Thần Học Giáo Dân về Luyện Ngục

Thần Học Giáo Dân về Luyện Ngục

Lm. Reginald Martin, O.P.

Sóng Biển Dịch Thuật

Điều con người chúng ta cảm nghiệm cho biết chúng ta chẳng lạ gì với tội. Đây là một ý nghĩ đáng sợ, chúng ta hãy suy xét lời hứa trong Thánh Kinh, "Thứ đồ vật gì ô uế phàm tục hay ai làm điều quái gở, gian tà sẽ không được vào nơi ấy [Vương Quốc Thiên Chúa]...nhưng chỉ có những ai được ghi trong sách sổ sự sống của Chiên Con thì mới được vào" (Khải Huyền 21:27). Đây là lời mãnh lực nhắc nhở sự quý trọng một đời sống đạo hạnh, và đại ân nghiệp. Thiên Chúa đã cấp ban cho chúng ta một phương thế để chúng ta được tẩy sạch tội lỗi ngay cả sau khi chúng ta chết.

Phương thế thanh tẩy này, tất nhiên, là Luyện Ngục, và Đức Tin buộc chúng ta phải tin những điều về Luyện ngục có thể được diễn giải rất ngắn gọn như sau:

“Ngay lúc các linh hồn vừa tắt thở chết, đều nặng gánh buồn khổ vì những tội nhẹ hoặc phải chịu hình phạt tạm để đền vì tội đã phạm, qua trạm Luyện Ngục.” (De Fide)

Những chữ này đáng chú ý vì những gì họ không nói thì càng để lộ ra sơ hở. Tuy họ không nói ra Luyện Ngục ở đâu, linh hồn ở đó bao lâu, hay linh hồn có thể gặp được những gì khi tới đó. Các thần học gia đã đem tất cả những câu hỏi này ra suy tư, và chúng ta sẽ tỉ mỉ nghiên cứu ngay sau đây. Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta chỉ xét đến niềm tin của Giáo Hội được Chúa ban cho một phương thế, mà qua đó những ai chưa hoàn toàn chuẩn bị để cho Vương quốc của Ngài thanh tẩy, để họ có thể xứng đáng được vào hưởng phúc thiên đàng.

Luyện ngục không phải là một cơ hội thứ hai; nhưng nó là bước cuối cùng trong cuộc hành trình lâu dài cả đời để dẫn đến Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta đảm bảo Thiên Chúa ban cho chúng ta một ân sủng phù hợp cho từng bước của cuộc hành trình này, và Luyện Ngục là sự hoàn thành lời hứa của Chúa Giêsu để Ngài được xuất hiện lần cuối với một tình thương giống như lần đầu tiên Ngài chào đón chúng ta.

“Đây là ý của Ðấng đã sai Tôi, thì Tôi cũng không để hư mất bất cứ những gì Người đã trao cho Tôi, nhưng Tôi sẽ cho nó sống lại vào ngày sau hết” (Gioan 6:39)

Luyện Ngục, tựa như Thánh Lễ, công bố lời hứa, quyền hộ vệ và tình thương Chúa Kitô nâng đỡ. Và giống như Phép Thánh Thể, mời gọi chúng ta hãy nhận diện chính mình qua màn diễn thần linh thiêng thánh mà Thánh Paulô nhắc nhở chúng ta cùng được thông phần với Chúa Kitô.

“Anh chị em không biết hay sao chúng ta là kẻ đã được thanh tẩy trong Chúa Kitô Giêsu thì cũng đã được thanh tẩy trong sự chết của Ngài? Nhờ phép thanh tẩy chúng ta cùng được mai táng trong sự chết với Ngài, để cho, giống như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ bởi vinh quang Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống lại trong đời sống mới như vậy." (Roma 6:3-4)

Luyện ngục ngay từ sớm đã là một tín điều đức tin. Trong Sách Macabê quyển thứ hai cho biết, Giuđa và kẻ theo ông đã an bài việc chôn cất các chiến hữu của họ bị tử trận [các chiến sĩ trận vong], “và họ đã tha thiết cầu nguyện, xin tha xóa hết mọi tội lỗi đã phạm..., ông Giuđa đã làm vậy là để đền tội cho kẻ chết, để họ được giải thoát khỏi mọi tội lỗi…, ông đã làm một điều rất tốt lành và cao quý, bởi ông nghĩ đến sự sống lại.” (2 Maccabêes 12:39-45)

Đa số phái Kháng Cách [Tin Lành] không tin Sách Macabê cũng được ơn thần hứng [Sách Thánh Kinh của phái Kháng Cách thiếu mất mấy cuốn họ không công nhận vì cho đó là ngụy thư], vì vậy Giáo Hội thường quay đi chỗ khác để xác tín Thánh Kinh của mình về Luyện Ngục. Thánh Gioan ghi niệm lời Chúa Giêsu nói, “Ai sống và tin vào Tôi sẽ chẳng hề chết” (Gioan 11:26). Nhưng Sách Khải Huyền nhận xét không ai có thể nhận được vinh quang này mà không được thanh tẩy sạch sẽ, vì thứ đồ vật dơ bẩn không thanh sạch chẳng thể nào vào được Vương Quốc Thiên Chúa. Do đó, các thần học gia của Giáo Hội đã huấn dạy rằng có một số hình thức thanh tẩy phải chịu có thể với tới được - có thể thủ đắc thay sau khi chết.

Một trong những thần học gia này, là Thánh Grêgôriô Cả, chỉ điểm lời của Chúa Giêsu cho chúng ta, “...ai nói phạm nghịch lại Thánh Thần, sẽ không được tha thứ, cả đời này lẫn đời sau" (Máthêw 12:32). Thánh Grêgôriô chú giải:

“Còn như những tội nhỏ mọn li ti, chúng ta phải tin rằng trước ngày Phán Xét Cuối Cùng sẽ có cuộc thanh tẩy bằng lửa. Ngài là Đấng Chân Lý Thật phán rằng, ai nói lời xúc phạm đến Thánh Thần sẽ không được tha thứ cả đời này lẫn đời sau. Từ câu này, chúng ta phải hiểu là có một số tội trót phạm có thể được tha thứ ở đời này, nhưng một số tội khác thì đến tận thế mới được tha.”

Chúng ta có thể dẫn chứng các đoạn Thánh Kinh khác để củng cố niềm tin có Luyện Ngục, (ví dụ như trong thư thứ 1 gởi giáo đoàn Côrinthô 3:12-15), nhưng có điều gì thú vị hơn - và quý giá hơn bằng đời sống thiêng liêng của chúng ta - là dựa vào tặng sủng mà Chúa đã ban cho chúng ta nơi luyện ngục.Để bắt đầu, có lẽ chúng ta nên hỏi tại sao Luyện Ngục được coi như là một "tặng sủng", trong khi tất cả các nhà thần bí và thần học gia mô tả khổ hình đau đớn Luyện Ngục nghiêm khắc hơn bất cứ sự đau khổ nào mà chúng ta chịu đựng ở đời này? Câu trả lời khá đơn giản: những đau khổ Luyện ngục thì không độc hại như những đau khổ của chúng ta nơi trần thế; những đau khổ Luyện Ngục đều có dụng ý tốt cho chúng ta, để nhắc nhở cho chúng ta thấy tình Chúa yêu thương, chúng ta phải chịu hy sinh hãm mình vì tội, và chúng ta sẽ được thông phần hoan lạc thiên đàng nhiều biết dường nào nếu như chúng ta thường xuyên bớt kén chọn thứ tốt.

Thánh Âugústinô đã dạy, "Lửa luyện ngục nóng bỏng tàn khốc hơn bất kỳ đau đớn thống khổ nào mà chúng ta có thể cảm nhận, biết thấy, hay có thể tưởng tượng ra được ở đời này... .” Đó là bởi vì, ở Luyện Ngục, chúng ta mới nhận ra rằng là do hậu quả đời sống tội lỗi của chúng ta khi còn tại thế đã làm trì hoãn chúng ta hoan hưởng kiến Chúa. Thánh Tôma Aquinô đã nhận xét, “càng nhạy bén điều gì, thì càng đau khổ hơn.” Vì thế, nếu không có thân xác chúng ta phân tâm chúng ta khỏi sự khao khát Thiên Chúa, và cách ly chúng ta khỏi sự đau khổ này, thì chúng ta sẽ chẳng có gì làm trung gian giữa chúng ta và sự đau khổ làm trì hoãn sự kết hợp với Chúa họ hằng trông ngóng.

Một số người sẽ hỏi chúng ta phải ở Luyện ngục mất bao lâu? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhớ rằng một khi chúng ta đã “rời gót trút bỏ nỗi khổ nhân gian này rồi”, thì chúng ta không còn phải đối phó với mấy cái đồng hồ trần thế nữa [không còn tính theo giờ trần gian, mà theo giờ công lý Chúa ấn định]. Thiên Đàng và Hỏa Ngục đều hiện hữu đời đời; cả hai đều xác thực, và một khi linh hồn nào bị đày xuống một trong những trạng thái khổ ải đó, thì không có sự gì có thể làm thay đổi thân phận linh hồn đó nữa. Mặt khác, luyện ngục là một khổ trạng “tạm thời”, và có những linh hồn này phải chịu khổ hình Luyện Ngục lâu hơn hay ít hơn những linh hồn khác kia [tùy theo tội vạ chúng ta phạm hay gieo rắc khi còn sống ở đời này].

Những gì chúng ta từng trải nghiệm qua [khi còn sống] sẽ quyết định tình trạng của linh hồn vào giờ chết. Nếu người nào nhất mực liên tục tái phạm cùng một tội nhẹ, thì chị ta hay anh ta có thể phải chịu hình phạt nặng hơn (tức là lâu hơn) trong Luyện Ngục. Về phần phải trải qua Luyện ngục là để dạy cho linh hồn hiểu ra sự điên dại trong tội, và để hồi phục linh hồn trở về trạng thái hoàn mỹ lành mạnh thánh thiện thì mới hội đủ điều kiện để được lên Thiên đàng. Có một số linh hồn càng cần phải được thụ hưởng sự chữa lành này nhiều hơn những linh hồn khác; thế thì, tất nhiên phải trải qua Luyện Ngục lâu hơn.Trải qua hằng bao thế kỷ, các Giáo hữu đã cố gắng tính chất chính xác về những đau khổ mà linh hồn phải chịu ở Luyện ngục. Như chúng ta thấy đấy, các nhà thần học giảng dạy là phải chịu sự đau đớn gấp đôi - gấp hai lần. Chúng ta hãy suy sự đau đớn thống khổ, kiểu như (chỉ là tạm thời) không được hưởng kiến Chúa. Ngoài ra, các linh hồn ở Luyện Ngục cũng phải chịu khổ hình về giác quan. Và đây là nơi chúng ta gặp gỡ nhau, có điều, từ thời Trung Cổ, đã được mô tả như là “lửa” Luyện Hình. Hình phạt này thường được ví như hình phạt của kẻ bị đày xuống Hỏa Ngục, vì vậy có một số người cho rằng Luyện Ngục tọa lạc ngay trong khu vực dân chúng cư ngụ. Thánh Kinh chưa có manh mối đáp ứng, và các thầy giảng dạy của Giáo Hội thì im lặng về chủ đề này. Tính chất “lửa” Luyện Hình dường như hơi khó hiểu.

Dẫu sao, sự tương đồng giữa các hình phạt mà các linh hồn phải chịu nơi Luyện Ngục thì giống như hình phạt của kẻ dữ bị sa Hỏa ngục, vì cả hai đều là hình phạt mà các linh hồn phải chịu sau khi chết; cả hai đều là hình phạt thiêng liêng; và khổ hình đau đớn của các ngài còn lớn lao hơn thế nhiều so với bất cứ thứ gì chúng ta có thể tưởng tượng ra được ở đời này. Nhưng các ngài chỉ giống nhau có thế thôi. Chứ Không giống như các kẻ bị án phạt đời đời ở Hỏa Ngục, các đẳng linh hồn nơi Luyện ngục vẫn có đức tin, đức cậy, và đức mến. Hơn nữa, các ngài đều vui mừng hoan hỷ chờ mong được thưởng công để khuây khỏa bớt đau đớn, và mặc dù các ngài chưa thể nào được diện kiến Chúa họ hằng khao khát, họ cũng không nghi ngờ một trong hai điều, tức là có sự hiện diện của Người hoặc là cuối cùng họ được cứu rỗi.

Chúng ta hãy tích cực tham gia cùng kỳ vọng cho được kinh nghiệm vui sướng qua các linh hồn nơi Luyện ngục khi chúng ta cầu nguyện cho các ngài. Một trong những văn kiện Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh của Công đồng Vaticanô II, “Lumen Gentium: Ánh Sáng Muôn Dân”, nhắc nhở chúng ta:

“Nhận thức đầy đủ sự hiệp thông này trong toàn bộ Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội lữ hành... hết lòng tưởng nhớ [tôn kính] các vị đã qua đời... [và], để họ được giải thoát khỏi mọi tội lỗi, Giáo Hội dâng lời cầu xin cho họ. (Lumen Gentium, số 50)”

Lời Thánh Gioan Kim Ngôn (John Chrysostom) giảng dạy về niềm tin này vẫn còn vang vọng:

“Chúng ta hãy trợ giúp và tưởng nhớ các ngài. Nếu những người con trai của ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ sự hy sinh của cha họ, thế thì tại sao chúng ta lại phải hồ nghi những của lễ chúng ta dâng cho người đã khuất để mang đến cho họ một chút an ủi? Chúng ta đừng do dự trù trừ giúp đỡ những ai đã qua đời và năng dâng lời cầu nguyện cho họ.”

Vào thế kỷ 19, Đức Hồng Y Manning đã giảng dạy hàng loạt bài giảng về các tặng sủng của Chúa Thánh Thần. Khi ngài thuyết giảng về Ơn Đạo Đức - mà có một nhà văn hiện đại đã gọi ơn đó là vì yêu nên cho đi “lòng đạo”, ngài xác tín rằng Luyện Ngục là một nơi - không cần biết cá nhân mỗi người sinh hoạt làm sao ở đời – nhưng các linh hồn đều buộc phải ở thế bị động. [Tức là ở trạng thái thụ động giống như kẻ liệt chỉ trông chờ người khác bố thí và giúp đỡ..., bản thân họ không còn cơ hội sinh hoạt như những người còn sống khỏe mạnh muốn làm gì thì làm.]

Họ không thể làm gì cho mình được nữa: họ không còn được thụ hưởng các phép bí tích nào nữa; thậm chí không thể cầu nguyện cho chính mình. Họ chỉ còn tuân theo ý Chúa, đến độ thuần phục và yên tĩnh. Vì vậy, bổn phận của chính chúng ta là phải giúp đỡ họ bằng những lời cầu nguyện, bằng những sự hy sinh hãm mình, đền tội, bố thí, và bằng chính Hiến Lễ trên Bàn Thờ hằng ngày. Nếu như bây giờ không còn có ai nhớ đến họ nữa, thì ít ra, vẫn còn có quý vị, nếu tâm hồn quý vị còn ơn đạo đức, thì xin nhớ cầu nguyện cho họ.

Có một câu châm ngôn [La Ngữ] nói về chiếc đồng hồ cổ mặt trời như sau, “omnes vulnerant, ultima necat.” Câu này có ý ám chỉ giờ phút chúng ta sinh sống, mà “Tất cả ai nấy đều bị thương tích, cho tới người cuối cùng bị hại chết.” [Người Việt mình thường nói “từ bò tới lết, từ chết đến bị thương”.] Thánh Âugústinô dạy rằng chúng ta đều là những kẻ bẩm sinh sợ chết, vì chết là điều rất xa lạ, rất đáng sợ, và rất buồn thảm. Chúng ta tin có Luyện Ngục nên rất được an ủi, vì nó nhắc nhở chúng ta rằng chết sẽ là giây phút cuối cùng của cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta được kết hợp mật thiết nhất với Chúa Kitô. Nó cũng giúp chúng ta có được một cơ hội duy nhất để hướng về tha nhân, bằng cách cầu xin cho những ai đã qua đời được giảm bớt khổ hình đau đớn, và nài xin Chúa ban cho linh hồn những người thân yêu của chúng ta sớm được kết hợp với Chúa họ hằng khát mong.

Giêsu Maria Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn.

Ngày 15/11/2019 - Kính thánh Albertus cả

Sóng Biển Trích Dịch

(Theo báo điện san và gởi định kỳ “Light & Life - Ánh Sáng và Sự Sống” của Trung Tâm Hiệp Hội Mân Côi, số phát hành cho tháng 9 - 10, 2019. www.rosarycenter.org)

Tác giả linh mục Reginald Martin, O.P, nhập Dòng Đaminh năm 1968, và thụ phong linh mục năm 1974. Cha từng làm mục vụ trong khuôn viên các trường đại học tại Miền Tây Washington và Oregon, cha rất vui trong quãng thời gian làm giám đốc cho Trung Tâm Hiệp Hội Mân Côi từ năm 2004 đến 2016. Hiện tại cha làm giám đốc cho Trung Tâm Tĩnh Huấn Vallombrose (Vallombrosa Retreat Center) và làm tuyên úy cho các Sơ Đan Viện Tu - Dòng Kín Đaminh ở Corpus Christi Monastery và ở Menlo Park, California.

Trở về Tháng Cầu cho các Linh Hồn

TRỞ VỀ TRANG CHÍNH