Đài Loan du ký

PHI LỘ

Bài của Lê Trung Tính

Đài Loan là đảo lớn nhất, ở phía Đông Nam của Trung Quốc, là nơi được các thủy thủ Bồ Đào Nha phát hiện từ những năm thế kỉ thứ 16 và được gọi dưới cái tên khá mĩ miều là Formosa-hòn đảo xinh đẹp- và cũng là chốn dung thân của tướng quân Tưởng Giới Thạch trong cuộc chiến Quốc-Cộng vào đầu thế kỉ thứ 20 và từng là đảo quốc đại diện cho cả Trung Hoa lục địa trong một thời gian dài.

Ngày nay, Đài Loan là một trong 4 con rồng/con hổ về mặt kinh tế của châu Á và một trong 20 quốc gia có nền kinh tế mạnh trên thế giới. Do đó, đến được vùng đất này để chiêm ngưỡng những thành quả nổi bật mà họ đã xây dựng trong mấy chục năm qua là mong muốn của bất cứ những ai thích đi xa và mong tìm hiểu.

Nhân tập đoàn Siemens mời đoàn công tác ở thành phố Hồ Chí Minh tham quan, học tập về tuyến metro thành phố Cao Hùng-Đài Loan và thật tình cờ và may mắn cho tôi được cử tham gia chuyến công tác này.

Qua 4 ngày làm việc và học tập, chúng tôi lợi dụng chút thời gian rảnh rỗi tìm hiểu và thăm viếng một số nơi thuộc Cao Hùng-Đài Bắc, nay xin ghi lại những cảm nhận và đánh giá về những gì mắt thấy-tai nghe ở lần đầu tiên đến, để làm kỉ niệm chuyến đi; đồng thời Thân/Kính tặng những Anh Em trong đoàn và những ai thích đi xa cùng đọc./.

ĐÀI LOAN DU KÝ

(3/9-8/9/2009)

Giới thiệu một chút về Đài Loan,

DL01.jpg picture by nhattansg

“Đài Loan” là từ dịch từ chữ “Tai-oan” theo tiếng Đài Loan, dùng để chỉ đảo quốc Đài Loan nằm ở ngoài khơi Đông Nam đại lục Trung Hoa, phía Nam Nhật Bản và Bắc Philippine, bao gồm quần đảo Bành Hồ thuộc eo biển Đài Loan, Kim Môn-Mã Tổ ngoài khơi Phúc Kiến và đảo Thái Bình, Đông Sa ở biển Đông, do người Bồ Đào Nha phát hiện ra từ năm 1590, thế kỉ thứ 16.

Đảo chính của Đài Loan cũng được gọi là Formosa(có nghĩa là Hòn đảo xinh đẹp, do các thủy thủ người Bồ Đào Nha gọi cho đến thập niên 1960).

Sau đó, Đài Loan lần lượt bị chiếm làm thuộc địa của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và đến thế kỉ thứ 17, Đài Loan được sáp nhập vào Trung Quốc. Đến năm 1895 tức thế kỉ 19, theo hiệp ước Mã Quan giữa Nhật và chính phủ nhà Thanh, Đài Loan thuộc về Nhật.

DL02.jpg picture by nhattansg

Đến tháng 12/1945 Nhật thất bại trong thế chiến thứ 2, Đài Loan trở về thuộc Trung Quốc.

Tháng 10/1949, Trung Hoa đại lục được giải phóng, Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu chạy ra Đài Loan.

Thủ đô của Đài Loan là Đài Bắc.Nó nằm ở Bắc bán cầu, khu vực Đông Á, phía Đông Trung Quốc, cách tỉnh Phúc Kiến khỏang 100km, qua eo biển Đài Loan, gồm đảo chính Đài Loan, quần đảo Bành Hồ và các đảo nhỏ ở chung quanh.

DL03.jpg picture by nhattansg

Đây là hòn đảo lớn nhất Trung Quốc, có hình tượng như củ khoai lang, hơi cong(mà phần bụng lõm vào ở phía Đông và phần lưng lồi ra ở phíaTây, hướng về đại lục); với diện tích gần 37.000 km2 ( rộng gấp 18 lần TPHCM), chiều dài 394 km, chiều rộng 144 km, 65% diện tích là núi rừng trong đó phía Đông chủ yếu là núi, còn đồng bằng thoai thoải về phía Tây; dân số 23 triệu người(gấp 3 lần TP.HCM, chỉ có 25% diện tích dành cho canh tác.

Về hành chính, Đài Loan chia lãnh thổ làm 3 miền: Đài Bắc là khu vực phát triển nhất, đặc biệt là kỹ nghệ điện ảnh: Đài Trung chủ yếu là khu công nghiệp nhưng ít hơn Đài Bắc; khu vực Đài Nam tập trung vùng nông nghiệp.

Tiếng Hán âm Bắc Kinh là ngôn ngữ chính. Đơn vị tiền tệ là Đài tệ, viết tắt là TWD(Yuan-kuai), với 1USD # 32.5 đài tệ, 1Yuan = 500VND, phí đổi tiền khỏan 150Yuan(Tuy nhiên khi đến Đài Loan chúng tôi thấy họ chỉ dùng cụm “NT” hỏi ra mới biết là New Taiwan dollar).

Đài Loan sử dụng điện 110 volt(giống Nhật Bản) nên khi đến đất nước này chúng ta cần mang theo “plus adaptor kit-phích cắm chuyển đổi”.

Đài Loan thuộc Trung Quốc là một trong những vùng lãnh thổ có nền kinh tế mạnh nhất Châu Á, nằm trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới và có mức dự trử ngoại hối hàng đầu thế giới(253,3 tỉ USD-2005), là một trong “4 con cọp/rồng về kinh tế” ở Châu Á. GDP gần 345 tỉ USD(2005) và thu nhập bình quân đầu người đạt 18.000 USD/người(2008).

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan chủ yếu là ở dạng nguyên liệu thô hoặc dạng sơ chế gồm hàng nông sản(hạt điều-chè-cà phê..) hoặc khoáng sản, thủy sản và hàng công nghiệp(dệt may-giày dép...). Nhập siêu giữa Việt Nam và Đài Loan ngày càng tăng cao, nếu năm 1997 là 611 triệu USD/năm thì sang năm 2003 đã là 2,16 tỉ USD.

Về đầu tư trực tiếp, tính đến hết năm 2006, Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam tổng số 1.562 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 8,258 tỉ USD; nếu tính cả đầu tư thông qua nước thứ ba, Đài Loan hiện là nước xếp vị trí thứ nhất, các dự án do Đài Loan đầu tư, phân bổ trên địa bàn 40 tỉnh-thành phố trong cả nước và thu hút trên dưới 100.000 lao động.

DL05.jpg picture by nhattansg

Giới thiệu một chút về Đoàn,

Đoàn chúng tôi gồm có cả thảy 8 người, trong đó Trưởng đoàn là Pgđ Lê Toàn, Anh Em còn lại là Anh Nguyễn Văn Quốc-phó trưởng ban Quản lý đường sắt nội đô, Bạn Bùi Xuân Cường-Trưởng phòng Quản lý giao thông, Bạn Vũ Trung Hưng-chuyên viên sở Qui hoạch-kiến trúc, bạn Trần Đình Vũ Hải-chuyên viên sở Ngoại vụ-TP HCM, bạn Hùng đại diện cho Siemens-Việt Nam, bạn Trương Vũ Tuân-pgđ một công ty tư vấn thuộc Bộ GTVT và mình; trong đó chỉ có Mr.Quốc là người bạn mình đã có lần đi tham quan Trung Quốc vào năm 2007 theo chỉ tiêu của Công Đoàn cơ quan VPS GTVT, còn tất cả những Anh Em còn lại, đây là lần đầu tiên đi công tác chung với mình ra nước ngoài và đều là lần đầu tiên đến Đài Loan! Có thể nói đây là một Đoàn Dương thịnh Âm suy!

DL04.jpg picture by nhattansg

Sân bay Cao Hùng,

Khởi hành ở sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 18g00’ ngày 3/09/2009, đi theo hành trình qua Pleiku-Đà Nẵng và thẳng ra biển Đông trực chỉ Đài Loan. Sau 2g40’ bay, chúng tôi đã tới sân bay Cao Hùng là sân bay quốc tế lớn thứ hai ở Đài Loan nhưng nhìn chung qui mô khá khiêm nhường so với những sân bay trong khu vực như Suvarnabhumi của Thái, Changi của Singapore hoặc Karita của Nhật...

DL06.jpg picture by nhattansg

Nhân chuyến sử dụng Air bus 321 của Air Việt Nam liên doanh với Mandarin Taiwan Airlines, trong đó tỉ lệ lợi dụng trọng tải cả hai lượt đi, về chỉ trên dưới 50%, chúng tôi suy nghĩ về thời kỳ suy thoái của hàng không thế giới mà số liệu công bố mới nhất của IATA-Hiệp hội hàng không Quốc tế: “6 tháng đầu năm 2009, lỗ tới 6 tỉ USD nên ngay cả những hãng hàng không danh tiếng trên thế giới cũng có những chương trình cắt giảm đáng chê trách: “British Airways-Anh dự kiến khách phải trả tiền cho những bữa ăn trên máy bay, Air France-Pháp yêu cầu hành khách trả thêm 50EUR/nếu ngồi gần cữa thoát hiểm, North-Weast Airlines thu thêm 15USD/những ai thích ngồi bên cữa sổ”!...

DL07.jpg picture by nhattansg

Khách sạn chúng tôi trú ngụ là Grand Hi-Lai Hotel, một khách sạn hạng 5 sao, ở ngay khu vực trung tâm chỉ cách sân bay chừng 20’ xe ô tô.

Vừa đến khách sạn, phía Siemens có các bạn Markus Zachmeier và hai người đẹp Đài Loan Krista Shih(Thi Nại Tinh), du học ở Mỹ về và người đẹp Đức Claudia, đón chúng tôi rất trọng thị và chân tình, làm ấm lòng những người đến từ xa!

Cao Hùng,

DL08.jpg picture by nhattansg

Đây là thành phố ở phía Tây Nam Đài Loan, lớn thứ 2 tại Đài Loan, rộng 150 km2 với dân số trên 1,5 triệu người. Cao Hùng còn là trung tâm chế tạo, lọc dầu và vận tải lớn của Đài Loan.

Các HDV du lịch thường cho rằng, không giống như Đài Bắc, các đường phố của Cao Hùng rộng rãi và giao thông thông suốt, từ Đài Bắc đi Cao Hùng gần 500 km nhưng chỉ mất 40’ máy bay, hoặc tàu lửa cao tốc chỉ mất 1g30’, còn nếu sử dụng ô tô hoặc tàu hỏa thường thì hết 4 giờ.

Cao Hùng là cảng chính của Đài Loan và là một trong 4 cảng lớn nhất thế giới(chỉ đứng sau Singapore,Rodterdam,Hồng kông), phần lớn dầu được xuất qua cảng này. Cao Hùng còn có những khu chế xuất sản xuất nhôm-gỗ-giấy-phân đạm-xi măng.

Cao Hùng là trung tâm ngành công nghiệp đóng tàu của Đài Loan và cũng là căn cứ hải quân lớn của Trung Hoa Dân Quốc.

Năm 2009 thành phố Cao Hùng được chọn làm nơi đăng cai tổ chức World Games 2009, một thế vận hội cơ bản không có những môn được thi đấu trong thế vận hội.

Thấy gì qua hệ thống MRT Cao Hùng?

DL09.jpg picture by nhattansg

Qua 4 ngày làm việc và tham quan thực tế các tuyến tàu điện ngầm, tham qua các cơ sở sửa chữa(Depot) và Trung tâm điều hành(OCC-Operation Control Center) hệ thống tàu điện ngầm cũng như cơ quan xây dựng và đầu tư hệ thống tàu điện ngầm ở Cao Hùng(KRTC-Kaohsiung Rapid Transit Coporation)) chúng tôi nhận thấy:

DL10.jpg picture by nhattansg

Với một diện tích nhỏ(154km2), một dân số ít(1,5 triêu dân) chính quyền thành phố Cao Hùng đã sáng suốt lựa chọn, xây dựng ngay cho mình một hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn như khuyến cáo của hầu hết các chuyên gia về VTHKCC trên khắp thế giới(Các thành phố trên một triệu dân nên nghĩ ngay đến Vận tải khối lượng lớn), nên mặc dù ở thành phố này có đến gần 1,2 triệu xe ôtô và hơn 1,6 triệu xe gắn máy(như vậy bình quân mỗi người dân ở đây gần như có một xe ôtô và một xe gắn máy!), nhưng lưu thông ở đây vẫn thông thóang, tiết kiệm thời gian, tiện lợi cho hành khách... không như cảnh kẹt xe triền miên ở TP.HCM của chúng ta hiện nay(Vào thời điểm này vào những ngày cuối tuần, chỉ từ khu vực Suối Tiên về Chợ Bến Thành, khỏang 30km hoặc từ Bình Chánh về Chợ Bình Tây, chỉ khỏang 20 km , vào những ngày Thứ bảy-Chúa nhật phải mất cỡ 3g xe ôtô...) hay Bangkok-Thái Lan trước đây!

Việc xây dựng hệ thống MRT(Mass Rapid Transit) của họ với một mục tiêu: “Hết lòng hết sức cho việt phát triển chất lượng của hệ thống VTKHL” cho vùng Cao Hùng ngày càng lớn hơn và cho một thành phố Cao Hùng ngày càng tốt hơn; với một giá trị cốt lõi: “Cung cấp một dịch vụ toàn tâm, toàn ý-chính xác-nhanh-luôn đổi mới và sáng tạo”; với một tầm nhìn: “Huớng tới một hệ thống GTCC khối lượng lớn thuộc tầm cỡ thế giới”!

Sau 6 năm xây dựng(bắt đầu từ 30/10/2001), chỉ đưa vào vận hành khoảng một năm nay: Red line(3/2008) và Orange line(9/2008), với tổng chi phí 5,52 tỉ USD(bình quân 52,5tỉ /42,7km = 129 triệu USD/km, nhưng 75% công trình của họ là ngầm trong khi tuyến số 1-Bến Thành-Suối Tiên của ta chỉ có một đoạn ngầm rất ngắn 2,2 km nhưng đã tốn đến 2 tỉ USD/19,6km là khá đắt!) với một hợp đồng nhượng quyền 30 năm do công ty KRTC(Với sự hợp vốn từ 7 đơn vị trong đó China Steel group chiếm 32,5%) đảm nhận.

DL11.jpg picture by nhattansg

Cái hay của hệ thống Metro Cao Hùng là tuy họ chỉ mới thực hiện hai tuyến xương sống:Tuyến Red line là tuyến trục Bắc-Nam và tuyến Orange line là tuyến trục Đông- Tây, thế nhưng họ đã nối kết đựơc toàn bộ các điểm chính của thành phố:

- “Ga O1 nối kết với phà Gushan-SouShan zoo-British consulate;

- Ga R4 nối với sân bay, được thiết kế dựa trên ý tưởng “Bầu trời xanh-Đại dương và Metro”;

DL12.jpg picture by nhattansg

- Ga R8 nối với trung tâm thương mại,

- Ga R9 nối với Centrak Park, được thiết kế theo hình mái vòm rộng lớn và dưới đó là vườn hoa khoe sắc dưới ánh sáng mặt trời, khi nhìn nó tựa như hình của chiếc đầu máy bay phản lực;

- Ga R10/O5 là nhà ga trung tâm, nơi tiếp chuyển của hai tuyến Đỏ-R/Cam-O; hình dáng của 4 lối vào như 4 bàn tay chắp lại khấn vái cho dân chủ và hoà bình của thành phố cảng Cao Hùng(symbolize prayers by the people of Kaohsiung for peace and democracy).

- Ga R11 nối với Taiwan Railways;

- Ga R16 kết nối với Tawan High Speed Rail;

- Ga R17 nối kết với World Games Station, được thiết kế dựa trên ý tưởng và hình dáng của một chiến tàu chiến;

- Ga 23 kết nối với Taiwan Railways...”

Tuyệt vời hơn nữa là các kiến trúc sư khi thiết kế công trình họ đã thả hồn vào các tác phẩm nghệ thuật, tương tự như ở Lyon-Pháp: mỗi tầng ngầm đậu-đỗ xe là một công trình nghệ thuật hoặc ở Đà Lạt quê ta, lúc đầu các ngôi biệt thự ở đó đều được xây dựng theo các motif khác nhau!

DL13.jpg picture by nhattansg

Ga R4 nối với sân bay quốc tế Cao Hùng, với chủ đề Nước: Love our water resourses bỡi vì cuộc sống và nền văn minh của chúng ta đều bắt đầu từ Nước. Ở đây còn có 2 bức tường nghệ thuật, bức thứ nhất với biểu tượng “Tree of life-Cây sự sống” với hàm ý nguồn gốc của sự sống từ đại dương và sự sống của thành phố cảng Cao Hùng; bức tường thứ hai là “bức tường vô tận” với những làn sóng vô tận, hàm ý sự phồn vinh kéo dài của thành phố Cao Hùng.

Ga R17 nối với sân vận động World Games với chủ đề Floating Forest với ước mong: “Love for our mountain”.

Ga O5/R10 là nhà ga Đại lộ Formosa với “Dome of light” bao gồm 1.252 miếng kính màu ghép lại và chia làm 4 phần tượng trưng cho “ánh sáng-lửa-nước và đất” là biểu tượng của vòng đời “sinh-trưởng-huỷ diệt và tái sinh”.

Trên các toa tàu có ghi chú những chỉ dẫn rất rõ:

- “Mind the platfom gap;

- Keep finger off doors;

- Priority seats: Priority to senior citizens-pregnant-and passenger who is disabled or with chidl;

- Do not lean on doors;

- No eating-drinking-or smoking, fine for violaton 1.500 NT”....

DL14.jpg picture by nhattansg

Hệ thống toa xe metro ở Cao Hùng và Đài Bắc đều do Siemens Đức sản xuất ở Áo, có đặc trưng là thông suốt giữa các toa, tạo sự thông thoáng cho cả đoàn tàu. Riêng lô toa xe ở Đài Bắc, tuy đã sản xuất gần chục năm nhưng nay vẫn còn khá tốt.

Cách quản lý dự án(Project Management Systematic)của tập đoàn Siemens do Mr Schober-Trưởng dự án metro Cao Hùng trình bày khá xuất sắc, rất đáng cho ta học tập trong những bước khởi đầu còn ngổn ngang như ở TP.HCM hiện nay, không hiểu gs Quốc có đồng tình với mình như thế không nhỉ? đặc biệt là trong công tác nối kết giữa các bên liên quan(vì Siemens chỉ tham gia một phần nhỏ dự án), mỗi hạng mục luôn có: “Objectives-Main contents or main activities-main tools” nên nhờ vào đó họ đã handed over rút ngắn 13 tháng bù trừ hơn một nửa thời gian chậm trễ 24 tháng do sự cố sập 100 m đường hầm gần biển, điều mà pgđ Toàn hỏi rất cặn kẽ, nhằm rút kinh nghiệm về sau, nhưng hình như mọi lý giải còn có điều gì đó chưa thõa đáng!?

Học tập được nhiều điều nhưng rút kinh nghiệm từ Metro Cao Hùng cũng không phải không có! Nhìn sự trống vắng của các ga tàu metro ở Cao Hùng và qua làm việc với Mr.Yen, chủ tịch KRTC(Kaohsiung Rapid Transit Coporation) vào sáng thứ hai ngày 7/9/2009, chúng ta thấy rằng giữa nhu cầu dự báo(thường được tô hồng-chuốc lục) và trên thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa và để trả lời câu hỏi: “liệu ông có chọn phương án BOT nếu cho ông làm lại từ đầu”? thì ông rất thực lòng:“dĩ nhiên là sẽ chọn phương thức BT thay vì BOT”!

DL15.jpg picture by nhattansg

Theo chương trình công tác đã hoạch định, suốt 4 ngày chúng tôi có lịch làm việc dày đặc, kể cả hai ngày thứ bảy và chủ nhật; chỉ duy nhất một buổi chiều chủ nhật là được rảnh rang để đi shopping!

Trước tình cảnh này, nguy cơ đến Cao Hùng nói riêng và Đài Loan nói chung, chúng tôi đã đi-nhưng hình như chưa đến bao giờ! Vì đâu có biết được gì ngoài những buổi làm việc, ăn cơm và quay về thành phố!

Thế là theo gợi ý của bạn Hưng-Sở QHKT, và được sự nhất trí của các bạn phía Siemens, chúng tôi đã “nén” chương trình làm việc, để dành nguyên một ngày chủ nhật 6/9/2009, lên tàu cao tốc thẳng tiến Đài Bắc, thủ đô của Taiwan.

Đài Bắc là thành phố lớn nhất của đảo quốc Đài Loan, nhưng do có ít quốc gia công nhận như một quốc gia có đầy đủ chủ quyền, nên Đài Bắc chỉ được coi như thủ đô của Đài Loan một cách bán chính thức.

DL16.jpg picture by nhattansg

Đài Bắc,

Đài Bắc ở phía cực Bắc Đài Loan, phía Bắc tiếp giáp với biển Đông Trung Hoa(East China sea), phía Đông tiếp giáp với Green Island, phía Nam tiếp giáp với Nam Biển Trung Hoa(South China Sea) và phía Tây tiếp giáp với Penghu Island.

Đài Bắc có diện tích 272 km2 là thành phố rộng nhất Đài Loan, có 7 triệu dân chiếm 1/8 dân số Đài Loan.

Khi nói đến Đài Bắc, chúng ta cần có sự phân biệt: Thành phố Đài Bắc là một thành phố đặc biệt trực thuộc TW do chính phủ Đài Loan quản lý. Một Đài Bắc nữa là huyện Đài Bắc thuộc tỉnh Đài Loan và trên tực tế khu vực Đài Bắc bao gồm huyện Đài Bắc-huyện Đào Viên- và thành phố Cao Long.

Cảng Cơ Long-cảng Đạm thủy là cửa khẩu vào biển của thành phố Đài Bắc. Sân bay Tùng Sơn là sân bay quốc tế lớn thứ hai ở Đài Loan.

Tháp Đài Bắc 101(hay còn gọi là Tapei 101 Tower),

DL17.jpg picture by nhattansg

Ở Cao Hùng chúng tôi được đi tham quan tòa tháp Tuntex Sky còn có tên là toà tháp T&C, cao 348m, được xây dựng từ 1994 và khai trương từ năm 1997, là tòa nhà cao nhất Cao Hùng và từng là tòa nhà cao nhất Đài Loan cho đến khi xuất hiện tòa nhà chọc trời Tapei 101ở Đài Bắc mà chúng tôi quyết đi tham quan nhân chuyến này!

Đây là địa điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi khi đến Đài Bắc.Đó là toà nhà chọc trời tiêu biểu không những của Châu Á và còn là của cả thế giới.

Tháp Đài Bắc 101, có 101 tầng và 5 tầng hầm, nặng 700.000 tấn, được khai trương vào ngày 31/12/2004, là toà tháp đang giữ những kỉ lục thế giới sau đây:

- Từ mặt đất đến đỉnh tháp cao 509 m, đánh đổ kỉ lục 452 m của toà nhà Petronas Malaysia.

- Từ mặt đất đến nóc cao 449 m, đánh bại kỉ lục cao 442 m của tháp Sears.

- Từ mặt đất đến tầng cao nhất cao 439m, đánh bại kỉ lục cũng của tháp Sears.

- Vận tốc đi lên của thang máy nhanh nhất 16,83 m/s # 60,4km/h do hãng Toshiba cung cấp(hay với tốc độ 1.001m/phút)

- Đồng hồ đếm ngược lớn nhất thế giới vào ngày đầu năm mới…

Đài quan sát(Taipei 101 Observatory) mà chúng tôi được đưa lên tham quan ở bên trong nhà ở tầng 89. Việc tổ chức bán vé và lối vào tháp ở tầng thứ 5, từ lầu 5 đến tầng 89 chỉ mất hơn ½ phút(37giây).

Ở tầng 88 có treo một quả cầu sắt nặng 660 tấn, còn được gọi là Super big Wind Damper, nhằm để đong đưa qua lại, để giảm biên độ dao dộng của tòa nhà khi có gió. Móng của tòa nhà được đào sâu đến 80m!

Ở tầng 89 là tầng Indoor Observatory, ở cao độ 382 m so với mặt đất, ở đây chúng ta có cơ hội ngắm nhìn thành phố từ trên cao và từ nhiều hướng. Còn nếu muốn quan sát ở bên ngoài trời phải mua thêm vé 100 Đài tệ và lên tầng 91.

Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch(Chiang Kai-Shek memorial Hall).

DL18.jpg picture by nhattansg

Sau buổi dừng ăn cơm trưa ngay dưới chân tháp Tapei 101, chúng tôi đựơc đưa đi tham quan điểm nổi tiếng thứ hai ở thủ đô Đài Loan là Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch hay còn gọi là Trung Chính kỷ niệm đường.

Đây cũng là nơi vui chơi giải trí của người dân trong những ngày nghỉ hoặc là địa điểm nghiên cứu học tập của những ai thích tìm hiểu hoặc học tập của giới sinh viên-học sinh.

Nhân đến tham quan đền tưởng niệm về Tưởng Giới Thạch, chúng ta cần nói thêm một chút về lịch sử cận đại Trung Hoa.

DL19.jpg picture by nhattansg

Trung Hoa Dân Quốc, thực ra là một chính thể nối tiếp sau triều đình nhà Thanh năm 1912, chấm dứt hơn 2.000 năm phong kiến Trung Quốc.

Đây là chính thể cộng hoà hiện đại đầu tiên của Trung Quốc và từng lãnh đạo toàn bộ đất nước Trung Hoa trên danh nghĩa từ 1911-1949 và lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan từ năm 1949 cho đến nay.

Ngày 1/1/1912 Tôn Dật Tiên chính thức thành lập Trung Hoa Dân Quốc và lên làm Tổng thống lâm thời tại Nam Kinh.

Nhắc đến Tôn Dật Tiên chúng ta cần nhớ về học thuyết tam dân của ông là “Dân tộc-Độc lập;Dân quyền-Tự do; Dân sinh-Hạnh phúc” đã được chính quyền ở đây trân trọng khắc ngay ở bức tường sau lưng và ở bên trên tượng Tưởng Giới Thạch, mà sau này nước ta lấy làm câu thiệu bên dưới tên nước CHXHXCN Việt Nam: “Độc lập-Tự Do-Hạnh Phúc”.

Nói đến Tưởng Giới Thạch, chúng ta không thể không nói đến vai trò của các mỹ nữ họ Tống trong lịch sử Trung Hoa nói chung và vai trò của cá nhân Tống Mỹ Linh trong đời sống chính trị của Tưởng Giới Thạch nói riêng.

DL20.jpg picture by nhattansg

Tống Ái Linh(chị cả) kết hôn với Khổng Tường Hy, một chủ nhà băng giàu có đồng thời là Thủ tướng và Bộ trưởng bộ Tài Chính trong chính phủ Tưởng Giới Thạch.

Tống Khánh Linh kết hôn với Tôn Trung Sơn(nhỏ hơn ông 26 tuổi) người lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa, lật đổ chế độ phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1911, là Tổng Thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc. Sau này bà đi theo đảng Cộng sản và làm PCT nước CHND Trung Hoa cho đến khi qua đời.

DL21.jpg picture by nhattansg

Tống Mỹ Linh(biệt danh là người đẹp bụng mèo), kết hôn với Tưởng Giới Thạch(nhỏ hơn ông 11 tuổi). Tống Mỹ Linh là con thứ 4 trong một gia đình có 6 người con(Em của Tống Ái Linh và Tống Khánh Linh-là Tôn phu nhân-vợ của Tôn Trung Sơn, có khuynh hướng thân cộng, chị của Tống Tử văn, Tống Tử Lương và Tống Tử An) được sinh ra tại Thượng Hải.

Lên 8 tuổi bà đã học ở trường tư Mỹ tại Thượng Hải và sau này du học ở Mỹ, được học bỗng Durant Scholars và tốt nghiệp hạng cao vào năm 1917, gặp Tưởng Giới Thạch vào năm 1920, nhỏ hơn chồng 11 tuổi và là đệ nhất phu nhân Trung Hoa Dân Quốc. Cưới ông Tưởng Giới Thạch vào năm 1927 và cam kết với nhau là sẽ không có con!

Bà chết vào năm 2003 thọ 106 tuổi! bà là người Trung Quốc đầu tiên và là người phụ nữ thứ hai đọc diễn văn trước quốc hội Hoa Kỳ.

DL22.jpg picture by nhattansg

Suốt trong thập niện 1960, bà đã là một trong 10 phụ nữ được ngưỡng mộ nhất ở Hoa Kỳ, bà là thư ký, phiên dịch viên tiếng Anh và cũng là cố vấn cho Tưởng Giới Thạch!

Tưởng-Tống đã từng được báo chí Mỹ bầu chọn là “cặp vợ chồng” trong năm.

Người ta thường nhận xét về ba mỹ nhân của nhà họ Tống trong một câu ngắn gọn song khá chính xác như sau:

“Một người mê tiền-Tống Ái Linh, một người yêu Trung Quốc-Tống Khánh Linh, và một người mê quyền lực- Tống Mỹ Linh”.

Trung Hoa Dân Quốc bị mất ghế LHQ vào năm 1971 nhưng Hoa Kỳ chỉ công nhận từ 1979, đến năm 2006 còn 26 quốc gia công nhận, trong đó có Toà thánh Vatican công nhận chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc(Republic of China).

DL23.jpg picture by nhattansg

Một số nơi cần tiếp tục tham quan ở Đài Bắc,

Do quĩ thời gian quá hạn hẹp nên chúng tôi không thể nào tới được những địa điểm mà lẽ ra khi đến Đài Bắc là chúng ta phải đến:

- Dương Minh Sơn, nằm ở phía Bắc của Đài Bắc với vẻ đẹp hùng vĩ, hoa nở bốn mùa và thời tiết hết sức dễ chịu.

DL24.jpg picture by nhattansg

- Bảo tàng Cổ , đây là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới về số lượng các bảo vật. Chúng ta có thể tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật hàng ngàn năm lịch sử của đất nước Trung Hoa, mà phần lớn trong số đó được Tưởng Giới Thạch mang từ Cổ Cung ở Trung Quốc lục địa sang Đài Loan mà nghe đâu là ở chính Trung Quốc cũng không có!

- Ở Nam Đầu, chúng ta sẽ có dịp tham quan khu sản xuất rượu lớn nhất Đài Loan-PuLi.

- Chợ đêm Sĩ Lâm với những món ăn vặt nổi tiếng của người Đài Loan và những sạp hàng mở cữa đến 2 giờ đêm mà gía cã rất phải chăng!

Một chút nghề nghiệp,

Điểm đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được trên đường từ sân bay về khách sạn là:

DL25.jpg picture by nhattansg

- Đèn đường ở đây họ làm thấp, tạo dáng theo kiểu lá-hoa rất nghệ thuật, điện sử dụng rất tiết kiệm. Đường phố, chỉ trừ những tuyến trục mới mở hoặc chỉnh trang sau này thì rộng rải có đủ cây xanh. Còn những con phố cũ thì nhỏ hẹp chỉ 4 làn xe, không có vỉa hè dành cho người đi bộ, nhưng hình như họ qui định ngay trong thiết kế các công trình nhà xây dựng ở đây đều dành phần tầng dưới trống để lưu thông; chỉ tiếc là hình như họ không bắt buộc nên có một số nơi họ lấn chiếm buôn bán khách bộ hành phải đi bộ dưới lòng đường!

- Việc đậu-đỗ xe ôtô cũng như xe gắn máy, thực ra họ cho phép cả trên lòng hoặc lề đường miễn là họ thấy đảm bào an tòan giao thông và có lẽ họ thành công là do ý thức chấp hành các qui định này của người dân họ nghiêm chỉnh! thu phí họ dùng hoàn toàn tự động theo kiểu parking meter.

- Ở ngã tư các giao lộ, do lượng xe gắn máy của họ nhiều giống ở thành phố HCM chúng ta, nên họ áp dụng triệt để nguyên tắc giao thông mà HouTrans- Nhật đã làm thí điểm ở đường Trần Hưng Đạo, Q5 chúng ta vào năm 2003 là: “dành một ô vuông cho các xe chuyển hướng; đồng thời cho xe gắn máy dừng trước xe ô tô”, chỉ tiếc là chúng ta đã không tận dụng kết quả này!

- Vẽ làn sơn cho khách bộ hành đi chéo góc ở các ngã tư để rút ngắn hành trình và cả thời gian cho người đi bộ.

DL26.jpg picture by nhattansg

- Taxi phần lớn sơn màu vàng và rất ít quảng cáo trên xe. Xe Taxi giá bình quân 90 yuan/km đầu và cứ mỗi km tiếp theo trả 5 Yuan. Khi đón Taxi nên đón những xe có giấy phép. Khi đi Taxi nên đi theo nhóm và nếu là nữ thì chớ có đi một mình?

- Về GTCC Đài Loan, sử dụng đi bên trái như Việt Nam ta, phương tiện GTCC rất nhiều và rất rẻ(chỉ khỏang 15 yuan /chặng), nếu đi 2-3 chặng chỉ 20Yuan!

DL27.jpg picture by nhattansg

Giao thông Đài Loan rất thuận lợi, ở các đô thị lớn đều có hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh với xe buýt-xe Taxi-xe điện-metro…

Đi từ Đài Bắc đến Cao Hùng, 500 km chúng ta chỉ mất 90 phút bằng tàu lửa cao tốc.

Hệ thống tàu điện gồm nhiều loại tàu khác nhau và được phân lại dựa vào tốc độ và thời gian.

- Tzu-Chiang: nhanh nhất, chỗ ngồi theo vé, vé đứng bằng giá vé ngồi;

- Chu-Kuang: nhanh thứ nhì, chỗ ngồi theo vé;

- Fu-hsing: nhanh thứ ba, chỗ ngồi theo vé, vé đứng chỉ bằng 89% giá vé ngồi.

Các tuyến xe buýt giữa các thành phố gọi là Keygun, xe buýt đi trong thành phố gọi là Gongche, xe buýt của tư nhân thì lịch sự hơn xe buýt công cộng nhưng xe buýt công cộng lại thuận tiện và đúng giờ hơn. Xe buýt ở đây có cho phép chở hành lý và trên xe có trò chơi video hoặc tivi ở ghế trước.

Sản lượng khách đi xe búyt bình quân đạt 1,8 triệu HK/ngày(sản lượng xe búyt ở TP HCM 8 triệu dân, gấp hơn 5 lần ở Cao Hùng nhưng chỉ đạt 1 triệu HK/ngày, nên kẹt xe là phải lẽ!).

Năm 2008, du lịch Đài Loan thu hút hơn 3,7 triệu khách du trong đó 44% chi phí khách sạn, 27% dành cho mua sắm, 11% dành cho ăn uống, 8% dành cho giao thông, 8% cho vui chơi giải trí, 2% cho chi phí khác.

Từ tháng 9/2005, Đài Bắc đã thí điểm thanh toán vé xe buýt thông qua điện thoại di động do tập đoàn thẻ thông minh Đài Bắc TSM-Tapei Smart Card thực hiện.

Sau đó, họ sẽ mở rộng cho toàn hệ thống VTHKCC theo chủ trương hệ thống thanh tóan không tiếp xúc hàng đầu như Hồng Kông thuộc hệ thống e-wallet(chiếc ví điện tử).

DL28.jpg picture by nhattansg

Ở Cao Hùng vẫn còn xe 3 bánh ở “Kỳ Quan quang tam luân xa”.

Ẩm thực Đài Loan,

DL29.jpg picture by nhattansg

Ẩm thực Trung Hoa từ lâu đã chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới do sự cầu kỳ và tuyệt diệu của nó. Cho đến nay, người ta biết đến ẩm thực Trung Hoa qua 8 trường phái chính như: Sơn Đông(thích ăn tươi và ít dầu mỡ)-Tứ Xuyên(thích ăn cay)-Quảng Đông(thích ăn đồ nhạt)-Phúc Kiến-Giang Tô(Trình bày đẹp mắt và cầu kỳ nhất)-Chiết Giang-Hồ Nam và An Huy.

Với 8 trường phái này, người ta đã có một so sánh với vẻ đẹp của các mỹ nhân Trung Hoa đầy thú vị:

“Giang Nam-thanh tú; Món ăn của Sơn Đông-An Huy là một trang nam nhi mộc mạc, chất phác; món ăn của Quảng Đông-Phúc Kiến thì nhã nhặn như vị công tử phong lưu; cón món ăn của Tứ Xuyên-Hồ Nam chẳng khác nào một danh sĩ tài ba!

Thế nhưng trong 8 trường phái ẩm thực trên Tứ Xuyên vẫn đựơc phong tặng là trường phái nổi bật nhất, với đặc trưng là lắm mùi vị và nồng ấm! vì họ đã khéo dựa vào điều kiện nguyên liệu-khí hậu và thực khách, họ khéo điều chỉnh mùi vị-khẩu vị có nồng có nhạt, trong nhạt có nồng-nồng nhưng không ngấy, nhạt nhưng không bạc. Sở dĩ có được các điều đó bỡi vì có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng, miền của Trung Hoa.

Nét chủ đạo của các món ăn Trung Hoa gồm 4 đặc trưng chính: đó là sự kết hợp chặt chẽ và tinh tế giữa hương-sắc-vị và cách bày biện.

DL30.jpg picture by nhattansg

Người ta thường nói đồ ăn Trung Hoa rất cầu kỳ, có lẽ cũng do do yêu cầu chặt chẽ của của bốn qui định trên: “màu sắc thì đẹp mắt, hương thơm thì ngào ngạt, vị thì phải ngon-tươi, và cách trình bày sao cho thật thu hút và ấn tựơng đối với thực khách”!

Khi nói về hương vị của các món ăn TrungHoa chắc chúng ta không quên câu chuyện về món “Phật bật tường” được chế biến từ 18 loại nguyên liệu khác nhau và thơm-ngon đến nỗi Phật cũng không nhịn nổi nên phải bật qua tường để nếm món ăn!

Chính vì lẽ đó mà các đầu bếp tài ba của người Trung Hoa đã được mệnh danh là: “Mỹ thực nghệ thuật gia”!

97% người Đài Loan là dân tộc Hán, cho nên ẩm thực Đài Loan chắc chắn là ẩm thực Trung Hoa, thế nhưng đã từng là một quốc gia độc lập với Trung Hoa lục địa nên khi nghiên cứu về ẩm thực và đã có dịp thưởng thức các món ăn ở Đài Loan, chúng ta tinh ý một chút cũng sẽ tìm ra một số nét khác biệt.

Qua tìm hiểu và qua thực tế thưởng thức ẩm thực mấy ngày ở Đài Loan, chúng tôi nhận thấy có những nét đặc trưng chính như sau: món ăn chínhmón ăn kèm.

- Đối với món ăn chính, thì những thức ăn mặn thường dùng muối, họ ưa dùng thịt và ruốc.

- Đối với món ăn kèm, tất cả những món ăn kèm của người Đài Loan đều có đường.

- Về các loại rau, thì họ thường dùng hai thứ: đó là bí đỏ(là loại rau xanh cao cấp, ngon, nhiều chất bổ, dễ chế biến thành nhiều món như luộc-xào-lẩu-nộm) và cây măng máy(là món ăn vừa bổ vừa có tác dụng tăng tuổi thọ).

- Về thức uống, họ vẫn thường dùng trà sau bữa ăn. Ấm trà ngon phải hội đủ ba yếu tố hương-vị-sắc. Chén trà phải có màu hơi hồng vàng(hồng trà) chứ không được đỏ sẫm....

Còn các món thông dụng của Trung Hoa như vịt, heo, gà quay; các món canh, đặc biệt họ phục vụ ăn trưa-ăn tối cả món dimsum truyền thống của Trung Hoa(Thực ra, đây là món ăn sáng nổi tiếng của Trung Quốc không khác gì rượu vang của Pháp hay món kim chi của Hàn Quốc!Dim Sum theo tiếng Quảng Đông-Trung Quốc là “Điểm sấm” có nghĩa là những đồ ăn điểm tâm nhỏ, còn theo tiếng Anh thì Dim(có nghĩa là a little bit-một chút)Sum (có nghĩa là love and care-yêu mến và quan tâm), nói chung đó là một món ăn được cook with the hearted love-nấu ăn với cả trái tim yêu thương. Đó là món ăn có hàng trăm chủng loại khác nhau như: bánh bao-há cảo-xíu mại khô/nước-bánh bột nếp-khoai môn-hủ tiếu-mì sườn-bò kho-cật hoành thánh-xa xíu cá tôm-…nhưng được thực hiện trên một số đặc trưng chủ yếu sau:

1)Có một lớp bột bọc mỏng ở bên ngoài 2)Được rán hoặc hấp chín 3)Trong một giỏ tre để giữ nóng và giữ được hương vị lâu(rất tiếc là ngày nay ở nhiều nơi đã chuyển sang những xững inox không còn được hương vị xuất sắc vốn có 4)Chỉ từng món nhỏ(little bit).

Có hai bữa được các bạn chiêu đãi ngon nhất có lẽ là: buổi tối bạn chiêu đãi khi gặp Mr Yên chủ tịch KRTC và buổi tối đi ăn ở quán: “Áp ngư hoạt(tươi sống) hải sản” ở trên đảo Kỳ Tân.

Ở buổi tối đầu tiên, các bạn ấy chiêu đãi theo phong cách của người Trung Hoa, bữa tiệc bao gồm rất nhiều món:16-20 món, có những món đem ra nhưng không ai ăn cho đem vào. Trong đó, có món trứng cá muối Đài Loan rất ngon, chẳng khác gì loại trứng cá Caviar của Nga! hoặc món đu đủ ngào đường ăn chẳng khác gì xoài nhưng lại giòn rụm! Về không khí buổi tiệc khá vui khi cô chủ quán nói được tiếng Việt : “Zô 100%”!

Còn buổi tối hôm sau cũng tuyệt vời không kém. Khá khen cho người đẹp Krista, một mình đi chợ nhưng chọn toàn những món hải sản ngon: tôm hùm wasabi-nấu cháo, tôm mũ ni nướng, tôm thẻ luộc,cá ...Về thức uống thì dùng Taiwan beer nhưng gs Quốc lại cao giọng dùng rượu Cao lương(một loại rượu đế Đài nhưng đến 580 nên uống một ngụm là nó chạy toàn thân!) nhưng cũng khá khen là cả 2 người đẹp Krista và Claudia đều có dùng chút chút nên rất vui.

Một điểm đáng chú ý nữa là ở bữa ăn tối này, họ dọn món khai vị là cơm chiên dương châu nhưng có lẽ do đói bụng, nên hầu như ai cũng chén trước để dằn bụng, nên khi vào cuộc việc thưởng thức các mòn chính phần nào giảm đi hương vị; hoặc cũng khá ngạc nhiên là món tráng miệng sau cùng lại là món cà chua chấm đường! và lúc ra về lại gặp một cô gái Việt Nam đang là phục vụ viên ở đây!

DL31.jpg picture by nhattansg

Một chút nuối tiếc,

Là ở đến 4 ngày nhưng chúng tôi chỉ đi qua Đài Trung và chưa tham quan gì ở Đài Nam!

Đài Trung(T’ai-chung),

Đài Trung nằm ở miền Tây đảo Đài Loan, là thành phố lớn thứ 3 ở đảo quốc ày. Hiện nay đã là trung tâm văn hóa-giáo dục của Đài Loan và cũng là trung tâm văn hóa Phật giáo Đài Loan; là thành phố sạch sẽ và trật tự nhất Đài Loan, thế nhưng chúng tôi chỉ có dịp đi ngang qua chứ chưa có dịp dừng chân để trực tiếp diện kiến những gì đã đọc biết!

Ở Đài Trung, chúng ta sẽ có dịp tham quan Đàm Nhật Nguyệt, đây là khu phong cảnh đẹp nổi tiếng ở Đài Loan với diện tích rộng đến 9.000 ha, được liệt là một trong hai mươi cảnh đẹp nhất Trung Quốc.

Đài Nam(T’ai-nan),

Đài Nam nằm ở bờ biển tây Nam đảo Đài Loan, là thành phố lớn thứ 4 và cũng là thành phố có lịch sử lâu đời nhất ở Đài Loan, trước khi tỉnh lỵ được đặt ở Đài Bắc.

Đài Nam có nhiều danh lam thắng cảnh như Lầu Xích Khâm, thành cổ An Bình, đền thờ Trịnh Thành Công.Ở đây có trên 200 đền chùa và nhà thờ...

Kết thúc cuộc hành trình,

DL32.jpg picture by nhattansg

Ngày vui qua mau!Với hàng chục danh thắng nổi tiếng ở Cao Hùng như: sông Ái Hà(còn gọi là dòng sông Tình-love river, được Hoàng đế nhà Thanh đặt tên là Da Gou, sau này được người Nhật đặt là Ta Kao; nó cũng có tên là kênh đào Kaosiung, còn Tống Mỹ Linh đặt cho nó tên Chân Ái, nhưng người dân ở đây vẫn thích nhất là tê dòng sông Tình Ái-Ái Hà)-Quảng trường Đông đế sĩ-Chợ đêm Lục Hợp-hồ sen Tả Doanh-pháo đài Kỳ Tân/Kỳ Hậu-World Pool champignonship-Thành cổ Phượng Sơn-Phật Quang Sơn-nhà thờ Tiền Kim-bến ngư phủ Cao Hùng-ga tàu hỏa cũ-bảo tàng lịch sử-khu phong cảnh vịnh Tây Tử-đình Xuân thu-hồ Chị Em(Sisters Pond)-khu công sứ An(British Consulate Dakou)....nhưng chúng tôi chưa một lần ghé thăm! thế mà phải quay bước về Sài Gòn thì thật là quá lãng phí! nhưng “Business is business” do vậy chúng tôi đành Phai chai cheng(Tạm biệt)xứ Đài-sân bay Cao Hùng trong luyến tiếc nhưng vẫn phải Nị hảo(Xin chào)tất cả các bạn bè Siemens, đặc biệt là hai người đẹp Đài-Đức, đã hết lòng tiếp đãi chúng tôi ngoài mong đợi mà chắc bạn Trung Hưng là người nhớ nhất? vì chỉ từ một gợi ý nhỏ: “muốn biết chút hương vị bánh Trung thu xứ Đài”, thế là ngay buổi chiều hôm ấy ở buổi “Wrap up of visit” chúng tôi đã được toại nguyện như mơ! Chỉ không biết bạn Hưng có thầm: Ngộ ái nị(Anh yêu Em) hay là bạn ấy cũng lại Ngộ ái Ngại cho nên chỉ dám nói lên lời Phai chai cheng(Hẹn gặp lại)vào một dịp nào khác trở lại đất Đài!

Nhân nói đến bánh trung thu xứ Đài, chúng ta cũng cần biết một chút về sự tích lễ hội này, một lễ hội gắn liền với tuổi thơ của mỗi chúng ta; mà ngày nay, qua năm tháng ở đây-đó có sự lạm dụng cài quí kim như “vàng” vào bên trong bánh để “hối lộ” các quan tham nên bị một số người ta thán!(Trung Thu 2009 ở cửa hàng đá quí Tế Nam-Sơn Đông-Trung Quốc, đã giới thiệu bánh trung thu bằng vàng-vàng đưa vào dưới dạng nguyên miếng hoặc tán thành bột)! Nhưng thực ra, trên thế giới việc đưa “vàng” vào thực phẩm đã có từ ngàn xưa đầu tiên ở Ai Cập, sau đó mới tới Anh-Mỹ-Trung Quốc!...bỡi vì “vàng” là một nguyên tố vi lượng, từ năm 1546 người xưa đã đưa vàng vào rượu-bánh-các món tráng miệng... nhưng tới nay, y văn thế giới đều chưa ghi nhận nhữnh bệnh lý do thiếu “vàng” nên không còn phổ biến nữa.

Về truyền thuyết, đây là sự tích từ nhà Nguyên-Trung Hoa, với việc Chu Nguyên Chương sử dụng loại bánh này nhằm giúp lực lượng nông dân đưa tin-cài vào nhân bánh trung thu- để lực lượng nông dân nổi lên chống lại chế độ phong kiến thời bấy giờ.

Còn thuyết thứ hai, cho rằng: nó có từ thời nhà Đường-Trung Hoa, đây là lễ vật dâng cúng thần Mặt Trăng. Dù là thuyết nào, riêng tôi :“dù ai nói ngả nói nghiêng tôi đây vẫn vững như kiền ba chân”, Trung thu dành cho tất cả mọi người! nếu chính ta biết thưởng thức nó!

DL33.jpg picture by nhattansg

Trên đường quay về thành phố, chúng tôi chạnh nghĩ chắc giấc mơ tái chiếm Đại lục mà Tưởng Giới Thạch đã từng ôm ấp trong nhiều năm, mà cũng trong năm 2009 này, ở Thượng Hải-Trung Quốc đã triển lãm ảnh tư liệu về hoạt động của phi đội Hắc Miêu trong kế hoạch Quốc Quang là một trong những bằng chứng không thể nghi ngờ gì nữa và chắc nó cũng chỉ còn là “giấc mộng dưới mồ” cùng thân chủ của nó!

Còn đối với Việt Nam ta, chắc chúng ta cũng không thể nào quên, tuy địa lý cách xa vạn dặm với quần đảo Trường Sa, nhưng họ vẫn là một trong các nước đang tranh chấp chủ quyền “đảo Thái Bình ở biển Đông” mà họ đã chiếm của Việt Nam từ năm 1945 với tên là đảo Bảo Bình(tên quốc tế là Itu Abu) mà ngày nay họ đã xây dựng đường bay trên đảo này(dài 110m, máy bay C130 đáp được!).

Rời Đài Loan, chúng tôi còn miên man nghĩ về một vùng đất được báo chí thế giới ca ngợi:

DL34.jpg picture by nhattansg

- Tapei is a “very good’ place to live, tạp chí Euro view đã cho biết như thế: “Tapei is a very satisfying and enjoyable experience for the majority of the international community.Certainly, not everything is perfect, but it’s a lot better than most places and it’s improving all the time”.

-Hoặc những ngày chúng tôi ở đây, “The 21st Deaflympics Ganmes- Olympic dành cho người điếc” lần đầu tiên tổ chức ở châu Á, khai mạc rất hoành tráng, với sự tham dự của 4.000 lực sĩ và 16.000 người tham dự lễ ra mắt, đúng một tháng sau ngày cơn bão Marakot tràn qua Đài Loan khiến cho 600 người chết và khi chúng tôi vừa về đến TP.HCM thì Thủ Tướng nước này ông Lưu Triệu Huyền đã từ chức vì “…tự thấy mình chưa hoàn thành tốt trách nhiệm với nhân dân họ”!

- Còn đối với thế hệ người Đài Loan bản xứ lên làm Tổng thống như Lý Đăng Huy, là Tổng thống sau khi Tưởng Kinh Quốc chết, ông là vị tổng thống đầu tiên nắm quyền thông qua bầu cử trực tiếp; Trần Thuỷ Biển, đắc cử Tổng thống vào năm 2000, lần đầu tiên đánh dấu sự kết thúc cầm quyền của Quốc Dân đảng, tuy họ cũng có nhiều tai tiếng như tham nhũng... và cuối cùng họ vẫn bị tù đày như mọi công dân khác, thể hiện quyết tâm phụng sự đất nước của chính quyền họ cũng rất nghiêm minh!

- Còn về tuyến đường sắt cao tốc Cao Hùng-Đài Bắc, trông người lại nghĩ đến ta. Hiện nay đường sắt Bắc-Nam Việt Nam chạy mất 33 giờ; còn dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đang làm với Nhật-chọn công nghệ Shinkansen, dự kiến mất 5g38’ nhưng với mức tổng đầu tư lên đến 55,85 tỉ USD, cho tổng cự ly 1.570 km, nhưng phải xây dựng trong vòng 25 năm tức chờ đến năm 2035 mới có thể hoạt động; còn trước năm 2020 chỉ có đoạn Hà Nội-Vinh, kế tiếp là đoạn TP.HCM-Nha Trang và vào năm 2030 sẽ khai thác đoạn Vinh-Đà Nẵng.

Một phản biện khá xuất sắc của Ông Nguyễn Xuân Thành-giảng viên chính sách công, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đã cho biết:

“Xét cả trên khía cạnh tài chính(lợi ích ròng của dự án âm 1,6 tỉ USD/năm) lẫn kinh tế(có thể một dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, nhưng vẫn nên làm, nếu lợi ích kinh tế như tiết kiệm thời gian, giảm tai nạn giao thông hoặc lợi ích phát triển đô thi… của nó lớn hơn chi phí kinh tế), dự án này chiếm đến 60% tổng GDP sẽ tạo ra một chi phí đầu tư và vận hành cao hơn là lợi ích vận chuyển hành khách. Do đó, cần chuyển hướng vốn đầu tư sang những dự án cơ sở hạ tầng có suất sinh lợi cao hơn! Chả biết liệu có ai nghe!”

Hy vọng một ngày không xa, chúng tôi lại có dịp trở lại xứ Đài, để rong chơi đây đó và tìm hiểu cặn kẽ những danh thắng, những cái hay mà họ đã biết vận dụng để biến đất nước của họ thành một trong bốn con rồng ở châu Á trong những năm gần đây!

DL35.jpg picture by nhattansg