Đàn bò Tót lai ở Việt Nam - Sử dụng nguồn gen quý hiếm như thế nào?

Ngày đăng: Oct 08, 2020 4:43:45 AM

TS Chung Anh Dũng (05/10/2020)

Gần đây, một số bài báo đăng tin về việc đàn bò Tót lai ở tỉnh Ninh Thuận bị chăm sóc nuôi dưỡng kém nên gầy trơ xương và đã bàn giao cho Vươn Quốc gia Phước Bình chăm sóc. Từ sự việc này, một số vấn đề về việc sử dụng sao cho hiệu quả nguồn gen quý hiếm từ đàn bò Tót lai ở Việt Nam, một món quà bất ngờ từ tự nhiên, cần được xem xét cẩn thận.

Nguồn gốc của bò rừng và bò nhà trên thế giới và ở Việt Nam

Bò hoang (wild cattle) thuộc họ Trâu bò (Bovidae family) – Phân họ Trâu bò (Bovinae subfamily) – Tông Trâu bò (Bovini Tribe) bao gồm 3 nhánh chính là Tông phụ Sao La (Speudorygina subtribe) Tông phụ Trâu (Bubalina subtribe) và (3) Tông phụ bò (Bovina subtribe).

Tông phụ Bovina (Gray, 1821), bao gồm các chi (genus) sau:

· Chi Bibos (Hodgson, 1837)

ü Bibos javanicus (d’Alton, 1823) - Bò banteng

ü Bibos gaurus (Hamilton-Smith, 1827) - Bò tót

ü Bibos frontalis (Lambert, 1804) - Bò tót nhà

· Chi Bison (Hamilton-Smith, 1827)

ü Bison bonasus (Linnaeus, 1758) - Bò bison châu Âu

ü Bison bison (Linnaeus, 1758) - Bò bison châu Mỹ

· Chi Bos (Linnaeus, 1758)

ü Chi phụ Poephagus (Gray, 1843): Còn gọi là thứ chi bò Tây Tạng

§ Bos mutus (Przewalski, 1883) - Bò hoang Tây Tạng

§ Bos grunniens (Linnaeus, 1766) - Bò nhà Tây Tạng (Yak)

ü Chi phụ Bos (Linnaeus, 1758)

§ †Bos primigenius (Bojanus, 1827) - Bò rừng châu Âu (Auroch) hay bò Tur

§ Bos indicus (Linnaeus, 1758) - Bò Zebu-bò nhà hay còn gọi là bò u hay bò bướu

§ Bos taurus (Linnaeus, 1758) - Bò nhà (các giống bò châu Âu)

v Bò rừng bao gồm các loài:

- Bison bonasus (Linnaeus, 1758) - sống chủ yếu ở châu Âu

- Bos primigenius (Bojanus, 1827) - Bò rừng châu Âu (Auroch) hay bò Tur

- Bison bison (Linnaeus, 1758) – sống chủ yếu ở châu Mỹ

- Bibos javanicus (d’Alton, 1823) – hay là Bò banteng sống ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia và có thể ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar;

- Bibos gaurus (Hamilton-Smith, 1827) – hay là Bò tót sống chủ yếu ở Bhutan, Cambodia, China, India, Laos, Malaysia, Myanmar, Nepal, Thailand and Vietnam;

- Bibos frontalis (Lambert, 1804) –hay là Bò tót nhà (hay bò Mithun, bò Gayal) sống chủ yếu ở vùng Nam Á (Ấn độ, Pakistant)

- Bos mutus (Przewalski, 1883) - Bò hoang Tây Tạng

v Bò nhà bao gồm các loài:

- Bos grunniens (Linnaeus, 1766) - Bò nhà Tây Tạng (hay còn gọi là bò Yak)

- Bos indicus (Linnaeus, 1758) - Bò Zebu-bò nhà hay còn gọi là bò u, bò bướu và có yếm sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới.

- Bos taurus (Linnaeus, 1758) - Bò nhà gồm các giống bò châu Âu sống ở vùng ôn đới có độ cao thấp hơn 1500m (so với mực nước biển) với ngoại hình không có u rõ và không có yếm.

Bò vàng Việt Nam (Yellow cattle) và bò Brahman (được hình thành từ 4 giống bò nhiệt đới là Kankrej, Guzerat, Nelore hay Ongole và Gir đều có nguồn gốc từ Ấn độ) đều là ngững giống bò nhiệt đới thuộc Bos indicus, không phải Bos taurus.

Sử dụng như thế nào nguồn gen quý hiếm từ đàn bò Tót lai F1 (Bò Tót x Bò nhà)

Đối với những con bò Tót đực lai F1 giữa bò rừng và bò nhà: theo Zhang và cộng sự tổng kết từ nhiều kết quả nghiên cứu khác nhau (12 nghiên cứu) từ năm 1915-2015 đăng trên Tạp chí Animal Genetic (06/2020) cho thấy khi lai giữa bò rừng (từ bò rừng ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á) và bò nhà (các giống bò zebu, yak, taurus) đã tạo ra những bò cái lai có khả năng sinh sản nhưng những con đực lai đều không có khả năng sinh sản vì sản xuất rất ít tinh trùng. Cơ chế sinh học được giải thích rõ ràng là do hiện tượng chuyển vị Robertson (chuyển vị hay hợp nhất nhiễm sắc thể) đã làm rối loạn quá trình phân chia nhiễm sắc thể khi hình thành tinh trùng. Vì vậy, có thể khẳng định là không thể sử dụng con đực lai F1 giữa bò rừng và bò nhà để phối giống, do đó cần xem xét cẩn trọng việc công nhận những con bò lai sinh ra từ bò Tót đực lai F1 này.

Đối với những con bò Tót cái lai F1 giữa bò rừng và bò nhà: đây là một quần thể mang nguồn gen quý hiếm từ bò Tót thuần. Vì vậy, cần duy trì và khai thác sao cho tối ưu, không phải lúc nào cũng có cơ hội tốt như vậy. Nên chuyển đàn bò này về một Trung tâm Giống gia súc lớn để lưu giữ và khai thác sẽ tốt hơn. Do không thể tiếp tục lai ngược (backcross) với bò tót thuần, nên phương án khả thi nhất là lai ngược với bò đực ta vàng hoặc lai với một giống bò nhiệt đới thuần chủng để từ đó dần tạo ra một giống bò riêng của Việt Nam nhưng mang những đặc điểm quý của bò Tót. Tuy nhiên để làm được điều này, cần kết hợp một cách bài bản, khoa học và lâu dài giữa phương pháp lai tạo giống truyền thống với các phương pháp công nghệ sinh học (như GWAS, Genotype Assisted Selection, Genomic Selection) để tăng cường hiệu quả chọn lọc qua các thế hệ và “lưu giữ” được những gene quy hiếm của bò Tót vào thế hệ bò giống cuối cùng. Đồng thời, để tăng nhanh số lượng đàn bò Tót lai qua các thế hệ, nên áp dụng các phương pháp trong công nghệ sinh sản hiện nay (như Đa xuất noãn, Thụ tinh nhân tạo, Cấy truyền phôi…) trên đàn bò Tót cái lai F1, thay vì để chúng sinh sản bình thường như hiện nay, số lượng bê sinh ra sẽ rất ít.

Ý kiến chung (quan điểm riêng của tác giả)

Trong khi ở các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan… đều chú trọng đến công tác lai tạo những giống bò thịt mới, mặc dù họ đã có những giống bò thịt nổi tiếng trên thế giới, nhưng hiện chúng ta vẫn chưa có một giống bò thịt hiệu quả và đặc trưng riêng. Công tác giống bò thịt vẫn “loay hoay” với nâng cao tỷ lệ đàn bò lai Sind và vẫn đang “tìm kiếm” một công thức lai tạo giống bò thịt hiệu quả (từ nhiều nguồn giống bò thịt khác nhau) trong hàng chục năm nay với nhiều công trình nghiên cứu, dự án khác nhau. Điều này cho thấy nếu không có một”chương trình giống bò thịt” quốc gia, được xây dựng với mục đích rõ ràng cho các giai đoạn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, sẽ rất khó để tạo ra một giống bò thịt riêng biệt. Nhân cơ hội có nguồn gen quý hiếm từ đàn bò Tót “chảy ra”, nếu biết sử dụng hiệu quả sẽ góp phần hình thành một giống bò thịt mới. Việc đầu tư vào ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi (chọn giống truyền thống) kết hợp với công nghệ sinh học (sinh học phân tử, công nghệ sinh sản…) hiện có sẽ hữu hiệu hơn so với việc đầu tư nhiều kinh phí vào những công nghệ cao nhưng hiệu quả thực tiễn chưa tương xứng (VD như việc nhân bản đàn bò rừng từ những mô, cơ quan của bò đã chết…). Rõ ràng, công tác giống trong lĩnh vực vật nuôi còn nhiều điều phải làm để đáp ứng nhu cầu con giống trong nước.