Đau thượng vị là gì? Dấu hiệu nhận biết

Đau thượng vị là gì? Dấu hiệu nhận biết

Đau thượng vị là vấn đề tiêu hóa rất nhiều người mắc phải. Việc hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết sẽ giúp quá trình điều trị bệnh trở nên đơn giản hơn. Bài viết bên dưới sẽ cung cấp tới bạn toàn bộ thông tin liên quan tới tình trạng này.

Đau vùng thượng vị là gì?

Trong khoang bụng, vùng thượng vị nằm ở phần mép rốn và hai mạn sườn trở lên cho tới điểm thấp nhất của xương ức. Đau thượng vị là một hiện tượng không hiếm gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Nhất là những người thường xuyên ăn đồ cay nóng, sử dụng rượu bia hoặc mắc các vấn đề về hệ tiêu hóa khác liên quan.

Những cơn đau do bệnh gây sẽ xuất hiện theo từng mức độ và thời gian khác nhau. Có người đau bụng âm ỉ, trường hợp khác lại quặn bụng suốt ngày dài hoặc đau lan ra toàn khoang bụng. Tình trạng này khiến cuộc sống, công việc của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu cơn đau xuất hiện vào ban đêm sẽ khiến người bệnh mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, xuống sức, sáng dậy rất dễ bị hoa mắt, chóng mặt.

Nguyên nhân đau thượng vị

Nguyên nhân gây bệnh sẽ được kết luận chính xác dựa theo đặc điểm, vị trí và hướng lan của cơn đau. Trong đó phổ biến là các nguyên nhân chính sau:

Hệ lụy từ bệnh đau dạ dày

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng đau ở vùng thượng vị. Thông thường những cơn đau do căn bệnh này gây ra có xu hướng tái phát khi người bệnh đói bụng hoặc ăn quá no. Trong khi cơn đau khởi phát, người bệnh có thể kèm theo các biểu hiện như ợ chua, buồn nôn, bụng cồn cào.

Dấu hiệu của thủng dạ dày

Thủng dạ dày là một biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày. Khi tình trạng này diễn ra, người bệnh sẽ thấy vùng thượng vị đau quằn quại, bụng cứng hơn, không thể đi lại được và phải ngồi cúi khom lưng xuống. Trường hợp vết thủng trùng đúng vị trí của mạch máu thì cần cấp cứu ngay lập tức để cầm máu nhanh nhất có thể, bảo vệ tính mạng người bệnh.

Do các bệnh liên quan tới mật và gan

Một số bệnh lý về gan và mật cũng sẽ gây ra những cơn đau ở vùng thượng vị:

  • Bệnh về mật: Gây đau ở thượng vị và lan rộng sang hai bên vai, một số người còn cảm thấy buồn nôn, da vàng, sốt nhẹ.

  • Áp xe gan: Tình trạng này sẽ khiến người bệnh phải chịu đựng cơn đau gần sườn, sốt, sốc nhiễm khuẩn và rung gan.

Viêm tụy cấp/mạn tính

Khi bị viêm tụy cấp, vùng thượng vị của người bệnh sẽ đau liên tục với cường độ dữ dội kèm theo hiện tượng sốt, chướng bụng hoặc nôn. Khi bệnh đã chuyển sang thể mạn tính, cơn đau thường kéo dài hơn, cơ thể người bệnh khó hấp thụ dưỡng chất nên hay sụt cân nhanh.

Tác động của các bệnh tiêu hóa

Các bệnh về đường tiêu hóa cũng là một nguyên nhân thúc đẩy cơn đau thượng vị khởi phát. Những căn bệnh này bao gồm: Ngộ độc thực phẩm, viêm ruột thừa, nhiễm trùng từ thức ăn,...

Ảnh hưởng các bệnh khác

Vị trí bên cơ thể ở vùng thượng vị còn có các tạng khác như phổi, tim, trung thất, màng phổi, động mạch chủ, cơ hoành. Nếu một trong những cơ quan trên bị tổn thương cũng sẽ khiến vị trí này bị đau. Những tổn thương này nếu không có biện pháp y tế can thiệp kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Dấu hiệu đau vùng thượng vị

Dấu hiệu nhận biết bệnh là hiện tượng xuất hiện những cơn đau ở quanh vùng bụng giới hạn từ phía trên của rốn và dưới điểm thấp nhất xương ức. Một số trường hợp còn đau ở hai mạn sườn.

Tùy theo từng tình trạng, mức độ đau do bệnh gây ra sẽ khác nhau. Có người phải chịu những cơn đau dữ dội, số khác bị đau bụng âm ỉ, lẩm nhẩm, kéo dài cả ngày. Kèm theo đó, người bệnh cũng có thể ợ chua, ợ hơi, chướng bụng, buồn nôn hoặc chán ăn.

Đau thượng vị có nguy hiểm không?

Đau thượng vị có thể xuất phát từ rất nhiều bệnh lý khác nhau liên quan tới hệ tiêu hóa. Do đó đây là một căn bệnh nguy hiểm. Bệnh không chỉ khiến người mắc phải chịu đựng những cơn đau, khó chịu mà còn làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng xấu tới tinh thần, cuộc sống cũng như công việc của người bệnh.

Đặc biệt nếu bạn bị đau thượng vị kèm theo biểu hiện khó thở, sốt, sụt cân, nôn ra máu thì cần tới gặp bác sĩ ngay lập tức. Có thể lúc này bệnh đã tiến triển xấu đi, cần can thiệp y tế kịp thời.