Nghiên cứu chọn tạo giống lúa chịu nóng bằng chỉ thị phân tử

Ngày đăng: Jul 07, 2017 8:52:17 AM

Bùi Chí Bửu, Nguyễn Thị Lang, Chung Anh Dũng, Trương Quốc Ánh, Lương Thế Minh

Kết quả phân tích bước đầu trên quần thể phân ly BC2F2 với số mẫu cá thể lớn cho thấy có 4 tính trạng nông học quan trọng: năng suất, tỷ lệ hạt lép, chỉ số chống chịu, thời gian sinh trưởng liên quan đến tính chống chịu nóng ở giai đoạn lúa trổ. Nhiệt độ cực trọng ảnh hưởng đến năng suất lúa là 360C. Tương quan giữa tỷ lệ hạt lép với điểm chống chịu nóng chặt chẽ và cùng chiều. Có 45 SSRs biểu thị đa hình được sử dụng để phân nhóm di truyền nguồn vật liệu nghiên cứu. Giống cho nguồn gen kháng là Dular và N22. Giống làm vật liệu tái tục là AS996, OM5930. Chỉ thị SSR biểu hiện liên kết chặt chẽ với QTL giả định trên nhiễm sắc thể số 3 là RM3586 được sử dụng để tìm con lai có gen kháng, phục vụ nội dung hồi giao với dòng tái tục nhằm tạo ra quần thể BC4 sau này. Kết quả thí nghiệm đã xác định 3 giống chống chịu nóng cho năng suất khá hơn đối chứng là TLR 392, OM 6707, OM 8108 tại An Nhơn, Bình Định. Các giống OM8108, OM6707, TLR391, TLR392, TLR393, TLR395, TLR397 có năng suất cao hơn các giống thí nghiệm khác và các giống đối chứng, trong đó ba giống OM8108, OM6707, TLR397 đạt năng suất cao nhất.

Từ khóa: Chỉ thị phân tử, gen chịu nóng, QTL, microsatellite

Đây là kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ giai đoạn 2011-2014