Đầu Năm Tự Bốc, Tự Bói ... Nguyễn Thúc Soạn

ĐẦU NĂM TỰ BỐC, TỰ BÓI, TỰ XEM TỬ VI, TỰ TÌM ĐỊA LINH, XEM TƯỚNG

(Trích từ Đông Dương Tạp Chí từ số 24 đến 49, năm 1913-1914)

BỐC PHỆ:

Bốc phệ có từ thời Phục Hy gồm tám quẻ chính: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Mỗi quẻ chính có tám quẻ trùng, tổng cộng 64 quẻ. Mỗi quẻ có sáu hào, như vậy suy ra lẽ âm dương ngũ hành để đoán các việc nằm trong 384 hào. Mỗi hào còn có biến đổi theo biến hóa của trời đất.

Vua Văn Vương đoán theo từng quẻ gọi là Thoán Từ. Ông Châu Công đoán theo hào gọi là Hào Từ. Đức Khổng Tử dùng Thoán Từ và Hào Từ và đặt ra Tượng Từ.

1- Bói dịch: Có hai cách là bói rùa và bói cỏ thi. Sau có suy diễn mà đưa ra các phép bói sau:

  • Ưởng bốc: bằng tiếng nói

  • Ngõa bốc: bằng ngói

  • Mễ bốc: bằng gạo

  • Hoa thảo bốc: cành hoa lá cỏ

2- Mai hoa bốc: Do Thiệu Khang Tiết đời Tống, dựa vào chữ viết

3- Kim tiền bốc: Dùng cách gieo tiền, do Kinh Phòng đời nhà Hán đặt ra. Sau Giả Hạc lập sẵn các quẻ, nghị luận cho nên gọi là bói Giả Hạc. Dùng ba đồng tiền để gieo quẻ.

  • Trùng: ba đồng ngửa

  • Giao: ba đồng sấp

    • Đơn: một sấp hai ngửa

    • Sách: một ngửa hai sấp

Gieo sáu lần thành một quẻ. Bấy giờ mới đoán.

4- Bói Kiều: Khấn Thúy Kiều, Kim Trọng, xin mấy câu, dòng nào, mở cuốn Kiều ra rồi đoán.

Các thầy bói giỏi như Quản Lộ, Quách Phác, sau này thì xuất hiện nhiều thầy phần đông là đoán mò, đoán rờ.

ĐỊA LÝ:

Phép này có từ đời nhà Tần do một ẩn sĩ có bộ Thanh Nang. Trương Tử Phòng đời Hán soạn bộ Bình Sa Ngọc Xích, Quách Phác đời nhà Tấn có bộ Táng Kinh, Trương Tử Vi nhà Tống soạn ra bộ Ngọc Tủy Chân Kinh, Trần Đoàn có bộ Kim Tỏa Bí quyết, Lưu Bỉnh Trung đời nhà Nguyên soạn ra Kim Đẩu Quyết Táng Pháp. Việt Nam có ông Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân tỉnh Nghệ An, nổi tiếng nên thường gọi là ông Tả Ao, sau có ông Hòa Chính học phép địa lý và có viết sách để lại.

Tìm đất lập nhà cửa gọi là Dương Cơ, lập mộ gọi là Âm Phần, dựa vào Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ và hình dạng miếng đất cho nên có kiểu gọi là “Lục Long Tranh Châu”, “Phượng Hoàng Ẩm Thủy”, “Tê Ngưu Vọng Nguyệt”, “Quần Tiên Hội Ẩm”, “Nhất Hổ Trục Quần Dương”. Địa lý giỏi phải gồm ba môn:

    • Nhật Gia Học là xem nhật nguyệt, ngũ tinh nhị thập bát tú, giờ ngày chiếu vào chỗ nào và lúc nào phát.

    • Hình Gia Học là xem hình đất, giống khuyển thì táng tại bụng, giống voi thì táng tại vòi.

    • Pháp Gia Học là tìm ra chỗ âm, dương, kim mộc thủy hỏa thổ.

TOÁN SỐ:

Sách này dùng để đoán cho người. Hà Thượng Công nhà Hán soạn ra số “Tam Mệnh”, Tăng Nhất Hạnh, Tăng Đạo Mậu, Lý Hư Trung đời Đường. Tử Bình đời Ngũ Đại soạn ra số “Định Chân”, Lâm Hiếu Công đời nhà Tống có số “Lộc Mệnh”. Những số là ngũ tinh, phạm vi, hà lạc, tử vi và tiền định. Số thường dùng là hà lạc, tử vi và tiền định. Số tiền định do Quỷ Cốc tiên sinh soạn ra, dựa vào ngày sinh tháng đẻ. Số hà lạc dựa vào năm tháng ngày giờ. Số tử vi do Trần Đoàn đời nhà Tống soạn ra, phép này dựa vào can chi:

    • Dương can: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm

    • Dương chi: Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất

    • Âm can: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quí

    • Âm chi: Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi

Sau khi phân âm dương, dùng phép “Lục Giáp Nạp Âm” để phân cục: hỏa, mộc... Sau đó tính tháng, tính giờ gọi là tính an thân mệnh, tiếp đến thì tính mười hai cung: Mệnh Viên, Huynh Đệ, Thê Thiếp, Tử Tức, Tài Hoạch, Giải Ách, Thiên Di, Nô Bộc, Quan Lộc, Điền Trạch, Phúc Đức, Phụ Mẫu. Sau cùng thì đến mười bốn vị nam bắc: Tử Vi, Thiên Cơ, Võ Khúc, Thái Dương, Thiên Đồng, Liêm Trinh, Thiên Phủ, Thái Âm, Tham Lang, Cự Môn, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thất Sát, Phá Quân. Rồi cứ lần theo mà an các vị sao cát tinh, hung tinh, tử hóa, thập nhị thần, thập nhị tướng, tuần triệt v.v... Xem ba mươi năm về trước thì đoán về cung Mệnh, ba mươi năm về sau thì đoán về cung Thân.

TƯỚNG THUẬT:

Sách viết về xem tướng thì có từ lâu, Ma Y Tướng Pháp, Liễu Trang Thủy Kính, Vương Thị Phong Giám, Tướng Lý Hành Chân, đại khái theo những phép như sau:

XEM MẶT: Gồm mười hai cung, mỗi cung một việc

Ấn đường: cung bản Mệnh, giữa hai lông mày

Hai bên mũi: cung Tài

Hai bên đầu lông mi: cung Huynh Đệ

Hai mắt: cung Điền Trạch

Ngọa tàm: hai ổ dưới mắt, cung Tử Tức về con cái

Ngư vĩ: hai bên đuôi mắt: cung Phu Thê vợ chồng thê thiếp

Địa các: dưới cằm: cung Nô Bộc, tôi tớ

Sơn côn: sống mũi, cung đau yếu bịnh tật

Hai bên gò má: cung Thiên Di, chủ về đi đứng

Đỉnh trán: cung Quan Lộc

Hai bên sát mái tai: ngoài cung Thiên Di còn có cung Phúc Đức

Gò trán đôi bên: cung Phụ Mẫu

XEM BÀN TAY: gồm tám cung: Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, ở giữa là Minh Đường:

Kiền: góc tây bắc bàn tay, ơn cha mẹ

Khảm: chính bắc bàn tay, cơ nghiệp

Cấn: đông bắc, thịnh vượng

Chấn: chính đông, vợ con

Tốn: đông nam bàn tay, giàu nghèo

Ly: chính nam, quan lộc

Khôn: góc tây nam, con cái nhiều ít

Đoài: chính tây bàn tay, nhiều ít đầy tớ

Minh đường: giữa lòng bàn tay, tai nạn

XEM NGÓN TAY:

Ngón cái: đại chỉ, nói về văn học

Ngón thứ hai: trực chỉ, giàu nghèo, vợ

Ngón tay giữa: trung chỉ, công danh

Ngón thứ tư: vô danh, anh em, vợ con, tài lộc

Ngón út: tiểu chỉ, tài nghệ, thọ yểu

CÁC CÁCH:

Tướng Ngũ Tràng: đầu dài, mặt dài, thân dài, tay dài, chân dài nói về tướng bần tiện hay phú quí

Tướng Ngũ Đoản: ngược với Ngũ Tràng, nói về đại quí hay hạ tiện

Tướng Ngũ Lộ: mắt lồi: tổn thọ, mũi lõ: chết đường, tai bạt: ngu si, môi chẩu: chết không được tử tế, lộ hầu: nghèo, chết non

Tướng Ngũ Tiểu: đầu nhỏ, mắt nhỏ, bụng nhỏ, tai nhỏ, miệng nhỏ

Tướng Tục Tiện: sáu tướng hèn

Ngoài ra còn nhiều cách nữa như xem tai, xem miệng, xem râu, xem tóc, xem vai, xem ngực, xem lưng, xem vú, xem rốn, ngồi, đứng, ăn, nằm, ăn, tiếng nói, nốt ruồi, thần khí.

    • Thượng bộ:

Hói đầu: sống lâu

Mắt to: cứng cổ

Mắt lá răm: đa tình

Mắt trắng: bạc bẽo

Mắt đỏ: hung bạo

Mắt lươn: tinh vặt

Mắt trông trộm: gian phi

Mắt lá răm lông mày lá liễu: đáng trăm quan tiền

Môi thâm: hiểm độc

Đàn ông miệng rộng: sang

Đàn bà miệng rộng: lại càng sang hơn, tan hoang cửa nhà

Mỏng môi: hay hớt

Dày môi: hay hờn

.......

    • Trung hạ bộ:

Đàn bà lưng chữ ngũ, vú chữ tâm: nhiều con

........

    • Cách điệu:

Ăn mau đi chậm là tướng quí (thực tốc hành trì, quí nhân chi tướng)

Nằm co thì giàu

Nằm sóng sượt thì hèn

Ngoài tướng bề ngoài còn phải kết hợp với tâm. Thí dụ như Yến Anh, Bùi Độ, Tang Duy Hàn, Mạc Đĩnh Chi tướng xấu nhưng đều làm lớn hay đậu cao đến trạng nguyên.

Nguyễn Thúc Soạn