Mừng tuổi ngày tết nguyên đán thế nào cho đúng nghĩa

Mừng tuổi ngày tết nguyên đán thế nào cho đúng nghĩa

Tâm lý trong những ngày tết, ai cũng muốn cầu một chút lộc, được lì xì, mừng tuổi để mong được may mắn từ những ngày đầu năm mới. Lì xì, mừng tuổi là phong tục, là tập quán là truyền thống cũng như nét văn hóa vô cùng độc đáo và ý nghĩa của dân tộc Việt Nam; tiền lì xì, mừng tuổi là tiền lộc, tiền may mắn; người đời có câu “Của cho không bằng cách cho", đây là nghệ thuật sống đẹp và mang tính nhân văn rất cao, nên cần phải khéo léo cho đúng nghĩa...

Theo quan niệm của người Hoa, thì lì xì là người trên ban phát cho dưới, người lớn tuổi ban phát cho người ít tuổi, không có ngược lại; nếu con cái lì xì bố mẹ là không đúng; truyền thống xưa trọng người có tuổi, thêm tuổi tức là thọ; mừng tuổi bằng bao lì xì để chúc ông bà thọ lâu, đồng thời cũng có ý nghĩa để ông bà có thêm tiên tiêu vặt.

Đối với trẻ em, mỗi chúng ta nên có thái độ yêu thương và trân trọng trẻ; trước tiên, chúng ta mua phong bao màu đỏ có in hình cây mai, cây đào, câu liển đối, những câu chúc Tết và một số hình ảnh sinh động khác và bỏ tiền mới vào phong bao, vì phong bao đỏ tươi biểu hiện cho sự vui vẻ, may mắn, phát đạt. Khi đưa phong bao lì xì cho trẻ em thì cần phải đợi câu chúc của trẻ em trước, điều này rất quan trọng vì nó mang tính giáo dục rất cao cho thế hệ trẻ; sau khi trẻ em đã chúc xong, chúng ta đưa phong bao và rồi chúc trẻ phấn đấu học giỏi, ngoan, chăm chỉ, nghe lời ba mẹ, ông bà, thầy cô…

Do đó, cha mẹ cần chú ý dặn con trẻ phải ứng xử lại lễ phép, mặc dù câu chúc tết của trẻ không phải để bắt phép gì cả, nhưng nó thể hiện sự kính trọng, lễ phép, quan tâm đến người lớn.

Đối với ông bà, cha mẹ, chúng ta mừng tuổi (không thể gọi là lì xì); khi đưa phong bao mừng tuổi nên thể hiện tấm lòng thành kính, hiếu thảo, trân trọng; tiền it nhiều không quan trọng, còn tùy vào hoàn cảnh nhưng cái chính vẫn là tình cảm và thái độ của của chúng ta đối với ông bà, cha mẹ.

Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng quá truyền thống đẹp mà làm xấu đi ý nghĩa nhân văn của nó. Hiện nay vẫn còn nhiều ông bố, bà mẹ còn “dạy” cho con để con biết cách gợi ý tiền lì xì của khách. Khi khách đến nhà chúc Tết, các cháu chạy ra, áp sát khách, vòng tay chào thật to, rồi đứng chờ bên cạnh… khách buộc phải lì xì, mừng tuổi và các cháu bóc bao lì xì ra ngay, thấy ít tiền thì tỏ thái độ không vui…; Hoặc có những bà mẹ cười khi con có thái độ gợi ý khách, hoặc còn khoe: cô A, bác B ở cơ quan vừa lì xì cho cháu 100.000đ, cháu bảo để giành để góp tiền mua điện thoại…

Làm cha, mẹ chúng ta nên chú ý dạy con biết lẽ phải, biết trân trọng tình cảm của người lớn, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà bằng những lời nói việc làm có ý nghĩa nhân văn cao đẹp; tránh những tình trạng nêu trên để không làm hoen ố tâm hồn con trẻ và mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc./.