NHỮNG LINH HỒN ĐÓI KHÁT

NHỮNG LINH HỒN ĐÓI KHÁT

Matt C. Abbott

Tài liệu dưới đây do ông Matt C. Abbott viết để giới thiệu cuốn sách nhan đề là Những Linh Hồn Đói Khát; Những Cuộc Viếng Thăm Siêu Nhiên, Các Sứ Điệp, Và Những Cảnh Báo Từ Luyện Ngục, của tiến sĩ Gerard J.M. van den Aardweg, do nhà xuất bản TAN Books phát hành, mà ông Matt C. Abbott được phép in lại.

LUYỆN NGỤC VÀ LÃNH VỰC SIÊU GIÁC QUAN

Đối với những ai [trong lúc lâm chung] tự nhận thấy mình vẫn có liên hệ với Chúa nhưng đang ở tình trạng bất toàn thì trong hành trình tiến đến trạng thái vĩnh phúc viên mãn cần phải trải qua giai đoạn thanh tẩy, giai đoạn mà đức tin của Giáo Hội minh họa bằng tín điều Luyện Ngục.

Đó là lý do tại sao ĐTC Gioan Phaolô II nói rằng luyện ngục là cần thiết, và ngài nói tiếp “chúng ta được kêu gọi sống trọn lành khi còn ở dương thế, trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người. (1 Thess 3:12) ."

Ở đây, ĐTC Gioan Phaolô II tái khẳng định kiến thức cổ xưa liên hệ đến sự thực của “tình trạng thanh tẩy” mà linh hồn mỗi người phải trải qua sau khi chết.

Thanh tẩy nghĩa là đền bù những tội lỗi một linh hồn đã phạm và ảnh hưởng của tội lỗi đối vơí linh hồn ấy.

Đây không phải là một quá trình “trưởng thành” tự động và không đau đớn của một linh hồn trên đường tiến đến trạng thái “phát triển năng khiếu bản thân” thông qua giai đoạn tích lũy thêm kiến thức sáng suốt hơn sau khi chết, như một số lý thuyết gia duy tâm chủ trương với mục đích để giải thoát con người khỏi sợ hãi. Đây không có vấn đề tích lũy thêm kiến thức thông qua một loạt những “kiếp luân hồi” liên tiếp cho đến khi con người đạt đến tột đỉnh khôn ngoan như sự tưởng tuợng quái dị của một số môn đệ Tân Thời Đại Tây Phương nghĩ ra. Đây chỉ là những cố gắng ấu trĩ để loại bỏ ý thức rõ rệt về chiều kích căn bản quyết định số phận của con người trong cuộc sống đời sau, vì số phận con người không nằm ở chỗ đạt được nhiều kinh nghiệm hoặc kiến thức trong cuộc sống mà là sống trong tình trạng đạo đức và khiết tịnh: tức là tội lỗi và những tì ố do tội lỗi gây ra cho linh hồn đối lại với thánh đức của linh hồn ấy.

Trong tứ chung (sống - chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục) thì có ba cùng đích là: 1. chịu phán xét;

2. thiên đàng; (luyện ngục)

3. hỏa ngục sau khi chết

mà truyền thống Kitô giáo vẫn dạy tín hữu xưa nay thì văn hóa của chúng ta ngày nay chỉ còn công nhận có ý niệm thiên đàng hoặc một trạng thái hạnh phúc nào đó đại khái giống như vậy thôi, còn hỏa ngục hay luyện ngục thì đã bị hoàn toàn loại bỏ. Ngày nay đại chúng chỉ còn giữ lại có mỗi một quan niệm lạc quan rất hời hợt cho rằng cuộc đời của mỗi người sẽ tự động chấm dứt (sau khi bước qua ngưỡng cửa của sự chết – và nếu có một trạng thái nào đó sau khi chết) thì đó sẽ là trạng thái cực lạc. Con người Phương Tây mà tâm hồn đã trở nên nghèo nàn vì đã đánh mất chiều kích Kitô, có thể còn tự nhận là mình chưa hoàn hảo và có nhiều khuyết điểm, nhưng họ không bao giờ tự nhận là mình là có tội. Đối với họ, việc đền tội hay giai đoạn thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi là một ý niệm lạc hậu của thời “trung cổ”.

Cách đây 150 năm, Hồng Y John Henry Newman (nay là Thánh) đã nhìn thấy rõ tâm trạng nhân văn thiển cận này khi ngài nói:

Chúng ta ấp ủ trong lòng một tôn giáo nông cạn, một tôn giáo trống rỗng không ích lợi gì cho chúng ta trong những ngày đen tối. Thời đại này [đúng ra là thời kỳ hiện đại ngày nay (thế kỷ 21) hơn là thời đại của ngài!] mến chuộng một tôn giáo tuyệt đối yêu đời vui vẻ. Mục đích là để biến tôn giáo thành một lối sống sáng sủa trẻ trung và yêu đời, bất cứ một lối sống nào mà thiên hạ ưa thích đều có thể chấp nhận được hết. Và rồi bất cứ học thuyết Công Giáo nào cũng sẽ bị chúng ta vận dụng theo tinh thần đó… chỉ giữ lại phần nào chúng ta cho là đẹp và hấp dẫn, còn những gì ta cho là nghiêm khắc và đau khổ thì vứt bỏ.

Những chuyện như luyện ngục, (nói gì đến hỏa ngục), sám hối, làm việc đền tội, Công Lý thần thiêng của Chúa đều không hợp với tín ngưỡng vui sống rẻ tiền của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật: con người sau khi chết phải hoàn toàn lành mạnh và không tì ố trước khi trình diện trước nhan thánh Chúa để “tường trình” về đời sống của mình. Chỉ những linh hồn thánh thiện mới được trực tiếp vào nơi hạnh phúc viên mãn, “nơi mà không một chút gì ô uế lọt vào được”! Vì vậy, mọi vết tích dính tới tội lỗi phải được loại bỏ, mọi linh hồn bất toàn phải chỉnh đốn lại.” Vị trí để linh hồn chỉnh đốn lại là Luyện Ngục.

Đây là một mầu nhiệm sâu xa và rất thánh, và cũng là một mầu nhiệm đáng sợ không thể che dấu được những khía cạnh rùng rợn của nó. Tuy vậy chúng ta không nên khiếp sợ khía cạnh thực tại này. ĐTC Gioan Phaolô II nói tiếp: “Môt khía cạnh quan trọng chót mà truyền thống Công Giáo vẫn nêu lên và thời đại ngày nay cần phải được đặt lại, đó là: chiều kích ‘communio’ (hiệp thông) sự liên kết chặt chẽ tác động trong Giáo Hội qua kinh nguyện, qua lời khẩn cầu và tình bác ái.” Ở đây, ĐTC Gioan Phaolô dạy rằng việc đền tội và những đau khổ trong luyện ngục được giảm khinh nhờ lòng thương xót Chúa. Rốt cuộc thì Luyện Ngục chính là Lòng Thương Xót Chúa Kitô tác động qua Giáo Hội tức là Nhiệm Thể của Người.

Sát với điện Vatican, trên bờ sông Tiber, có một nhà thờ rất đẹp xây theo kiểu neo-gothic (tân-gô-tích), đây là nhà thờ duy nhất xây theo kiểu này trong toàn thành phố - cung hiến “Thánh Tâm Chúa Chuyển Cầu” (the Sacred Heart of Suffrage); chuyển cầu theo nghĩa là trợ giúp cho các linh hồn nơi luyện ngục. Trong phòng “mặc áo” của nhà thờ có một khu dành riêng để trưng bày một số “di vật” kỳ lạ và hấp dẫn: những di vật này có mang vết tích thể lý cụ thể mà các linh hồn nơi luyện ngục để lại.

Thiên hạ gọi bộ sưu tập này là Tiểu Bảo Tàng Viện Luyện Ngục, ‘the Piccolo Museo del Purgatorio’. Bảo-Tàng-Viện và nhà thờ Thánh-Tâm-Chúa-Chuyển-Cầu tiêu biểu cho hai khía cạnh của Luyện Ngục: bộ sưu tập cho chúng ta thấy một số dấu tích nhỏ và rất cụ thể chứng minh sự hiện diện đau lòng nhưng có thực của các linh hồn bị cầm giữ nơi đây, trong khi chính nhà thờ lại biểu hiện niềm an ủi Kitô của lòng Thương Xót và lòng bác ái của Chúa đối với các linh hồn đang chịu thanh luyện đau đớn nơi đó mà Giáo Hội Công Giáo vẫn thực hành từ bao đời nay. Bộ ba họa phẩm lớn đặt giữa nhà thờ tiêu biểu cho 1. Thánh Tâm Chúa, cho 2. các linh hồn đau khổ (hoặc thánh khiết) nơi luyện ngục, và 3. hình một số các thánh; ĐGH Bênêđictô 15 gọi bộ ba họa phẩm này là “Bản Tóm Lược Thần Học cụ thể về Giáo Lý Luyện Ngục của Giáo Hội Công Giáo”.

Thánh đường này là một công trình vinh danh Lòng Thương Xót của Trái Tim Thần-Nhân Chúa Kitô đối với các linh hồn nơi Luyện Ngục, đồng thời cũng mời gọi tín hữu kết hiệp với Trái Tim thương xót Chúa để thực hành bác ái đối với các linh hồn nơi luyện ngục, bởi vì đau khổ mà các linh hồn đang phải chịu đựng được kết hiệp rất mật thiết với Thánh Tâm Chúa. Thánh Nữ Margaret Mary Alacoque, vị tông đồ truyền bá lòng Sùng Kính Thánh Tâm Chúa đã nói rất rõ về vấn đề này. Cha Gioan Croiset viết như sau:

Thánh nữ đã được Chúa mặc khải cho biết sự đau khổ của các linh hồn này, về lòng thương xót từ mẫu của Chúa đối với họ, và về sự kiện Chúa tha thiêt mong mỏi cho họ được giải thoát. Thánh nữ biết rõ rằng lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa rất hữu hiệu để xin cho các linh hồn được sớm ra khỏi chốn luyện hình. Sở dĩ thánh nữ phối hợp hai việc tôn sùng này một cách rất khắng khít trong con người của thánh nữ chứng tỏ rằng việc sốt sắng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục là một phần của lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa.

Tính cách “siêu linh” trưng bày trong Tiểu Bảo Tàng cung cấp cho ta thêm một chứng cớ hiển nhiên nữa, như dấu tích bàn tay bị cháy đen in trên khăn thánh ở thành phố Czestochowa, Balan, là khởi điểm khai triển lòng tôn sùng cầu nguyện cho các linh hồn đau khổ đang phải trải qua thời kỳ thanh tẩy. Điều này cho ta thấy rõ ràng và tường tận hơn về sự thực của giai đoạn thanh tẩy của các linh hồn nơi Luyện Ngục.

Đối với những đầu óc hiện đại thường thiên về các sự kiện cụ thể với nhân chứng rõ rệt thì nhũng sự kiện hiển nhiên này dễ chấp nhận hơn. Những di tích này chứng tỏ rằng các linh hồn nơi luyện ngục đã hiện về để van xin tha thứ, đồng thời cũng tiết lộ một số dữ kiện về đời tư và số phận đau khổ của họ trong khi đang phải làm việc đền tội.

Những mẫu vật siêu linh trong Tiểu Bảo Tàng Luyện Ngục và một chứng tích như “bàn tay ở Czestochowa” hiển nhiên là những chứng tích đã được khảo sát rất tường tận về những vụ tiếp xúc với người chết. Tính xác thực của những chuyện liên hệ đến mỗi chứng tích trưng bày trong Viện Bảo Tàng đều đã được các vị linh mục, các vị thần học và các nhân chứng khả tín kiểm tra gắt gao và tường tận. Tuy tương đối hiếm hoi nhưng các chứng tích này không phải là những chứng tích duy nhất đâu. Tất nhiên chúng ta không nên nhẹ dạ cả tin mà không kiểm tra hư thực, mặt khác dẹp bỏ tức khắc những hiện tượng khác với những sự việc thông thường hàng ngày, coi đó như là sản phẩm của những người dị đoan mê tín hoặc có tính cách lừa đảo, là một thái độ hẹp hòi quá lố. G. K. Chesterton, nhà tư tưởng nổi tiếng Anh Quốc đã nói một cách chí lý như sau: (trong tác phẩm Tánh hoài nghi của Linh Mục Brown) "Tin rằng có một lãnh vực siêu nhiên là một điều tự nhiên. Còn chỉ hoàn toàn chấp nhận những chuyện tự nhiên mà thôi mới là chuyện không tự nhiên.” ["it is natural to believe in the supernatural. It never feels natural to accept only natural things."]Cho nên cuộc du hành của chúng ta qua luyện ngục lần này phần lớn sẽ chỉ là một cuộc du hành xuyên qua các kinh nghiệm của con người, của những chuyện đáng tin đề cập đến sự kiện các linh hồn hiện về sau khi chết. Tuy thỉnh thoảng chúng tôi cũng có nói đến thần học, nhưng thần học ở đây không phải là trọng điểm. Rõ ràng ta thấy là nhiều vụ các linh hồn hiện về đều có tính khôn ngoan thần học. Bởi vì bất cứ bản tường trình khả tín nào về sự hiện về của các linh hồn đều đáng chú ý cả; và thực tế là đại đa số những báo cáo chi tiết, có giá trị giáo huấn và được nghiên cứu đầy đủ đều phát xuất từ Giáo Hội Công Giáo. Hình như sự kiện này cũng có một sứ điệp kèm theo nữa. Đây là chương trình của tài liệu này: sau một vài lời giới thiệu về ý niệm luyện ngục qua lịch sử và về hiện tượng người chết hiện về nói chung, chúng ta sẽ vào thăm Viện Bảo Tàng Luyện Ngục tại Rôma để khảo sát từng di tích một trong bộ sưu tập do nhiếp ảnh viên tài ba Janusz Rosikoñ cống hiến cho bạn đọc. Từ đó chúng ta sẽ kiểm tra thêm nhiều chứng tích cụ thể khác; bắt đầu bằng chứng tích tại Czestochowa, thứ đến một vài trường hợp khai tâm mở trí đặc biệt về những vụ linh hồn hiện về từ luyện ngục trong thế kỷ hai mươi. Khi tìm cách thám hiểm một lãnh vực rất thường bị lãng quên tức là sự sống đời sau, chúng ta cũng có thể thu thập được nhiều kiến thức sắc bén về sự kiện các linh hồn nơi luyện ngục rất cần được chúng ta giúp đỡ trong khi họ hay bị bỏ rơi.

Đứng trước những chứng tích hiển nhiên trưng bày trong Viện Bảo Tàng kèm theo những câu chuyện khả tín khiến nhiều người sợ hãi, thì phản ứng đó cũng dễ hiểu. Tất nhiên hồn ma hiện về từ cõi chết cũng đáng sợ thật nếu đó là những sự hiện hình cụ thể. Không hẳn những biểu hiện này là do ma qủy gây ra, ngay cả những người từ thiên đàng về cũng có thể làm cho người ta sợ hãi vậy. Ngoài ra ccó nhiều dấu chỉ chứng minh rằng các linh hồn nơi luyện ngục chịu rất nhiều đau đớn.

Tuy nhiên, khi nhìn những hình ảnh như dấu bàn tay cháy đen in trên khăn thánh hoặc trên trang giấy sách Gương Chúa Giêsu, hoặc khi đọc những chuyện các linh hồn được phép hiện về từ luyện ngục chúng ta phải ghi nhớ rằng ít khi các linh hồn này giãi bày trọn vẹn trạng thái nội tâm của họ, giả tỉ như họ được phép làm như vây. Họ chỉ cho ta thấy phớt qua thân phận khốn khổ của họ mà thôi, coi như là họ đến để cầu cứu chúng ta giúp đỡ đồng thời cũng cảnh cáo rằng sống trong tội lỗi sẽ gây thiệt hại khôn lường cho bản thân chúng ta sau khi chết cho nên phải hết sức sống đời thánh thiện khi còn có cơ hội ở đời này. Nhưng luyện ngục còn có một chiều kích hoàn toàn khác – và điều này khó hiểu hơn - bởi vì sự sống đời sau vượt quá những nhận thức và kinh nghiệm của con người trần thế: những linh hồn “tội nghiệp” hoặc những linh hồn “thánh thiện” dường như cũng đồng thời cảm nghiệm được một niềm an ủi và vui sướng khó lòng tưởng tượng nổi. Những vụ hiện hình và các lời truyền đạt rất xác thực từ Luyện Ngục có thể nói là đã được mã hóa trong ngôn từ và hình ảnh nhằm mục đích cho chúng ta hiểu được, và đó chỉ là một cái bóng mờ của đời sống mai sau thôi. Chúng ta biết rằng trong linh hồn con người dương thế thì vui buồn có thể hiện diện cùng một lúc, nhưng trong luyện ngục đau đớn cùng cực và vui sướng cùng cực làm sao có thể hiện diện cùng một lúc được là một điều vượt quá sự hiểu biêt của con người. Nhưng trên cán cân công thẳng khôn lường của Chúa thì vị trí hoặc trạng thái thanh tẩy cũng đồng thời là vị trí hoặc trạng thái nhân từ vô biên của Chúa, một chốn đầy hy vọng, bình an, và vui sướng.

Thánh Phanxicô de Sales, tiến sĩ Hội Thánh từng được coi là vị có thẩm quyền nhất về vấn đề này đã thẳng thắn viết một cách rất đáng ngạc nhiên như sau: “Suy gẫm về luyện ngục là một niềm an ủi rất có lợi cho linh hồn hơn là gây sợ hãi. Dù đau khổ có lớn lao đến mấy trong luyện ngục đi nữa… thì niềm an ủi trong đó cũng khôn tả xiết đến nỗi không có vui sướng nào trên thế gian này có thể sánh bằng được".

Xin thường xuyên cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục!

Louis Lê Xuân Mai trích dịch

www.thongdiepducme.org

Sources:

http://www.renewamerica.com/columns/abbott/100115

http://www.churchpop.com/2015/07/19/museum-burned-souls-purgatory/