Về Mái Trường Xưa ... Thu Lan

Đã lâu lắm rồi mấy ai có thể quên được nơi đã rèn luyện chúng ta vào những năm đầu đời của ngưỡng cửa đại học? Sau bao năm tháng trôi nổi theo vận mệnh đất nước, mái trường xưa của chúng ta cũng dần dà thay đổi theo thời gian. Người xưa thường nói: “Khi tuổi đời chồng chất thì con người ta thường nhớ đến những kỷ niệm xa xưa.” Dấu ấn lúc nào cũng đóng sâu trong lòng của chúng ta là mái trường, nơi đã ung rèn, cũng như là ngưỡng cửa để chúng ta bước từng bước một từ “thợ” thành “thầy”.

Trong tâm trí tôi, mái trường xưa là dãy nhà nằm hun hút sâu vào trong ngọn đồi với con đường vương đầy bụi đỏ, và từ đó ta cũng có thể nhìn thấy núi “Châu Thới” xa xa. Cạnh trường là bạn láng giềng gọi là trường “Kiểu Mẫu Thủ Đức” với các bạn nhỏ tung tăng trong những bộ đồng phục xanh.

Sáng thứ Bảy, 16/12/2011, tôi cùng bạn Đạt mướn xe taxi lên Thủ Đức để tìm ngôi trường xưa, nơi đã đặt bước chân đầu đời vào ngưỡng cửa đại học. Khởi đầu xe vào Đại Học Nông Lâm Súc, chúng tôi đi lòng vòng trong khu học xá, cố gắng phóng tầm mắt xa hơn xem có trường nào gần bên không, nhưng chẳng nhìn thấy hình ảnh nào quen thuộc cả. Cho xe đi lên Suối Tiên, rồi tìm cách quẹo trái qua bên kia xa lộ vào khu vực khai thác đá 621. Đến ngã ba vào khu Đại Học mà bên ngoài thì quán tiệm, nhà cửa đông đúc chằng chịt cả lối vào. Bác tài lọng cọng tại ngã ba này chẳng biết nên chạy qua phải hay qua trái. Nhưng bạn Đạt nói cứ chạy ngã nào cũng được bằng mọi cách phải tìm ra trường mới chịu về. Quẹo phải trước, xe qua nhiều khu vực của những trường như Đại Học Quốc Gia, Đại Học Sư Phạm, Đại Học An Ninh… Vẫn không nhìn ra hình ảnh nào quen thuộc cả. Lại chạy trở ra, quẹo trái, vô sâu bên trong, lại có một số trường đại học nữa nhưng Sinh Lý Sinh Hóa của chúng ta vẫn biệt tăm. Nhiều trường đại học đã mọc lên, có lẽ kế hoạch trong tương lai các trường đại học trong thành phố phải dời đổi ra đây. Cứ chạy qua từng trường và cứ chụp hình loạn xị cả lên, còn bác tài thì thật là kiên nhẫn, chạy sâu hun hút vào trong vẫn còn trường nữa. Đến tận cùng của làng Đại Học, chúng tôi quyết định trở ra khỏi khu vực này thì Ô KÌA! Trên vách tường một toà building có vẽ chữ thật lớn KHOA HỌC TỰ NHIÊN. Đây có lẽ là trường ta rồi, thế là chạy vòng lại, khu vực trường thật lớn, một tòa nhà lớn sừng sững đứng kia.

Ngày nay trường chúng ta thay đổi rất nhiều. Tòa nhà này có lẽ mới xây sau này không lâu nên trông còn rất mới. Bác tài lái xe vô trong khuôn viên của trường, nhiều đường với những hàng cây bóng mát, với những ghế đá đặt từng khúm để sinh viên có thể ngồi học, đọc, trong những giờ không lên lớp. Sau trường chia làm nhiều khu vực với nhiều công viên nho nhỏ rợp những bóng cây.

Hình ảnh còn lại để nhận ra mái trường là hai cầu thang ngoài giảng đường. Kia kìa, xa xa dãy nhà cao kia có hai cầu thang, nó vẫn đứng trơ ra cùng năm tháng khiến lòng ta chùn lại. Thật là vô cùng bồi hồi xúc động. Cùng chạy tới và dán mắt nhìn vào trong giảng đường, bàn ghế vẫn sắp đặt như cũ, thật y như “cảnh cũ nhưng người xưa” không còn ngồi đây nữa. Chỉ đứng lặng nhìn hai cầu thang của trường lại thấy một cảm giác xao xuyến đang chầm chậm dâng lên trong lòng. Biết bao kỷ niệm xa xưa tràn về. Cũng những bậc thang này, khi xưa ta leo lên leo xuống lăng xăng với tuổi trẻ đầy nhựa sống, với tiếng cười nói líu lo mỗi lần vừa qua một bài giảng.

Giảng đường bây giờ trổ thêm một cầu thang nữa đối diện với mặt hai cầu thang này. Cầu thang bên trên (xe lăn lên được) chạy thẳng lên cuối giảng đường để vô lớp. Phía trước cây cảnh xanh tươi rợp mát chứ không khô cằn như xưa.

Quang cảnh trước và sau giảng đường đã được chăm sóc tươm tất hơn. Sân trường trồng nhiều cây cao bóng mát và có những chậu kiểng để làm tăng thêm màu sắc của ngôi trường. Màu sắc của cây xanh tươi rợp mát cũng giúp cho tâm ta dịu lại khi trải qua những giờ lên lớp với những môn học khó khăn.

Nhìn từng dãy nhà để cố nhớ lại là dãy phòng nào? Tôi vẫn phân vân rất nhiều điểm như dãy nhà này. Các bạn nghĩ có phải dãy phòng với cầu thang lầu lên học Anh Văn và Pháp Văn không?

Còn hình dưới đây, bạn hãy nhìn dãy hành lang này, có phải là hành lang từ giảng đường xuống thẳng cantin, và một đường ra dãy xe trường đậu chờ mình tan trường không?

Bây giờ đứng đây nhìn những cháu nhỏ tụm năm tụm bảy học, đọc, gợi lại trong trí ta hình ảnh tuổi trẻ ngày nào, với tâm trạng háo hức nhìn tới tương lai với muôn ngàn cánh cửa rộng mở. Với bao vật đổi sao dời, với nghiệt ngã của vận mệnh, giờ đây cũng có bao cảnh kẻ còn người mất, nhưng kỷ niệm chung ngày xưa luôn nằm sâu trong tim của mọi người chúng ta và không dễ gì phai nhạt.

Thu Lan

*****

Trường Tôi

Trời Thủ Đức nắng chang chang

Mái trường tôi giữa đồng hoang

Nhìn từ xa ba dãy thẳng hàng

Đi gần lại bốn bề cỏ cháy

Ngày hai buổi xe đi xe lại

Đưa rước người ‘rường cột của tương lai’

Nhưng than ôi !

Giảng đường rộng rãi người thưa thớt

Sân cầu chật hẹp lắm kẻ chơi !...

Quan-Thành, Thủ Đức 1974