CHƯƠNG 10: ĐỨC GIÊSU TRƯỚC MẶT CAIPHA

CHƯƠNG X

ĐỨC GIÊSU TRƯỚC MẶT CAIPHA

Giữa những tiếng kêu gào nhục mạ như điên dại, với những xô đẩy, lôi kéo và ném bùn, Đức Giêsu bị dẫn vào "atrium", là nơi, thay vì sự thịnh nộ không kềm chế được của đám Đông lại là những tiếng xì xào và thì thầm của sự giận dữ được kềm lại. Rẽ về bên phải của lối vào, đám rước đối diện với tòa án. Khi Đức Giêsu đi ngang qua Phêrô và Gioan, Người trìu mến liếc nhìn họ tuy không quay đầu lại vì sợ họ bị lộ diện. Khi Người vừa mới đi qua hàng cột ở lối vào và xuất hiện trước Đại Công Nghị, Caipha đã lớn tiếng nói với Người: "Ngươi đã đến, tên xúc phạm Thiên Chúa, Ngươi dám xáo trộn đêm linh thiêng này!" Trái bầu đựng lời kết tội của Anna được tháo ra khỏi vương trượng giả. Khi lời kết tội được đọc lên, Caipha tuôn ra một tràng trách mắng và nhục mạ Đức Giêsu, trong khi lính tráng và những người độc ác đứng gần đó kéo giật Người từng chặp. Chúng cầm trong tay các thanh sắt nhỏ, một số có đầu nhọn, một số có hình trái lê để thúc bên này, thọc bên kia và hét lớn: "Trả lời đi! Mở miệng ra! Không biết nói hả!" Tất cả những điều ấy xảy ra trong khi Caipha, còn giận dữ hơn Anna, quát tháo ầm ĩ hết câu hỏi này đến câu hỏi khác với Đức Giêsu. Nhưng Chúa bình tĩnh và chịu đựng, mắt nhìn xuống đất, ngay cả không liếc nhìn Caipha. Bọn độc ác, để buộc Người phải nói, đã đánh vào cổ, đấm thụi Người từ đủ mọi phía. Hơn thế nữa, một tên hung ác dùng ngón tay cái ấn môi dưới của Đức Giêsu vào răng và nói: "Cắn đi!"

Và bây giờ đến phần hỏi cung nhân chứng. Nó không gì khác hơn là tiếng la hét vô trật tự, tức giận của đám người được mua chuộc, hay các lời khai của kẻ thù Đức Giêsu thuộc đám Pharisiêu và Xađucê bực tức. Một số người trong bọn họ được chọn ra để đại diện cho nhóm trong phần hào hứng này. Chúng đưa ra các điểm mà trước đây Đức Giêsu đã trả lời chúng hàng trăm lần: tỉ như, chúng nói Người chữa bệnh và trừ quỷ nhờ quyền lực của quỷ; Người vi phạm ngày Sabát, không giữ chay; môn đệ Người ăn cơm không rửa tay; Người xúi giục dân chúng, gọi người Pharisiêu là loài rắn độc và thế hệ ngoại tình; Người tiên đoán sự hủy diệt của Giêrusalem; và giao dịch với người ngoại đạo, bọn thu thuế, người tội lỗi và các phụ nữ tai tiếng; Người đi đó đây với đám Đông môn đệ, tự cho mình là một ông vua, một ngôn sứ, phải, ngay cả xưng mình là Con Thiên Chúa; và Người thường nói về Nước Trời. Hơn thế nữa, chúng còn đưa ra rằng Người lên án việc tự do ly dị, Người chúc dữ cho Giêrusalem, Người tự coi là Bánh Sự Sống và đưa ra một giáo thuyết chưa từng nghe thấy bao giờ đó là ai không ăn Thịt và uống Máu Người sẽ không có sự sống đời đời.

Theo cách đó, mọi lời lẽ, giáo huấn và dụ ngôn của Người bị hiểu lầm và xuyên tạc, bị lẫn lộn với các lời sỉ nhục và tức giận, và được gán cho Người như các tội ác. Tuy nhiên, các nhân chứng lại mâu thuẫn và gây lúng túng cho nhau. Một người nói: "Nó tự xưng là vua"; người kia lại kêu lên: "Không! Nó chỉ làm kiểu cách thế thôi, vì khi dân chúng muốn tôn nó làm vua thì nó lại bỏ trốn." Sau đó một người khác la lớn: "Nó nói nó là Con Thiên Chúa," và rồi lại có người bắt bẻ: "Không, không phải vậy! Nó chỉ xưng là con vì nó chu toàn ý muốn của người cha." Một số khác tuyên bố rằng những người được Đức Giêsu chữa lành lại bị đau trở lại, như thế quyền năng chữa lành của Người không gì khác hơn là yêu thuật. Về lời buộc tội dùng ma thuật, nhiều người được đưa vào để chống đối Người, và rất Đông nhân chứng tiến ra. Việc chữa lành một người ở Hồ Bétsaiđa được đưa ra một cách méo mó và được trình bầy sai lạc. Những người Pharisiêu ở Sêphôrít, mà Đức Giêsu từng tranh luận với họ về vấn đề ly dị, bây giờ kết án Người về tội giảng dạy một giáo thuyết sai lầm, và một thanh niên ở Nagiarét, người mà Đức Giêsu từ chối không nhận làm môn đệ, giờ đây hắn đê tiện đến độ dám tiến ra làm chứng tố cáo Người. Chúng còn kết án Người về tội tha thứ cho một phụ nữ phạm tội ngoại tình, dám tố cáo tội ác của người Pharisiêu, và nhiều điều khác.

Bất kể mọi nỗ lực, chúng vẫn không thể chứng minh được một lời buộc tội nào. Đám Đông nhân chứng dường như tiến ra để chế diễu Đức Giêsu hơn là để làm chứng. Chúng sôi nổi cãi nhau, trong khi Caipha và một số cố vấn khác không ngừng nhạo cười vui vẻ và thêm lời châm chọc. Họ lớn tiếng: "Ngươi là loại vua gì? Hãy chứng tỏ quyền lực của Ngươi đi! Hãy gọi đoàn lũ thiên thần mà ngươi nói trong vườn Cây Dầu đi! Ngươi giấu tiền bạc của các bà goá và các tên khờ dại ấy ở đâu? Ngươi hoang phí cả một tài sản, và ngươi có gì để chứng minh quyền đó? Trả lời đi! Nói đi! Bây giờ ngươi phải nói trước các quan toà thì ngươi lại câm nín; lẽ ra ngươi phải làm thinh trước đám Đông và đám phụ nữ thấp hèn thì ngươi lại nói quá nhiều," v.v.

Mọi lời ấy được kèm theo những hành hạ mới của các đầy tớ, chúng đấm đá để cố gắng bắt Người phải trả lời. Chỉ nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa nên Người mới sống nổi, để có thể gánh tội trần gian. Một số nhân chứng độc ác tuyên bố Người là một đứa con bất hợp pháp, mà lời buộc tội ấy lại trái ngược với lời lẽ sau: "Điều đó sai lầm! Mẹ của nó là một trinh nữ đạo đức thuộc về Đền Thờ, và chúng tôi có mặt trong đám cưới của bà ấy với một ông rất kính sợ Thiên Chúa." Và sau đó các nhân chứng này cãi nhau om xòm.

Kế đó chúng kết án Đức Giêsu và các môn đệ về tội không dâng lễ vật vào Đền Thờ. Đúng là tôi không bao giờ thấy Đức Giêsu và các Tông Đồ đem bất cứ lễ vật nào vào Đền Thờ ngoại trừ chiên Vượt Qua, tuy nhiên ông Giuse và bà Anna, khi còn sống, thường dâng lễ vật thay cho Đức Giêsu. Nhưng tục lệ này không có giá trị, vì người Étsen không bao giờ dâng lễ vật, và không ai nghĩ là phải trừng phạt họ vì sự thiếu sót này. Lời kết tội dùng ma thuật thường được lập lại nhiều nhất, và hơn một lần, Caipha từng tuyên bố rằng các nhân chứng lầm lẫn trong lời cáo buộc cũng vì ma thuật.

Giờ đây một vài người nói rằng Đức Giêsu đã trái luật khi ăn chiên Vượt Qua vào ngày hôm trước, và năm trước đó, cũng vào ngày lễ này, Người đã cho phép các điều trái luật khác. Lời chứng này lại tạo nên sự tức giận và chế giễu của đám Đông đê tiện. Nhưng các nhân chứng quá bối rối và mâu thuẫn với nhau đến độ Caipha và các cố vấn, dù nhục nhã và điên tiết, cũng phải tuyên bố là không có lời chứng nào có giá trị. Sau đó ông Nicôđêmô và Giuse Arimathê được gọi ra để giải thích tại sao họ lại để Đức Giêsu ăn lễ Vượt Qua ở căn phòng thuộc sở hữu của ông Giuse. Đứng trước Caipha, hai ông đưa ra tài liệu chứng mình, theo truyền thống cổ truyền, người Galilê được phép ăn lễ Vượt Qua sớm hơn người Do Thái một ngày. Hai ông nói thêm là mọi điều khác liên hệ đến việc mừng lễ cũng được tuân giữ cẩn thận, vì có như thế những người làm việc Đền Thờ mới có thể hiện diện. Điều khẳng định này làm các nhân chứng vô cùng bối rối, và các kẻ thù của Đức Giêsu rất bực tức khi ông Nicôđêmô cho đem ra các văn kiện và chỉ rõ đoạn văn nói về quyền lợi của người Galilê. Ngoài một vài lý do khác nói đến quyền lợi này, mà tôi quên mất, còn có điều này: các đám người quá Đông quy tụ cùng một lúc và cùng một mục đích trong Đền Thờ thì không thể nào cử hành các nghi thức vào cùng một thời điểm; vả lại, nếu tất cả đều trở về nhà cùng một lúc thì đường phố quá chật chội không thể nào di chuyển được. Mặc dù người Galilê thường không lạm dụng quyền lợi của họ, tuy nhiên ông Nicôđêmô đã đưa ra tài liệu để chứng minh một cách chắc chắn về quyền lợi ấy. Cơn thịnh nộ của người Pharisiêu đối với ông Nicôđêmô lại càng mạnh hơn khi ông kết luận rằng các nghị viên của Đại Công Nghị phải cảm thấy buồn phiền khi bị gọi đến chủ tọa một phiên toà hiển nhiên được thiết lập vì thành kiến, được diễn ra vội vàng và quá hung bạo vào đêm trước ngày lễ trọng; và vì thế những mâu thuẫn trắng trợn của các nhân chứng trước sự hiện diện của họ và trước đám Đông phải là một sỉ nhục lớn lao đối với các nghị viên. Người Pharisiêu giận dữ liếc nhìn ông Nicôđêmô và, với sự xấc xược trơ tráo, chúng vội vàng tiếp tục tra hỏi các nhân chứng. Sau nhiều lúng túng, sai lầm, chứng cớ gian dối, hai nhân chứng bước ra và nói: "Ông Giêsu tuyên bố là ông ấy sẽ tiêu hủy Đền Thờ do tay con người làm ra, và trong ba ngày sẽ xây lại Đền Thờ khác không do tay con người." Nhưng hai người này cũng cãi nhau về lời lẽ của họ. Một người nói: "Ông Giêsu sẽ xây một Đền Thờ mới; do đó ông mừng lễ Vượt Qua mới ở chỗ khác, vì ông sẽ tiêu hủy Đền Thờ cũ." Người kia vặn lại: "Nhà mà ông ta ăn lễ Vượt Qua do tay con người làm ra, do đó ông ta không muốn nói như vậy."

Bấy giờ Caipha thật sự điên tiết, vì sự hành hạ Đức Giêsu, sự mâu thuẫn trong lời chứng, và sự im lặng không thể hiểu của Bị Cáo bắt đầu gây một ấn tượng sâu đậm nơi các người hiện diện, và một số nhân chứng còn bị nhạo cười khinh miệt. Sự im lặng của Đức Giêsu đã thức tỉnh lương tâm nhiều người, và khoảng mười người lính quá xúc động trước sự kiện ấy đã miễn cưỡng rời tòa án. Khi họ đi ngang ông Phêrô và Gioan, họ nói với hai ông: "Sự im lặng của ông Giêsu người Galilê giữa những đối xử đáng hổ thẹn thật thương tâm. Cũng lạ là đất không mở ra mà nuốt chửng những tên hành hạ Người. Nhưng các ông hãy cho chúng tôi biết, chúng tôi phải đi đâu?" Tuy vậy, hai Tông Đồ có lẽ vì không tin mấy người lính này hoặc sợ bị nhận diện là môn đệ Đức Giêsu, nên đã buồn bã trả lời một cách rất tổng quát: "Nếu các ông thấy đó là sự thật thì hãy đi theo sự thật; đừng lo đến các điều khác." Sau đó hai người lính ra khỏi tòa ngoài và vội vã đi về thành phố. Họ gặp một vài người đã hướng dẫn họ đến các hang đá ở bên kia núi Cây Dầu về phía Nam Giêrusalem. Ở đây họ tìm thấy một vài Tông Đồ đang ẩn nấp mà lúc đầu họ lùi bước đề phòng. Nhưng sự sợ hãi của họ tan biến khi nghe tin về Đức Giêsu và biết rằng chính các người lính này cũng bị nguy hiểm. Sau đó không lâu, họ chia tay nhau và tản mát đi nhiều nơi.

Caipha, điên tiết vì cuộc cãi nhau của hai nhân chứng sau cùng, nên hắn đã đứng dậy, đi xuống một vài bậc tiến về Đức Giêsu và nói: "Ngươi không trả lời gì về những lời cáo buộc này sao?" Hắn bực tức khi Đức Giêsu không nhìn hắn. Lúc ấy, tên lý hình nắm tóc Đức Giêsu kéo ngửa đầu ra đằng sau và đấm vào cằm Người. Nhưng ánh mắt Người vẫn nhìn xuống. Caipha giận dữ vung hai tay lên và bằng một giọng đầy phẫn nộ, hắn nói: " Nhân danh Thiên Chúa hằng sống Ta buộc ngươi phải nói cho chúng ta biết có phải ngươi là Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu, Con Thiên Chúa Đáng Được Chúc Tụng Nhất hay không?"

Một sự im lặng nặng nề bao trùm đám Đông đang ồn ào. Đức Giêsu, được Thiên Chúa thêm sức, lên tiếng bằng một giọng uy nghi không thể diễn tả, một giọng làm mọi tâm hồn phải kính sợ, giọng của Ngôi Lời Vĩnh Cửu: "Ta đây! Ngươi nói đúng! Và Ta nói cho ngươi biết, không bao lâu ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu của Thiên Chúa quyền năng, và sẽ từ Trời ngự xuống trong đám mây!"

Khi Đức Giêsu công bố những lời này, tôi thấy Người rực sáng. Các tầng trời mở ra trên Người và, trong một phương cách không thể diễn tả được, tôi nhìn thấy Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng. Tôi thấy các thiên thần và lời cầu nguyện của người công chính từng kêu cầu nài van cho Đức Giêsu. Ngoài ra, tôi thấy Thiên Tính như đang lên tiếng từ Chúa Cha và cùng lúc từ Đức Giêsu: "Nếu Ta có thể chịu đau khổ thì Ta đã làm như vậy, nhưng vì Ta từ bi, Ta đã mặc lấy xác phàm trong Ngôi Vị của Con Ta, để Con Người có thể chịu đau khổ. Ta công bằng chính trực-nhưng kìa! Ngôi Con đang gánh tội của những người này, tội lỗi của toàn thể nhân loại!"

Qua khe hở bên dưới Caipha, tôi thấy vực thẳm của Hỏa Ngục, một khối cầu đầy lửa và khủng khiếp với những hình dạng ghê sợ. Tôi thấy Caipha đứng trên đó, tách biệt với hỏa ngục chỉ qua một lớp mỏng. Tôi thấy hắn ngập tràn thịnh nộ quỷ quái. Giờ đây, cả tòa nhà dường như hòa làm một với vực thẳm Hỏa Ngục ở bên dưới. Khi Đức Chúa long trọng tuyên bố Người là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thì hình như Hỏa Ngục khiếp sợ trước mặt Người, như thể nó dốc toàn lực để chống đối Đức Giêsu qua những người đang quy tụ trong tòa Caipha. Khi tôi thấy những điều này trong các cảnh tượng và hình ảnh, tôi thấy sự tuyệt vọng và tức giận của Hỏa Ngục trong biết bao hình thù khủng khiếp bay đến nhiều nơi trên trái đất. Trong đám ấy, tôi nhớ có thấy các đám hình thù nhỏ và đen đúa như những con chó với bàn chân ngắn và móng dài, nhưng tôi không nhớ chúng tượng trưng cho sự dữ nào. Tôi chỉ nhớ các hình thù. Tôi thấy các bóng đen trông dễ sợ như những bóng ma di chuyển giữa những người hiện diện, hoặc ngồi trên đầu, trên vai nhiều người. Chúng đầy dẫy trong nghị hội, và chúng xúi giục người ta giận dữ và độc ác. Vào lúc đó tôi cũng thấy, từ các ngôi mộ ở bên sườn núi Sion, các hình thù ghê tởm bay lên khỏi mặt đất. Tôi nghĩ đó là ma qủy. Tương tự, trong vùng gần Đền Thờ, tôi thấy chúng bay ra khỏi mặt đất. Một số có vẻ đang bị cầm tù, vì chúng di chuyển chậm chạp với xiềng xích. Bấy giờ tôi không rõ những hình thù này là ma quỷ hay các linh hồn bị giam cầm ở nhiều chỗ trên mặt đất và có lẽ giờ đây đang xuống Luyện Ngục, nơi Đức Chúa sẽ mở cửa cho họ qua cái chết của Người. Không ai có thể diễn tả đầy đủ những điều ấy vì sợ mang tiếng là ngu dốt, nhưng khi được thấy, được cảm nhận những điều này, người ta phải nổi da gà. Giây phút đáng kính sợ. Tôi nghĩ là ông Gioan cũng được thấy một số điều đó, vì sau này tôi nghe ông có đề cập đến điều ấy. Những ai không hoàn toàn từ bỏ ma qủy sẽ cảm thấy sợ hãi mất tinh thần vào giây phút này, nhưng những kẻ ác độc chỉ cảm thấy giận dữ bùng nổ mà thôi.

Caipha, như được Hỏa Ngục khích lệ, liền nắm lấy vạt áo choàng lộng lẫy, lấy dao cứa một đoạn rồi xé toạc ra và la lớn: "Nó phạm thượng! Chúng ta cần gì thêm nhân chứng nữa? Đó, các ông vừa nghe lời phạm thượng, các ông nghĩ sao?" Nghe những lời này, cả công nghị đứng dậy và đồng thanh một cách dễ sợ: "Nó đáng tội chết! Nó đáng tội chết!"

Trong khi hô to, cơn thịnh nộ nham hiểm của Hoả Ngục lại càng đáng sợ hơn nữa. Bọn kẻ thù của Đức Giêsu dường như bị Satan chế ngự, và đồng bọn cùng các đầy tớ xu nịnh cũng vậy. Đây là lúc quyền lực bóng tối rêu rao chiến thắng sự sáng. Một cảm giác ghê sợ bao trùm mọi người có mặt, trong đó vẫn còn vài người giữ được chút tốt lành; họ khép áo choàng, âm thầm lẻn ra ngoài. Những nhân chứng thuộc các giai cấp cao hơn, giờ đây không cần thiết nữa, cũng rời bỏ sảnh đường lương tâm bất ổn. Tuy nhiên, đám đê tiện lại tụ tập chung quanh đôáng lửa ở đằng trước là nơi chúng ăn uống thừa mứa sau khi được trả công cho sự phản bội.

Thượng Tế nói với đám lý hình: "Ta trao tên vua này cho các ngươi. Hãy dành cho tên phạm thượng những vinh dự xứng đáng!" Sau những lời này, cùng với công nghị hắn rút lui vào phòng hình tròn phía sau tòa án, khuất sau tiền đình.

Ông Gioan xúc động sâu xa lúc đó chỉ nghĩ đến Đức Trinh Nữ. Ông sợ tin dữ do các kẻ thù đột ngột tới tai người; bởi thế, đưa mắt nhìn về phía Đức Giêsu, Đấng Thánh trên hết Các Thánh, ông nói: "Thầy ơi, Thầy biết con sẽ đi đâu," rồi ông vội vã từ tòa án ra đi tìm Đức Trinh Nữ như được chính Đức Giêsu sai đi. Ông Phêrô, héo mòn vì lo âu và đau khổ, và vì kiệt quệ, ông cảm thấy ớn lạnh vì sương sớm, ông cố che giấu sự muộn phiền rồi len lén đến gần đám lửa trong "atrium", chung quanh đủ loại người bần tiện đang sưởi ấm. Ông không biết mình đang làm gì, nhưng ông không thể rời bỏ Thầy mình được.