Ăn măng đau lưng?

Ăn măng đau lưng? - Trần Hoàng Bảo

Tạp chí Thế giới Gia Đình 8/2012

Măng chứa hàm lượng chất xơ cao, rất giàu ma-giê trong khi hàm lượng chất béo lại thấp nên là loại thực phẩm tốt, có thể phòng trị táo bón, phòng ngừa ung thư đại tràng và các loại ung thư khác.
Trong Đông y, măng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đàm, lợi tiểu tiêu phù và cầm tiêu chảy nên được nhiều người ưa chuộng, kết hợp chế biến món ăn với chữa bệnh.
Măng chứa nhiều a-xít oxalic, cản trở khả năng hấp thu can-xi của cơ thể. Vì thế, người bị hạ can-xi, loãng xương, còi xương và trẻ con không nên ăn nhiều.
Đối với những người bị viêm khớp, bệnh gout ăn măng càng dễ làm viêm đau các khớp, dẫn đến đau lưng càng nhiều.
Còn đối với những người mắc bệnh khác, khi ăn nhiều măng dễ bị tức ngực, khó thở, bủn rủn chân tay, có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn…
A-xít oxalic có trong măng còn cản trở sự hấp thụ kẽm (đóng vai trò quan trọng trong đời sống tình dục nam giới), dẫn đến suy giảm chức năng tình dục. Vì vậy, người có chức năng tình dục kém không nên ăn nhiều.
Ngoài ra, măng còn chứa can-xi oxalate không hòa tan không tốt cho người bị loét dạ dày, viêm ruột mãn tính, sỏi đường tiết niệu... nên cần lưu ý khi sử dụng.

Ứng dụng của măng trong Đông y

- Trị ho đàm nhiệt: Canh măng nấu với thịt.
- Trị phù thũng bụng nước do viêm thận, bệnh tim, bệnh gan: Lấy 60g măng tre và 30g vỏ bí đao, nấu nước uống hàng ngày.
- Trị chứng tả lỵ lâu ngày: Dùng măng tre nấu cháo trắng với liều lượng vừa phải.
- Hầm măng tre nấu với thịt gà, thịt heo làm món ăn bổ dưỡng cho bà mẹ có con nhỏ.
- Các món ăn từ măng cũng đề phòng bệnh suyễn, tiểu đường, cao huyết áp, mất ngủ.

Chú ý cần loại trừ độc tố trong măng, trước khi sử dụng, đề phòng trúng độc.