4. Dưới làn đạn pháo

( Bài của Nhật Tấn )

Khoảng tháng 10 năm 1978 lại có lệnh chuyển quân về Việt nam để giao địa bàn lại cho quân chủ lực Quân Đoàn 3 . Kế hoạch rút quân không ào ạt mà tiến hành từng phần ,lần này trên xe có một số quân của các đơn vị phòng ban , vài anh lính vệ binh .Sau những ngày xa cách ,chuyến về Việt Nam làm cho tôi nhiều xúc cảm . Vì lần đầu xa quê hương đất nước , tuy chung sống với đồng đội nhưng hầu như cách biệt với cuộc sống đời thường .Hằng ngày tới lui cũng chỉ thấy toàn bộ đội .Cái sống kham khổ của người lính thiếu thốn mọi thứ .Vùng đất Mi mốt dọc theo lộ 7 của Kampuchia là vùng đất đỏ bazan (*) .Cũng giống vùng Lộc Ninh mùa khô bụi đỏ mịt trời ,mùa mưa lầy lội .Sau cơn mưa đất nhuộm cả những đoạn suối màu đỏ,đục ngầu ,việc ăn uống tắm giặt cũng đành chịu vậy .Lính trận chúng tôi đã được “nhuộm” 1 màu đỏ từ đầu đến chân .Có lẽ đấy là cách nguỵ trang tốt nhất .Tụi Pôn pốt tuyên truyền Việt nam hết lính nên đưa công an đi đánh ( màu xanh áo linh đã chuyển màu ) .

Chuyến về cũng lặp lại những đoạn đường gian khổ,đầy dẫy những bất trắc có thể xảy ra . Chúng tôi ngồi trên quân trang quân dụng ,tìm những chỗ trống để buông chân ( Khi đến nơi tôi không thể nào nhúc nhích được vì 2 chân tê cứng )

Chợt có tiếng la lớn :

- Chết rồi lựu đạn sút chốt .rớt rồi .

Chúng tôi chết lặng ,nhưng cũng bình tâm rán hỏi .

- Nó rớt ở đâu ?

- Dưới thùng xe _ Có tiếng đáp lời .

- Lấy được không

- Đang tìm .

(Tôi không dám chê “ hàng nội “nhưng lựu đạn của VN quả là tệ thật .Tụi bạn cũng kể rằng lựu đạn của mình chỉ được cái ném cá ,chứ ném Pôn pốt nếu trúng chỉ què gió, không bao giờ chết .Vì khi rút chốt để ném , tiếng nổ như pháo lệnh ,tiếng nổ đã làm Pôn pốt co giò chạy mất, trước khi lựu đạn sát thương .Móc chốt không bền , đeo dễ sút . Trong đơn vị đã có trường hợp người bò trước bị vướng dây rừng sút chốt làm người sau phải tử vong .Không biết hiện nay đã được cải tiến chưa ?. )

Sau khi lấy được,thật may chỉ sút vòng đeo,chốt gài còn nguyên .Chủ nhân của nó chẳng tiếc rẻ vung tay ném thẳng vào rừng …

Trời chạng vạng thì về biên giới ,làng mạc ruộng đồng hiện ra dưới ánh trăng mờ .Một nông dân thăm ruộng đang nhẹ bước trên đường về .Cảnh thanh bình đã hiện ra ,một cảm xúc mãnh liệt đến với tôi . Xúc cảm đó không sao tả được : là người trở về từ cõi chết !

Chúng tôi nhận nhiệm vụ chốt giữ vùng biên giới Sa mát.Có lẽ với tôi căng thẳng nhất là lúc giữ tuyến biên giới này .Chúng tôi được ở trong những công sự ( hàm nửa nổi nửa chìm lợp lá nguỵ trang , được nối với nhau bằng các dãy thông hào ) đã được các đơn vị trước đây đào sẵn ,nằm cạnh là con đê cao với các ụ chiến đấu .Bên dưới phía trước là một hào sâu ( người ta lấy đất nơi này đắp thành đê ) .Ban đêm việc tổ chức cắt trực rất chặt chẽ : Sĩ quan đốc gác ,các chiến sĩ như chúng tôi được các sĩ quan dẫn đến tận chốt canh .Mọi việc thực hiện như 1 guồng máy nhịp nhàng .Những cái bóng âm thàm lặng lẽ di chuyển trong màn đêm không một tiếng động . Dạo ấy địch cũng tập kích bất thường ,có lúc ban ngày nã vài phát đạn vu vơ vào căn cứ của chúng tôi .Nhiều lúc chúng đánh bất chợt không biết đâu mà lường .Tinh thần chúng tôi luôn căng thẳng .

Công sự chiến đấu ( hình minh hoạ )

Tôi còn nhớ 1 tối nọ được lệnh báo động chiến đấu ,chúng tôi nằm dàn trải trên sườn đê chờ địch .Giây phút tĩnh lặng và căng thẳng kéo dài .Tiếng súng bắt đầu râm ran nổ ,bên phải,bên trái và ngay cả sau lưng phía hậu cứ của chúng tôi .Một quả đạn pháo nổ tung trước mặt . Ánh chớp chóí loà ,kèm theo sau tiếng nổ rền trời là tiếng rào rào của miểng đạn vụt qua đầu .Chiếc mũ sắt rộng vành đã che chở đầu tôi ,tôi thu người lại đến mức có thể ,co sát vào ụ chiến đấu .Mắt căng tròn nhìn về phía trước .May mắn không thấy địch tấn công ! .

Sau đêm đó Sư đoàn hình như “ hiểu ” ra ,cho bộ phận Hậu cần chúng tôi lùi về hậu cứ .Có lời xì xầm “ Ai lại mang bị gạo ( Hậu cần ) mà treo trước đầu súng “ .Chúng tôi được dời về địa điểm mới ,lý tưởng hơn vì ở gần dân ,có cuôc sống thanh bình hơn . Điểm này nằm bên cạnh Quốc lộ 22 ở giữa Thiện ngôn (Căn cứ quân sự Mỹ trước 1975 , ở đây có sân bay dã chiến ) và cầu Cần đăng ( Cầu Cần Đăng thuộc huyện Tân Biên ,cách Sài gòn 130 cây số ,Tây ninh cách Sài gòn 99 cây số )

Bị pháo kích

Cuộc sống yên lành của chúng tôi không được bao lâu , đã bắt đầu xáo trộn . Bọn địch ngày táo tợn hơn ,nhiều lần mình cứ tự hỏi :”Tại sao chúng ta lại không đánh cho nó 1 trận , mà cứ nằm im chịu đòn “. Pôn pốt đã dùng pháo hạng nặng, bắn từ cứ điểm K. sang lãnh thổ chúng ta .Chúng tôi đã lọt vào tầm ngắm . Ban đầu chúng tôi không hề biết ,lúc phát hiện thì tiếng nổ đầu tiên đã nằm sau lưng . Tiếng “đề ba “ (départ = tiếng súng bắn ban đầu) có nghe rất rõ từ hướng Sa mát ,chừng vài phút sau tiếng xoèn xoẹt xé gío bay trên đỉnh đầu và sau đã nỗ tung ở phía sau . Toạ độ pháo ,bắn dọc theo Quốc lộ 22 đoạn từ cầu Cần Đăng trở về .Tiếng đạn pháo lùi dần về phía chúng tôi .Tôi rất sợ ( Ai không sợ chết ? ) đứng trên nóc hầm chữ A (**) nửa muốn nhảy xuống trốn nhưng thấy các bậc “đàn anh “ đang tỉnh bơ đứng nhìn, đâm ra khó xử .Thôi cũng liều với họ vậy . Những tiếng nổ ,cột khói hướng dần về phía chúng tôi . “Ùm” 1 trái đạn đã nổ phía bên kia đường cách chúng tôi khoảng 200 mét .Không ai bảo ai đều nhảy vào hầm trú ẩn . Đây là trái cuối cùng .Thật may cho chúng tôi nhưng lại gây tổn thất lớn cho 1 đội truyền tin đang làm nhiệm vụ (***).Sau này nhiều ý kiến cho rằng có tình báo chỉ điểm ,nên địch bắn trúng đích . Tôi nghĩ địch bắn không chính xác ,do súng bị giật nên pháo lùi dần và trái cuối cùng chỉ là may rủi . Thế rồi tôi cũng quen dần trở thành chuyên nghiệp lúc nào không biết ,tiếng pháo nổ ,tiếng rít xoèn xoẹt trở nên quen thuộc ,bình tĩnh quan sát , phán đoán tình huống trước khi phải chui hầm …

Chúng tôi không tin vào bói toán nhưng thường bảo nhau ra đường phải coi giờ .Giờ pháo kích của địch vào khoảng 10 đến 11 giờ sáng ,chiều khoảng từ 3 đến 4 giờ . Đi đâu phải chọn giờ “hoàng đạo”,tránh giờ “hắc đạo “ nếu không sẽ bị “thiệt thân” mang danh tử sĩ , không được xếp vào hàng “liệt sĩ : Tổ quốc ghi công “ ! .

Ghi chú:

Đất đỏ Bazan : loại đất hình thành từ tro núi lửa rất tốt trong canh tác nông nghiệp .Chúng tôi gọi là loại đất “ mến người “ , ai sống ở đây đều biết đến“ tính đất đỏ “ cứ bám chặt vào đôi giầy của mình ,nó níu kéo đôi chân bạn mỗi lúc một nặng hơn , để tới 1 giây phút nào đó bước đi của bạn nhẹ tênh _ Lúc đó khối đất đã tự tách ra vì trọng lượng của nó ,bạn có kinh nghiệm không cần phải ngồi cạy đế giầy ,1 Chu trình mới lại tiếp tục …

( *) Sa mát địa danh vùng biên giới VN – Kampuchia thuộc huyện Tân Biên ,tỉnh Tây Ninh .Nằm trên quốc lộ 22 Việt nam ,tuyến đường này chạy qua biên giới và nối vào đường số 7 của Kampuchia chạy từ Snoul qua Kampong cham rồi giao với đường số 6 từ Nông pênh đi Siem reap .

( **)Hầm chữ A : hầm trú ẩn , đào sâu dưới lòng đất ,dùng thân cây ghép lại thành vòm, chịu được các loại đạn pháo thông thường ,và cũng là công sự chiến đấu của bộ đội ta rất hữu hiệu

(***) Đơn vị này đang hoạt động dưới 1 hầm nửa nổi nửa chìm .Số quân nhân ngồi dưới hầm đang liên lạc điện đài bên cạnh xe truyền tin ,quả pháo rớt cách 5 mét ,cày sâu 1 đường dài dưới lòng đất , cuối tầm rơi vào hầm và nổ tung...Bên ta 4 chiến sĩ hy sinh . Âu cũng là số trời !