Chương 30: ĐỨC GIÊSU TRÊN ĐỒI GÔNGOTHA

CHƯƠNG XXX

ĐỨC GIÊSU TRÊN ĐỒI GÔNGOTHA

ĐỨC GIÊSU NGÃ LẦN THỨ SÁU VÀ THỨ BẢY

Đám rước lại di chuyển. Với những đấm đá và kéo giây cột vào Người một cách hung bạo, Đức Giêsu phải đi lên một con đường gồ ghề rất dốc giữa tường thành và núi Canvê về phía Bắc. Tại chỗ đường ngoằn ngoèo lên dốc rẽ về hướng Nam, Đức Giêsu đáng thương lại ngã lần thứ sáu. Nhưng kẻ thù của Chúa đánh đập và man rợ lôi Người đi cho đến khi tới đỉnh tảng đá, nơi hành hình, và với thập giá nặng nề Người lại gieo mình xuống đất lần thứ bảy.

Ông Simon Xirênê cảm thấy phẫn uất và thương cảm. Bất chấp mệt nhọc ông còn muốn ở lại để giúp Đức Giêsu tội nghiệp, nhưng bọn lý hình sỉ nhục và đuổi ông đi xuống. Sau đó không lâu, ông gia nhập vào nhóm các môn đệ của Chúa. Mấy tên lý hình sau đó ra lệnh cho bọn lao công và mấy đứa bé đã đem dụng cụ hành hình theo chúng lên tới đó ra về. Còn đám Pharisiêu cưỡi ngựa cũng kéo đến bằng con đường bằng phẳng và dễ đi hơn ở phía Đông núi Canvê. Từ trên đỉnh này có thể nhìn rõ cả thành phố.

Nơi hành hình trên đỉnh núi bằng phẳng hình tròn rộng chừng bằng một trường tập cưỡi ngựa, có một bức tường đất thấp bao quanh với năm lối vào riêng biệt. Con số năm lối vào này có vẻ là lối kiến trúc thông thường của miền này, bởi vì có năm lối vào các hồ tắm, nơi họ thanh tẩy, ở hồ Bétsaiđa, và nhiều thành phố khác cũng có năm cổng vào. Kiểu xây cất này và nhiều cái đặc biệt khác tại Đất Thánh có một ý nghĩa sâu xa đầy tính ngôn sứ. Con số 5 mà ta thường gặp nhiều nơi điển hình cho 5 Thương Tích (Dấu) Thánh của Đấng Cứu Độ mở rộng cửa Thiên Đàng cho chúng ta vào.

Bọn cưỡi ngựa ngưng ở phía Tây ngọn đồi không đến nỗi quá dốc; còn con đường mà các can phạm phải đi lên thì dốc và gồ ghề hơn nhiều. Khoảng một trăm lính Rôma đến trấn đóng tại nhiều chỗ khác nhau trên núi, và vì đỉnh đồi không đủ chỗ nên hai tên trộm được lệnh dừng lại trước khi tới đó và buộc phải nằm xuống đất tay cột chặt vào thậo giá của chúng và có một số đứng gác hai tên này. Vì chật chội nên hai tên trộm không được đưa lên đỉnh cùng một lúc, nhưng được đặt nằm trên mặt đất, hai tay bị cột vào đòn ngang, cách xa chỗ hành hình một chút. Nhiều đám đông, hầu hết là thường dân không sợ bị nhiễm uế, đa số thuộc gia cấp bần cùng, cùng với nhiều khách lạ, đầy tớ, nô lệ, dân ngoại, và một số phụ nữ đứng chung quanh khu vực hành hình. Một số khác đứng trên các gò cao kế cận và luôn có những người đang trên đường vào thành phố nhập bọn. Đến chiều tối các khách dự lễ Vượt Qua đóng trại trên núi Gihôn, nhiều người nhìn về quang cảnh trên núi Canvê, và có lúc họ đến gần để thấy rõ hơn.

Vào khoảng mười hai giờ kém mười lăm thì Đức Giêsu, với thập giá nặng nề, bị kéo đến chỗ hành hình, bị xô ngã xuống đất, và ông Simon bị đuổi đi. Sau đó chúng cầm giây lôi Đức Giêsu dậy, tháo các đòn ngang của thập giá ra và ráp thành hình thích hợp. Ôi chao! Thật buồn thảm và đáng thương là chừng nào, thật khủng khiếp biết bao khi thấy khuôn mặt bết máu, xanh xao, rách nát tơi bời đáng sợ của Đức Giêsu khi đứng tại nơi tử đạo! Các lý hình lại chế nhạo xô Người ngã xuống đất và nói: "Tâu đức vua quyền năng tối thượng, các hạ thần đang chuẩn bị ngai vàng cho ngài đây này!" Đức Giêsu tự ý nằm trên thập giá. Sau đó chúng căng Người ra đo đạc và đánh dấu trên thập giá những chỗ đóng đinh ở chân tay. Người Pharisiêu đứng chung quanh không những không thương tiếc mà còn chế nhạo và sỉ nhục Người thậm tệ. Bấy giờ bọn lý hình lôi Đức Giêsu đứng dậy và dẫn Người, vẫn bị trói, đến một hang cách đó chừng bảy mươi bước về phía Bắc. Dường như chỗ này trước kia là hầm chứa rượu. Mở cổng ra, chúng ấn Người chui qua và xô Người một cách tàn nhẫn đến độ, nếu không có các thiên thần nâng đỡ thì chân Người đã gãy nát trên nền đá cứng. Tôi nghe rất rõ tiếng Chúa rên xiết đau đớn nhưng chúng đóng xập cửa lại và đặt lính canh trước cửa hang trong khi bọn cung thủ tiếp tục chuẩn bị đóng đanh.

Chính giữa nơi hành hình, điểm cao nhất của núi Canvê là một mô đất tròn, cao khoảng bốn gang tay, lên đó cần phải leo chừng hai hay ba bậc. Sau khi đo đạc đoạn dưới của từng cây thập giá, bọn lý hình đào lỗ trên khoảng đất đó. Các lỗ thập giá của hai tên trộm thì ở bên trái và phải của mô đất. Trục các thập giá này thì sần sùi và ngắn hơn thập giá của Đức Giêsu, và được cưa xéo ở đầu cuối. Các đòn ngang mà tay chúng vẫn còn bị cột chặt vào đó, giờ đây được gắn vào đầu trên của thập giá. Kế đó, các lý hình đặt thập giá của Đức Giêsu vào chỗ họ định đóng đinh Người, để tiện nâng lên và dựng vào lỗ đã đào sẵn. Chúng lắp hai đòn ngang vào các mộng đã đục sẵn ở hai bên trục chính, đóng miếng gỗ tựa chân, khoan lỗ đinh và lỗ treo tấm bảng của Philatô viết, đóng gỗ đệm vào các mộng, rồi đục các chỗ lõm đây đó dọc theo thập giá. Các chỗ lõm này với dụng ý để tiếp nhận mão gai và lưng của Đức Giêsu, như thế thân thể của Người có thể đứng thay vì bị treo, nhờ đó tay Người không bị xé rách vì sức nặng của thân thể và sẽ chết chậm hơn dụng ý để kéo dài nỗi đau đớn cho Người. Trong khoảng đất phía sau thập giá, chúng chôn một cái cột với đà ngang cùng giây nhợ để làm điểm tựa nâng thập giá lên. Chúng còn thực hiện một số chuẩn bị tương tự.

ĐỨC MARIA VÀ CÁC THÁNH NỮ ĐẾN GÔNGÔTHA

Sau cuộc gặp gỡ đau khổ với Con Thiên Chúa đang vác thập giá trước dinh Caipha, Đức Maria đau buồn được ông Gioan và các thánh nữ dẫn đến nhà ông La-da-rô trong vùng tiếp giáp với cổng ở góc thành. Ở đây, các bà đạo đức, trong nước mắt và than van, quy tụ chung quanh bà Mađalêna và bà Máttha. Có một số trẻ em ở với họ. Giờ đây tất cả mười bảy người cùng đi với Đức Trinh Nữ, bất kể những nhạo báng của đám đông đê tiện, họ nghiêm trọng và cương quyết đi ngang qua Diễn Đàn, nơi họ hôn kính chỗ Đức Giêsu vác thập giá. Từ đó họ đi theo cả đoạn đường khổ nạn của Người và hôn kính những nơi đặc biệt có in các dấu vết đau khổ. Đức Trinh Nữ nhìn thấy và nhận ra các dấu chân Con của Mẹ, người đếm các bước chân ấy, và chỉ cho các bà thánh thiện thấy những nơi được sự đau khổ của Người thánh hóa, và cứ thế, các bà dừng chân rồi lại tiếp tục trên con Đường Thập Giá mà mọi chi tiết đều in sâu vào linh hồn Đức Maria.

Theo phương cách này, việc sùng kính (đàng thánh giá) cảm động của Giáo Hội tiên khởi đã được viết trước hết vào lòng Mẹ Maria bằng lưỡi gươm tiên tri của ông Simêon, phát xuất từ miệng người đến các bạn hữu, và từ đó truyền lại cho chúng ta. Đó là món quà thiêng liêng của Thiên Chúa từ tâm hồn Đức Maria truyền lại cho tâm hồn các con cháu. Bởi đó truyền thống của Giáo Hội được quảng bá. Nếu người ta có thể thấy như tôi thấy, thì họ sẽ nhận biết các món qùa đó đầy tràn sức sống và thánh thiện hơn bất cứ gì khác. Đối với người Do Thái được ân sủng Chúa hoán cải thì tất cả những nơi xảy ra các biến cố thánh, các biến cố thân thương với tâm hồn, từ đó trở đi đã trở nên linh thiêng. Họ không quên những chỗ đáng nhớ. Họ dựng những tấm bia kỷ niệm và đến đó cầu nguyện. Việc phát sinh lòng sùng kính Đàng Thánh Giá, không phải sau này mới có, nhưng từ bản chất của chính loài người và các hoạch định của Thiên Chúa cho dân của Người, và từ tình mẫu tử đích thực, có thể nói Đức Mẹ là người đầu tiên đi theo con đường chính đôi chân Đức Giêsu đã đi.

Các bà thánh thiện giờ đây phải ghé vào nhà bà Vêrônica, vì Philatô với đám kỵ binh và hai trăm lính La-mã đang trở về ngay trên con phố ấy. Ở đây, trong nước mắt và than van, các bà thánh thiện ngắm nhìn khuôn mặt Đức Giêsu trên tấm khăn của bà Vêrônica, và họ tôn vinh lòng nhân hậu Chúa đã tỏ lộ cho bạn hữu của Người. Họ lấy bình rượu thơm mà bà Vêrônica không được phép đưa cho Đức Giêsu uống, rồi ra cổng gần đó để đến Gôngôtha. Trên đường đi lại có thêm nhiều người thiện cảm cả nam lẫn nữ nhập bọn với các bà nên con số tăng lên và họ theo ngả phía Tây để lên Gôngôtha vì ngả này không dốc lắm. Đám đông này còn nhiều hơn đám rước theo Đức Giêsu, kể cả đám đê tiện chạy theo sau.

Những đau khổ của người Mẹ Sầu Bi trên hành trình này, khi nhìn thấy nơi hành hình và đoạn đường đi lên đó thì không thể diễn tả nổi. Người đau khổ gấp đôi: những đau khổ của Đức Giêsu mà người gánh chịu bên trong tâm hồn cùng với cảm giác bị bỏ rơi. Bà Mađalêna tuyệt đối quẫn trí, như say và quay cuồng vì đau khổ, bà liên tục cảm nghiệm hết thống khổ này đến thống khổ khác. Từ im lặng hồi lâu đến than van, từ bơ phờ đến vò đầu bứt tóc, từ rên rỉ đến than trách, bà được thường xuyên nâng đỡ, bảo vệ, và được bạn bè nhắc nhở nên giữ im lặng, và còn được các phụ nữ đạo đức khác quây quần che lấp bớt trước cái nhìn của đám đông.

Họ lên tới đồi và đứng thành ba nhóm, theo thứ tự trước sau, bên ngoài bức tường vòng cung. Mẹ Thánh Đức Giêsu cùng đứng với cô cháu gái là Maria con bà Clê-ô-pha, bà Salômê, và ông Gioan đứng gần với vòng cung. Bà Máttha, bà Maria Hêli, bà Vêrônica, bà Gioanna Chusa, bà Susanna, và bà Maria Máccô đứng lùi phía sau một chút chung quanh bà Mađalêna đang khổ sở rũ rượi. Lùi xa hơn nữa là bảy người khác, và giữa các nhóm này là những người thiện cảm tình nguyện đưa tin từ nhóm này đến nhóm khác. Người Pharisiêu cưỡi ngựa đi lại giữa đám đông, và lính Rôma đứng gác ở 5 lối ra vào chung quanh vòng tròn.

Ôi cảnh tượng u sầu biết bao cho Đức Maria! Mẹ không ngừng gắn đôi mắt nhìn vào chỗ định mệnh và đứng như người xuất thần. Quả thật đây là chỗ được chọn kỹ nhằm mục đích xé nát tâm can một người Mẹ! Này là nơi hành hình, đây là đồi đóng đinh, kia là thập giá rùng rợn nằm trước mặt người với những giây nhợ, mũi đinh quái ác! Và chung quanh là bọn lý hình say rượu, hung dữ, vừa chửi thề vừa chuẩn bị! Thập giá của hai tên trộm đã được dựng lên, và để giữ cho thẳng, người ta chèn đá vào lỗ chôn cột. Sự vắng mặt của Đức Giêsu lại tăng thêm nỗi đọa đầy của Đức Mẹ. Mẹ biết là Người vẫn còn sống, Mẹ muốn thấy Người, và Mẹ rùng mình khi nghĩ đến lúc phải ôm Người bất động trên tay trong đau khổ không thể tả.

THỜI TIẾT

Mười giờ sáng hôm ấy, khi bản án được công bố, đã có nhiều cơn mưa đá nhỏ. Khi Đức Giêsu đến đồi Canvê, trời quang đãng và mặt trời ló dạng, nhưng đến mười hai giờ thì mặt trời lại bị che khuất sau đám sương mù dầy đặc màu đỏ rùng rợn.

ĐỨC GIÊSU BỊ LỘT QUẦN ÁO ĐỂ ĐÓNG ĐINH VÀ UỐNG DẤM

Bấy giờ bốn tên cung thủ đi đến hang giam giữ, cách đó bảy mươi bước về hướng Bắc, và với tính tàn bạo cố hữu chúng lôi Đức Giêsu ra. Người cầu xin Thiên Chúa thêm sức mạnh và một lần nữa lại hiến mình để đền bù tội lỗi của kẻ thù. Chúng đấm đá và sỉ nhục lôi Người đi vào những phút cuối cùng của cuộc Khổ Nạn. Dân chúng trố mắt nhìn nhạo báng; bọn lính, lạnh lùng và nghiêm nghị, lo giữ trật tự; bọn lý hình giận dữ chụp lấy Người từ tay các lính canh và hung bạo lôi Người vào bên trong vòng cung.

Các bà thánh thiện đưa tiền cho một người đàn ông đem bình rượu thơm đến cho bọn lý hình và nài nỉ chúng cho phép Đức Giêsu uống. Bọn ác độc thay vì đưa bình rượu cho Đức Giêsu thì chúng lại cầm lên tu ừng ực. Gần đó có hai cái hũ mầu nâu. Một hũ đựng giấm và mật đắng, và hũ kia đựng một loại men giấm. Có thể đó là một loại rượu được trộn với cây ngải đắng và trầm. Loại sau này được chúng đựng trong chén mầu nâu và đưa lên môi Đức Chúa trong khi Người vẫn bị cùm. Người nếm thử nhưng không uống. Trong vòng cung có mười tám tên lý hình: sáu tên tra tấn, bốn tên dẫn Đức Giêsu, hai tên cầm giây, và sáu tên đóng đinh. Một số bận rộn với Đức Giêsu, số khác bận bịu với hai tên trộm, chúng vừa làm việc vừa uống rượu. Bọn chúng vạm vỡ, lùn, trông rất dơ dáy, hung dữ và thô bạo. Diện mạo cho thấy chúng là người xa lạ; tóc tai rậm rạp, râu ria thưa thớt. Chúng phục vụ người Rôma và Do Thái để kiếm tiền.

Tất cả những cảnh tượng này lại hiện ra trước mắt tôi khủng khiếp hơn nữa, vì tôi được thấy những gì người khác không thấy, có thể nói là tôi nhìn thấy tên quỷ sứ đúng như hình dạng của nó. Tôi cũng thấy những tên quỷ gớm guốc làm việc giữa bọn người hung ác, chứng đưa cho họ những gì cần, rỉ tai đề nghị, và giúp đỡ họ đủ mọi cách. Ngoài những tên quỷ này, tôi còn thấy vô số cóc, rắn, rồng có móng vuốt, và côn trùng độc hại, chúng bò vào miệng một số người, lao vào ngực một số khác, và ngồi trên vai một số khác nữa. Chúng đến với những ai chiều theo sự xúi giục của ma quỷ để có những tư tưởng xấu xa độc ác, hay thốt ra lời lẽ chế nhạo và nguyền rủa. Nhưng bên trên Đức Chúa, khi chịu đóng đinh, tôi thường thấy các thiên thần khóc lóc và trong hào quang vinh hiển này có cả các khuôn mặt thiên thần nhỏ bé. Tôi cũng thấy các thiên thần thương cảm và an ủi tương tự như vậy bay lượn bên trên Đức Trinh Nữ và những người có lòng với Đức Giêsu, để kiên cường giúp đỡ họ.

Bấy giờ bọn lý hình xé tấm áo choàng của Đức Chúa đang quấn trên vai. Sau đó chúng tháo gông đóng quanh bụng cũng như đai lưng của Người, và lôi tấm áo trắng mịn qua khỏi đầu Người. Khi chúng muốn lấy tấm áo nâu một mảnh mà Đức Trinh Nữ đã đan cho Người, chúng không thể kéo qua khỏi đầu vì mão gai quá lớn. Do đó một lần nữa chúng lại lột mão gai khỏi đầu Người, khiến các vết thương lại toé máu, rồi vén tấm áo lên, vừa nguyền rủa vừa sỉ nhục chúng lột áo qua đầu đầy thương tích và máu của Người.

Con Người đứng như thế đó, run rẩy từng đốt xương, đầy máu và vết roi; đầy thương tích, một số đã khô một số còn rỉ máu; đầy sẹo và thâm tím! Người vẫn còn tấm áo choàng bằng len hai mảnh trước sau, và chiếc quần ngắn. Các sợi len làm thương tích mau khô và dính với máu thành một vết thương mới và sâu tạo bởi sức nặng của thập giá trên vai. Vết thương này khiến Đức Giêsu đau đớn không thể tả. Chiếc áo nâu giờ đây bị xé một cách tàn nhẫn khỏi phần ngực rách nát và sưng vù. Vai và lưng của Người lòi cả xương, sợi len dính vào các vẩy vết thương và máu khô ở trên ngực. Sau cùng, chúng xé toạc chiếc quần ngắn và Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ dịu dàng của chúng ta, Đấng Cứu Độ bị hành hạ không thể tả của chúng ta, cong người xuống như để che giấu chính mình. Khi Người gần như bất tỉnh, chúng để Người ngồi xuống một hòn đá bên cạnh, lại lấy mão gai ấn lên đầu Người, và đưa Người uống dấm hòa với mật đắng. Nhưng Đức Giêsu quay đầu sang chỗ khác, im lặng. Và giờ đây, khi bọn lý hình nắm cánh tay Người và nhấc bổng lên để ném Người xuống thập giá, thì một tiếng kêu căm phẫn, những xì xào và than khóc vang lên từ các bạn hữu của Người. Đức Mẹ tha thiết cầu nguyện, và khi đến lúc Mẹ muốn xé tấm khăn che mặt để đưa cho Người che đậy phần thân phía dưới, thì Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin. Đúng lúc ấy, từ cổng thành một người chạy băng qua đám Đông đứng chắn lối, vội vã đến hụt hơi, đi vào vòng cung giữa bọn lý hình và đưa cho Đức Giêsu một mảnh vải và Người cầm lấy, cám ơn rồi quấn quanh mình.

Hành động mạnh bạo của vị ân nhân này có một uy quyền, do Thiên Chúa ban cho qua lời cầu xin của Đức Trinh Nữ. Vẫy tay như ra lệnh cho bọn lý hình, ông chỉ nói vài lời sau: "Phải để Người đáng thương này có chút gì che thân chứ!" và, không nói gì thêm với bất cứ ai, ông đột ngột ra đi cũng như lúc đến. Đó là ông Giônađáp, cháu của Thánh Giuse, từ vùng Bêlem lên. Ông là con của em thánh Giuse mà sau khi Đức Giêsu giáng sinh, Thánh Giuse đã đưa cho người em này một con bò để cầm thế vì không cần đến nữa. Ông Giônađáp không phải là người can trường theo Đức Giêsu, và hôm nay ông cứ ở xa xa và dò xét đây đó. Khi nghe Đức Giêsu bị lột quần áo đánh đòn, ông đã cảm thấy xót xa; và khi sắp đến lúc đóng đinh, ông ở trong Đền Thờ vì lo lắng khác thường. Trong khi Đức Mẹ van nài với Thiên Chúa trên đồi Gôngôtha, thì một động lực đột ngột và không thể cưỡng lại chiếm ngự ông Giônađáp, lôi ông ra khỏi Đền Thờ, lên núi Canvê. Linh hồn ông cảm thấy phẫn nộ trước sự bần tiện của ông Cham, người đã chế nhạo ông Nôe là cha mình khi ông say rượu và ở truồng, và cũng như ông Sem, ông Giônađáp đã vội vã đến che đậy cho Đấng Cứu Thế. Bọn lý hình đóng đinh Đức Giêsu là hậu duệ của ông Cham. Đức Giêsu đang chế tạo một loại rượu mới là rượu Cứu Độ khi ông Giônađáp đến che thân cho Người. Hành động được ban cho ông Giônađáp để hoàn tất một hình ảnh đã được báo trước.