Hải Thượng Lãn Ông

Chân dung Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác.

Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác-

một Thầy thuốc giỏi, một Nhà văn lớn

Nhân ngày giổ của Danh y Hải Thượng Lãn Ông, ngày rằm tháng giêng âm lịch và hướng đến kỷ niệm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2/2009, đọc lại một mẫu chuyện lịch sử về bậc Y tổ của Việt Nam, Hải thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác để tưởng nhớ đến một vị danh y đã có công lao với nước. Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho những người Thầy Thuốc Việt Nam nhiều tấm gương sáng ngời về y đạo và y thuật; đồng thời cùng với nhiều tác phẩm có giá trị về văn học. Bậc Y Tổ của Việt Nam vừa là một người Thầy Thuốc giỏi, vừa là một Nhà Văn lớn.

Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791) tên húy là Lê Hữu Trác, nguyên quán ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương; con ông Lê Hữu Mưu, đậu Tiến sĩ, làm Thượng thư đời Lê Dụ Tông.

Lúc nhỏ, theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long, Lãn Ông đã nổi tiếng là thông minh lỗi lạc. Khi 20 tuổi, cha mất, ông thôi học về nhà. Ít lâu sau bị ốm nặng, dưỡng bệnh hơn một năm. Lãn Ông bắt đầu chú ý đọc sách thuốc. Được ông lang họ Trần ở làng Đậu Xá cùng huyện giúp đỡ, càng ngày ông càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa của nền y học. Ông tự học và bắt đầu chữa bệnh. Ông nghiên cứu rất sâu các bộ sách thuốc cổ và dựa vào kinh nghiệm bản thân mà đề ra các phương pháp điều trị. Ông theo dõi rất sát các bệnh ông chữa, ghi chép tỉ mỉ các bệnh án điển hình. Ông còn lập đài quan sát chiều gió để nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu đối với bệnh tật.

Ước mơ của ông là dân tộc Việt Nam phải có một nền y học có hệ thống và hoàn chỉnh. Sẵn có tinh thần tự lực cánh sinh mạnh mẽ, ông cố công sưu tầm, ghi chép các cây thuốc quý trong nước, bỏ tiền ra mua các bài thuốc gia truyền, nghiên cứu kinh nghiệm y học dân gian, viết thành sách để truyền bá rộng rãi. Ông mạnh dạn dùng thuốc trong nước vào việc chữa bệnh, phòng bệnh và hô hào mọi người hãy yêu quý vốn y học dân tộc.

Đánh giá cao nghề thuốc, Lãn Ông thường nói : “Phương pháp dùng thuốc giống như phương pháp dùng binh”. Ông quyết tâm dùng nghề y để phục vụ nhân dân. Đối với người bệnh dù nặng đến mấy ông cũng hết sức cứu chữa với tinh thần “còn nước còn tát”. Đối với người nghèo, ngoài việc cho thuốc không lấy tiền, ông còn giúp đỡ gạo tiền. Ông nói : “ Đạo làm thuốc ... có nhiệm vụ giữ gìn tính mệnh cho người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người. Chỉ lấy việc giúp người làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công”. Khi cần chữa bệnh, ông đi bộ ba bốn chục cây số, trèo núi, vượt suối giữa đêm mưa, gió rét vẫn vui vẻ. Ông không hề phân biệt địa vị xã hội, ai bệnh nguy cấp ông thăm trước, bệnh nhẹ thăm sau. Mùa xuân năm 1782 chúa Trịnh Sâm nghe tiếng, vời ông lên kinh chữa bệnh cho con là Trịnh Cán. Nghe tin ông về Thăng Long, các quan lại, sĩ phu ở kinh đô nô nức kéo nhau đến mời ông đến chữa bệnh hoặc họa thơ. Các bệnh phần nhiều được ông chữa khỏi, thơ ông lại hay. Danh tiếng Lãn Ông càng vang lừng.

Tuy nổi tiếng xa gần, Lãn Ông vẫn luôn luôn khiêm tốn học hỏi người xung quanh, dù nhỏ đến đâu ông cũng coi trọng. Kinh nghiệm y học nước ngoài cái nào có giá trị ông đều ghi chép cẩn thận. Ông rất coi trọng việc vệ sinh phòng bệnh, có viết cuốn “Vệ sinh yếu quyết” và nghiên cứu các phương pháp nghỉ ngơi, luyện khí lực.

Bốn mươi năm trong nghề, với lòng nhân đạo và óc sáng tạo lớn lao, Lãn Ông đã luôn luôn lo lắng cho sự nghiệp y học của dân tộc. Ông đã tổng kết kinh nghiệm y học Việt Nam và kinh nghiệm làm thuốc của bản thân viết thành bộ sách thuốc “Y tôn tâm lĩnh” gồm 66 quyển đến nay còn nhiều giá trị.

Lãn Ông không những là một thầy thuốc giỏi mà còn là một nhà thơ và nhà văn hay. Ông dùng thơ để vạch rõ xã hội phong kiến thối nát thời Lê mạt và cũng viết nhiều bài thơ nói lên lòng yêu thương của ông đối với người bệnh. Xin nêu một bài sau đây:

Người xưa lúc ốm chỉ ưa nhàn

Mình ốm sao mà chẳng chút yên.

Gọi cửa biết ngay người hỏi thuốc

Vui lòng khi vắng tiếng đau rên.

Thôn Đông vừa khỏi cơn nguy cấp

Xóm Bắc còn lo thế đảo điên.

Vất vả phải đâu mong hậu báo

Cứu người nghĩa trọng dám kinh phiên.

Tượng Hải Thượng Lãn Ông.

Tranh về Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh: Tư liệu

Thơ văn của ông có một giá trị trong lịch sử văn học Việt Nam.

Cuộc đời của Lãn Ông là một bài học lớn. Ông chỉ lo việc giúp ích cho đời, không mang danh lợi. Lãn Ông thật là một tấm gương sáng ngời tinh thần nhân đạo và yêu nước.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2009, thành kính tưởng niệm và nhớ đến bậc Y Tồ của Việt nam, Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác với những tài sản quý báu về y đạo, y thuật, nhân cách, con người ... mà ông đã để lại cho các thế hệ của những người Thầy thuốc Việt Nam đến mãi ngày hôm nay.

Ngày 16/02/2009

Nguyễn Võ Hinh

(sưu tầm)