Nghệ Sĩ Và Tôi... Phan Ni Tấn

Nhà văn Song Thao (trái), nhà thơ Luân Hoán & Phan Ni Tấn - 2003

Có lần vợ chồng tôi lái xe đi Montreal cách Toronto khoảng 6 giờ đường xe, ăn đám cưới của con gái nhà văn Song Thao. Mỗi lần có dịp đến thành phố này chúng tôi đều ghé thăm gia đình anh chị nhà thơ Luân Hoán hàn huyên tâm sự và nghỉ qua đêm. Lần đi này gặp con cháu anh chị bên Mỹ về thăm nên chúng tôi qua nhà Bích, con gái út của nhà thơ nghỉ tạm trong một khu chung cư gần đó. Chồng Bích vui vẻ cười toe đưa cho tôi hai chìa khóa chung cư và chìa khóa cửa phòng ở từng ba.

Tiệc cưới tàn về đến nhà trời đã quá khuya. Ngoài đường không một bóng người lai vãng. Lúc lui cui mở cửa vào chung cư thì ô hô, xoay trở cách nào, kiểu nào, kiên nhẫn mở đi, mở lại cách mấy vợ chồng chúng tôi cũng không tài nào mở được. Nhướng mắt nhìn đồng hồ đã gần 1:30 sáng. Lạ nước lạ cái làm gì biết đường sá, khách sạn ở đâu mà tìm, hơn nữa, giờ này không muốn gọi điện thoại làm phiền giấc ngủ của cặp vợ chồng trẻ hiền lành, tốt bụng, chúng tôi phom phom lái xe tới một góc khuất… ngủ đại. Cũng may cuối tháng 9 trời không đến nỗi… lạnh lắm.

Sáng ra vừa gặp mặt tôi nhà thơ “quạt” liền. Thì ra lúc giao chìa khoá, Dũng chồng Bích quên dặn làm sao để mở cửa vào chung cư. Người trẻ tuổi cười gượng “Biết ý một chút là chú mở được liền hà”. Thì ra là vậy. Nhưng mà việc gì thì cũng đã xong rồi, chỉ còn bộ mặt của nhà thơ vừa liếc qua là làm tôi mắc cười. Đôi con mắt vừa trợn lên đã vội vàng dịu xuống. Cặp chân mày vừa nhíu lại liền giãn ra. Cái giọng gắt gỏng vừa phun ra phèo phèo mấy tiếng đã mau mau rớt lộp độp xuống nền nhà. Cái thoáng giận dỗi của nhà thơ chẳng những không làm ai phật lòng mà vợ chồng tôi còn nhe răng ra cười trừ. Chơi thân với nhà thơ gốc Quảng Nam này gần 30 năm chẳng bao giờ tôi nghe thấy anh nỡ giận ai bao giờ. Là vì bản chất của nhà thơ Luân Hoán vốn lương thiện từ cái thuở nhân chi sơ.

Hê hê! Chỉ có “rứa” thôi.

QUÊ HƯƠNG NGƯỜI CON GÁI

Ca Sĩ Phi Nhung & Phan Ni Tấn - 2001

Pleiku nằm ở phía Bắc Thượng du Cao nguyên Nam Trung Phần, được thành lập từ thời Pháp thuộc. Năm 1950, cùng các tỉnh khác ở cao nguyên, Pleiku được sáp nhập vào Hoàng Triều Cương Thổ đặt dưới quyền điều khiển của Quốc Trưởng Bảo Đại. Pleiku với tôi tuy gặp gỡ nhau một thời gian ngắn ngủi nhưng cũng có chút kỷ niệm vui buồn.

Năm 1971, Pleiku lại là nơi tôi đáo nhậm đơn vị đầu tiên, đầu não của Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn II, trước khi được bổ nhậm đến các Trung Tâm khác. Năm sau, Pleiku là nơi ông anh tôi tử trận vào mùa hè 1972. Sau này tôi mới biết Pleiku cũng là quê hương của Phi Nhung, nữ ca sĩ ăn khách hiện nay tại hải ngoại. Đi ngược về thời niên thiếu, Pleiku là nơi tôi đã từng ghé qua trong một thời gian ngắn. Nói là ngắn nhưng cũng đủ để in dấu chân tôi dọc ngang trên con đường Hoàng Diệu nối từ Chợ Cũ lên Chợ Mới. Và Biển Hồ Pleiku đã từng kỳ cọ thân thể tôi sáng chói sau vài lần bơi qua bơi lại chinh phục eo biển này như một con cắt nước. Cái thời niên thiếu xa xưa đó, Phi Nhung còn bay trên mây, chưa bị đọa xuống trần. Nhưng rồi cái năm tôi cầm sự vụ lệnh lên Pleiku trình diện đơn vị thì lúc đó đã có Phi Nhung biết đứng mơ màng bên cửa sổ ca vọng cổ chưa, tôi không biết.

Chuyện đời mới đó đã gần 41 năm. Hôm nay ngồi ngoài đất nước nghe Phi Nhung hát bài Lý Con Sáo Bạc Liêu tôi táy máy viết tặng cô một bài thơ:

Ngồi ôm bóng núi Pleiku

Nghe sương chiều tím mịt mù cánh bay

Thương con sáo núi xa bầy

Mang theo điệu lý rạc rầy bờ vai.

MỘT CHÚT VỚI CHÍ TÂM

Chí Tâm tên thật là Dương Chí Tâm, sinh tại Trà Ôn, Vĩnh Long, là một nghệ sĩ cổ nhạc nổi tiếng từ đầu thập niên 1970 ở bên nhà cho đến nay.

Thuở nhỏ Chí Tâm đã được cha mẹ cho học ca cổ, thọ giáo về ca với nhạc sĩ Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu và theo học đờn với nhạc sĩ Út Châu tức soạn giả Yên Sơn. Là đệ tử của hai soạn giả kỳ cựu, Chí Tâm sớm phát huy tài năng và đáp ứng được nhiều vai trò trong làng cổ nhạc. Trên sân khấu anh có thể sắm tuồng một lúc trong các vai kép mùi, kép lẳng, hề cải lương rất ăn khách. Về ngón đờn, anh có thể sử dụng đờn kìm, đờn cò, đờn bầu, đờn tranh, nhất là đờn guitar phím lõm rất nhà nghề. Ra hải ngoại, Chí Tâm thường dùng ngón nghề cổ nhạc của mình để hướng tới những hoạt động cộng đồng cho người Việt tha hương.

Là người sinh trưởng ở Lục Tỉnh Nam Kỳ, lại xuất thân từ nghề vọng cổ nên tánh tình Chí Tâm xưa nay vẫn bình dị, cởi mở, đôn hậu. Lần đầu tiên gặp người viết, (qua lời giới thiệu của bạn tôi là Sa Xuân Vũ), Chí Tâm nói với Minh Tuyền, vợ anh, giọng thật tự nhiên: "Đây là anh PNT, tác giả bài Phải Lòng Con Gái Bến Tre...". Bắt tay người viết thật chặt, anh hề hà hệch hạc cười nói nghe tiếng anh lâu nay, bây giờ em mới được gặp. Chao ôi! Lẽ ra câu này phải để tôi nói với nghệ sĩ tên tuổi như Chí Tâm mới đúng, dù Chí Tâm hoạt động văn hóa nghệ thuật sau người viết khoảng 10 năm, nhưng sân khấu cổ nhạc lúc bấy giờ rất thịnh hành nên người đa tài như Chí Tâm mau chóng nổi danh trong thiên hạ.

Sau đây là một chút kỷ niệm giữa nghệ sĩ Chí Tâm và người viết mà tôi nghĩ anh hoàn toàn không hay biết cái duyên văn nghệ này, vì lúc đó dù hai anh em (người viết và Chí Tâm) có đối diện, cười đùa với nhau, nhưng Chí Tâm cũng chẳng biết để nhận ra cái "bổn lai diện mục" của tôi ra sao.

Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, Hội Người Việt cùng một số đoàn thể tại Toronto cùng đứng ra tổ chức mừng Xuân cho đồng bào. Ngoài các tiết mục tế lễ dâng hương, múa lân, giải trí v.v… còn có các ca sĩ Việt khắp nơi về giúp vui văn nghệ. Năm 2003 Hội tổ chức tại hội trường Hershey, Mississauga, ngoài một số ca sĩ địa phương còn có các ca sĩ chuyên nghiệp ở Mỹ qua như Khánh Ly, Thanh Tuyền, Ngọc Hạ, Bằng Kiều…, trong đó có ông bạn Chí Tâm, một nghệ sĩ cổ nhạc rất nổi tiếng trước 75 ở bên nhà. Trong giờ giải lao tôi ôm một lô sách báo đang rảo chân ghé thăm các gian hàng bày bán CD, DVD của các ca sĩ thi bất chợt Chí Tâm nhìn tôi cười cười vui miệng phán cho một câu: “Người gì chỉ biết đọc chữ chớ hổng biết gì về âm nhạc hết trơn dzậy cà”. Về nhà tôi kể cho vợ nghe, vợ bảo: “Đúng là...Chí Tâm!” rồi cười rung cả… màng nhĩ tôi.

PHAN NI TẤN