SINGAPORE KÝ SỰ

Đáp chuyến bay JT 157 (Air Lion) xuống sân bay Changi, sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, chiếc xe bus đã được hợp đồng trước đến đón chúng tôi về khách sạn. Trên đường đi, xe đã dừng lại dưới gầm một chiếc cầu vượt để đoàn sơ bộ hội ý một số nội dung cần thiết. Khác với những chiếc cầu vượt ở Việt Nam, chân của chiếc cầu vượt này đã tạo cho chúng tôi có cảm giác như đang đứng tại một công viên nhỏ nào đó. Bởi bên cạnh những ngả rẽ của các tuyến đường nó có chỗ dành cho xe, cho người dừng chân và xung quanh còn có cả những bồn cây xanh tạo nên cảnh quan tươi mát khiến cho khách tham quan dù trong phút chốc cũng muốn tranh thủ ghi lại vài tấm hình để làm kỷ niệm.

sing01.jpg

(Một góc dưới chân cầu vượt trước phi trường của sân bay Changi)

Hội ý xong, xe tiếp tục đưa chúng tôi về khách sạn (HOTEL BENCOOLEN - 47 Bencoolen Street). Sau khi nhận phòng, chúng tôi đi ăn tối, trở về, và…dạo phố China Town, Orchard Road,…Cái mà trước nhất chúng tôi cảm nhận được về đất nước “xanh - sạch - đẹp” này là trên đường phố, khắp những nơi tôi đặt chân qua không hề có một chút rác thải nào rơi vãi, trên hè phố nếu không lát đá granic thì cũng được lát bằng gạch men, hoặc bằng bê tông xi măng; chỗ đất nào còn lại đều được trồng cỏ, trồng cây, tạo nên những thảm cỏ xanh mượt trông thật mát mắt. Đặc biệt hơn,trong sân vườn, trên triền đồi dọc khắp các đường phố đều được lát cỏ và trồng cây. Tuyệt nhiên không còn chừa chỗ cho mặt đất trống. Có lẽ vì thế mà bụi không có cơ hội để xuất hiện, giữ cho không khí trong lành, tươi mát.

…Sáng hôm sau, xe đưa chúng tôi đến tham quan tại một trường tư thục có cả cấp I&II – Trường SAN YU ADVANTIST SCHOOL. Sau đó chúng tôi dùng cơm trưa tại một nhà hàng và sinh hoạt tại chỗ. Chiều xe tiếp tục đưa chúng tôi đến tham quan trường cấp II công lập NAN HUA HIGHSCHOOL.

sing02.jpg

(Trường Cấp I-II tư thục SAN YU ADVENTIST SCHOOL)

Sing27.jpg

(Phương ngôn dành cho HS của trường San Yu Advantist School)

Tại trường này, chúng tôi bắt gặp bài thơ được phóng chữ to lồng vào khung kính đặt rất trang trọng. Tôi thấy nó có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc nên liền ghi hình lại để tham khảo và cũng để học tập, giáo dục cho học sinh của chúng ta.

DỊCH TỪ DỊCH THƠ

Thiếu niên dị lão học nan thành Học hành lúc nhỏ, lớn gian nan

Nhất thốn quang âm bất khả khinh Đừng để thời gian vụt thoảng nhanh

Vị giác trì đường xuân thảo mộng Chưa kịp được gì xuân biến mất

Giai tiền ngô diệp dĩ thu thanh. Trước thềm lá rụng báo thu sang.

Sing03.jpg

(Trường Cấp II công lập NAN HUA)

Tiếp chúng tôi ở trường SANYU là thầy Hiệu trưởng; ở trường NAN HUA là thầy Phó Hiệu trưởng. Điều đáng nói là trước khi giới thiệu cho chúng tôi về quá trình thành lập và phát triển của nhà trường, cả hai đều đã giới thiệu rất chi tiết, rất say sưa và đầy niềm tự hào về lịch sử của đất nước Singapore từ thời lập quốc. Nhờ vậy nên đã giúp chúng tôi khái quát được những nét cơ bản về một SINGAPORE mà ở đó với tiềm năng con người họ đã có thể làm nên tất cả. Có lẽ cũng cần điểm lại một số những sự kiện quan trọng về bức tranh toàn cảnh của Singapore về các lĩnh vực để làm cơ sở khi đánh giá, nhìn nhận…về những bước đi của họ:

Lịch sử và giáo dục

- Tên Singapore xuất phát từ Singapura trong tiếng Malaysia, vốn được lấy từ nguồn gốc của chữ Phạnsinga (sư tử) và pura (thành phố). Từ đó Singapore được biết với cái tên Thành phố Sư Tử. Tên gọi này bắt nguồn từ một vị hoàng tử tên là Sang Nila Utama. Theo truyền thuyết, vị hoàng tử này nhìn thấy một con sư tử là sinh vật sống đầu tiên trên hòn đảo và do vậy đã đặt tên cho hòn đảo là Thành phố Sư Tử.

Hòn đảo là nơi chiếm đóng của đế chế Sumatran Srivijaya và khởi đầu có tên là Temasek. Temasek phát triển thành một thành phố thương mại thịnh vượng nhưng sau đó dần suy tàn. Từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, Singapore là một phần của Vương quốc Johor (Malay). Năm 1819, ông Thomas Stamford Raffles, một viên chức của công ty East India (Anh), đã ký một thỏa thuận với vua của Johor. Ông đồng thời thiết lập Singapore trở thành một trạm thông thương buôn bán và nơi định cư, sau này đã nhanh chóng phát triển và thu hút sự di dân từ nhiều chủng tộc khác nhau. Năm 1867, Singapore trở thành thuộc địa của Anh. Sau những hoạt động mở mang lãnh thổ, đế quốc Anh nhanh chóng đưa Singapore thành một trung tâm tập trung và phân phối dựa vào vị trị rất quan trọng của nó trên con đường biển nối giữa châu ÂuTrung Quốc.

Người Việt Nam khoảng hơn nửa thế kỷ trước thường biết đến Singapore dưới tên Chiêu NamHạ Châu. Cộng hòa Singapore (Tân Gia Ba) là một quốc gia nhỏ nhất của Đông Nam Á-vốn là một làng cá của người Mã Lai khi nó bị chiếm làm thuộc địa của Anh vào thế kỷ 19. Sau đó, bị quân đội Nhật chiếm đóng trong trong thế chiến thứ II, và cuối cùng Singapore là một phần trong sự liên kết tạo thành Liên bang Mã Lai. Khi Singapore giành được độc lập, với rất ít tài nguyên thiên nhiên, không ổn định về chính trị xã hội và không phát triển về kinh tế. Sự đầu tư của nước ngoài cũng như sự công nghiệp hóa do nhà nước chỉ đạo đã tạo ra một nền kinh tế chủ yếu dựa trên xuất khẩu hàng điện tử và gia công. Hơn 90% dân cư sống trong các khu nhà xây dựng sẵn và gần 50% dân cư sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chính nhờ các phương tiện giao thông công cộng này cùng với sự chủ động của chính phủ trong các vấn đề về môi trường đã làm cho Singapore trở nên trong lành, sự ô nhiễm môi trường chỉ còn lại ở vùng công nghiệp nặng thuộc đảo Jurong.

Trong thế chiến thứ II, đế quốc Nhật xâm chiếm Malaya và những vùng lân cận, cực điểm là cuộc chiến Singapore. Quân Anh không được chuẩn bị và nhanh chóng thất thủ mặc dù có lực lượng đông hơn. Anh giao nộp Singapore cho quân Nhật vào ngày 15 tháng 2 năm 1942. Người Nhật đổi tên Singapore sang tiếng Nhật thành Syonan-to, nghĩa là "Ánh sáng Miền Nam", và chiếm đóng nó cho đến khi quân Anh trở lại chiếm hòn đảo một tháng sau sự đầu hàng của Nhật vào tháng 9 năm 1945.

Singapore trở thành một nhà nước tự chủ năm 1959 với người đứng đầu nhà nước là Yusof bin Ishak và thủ tướng đầu tiên là Lý Quang Diệu sau cuộc bầu cử năm 1959. Năm 1962, cuộc trưng cầu dân ý về việc sát nhập Singapore vào Liên bang Mã Lai đã đạt được kết quả, đưa Singapore trở thành một thành viên của liên bang Mã Lai và có quyền tự trị vào tháng 9 năm 1963. Nhưng rồi vào ngày 7 tháng 8 năm 1965 Singapore đã bị tách ra khỏi liên bang sau những bất đồng quan điểm chính trị của bang và hội đồng liên bang tại Kuala Lumpur. Sau đó 2 ngày - ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore lại được độc lập và về sau ngày này đã trở thành ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Singapore.

Độc lập đối với họ cũng có nghĩa là phải tự túc, trong giai đoạn này Singapore đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bao gồm nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai và tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, nước ngọt… Nhờ vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và đồng minh cũng như sự năng động, sáng tạo tuyệt vời, trong nhiệm kỳ của mình từ năm 1959 đến 1990, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng bước kiềm chế thất nghiệp, lạm phát, tăng mức sống và thực hiện một chương trình nhà ở công cộng với quy mô lớn. Các cơ sở hạ tầng kinh tế của đất nước được phát triển, sự phân biệt chủng tộc sớm được loại bỏ và một hệ thống phòng vệ quốc gia được thiết lập. Singapore từ một nước đang phát triển trở thành một nước phát triển vào cuối thế kỷ 20.

Năm 1990, Goh Chok Tong kế nhiệm chức thủ tướng, đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm ảnh hưởng kinh tế từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, sự lan tràn của dịch SARS năm 2003 cũng như những đe dọa khủng bố từ Jemaah Islamiah, hậu 11 tháng 9 và các vụ đánh bom ở Bali. Ngày 12 tháng 8 năm 2004, Lý Hiển Long, con trai cả của Lý Quang Diệu, trở thành thủ tướng thứ ba.

- Trở lại vấn đề giáo dục, Singapore là một xã hội đa sắc tộc gồm nhiều nền văn hóa khác nhau như Trung Quốc, Ấn độ, Mã Lai... Hệ thống giáo dục cơ bản của Singapore là 10 năm, 6 năm cấp I và 4 năm cấp II. Bao gồm có trường công lập và trường tư thục. Mỗi trường có một thương hiệu riêng được gọi là “sứ mệnh”. Trẻ em bắt đầu đi học khi 6 tuổi. Vào lớp một, học sinh phải tiếp cận ngay với môn tin học và ngoại ngữ (tiếng Anh) xem đó là điều kiện nền tảng trong quá trình học tập của học sinh và đào tạo của nhà trường. (Tiếng Anh vốn là ngôn ngữ giao tiếp chính của người Singapore nhưng trẻ em trước khi đến trường vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ tùy theo sắc tộc của họ). Sau khi hoàn tất chương trình cấp I và cấp II, các em có thể chọn tiếp dự bị đại học (pre-university) hoặc vào các trường kỹ thuật (polytechnic), hoặc tham gia quân đội làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói thêm rằng việc học tập ở Singapore đối với mỗi con người như là một nhu cầu tất yếu. Chỉ có học tập và tri thức mới đáp ứng cho cuộc sống khi mà cả xã hội đang đi vào một nền công nghệ hiện đại với sự đòi hỏi ngày càng cao về trình độ khoa học kỹ thuật. Do vậy, hầu như trẻ em trong độ tuổi chỉ có nhiệm vụ học tập là hàng đầu. Trường học là môi trường thiết yếu để con người phát triển và trưởng thành. Cũng chính vì thế mà hình như trong giờ hành chính ta không hề bắt gặp bóng dáng một cô cậu nào ở lứa tuổi học trò có thể đi lang thang đâu đó trên đường phố. Điều đặc biệt hơn là học sinh ở Singapore rất thường được tổ chức đi thực tế. Chúng không những được tham quan, học tập trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Có lẽ nhờ đó giúp chúng có cơ hội mở mang tầm nhìn, tạo động lực ham muốn khám phá, sáng tạo và phát triển.

Sing28.jpg picture by nguyenlephuocan

(H.sinh Tiểu học đi thực tế tại Vườn chim Jurong)

Sing04.jpg

(H.sinh trường Nan Hua tập vẽ sau khi đi thực tế)

Được nghe, thấy, biết với những gì Singapore đã và đang làm cũng như đang có được, chúng tôi không tránh khỏi bàng hoàng suy nghĩ và buộc phải chạnh lòng trong giây phút để liên tưởng về cụm từ “Tầm nhìn chiến lược” mà chúng tôi đã được nghiên cứu trong đợt tập huấn chương trình liên kết Việt Nam-Singapore. Chúng ta đã thực sự thiếu hụt nhiều thứ, từ cơ sở vật chất, thiết bị đến nguồn nhân lực, thiếu ngoại ngữ, thiếu tin học,…và đặc biệt nghiêm trọng là chúng ta còn thiếu công tác dự báo, từng trường học, ngành học chưa thể hiện được chiến lược đào tạo, một số cơ chế chính sách đặc thù trong đào tạo vẫn còn bất cập. Hy vọng rồi đây hàng loạt các vấn đề này sẽ sớm được xử lý, khắc phục để tạo nên một chu trình khép kín đưa sự nghiệp giáo dục của nước nhà sớm đi lên ngang tầm với thời đại.

Dân số, chính trị và kinh tế

- Tổng số dân của Singapore là 4.553.009 người (tính đến nửa cuối năm 2007). Trong đó 76,8% là người Hoa, 13,9% người Mã Lai, 7,9% người Ấn Độ, PakistanSri Lanka; 1,4% người gốc khác.

- Singapore theo chế độ đa đảng. Từ khi giành độc lập đến nay, do các đảng đối lập luôn bị kiện đến phá sản nên Đảng Hành động Nhân dân (People's Action Party) liên tục cầm quyền. Lý Quang Diệu là cựu Tổng thư ký của đảng và từ tháng 12 năm 1992 đến nay Goh Chok Tong là Tổng thư ký Đảng. Chủ tịch đảng hiện nay là Tony Tan.

Quốc kỳ của Singapore gồm 2 phần: nửa ở trên màu đỏ và nửa dưới màu trắng. Mỗi một màu, một hình ảnh đều có ý nghĩa riêng của nó. Màu đỏ trên lá cờ Singapore tượng trưng cho mối tình anh em giữa người với người, giữa các dân tộc trên thế giới, và sự bình đẳng của con người. Còn một cách hiểu khác đó là vì Singapore là một nước đa dân tộc (gồm Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ,... ) nên có thể hiểu màu đỏ này theo nhiều mặt: sự can đảm và dũng cảm của những người Malaysia, sự may mắn của những người Trung Quốc. Màu trắng là biểu tượng của sự trong sạch và tinh khôi, không nhơ bẩn. Ngoài ra, ở nửa trên còn có thêm hình trăng lưỡi liềm và 5 ngôi sao. Trăng lưỡi liềm biểu trưng cho 1 quốc gia trẻ đang trên đường phát triển. Năm ngôi sao nhỏ gần mặt trăng tượng trưng cho năm lý tưởng của quốc gia Singapore: dân chủ, bình đẳng, hòa bình, phát triển và công lý.

- Singapore hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài. Singapore chỉ có ít than, chì, nham thạch, đất sét; không có nước ngọt; đất canh tác hẹp, chủ yếu để trồng cao su, dừa, rau và cây ăn quả, do vậy nông nghiệp không phát triển, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi. Singapore là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng vô tuyến. Singapore còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á. Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% thu nhập quốc dân). Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.

Giao thông

Có thể nói hệ thống giao thông công chánh ở Singapore rất độc đáo. Chất lượng đường bộ của đảo quốc này được đánh giá là vào loại tốt nhất thế giới. Giao thông tại Singapore được vận hành theo mô hình của Anh, trái với giao thông tay phải của châu Âu lục địa.

Singapore có nhiều loại phương tiện giao thông công cộng, trong đó hai phương tiện phổ biến nhất là xe bus và tàu điện ngầm mà người Singapore thường gọi là MRT (Mass Rapid Transit). Người đi xe bus trả tiền mua vé cho từng chặng, ngoại trừ trường hợp họ có thẻ từ tự động EZlink (thẻ này cho phép họ sử dụng dịch vụ của xe bus giá rẻ và trong một thời gian dài). Hệ thống tàu điện ngầm của Singapore có 63 ga đang hoạt động dưới hình thức tự động hóa (hiện vẫn tiếp tục phát triển) và có giờ làm việc từ 06:00 tới 24:00. Taxi cũng là một phương tiện giao thông khá phổ biến với giá cả không quá đắt như những dịch vụ khác.

Do Singapore có diện tích quá khiêm tốn nên chính quyền của họ thường có những biện pháp đặc biệt để tránh tình trạng nghẽn xe, tắc đường. Họ đã thiết lập các "khu vực giao thông hạn chế" nhằm ngăn chặn các phương tiện giao thông chở dưới bốn hành khách trong các giờ cao điểm, ngoại trừ trường hợp họ có giấy phép đặc biệt. Bên cạnh, họ đã xây dựng rất nhiều làn đường song song nhưng cao thấp khác nhau theo đặc trưng của một đảo quốc tạo nên một không gian đa dạng vừa sầm uất vừa thoáng đãng. Singapore cũng có phương tiện giao thông đường thủy, phổ biến là thuyền máy nhỏ, tuy nhiên đa số chúng chỉ được dùng cho mục đích du lịch.

Địa lý, văn hóa và du lịch

- Vườn Thực vật Singapore, diện tích 52 hecta, nơi có Vườn Lan Quốc gia với hơn 3.000 loài hoa phong lan. Singapore là hòn đảo có hình dạng một viên kim cương bao quanh bởi nhiều đảo nhỏ khác. Đảo Jurong, Pulau Tekong, Pulau UbinSentosa là những đảo lớn nhất của Singapore, ngoài ra còn có nhiều đảo nhỏ khác. Vị trí cao nhất của Singapore là đồi Bukit Timah với độ cao 166 m.

Vùng thành thị trước đây chỉ tập trung ở khu vực phía Bắc Singapore bao quanh sông Singapore, hiện nay là trung tâm buôn bán của Singapore, trong khi đó những vùng còn là lại rừng nhiệt đới ẩm hoặc dùng cho nông nghiệp. Từ thập niên 1960, chính phủ đã xây dựng nhiều đô thị mới ở những vùng xa, tạo nên một Singapore với nhà cửa san sát khắp mọi miền, dù vậy khu vực trung tâm vẫn là nơi hưng thịnh nhất. Ủy ban Quy hoạch Đô thị là một ban của chính phủ chuyên về các hoạt động quy hoạch đô thị với nhiệm vụ là sử dụng và phân phối đất hiệu quả cũng như điều phối giao thông. Ban đã đưa ra quy hoạch chi tiết cho việc sử dụng đất ở 55 khu vực.

Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5 km² ở thập niên 60 lên 697,25 km² ngày nay (gần gấp 3 lần diện tích của huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và có thể sẽ tăng thêm 100 km² nữa đến năm 2030 (nếu như việc mua đất thô và cát ở một số nước lân cận không gặp trở ngại).

Singapore có khí hậu nhiệt đới ẩm với các mùa không phân biệt rõ rệt. Đặc điểm của loại khí hậu này là nhiệt độ và áp suất ổn định, độ ẩm cao và mưa nhiều. Nhiệt độ thay đổi trong khoảng 22°C đến 34 °C. Trong những trận mưa lớn kéo dài, độ ẩm tương đối thường đạt 100%. Nhiệt độ cao nhất và thấp nhất đã từng xuất hiện là 18,4 °C và 37,8 °C.

- S đô thị hóa đã làm biến mất nhiều cánh rừng mưa nhiệt đới một thời, hiện nay chỉ còn lại một trong số chúng là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bukit Timah. Tuy nhiên, với sự can thiệp của con người, nhiều công viên đã được gìn giữ, tiêu biểu như Vườn Thực vật Quốc gia. Không có nước ngọt từ lòng đất, nguồn cung cấp nước chủ yếu của Singapore là từ những trận mưa được giữ lại trong những hồ chứa (đến nay có tổng cộng 13 hồ chứa nhân tạo để lưu trữ nước), hoặc lưu vực sông. Nhiều nhà máy sản xuất nước tái chế đang được đề xuất và xây dựng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Điều đặc biệt hiện nay là tất cả hệ thống nước trên các công trình công cộng đều được xử lý thành nước sạch có thể sử dụng trực tiếp không cần phải đun sôi. Tuyệt vời hơn, nó được điều phối trên khắp nơi - bất cứ nơi nào trên đất nước Singapore, người dân cũng như khách vãng lai đều có thể sử dụng nước sạch một cách vô tư từ các vòi nước được đặt khắp phố thị. Bên cạnh hệ thống nước, các công trình vệ sinh công cộng cũng được lắp đặt đều khắp. Khách vãng lai không phải bận tâm khi có “sự cố” xảy ra.

Trở lại một chút về cái gọi là “xanh-sạch-đẹp” như đã sơ lượt qua khi vừa đặt chân đến, chúng tôi muốn đề cập thêm về vấn đề môi trường của Thành Phố Sư Tử này. XANH-SẠCH-ĐẸP thì đã hiển nhiên rồi. Có điều thật khó để lý giải một cách xác đáng là những ai làm và làm như thế nào để đạt được. Chẳng qua cũng chỉ đưa ra một vài suy luận: nào là một đất nước vốn không có hệ thống lưới điện chằng chịt trên không nên dễ trồng cây xanh dày đặt dọc đường phố và những nơi có thể, nào là nhờ Chính phủ đã có những chủ trương cụ thể và có những giải pháp thích đáng, nào là nhờ vào trình độ dân sinh, dân trí v.v…nhưng tựu trung lại, để có được một môi trường xanh-sạch-đẹp đòi hỏi cần phải có nhiều yếu tố. Trong đó, trước hết sự nghiêm minh của pháp luật có thể nói là yếu tố mang tính quyết định. Sự nghiêm minh này phải được áp dụng đối với mọi ngành, mọi nhà mà người chịu trách nhiệm trước tiên phải thuộc về Nhà nước các cấp. Phải nhanh chóng tập thói quen nói và làm đi đôi với nhau, tránh thói đánh trống bỏ dùi, qua loa đại khái. Thói tư lợi cũng như sự thờ ơ, vô trách nhiệm của cán bộ, của người quản lý Nhà nước chính là hậu quả của việc môi trường bị ô nhiễm, bị hủy hoại ngày càng nghiêm trọng…trở thành chuyện muôn thuở trên đất nước đáng yêu của chúng ta!

Suntec.jpg picture by nguyenlephuocan

- Chúng tôi tranh thủ thực hiện một tour nhỏ nhỏ đến tham quan khu Suntec City – một địa điểm nổi tiếng thế giới nằm tại khu trung tâm triển lãm, hội thảo, hội nghị,...sầm uất nhất Châu Á (nằm gần Marina Square). Suntec City là một khu năm tòa tháp được xây dựng theo luật phong thủy lấy cấu trúc trên 5 đầu ngón tay của bàn tay trái xòe ngửa tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) với 4 tháp cao và 1 tháp thấp, chính giữa là một đài phun nước lớn nhất thế giới. Bắt đầu là tòa nhà thuộc ngón trỏ-kim được chạm chữ nổi NUMBER ONE, ngón giữa-mộc NUMBER TWO, ngón nhẫn-thủy NUMBER THREE, ngón út-hỏa NUMBER FOUR, ngón cái-thổ NUMBER FIVE. Đây là khu thương mại do các tỷ phú Hồng Kông đầu tư xây dựng bao gồm cả shopping center, restaurants, hotels,…đồng thời là nơi tổ chức phần lớn các triển lãm, hội nghị. Nói thêm về đài phun nước-một biểu hiện cho sự may mắn và giàu có. Nó được đặt giữa khu 5 tòa tháp, xung quanh là bồn binh có bờ thành cho người đi bộ, kế đến là con đường trải nhựa rộng với nhiều ngả rẽ dành cho các phương tiện giao thông khác. Bên trong bồn binh là tầng ngầm kèm theo hệ thống ống dẫn nước làm đài phun từ trên xuống với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có một quan niệm và dụng ý là tạo nên sự may mắn cho những ai quan tâm đến yếu tố tâm linh, muốn cầu tài, cầu lộc. Tiếc là lúc chúng tôi đến nơi, hệ thống phun nước không hoạt động!

Xe tiếp tục đưa chúng tôi đến với con sông Singapore – nơi đã từng là trung tâm thương mại từ thời kỳ thuộc địa. Hiện tại nó cũng là một điểm du lịch rất hấp dẫn với rất nhiều quán bar, quán rượu, nhà hàng đặc sản biển được bày trí dọc trên bờ sông. Chúng tôi thuê thuyền máy nhỏ tổ chức tham quan thành phố về đêm bằng đường thủy kéo dài 30’ trên sông. Ngồi trên thuyền lướt nhẹ trên sông, chúng tôi được nghe từ băng đĩa phát bài thuyết minh rất chi tiết về những huyền thoại của Thành phố Sư Tử này, nhưng đáng tiếc là đang ngồi giữa con sông thơ mộng, bên cạnh tiếng sóng xô rì rào cùng với những bóng sáng của đèn đêm lấp loáng trên mặt sông, lan tỏa trên bầu trời, vừa sâu lắng lại vừa miên man, sôi động…tất cả đã tạo nên sự mơ hồ khó tả nên cuối cùng không còn cái gì đọng lại trong tâm trí một cách sâu sắc. Tôi cũng đã từng du thuyền trên sông Hương của xứ Huế đầy thơ mộng nhưng nếu đem so sánh chắc là sẽ khập khiễng lắm! Đành vậy thôi!

Sing05.jpg

(Toàn cảnh sông Singapore – nơi từng là trung tâm thương mại thời thuộc địa)

Rời sông Singapore, xe đưa chúng tôi đến ga tàu điện ngầm, thực hiện việc mua vé, đón tàu, lên tàu, xuống tàu và ra khỏi nhà ga. Sở dĩ tôi liệt kê cụ thể từng động tác là vì thú thật mọi thứ đều cảm thấy mới lạ. Đây là lần đầu tôi được tiếp xúc với dịch vụ này. Hơn nữa, các công đoạn của dịch vụ tàu điện ngầm (Mass Rapid Transist) đều được sắp xếp theo hệ thống dây chuyền tự động hóa, từ việc bán vé, dừng đậu tàu ở nhà ga, mở cửa cho người lên xuống, cho đến việc kiểm soát vé khi hành khách lên xuống tàu, rời ga… đều không có con người trực tiếp phục vụ.

Trên đường trở về khách sạn, chúng tôi lướt xe qua phố Geilang (Khu Đèn Đỏ) để “thị sát” khu phố nổi tiếng với các dịch vụ phi thương mại nhưng siêu lợi nhuận từ việc huy động nhiều nguồn “vốn tự có” khắp các châu lục. Quả thật Âu, Á, Đông, Tây tập trung đủ màu sắc, kiểu dáng, nhang nhảng,… Chỉ vậy thôi. Không khám phá gì thêm. Có lẽ nó không khác lạ gì lắm so với phố thị của chúng ta ngày nay.

…Lần theo hành trình của chuyến tham quan,fet điểm tâm tại khách sạn, chúng tôi đến đảo Sentosa. Điểm dừng chân đầu tiên là công viên Sư Tử Biển (Merlion Park). Ở đây chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng thõa thích và chụp hình lưu niệm với tượng sư tử biển – một biểu tượng phồn vinh của đất nước Singapore tươi đẹp được khánh thành vào ngày 15 tháng 9 năm 1972.

Sing06.jpg

(Công viên Sư Tử Biển – Merlion Park)

Sing07.jpg

(Tượng sư tử đang phun nước)

Sing08-1.jpg

(Từ trái: Diệp, Huân, Phương, Điện, Hiếu, Ân, Triết, Khanh đang đứng trước Merlion Park)

Chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến tham quan Tòa Thị Chính, Tòa Nhà Quốc Hội, rồi Nhà Hát Nổi Trên Vịnh - Esplanade Theathe với kiến trúc hình qủa sầu riêng độc đáo.

Nhà hát nổi trên vịnh – Esplanade Theathe là một trung tâm biểu diễn quy mô nhất của Singapore chiếm diện tích 6 ha. Phần chính có sức chứa 2.000 chỗ. Bên cạnh còn có 1 phòng hòa nhạc cho 1.600 khách. Nó còn có cả thư viện, studio, trung tâm nghệ thuật ngoài trời dành cho những buổi biểu diễn vào cuối tuần… Công trình này được xây dựng bởi 2 Công ty kiến trúc lớn (một ở Singapore; một có trụ sở tại London) với kinh phí đầu tư gần 1 tỷ USD, chính thức mở cửa vào tháng 10/2002. Theo thiết kế ban đầu năm 1994, nó sẽ có lớp kính trang trí xung quanh. Nhưng do vấn đề hiệu ứng nhà kính nên về sau đã có một vài thay đổi (thay kính bằng vật liệu nhôm tạo thành những mái nhỏ). Chính sự thay đổi này đã làm cho nhà hát trở nên có dáng vẻ như quả sầu riêng. Từ đó dẫn đến cái tên “Nhà hát sầu riêng”. Rất tiếc điều kiện không cho phép nên chúng tôi chưa thể đặt chân vào bên trong đển tận mắt chiêm ngưỡng hết quy mô và sự hấp dẫn của nó!

Sing09.jpg

(Nhà hát nổi trên vịnh - Esplanade Theathe với kiến trúc hình Quả Sầu Riêng)

Tiện đường, chúng tôi ghé vào Trung tâm vàng bạc đá quý nổi tiếng, cửa hàng Chocolate và cửa hàng Dầu gió xanh – sản phẩm truyền thống mang nhãn hiệu Singapore. Tại Trung tâm vàng bạc đá quý, chúng tôi tha hồ nhìn ngắm các thứ hàng trang sức và được nghe các nhân viên bán hàng (phần lớn là người Việt sang làm công cho các chủ người Hoa) thao thao quảng cáo mặt hàng. Có điều hơi đặc biệt,ở cửa hàng này chỉ giao dịch bằng USD chứ không giao dịch bằng tiền Singapore nên cũng có chút phiền phức. Nhưng cuối cùng rồi cũng có cách giải quyết. Chúng tôi cũng đã tranh thủ mua một vài món hàng làm quà kỷ niệm. Phổ biến nhất là loại dây chuyền bạc, mặt đính cẩm thạch và một trong hình chạm của 12 con giáp - gọi là dây chuyền phong thủy. Người dùng nó tuổi gì, thuộc con giáp nào thì chọn mua loại con giáp ấy với hy vọng như đã được “tư vấn” là sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc dồi dào. Không biết mai này, người bạn đời của tôi có được điều ấy chăng?

Về cửa hàng Chocolate thì hầu như chúng tôi chỉ lướt qua. Không mấy ai mua sắm gì vì mọi sản phẩm đều quá cao giá - mặc dù lúc đến, các nhân viên tiếp chúng tôi rất niềm nỡ, rất chuyên nghiệp.

Sing11.jpg
Sing10.jpg

( Cửa hàng SOCHOLATE - sản phẩm truyền thống của Singapore)

Trưa, chúng tôi dùng bữa tại một nhà hàng Hàn quốc với món nướng Korea BBQ nổi tiếng từ Seoul và tạm nghỉ ngơi tại chỗ. Chiều chúng tôi đến đỉnh núi Mount Faber, nơi có độ cao 166m. Ở đây chúng tôi có thể ngắm toàn cảnh Thành phố Singapore, chụp hình với sư tử con, …

Sing12.jpg

(Cô Sư tử con được đặt cạnh đỉnh Mount Faber)

Sing13.jpg

(Bồn cây xanh tại đỉnh Mount Faber)

Sentosa – Đảo du lịch nổi tiếng đồng thời là khu giải trí tuyệt vời trên một ốc đảo của Singapore. Một dấu ấn mạnh mẽ hơn cả là việc chúng tôi vào tham quan Bảo Tàng Sáp, nơi tái hiện sinh động về sự hình thành và phát triển của đất nước Singapore qua các thời kỳ bằng hàng loạt những tượng làm bằng sáp. Ở đây thật thú vị, anh Lê Văn Hưng - trưởng đoàn của chúng tôi đã say sưa ngắm nhìn các pho tượng dùng minh họa cho các thời kỳ lịch sử qua các gian trưng bày dưới ánh sáng của những bóng đèn điện được phối trí hài hòa thật phù hợp với không gian cũng như thời gian và đã nhờ tôi ghi hộ hàng chục tấm hình để làm lưu niệm. Với những gì được tái hiện trong Bảo tàng, quả thật Singapore có quyền tự hào về đất nước và con người của họ. Họ trân trọng quá khứ để rồi sẵn sàng bước đến tương lai bằng những bước đi vững chắc, chủ động, tự tin. Tôi thầm nghĩ những trẻ con Singapore sau khi vào tham quan Bảo tàng, chắc chắn chúng sẽ dễ dàng ghi nhớ và hiểu sâu sắc về lịch sử của dân tộc, đồng thời chúng cũng sẽ tự tin hơn về tiền đồ của chúng.

Sing14.jpg

( Anh Hưng đang đứng trước cảnh thuộc Anh )

Sing15.jpg

(Vị chiêm tinh gia đang mách bảo điềm lành)

Rời Bảo Tàng Sáp, chúng tôi đã đặt chân lên tận đỉnh đầu của Tượng Sư tử cao 39m để ngắm nhìn T.P Singapore và toàn cảnh đảo Sentosa đầy huyền thoại; đồng thời khám phá Sentosa bằng trò chơi mạo hiểm như ngồi cáp treo lơ lửng trên không chạy qua lại trên một vài triền đồi…

Sing16-1.jpg picture by nguyenlephuocan

(Tượng sư tử cha cao 39m)

Sing17.jpg

(Phần đỉnh của tượng sư tử cha)

Sing18.jpg

(Một đầu của hệ thống cáp treo)

Theo lịch trình, chiều cùng ngày chúng tôi đến tham quan Casino - Khu Casino và phim trường Universal đầu tiên ở Đông Nam Á tại đảo quốc sư tử trên tổng thể Resorts Word Sentosa trên đảo Sentosa với trị giá 4,4 tỷ USD do một người Malaysia làm chủ đầu tư. Vốn nó được khởi công xây dựng từ năm 2005 nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, mãi đến đầu năm 2010 mới chính thức được khai trương (mở cửa vào giữa trưa mồng 1 Tết Âl năm Canh Dần, nhằm ngày 14/2/2010).

Khu Casino mở ra đã thu hút mạnh mẽ khách du lịch từ khắp các châu lục và đã mang lại nguồn thu nhập rất đáng kể cho đảo quốc này. Thực tình mà nói, lúc đầu tôi không mấy hứng thú khi nói đến chuyện sẽ tham quan nơi này bởi nó không liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, học tập của chúng tôi. Nhưng sau khi tham quan, được chứng kiến cảnh bãi đậu xe với lượng ô tô đang đậu dưới gầm nhà, chứng kiến lượng người đang lao vào những đỏ đen của con bạc, chứng kiến cảnh ăn thua của những chủ sòng bạc,…thật không thể nén được nỗi bàng hoàng khó tả. Tôi đã thấy được cảnh rửa tiền của những tay gọi là đại gia, cũng như phần nào thấu hiểu những nguyên nhân phá sản dẫn đến tham nhũng, hối lộ, thoái hóa, biến chất của một số quan chức có quyền hành và thế lực mà vốn lâu nay họ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín chung và nền kinh tế của quốc gia dân tộc như báo chí đã từng đăng tải. Dù sao nơi này cũng đã để lại trong tôi một số cảm giác và hiểu biết mới mẻ, khó quên!

Sing19.jpg

(Mặt trước cửa chính của CASINO)

Sing20.jpg

(Khu CASINO nằm trên tổng thể RESORTS WORLD SENTOSA)

Nói đến đảo Sentosa không thể không nói đến các trò chơi mạo hiểm và đầy sức hấp dẫn như ngồi xe trượt dốc Luge&Ride hoặc thư cảm giác mạnh với phim hiện đại 4 chiều. Bên cạnh, chương trình nhạc nước – Song of the Sea hoành tráng và hiện đại nhất Châu Á với sự phối hợp âm thanh, ánh sáng sôi động xen lẫn những tia laser phát sáng cùng nhạc nước tạo nên những sắc màu kỳ ảo cũng đã thực sự lôi cuốn người xem đến say lòng.

Sing21.jpg

(Khoảnh khắc trong show nhạc nước ở đảo Sentosa)

Hôm sau nữa, chúng tôi tiếp tục đến thăm Vườn chim Jurong (Jurong bird park-Shoping), một điểm du lịch nổi tiếng nữa của Singapore. Nó có diện tích trên 20 hecta và là nơi hội tụ của hơn 7.000 loài chim đầy màu sắc sinh động được chiêu tập từ mọi miền trên thế giới. Chúng tôi đã đi tàu điện trên không-mororail để ngắm toàn cảnh vườn chim thơ mộng và tham quan thác nước nhân tạo-Water Fall, chúng tôi đã dừng chân để chim ngưỡng những chú hồng hạc đang thỏa thích lội bơi và khoe sắc, hoặc lại trò chuyện với một vài đôi chim cánh cụt đang ung dung tình tự và tắm mình dưới nắng mai.

Sing22.jpg

(Những chú hồng hạc đang thõa thích bơi lội và khoe sắc)

Sing23.jpg

( Đôi cánh cụt đang tình tự & tắm mình dưới nắng mai).

Thật là đáng tiếc nếu như phải bỏ qua màn trình diễn độc đáo – All Star Bird Show (xiếc chim) để có giây phút thư giãn và được tận hưởng cái cảm giác sảng khoái thực sự sau gần một buổi dạo bộ và luôn trải qua những trạng thái bàng hoàng khó tả.

Sing24.jpg

(Khán đài ngoài trời-dành cho khán giả ngồi xem xiếc chim)

Sing25.jpg

(Khán giả đang say sưa và hào hứng hướng về khu xiếc chim-All Star Bird Show)

Sau những ngày đi lại bận rộn với công việc tham quan học tập trên quốc đảo sư tử - xứ sở của sự phồn vinh nhờ vào tiềm lực con người và nổi tiếng với môi trường “xanh-sạch-đẹp” nhờ vào tài lãnh đạo của chính phủ mà đứng đầu là ngài Lý Quang Diệu, chúng tôi buộc phải thu xếp hành lý và nói lời tạm biệt trong niềm lưu luyến bồi hồi. Giá mà đang ở tại nơi nào đó trên đất nước của mình, nhất định tôi sẽ xướng lên câu dân ca “người ơi người ở đừng về” và sẽ đề nghị anh em nán lại vài ngày nữa để tiếp tục tham khảo, tìm hiểu thêm về con người và những yếu tố đã làm nên sự đổi thay kỳ diệu của một Singapore hiện đại như ngày nay.

Nhưng chỉ nói vậy thôi, công việc đang nóng lòng chờ mỗi một chúng tôi ở phía trước. Hy vọng qua những ngày đặt chân đến đất nước Singapore tươi đẹp này sẽ ít nhiều để lại trong chúng tôi những bài học kinh nghiệm quý giá trong quá trình làm công tác giáo dục, góp phần đưa những nhà trường của chúng ta lên một bước chuyển biến tích cực hơn. Mong rằng các nhà quản lý giáo dục Việt Nam cần có những tham mưu, sớm có những giải pháp thiết thực và cụ thể để có được sự đồng bộ trong việc xây dựng sự nghiệp giáo dục của nước nhà sánh kịp với các nước tiên tiến trong khu vực.

Sing26.jpg picture by nguyenlephuocan

(Đoàn tham quan ghi hình lưu niệm trước khi rời phi trường Changi trở về nước)

Tạm biệt Singapore, tạm biệt đảo quốc sư tử xanh-sạch-đẹp, phồn vinh và huyền thoại. Hẹn gặp lại em trên chính đất nước Việt Nam yêu dấu và cũng đầy niềm tự hào của chúng ta một ngày không xa.

Tháng 5/2010

Nguyễn Minh Triết

Một mẫu chuyện về phong thủy của Singapore :

Thời Ông Lý Quang Diệu làm Thủ tướng , đất nước Singapore bắt đầu có những bước phát triển rất mạnh liên quan tới các chính sách quản lý đất nước của Ông. Khi đó nảy sinh nhu cầu phải xây dựng đường tầu điện ngầm thì mới giải quyết được vấn đề giao thông . Nhà thầu xây dựng là một tập đoàn xây dựng quốc tế có năng lực tài chính và kỹ thuật vào loại siêu mạnh. Nhưng thật kỳ lạ là công trình này không thể thi công được qua một khu vực có điều kiện địa chất phức tap. Các kỹ thuật hiện đại nhất đã được đưa ra áp dụng nhưng vẫn hoàn toàn thất bại. Nhà thầu bó tay và báo cáo Chính phủ. Do đất nước Sigapore rất hẹp, cho nên việc lái tuyến thi công sang hướng khác là không thực hiện được ( có nghĩa là chỉ có thể đi qua khu vực đó thôi). Mặt khác đất nước Singapore đang trên đà phát triển rất mạnh như thế cho nên không thể thiếu đường tầu điện ngầm.

Ông Lý Quang Diệu là một nhà chính trị tài ba, nhưng Ông cũng rất coi trọng vấn đề phong thủy. Trước tình hình đó Ông đã cho mời một thầy phong thủy người gốc Hoa từ Mỹ về để hỏi ý kiến. Sau khi xem xét Ông thầy phong thủy phán rằng: Khu vực thi công có điều kiện địa chất phức tạp đó chính là cái lưng của một con rồng lớn. Khi con rồng nằm yên thì thi công được, nhưng khi nó cựa mình thì công trình lại đổ vỡ. Vì vậy mà công tác thi công ở đây không thể tiến triển được cho dù có áp dụng các kiểu kỹ thuật hiện đại. Muốn thi công được qua và đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình sử dụng thì phải dùng biện pháp trấn yểm sao cho con rồng ấy chịu nằm yên không cựa quậy nữa. Ông thầy này đưa ra biện pháp sau : Toàn dân Singapore khi đi ra ngoài đường đều phải đeo hình bát quái trên người. Biện pháp này mới nghe tưởng là đơn giản nhưng làm thế nào mà thuyết phục để dân chúng chịu làm cái việc kỳ dị nói trên ? Thật là quá khó phải không ? Ông Thủ tướng cùng nội các mất rất nhiều công luận bàn mà vẫn chưa tìm được cách nào để thuyết phục dân chúng.

Thấy chồng lo lắng buồn phiền về việc đó, Bà vợ của Thủ tướng Lý Quang Diệu hiến một kế là : Đúc loại tiền xu 1$ có hình bát quái cho lưu hành thay thế đồng 1$ hiện tại. Đúng là một sáng kiến tuyệt vời phải không các vị ! Ngay hôm sau Ông Lý Quang Diệu cho thực thi biện pháp này ngay. Toàn dân từ kẻ nghèo nhất đến người giầu có vương giả khi đi ra đường ai mà không có ít nhất 1$ trong người ( vả lại do kỹ thuật thanh toán phát triển nên người dân Singapore tiêu tiền xu rất phổ biến).

1singdolar.jpg

Quả nhiên khi đồng 1$ có hình bát quái được lưu hành ,

sau đó một thời gian thì tuyến đường tuynel ngầm đó cũng được xây dựng xong và sử dụng ổn định cho đến ngày nay.

Nếu ai có dịp đến Singapore sẽ thấy rằng: tất cả các đồng tiền xu khác đều có hình tròn, nhưng riêng đồng 1$ thì lại có hình bát quái.

Từ sau vụ việc xây dựng tuyến tầu điện ngầm đó, Chính phủ Singapore và cả người dân rất chú trọng vấn đề phong thủy trong xây dựng. Không biết có phải vì vậy mà đất nước Singapore trở nên giàu có nhanh chóng nhất khu vực như hiện nay hay không ?