Lâm Hữu Chánh quyết định từ quan về quê, năm năm sau thì ông mất, khi ấy mới 53 tuổi. "Mộ của ngài hiện được cư táng ở xứ Cồn Biền, Túy Loan Bắc" - ông Lâm Quang Minh bảo.

Thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô cho biết cùng với Ông Ích Khiêm, Lâm Hữu Chánh... nghĩa khí ngất trời, Phan Gia Vĩnh là người đầu tiên ở Quảng Nam đứng ra lập đoàn quân nghĩa dũng cùng với quân Nam triều tham gia kháng Pháp với những trận đánh vô cùng hiển hách được chính sử nhà Nguyễn hết lời khen ngợi.

Vốn là đốc học huyện Hà Đông, khi nghe tin Pháp đánh Đà Nẵng, ông liền chiêu mộ hơn 1.000 nghĩa quân phần lớn là người ở các xã Tiên Cảnh, Tiên Lộc, Tiên Châu... thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam ngày nay cùng xung trận chống Pháp lập nhiều công đầu, trong đó trận đánh ngày 7-2-1859 đã buộc đại tá hải quân Faucon cùng mấy trăm quân viễn chinh phải lùi bước.

Đăng Nam (Báo Tuổi Trẻ)

Bác Ông Ích Trưng bên ngôi mộ ông cố là Ông Ích Khiêm-Ảnh: Đ.Nam

Mô hình tàu chiến quân triều đình nhà Nguyễn thời Tự Đức

được triển lãm tại Đà Nẵng nhân kỷ niệm 150 năm trận đầu chống

Pháp - Ảnh: Quang Tám