Ngày Tết Của Mạ - Minh Nghĩa

Cuộc sống trôi qua từng ngày, nếu không nhờ những sinh hoạt của trường Việt Ngữ thì có lẽ Hà không còn nhớ hay quan tâm đến những ngày Tết Việt Nam ở nơi này. Nhờ chuẩn bị những bài ca, những điệu múa ca ngợi mùa Xuân, đi mua phong bì màu đỏ hay đến ngân hàng đổi tiền mới lì xì cho các em học sinh, Hà mới cảm nhận được là mùa Xuân đang đến.

Hà nhớ những ngày này năm xưa, ba chăm chút lau chùi bộ lư đồng và sửa soạn lại bàn thờ ôn mệ nội. Ba thích chùi rửa các đồ trang trí nho nhỏ bằng thủy tinh chưng trong hai cái tủ kính. Năm nào cũng như năm nấy, một mình ba làm công việc này mà ba không nhờ đứa nào phụ cho ba hết. Có lẽ ba rút kinh nghiệm sau một hai lần ba nhờ chị của Hà lau chùi sắp xếp lại hai cái tủ thì không lần nào mà chị của Hà không làm bể một hai món. Từ sáng sớm ba đã chuẩn bị hai cái thau lớn. Một cái là thau nước xà bông và một cái là thau nước sạch. Đầu tiên ba dọn hết đồ trang trí ra khỏi tủ, bỏ vào một cái rổ rồi ba nhúng từng món một vào cái thau xà bông, kỳ cọ một hồi ba thả nó vào thau nước sạch kế bên. Ba cầm từng con thú, từng con búp bê lên lau cẩn thận rồi sắp vào lại trong tủ. Mấy tấm gương trong tủ cũng được ba lau chùi kỹ lưỡng, sáng loáng. Một năm một lần, dường như công việc này đem đến cho ba một niềm vui trong những ngày cuối năm, lúc mà mọi nhà mọi người đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết

Còn mạ thì không có năm nào mà mạ không làm chả thủ. Mạ đặt các người bán hàng thịt quen ngoài chợ để dành phần tai và mũi heo cho mạ. Sáng hôm sau hai mạ con đi chợ thật sớm. Đến chợ, việc đầu tiên là ghé tới các hàng thịt để nhận những cái tai heo mũi heo, xong hai mạ con mới yên lòng ghé hàng bún bò của dì Tư để ăn sáng. Gần Tết rồi nên người ta đi chợ sắm sửa thật đông. Các hàng ăn cũng đầy người, đó là chưa kể những người đứng chờ bên ngoài, họ chỉ chờ có cái ghế nào trống là họ xà vào ngồi xuống liền. Mỗi lần được đi chợ với mạ, Hà hay xin mạ cho ăn chè táo xọn với xôi vò hoặc là ăn bánh bèo ngọt của bà Tài, một bà chủ hàng chè có nhiều món chè ngon nổi tiếng ở chợ Hòa Hưng. Lâu lâu cô bé lại còn vòi vĩnh muốn ăn thêm món chè nhãn nhục, nhất là như ngày hôm nay, ngày mà Hà có nhiệm vụ đem tai mũi heo về nhà cho mạ.

Ăn uống xong, hai mạ con đi ra phía cửa chợ rồi mạ nắm tay con gái dắt qua đường vì những ngày giáp Tết đường sá xe cộ thật đông đúc. Khi qua bên kia đường rồi thì Hà chỉ có đi một hơi là về tới nhà. Bây giờ nghĩ lại Hà mới thấy sao mà tội nghiệp cho cái con bé Hà mười ba mười bốn tuổi ngày nào! Trong khi chị của Hà trắng trẻo cao ráo thì Hà lại thấp nhỏ. Người đã đẹt ngắt rồi mà da thì lại ngâm ngâm vì có bao giờ chịu đội nón đi học đâu. Vì vậy nên Hà cứ bị chọc là “con vịt đẹt”. Con vịt đẹt này đã không biết bao lần mơ ước được thành con thiên nga xinh đẹp như trong chuyện cổ tích mà chẳng có bà tiên nào chịu khó hiện ra giúp cho nó cả. Cũng may là nó cũng khá siêng năng làm việc nhà và chăm học nên cũng vớt vát được phần nào sự thua thiệt về nhan sắc khi so sánh với chị em của nó. Cũng vì siêng làm việc nên nó tự nguyện theo mạ đi chợ sáng nay. Người đã thấp nhỏ mà nó còn cố đi bộ và còn xách hai cái giỏ nặng trịch nữa chứ. Đi được một đoạn con bé dừng lại, thả hai cái giỏ xuống đất đứng thở một hồi rồi lại đi tiếp. Từ chợ về nhà không xa lắm mà con bé phải dừng lại để nghỉ xả hơi đến mấy lần. Mỗi lần nghỉ mệt xong, nó lại đổi cái giỏ từ bên phía này sang phía bên tay kia cho đỡ mỏi - không biết là nó có đỡ được chút nào không chứ hai cái giỏ thì cái nào cũng giống như nhau, cũng đầy tai heo với mũi heo!

Khi thấy bóng nó đứng trước cửa rào, chị nó mới chạy ra phụ xách giỏ thức ăn vào nhà. Hai chị em cùng nhau rửa mấy cái tai, mũi heo để một tí nữa mạ nó về sẽ bỏ lên bếp để luộc. Mỗi lần hai chị em Hà làm chung với nhau việc gì đó thì thế nào cũng có chuyện để mà cự nự. Chị nó thì hay làm qua loa cho xong, còn Hà thì kỹ tính hơn nên lần nào chị nó cũng giận đứng dậy bỏ đi chỗ khác, để cho nó ngồi lại một mình vừa làm vừa tức muốn khóc. Lần này cũng vậy, nó nghĩ trong bụng “Rõ ràng mạ dặn là phải chà muối cho thiệt kỹ thì thịt mới không bị hôi, lúc làm chả mới ngon mà sao chị mình không nghe lời mạ dặn chi hết!”

Hà thích nhất là phần cắt thịt. Hà thích nhìn những miếng thịt sạch sẽ, lát nào như lát nấy nên nó luôn giành phần việc này. Để một miếng đá mài dao bên cạnh, thỉnh thoảng nó cầm con dao liếc tới liếc lui trên miếng đá mài. Có lần bà o ngoài Huế vô Sài Gòn chơi, ghé thăm nhà nó. Nhìn nó liếc cây dao để cắt miếng thịt heo luộc sắp lên dĩa, bà gật gù:

- Con ni hắn nhỏ mà hắn giỏi ghê! Cắt thịt đều mà mỏng nữa. Thôi cho hắn ra Huế phụ với mấy o cắt thịt cho hàng bún bò hay phụ bán thịt ở chợ Đông Ba đi.

Mới đầu nghe tưởng bà o nói chơi, ai dè bà cứ nhắc đi nhắc lại mấy lần làm Hà nổi cáu lên cằn nhằn với bà:

- Con còn đi học, tự nhiên o nói “Cho hắn đi phụ cắt thịt bò, thịt heo ngoài chợ”. Con không chịu mô.

- Thì tại mi cắt thịt vừa mau vừa mỏng nên o mới nói như rứa. O nói chơi mà.

Tết năm Hà đang học lớp Mười Một thì có một tai nạn xảy ra khi mạ Hà đang làm chả thủ. Sau khi hoàn tất các việc như cắt thịt, xào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, gói chả... thì đến phần ép chả cho ráo mỡ. Mỗi năm mạ Hà hay trưng dụng hết những thứ mà mạ cho là đủ sức nặng để có thể đè lên mấy đòn chả, nên mấy tấm thớt, mấy cái ghế đòn đều được dùng, cộng thêm mấy tảng “tạp lô xi măng” mạ để dành khi sửa nhà lúc trước. Năm này thì có ai đó chỉ cho mạ dùng hai cái nẹp gỗ kẹp chặt hai đầu đòn chả rồi dùng dây nylon quấn chặt hai đầu thanh gỗ lại với nhau. Sau đó quấn thêm một lần nữa ở giữa thân của đòn chả rồi treo lên, ở bên dưới là một cái thau to để hứng nước mỡ chảy xuống, chứ không để những đòn chả trên nền nhà như kiểu xưa mạ vẫn hay làm. Khi thấy mạ làm như vậy cả nhà xuýt xoa khen ngợi, vì với cách này, chị em Hà không phải bò ra chùi nhà cho hết trơn trợt vì mỡ chảy ra tùm lum từ các đòn chả.

Ngày hôm sau đi học về vừa vào tới cửa bếp Hà hết hồn khi nhìn thấy mạ mình, đang đứng luộc nồi măng khô chuẩn bị cho món măng khô hầm giò heo, với gương mặt bầm tím như bị ai đó đấm vô mặt.

- Mạ! Răng mà mặt mạ bầm tím rứa?

Miệng thì hỏi mà trong lòng Hà hồi hộp chờ câu trả lời của mạ.

- Mạ bị bổ.

- Bị bổ? Bị bổ ở chỗ mô?

- Ở dưới nhà bếp túi qua.

- Răng mà con không biết nơi!

Mạ đưa tay lên rờ vào chỗ bầm tím trên mặt nói tiếp:

- Túi qua khi mấy đứa đi ngủ rồi, mạ đi xuống bếp ngó thấy mấy đòn chả thủ hắn ráo mỡ, mạ mới lấy xuống để đem đi cất. Mạ đạp vô cái đống mỡ ở ngoài sàn nhà rồi bị trợt, bổ xuống trúng vô cái lu nước uống.

- Trời!!! Mạ có đau không?

Phản xạ tự nhiên khiến Hà hỏi một câu thật thừa vì làm sao mà mạ không đau với nửa cái mặt bị bầm tím như vậy!

- Răng không đau. Đau chớ!

Mạ Hà gật đầu trả lời con.

- Khi mạ bị bổ, ba có biết không?

- Có. Khi nớ ba đang phụ để mấy đòn chả lên bàn.

Với nửa cái mặt bầm tím, coi như Tết năm đó mạ không dám ra khỏi nhà mà chỉ biết ngồi chờ bà con, bạn bè tới chúc Tết. Ai tới nhà Hà thấy mặt mạ bị bầm cũng hốt hoảng hỏi nguyên do. Suốt ba ngày Tết và mỗi ngày không biết bao nhiêu lần mạ đều bị hỏi thăm sức khỏe và mạ cũng đã phải trả lời không biết bao nhiêu lần. “Phải chi mạ thâu mấy câu hỏi và câu trả lời vào cái máy cassette thì chắc mạ đỡ tốn thời gian và tốn công để giải thích. Khi khách đến thăm, họ thắc mắc thì chỉ cần mở máy ra cho họ nghe là xong.” Hà nghĩ trong bụng.

Hình ảnh nửa gương mặt bầm tím của mạ vì trợt chân té khi làm chả thủ của cái Tết năm nào cứ ở mãi trong tâm trí của Hà, từ lúc Hà còn là một cô gái trẻ cho đến nay tóc cô đã ngả sang màu muối tiêu. Giờ đây mỗi lần Tết đến, nghe mạ sửa soạn làm chả thủ là Hà lo lắng trong bụng nhưng Hà biết có cản thì cũng như không, vì có làm chả trong những ngày Tết thì mạ mới thấy đó mới là những ngày Tết của mạ. Đó là niềm vui của mạ để mạ còn có những giây phút nhớ lại những cái Tết thuở xưa. Thỉnh thoảng Hà cũng cằn nhằn:

- Ăn ba cái thứ nớ coi chừng cholesterol đó mạ ơi. Ăn hoài coi chừng chết đó.

- Có ăn chi mô mà nói ăn hoài. Mỗi năm làm có một lần để đi biếu Tết cho cậu mợ Mỹ với mấy người sui gia, chớ có biết biếu cái chi nữa mô nà.

Thấy mạ phản ứng, Hà chỉ còn biết im lặng cho xong vì Hà biết đó là niềm vui còn sót lại trong đời của mạ. Hà chỉ còn biết dặn dò:

- Mạ chờ tụi con đi làm về rồi mới làm nghe mạ. Nhớ đừng có lui cui làm một mình ở nhà lỡ mạ bổ một cái như ngày xưa nữa là khổ lắm. Ngày xưa mạ bổ bị bầm mặt còn có ba bôi thuốc, bôi muối cho mạ. Còn chừ mà mạ bổ một cái nữa là khổ cho tụi con lắm đó mạ ơi.

Mạ Hà nghe con nhắc lại chuyện ngày xưa thì nhoẻn miệng cười. Nụ cười móm mém vì răng cái mất cái còn nhưng cũng làm cho gương mặt của mạ rạng rỡ lung linh hẳn ra. Nhất là khi nghe Hà nhắc tới ba, giọng mạ trầm xuống:

- Ba mi thích ăn chả thủ của mạ làm lắm. Năm mô gần tới Tết cũng nhắc mạ làm cho ba ăn.

Nhìn nét mặt mạ dịu hẳn đi khi nhắc tới ba, Hà nghe mắt mình cay cay vì Hà biết Hà mỗi năm Tết đến, chắc mạ nhớ ba lắm!

Minh Nghĩa 1/11/2011