Ngày 13: Việc Thứ Sáu là Suy Ngắm Sự Thương Khó Người

Ngày Mười Ba

Việc Thứ Sáu Chúa Dạy Làm là Suy Ngắm Sự Thương Khó Người

Một thầy ẩn tu rất đạo đức cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa! xin soi sáng cho con biết các việc đạo đức việc nào làm đẹp lòng Chúa hơn?" Bấy giờ thầy thấy Chúa hiện ra: vai vác thánh giá nặng nề, đầu đội vòng gai, mình mảy máu me tràn trề. Chúa nói vơi thày: "Con ơi! Lòng Cha thương yêu nhân loại đến thế này đây, con hãy nhìn ngắm các vết thương Cha. Con có nghĩ được cách nào khác để Cha tỏ lòng yêu của cha với nhân loại hơn nữa không? Vậy mà được mấy người thực lòng yêu cha? Còn biết bao người nghe theo ma quỷ, mê đắm những cái hư hèn chóng tan mà xa cách Cha, chúng thờ ơ lãnh đạm với Cha, chúng chê chối Cha, chúng phụ tình Cha. Cha chết để cứu họ khỏi hỏa ngục; còn họ, họ lại từ chối ơn Cha, họ tự gieo mình xuống biển lửa. Ôi! còn gì làm đau lòng Cha hơn. Vậy hỡi con! Để bù vào sự lạnh nhạt của người đời, để yên ủi Cha, con hãy năng suy ngắm sự thương khó Cha. Su8. thương khó, phải, mà cả cuộc đời Cha từ lúc sinh ra trong hang lừa đến khi chết trần trên Thánh giá là một chuỗi ngày đau khổ hơn ai hết. Đó là việc làm đẹp lòng Cha hơn cả. Con đừng bỏ việc Cha ưa thích đó."

Như thế, ta biết giá trị của việc suy ngắm sự thương khó Chúa cao trọng dường nào!

Hồi sống ở thế gian, Chúa hằng tỏ ra lòng yêu thương người đời. Ba mươi ba năm chân chồn gối mỏi đi khắp đó đây giảng dạy, chữa tật bệnh, làm phép lạ để cứu giúp họ. Nhưng trong kỳ chịu chết để cứu chuộc thiên hạ, Người tỏ ra lòng thương yêu loài người chúng ta hơn cả. Cho nên Người mong ước ta suy tưởng cái chết khổ cực của Người để cảm thương Người.

Lòng kính mến và suy ngắm sự thương khó Chúa là hai việc phải đi liền nhau.

Mỗi khi ta suy ngắm sự thương khó Chúa, tức là làm một việc yên ủi Chúa, như xưa bà veronica nâng khăn lau những giọt máu đau khổ cho Chúa hay là như ghé vai vác đỡ Thánh giá Chúa như ông simon xưa.

Lạy Chúa lòng tôi yêu mến, ba mươi ba năm Chúa chịu khổ sở vất vả, cuối cùng chịu chết treo trên Thánh giá vì thương yêu chúng tôi! Tóm lại, không còn việc gì, không còn nỗi thống khổ nào Chúa có thể làm, Chúa có thể chịu mà Chúa đã bỏ. Vì yêu thương chuộc lai linh hồn chúng tôi. Ôi, lạy Chúa, đã bao lần chúng tôi đã tệ bạc cùng Chúa. Hỡi những dây xích đã trói buộc Chúa Giêsu, xin hãy trói buộc chúng tôi lại với Chúa để sống chết chúng tôi không bao giờ lìa bỏ Chúa chúng tôi cả. Lạy Chúa, Chúa đã lấy cái chết để tỏ lòng yêu chúng tôi, ước gì chúng tôi cũng đủ can đảm hy sinh mọi sự, dù cả mạng sống chúng tôi, để đền đáp tình Chúa yêu chúng tôi.

Lạy Chúa, xin giúp chúng tôi hằng nhớ đến cái chết nhuốc khổ của Chúa để yên ủi Chúa được phần nào. Amen.

Thánh tích

Năm 1676, Chúa Giêsu hiện ra cùng thánh nữ Margarita Maria và bảo rằng: "Hỡi con yêu dấu, từ này, trong đêm thứ năm rạng thứ sáu, con hãy tỉnh thức suy ngắm sự thương khó Cha. Đêm ấy con hãy cùng với Cha vào vườn Giệt, để cầu nguyện cùng Chúa Cha: Con hãy làm với mục đích là khấn nài Thiên Chúa tha thứ tội lỗi nhân loại và yên ủi Cha vì những nỗi tệ bạc người ta hằng làm cho Cha.

Thánh nữ Margarita vâng lời Chúa, từ ngày ấy, cứ nửa đêm hôm thứ năm là thánh nữ thức dậy, quỳ xuống đất và giang hai tay ra như hình Chúa chịu chết trên Thánh giá, cùng suy ngắm sự đau đớn Chúa đã chịu xưa. Lại các đêm thứ năm tuần thánh thì người quỳ thờ lạy Chúa suốt đêm.

Một linh mục hỏi thánh nữ: "Trong giờ quỳ như vậy chị làm gì?" Thánh nữ đáp: "Thưa Cha, trong giờ ấy con không làm gì khác là tưởng niệm đến các cực hình Chúa đã chịu xưa, con khóc lóc, con phàn nàn vì tội lỗi con và tội lỗi thiên hạ đã gây nên nỗi khổ hình kia cho Chúa phải chịu. Trong giờ ấy con cảm thấy đau đớn bứt rứt vô cùng, con tưởng chùng sẽ không thể sống được nữa. Đó là ơn Chúa thông cho con một chút đau khổ của Người."

Ôi! Chớ gì mỗi người chúng ta cảm được một phần nỗi khổ cực của Chúa đã chịu xưa! Chớ gì chúng ta được lòng ăn năn khóc lóc vì tội lỗi mình đã phạm làm cho Chúa đau khổ như vậy. Ta hãy cảm thương Chúa và ăn năn sửa mình lại.