Sử dụng tinh đã phân tách (Sorted Semen) để tạo phôi bò in vitro xác định trước giới tính
Ngày đăng: Aug 09, 2017 3:20:4 AM
TS. Chung Anh Dũng (09/08/2017)
Đề tài nghiên cứu nhằm thử nghiệm một số phương pháp mới như kỹ thuật hút trứng trên buồng trứng bò sống (OPU), phân tách tinh trùng để tạo phôi bò invitro xác định trước giới tính và thử nghiệm tạo ra phôi bò, bê cái giống hướng sữa có tiềm năng sản xuất cao để cung cấp thêm kỹ thuật sản xuất giống bò, góp phần xây dựng đàn bò giống của các trung tâm sản xuất giống bò sữa tại TPHCM.
Đề tài thực hiện trong 3 năm và đạt một số kết quả sau:
(1) Đã thử nghiệm và hoàn thành quy trình kỹ thuật hút trứng trên buồng trứng bò cái sống (OPU) và cung cấp nguồn trứng cho thụ tinh in vitro. Trong điều kiện tay nghề chưa cao và đối tượng bò chưa phù hợp, nên thực hiện OPU với tần suất 1 lần/2 tuần, có thể kết hợp với sử dụng kích dục tố HTNC hay FSH để nâng cao hiệu quả thực hiện OPU. Nhìn chung hiệu suất thực hiện OPU mới đạt khoảng 50% với số trứng hút được trung bình trên buồng trứng là 1,63.
(2) Đã thử nghiệm và thiết lập các thông số cơ bản của quy trình phân tách tinh trùng X từ tinh trùng bò đông lạnh. Chế độ phân tách với các thông số: điện thế là 14.53 V, tần số hạt là 31,20 kHz, áp suất dòng chảy là 15,0 psi và phương pháp phân tách: sử dụng phương pháp tách từng giọt đơn với tín hiệu dương tính nhằm làm giàu số tế bào được (1.0 Drop Enrich) hoặc phương pháp tách những tế bào dương tính (1.0 Drop Yield) cho hiệu quả tốt nhất với hiệu quả phân tách 72,34-77,16% và độ thuần khiết từ 77,74-81,44%. Tuy nhiên, chất lượng tinh trùng thấp về cả chỉ tiêu phần trăm tế bào sống (35,65-44,96%), tỷ lệ di động (18,98-28,26%) trong khi đó tỷ lệ kỳ hình của tinh trùng lại cao (77,83-78,16%).
(3) Đã tạo được phôi in vitro từ nguồn trứng OPU và tinh phân tách ngoại nhập. Mặc dù, số lượng trứng thu được trên một buồng trứng bằng kỹ thuật OPU thấp hơn so với buồng trứng lấy từ lò mổ (1,63 so với 9,76), nhưng chất lượng tốt hơn nên tỷ lệ thụ tinh và tạo phôi dâu, phôi nang đều cao hơn (56,19% và 33,90% so với 25,22% và 8,29%). Do chất lượng tinh phân tách của đề tài này còn thấp nên vẫn chưa tạo được phôi in vitro.
(4) Đã thử nghiệm 27 lượt cấy truyền phôi in vitro (trứng OPU và tinh phân tách ngoại nhập) trên bò rạ, kết quả đã có 2 bê cái, nhưng tỷ lệ thụ thai còn khá thấp, chỉ đạt 7,5%. (5) Đã xây dựng 2 quy trình OPU và phân tách tinh bò đông lạnh bằng FACS.
ĐỀ NGHỊ:
Kết quả thực hiện kỹ thuật OPU cho thấy có thể thực hiện kỹ thuật này trong điều kiện chăn nuôi bò sữa ở TPHCM, nhưng cần tiếp tục đầu tư cho huấn luyện thực hành và đào tạo đội ngũ cán bộ thành thạo các kỹ thuật OPU, tạo phôi in vivo, cấy truyền phôi để phục vụ phát triển, nhân nhanh đàn bò sữa cao sản tại TPHCM.
Quy trình phân tách tinh bò bằng FACS đạt hiệu quả khá cao, nhưng chất lượng tinh sau phân tách còn hạn chế. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng tinh trùng sau phân tách, đạt mức ngang bằng với chất lượng tinh đã phân tách hiện đang có trên thị trường. Ngoài ra, nên thử nghiệm thêm các phương pháp phân tách tinh trùng bằng chênh lệch nồng độ (Density Gradient).