Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hay Rửa Tội?

Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hay Rửa Tội?

Có hôm tôi đi đọc kinh chung ở nhà nguyện, có một số người bảo rằng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa tội.  Thánh Kinh cho biết rằng, khi toàn dân đến với Gioan Tẩy Giả để chịu phép rửa thì  Chúa Giêsu cũng đi Chịu phép rửa … có phải là Chúa Giêsu đi chịu phép rửa tội không?

Theo như tôi hiểu thì Phúc Âm kể rất rõ rằng Gioan can Chúa Giêsu và không muốn làm phép rửa cho Ngài nên mới nói,

“…chính tôi phải được Ngài rửa …”

Chúa Giêsu bảo – dường như yêu cầu Gioan,

“Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế.”

Và Gioan chứng minh cho chúng ta thấy, sở dĩ ông đến làm phép rửa cho Chúa Giêsu như thế là vì,

 “để Ngài được tỏ mình ra với dân Israel, nên ông mới đến làm phép rửa trong nước”

Gioan giới thiệu rõ trước với dân chúng rằng,

“tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa …,

Tôi rửa anh chị em trong nước,

nhưng có Đấng cao trọng hơn tôi đang đến sau tôi …Nhưng Người có trước tôi,

và tôi không xứng đáng cởi giây giày cho Người.

Người sẽ rửa anh chị em trong Thánh Thần và Lửa.”

Gioan kể tiếp, 

“tôi không biết Người, nhưng  Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi,

“Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần

Tôi đã thấy và tôi làm chứng Người Chính là Con Thiên Chúa…”

Quả đúng y Đấng đã sai Gioan, ông mục kích thấy:

“Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra …Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu đậu trên Người và có tiếng từ trời phán, “Con là con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha …

Gioan xác tín điều ông thấy và quả quyết giới thiệu cho toàn dân lần nữa,

“Đây (Chúa Giêsu) Chiên Thiên Chúa - đây Đấng gánh tội trần gian …”

Như vậy Phúc âm cho thấy chỉ có phàm nhân là kẻ có tội mới cần được Ngài rửa chứ Ngài thì không. Chúa Giêsu chẳng hề phạm tội và có tội chi đâu mà rửa vì Ngài là Đấng xóa tội trần gian kia mà.  Nhưng sở dĩ Ngài chịu phép rửa là vì muốn để cho Gioan chu toàn bổn phận, và Thánh Ý Chúa Cha được thể hiện là giới thiệu Ngài cho toàn dân Israel, đang khi toàn dân Israel lên đến cao điểm tập trung để chịu Gioan làm phép rửa cũng là lúc Chúa Cha muốn Chúa Giêsu được tỏ mình ra giữa họ.   Thế thì việc Chúa chịu phép rửa có phải là đồng nghĩa với việc Chúa tỏ mình ra cho toàn dân không!

Phép rửa của thánh Gioan là phép rửa sám hối, còn phép rửa mà Chúa Giêsu sai các môn đệ đi thực hiện khắp thế gian là phép rửa để tha tội. Mặt khác,  Chúa Giêsu nhập thể làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi, có nghĩa là Chúa cũng chịu đựng mệt nhọc, đói khát, cũng bị cám dỗ (vì Chúa tự hạ làm “thân nô lệ… vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá”) nhưng lúc nào Chúa cũng vượt thắng thế gian nên tội lỗi không thể xâm nhập vào linh hồn Ngài được. Khi Chúa Giêsu yêu cầu Gioan làm phép rửa cho Ngài là;

1. muốn đại diện loài người để kêu gọi họ sám hối

2. đồng thời để thánh hóa nước rửa (tội) sau này, vì phép rửa Chúa thiết lập mới là phép rửa để tha tội.

Vậy, Gioan không làm phép rửa tội cho Chúa Giêsu, mà chính Chúa Giêsu mới làm phép rửa tội cho loài người. Kinh Mai Khôi NĂM SỰ SÁNG, mầu nhiệm thứ nhất phải nói là: Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Jordan chứ không nói chịu phép rửa tội được (nói vậy là sai giáo lý hoàn toàn). 

Thánh Gioan không có quyền tha tội, chỉ có Chúa mới có quyền ấy. Trong Tân Ước Chúa nói: "… trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt. 11: 11) như vậy chúng ta phải hiểu rằng chắc hẳn Chúa Giêsu muốn nói đến các tín hữu đã chịu phép rửa tội đều được làm con cái Chúa, một địa vị cao trọng hơn mọi địa vị.

Trời đất cây cỏ còn vui mừng và có khi thấu hiểu Chúa Kitô nhanh và sớm hơn con người, khi hay biết Chúa Giêsu sẽ đi chịu phép rửa, chúng hoan hỷ đến độ có lời Thánh Vịnh chép, “Sông Giođan cũng chảy ngược giòng, Núi non nhảy nhót như chiên đực, Gò nổng tung tăng như thể đàn cừu ... Trời xanh vui mừng và đất hân hoan, không trung loan báo việc Ngài làm…  sông lạch ơi, vỗ tay đi nào ... gió bão ơi, hãy loang đi khắp cùng cõi đất ... và các hải đảo xa xăm ơi, chân trời góc biển ơi, nào hãy nhận biết vị Cứu Tinh đang đến ... Ôi, con bò - con lừa còn biết vui máng chủ, nhưng mà Israel (dân Chúa) vẫn dại ngu …” vẫn chưa biết Chúa, Thành ra mục đích của Chúa Giêsu, “Ngài đến cốt để đi tìm chiên lạc nhà Israel (dân Chúa/các tín hữu) trước.”

Chúa Nhật Thứ II thường niên. 2011

<Sóngbiển>