Bài 2: HIỆN TƯỢNG FATIMA, CỘNG SẢN, VÀ HỒI GIÁO

Bài 2: HIỆN TƯỢNG FATIMA, CỘNG SẢN, VÀ HỒI GIÁO

LIÊN MINH THÁNH (HOLY ALLIANCE)

Trước hết tôi xin nói rõ một điều rằng cám ơn quý vị đã theo dõi bài viết này cho đến hàng chữ này. Nội dung của mục trên, phần lớn đều liên quan đến đạo Công giáo, và nếu không phải là giáo dân Công giáo, có lẽ quý vị cũng thấy lạ lẫm và tò mò đọc, và có lẽ vẫn bán tín bán nghi. Riêng phần (b) này lại hoàn toàn mang tính chất lịch sử. Nếu quý vị nghi ngờ ở phần trên, xin quý vị kiên nhẫn ở phần này để hiểu rõ thêm một sự kiện vĩ đại xảy ra vào đầu thế kỷ 20 – hiện tượng Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Và một sự kiện khác, xảy ra vào gần cuối thế kỷ 20, là kết quả của lời tiên báo của Đức Mẹ tại Fatima. Tôi xin giới thiệu 2 cuốn sách để quý vị tham khảo thêm:

  1. A Pope and The President, John Paul II, Ronald Reagan, and the Extraordinary Untold Story of the 20th Century, xuất bản 2017 của Giáo sư Tiến sĩ Paul Kengor.

  2. Revolution 1989, xuất bản 2009 của nhà báo và nhà sử học Victor Sebestyen.

Bây giờ mời quý vị theo dõi hiện tượng Fatima kết thúc ngoạn mục thế nào.

Triết gia Thomas Carlyle nói, “Không có người đàn ông vĩ đại nào sống vô ích. Lịch sử của thế giới chỉ là tiểu sử của những người đàn ông vĩ đại.” Thế kỷ thứ 19, thời đại ông sống, đã sản sinh nhiều nhân vật vĩ đại, và bước sang thế kỷ 20 câu nói này lại rơi đúng trường hợp của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo hòang thứ 264 của Giáo hội La mã và Tổng thống thứ 40 của Hợp chủng quốc Hoa kỳ, Ronald Reagan.

Tiến trình phong thánh cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II kéo dài chưa đến 10 năm (2005-2014) nhờ 2 phép lạ nhãn tiền – sơ Marie Simon Pierre và giáo dân Floribeth Mora Diaz được khỏi bệnh nan y bất ngờ – nhưng hai phép lạ này không thể so sánh với một phép lạ vĩ đại khác khi ngài còn sinh tiền: chiến thắng “đế quốc ma quỷ” và phục hồi tự do cho hàng triệu người bị cầm tù dã man sau Bức Màn Sắt, kể cả những tù nhân lương tâm trên quê hương Ba Lan của Ngài.

Ronald Reagan và Giáo hoàng Gioan Phaolô II là những người cùng thời. Reagan sinh năm 1911, và Giáo hoàng Gioan Phaolô II sinh năm 1920. Cả hai đều lớn lên trong nghèo khổ, không biết nhau, nhưng cuối cùng lại là hai người đàn ông vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Cả hai đều có nụ cười thu phục nhân tâm và nhân cách bất khuất. Cả hai đều ghê tởm chiến tranh hạt nhân. Cả hai đều khinh ghét chủ nghĩa cộng sản và Liên bang Sôviết. Cả hai đều bị ám sát nhưng vẫn sống sót và cả hai đều tha thứ cho kẻ chủ mưu giết họ. Họ cũng là những vận động viên trung học, và cả hai đều là diễn viên trước khi trở thành những nhân vật quan trọng nhất trên diễn đàn thế giới.

Bài giảng trong thánh lễ nhậm chức giáo hoàng ngày 22/10/1978, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rõ cái nhìn dứt khoát của ngài đối với thế giới cộng sản, đặc biệt Liên bang Sôviết: “Đừng sợ! Hãy mở cửa cho Đức Giêsu, hãy mở toang cửa ra! Mở rộng biên giới các quốc gia, hệ thống kinh tế và chính trị, lãnh vực bao la của văn hoá, văn minh và phát triển – hãy mở ra cho sức mạnh cứu độ của Ngài.” (tất cả các nước cộng sản dùng chính sách đóng cửa, “bế môn tỏa cảng,” bưng bít người dân; chú thích của người viết.) Hai chữ “Đừng sợ!” như một thôi thúc, khuyến khích, cổ võ và sau này trở thành một khẩu hiệu nổi tiếng của ngài. Còn Ronald Reagan thì tất nhiên, ông chống chủ nghĩa cộng sản từ lúc chưa làm nên sự nghiệp. Đầu thập niên 60, Reagan từ bỏ điện ảnh, nhảy vào lãnh vực chính trị vì ông không thể ngồi nhìn chủ nghĩa cộng sản bành trướng khắp năm châu. Reagan thẳng thắn chỉ trích chính sách đối ngoại của Hoa kỳ dưới thời TT Richard Nixon and Gerald Ford. Theo ông, chính sách mềm dẻo này chỉ làm lợi cho cộng sản, giúp Sôviết càng siết chặt vòng kim cô quanh cổ những người dân thuộc khối Đông Âu. Tháng 3/1975, trước khi mãn nhiệm kỳ hai của thống đốc tiểu bang California, ông nói với các cử tri, “Chế độ cộng sản toàn trị là kẻ thù tuyệt đối của tự do con người.” Hai tháng sau, ông gọi cộng sản là “ma quỷ,” “tồi bại,” “một căn bệnh.” Ông nói thêm, “Nhân loại đã thoát được nhiều căn bệnh quái dị và những cơn dịch kinh hoàng, liệu có thoát được nạn dịch cộng sản hay không?” Reagan kết luận, “Chủ nghĩa cộng sản không phải là một hệ thống kinh tế hay chính trị – đó chỉ là một loại điên rồ thời đại.” Lập trường vững chắc và quan niệm đối kháng với chủ nghĩa cộng sản của Reagan một lần nữa được thể hiện trong cuộc vận động bầu cử 1980. Trên chuyến bay từ Los Angeles đến Detroit, nơi đảng Cộng hòa sẽ đề cử Reagan đại diện đảng ứng cử chức vụ tổng thống, Stuart Spencer – giám đốc ban vận động bầu cử – thắc mắc, “Ông ra tranh cử làm gì? Ron, tại sao ông muốn làm tổng thống?” Reagan trả lời ngay, không do dự, “Để chấm dứt Chiến tranh Lạnh.” Spencer ngạc nhiên hỏi gặng, “Ông làm cách nào?” Reagan điềm tĩnh, “Tôi chưa biết, nhưng chắc chắn phải có cách. Thời điểm đã chín mùi.”

Nhậm chức cách nhau hơn 2 năm, nhưng ngay từ đầu cả hai đồng ý rằng chủ nghĩa cộng sản là một mối đe dọa nhân quyền và sự ổn định toàn cầu, và cần phải đối diện dứt khoát một lần. Gioan Phaolô II và Reagan rõ ràng ghê tởm chế độ vô thần và liên kết để loại trừ chủ nghĩa cộng sản, nhưng mục tiêu chính của họ có đôi chút khác nhau; Đức Giáo hoàng mong muốn thổi luồng gió dân chủ vào quê hương Ba Lan, còn Reagan biết rõ sự rã rệu từ bên trong của Liên sô và ông sẽ tung cú đấm nốc-ao, hạ đo ván con gấu Siberia. Cùng nhau, Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Tổng thống Reagan đã đánh bại kẻ thù khủng khiếp nhất đối với tự do và phẩm giá con người.

Reagan nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/1981. Tiền nhiệm của ông, Tổng thống (TT) Jimmy Carter, một người hiền lành và đạo đức. Với mục đích hòa hoãn với các nước Đông Âu nằm trong quỹ đạo Sôviết, ông giao du và ca tụng những lãnh tụ độc tài như János Kádár của Hungary, Edward Gierek của Ba Lan, và Marshal Tito của Nam tư, Nicolae Ceaucescu của Romania. Thật ra TT Carter không đủ bản lãnh để đối thoại với những lãnh tụ cộng sản vô thần, chỉ vì ông quá hiền lành, luôn nghĩ bụng người cũng giống bụng mình. Ông cổ võ hòa bình thế giới nên sẵn lòng bắt tay với Fidel Castro, Ferdinand Marcos, tướng Pakistan Zia ul-Haq, Kim Il Sung, là những kẻ độc tài khác. Trong 4 năm ông ở Nhà Trắng, cộng sản và hồi giáo lộng hành, thao túng trường quốc tế, lung lạc và lôi kéo Hoa kỳ dễ dàng như người làm xiếc. Tất cả chỉ vì chính sách quá mềm yếu của TT Carter. Ngay cả chuyện Liên sô đánh chiếm Afghanistan vào ngày lễ Noel 1979 đã làm TT Carter sững sờ, vì trước đó không lâu, tại cuộc họp thượng đỉnh Geneva ông và Brezhnev gần như ôm nhau hôn thắm thiết. Brezhnev, hay nói đúng hơn, Liên sô biết khai thác điểm yếu của TT Carter và nội các của ông. Mẫu người như TT Carter nên ở trong một dòng tu thì đúng hơn. Chính trị không phải là sở trường của ông. Steven F. Hayward – một học giả – nhận định rằng Carter là tổng thống tệ nhất (worst ex-president) trong lịch sử của Hoa kỳ.

Hoa kỳ hoàn toàn bị lép vế trong suốt nhiệm kỳ của TT Carter từ 1976-1980. Trong thời gian này, vào cuối năm 1978, bên trời Âu, Vatican buồn bã một màu tang chế. Giáo hội Công giáo để tang hai vị Giáo hoàng cách nhau vỏn vẹn chỉ có 33 ngày: Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô I. Hồng y Albino Luciani được chọn kế vị Giáo hoàng Phaolô VI với danh hiệu Gioan Phaolô. Hầu như vị giáo hoàng này biết trước số phận của mình. Trong thời gian tại chức Giáo hoàng, ngài nói với Hồng y Jean Villot, “Phaolô (vị Giáo hoàng tiền nhiệm) đã chọn người kế vị rồi. Đó là người ngồi ngay trước mặt tôi trong nhà nguyện Sistine.” Hồng y Villot nhớ lại lúc ngồi trong nhà nguyện Sistine để bầu ngôi Giáo hoàng và biết ngay đó là Hồng y Wojtyła, gốc Slavic Ba Lan. Ngài nói tiếp, “Wojtyła sẽ là Giáo hoàng vì tôi sẽ ra đi.” Đúng như lời tiên đoán, ngài ra đi trong giấc ngủ vì cơn động tim. Và lời tiên đoán nữa cũng trở thành sự thật, Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng vào ngày 16/10/1978 với danh hiệu Gioan Phaolô II, và khẩu hiệu “Totus Tuus”, nghĩa là “Tất cả cho Mẹ”. Vị Giáo hoàng mới 58 tuổi, gốc Slavic đầu tiên được bầu làm giáo hoàng, trẻ nhất trong hơn một thế kỷ của Vatican.

Brezhnev, Tổng bí thư (TBT) Sôviết, khó chịu khi nghe tin này. Ngay sau khi áp đặt chủ nghĩa vô thần trên đất Ba Lan, Liên sô luôn tìm cách triệt hạ Giáo hội Công giáo bằng mọi cách. Theo thống kê của KGB (cơ quan mật vụ Nga) năm 1982, 90% dân số Ba Lan là tín đồ công giáo với 26 nghìn linh mục, và hàng năm thanh niên thanh nữ trí thức gia nhập dòng tu để trở thành linh mục ngày càng đông. Trải qua 3 đời TBT – Stalin, Khrushchev, và Brezhnev – Ba Lan là mục tiêu hàng đầu tiêu diệt tôn giáo của Liên sô. Hình như sức mạnh tôn giáo giúp giáo dân Ba Lan vượt thoát được nỗi sợ hãi của đe dọa, trấn áp, bắt bớ, và tù đày, thậm chí cái chết. Riêng Hồng y Wojtyła, mật vụ Ba Lan – con cờ của KGB – suýt truy tố ngài vì 3 bài giảng “phản động”, đặc biệt vào những ngày 5/5/1973, 12/5/1973, và 24/11/1974 vi phạm Khoản 194 Bộ luật Hình sự của nhà nước cộng sản. Bởi vậy, khi nghe tin Hồng y Wojtyła nhậm chức Giáo hoàng, cả hai cơ quan mật vụ của Ba Lan và KGB đều cảm thấy bất an như tảng đá nghìn cân đè nặng lên vai.

Giáo hoàng Gioan Phaolô II là người thực hiện nhiều chuyến thăm viếng nhất trong các triều đại giáo hoàng, gồm 129 nước với hơn 1.1 triệu km trong gần 27 năm. Vào tháng 6/1979, Giáo hoàng Gioan Phaolô II quyết định trở về Ba Lan. Từ lúc ra đi vào tháng 10/1978 đến Vatican để bầu ngôi giáo hoàng, sau gần 8 tháng, lần đầu tiên ngài trở về quê hương.

Báo chí phương Tây trấn an về chuyến đi của Giáo hoàng Gioan Phaolô II rằng một mình vị giáo hoàng không đủ gây ảnh hưởng trên một đất nước vốn nằm trong quỹ đạo của Sôviết lâu năm. Tờ New York Times, phát hành ngày 5 tháng 6, 1979 nhận định rằng, “chuyến trở về quê hương của Giáo hoàng sẽ làm hồi sinh và khích lệ Giáo hội Công giáo Rôma tại Ba Lan rất nhiều nhưng lại không đe dọa trật tự chính trị của quốc gia này, kể cả khối Đông Âu, (The Polish Pope in Poland).” Các ký giả tầm cỡ của các tờ báo lớn trên thế giới tin chắc rằng giáo hoàng không thể về nước ngang nhiên kêu gọi lật đổ chính quyền, cho dù đó là chính quyền cộng sản vô thần đối nghịch với Vatican đi chăng nữa. Đúng, một tu sĩ không thể làm chính trị. Chiếc áo chùng thâm không thể vấy bạo lực. Nhưng George Weigel, một học giả về chính trị và xã hội, lại có một nhận định sắc bén khác hẳn, “…chuyến trở về của Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã châm ngòi một cuộc cách mạng lương tâm ở Đông-Trung Âu và giúp khai sinh phong trào Đoàn kết chỉ 14 tháng sau đó, đồng thời ngầm thúc đẩy những cuộc đối kháng dân sự tương tự bùng nổ trong khối Đông-Âu.”

Khoảng 13 triệu con dân Ba Lan nườm nượp kéo ra đường để đón tiếp người con trở về. Trong 9 ngày công du, Đức Gioan Phaolô II gửi ra nhiều thông điệp về phẩm giá con người, về nhân bản, về văn minh nhân loại… tất cả đều dựa trên Thánh kinh, “chìa khóa để hiểu được thực tế lớn lao và căn bản đó chính là con người. Vì con người không thể hiểu đầy đủ nếu không có Đức Kitô. Hay đúng hơn, con người không có khả năng tự hiểu mình một cách trọn vẹn nếu không có Đức Kitô. Con người không thể hiểu mình là ai, cũng chẳng hiểu phẩm giá thực sự của mình là gì, cũng không hiểu ơn gọi của chính mình thế nào, và cũng chẳng hiểu chung cuộc của cuộc đời ra sao. Con người không hiểu những điều đó nếu không có Đức Kitô.” Ngày Chủ nhật cuối cùng, Đức Gioan Phaolô II cử hành thánh lễ tại Krakow, thu hút 2-3 triệu người tham dự thánh lễ. Lần đầu tiên ở Ba Lan, một thánh lễ ngoài trời có nhiều giáo dân tham dự đến thế. Ngài lớn tiếng kêu gọi tự do cho giáo dân Công giáo trên quê hương, và giáo hội phải giữ một vai trò vững chắc để xây dựng tương lai cho Ba Lan. Giới trẻ – một biển người – cầm thánh giá gỗ đưa lên cao và đồng thanh la lớn, “Chúng tôi cần Thiên Chúa! Chúng tôi cần Thiên Chúa!”

Nhà cầm quyền Sôviết theo dõi cuộc hành trình 9 ngày của Đức Gioan Phaolô II và cảm thấy lo ngại thật sự. Bao nhiêu năm nhồi sọ và tẩy não về chủ thuyết vô thần, thế mà chỉ trong một vài ngày, giới trẻ Ba Lan bỗng dưng đổi chiều đặt hết niềm tin vào Thiên Chúa. Bộ trưởng Ngoại giao Andrei Gromyko lo lắng với nhận xét, “ông giáo hoàng này có ảnh hưởng trên quần chúng giống như đạo trưởng Ayatollah Khomeini với tín đồ Hồi tại Iran.” TBT đảng cộng sản Ukraine, Vladimir Shcherbitsky khẳng định, “phải đẩy mạnh tuyên truyền với phong cách mới lạ và mạnh mẽ nhằm cổ võ chủ nghĩa vô thần tại Liên Xô và các nước xã hội xã hội chủ nghĩa anh em.”

Việc đẩy mạnh tuyên truyền chỉ là thứ yếu. Đảng cộng sản vô thần Liên sô tính toán một nước cờ khác táo bạo hơn, hiểm độc hơn, và có thể làm thay đổi cục diện của cuộc chiến sống mái giữa cái Thiện và cái Ác, giữa hữu thần và vô thần, giữa duy tâm và duy vật.

Người ta bảo, trong cái rủi lại có cái may. Sư may mắn lớn lao liên quan đến vận mệnh của thế giới bắt đầu từ cái rủi. Sự rủi ro nghiêm trọng bắt đầu vào ngày 30 tháng 3, 1981, TT Reagan vừa đọc diễn văn xong, và ra khỏi Trung tâm Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ (AFL-CIO) thì bị bắn. Sự kiện xảy ra ngay trước khách sạn Washington Hilton, chỉ cách Nhà Trắng chừng một dặm rưỡi. Viên đạn .22 (5.6mm) bình thường đã nguy hiểm, nhưng loại đạn này được nhồi thêm chất độc hại, chì và thuốc nổ, mang tên .22 Devastator vì khi va chạm viên đạn sẽ nổ tung thành từng mảnh. Sáu viên bắn đi với khoảng cách 3 mét nên dễ trúng mục tiêu, và thực tế 4 viên đã bắn trúng vào 4 người là Phát ngôn viên Nhà Trắng James Brady, nhân viên mật vụ Timothy McCarthy, viên cảnh sát Thomas Delahanty, và TT Reagan. May mắn chỉ một viên đạn Devastator nổ tung trong đầu của Brady, còn 3 viên kia thì không. May mắn nữa là viên đạn bắn vào cánh cửa rồi mới đâm qua nách (khi TT đưa tay vẫy) xuyên thủng lá phổi của TT Reagan, chỉ cách quả tim vài centimét, và nằm kẹt trong lồng ngực. Theo nhận xét của bác sĩ giải phẫu Benjamin Aaron, nếu viên đạn đi lệch một chút trúng tim thì không cách gì cứu chữa được, và TT Reagan có thể chết trên đường chở đến bệnh viện. Sinh và tử chỉ cách nhau vài centimét là thế.

John Hinckley Jr., tên sát nhân mắc bệnh tâm thần, si mê và ám ảnh cô đào Jodie Foster, nảy ra ý tưởng điên rồ bắn vị tổng thống thứ 40 của Hoa kỳ để được cô để mắt đến.

Một ý tưởng điên rồ khác, xảy ra hơn 6 tuần sau đó, vào buổi chiều ngày thứ Ba 13 tháng 5, 1981, (đúng ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima 64 năm trước, 1917) khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II đứng trên xe chạy quanh Quảng trường Thánh Phêrô để gặp gỡ dân chúng. Và Ngài cũng bị bắn.

Con chim bồ câu ngậm cành ôliu ngã gục trong tay linh mục thư ký Stanislaw Dziwisz, nét mặt đau đớn. Ngài chỉ thều thào, “Maria, Mẹ của con! Maria, Mẹ của con!” rồi ngất lịm. Máu loang áo chùng trắng. Bốn viên đạn bắn ra từ nòng súng 9-mm Browning ở một khoảng cách khá gần do tay sát thủ người Thổ, Mehmet Ali Agca, 2 trúng vào bụng, 1 vào cánh tay phải, và 1 vào ngón tay trỏ trái. Lúc đó vào khoảng 5:19 chiều.

Francesco Crucitti, bác sĩ giải phẫu trưởng bệnh viện Gemilli nằm cách Vatican 7km, tiến hành cuộc giải phẩu gần 6 tiếng để gắp viên đạn ra. Theo ông, viên đạn suýt cắt đứt động mạch ở bụng vị giáo hoàng, chỉ cách 3mm. Nếu động mạch bị đứt, vị giáo hoàng chắc chắn sẽ chết trên đường chở đến bệnh viện, vì mất máu. Giáo hoàng Gioan Phaolô II thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Cuộc điều tra của chính quyền Ý tiết lộ, đầu tháng 2/1979 Mehmet Ali Agca đã thụ án sát nhân tại Thổ-nhĩ-kỳ vì bắn chết Abdi Ipekci, chủ bút tờ báo cấp tiến Milliyet. Vì lời khai nhùng nhằng nên mãi đến tháng 10/1979 tòa án Thổ mới quyết định mở phiên tòa để tuyên án. Vụ án đang kéo dài thì Agca trốn thoát vào tháng 11/1979. Hắn cải trang là lính giữ tù nên qua mặt hệ thống an ninh tối đa của nhà tù Kartal-Maltepe. Trong hơn 1 năm, Ali rong chơi nhiều nơi như Iran, Bulgaria (một nước cộng sản Đông Âu, thuộc khối Sôviết), Thụy sĩ, Đức, và Tunisia. Gia đình Agca nghèo, thế ai cung cấp tiền để Agca du lịch như một công tử nhà giàu? Agca đến Rôma vào đầu tháng 5/1981 gặp đồng bọn gồm 3 người, Oral Çelik, người Thổ, và 2 người Bulgaria để tiến hành kế hoạch mưu sát. Oral Çelik có nhiệm vụ bắn cản đường và cho nổ bom gây rối loạn để Ali tẩu thoát đến tòa đại sứ Bulgaria. Khi cuộc mưu sát không thành (ngay cả bom cũng không nổ), Oral đào thoát khỏi hiện trường và biến mất không để lại một dấu vết. Kế hoạch mưu sát nằm dưới sự điều động của Trung tá Zilo Vassilev, một tùy viên quân sự tại Ý. Agca khai Bekir Celenk, tay mafia người Thổ, ra giá 1.2 triệu Mark để ám sát Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Bekir có liên hệ chặt chẽ với cơ quan mật vụ Bulgaria, cơ quan này lại là bản sao của cơ quan mật vụ Sô viết KGB. Vì lời khai của Ali bất nhất nên khi ra tòa, 4 công dân Thổ và 3 Bulgaria đều được tha bổng vì không đủ bằng cớ, riêng Oral Çelik thì bị xử khiếm diện.

Nhưng William J. Casey, giám đốc CIA dưới thời TT Reagan lại có đủ bằng cớ để nối các mắt xích lại với nhau, từ Ali đến cơ quan mật vụ Bulgaria, và cuối cùng là Sôviết. The Time of the Assassins, là công trình điều tra tỉ mỉ trong nhiều năm của nữ ký giả Claire Sterling xuất bản năm 1984, và bà thẳng thắn kết luận, “Mehmet Ali Agca không hành động một mình.” Casey xem xét những sự kiện trông có vẻ rời rạc nhưng dưới lăng kính điệp báo ông cảm thấy chúng có liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, ngay sau khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát, Casey âm thầm mở cuộc điều tra. Vì đang lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh, công cuộc điều tra được giữ kín, và chỉ vài nhân vật cao cấp CIA được biết. Tháng 5/1985, bốn năm sau ngày Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị bắn, Casey đã xác nhận riêng với TT Reagan rằng chính cục tình báo trung ương Liên sô (GRU), một cơ quan tương tự như CIA, đã đạo diễn cuộc mưu sát.

GRU tức giận nên sắp xếp cuộc mưu sát là điều dễ hiểu. Ngay từ khi Hồng y Karol Wojtyła nhậm chức giáo hoàng, Liên sô đã không ngủ yên. Lần trở về quê hương vào tháng 6/1979, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bơm thêm sức mạnh cho dân Ba Lan, đặc biệt đám công nhân tại xưởng đóng tàu Lenin Shipyard, tại Gdansk do Lech Walesa cầm đầu. Ngày 16/8/1980, 14 tháng sau chuyến viếng thăm lần đầu của Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Walesa kêu gọi đình công để đòi hỏi quyền lợi và toàn thể công nhân hưởng ứng. Sau nhiều ngày thương thuyết, đảng cộng sản Ba Lan cuối cùng phải đáp ứng yêu cầu của công nhân và cho phép lập một công đoàn lấy tên Đoàn kết nhằm bảo vệ quyền lợi của các công nhân. Một điều không thể nào xảy ra trong đế quốc Sôviết.

Đây không phải là cuộc đình công đầu tiên của giới lao động xảy ra trong thế giới cộng sản. Năm 1953 xảy ra cuộc đình công bãi thị tại Đông Đức, và Liên Sô gửi 16 sư đoàn đàn áp và đè bẹp cuộc nổi dậy của đám công nhân. Năm 1956 tại Hung-gia-lợi, đảng viên cộng sản cấp tiến Imre Nagy chủ trương bãi bỏ độc đảng và hầu như được cả nước ủng hộ, Sôviết điều động quân đội và xe tăng nghiền nát ý muốn cải tổ. Năm 1968 tại Tiệp khắc, dân chúng cũng nổi dậy đòi hỏi cải cách. Hơn 200 nghìn quân đội Sôviết và các nước Đông Âu, với 5000 xe tăng đàn áp và nhanh chóng tiêu diệt cuộc nổi dậy. Đây là cuộc đàn áp dã man nhất trong thời Chiến tranh Lạnh. Cũng năm 1956 tại Ba Lan, hơn 100 nghìn công nhân diễu hành đòi hỏi cải tiến môi trường làm việc. Lập tức, Liên sô gửi 400 xe tăng và 10 nghìn binh lính tràn sang biên giới, dập tắt ngay cuộc biểu tình. Bàn tay nham nhúa của Liên sô vung ra tua tủa, xen sâu vào nội bộ của từng nước Đông Âu, và nhất là không chấp nhận bất cứ một phản kháng nào. Chủ thuyết Brezhnev bắt buộc các lãnh đạo phải báo cáo từng chi tiết về Moscow, nhất là diễn tiến của mỗi biến động xảy ra, và vai trò của ban cố vấn Liên sô – đại diện cho Brezhnev ngay tại địa phương – rất quan yếu và ảnh hưởng đến mọi quyết định liên quan đến chính trị, kinh tế, và ngay cả văn hóa. Thế mà họ để vuột mất Công đoàn Đoàn kết.

Là nhờ Walesa kêu gọi đình công bãi thị đúng thời điểm thuận lợi do tình hình trong nước và do ảnh hưởng quốc tế, và nó thành công. Chủ thuyết Brezhnev bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Đây là một thắng lợi quá lớn lao và tuyệt vời của giới công nhân tại Ba Lan, vì lập công đoàn riêng là một điều không thể nào chấp nhận trong thế giới cộng sản, là điểm tối kỵ của học thuyết Mác-Lênin, như gót chân của Archilles. Đó là một “dị giáo” ly khai trong “giáo hội” Lênin.

Giáo hoàng Vatican, thủ lãnh một tôn giáo với gần 800 triệu tín đồ (1980), lại thêm Walesa thành lập Công đoàn Đoàn kết… tất cả như đổ dầu vào lửa đối với bộ chính trị Sôviết. Đối với Liên sô, chính Giáo hoàng với uy thế tại Vatican đã làm cho Ba Lan ngày càng loạn, vượt ra khỏi quỹ đạo của khối Sôviết. Vì thế, kế hoạch loại trừ Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Lech Walesa cần phải được thi hành càng sớm càng tốt.

Vào ngày 19/1/1981, một ngày trước khi TT Reagan tuyên thệ nhậm chức, Walesa có mặt tại Rôma để gặp Giáo hoàng Gioan Phaolô. Cơ quan mật vụ Bulgaria hứa trả cho một tay sát thủ số tiền 300 nghìn để thủ tiêu Walesa. Theo kế hoạch, tay sát thủ sẽ đặt chiếc xách tay chứa bom, được điều khiển bằng vô tuyến, ngay bãi đậu xe của khách sạn nơi Walesa đang trú. Hắn đợi thời cơ, chờ Walesa ra bãi đậu xe là bấm nút cho bom nổ. Walesa hoàn toàn không hay biết gì nguy hiểm đang theo sát một bên. Ông may mắn thoát chết vì phút cuối kế hoạch bị bãi bỏ do có người ngầm báo cho cảnh sát Ý biết để bảo vệ và đề phòng. Tay sát thủ đó không ai khác chính là Mehmet Ali Agca. Cuộc điều tra của nhà chức trách Ý và ngay chính Ali sau khi bị bắt đã xác nhận cuộc ám sát hụt này.

Hụt lần đó, nhưng 4 tháng sau Ali lại thành công vào buổi chiều ngày 13/5/1981 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Thế nhưng, như Walesa thoát chết vì kế hoạch thủ tiêu bị bãi bỏ, vị Giáo hoàng lại sống sót vì viên đạn đi lệch động mạch vài ly. Đó là điều Liên sô không thể ngờ.

Và người ta cũng không ngờ là hai vị thủ lãnh – một lãnh đạo tinh thần, một lãnh đạo khối tự do – đều sống sót trong đường tơ kẽ tóc qua cuộc mưu sát và ám sát. Cả hai đều tin tưởng có một cái gì đó huyền bí linh thiêng, nâng đỡ để họ sống sót nếu không nói là phép lạ. Sứ thần Tòa thánh tại Washington, Hồng y Pio Laghi thổ lộ, “một người bạn thân của TT Reagan nói với tôi là tổng thống có lần thốt lên, ‘Hãy nhìn quyền lực ma qủy cản đường chúng tôi và xem Chúa Quan Phòng đã can thiệp thế nào.’” Riêng Giáo hoàng Gioan Phaolô sau khi bình phục cũng phải nhìn nhận, “Bàn tay bắn viên đạn nhưng một bàn tay khác đẩy lệch sang bên.” Cả hai nhận ra một quyền lực thiêng liêng đã gìn giữ họ thoát chết trong gang tấc.

Chính tai nạn này đã khiến họ xích lại gần với nhau, và cùng nhau thực hiện một việc gần như đội đá vá trời: lật đổ thế giới vô thần cộng sản, đứng đầu là Liên bang Sôviết.

Carl Bernstein – một nhà báo chuyên điều tra – đăng một bài báo trên tạp chí Time ngày 24/2/1992, với nhan đề: “Holy Alliance: How Reagan and the Pope conspired? Liên Minh Thánh: Reagan và Giáo hoàng hợp lực thế nào?Bernstein điểm lại diễn tiến của sự kiện lạ lùng của hai nhân vật đặc biệt nhất trong hậu bán thế kỷ 20. Cái bắt tay thân thiện giữa TT Reagan và Giáo hoàng Gioan Phaolô II là khởi sự cho một kết thúc của chế độ vô thần.

Sự khởi sự bắt đầu bằng cuộc họp riêng tại thư viện Vatican giữa hai thủ lãnh vào ngày 7 tháng 6 năm 1982, kéo dài 50 phút. Sau bao nhiêu thơ từ qua lại, sau nhiều lần chuyện trò qua điện thoại, cuối cùng Reagan và Giáo hoàng Gioan Phaolô II mặt đối mặt nhân chuyến công du Âu châu dài 11 ngày của Tổng thống Hoa kỳ. Không thông dịch, không thư ký, không trợ lý, chỉ mỗi 2 người trong thư viện vắng tanh. Trong một phòng khác, Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Haig và Cố vấn An ninh William Clark chuyện trò với Hồng y Agostino Casaroli, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, và Tổng giám mục Achille Silvestrini. Cả hai bàn qua việc Do-thái xâm chiếm Lebanon rồi chú trọng vào vấn đề Ba Lan và sự thống trị Đông Âu của Sôviết. Cả hai thủ lãnh đều tin tưởng rằng nếu Ba Lan được tự do, trở thành một nước không cộng sản, theo Bernstein, “là con dao đâm thẳng vào tim đế quốc Sôviết.” Và không riêng Ba Lan, các nước Đông Âu sẽ đi theo con đường dân chủ. Chính Công đoàn Đoàn kết là hạt giống của tự do, sẽ là một nhân tố cho các nước trong khối Đông Âu vùng dậy. Rời cuộc họp, cả hai đồng ý phải nuôi dưỡng Công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan bằng mọi giá.

Công đoàn Đoàn kết từ ngày thành lập (16/8/1980) phải trải qua nhiều cam go thử thách khủng khiếp để đứng vững. Công đoàn đã có hơn 8 triệu đoàn viên, đông gấp đôi số đảng viên cộng sản Ba Lan. Bộ chính trị Sôviết truất phế Kania vì cho rằng ông quá mềm yếu đối với Công đoàn Đoàn kết và đưa tướng Wojciech Jaruzelski lên cai trị với bàn tay sắt. Ngày 13/12/1981, Jaruzelski ban hành thiết quân luật và bắt giữ 6 nghìn công nhân, riêng những người lãnh đạo công đoàn bị giam giữ đặc biệt; Walesa bị bắt ngay từ sáng sớm. Hơn 2 nghìn cảnh sát (ZOMO) được huấn luyện để tiến hành công tác đặc biệt này. Báo Time nhận định, “Ba Lan hưởng tự do mới hơn một năm thì bị chấm dứt bi đát bằng bạo lực, đổ máu và đàn áp dã man.” Nhà cầm quyền Ba Lan cấm đình công, và đàn áp thẳng tay bất cứ một sự phản kháng nào. Mọi liên lạc với thế giới bên ngoài bị cắt đứt. Ba Lan tự cô lập hoàn toàn. Lập tức, chính quyền Reagan áp đặt lệnh cấm vận, đẩy nền kinh tế Ba Lan vốn kiệt quệ đi vào ngõ cụt. Lệnh trừng phạt kéo dài mãi đến năm 1987, khi đảng cộng sản Ba Lan cam kết mở cuộc đối thoại với Giáo hội. Nhưng trong 8 năm, 1981-1989, Công đoàn Đoàn kết vất vả chịu đựng những đòn thép của đảng cộng sản Ba Lan. Quyết không lùi bước trước bạo lực, Công đoàn Đoàn kết vẫn cố gắng tiến bước trên con đường tranh đấu cho tự do bằng cách co rút vào hoạt động ngầm, và điều quan trọng nhất Công đoàn vẫn là chỗ dựa tinh thần cho giới công nhân.

Chính quyết định giữ vững Công đoàn của TT Reagan là nguồn trợ lực dồi dào và giúp cho tổ chức này đứng thẳng, và tiến lên mạnh mẽ trở lại. Máy in, máy đánh chữ, máy truyền tin, giấy bút, sách vở trộn lẫn với hàng hóa trợ giúp nhân đạo như thực phẩm, thuốc men vận chuyển khéo léo vào Ba Lan từ những công ty ma tại Bahamas và Panama, qua ngã Thụy điển với danh nghĩa của Giáo hội Công giáo. Ban đêm, từ các căn hầm, máy in hoạt động không ngừng để in những tin tức quan trọng, những tờ truyền đơn để phân phát cho công nhân vào ngày hôm sau. Những tin tức về thế giới bên ngoài, đặc biệt giới công nhân biết được sự hổ trợ mạnh mẽ của Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã giúp Công đoàn Đoàn kết giữ vững tinh thần trên con đường tranh đấu cho tự do.

Song song với việc truyền sinh khí cho Công đoàn Đoàn kết, TT Reagan đề ra 5 điểm làm suy kiệt nền kinh tế Sôviết nhằm tạo ra một sự cải cách bắt buộc từ bên trong đế quốc Sôviết.

  1. Gia tăng ngân sách quốc phòng, với chủ tâm lôi kéo Sôviết vào cuộc chạy đua võ trang, nhất là hệ thống lá chắn phòng thủ chiến lược SDI (Strategic Defense Initiative) của TT Reagan, gọi tắt là Star Wars (Chiến tranh Các Vì Sao). Đây là chiến thuật vô cùng lợi hại và sắc bén của TT Reagan,

  2. Hổ trợ bí mật các phong trào tranh đấu tại các nước Đông Âu,

  3. Tài trợ cho các quốc gia thuộc Minh ước Warsaw tùy theo mức độ xiển dương nhân quyền và cải cách chính trị cũng như thị trường tự do,

  4. Cô lập kinh tế Liên bang Sôviết bằng cách từ chối đường ống dẫn khí đốt dài 3600 dặm từ Siberia sang các nước Tây Âu, ngăn chặn những kỹ thuật cao không cho vào Moscow.

  5. Gia tăng việc dùng đài Phát Thanh Tự Do, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, đài Âu Châu Tự Do để loan tải các thông điệp của chính quyền Hoa Kỳ đến dân chúng thuộc khối Đông Âu.

Ngay trong 4 năm đầu tiên tại Nhà Trắng, TT Reagan đã cho phép chế tạo và trải dàn 700 đầu đạn nguyên tử mới. Theo David Stockman, giám đốc điều hành ngân sách, quốc phòng đã chi tiêu 1,46 ngàn tỉ vào các phát minh vũ khí hiện đại. Chi phí này bằng ngân sách quốc phòng chi tiêu trong các thời tổng thống Nixon, Ford, và Carter cọng lại, kể cả hai cuộc chiến tranh Triều tiên và Việt nam. Đây là cái bẫy dụ Sôviết vào cuộc chạy đua vũ trang. Tình hình kinh tế của Sôviết vốn đã èo uột vì phải cung cấp tiền bạc và vũ khí cho các nước nằm trong quỹ đạo của khối cộng sản để phát động đấu tranh, nay phải dồn tiền vào ngân sách quốc phòng để theo kịp Hoa kỳ. Điều này làm nền kinh tế của Sôviết ngày càng kiệt quệ hơn.

Nhưng điều làm bộ chính trị Sôviết nhức đầu là hệ thống phòng thủ không gian, một sáng kiến của TT Reagan mà các nhà khoa học Mỹ đồng ý phát triển. Lý thuyết của hệ thống phòng thủ rất đơn giản, một khi hoả tiễn của đối phương bắn đi, lập tức hệ thống phòng thủ phát hiện, xác định tọa độ, đường bay, và dùng tia la-de bắn hạ ngay lúc vừa bay ra khỏi hạ tầng khí quyền. TT Reagan muốn các nhà khoa học tại California nghiên cứu, tìm tòi, và phát minh cho bằng được hệ thống lá chắn SDI. TT Reagan tin chắc rằng, một khi Hoa kỳ thành công SDI, ông có thể đàm phán với Liên sô để tiêu hủy toàn bộ số hỏa tiễn hủy diệt tầm xa, nhất là loại hỏa tiễn SS-20, để nhân loại thoát khỏi nỗi sợ hãi về hậu quả tàn khốc của cuộc chiến hạt nhân. Đó là cách mưu tìm hòa bình trong sức mạnh.

Một điểm đặc thù của nội các TT Reagan gồm toàn giáo dân Công giáo đạo đức như Giám đốc Cơ Quan Tình Báo William Casey, Cố vấn An ninh Richard Allen và William Clark, Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Haig, Đại sứ lưu động Vernon Walters và William Wilson. Ông William Wilson là đại sứ đầu tiên của TT Reagan bên cạnh Tòa Thánh Vatican. Tất cả những người này xem mối liên hệ ngoại giao giữa Washington-Vatican là một Liên Minh Thánh: gồm sức mạnh tinh thần của Giáo hoàng Gioan Phaolô II và những giáo huấn của giáo hội kết hợp với tính cương quyết chống chủ nghĩa cộng sản và xiển dương khái niệm dân chủ của Hoa Kỳ. Bởi vậy, Sứ thần Tòa thánh tại Washington, Hồng y Laghi dễ dàng tiếp xúc với nội các của TT Reagan, và họ cùng bàn luận thật tương đắc về tình hình Ba Lan, về hiện tình của khối Đông Âu.

Sứ thần Laghi làm nhiệm vụ con thoi, trao đổi tin tức giữa Vatican và Washington. Ngài gặp gỡ TT Reagan ít nhất 6 lần. Mỗi khi vào Tòa Bạch Ốc để gặp Tổng thống hay ông Clark, Khâm Sứ Laghi đều đi vào cổng ở phía Tây Nam để tránh sự dòm ngó của các ký giả. Hồng y Laghi nói: ”Tuy giữ được mối liên hệ mật thiết như vậy, nhưng tôi không hề vượt qua giới hạn. Vai trò chính của tôi là dàn xếp các cuộc gặp gỡ giữa ông đại sứ Walters và Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha biết rõ dân tộc của Ngài. Phải nói là tình hình rất phức tạp – làm sao vẫn đòi hỏi nhân quyền, đòi hỏi tự do tôn giáo và vẫn giữ cho Công đoàn Đoàn kết sống còn mà không khích động nhà cầm quyền cộng sản hơn nữa. Tôi nói với ông Walters rằng, ‘Hãy nghe Đức Thánh Cha, chúng tôi đã có 2000 năm kinh nghiệm về những chuyện như vậy.’” Liên minh tuyệt hảo giữa đời và đạo, với đầu óc nhạy bén về tình báo của ông Casey, cùng với TT Reagan soạn thảo “Divine Plan, Kế hoạch Tuyệt diệu,” và kế hoạch này dẫn đến sự diệt vong của chủ nghĩa vô thần.

Tuy Công đoàn Đoàn kết bị khống chế hoạt động nhưng các linh mục, người chạy thư, các nhà tổ chức lao động và các điệp viên tình báo lén lút ra vào Ba Lan với yêu cầu trợ giúp và cung cấp những chi tiết hữu ích về tình hình của chính phủ và những hoạt động ngầm của Công đoàn. Chính quyền Reagan chuyển thực phẩm, quần áo và tiền bạc để trả tiền phạt cho các nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn Kết bị tòa án Ba Lan tuyên phạt. Bên trong Ba Lan, một mạng lưới các linh mục mang tin và chuyển tin qua lại giữa các nhà thờ, nơi ẩn náu của nhiều nhà lãnh đạo Đoàn Kết.

Chuyến thăm viếng lần thứ 2 của Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào tháng 6/1983 trong giai đoạn gay cấn của thiết quân luật. Ngài trở về và mang đến hy vọng cho đất nước đã suy kiệt, đặc biệt cấy thêm sinh khí cho Công đoàn Đoàn kết. Trong thánh lễ với cả triệu người tham dự tại Krakow, ngài nói về “những bất công khủng khiếp của lịch sử” và khi ngài khẳng định dân Ba Lan được “mời gọi để chiến thắng” thì giáo dân hiểu ý ngài muốn nói gì.

Trong hơn 4 năm, từ 1981-1985, Liên minh Thánh hoạt động không ngừng, Công đoàn Đoàn kết vẫn là cái gai gây nhức nhối cho Sôviết, và kết quả của “Divine Plan” hiện dần dần rõ nét như nội các của TT Reagan mong đợi. Nhưng mục đích tối hậu là lật đổ chủ nghĩa cộng sản sẽ phải kéo dài lâu hơn nếu không có một nhân vật quan trọng khác xuất hiện trên diễn đàn quốc tế đúng vào thời điểm đế quốc ma quỷ kiệt quệ đến mức tận cùng.

Đó là Mikhail Gorbachev, Tân Tổng bí thư của Liên bang Sôviết.

Trong suốt 5 năm tại Nhà Trắng của TT Reagan, Liên Sô bị khủng-hoảng nội-bộ: Thủ tướng Kosygin lủng củng với Tổng bí thư (TBT) Brezhnev từ lâu, và phải từ-chức vào năm 1980 vì lý do sức khỏe và chết sau đó 2 tháng. Đến lượt Brezhnev bệnh nặng rồi chết vào tháng 11/1982. Đây là cái chết đầu tiên, bắt đầu một loạt chết liên tiếp không ai ngờ. Andropov lên thay rồi chết vào tháng 2/1984. Chernencho, một ông già lắm bệnh tật – đến nỗi một trợ lý đối ngoại so sánh như một “xác ướp biết đi” – nắm quyền được 13 tháng rồi cũng chết vào tháng 3/1985. Các Tổng bí thư Sôviết thay phiên nhau chết khiến TT Reagan phải than, “Họ cứ tiếp tục chết vì tôi; They keep dying on me.”

Thật sự Gorbachev không thể nắm quyền nếu không có sự hổ trợ đặc biệt của Andrei Gromyko, Bộ trưởng Ngoại giao kỳ cựu Sôviết. Gorbachev lọt vào bộ chính trị ở tuổi 50 là nhờ tài ăn nói, lý luận, và đặc biệt được Andropov, trùm mật vụ KGB, đỡ đầu. Lúc Andropov nắm chức TBT, con đường hoạn lộ của Gorbachev lại càng thăng tiến nhanh hơn bao giờ và tên tuổi của ông ngày càng sáng giá. Khi Chernencho gần chết, ban tham mưu gồm 18 người (toàn là giới bảo thủ lớn lên từ thời cách mạng tháng 10, tuổi đã trên 70), bàn bạc chọn người thay. Gorbachev trẻ nhất, chỉ mới 54 tuổi, cũng tham gia việc tuyển chọn.

Trước khi chết, Chernencho gửi gắm và chọn người kế vị là Viktor Grishin, 71 tuổi. Nhưng trùm KGB Chebrikov lại khinh ghét chỉ vì Grishin dính dáng đến Lavrenti Beria, một trùm mật vụ nổi tiếng khác giết hàng triệu người như ngóe theo lệnh của Stalin qua các cuộc thanh trừng đẫm máu. Sự dính dáng đó là hai gia đình Grishin và Beria có liên hệ sui gia. Phần lớn các ông già nắm quyền hành ở bộ chính trị bây giờ đều sống sót sau nhiều đợt thanh trừng dã man của Stalin. Bạn bè, đồng chí kém may mắn đều bị Beria thủ tiêu không thương xót. Bởi thế, những gì dính dáng đến Beria hầu như ai cũng tránh né chỉ vì tên trùm mật vụ này tượng trưng cho cơn ác mộng kinh hoàng nhất trong lịch sử Sôviết. Lúc Chernencho còn sống không ai dám đụng đến Grishin, nhưng bây giờ thời cơ đã chuyển hướng, nhiều đảng viên bảo thủ thẳng thắn chống Grishin.

Chỉ còn lại Andrei Gromyko, bộ trưởng ngoại giao kỳ cựu Sôviết, là người sáng giá nhất đối với dân trong nước và trên trường quốc tế nhưng ông hoàn toàn không muốn chức Tổng bí thư. Tuy vậy, ông lại đề cử một đảng viên trẻ tuổi nhất, “Gorbachev có nụ cười tươi, nhưng này các đồng chí, Mikhail lại có hàm răng sắt.” Thủ tướng Nikolai Tikhonov không đồng ý chọn Gorbachev nhưng Nikolai Ryzhkov – Thủ tướng tương lai dưới thời Gorbachev – giải thích, “Nếu chọn các đồng chí lớn tuổi, chừng vài ba năm chúng ta lại họp để chọn người kế vị.” Đúng ra đa số các đảng viên thuộc Trung ương đảng đều mến mộ Gorbachev và muốn ông thay đổi bộ mặt của Bộ chính trị, kể cả guồng máy cồng kềnh chậm chạp của nhà nước Sôviết. Anatoli Chernyaev – đảng viên cộng sản cấp tiến – một trong nhiều đảng viên muốn một cuộc cải cách lớn lao trong hệ thống chính trị nặng nề Sôviết, ghi lại trong hồi ký, “Ai ai cũng mong đợi Gorbachev lên nắm quyền từ sau ngày Andropov chết. Thời Brezhnev, nhà nước đã không ra gì. Còn thời Chernenko thì đúng là một trò hề.”

Ngày hôm sau (11/3/1985), trước sự hiện diện của khoảng nghìn đảng viên, Gromyko trân trọng giới thiệu Tân Tổng bí thư Mikhail Gorbachev. Hầu hết các đảng viên dưới 70 tuổi đều thở phào với nụ cười hớn hở. Mọi người đứng dậy chúc mừng và tiếng vỗ tay hầu như không ngớt nổ dòn cả đại sảnh.

Thật là điều kỳ diệu khi Mikhail Gorbachev ngoi lên và nắm giữ quyền lực cao nhất của Liên bang Sôviết ở lứa tuổi mới ngoài 50, và chung quanh ông gồm đa số đảng viên bảo thủ, già nua, cáu kỉnh, dối trá, ưa nịnh cấp trên và thích được nịnh. Họ có miệng trên khuôn mặt đăm đăm nhưng dùng để nịnh hót cấp trên chứ chưa hề vén môi nở một nụ cười. Chỉ riêng Gorbachev là thường nở nụ cười với các đồng chí. Có lẽ Gorbachev là cán bộ duy nhất tại điện Cẩm Linh có nét mặt vui và nụ cười tươi. Thật ra, những người tri thức và có khả năng sáng tạo không hề được hoan nghênh kết nạp vào tầng lớp của quyền lực tuyệt đối; họ bị loại trừ khỏi guồng máy vốn chỉ ưu đãi những kẻ chuyên a dua nịnh hót với khả năng tầm thường. Mikhail Gorbachev may mắn hơn, được trùm mật vụ KGB Andropov đỡ đầu và kéo ra từ vùng Stravropol xa xôi hẻo lánh, nơi ông làm bí thư đảng bộ với 3 triệu dân. Yuri Andropov khoe với các đồng chí trong bộ chính trị là Gorbachev như viên ngọc quý trong đống bùn. Và một điều mỉa mai là sự nghiệp cách mạng của viên ngọc quý Gorbachev cũng khởi sự bằng sự nịnh hót. Thưa đúng, Gorbachev khởi nghiệp bằng sự bợ đỡ đến xấu hổ nhưng theo ông, “Những năm ấy, ai mà không ‘nâng bi’ Breznhev thì đừng hòng tiến thân.”

Mikhail Gorbachev sinh ngày 2/3/1931 trong một gia đình trộn lẫn niềm tin. Ông ngoại Gopkolo đặt hết niềm tin vào đảng cộng sản, và là chủ tịch hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên tại vùng thảo nguyên trù phú Kuban. Cùng năm đó, Stalin ra lệnh tịch thu ruộng và bắt buộc nông dân vào hợp tác xã. Chính nó đã gây ra nạn đói và giết hại cả triệu người quanh vùng nhưng vẫn không lay chuyển được lòng tin vào đảng của Gopkolo. Tuy hết lòng tận tụy với đảng, trong cuộc Đại Thanh trừng (1937) của Stalin, ông ngoại Gopkolo bị mật vụ bắt đi trong đêm vì tội “phản động xét lại.” Ông bị cầm tù và bị hành hạ dã man suốt 14 tháng. Mãi đến năm 1941, khi quân Đức tấn công Nga, ông mới được tha về. Ông nội Andrei lại hoàn toàn khác hẳn. Andrei là người mộ đạo, không ưa cộng sản, vì chống đối chính sách hợp tác xã và bị đày đến Siberia lao động khổ sai (một trại cải tạo không cần hàng rào vì là sa mạc tuyết mênh mông, nhiệt độ hầu như dưới zero quanh năm, tù ở đây thường chết đói và chết lạnh, khó sống sót trở về; chú thích của người viết). Riêng bà nội và bà ngoại, cũng như bà mẹ, lại là tín hữu Chính thống giáo thuần thành. Chính người mẹ, Maria, theo lời yêu cầu của hai người bà đã lén lút bồng Gorbachev đến nhờ một linh mục rửa tội cho con. Theo Archie Brown – giáo sư ĐH Oxford, người chuyên nghiên cứu về Gorbachev – đây là hành động hết sức liều lĩnh, có thể mất mạng vì Stalin đã cấm ngặt tất cả mọi nghi thức tôn giáo. Một nhà báo Nga, nghiên cứu và viết tiểu sử Gorbachev, kể lại chính vị linh mục rửa tội đã đặt tên cho thằng bé là Mikhail. Và Mikhail chính là Mi-ca-e, một trong 4 vị Tổng lãnh Thiên thần theo tín lý của Công giáo và Chính thống giáo. Đồng thời, Thánh Mi-ca-e cũng là quan thầy của nước Nga từ thế kỷ 14. Ngôi thánh đường Thánh Mi-ca-e nguy nga đã bị Lênin tịch thu làm kho chứa nông phẩm ngay từ thuở đầu cuộc cách mạng. Sau bao nhiêu năm, không ai muốn nhớ đến tên vị thánh bổn mạng nữa. Có lẽ vị linh mục đã linh cảm được một cái gì đó nên mới chọn tên Mikhail cho đứa bé.

Tuy đại gia đình trộn lẫn niềm tin, ông ngoại Gopkolo không hề phản đối hoặc chê bai đức tin của người vợ. Gorbachev sau này thú nhận, “Ông ngoại tôi tôn trọng đạo của bà tôi. Cho dù vào thời điểm đó, nhà nước đàn áp tôn giáo dữ dội nhưng ông ngoại chưa hề tỏ thái độ khinh dể đức tin của bà tôi.” Ông thêm, “Một phần nhờ cách đối xử của ông ngoại, tôi tin và nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, cho dù có sự khác biệt về màu da, niềm tin, và trình độ.” Có lẽ vì thế mà lúc giữ quyền lực cao nhất của 145 triệu dân, Gorbachev muốn thay đổi cái nhìn về nhân phẩm, và vận mệnh của nước Nga do đó cũng thay đổi theo.

Ngay từ nhỏ, Gorbachev học hành sáng dạ và có tài lý luận. Ông được đảng bộ địa phương gửi đến Moscow để học luật. Đây là trường luật nổi tiếng và là ước mơ được theo học của bao nhiêu thanh niên thanh nữ trong khối cộng sản để trở thành nhà lý luận sắc bén của chủ nghĩa Mác-Lê. Sau khi tốt nghiệp, Gorbachev quay trở về quê quán vùng Stravropol hẻo lánh bắt đầu sự nghiệp chính trị. Trước sau, Gorbachev là một nhà mácxít chân chính, hoàn toàn đặt hết niềm tin vào học thuyết cộng sản, mặc dù hai người ông đều là nạn nhân của chế độ. Tháng 2/1956, niềm tin của ông bị lung lay sau khi nghe bài “diễn văn bí mật” của Nikita Khrushchev, tố cáo tội ác tầy trời của Stalin đối với các đồng chí và dân chúng Nga. Đối với ông, thần tượng Stalin chỉ đứng sau thượng đế. Lần đầu tiên, ông mường tượng một áng mây đen trong bầu trời chủ nghĩa cộng sản.

Ngoài sức trai trẻ năng động, và đầy năng lực, Gorbachev còn nổi tiếng là một cán bộ trong sạch trong guồng máy nhà nước vốn đầy dẫy ăn bẩn và hối lộ. Cứ thế, con thuyền sự nghiệp của Gorbachev thuận buồm xuôi gió và ông leo dần lên chức bí thư năm 1967. Ở chức vụ này, Gorbachev biết chiều chuộng và tìm mọi cách chiêu đãi làm vui lòng các cán bộ từ trung ương về vùng thảo nguyên Kuban nghỉ mát. Đặc biệt 2 người, Yuri Andropov (trùm mật vụ KGB) and Mikhail Suslov (Đệ nhị Bí thư đảng Cộng sản Sôviết) rất mến mộ tài năng của ông và tìm cách đưa Gorbachev về làm việc tại trung ương.

Như trong bất cứ một chế độ độc tài nào, nịnh bợ là một nhân tố quan trọng trong hệ thống nhà nước cộng sản. Nịnh bợ như một đòn bẩy dùng để tiến thân. Thời phong kiến, triều đình không thiếu nịnh thần, và đặc biệt trong những nước cộng sản cũng không hề thiếu những văn nô, văn thi chuyên sáng tác những bài viết và thơ phú để ca tụng lãnh tụ. Và bước ngoặt cuộc đời chính trị của Gorbachev chính là bài viết nịnh bợ (đến ngượng đỏ cả mặt) cuốn sách “Đất Nhỏ, Little Land” do các văn nô viết theo lệnh của Brezhnev. Một cuốn sách nghèo nàn về nội dung, toàn sáo ngữ của Brezhnev tạo ra để tự ca ngợi chính mình, cổ võ sùng bái cá nhân, thế mà Gorbachev lại múa bút một cách tài tình, “Khối lượng công việc hàng ngày của ông nhằm củng cố sức mạnh của đất nước, nâng cao phúc lợi cho đời sống công nhân, tăng cường hòa bình và an ninh giữa các nước… trên các trang giấy trong cuốn ‘Đất Nhỏ’ tuyệt vời của đồng chí Brezhnev… những anh hùng huyền thoại của cuộc chiến ở vùng Bắc Caucasus được miêu tả bằng những dòng chữ mạ vàng… Số trang của ‘Đất Nhỏ’ không nhiều, nhưng với chiều sâu thăm thẳm của nội dung ý thức hệ, và theo chiều rộng mênh mang của quan điểm tác giả, nó đã trở thành một sự kiện lớn trong đời sống quần chúng. Nó đã tạo được tiếng vang nồng ấm trong trái tim nhân dân Sôviết… Những người cộng sản và tất cả mọi công nhân tại Stavropol đều vô cùng biết ơn Leonid Ilyich Brezhnev qua tác phẩm văn học mang nặng tinh thần Đảng này…” Andropov giới thiệu bài viết “nâng bi” cho TBT Brezhnev, và chỉ cần 6 tháng sau, Gorbachev được triệu về Moscow để giữ những công việc quan trọng của điện Cẩm Linh. Chẳng biết sau này khi Gorbachev đọc lại bài viết mang nặng tính văn nô có ngượng với chính mình không? Nhưng vào thời điểm đó, bài viết như đôi hia bảy dặm giúp ông chỉ cần một bước từ vùng Stravropol hẻo lánh cách xa Moscow hàng nghìn cây số thênh thang đặt chân vào chốn cung đình của quyền lực tuyệt đối.

Lúc đó là cuối năm 1978. Chẳng bao lâu, Gorbachev được thăng chức Bộ trưởng Nông nghiệp Sôviết, sau cái chết đột ngột của Fyodor Kulakov, một thủ lãnh cung đình nhiều quyền lực và cũng là người đỡ đầu của Gorbachev. Và chỉ cần 7 năm sau, Gorbachev đứng sừng sững ở ngôi vị cao nhất của điện Cẩm Linh, của thế giới cộng sản gồm Liên bang Sôviết và các nước chư hầu chiếm 1.5 tỷ người (hơn 1/3 dân số) trên hành tinh mang tên trái đất.

Nắm chức Tổng bí thư Sôviết với số tuổi chưa đến 60 là một điều hy hữu, và để chuẩn bị cho con đường sự nghiệp, Gorbachev đã bắt tay được một số đồng chí cùng chí hướng như: Anatoli Gromyko (con của Andrei Gromyko), Alexander Yakovlev, cựu đại sứ Liên sô tại Canada, và bổ nhiệm Eduard Shevardnadze làm Bộ trưởng Ngoại giao. Tất cả đều muốn thay đổi bộ máy cồng kềnh lạc hậu của nhà nước, luôn cả cung cách làm việc của đám cán bộ quan liêu lười biếng, ăn bám, thiếu sáng tạo và nhất là thay đổi bộ mặt của đảng để các nước thuộc khối tự do nhìn thấy một Liên bang Sôviết hòa hoãn hơn, biết yêu chuộng hòa bình.

Gorbachev lên nắm quyền với quá nhiều lỗi lầm của những kẻ tiền nhiệm. Tệ nạn xã hội cũng là một gánh nặng. Chiến dịch đầu tiên, ông quyết tâm bài trừ là bệnh ghiền rượu. Thật sự rượu là một tệ nạn xã hội đã có từ thế kỷ trước như Pushin, Dostoyevsky và Tolstoy thường nói đến trong các tác phẩm nổi tiếng của họ và đến cuối thế kỷ thì ghiền rượu trở thành một căn bệnh hầu như không còn thuốc chữa. Trước khi khối Sôviết tan rã, thống kê cho thấy có khoảng 40 triệu người ghiền volka trên 270 triệu dân. Bệnh ghiền rượu chiếm 15%, gần gấp đôi so với các nước Tây phương. Gorbachev tăng giá vodka gấp 3 lần và chỉ thị giảm sức sản xuất bia và rượu vang xuống gần ¾. Khi Vladimir Dementsev, Bộ trưởng Tài chánh, lên tiếng cảnh báo ngân sách sẽ thiếu hụt 15 tỉ rúp trong vòng 5 năm tới vì mức tiêu thụ rượu giảm, ông nói, “…không lẽ ông muốn tôi xây dựng chủ nghĩa cộng sản bằng vodka?”

Một điểm quan trọng nữa, Gorbachev nhận thấy là chi phí quốc phòng của Sôviết chiếm 40% ngân sách quốc gia. Một khi nền kinh tế đang đâm đầu xuống dốc không phanh thì đây là sự phí phạm khủng khiếp tài nguyên quốc gia. Trong khi đó, Hoa kỳ lại giương bẫy chạy đua vũ trang nên Liên bang Sôviết ngày thêm kiệt quệ. Đầu thập niên 1980, Thống chế Nikolai Ogarkov, người đứng đầu Bộ Tổng Tham mưu Sôviết, đã lên tiếng rằng chi phí quốc phòng có quá nhiều phí phạm, hiệu quả yếu kém, chỉ biết chạy theo số lượng trong khi phẩm chất tồi tệ và quá nhiều dự án gây lãng phí trầm trọng. Ông nói rằng cứ mù quáng đuổi theo Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang chính là “tự sát.” Đã túng lại càng mau khánh kiệt vì Liên sô còn phải tài trợ cho các nước chư hầu, nhất là các nước Đông Âu nên nền kinh tế như lửa gặp rơm càng mau cháy rụi. Chỉ riêng chi phí vào cuộc chiến và duy trì thể chế xã hội chủ nghĩa tại Afghan đã ngốn một khoản tiền khá lớn trong ngân sách quốc gia.

Lập tức, Gorbachev báo cho các nước chư hầu Liên sô sẽ cắt giảm các khoản tiền viện trợ. Các lãnh tụ Honecker (Đông Đức), Zhivkov (Bulgaria), Husák (Tiệp), Ceauescu (Romania), Kádár (Hung) và Jaruzelski (Ba Lan) được triệu về Moscow gặp TBT Gorbachev. Ông nói thẳng, “…các ông phải nhận lấy trách nhiệm lo cho dân nước các ông.” Gorbachev nói thêm Sôviết sắp có những thay đổi lớn lao về kinh tế và sự trao đổi hàng hóa giữa các nước trong khối Sôviết phải cân bằng, hai bên phải có lợi đồng đều. Điều đó có nghĩa là Nga sẽ không chịu thiệt thòi như trước đây, vì sự sai biệt thường biếu không cho các nước chư hầu. Nếu ngưng viện trợ, các nhà kinh tế điện Cẩm Linh phỏng đoán Liên sô sẽ tiết kiệm được khoảng 30 tỉ đô la hàng năm. Một con số chi tiêu không nhỏ so với một nền kinh tế đang trì trệ, với chi phí quốc phòng đã chiếm 40% tổng sản lượng quốc gia. Thời Brezhnev, bộ chính trị Liên sô siết gọng kềm với các nước chư hầu. Nhất cử nhất động đều phải báo cho mẫu quốc để xin chỉ thị. Nếu không nghe lời, Brezhnev sẵn sàng gửi quân đội và xe tăng đến tận nơi để dạy dỗ, và dẹp loạn. Nhưng nếu ngoan ngoãn, Liên sô sẽ viện trợ hàng năm. Chính Gorbachev là người khai tử chủ thuyết Brezhnev. Móng vuốt con gấu vùng Siberia đã nới lỏng, để các nước chư hầu tự do lo lấy bản thân. Hậu quả là khi không còn nhận viện trợ, các nước chư hầu dần dần thoát khỏi quỹ đạo của Sôviết. Ba Lan lợi dụng tình huống thả lỏng của Gorbachev, không còn lệ thuộc vào Liên sô, đã tổ chức bầu cử và tuyên bố thiết lập nền dân chủ tự do.

Một cục xương mắc nơi yết hầu của Liên sô từ năm 1980 là cuộc chiến tại Afghanistan. Sôviết xua quân chiếm Afghan vào cuối năm 1979, và tiếp tục đổ tiền vào để xây dựng nền móng xã hội chủ nghĩa. Đã có lúc 100 nghìn lính Nga tràn ngập Afghan để giữ an ninh cho làng mạc và thành phố, nhất là thủ đô Kabul. Gần 8 nghìn nhân mạng đã chết trong cuộc chiến chỉ mới 5 năm. Theo thống kê của hai Tiến sĩ Anton Minkov và Gregory Smolynec thuộc Học viện Quốc phòng Canada thì lúc Gorbachev nắm quyền (1985) Sôviết đã chi một khoản tiền 1.88 tỉ rúp. Suốt cuộc chiến kéo dài 10 năm, tổn phí lên đến 9 tỉ rúp. Trong khi cả nước đói meo vì khan hiếm thực phẩm, tiền đổ vào để duy trì chủ nghĩa cộng sản tại vùng rừng núi và sa mạc thì quả thật lãng phí.

Các nhà quân sự ví cuộc chiến Afghan của Liên sô như cuộc chiến Việt nam của Hoa kỳ. Thánh chiến quân (Mujahideen) dùng đồi núi hiểm trở để chiến đấu chống lại quân Liên sô như chiến thuật du kích của cộng sản bắc việt dùng trong chiến tranh Việt nam. Nếu Hoa kỳ nhường Việt nam lại cho Tàu sau khi bắt tay được với Mao (VN như món quà cho cuộc ‘lương duyên’ giữa Tàu & Mỹ; chú thích của người viết) để chống Liên sô thì Nga lại không thể nào thắng được tại mặt trận Afghan. Gorbachev giao cho tướng Anatoli Zaitsev, một trong những vị tướng tài ba nhất Bộ Tư lệnh Liên sô, một trọng trách tuyệt mật là phái ông đến Kabul để tìm ra đáp số trung thực nhất cho bài toán: Liệu Liên Xô có thể thắng cuộc chiến Afghanistan không? Tướng Zaitsev trở về với câu trả lời, “Không thể thắng.” Cuộc chiến dai dẳng như cục gân gà của Tào Tháo thuở nào. Nhả thì tiếc nhưng nuốt không trôi. Cuối cùng, Gorbachev quyết định nhả (1985).

Moscow bổ nhiệm bác sĩ Najibullah Ahmadzai làm Tổng thống Afghan năm 1986, thay thế Babrak Karmal là một ông già nát rượu, suốt ngày say xỉn. Gorbachev ký hiệp ước Genève đồng ý rút hết quân vào ngày 15/2/1989. Vào những tháng cuối cùng, TT Najibullah chạy chọt riêng đến Bộ trưởng Ngoại giao Shevardnadze và trùm mật vụ KGB Kryuchkov xin hoãn việc rút quân. Najibullah nói thêm, nếu rút quân thì xin tiếp tục oanh tạc vùng đồi núi để cầm chân quân Mujahideen. Najibullah biết rất rõ thực lực của quân đội Afghan, nếu không có lính Nga hậu thuẫn, thánh chiến quân sẽ chiếm trọn thủ đô trong vài ngày. Gorbachev nổi giận khi nghe Shevardnadze và Kryuchkov khuyên giúp TT Najibullah thả bom để cầm chân thánh chiến quân. Ông kiên quyết phải rút toàn bộ quân đội về nước để cứu lấy nền kinh tế Sôviết trước, còn Afghan chỉ là lỗi lầm của những vị tiền nhiệm.

Tưởng nhớ vài tháng trước ngày 30/4/1975, TT Thiệu cũng xin Hoa kỳ viện trợ súng đạn để giữ miền Nam. Hoa kỳ nhẫn tâm quay lưng, và chỉ cần vài tháng sau đó, quân bắc việt tràn ngập thủ đô Sàigòn. Âu cũng là một bài học cho các nước nhược tiểu, nếu chỉ biết cậy nhờ vào các nước lớn, một ngày nào đó vì quyền lợi riêng tư, họ sẽ bỏ rơi không thương tiếc. Số phận của Najibullah lại không may mắn, ông bị thánh chiến quân Taliban treo cổ và bêu xác giữa phố xá, ngay tại thủ đô Kabul.

Hai tháng sau khi nhậm chức, Gorbachev đưa ra 2 biện pháp để cứu nguy nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Sôviết. Đó là Perestroika (tái cấu trúc) và Glasnost (cởi mở).

Cần nói rõ mục đích của Perestroika và Glasnost. Khi xiển dương chính sách “Tái cấu trúc” và “Cởi mở”, TBT Gorbachev không hề có ý định xóa bỏ đảng cộng sản, nhưng trái lại, ông muốn cứu Sôviết bằng cách làm cho nó tinh tuyền theo đúng nghĩa nguyên thủy của chủ thuyết cộng sản. Gorbachev vẫn tin tưởng vào đường lối cộng sản đề ra của Lênin, và chê trách Stalin đã áp dụng sai, đi lệch đường. Đây cũng là ảo tưởng mãnh liệt của rất nhiều người cộng sản chân chính. Họ tin rằng họ sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản nếu áp dụng chính sách và đường lối theo đúng kinh điển.

Với “Tái cấu trúc,” ông áp dụng một loạt các biện pháp năng động, khuyến khích các xí nghiệp đưa thêm sáng kiến, và đưa ra một số thay đổi nhỏ về kinh tế về cách phân phối hàng hóa trong nước cho hiệu quả hơn. Nhưng điều ông làm mất lòng một số quan chức cung đình là sa thải hàng loạt những cán bộ thân cận được Brezhnev che chở qua nhiều năm nhưng thực tế cho thấy họ chỉ biết ngồi tiêu xài và chẳng làm lợi gì cho nền kinh tế đất nước. Ông cho phép mật vụ KGB tấn công vào hệ thống quyền thế của những đám lãnh đạo tham nhũng tại các nước cộng hòa Trung Á. Gorbachev chỉ trích tệ nạn quan liêu cửa quyền trong hàng ngũ Đảng ở Ukraine và các vùng khác. Ông vẫn chủ trương trung ương tập quyền, duy trì độc đảng, nhưng lại cho phép người dân được chọn cán bộ vào một số chức vụ nhất định.

Với “Cởi mở,” đồng nghĩa với “công khai hóa.” Gorbachev kêu gọi sự minh bạch trong guồng máy nhà nước. Ông muốn dân chúng biết những hoạt động của nhà nước, càng biết rõ càng tốt. Thực tế là ông giảm thiểu vai trò kiểm duyệt truyền thông của nhà nước, đồng nghĩa với vai trò của báo chí tăng triển, cho phép tự do ngôn luận, cải thiện nhân quyền. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của Alexander Solzhenitsyn – nhà văn Nga bị lưu đày vì chống Stalin – được in và phát hành với số lượng khổng lồ vì quá nhiều dân Nga thèm khát đọc. Tác phẩm Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak được in lại và cũng được dân chúng nồng nhiệt đón nhận. Glasnost còn phép báo chí có quyền theo dõi và chỉ trích việc làm của chính quyền Sôviết. Gorbachev nói thẳng với giới báo chí rằng họ tự do viết, nhưng phải viết đúng sự thật. Ông khuyên nên tự do phơi bày nạn tham nhũng ở cấp cao, kể cả những thất bại của guồng máy nhà nước, và nên tìm hiểu về một số sai lầm kinh hoàng trong lịch sử Sôviết. Nhờ đó mà hồ sơ tội ác tày trời của Stalin gồm những trại gulags giam giữ tù nhân rùng rợn, những cuộc thanh trừng giết hàng triệu người… được bạch hóa và người dân thấy được mặt trái của một chế độ dã man được che dấu và bưng bít qua nhiều thập niên. Báo chí tiếp tục phanh phui những chung cư chật hẹp chen chúc đông người, điều kiện vệ sinh thiếu thốn, chứng nghiện rượu, hút sách, ô nhiễm không khí, những xí nghiệp quá lỗi thời, kể cả guồng máy nhà nước quan liêu, chậm chạp. Dân chúng càng sững sờ khi biết mức sống ở Hoa kỳ và các nước Tây Âu cao thế nào, và người dân tại những nước này hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ tiện nghi ra sao, cao gấp mấy lần mức sống tại Liên sô. Dân chúng giờ đây thấy cả một quá trình dài gần 70 năm xây dựng chủ nghĩa thất bại, và rất nhiều người dân thất vọng, mất niềm tin vào chủ thuyết cộng sản, và dần dần vỡ mộng về một hệ thống cồng kềnh và hủ lậu của nhà nước Sôviết.

Ngày 26/4/1986, lò nguyên tử Chernobyl tại Ukraine phát nổ vào lúc 1 giờ 30 sáng. Nguyên nhân do hệ thống bơm nước làm nguội lõi của lò phản ứng xây từ năm 1950 hư hỏng. Thêm một nguyên nhân nữa là nhân viên bảo trì lò hạt nhân không được huấn luyện kỹ càng. Hơn 300 gram chất đốt hạt nhân trong 1.661 thỏi thép nén đã bị nung nóng quá độ. Áp suất tăng cao độ khiến lò phát nổ và phóng ra ít nhất 5% lõi hạt nhân vào bầu khí quyển. Lượng phóng xạ thải vào không khí ước đoán mạnh gấp 10 lần quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima. Khoảng 4 giây sau, thêm lò phản ứng số 4 phát nổ gây ra một cột lửa khổng lồ cao 1200m chứa đầy các hạt than chì phóng xạ. Máy đo phóng xạ Geiger lại nằm trong kho, không có sẵn tại hiện trường nên mức độ phóng xạ tác hại bao nhiêu cũng chỉ phỏng đoán. Đội cứu hỏa địa phương ập đến lại không có dụng cụ thích ứng để dập tắt lửa và khống chế chất phóng xạ. Nhìn chung, qua tai nạn chết người này mới thấy hệ thống điều hành và cách giải quyết của nhà nước Sôviết tệ hại đến chừng nào.

Với bản chất dối trá cố hữu, bộ chính trị Sôviết muốn ém nhẹm vụ nổ vì sợ mất mặt đối với quốc tế. Sự dối trá bắt đầu từ ban giám đốc điều hành lò hạt nhân Chernobyl. Họ báo về trung ương là vụ nổ đã được khống chế với một vài thiệt hại nhỏ. Viktor Bryukhanov, được bổ nhiệm chức giám đốc nhà máy điện hạt nhân lúc mới 35 tuổi, là kỹ sư nhưng không phải là kỹ sư điện hạt nhân. Ông ra lệnh cắt đứt mọi đường dây điện thoại quanh vùng Chernobyl, quyết không cho tin tức vụ nổ lọt ra ngoài. Quyết định của Nguyên soái Sergei Akhromeyev, Tham mưu trưởng quân đội, cấm không cho dân chúng di tản sợ gây hoang mang. Bụi phóng xạ bay đầy trời thế mà nhà nước vẫn cứ tìm cách che dấu một tai nạn chết người khủng khiếp. Dân chúng ở thị trấn Pripyat gồm 45.000 người, nằm cách Chernobyl chỉ 3 cây số, vẫn sống thản nhiên, vẫn sinh hoạt bình thường, ngay cả hôm đó vẫn có 16 cặp làm đám cưới.

TBT Gorbachev gửi ngay một ủy ban do Thủ tướng Ryzkhov dẫn đầu đến tận nơi để điều tra và gửi báo cáo về điện Cẩm Linh. Họ đến nơi vào chiều thứ bảy. Mãi đến gần trưa ngày hôm sau, tức là gần 1 ngày rưỡi từ khi chất phóng xạ bắn vào không khí, chính quyền địa phương mới quyết định di tản toàn bộ dân chúng ra khỏi thị trấn Pripyat. Đến lúc đó thì đã quá trễ. Gần một ngày rưỡi bụi phóng xạ thấm vào da. Hơn một ngày hít thở chất phóng xạ. Một ngày mùa xuân kinh hoàng đó đeo đuổi dân chúng vùng Chernobyl mãi mấy mươi năm sau với các chứng bệnh ung thư, hoại huyết, và chứng tuyến giáp trạng do nhiễm độc phóng xạ. Một nguyên tắc bất di bất dịch mà những người chưa hề sống dưới chế độ cộng sản cần phải biết là: sinh mạng con người dưới chế độ cộng sản chẳng là gì, miễn giữ cho bộ mặt của đảng và nhà nước đầy son phấn là được.

Khi bụi phóng xạ bay đầy trời Ba Lan, vùng Baltic và Scandinavia nhà nước Sôviết vẫn bình thản. Ngay cả lúc phòng thí nghiệm năng lượng Studsvik trên bờ biển Baltic thuộc Thụy Điển, và nhà máy điện nguyên tử Forsmark lên tiếng báo động mức độ phóng xạ cao hơn 150 lần bình thường nhà nước cộng sản vẫn giữ im lặng. Họ không thông báo cho chính phủ các nước đang bị nhiễm xạ, cũng chẳng nói gì với dân chúng tại Ukraine, Nga và Belarus. Họ cũng chẳng thông báo cho các đồng chí trong “khối thịnh vượng chung xã hội chủ nghĩa”. Sự thật là, 4 ngày sau vụ nổ, một báo cáo mật gửi về Kremlin cho biết 1.882 người đang được điều trị tại bệnh viện, và 204 người (trong số có 64 trẻ em) đang nguy kịch vì nhiễm độc phóng xạ nồng độ cao. Mãi đến khi Thụy Điển xác định chất phóng xạ phải xuất phát từ Liên sô, nhà nước mới lên tiếng thừa nhận một cách yếu ớt.

Phản ứng của bất cứ nhà nước cộng sản nào từ năm 1917 đến nay đều giống nhau: trước phớt lờ, sau là chối. Truyền thống dối trá này chẳng lạ gì, nhưng lại là một dịp thử lửa chính sách glasnost (cởi mở) của Gorbachev. Chính khẩu hiệu của glasnost là chính quyền trong sạch, nhà nước minh bạch. Bộ chính trị phải công khai hóa vụ nổ, phải nhận lỗi lầm quản lý và điều hành, phải nhận trách nhiệm đã gây tai họa nghiêm trọng. Quy định của chính sách glasnost đã nói rõ như thế.

Nhưng Gorbachev thua đậm trên mặt trận glasnost.

Gorbachev thua vì các quan chức bảo thủ trong quân đội. Từ thống chế đến đại tướng, từ tham mưu trưởng đến đề đốc, tất cả đồng ý phải dứt khoát giữ im lặng, và nếu cần chỉ loan tin vắn tắt, tuyệt đối không “vạch áo cho người xem lưng” thảm họa Chernobyl. Họ nói, đây là bí mật quốc gia (sic), không được tiết lộ ra ngoài. Phần lớn đám quan chức này lớn lên trong thời kỳ cách mạng, đầu óc họ đông cứng toàn một mớ giáo điều, não trạng của họ hầu như không thể nào thay đổi. Hóa ra chính sách “glasnost” không thể nào cởi mở chính vì những quan chức thủ cựu trong quân đội.

Qua thảm họa lò hạt nhân, Gorbachev nhận ra được 2 bài học. (1) hệ thống nhà nước Sôviết đã quá lỗi thời, lối làm việc hoàn toàn máy móc, không một chút năng động, thiếu hẳn sáng tạo. (2) có quá nhiều cán bộ chỉ biết nghĩ đến nồi cơm, sẵn sàng dối trá để giữ ghế ngồi, bất chấp nguy hại đến sinh mạng người dân; (giám đốc nhà máy Bryukhanov, phó giám đốc Dyatlov, và kỹ sư trưởng Nikolai Fomin bị kết án 10 năm tù). Và cũng từ 2 bài học này, ông quyết tâm phải thực hiện cho bằng được 2 điều. (1) Đẩy mạnh cải tổ nhanh hơn nữa. (2) Hạn chế vũ khí hủy diệt. Thảm họa Chernobyl khiến ông ghê tởm vũ khí hạt nhân, dẫn đến ngày lịch sử 8/12/1987. Hoa kỳ và Liên bang Sôviết ký hiệp ước hạn chế vũ khí hủy diệt tầm ngắn, và tầm trung. Văn bản thống nhất rằng trong 3 năm, 1752 hỏa tiễn Sôviết và 859 hỏa tiễn Hoa kỳ có tầm xa từ 300 đến 3400 dặm sẽ được gỡ bỏ, kể cả các đầu đạn nguyên tử đi kèm.

Từ ngày nắm chức Tổng bí thư, Gorbachev thay thế dần những cán bộ ngồi ù lì ôm chặt chức từ thời Brezhnev bằng những người đồng chí hướng. Tuy vậy, số đồng chí bảo thủ vẫn còn khá nhiều trong điện Cẩm Linh. Một lý do phũ phàng là Gorbachev vẫn không dám đẩy mạnh cải cách sợ phật lòng các quan chức thủ cựu vì họ đang giữ các chức vụ then chốt trong quân đội. Những đồng chí già nua này vẫn muốn chạy đua sản xuất vũ khí với Hoa kỳ bất kể nền kinh tế trì trệ, vẫn muốn đóng quân ở Afghan, vẫn muốn giữ các nước Đông Âu trong gọng kềm Liên sô. Vụ nổ Chernobyl là một ví dụ điển hình, họ vẫn sẵn sàng dối trá để trốn tránh trách nhiệm. Sự dối trá đã ăn sâu vào từng thớ thịt, chạy trong máu, hầu như không thể nào tẩy rửa được. Cuộc cách mạng tháng 10 đã tạo nên những kẻ giáo điều, đầu óc sơ cứng, luôn đặt tự ái và sĩ diện lên trên cả lợi ích đất nước. Nếu không thay đổi được não trạng, thì chỉ còn cách thay đổi con người; nghĩa là cách chức hay sa thải. Gorbachev chờ đợi thời cơ để ra tay.

Và thời cơ đưa đến như một phép mầu. Sự kiện xảy ra vào ngày 28/5/1987 đã làm đảo lộn cán cân cải cách và bảo thủ trong điện Cẩm Linh. Đó là sự mạo hiểm chết người của Matthias Rust.

Rust, một thanh niên Tây Đức 19 tuổi, thuê chiếc máy bay dân dụng Cessna 172-B tại Hamburg và bắt đầu chuyến phi hành đến các nước Bắc Âu. Khởi hành đúng vào ngày 13/5/1987, Rust bay đến Na Uy, Phần Lan, Băng đảo, rồi Helsinki. Mỗi nơi Rust rong chơi đôi ngày. Chặng đường cuối, Rust cất cánh lúc 12:21 giờ trưa ngày 28/5 từ Helsinki và bay thẳng đến Moscow. Đúng ra, Rust báo cho đài kiểm không sẽ bay đến Stockholm, nhưng mới bay khoảng 20 phút, Rust quay ngược chiều bay về hướng Moscow. Vừa vượt qua không phận Estonia ở độ cao 1800 bộ, hệ thống radar của quân đội Liên sô phát hiện ngay và cho chiếc phản lực MIG-23 phóng lên theo dõi. Phi công MIG-23 báo cho biết là chỉ máy bay dân sự hạng nhẹ, rồi để vuột (sic). Một luồng radar khác cũng bắt được tín hiệu chiếc Cessna, nhưng lại tưởng là khinh khí cầu dùng để thăm dò thời tiết. Khi một hệ thống phòng không khác phát hiện, các sĩ quan trực lại nghĩ dấu hiệu của một đàn chim, không chừng là bầy ngỗng. Khi cách thủ đô Moscow 20 phút đường bay, hàng rào phòng thủ cuối cùng bảo vệ thủ đô lại tắt ngóm, chỉ vì máy móc phải tắt để bảo trì. Cuối cùng, Rust hạ cánh an toàn xuống Công trường Đỏ nằm ngoài bức tường của điện Cẩm Linh. Chỗ Rust hạ cánh chỉ cách văn phòng làm việc của TBT Gorbachev chừng 300m.

Đang thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến một mất một còn giữa độc tài và tự do, giữa cộng sản và tư bản, với một cường quốc về quân sự như Sôviết, thế mà một chiếc máy bay lạ, xâm nhập không phận Liên sô, bay suốt hai tiếng rưỡi với quãng đường dài 600 cây số và hạ cánh an toàn ngay giữa Công trường Đỏ, sát điện Cẩm Linh, nơi tập trung tất cả quyền lực tuyệt đối của Liên bang Sôviết, mà không một ai hay, không một lời cảnh cáo, không còi báo động, và cũng không có một biện pháp an ninh thích ứng. Nghe cứ tưởng như chuyện đùa. Thế mà nó lại xảy ra mới thật lạ. Đúng ra chiếc Cessa phải bị bắn hạ hoặc bị ép hạ cánh lúc tiến vào không phận Estonia, 20 phút đầu tiên của chặng bay cuối cùng của Matthias.

So với vụ nổ nhà máy hạt nhân Chernobyl đã mất mặt với thế giới, vụ chiếc Cessna ngang nhiên đậu ngay giữa Công trường Đỏ là một điều sỉ nhục không thể nào chấp nhận được. Ở vị thế quân sự với máy móc tối tân, với vũ khí hiện đại, với hỏa tiển hủy diệt tầm xa, thế mà hệ thống phòng thủ không thể cản nổi một chiếc máy bay dân dụng Cessna. Thống chế Sergei Akhromeyev, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, kinh hãi khi nghe tin dữ và tưởng tượng đến cơn thịnh nộ của Gorbachev khi biết chuyện.

Đúng như Akhromeyev tiên đoán, Gorbachev đang dự hội nghị thượng đỉnh tại Bá Linh với các lãnh tụ Đông Âu, vội vã cắt ngắn thời gian, quay về Moscow để hạch tội. “Đây là quốc nhục, nhục quốc thể… nhục… nhục không thua vụ Chernobyl,” Gorbachev phẫn nộ nói với các tùy viên, và cho rằng các tướng lãnh vì không đồng ý với ông về hạn chế vũ khí và cắt giảm ngân sách quốc phòng nên cố tình để chiếc Cessna đáp xuống Công trường Đỏ để làm ông mất mặt với thế giới. Hôm sau, Gorbachev triệu tập các tướng lãnh chịu trách nhiệm phòng thủ, và hơn một tiếng đồng hồ, ông “lên lớp” về an ninh, hạch sách đủ điều kèm theo lời mỉa mai cay độc. Tướng Pyotr Lushev, vị tư lệnh quân đội chịu trách nhiệm phòng thủ Moscow, và Thống chế Sergei Akhromeyev may mắn thoạt nạn. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng, Thống chế Sergei Sokolov, vị tướng tư lệnh chiến trường Afghan, từ chức ngay trước mặt Gorbachev. Riêng tướng Alexander Koldunov, một phi công xuất sắc trong Thế chiến II, tư lệnh lực lượng phòng không Liên sô, bị sa thải ngay tại chỗ.

Gorbachev đã lợi dụng vụ chiếc máy bay Cessna để thanh trừng quân đội tận gốc, loại trừ những kẻ cản đường cải cách. Hơn 150 sĩ quan, những kẻ tỏ ý phản kháng chính sách “tái cấu trúc” và “cởi mở,” bị sa thải; một số khác phải ra toà án quân sự và lãnh án. Trong vòng 1 năm kể từ sự kiện Rust, toàn bộ giới lãnh đạo chóp bu tại Bộ Quốc phòng, tại Bộ Tổng tham mưu, trong hàng ngũ tư lệnh khối Warsaw và tư lệnh các quân khu đều bị thay đổi. Vào thời điểm này, Gorbachev đã có lợi thế. Những người cản đường “cởi mở,” những kẻ bất bình “tái cấu trúc,” đã bị loại trừ. Từ 1988 trở đi, Gorbachev trả tự do nhiều hơn cho báo chí, và các phương tiện truyền thông, kể cả thả lỏng các nước Đông Âu.

Điểm trớ trêu là các lãnh tụ Đông Âu phải mất một thời gian mới hiểu được ý nghĩa cải cách của Gorbachev. Họ là những kẻ được Liên sô dựng lên, bất chấp ý nguyện của người dân. Vì thế, họ luôn cậy nhờ vào sức mạnh quân đội, xe tăng, và tiền viện trợ của Liên sô để cai trị dân chúng. Sau mỗi biến động xảy ra và cuộc trấn áp thành công, Liên sô lại đổ tiền vào để giữ an ninh, gọi là thưởng công. Trợ lý Andrei Grachev cho biết, “Liên sô mua chuộc lòng trung thành và sự lệ thuộc chính trị của các lãnh tụ Đông Âu bằng tiền viện trợ. Số tiền bao cấp này ngày càng cao, vượt hơn chi phí bao cấp cho chính người dân Liên sô.” Đối với Gorbachev, đó là điều phi lý và phải chấm dứt. Làm sao lại lấy tiền của dân Nga để lo cho dân Đông Âu? Sự phi lý này kéo dài mấy chục năm, và thất thoát biết bao nhiêu tiền của. Sự can thiệp vào nội bộ của các nước Đông Âu giảm dần, các cố vấn Nga vẫn còn có mặt nhưng họ được lệnh không đóng góp ý kiến gì, để tự những lãnh tụ này quyết định mọi công việc điều hành quốc gia. Các lãnh tụ Đông Âu dần dần hiểu được ý nghĩa của “cởi mở” và “tái cấu trúc”, bao gồm việc họ phải tự lo cho người dân trong nước, và đừng trông chờ vào sự viện trợ của Liên sô nữa, lúc đó họ ngơ ngác không biết xoay xở thế nào để sinh tồn.

Đất nước Ba Lan ngày càng lâm vào cảnh bi đát vì lệnh cấm vận của Hoa kỳ từ năm 1981. TBT Jaruzelski không biết xoay xở để cứu nguy nền kinh tế. Bang giao với Liên sô vẫn còn, nhưng mối liên hệ tài chánh ngày càng nhạt dần. Cuối cùng đảng cộng sản Ba Lan đành chịu nhượng bộ trước áp lực luân lý, kinh tế và chính trị do Giáo hoàng Gioan Phaolô và TT Reagan áp đặt. Các nhà tù trở nên trống rỗng, phiên tòa xử ông Walesa về tội vu khống giới chức chính quyền nhà nước bị huỷ bỏ.

Sự nhượng bộ đầu tiên là Jaruzelski cam kết mở cuộc đối thoại với Giáo Hội vào ngày 19 tháng 2 năm 1987 qua hội nghị Bàn Tròn. Trong cuộc hội nghị này, hai bên đàm phán gay cấn về quyền lợi của Công đoàn, và vai trò của Giáo hội trong việc xây dựng đất nước Ba Lan. Đây là bước khai phá then chốt trong tiến trình dân chủ. Lập tức, TT Reagan bãi bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt, kèm theo lời khuyến cáo Hoa kỳ sẽ giám sát trong thời gian tới bảo đảm sự hòa hợp giữa Công đoàn và nhà nước, nhất là các thỏa thuận hai bên từ trước đến nay vẫn phải được tôn trọng. Vào thời điểm này, nền kinh tế Ba Lan đã tổn thất khoảng 15 tỷ, gồm 2 tỷ nợ tín dụng của Hoa kỳ. Bốn tháng sau, tháng 6/1987, vị Giáo Hoàng 67 tuổi trở về quê hương lần thứ ba trong chuyến công du 7 ngày. Hàng triệu dân chúng nô nức nghênh đón ngài. Giáo hoàng Gioan Phaolô đi khắp Ba Lan lên tiếng đòi hỏi nhân quyền và khen ngợi những thành quả của Công Đoàn Đoàn Kết. Trong buổi cầu nguyện cùng với 1 triệu rưỡi dân chúng tại Gdansk, Giáo hoàng Gioan Phaolô an ủi các giáo dân, “…cuộc hành trình cam go của lịch sử Ba Lan có thể ví như cuộc khổ nạn của Đức Kitô… chịu đau đớn và vỡ nát, nhưng sẽ chỗi dậy.” Cùng một thời điểm, ở cách xa Ba Lan chừng vài trăm dặm, TT Reagan ghé thăm Bá linh và đọc một bài diễn văn hùng hồn tại cổng Brandenburg của Bức tường Ô nhục trước cử tọa chừng 10 nghìn người. Tổng thống chỉ thẳng vào bức tường và dõng dạc, “Ông Gorbachev, hãy mở cổng ra! Ông Gorbachev, hãy phá sập bức tường này!” Bức tường ngăn chia Đông và Tây Đức, biểu tượng quyền lực của Sôviết tại Âu châu, và cũng là biểu tượng của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa cộng sản và tự do, được xây cấp tốc trong 2 ngày vào tháng 6/1961 theo lệnh của Khrushchev.

Đến tháng 7 năm 1988, TBT Gorbachev thăm viếng Warsaw. Ông chính thức lên tiếng thừa nhận Công đoàn Đoàn kết và khuyên TBT Jaruzelski nên hợp tác với Giáo hội Công giáo Ba Lan. Vào ngày 5 tháng 4/1989 hai bên (Cộng sản và Giáo hội Công giáo Ba Lan) ký thỏa ước hợp thức hóa – một lần nữa – Công đoàn Đoàn kết, và vào tháng 6 mở cuộc tuyển cử vào lưỡng viện quốc hội, sau gần nửa thế kỷ người dân chỉ biết bầu cho những đảng viên của điện Cẩm Linh.

Ba Lan là nước Đông Âu đầu tiên trong thời Chiến tranh Lạnh tổ chức bầu cử tự do. Và kết quả cuộc bầu cử như một cái tát vào mặt đảng cộng sản Ba Lan. Công đoàn Đoàn kết chiếm 33 trên 35 ghế Hạ viện, và 99 trên 100 ghế Thượng viện. Trước ngày bầu cử, Jaruzelski và những kẻ thân cận vẫn tin rằng đảng cộng sản sẽ nắm đa số ghế tại lưỡng viện. Bộ chính trị Ba Lan ngây thơ như một đứa trẻ mới lớn. Họ không biết rằng quyền lực họ đang nắm trong tay là nhờ vào hậu thuẫn của Moscow. Dân chúng chưa hề ủng hộ họ trong từng ấy năm. Một khi dân Ba Lan biết Liên sô sẽ không đưa quân đội và xe tăng tràn sang biên giới để đàn áp nữa thì họ sẽ không còn gì phải sợ. Họ dồn uất ức trong 40 năm vào lá phiếu và chỉ bầu cho các ứng cử viên thuộc Công đoàn Đoàn kết. Sự thật như Alexander Kwasniewski, người trẻ nhất và khôn ngoan nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Ba Lan, nói: “Rất nhiều đảng viên cộng sản gạch bỏ tên của cả những ứng cử viên cộng sản!” Khi chính người cộng sản chán ghét cộng sản thì không còn gì để nói nữa.

Tuy Công đoàn thắng lớn nhưng Walesa thận trọng. Ông nghĩ một khi bộ Nội vụ và bộ Quốc phòng còn nằm trong tay đảng cộng sản thì không nên dồn Jaruzelski vào chân tường. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với ban lãnh đạo, ông đề nghị Tadeusz Mazowiecki, một trong những người thành lập Công đoàn, đứng ra nhận chức vụ Thủ tướng vào tháng 8/1989. Riêng Jaruzelski đắc cử “vẻ vang” – được đúng 1 phiếu – vào chức vụ tổng thống của nước Cộng hòa Ba Lan (không còn hai chữ Nhân dân nữa). Ông đắc cử vì lẽ chỉ mỗi mình ông tranh cử. Ở ghế tổng thống, ông chỉ có danh nhưng không có quyền. Mọi việc điều hành quốc gia Ba Lan đều nằm trong tay Thủ tướng Mazowiecki. Mãi đến tháng 12/1990, Jaruzelski từ chức, và Lech Walesa đắc cử thật vẻ vang vào chức vụ Tổng thống Ba Lan. Walesa thắng vinh dự vì cả nước dồn phiếu cho ông. Lần đầu tiên trong lịch sử Ba Lan sau Thế chiến II, toàn bộ nội các của chính phủ không còn một đảng viên cộng sản nào.

Đúng như TT Reagan và Giáo hoàng Gioan Phaolô tiên đoán, cuộc bầu cử tự do tại Ba Lan“là con dao đâm thẳng vào tim đế quốc Sôviết,” mở đầu cho một luồng gió dân chủ thổi vào các nước Đông Âu. Chịu ảnh hưởng làn gió mát dân chủ từ Ba Lan là Hungary (gọi tắt là Hung) và Đông Đức. Từ năm 1988, sau khi lên nắm quyền, Miklós Németh, Thủ tướng Hung, hoan nghênh cải cách và nồng nhiệt ủng hộ sự bầu cử tự do. Đảng cộng sản Hungary cho phép dân chúng đi lại tự do, kể cả du lịch sang các nước láng giềng. Tháng 5/1989, với áp lực của dân chúng và “đèn xanh” của Sôviết, Hungary chính thức mở cửa biên giới thông thương sang Áo. Dân Đông Đức nhìn thấy con đường dẫn đến tự do ngắn quá, dễ dàng quá. Họ chỉ cần băng qua Tiệp, đổ vào Áo, rồi quay ngược trở lại Tây Đức để đoàn tụ với gia đình sau gần nửa thế kỷ chia ly. Khoảng tháng 11/1989, Tòa Đại sứ Tây Đức tại Prague (Tiệp), Vienna (Áo), Warsaw (Ba Lan), và Budapest (Hung) tràn ngập dân Đông Đức xin tỵ nạn. Bộ trưởng Ngoại giao Hung, Gyula Horn, cũng cho phép 8 nghìn dân tỵ nạn Đông Đức định cư tại Tây Đức qua ngả Áo. Erich Honecker, TBT Đông Đức, tức giận và lập tức ra lệnh đóng cửa biên giới thông sang Tiệp. Nhưng Honecker đã tính sai nước cờ. Dân chúng nổi dậy biểu tình khắp Đông Đức. Cả nước hỗn loạn. Áp lực trong nước bỗng tăng cao vùn vụt như nồi súp-de. Ngày 18/10/1989, Honecker từ chức Tổng bí thư.

Bức tường Bá linh, còn mang tên là Bức tường Ô nhục, cao hơn 4m, dày hơn 1m, và dài gần 160 km, ngăn chia Đông và Tây Bá linh, đồng thời cô lập thành phố ngay giữa lòng Đông Đức. Đêm mùng 9/11/1989, hơn 20 nghìn người tụ họp hai bên bước tường tại nút chặn Bornholmer ca hát, nhảy múa, uống bia và rượu sâm-banh trước sự bình thản của quân đội. Đám lính canh và mật vụ vẫn chờ lệnh của thượng cấp dẹp loạn và bắn bỏ những ai vượt tường. Khoảng 10:30 khuya, dân chúng leo lên cả bờ tường la to, “Tor auf! Tor auf!; Mở cổng! Mở cổng!” Cả một biển người tràn ngập nút chặn, vượt tường qua lại tự nhiên không gặp một sự kháng cự nào. Lúc đó, hình như không một quyền lực nào có thể cản trở niềm khao khát tự do của dân chúng 2 miền. Chờ mãi không thấy lệnh thượng cấp, đám lính canh đành mở cổng để hai bên thông thương tự do. Khoảnh khắc sau, dân 2 miền Đông và Tây cùng nhau dùng xẻng, búa tạ, búa chèn, đập mẻ từng góc tường. Bức tường bị đẽo gọt dần và khi họ dùng xe ủi đất đâm thẳng vào bức tường đúc bằng xi măng kiên cố thì nó hoàn toàn bị khuất phục. Ngã quỵ và đổ nát thành từng mảnh.

Bức tường Bá linh. Bức tường Ô nhục. Biểu tượng cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu, đứng sững sững trong 18 năm, đã sụp đổ tan tành.

Giáng sinh 1989. Khán giả trong phòng hòa nhạc Schauspielhaus tại Đông Đức đang háo hức chào đón nhạc trưởng Leonard Bernstein; người điều khiển dàn đại hòa tấu trình diễn bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Các nhạc công tài danh được tuyển chọn từ Đông và Tây Đức, Pháp, Sôviết, và Hoa kỳ cùng nhau hợp tấu với đôi bàn tay điêu luyện của Bernstein. Giàn giao hưởng tổng hợp trăm ca viên trong bộ đồng phục nghiêm trang chờ lệnh của vị nhạc trưởng thiên tài. Cảm hứng về luồng gió dân chủ thổi khắp Đông Âu, và mới hơn tháng trước, bức tường ô nhục sụp đổ, ông đổi một chữ trong bài thơ nổi tiếng của Friedrich Schiller, “Ode to Joy,” thành “Ode to Freedom,” và các ca viên hùng hồn hát vang bản giao hưởng số 9 của Beethoven vinh danh tự do.

Tự do. Ôi! tự do. Niềm vui dào dạt tràn ngập phòng hòa nhạc, từ nhạc sĩ đến nhạc công, từ ca viên đến khán giả. Ode to Freedom vang lừng, nỗi cảm xúc thấm sâu tận đáy tâm hồn mỗi cử tọa khiến bầu khí phòng hòa nhạc trầm lắng, chỉ còn nghe hai chữ tự do vang vọng bên tai. Gần một năm sau, ngày 3/10/1990, Đông và Tây thống nhất. Ngày lịch sử đánh dấu, một lần nữa, một nước Đức hùng cường mang tên Cộng hòa Liên bang Đức.

Ngày 1/12/1989, TBT Gorbachev cùng phu nhân chính thức viếng thăm Vatican. Cả hai, vị Giáo hoàng và ông Gorbachev, nói chuyện riêng hơn tiếng đồng hồ. Báo New York Times mô tả, “Lần đầu tiên, lãnh tụ của nước Sôviết cộng sản vô thần gặp gỡ vị đại diện của Thiên Chúa.” Học giả Weigel ví von lần gặp gỡ đó xem như một sự đầu hàng của chủ nghĩa vô thần. Cuộc chiến giữa chủ nghĩa cộng sản và Karol Wojtyla cùng toàn thể dân Ba Lan, kéo dài qua bao nhiêu thập niên, đã kết thúc.

Cuộc bầu cử tự do tại Ba Lan, và bức tường Bá linh sụp đổ là khởi sự cho một kết thúc của chủ nghĩa cộng sản vô thần. Tất cả tiếp theo đó chỉ là thời gian. Tiệp với cuộc Cách mạng Nhung chấm dứt 4 thập niên cai trị của đảng cộng sản; lãnh tụ Todor Zhivkov của Bulgaria bị hạ bệ và kéo theo đảng cộng sản; dân Romania lật đổ Nicolae Ceausescu và lập tòa án xử tử cả hai vợ chồng; đảng cộng sản Nam Tư cũng bị giải thể.

Ngoài các nước Đông Âu là chư hầu, Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Sôviết bao gồm 15 nước cộng hòa khác; trong đó nước Nga là một. Đứng đầu Liên bang Sôviết là Chủ tịch Gorbachev, và Boris Yeltsin là Chủ tịch nước Nga – một người nhiệt tình ủng hộ chính sách tái cấu trúc. Tháng 8/1991, các đảng viên cộng sản bảo thủ bất ngờ làm một cuộc đảo chánh lật đổ Gorbachev; khi gia đình ông đang nghỉ mát tại Crimea. Họ muốn bãi bỏ ngay perestroika và glasnost, tái lập trật tự cũ, và tập trung tất cả quyền hành vào tay đế quốc Sôviết. Đó là Bè Lũ Tám Tên (Bát Nhân Bang, Gang of Eights): Gennady Yanayev – Phó Chủ tịch Sôviết; Vladimir Kryuchkov – Trùm mật vụ KGB; Dimitri Yazov – Bộ trưởng Quốc phòng Sôviết; Valentin Pavlov – Thủ tướng Sôviết; Oleg Baklanov – Thành viên Hội đồng Quốc phòng; Vasily Starodubtsev – thành viên Quốc hội Sôviết; và Alexander Tizyakov – Chủ tịch Doanh nghiệp Nhà nước.

Cuộc đảo chánh thất bại nhờ sự can đảm và kiên quyết của Boris Yeltsin (1931-2007), Chủ tịch Cộng hòa Nga, cứu nguy Gorbachev. Yeltsin nổi bật như một biểu tượng chính trị cải cách của Nga. Cuối năm đó, Yeltsin đảo ngược trật tự của Sôviết kể từ sau Thế chiến II. Liên bang Sôviết tan rã và 15 nước chư hầu tuyên bố độc lập. Ngày 25/12/1991, đúng ngày lễ Giáng sinh, Gorbachev từ chức, chính thức chấm dứt Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Sôviết. Yeltsin được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, và lần đầu tiên trong gần ¾ thế kỷ, nội các nước Nga không có một bóng đảng viên cộng sản. Lá cờ búa liềm màu đỏ thấm máu của 100 triệu nạn nhân được thay thế bằng lá cờ 3 màu (trắng, xanh, đỏ,) và trở thành biểu tượng của Liên bang Nga.

Sự tan rã của Liên bang Sôviết nằm ngoài dự liệu của Gorbachev. Ông đưa ra chính sách “tái cấu trúc” và “cởi mở” để cứu nguy chủ nghĩa cộng sản. Gorbachev chỉ muốn làm cho chủ nghĩa cộng sản tinh tuyền như theo kinh điển của Lênin. Ông muốn xây dựng một đất nước Nga hùng mạnh về kinh tế, thâm tâm ông chẳng hề muốn xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản trên đất mẹ. Điều ông không ngờ là chính “cởi mở” đã cởi xiềng xích và bẻ gãy gông cùm của sự thống trị độc tài. Bánh xe lịch sử lăn và xoay về hướng tự do, dân chủ, trả lại nhân phẩm cho hàng trăm triệu con người và ông không thể nào cưỡng lại được. Nỗi khao khát tự do của dân chúng bị kềm kẹp trong gần nửa thế kỷ bùng nổ như một thùng thuốc súng, vũ bão như một cơn lốc, thô bạo như nước lũ, hung dữ như nguyên tử, và không gì có thể kềm hãm được.

Nếu đế quốc La mã tan rã dần, từ lụn bại đến tan rã kéo dài cả trăm năm thì đế quốc vô thần Sôviết lại chết tức tưởi. Nó chết như chưa từng bao giờ được sống. Lịch sử cần 3 người, một Công giáo – Giáo hoàng Gioan Phaolô II, một Tin lành – TT Ronal Reagan, và một Chính thống giáo – TBT Mikhail Gorbachev để khai tử chủ nghĩa cộng sản. Thế mới biết chủ nghĩa vô thần, sức mạnh của Satan khủng khiếp đến chừng nào. Âm thầm, lặng lẽ, vô thần rút vào bóng tối chờ một cơ hội khác sau gần ¾ thế kỷ gieo rắc sự lầm lạc.

(còn tiếp)

Tác giả SƠN NGHỊ

Tài liệu tham khảo:

  1. David McLellan, Maxism and Religion: A Description and Assessment of theMarxist ritique of Christianity (London, The MacMillan Press LTD, 1987)

  2. John de Marchi, I.M.C., The True Story of Fatima (Imprimatur 1947 and 2009)

  3. Matthew J. Ouimet, The Rise and Fall of the Brezhnev Doctrine in Soviet Foreign Policy (Chaped Hill and London, The University of North Carolina Press, 2003)

  4. George Weigel, Witness To Hope (New York, PerfectBound of HarperCollins Publishers, Inc., 2005)

  5. Archie Brown, The Gorbachev Factor (New York, Oxford University Press Inc., 1996)

  6. Arcbishop Fulton Sheen, The World’s First Love (New York, McGraw-Hill Book Company Inc., 1952)

  7. Paul Kengor, The Crusader: Ronal Reagan and the Fall of Communism (New York, HarperCollins Publishers Inc., 2006)

Time Subscription, http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,974548,00.html

Time Subscription, http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,159069,00.html

Source: https://tuongtri.com/category/son-nghi

Bài 1: HIỆN TƯỢNG FATIMA, CỘNG SẢN, VÀ HỒI GIÁO

Bài 2: HIỆN TƯỢNG FATIMA, CỘNG SẢN, VÀ HỒI GIÁO

Bài 3: HIỆN TƯỢNG FATIMA, CỘNG SẢN, VÀ HỒI GIÁO