CHƯƠNG 22: ĐỨC GIÊSU TRƯỚC MẶT HÊ-RÔ-ĐÊ

CHƯƠNG XXII

ĐỨC GIÊSU TRƯỚC MẶT HÊ-RÔ-ĐÊ

Trên Diễn Đàn và trong các đường phố nơi Đức Giêsu bị dẫn đến dinh Hê-rô-đê, dân chúng càng lúc càng tụ về Đông đảo. Họ là cư dân từ các vùng kế cận và từ khắp nước đến dự lễ. Những người Pharisiêu thù nghịch trong vùng đã có mặt với tay chân bộ hạ của họ để khích động đám đê tiện chống đối Đức Giêsu. Trước chòi canh gần dinh Philatô, binh lính Rôma đổ về rất Đông, và tại nhiều tụ điểm quan trọng trong thành phố cũng có mặt họ.

Dinh Hê-rô-đê nằm trong khu phố mới phía Bắc của Diễn Đàn, không xa dinh Philatô bao nhiêu. Một toán lính từ miền đất nằm giữa nước Thụy Điển và nước Ý cũng có mặt trong đám rước. Các kẻ thù của Đức Giêsu vô cùng tức giận khi phải đi tới đi lui, và chúng không ngừng nhục mạ Người và thúc giục các lý hình lôi Người hết bên này đến bên kia. Vì được Philatô đưa tin đám rước sắp đến nên Hê-rô-đê chờ đợi. Hắn ngồi trên ngai có đệm trong một sảnh đường lớn, chung quanh là bọn nịnh thần và lính tráng. Các Thượng Tế đi vào qua hàng cột cao và xếp hàng ở một bên, trong khi Đức Giêsu đứng ngay ở lối vào. Hê-rô-đê lấy làm khoái trá khi Philatô công khai chấp nhận trước mặt các Thượng Tế quyền xét xử của hắn đối với một người Galilê; bởi thế hắn tỏ ra hách dịch và kiêu căng tột bực. Hắn cũng rất hài lòng khi thấy Đức Giêsu đứng trước mặt hắn trong một cảnh ngộ quá nghèo hèn tiều tụy, vì trước đây Người không thèm xuất hiện trước mặt hắn. Ông Gioan Tẩy Giả đã từng nói về Đức Giêsu bằng những ngôn từ thật trang trọng, và hắn cũng từng nghe nhiều về Người qua các tên dọ thám và bép xép, nên Hê-rô-đê cực kỳ tò mò về Người. Hắn mỉm cười khoái chí khi nghĩ đến cuộc tra vấn Đức Giêsu trước mặt bọn nịnh thần và Tư Tế, và hắn có thể khoe khoang kiến thức của hắn trước mặt hai thành phần này. Hắn cũng được cho biết là Philatô đã không tìm thấy Đức Giêsu có tội gì, và với tâm trạng luồn cúi, điều đó ám chỉ rằng hắn sẽ lạnh nhạt đối xử với những người buộc tội Đức Giêsu, là một hành động chỉ làm gia tăng sự bực tức của bọn này. Ngay khi vào trước mặt hắn, họ đã lớn tiếng phàn nàn. Tuy nhiên Hê-rô-đê tò mò nhìn Đức Giêsu, và khi thấy Người thật đáng thương, bị đối xử tàn tệ, y phục dính đầy dơ bẩn, tóc xõa tung, mặt đầy máu và bùn đất, một tâm trạng trắc ẩn miễn cưỡng lẻn vào lòng ông vua bù nhìn và hoang dâm này. Hắn thốt ra thánh danh Thiên Chúa (nghe như "Giêhôva"), với dáng điệu kinh tởm hắn quay mặt đi và nói với các tư tế: "Đưa nó đi chỗ khác! Chùi rửa nó! Tại sao các ngươi đưa đến trước mặt ta một tạo vật quá dơ dáy, bị ngược đãi quá đỗi như vậy!" Nghe thế, bọn đầy tớ đưa Đức Giêsu vào tiền sảnh, đem ra một chậu nước và giẻ rách để lau chùi các vết dơ mà trong suốt thời gian ấy chúng không ngừng hành hạ Người. Kiểu cách thô bạo của chúng lại xé các vết thương ra trên khuôn mặt méo mó của Người. Trong khi đó Hê-rô-đê chỉ trích sự hung ác của các tư tế. Dường như hắn muốn bắt chước kiểu cách của Philatô khi đối xử với họ, vì hắn nói: "Hiển nhiên là nó đã rơi vào tay các đồ tể. Các ngươi khởi sự công việc hôm nay trước cả thời hạn." Các Thượng Tế chỉ trả lời bằng cách hung hăng đưa ra các lời buộc tội và than phiền. Khi Đức Giêsu lại được dẫn vào, Hê-rô-đê, là người muốn tỏ ra tán thành với Người, đã ra lệnh đem cho Người một ly rượu để lấy lại sức. Nhưng Đức Giêsu lắc đầu, và sẽ không uống.

Hê-rô-đê rất hòa nhã với Đức Giêsu; ngay cả tâng bốc Người và luôn miệng nói rằng hắn từng biết Người. Lúc đầu hắn hỏi Người vài câu hỏi, và muốn nhìn thấy một dấu hiệu từ Người. Nhưng Đức Giêsu không trả lời một tiếng, im lặng nhìn xuống đất. Hê-rô-đê trở nên rất bực mình và xấu hổ trước những người có mặt. Tuy nhiên, để che giấu sự bối rối đó, hắn tuôn ra một tràng câu hỏi với những lời lẽ vô nghĩa. Hắn nói, "Tôi rất tiếc khi thấy ông bị buộc tội nặng nề. Tôi đã nghe nhiều điều về ông. Ông có biết là ông đã xúc phạm tôi khi ở Tigia, ông phóng thích các tù nhân do tôi giam cầm ở đó, dù chưa có lệnh của tôi không? Nhưng có lẽ ông có ý tốt. Giờ đây Tổng Trấn Rôma giao ông cho tôi xét xử. Ông nói gì về những lời cáo buộc này? Ông im lặng sao? Họ đã nói với tôi về lời giảng dạy khôn ngoan của ông mà-tôi muốn nghe ông bác bỏ những người buộc tội ông. Ông đã nói những gì? Có thật ông là Vua dân Do Thái không? Có phải ông là Con Thiên Chúa không? Ông là ai? Tôi nghe ông đã từng làm nhiều phép lạ. Hãy chứng tỏ điều đó bằng cách cho tôi thấy một vài dấu chỉ. Vấn đề thả ông ra là tùy ở tôi. Có phải đúng là ông đã đem lại ánh sáng cho người mù không? Có phải ông đã làm cho Lagiarô sống lại không? Có phải ông đã nuôi hàng ngàn người với vài miếng bánh không? Sao ông không trả lời hả! Tôi ra lệnh ông phải làm một phép lạ! Nó sẽ có lợi cho ông." Nhưng Đức Giêsu giữ im lặng. Hê-rô-đê lại tiếp tục ba hoa: "Ông là ai? Ông có vấn đề gì? Ai cho ông quyền lực? Sao ông không tiếp tục thi hành quyền ấy? Ông có phải là người mà mới sinh ra đã có nhiều điều lạ thường không? Có lần một số vua chúa từ phương Đông đến với cha tôi để hỏi về một vị vua mới sinh của người Do Thái mà họ muốn thần phục. Bây giờ, họ nói rằng đứa trẻ đó không ai khác hơn chính là ông. Có đúng không? Có phải ông đã thoát chết trong khi nhiều đứa trẻ khác phải chịu chết không? Làm sao được? Sao ông ẩn dật quá lâu vậy? Hay họ gán cho ông những điều này để đưa ông lên làm vua? Hãy trả lời tôi đi! Ông là loại vua gì? Thực sự, tôi không thấy có gì là vương giả nơi ông cả! Tôi nghe nói mới đây họ đã mừng đón ông vào Đền Thờ một cách vinh quang. Điều đó nghĩa là gì? Nói đi! Sao một việc nổi tiếng lại kết thúc như thế này?" Với tất cả những câu hỏi ấy, Hê-rô-đê không nhận được một trả lời nào từ Đức Giêsu. Tôi được biết là Đức Giêsu không nói với Hê-rô-đê vì hắn phạm tội loạn luân với Hêrôđia và giết Gioan Tẩy Giả nên Hê-rô-đê bị phạt không được thông công.

Anna và Caipha lợi dụng sự bất mãn của Hê-rô-đê vì sự im lặng của Đức Giêsu để lập lại các lời cáo buộc. Trong đó chúng đưa ra điều sau đây: Đức Giêsu từng gọi Hê-rô-đê là con chồn, và từ lâu Người hoạt động để lật đổ cả dòng họ của ông; Người muốn thiết lập một tôn giáo mới, và Người đã ăn lễ Vượt Qua ngày hôm qua. Lời cáo buộc sau cùng này đã được nêu lên cho Caipha khi Giuđa phản bội, nhưng một số bạn hữu của Đức Giêsu đã trưng ra các tài liệu để chứng minh rằng điều này hợp pháp trong một số hoàn cảnh.

Hê-rô-đê, tuy rất bực mình với sự im lặng của Đức Giêsu, nhưng hắn không quên các mục tiêu chính trị. Hắn không muốn kết án Đức Giêsu, phần vì sợ Người một cách kín đáo và hối hận vì đã giết ông Gioan, và phần khác vì hắn rất ghét các Thượng Tế, vì họ sẽ không bao giờ tha tội loạn luân của hắn và vì vậy hắn không được dâng của lễ. Nhưng lý do chính để Hê-rô-đê không kết án Đức Giêsu vì hắn không muốn tuyên án một người mà Philatô đã tuyên bố không có tội. Quan điểm chính trị của hắn cũng thể hiện trong hành động; hắn muốn tỏ ra tử tế với Philatô trước sự hiện diện của các Thượng Tế. Hắn kết thúc bằng cách trấn át Đức Giêsu với những lời lẽ khinh bỉ và xúc phạm, và nói với bọn đầy tớ cũng như cận vệ (có đến hai trăm tên trong dinh): "Hãy đem tên khùng này đi chỗ khác, và phong cho nó vinh dự xứng đáng với một tên vua lố bịch. Hắn là một tên khùng hơn là một kẻ gian tà!"

Đấng Cứu Thế giờ đây lại bị dẫn ra ngoài vào một sân lớn và bị đối xử với những lời chế nhạo và tức giận không thể tả. Sân được bao quanh bằng những hành lang của dinh, và Hê-rô-đê đứng trên sân thượng nhìn cảnh hành hạ Đức Giêsu một lúc lâu. Anna và Caipha đứng sau lưng hắn, cố gắng mọi cách thúc giục hắn lên án Đức Giêsu. Tuy nhiên, Hê-rô-đê không nhượng bộ. Hắn trả lời bằng một giọng thật lớn cốt để lính tráng nghe được: "Nếu tôi kết án người ấy, thì tôi phạm tội rất lớn." Có lẽ hắn muốn nói tội phạm ở đây là tội đối với quyền quyết định của Philatô, là người quá tốt bụng khi giao Đức Giêsu cho hắn.

Khi các Thượng Tế và kẻ thù Đức Giêsu thấy Hê-rô-đê không chiều theo ý muốn của chúng, thì họ sai phái một số người trong bọn đem tiền đến Cánh Đồng, một khu vực của thành phố lúc bấy giờ rất Đông người Pharisiêu dừng chân. Những sứ giả này được lệnh triệu tập người Pharisiêu phải có mặt ngay lập tức trong khu vực dinh Philatô. Một số tiền lớn được trao cho những người này để phân phát mua chuộc đám đông để họ mạnh mẽ và kịch liệt đòi xử tử Đức Giêsu. Các sứ giả khác được sai đi loan tin đồn trong dân là Thiên Chúa sẽ trả thù nếu họ không nhất quyết xử tử tên phạm thượng. Chúng cũng phao tin rằng nếu Đức Giêsu không bị tử hình, Người sẽ về phe với dân Rôma, và đó là điều Người ám chỉ về Vương Quốc mà Người luôn luôn đề cập đến. Rồi sau đó, người Do Thái sẽ thực sự bị tiêu diệt. Đằng khác, chúng phao tin nào là Hê-rô-đê đã kết án Đức Giêsu, nhưng dân chúng phải bày tỏ ý kiến của mình; nào là các môn đệ của Người phải bị sợ hãi, vì nếu Đức Giêsu được trả tự do cách nào đó, thì buổi lễ sẽ bị xáo trộn, và sau đó người Rôma và các môn đệ của Người sẽ trả thù. Như vậy họ đã phao tin đồn thất thiệt nhằm gây hoang mang lo lắng để xúi giục và xách động dân chúng. Đồng thời, kẻ thù của Đức Giêsu cũng phân phát tiền cho đám lính của Hê-rô-đê để chúng hành hạ Đức Giêsu dã man hơn nữa. Đúng! chúng muốn Người chết sớm, vì Người chết theo cách đó còn hơn là sống để được phóng thích do phán quyết của Philatô.

Chính vì đám dân độc ác, vô thần này mà Đức Chúa phải đau khổ và bị sỉ nhục thậm tệ, bị hành hạ man rợ nhất. Khi chúng dẫn Người vào sân, thì từ trạm gác một tên lính đem ra cái túi lớn trước kia dùng để đựng bông. Chúng cắt một lỗ ở đáy túi và, giữa tiếng hò reo nhạo cười của mọi người hiện diện, chúng chụp lên đầu Đức Giêsu. Cái túi chụp xuống đến tận chân Người. Một tên lính khác buộc một miếng vải đỏ quanh cổ Người. Rồi chúng cúi chào trước mặt Người, đẩy Người bên này bên kia, sỉ nhục Người, đánh vả vào mặt Người vì Người không chịu trả lời cho vua của chúng, và chúng dâng cho Người hàng ngàn cử chỉ tôn trọng hài hước. Chúng quăng rác rến vào Người, lôi kéo Người như là đang khiêu vũ, thúc đẩy Người ngã xuống đất rồi kéo Người dọc theo đường mương chung quanh sân, để đầu Người đập vào các cột đá và góc tường. Sau đó chúng lôi Người đứng dậy và lại bắt đầu xỉ vả, hò hét. Giữa hai trăm tên lính và đầy tớ của dinh Hê-rô-đê còn có những người từ các miền rất xa, và mỗi người đê tiện độc ác trong đám đông đó lại muốn có những hành động đặc biệt bỉ ổi hơn đối với Đức Giêsu để chúng được hoan hô và quê quán chúng được vinh dự. Chúng tiếp tục cảnh man rợ hung bạo giữa tiếng la hét nhạo cười. Những ai nhận tiền hối lộ của người Pharisiêu bèn lợi dụng sự hỗn loạn ấy để lấy gậy đánh vào đầu Đức Giêsu. Người nhìn họ thương cảm, rồi thở dài và rên rỉ vì đau đớn. Nhưng họ lải nhải chế nhạo tiếng rên của Người, và mỗi một xúc phạm lại kèm theo tiếng nhạo cười chế diễu. Không một ai thương xót Đức Giêsu. Tôi thấy máu từ đầu Người chảy xuống vô cùng đáng thương, và tôi thấy Người đã ba lần qụy xuống đất khi bị đánh bằng gậy. Cùng lúc ấy, tôi thấy các thiên thần khóc lóc bay quanh Người, xức dầu trên đầu Người. Tôi được cho biết là những đòn chí tử ấy thực sự đã giết Người, nếu không có Thiên Chúa giúp đỡ. Ngày xưa người Philitinh hành hạ ông Sam-sông mù lòa cho tới chết ở hầm đá Ga-da cũng không hung dữ và tàn bạo cho bằng đám dân vô loại này.

Nhưng thời giờ gấp lắm rồi. Các Thượng Tế phải có mặt ở Đền Thờ ngay sau đó và, khi được bảo đảm là mọi chỉ thị của họ sẽ được thi hành, một lần nữa họ cố gắng xin Hê-rô-đê kết án Đức Giêsu. Nhưng Hê-rô-đê vẫn làm ngơ trước lời cầu xin của họ. Hắn vẫn chỉ nghĩ đến Philatô, mà bây giờ hắn gửi Đức Giêsu trở lại trong y phục ô nhục của Người.