Từ Hội Ngộ Sydney Đến Hội Ngộ Paris- Lệ Chi

Hôm nay là ngày mồng Hai Tết Dương Lịch. Sydney trời nắng ấm. Không gian yên tĩnh, tiếng chim líu lo ngoài vườn. Tôi vừa bước ra phòng tắm đã nói với ông xã:

- Hôm nay em làm văn sĩ nữa.

Ông xã tôi không biết có "chọc quê" tôi không, mà khi nghe tôi nói làm "văn sĩ" đã không ngăn cản mà còn nói:

- Sao không làm thơ?

- Làm thơ phải vần phải điệu và đúng luật. Không thì đọc kỳ lắm.Thôi viết văn cho chắc ăn, vả lại viết có sai thì còn có Ban Biên Tập giúp đỡ.

Thật ra ông xã tôi cũng có một thời gửi bài cho các tờ báo ở Sài Gòn lúc còn nhỏ ở Việt Nam cho nên anh khuyến khích tôi thật mà. Anh thường nhắc nhở tôi chơi lại đàn hoặc chơi ảnh nhưng mỗi khi tôi đòi viết văn như thế này chắc anh đang cười thầm trong bụng. Nhưng kệ đi, cả năm bận bịu lung tung, được vài ngày nghỉ ở nhà, phụ bài báo Xuân với các bạn. Viết được cái gì thì viết, viết cho vui với bạn bè chứ chuyện làm "văn sĩ" bất đắc dĩ này đối với các bạn trong Ban Biên Tập thì dễ dàng, còn đối với tôi sao khó quá?

Tôi không biết phải khởi đầu như thế nào?  Thôi để tôi kể các bạn nghe tại sao tôi bị cuốn vào chuyện hội ngộ ở Sydney hay Paris nhé. Chuyện gì phải có nhân duyên, cũng như nhân duyên mà thầy trò chúng ta gặp lại nhau ở nhóm Khoa Học Sài Gòn vậy.

Chắc các bạn còn nhớ những ngày trước và sau Đại Hội Khoa Học ở Cali 2008, đủ thứ chuyện xảy ra. Trong trí nhớ tôi không bao giờ quên được đôi mắt mệt mỏi cùng những lời quạu quọ của người trong Ban Tổ Chức năm đó. Cho nên khi đươc kêu tên làm kế tiếp, tôi đã trả lời "không dám" vì thật sự làm sao dám "xâm mình".  Vả lại dân Khoa Học ở Sydney thì không có bao nhiêu người.

Thế rồi những cơn bão ồ ạt đi qua, cuốn chúng tôi trôi đến ngôi nhà mới. Đất lành chim đậu, với website Khoahocsaigon.com, lúc đầu xây nó cực quá, nhất là phần load nhạc cho nên không dám nghĩ đến chuyện gì. Nào ngờ  một ngày, một email được gửi lên nhóm:

- Dụ Lệ Chi tổ chức họp mặt đi để tụi mình rủ nhau qua Úc quậy…

Câu nói của người đẹp, ca sĩ Khoa Học, Thanh Hằng ở Cali đã làm cho tôi tỉnh ngủ. Có phải Hằng đùa không? Dù là lời nói đùa nhưng người bạn này quá dễ thương, tôi cũng muốn mời Hằng và những người bạn dễ thương này đến quê hương thứ hai của mình. Quê hương tôi hiền lành lắm bạn ạ. Ở tận miền Nam Bán Cực, có những chú Kangaroo ngộ nghĩnh và Sydney với Opera House xinh đẹp.

Tuy nhiên chuyện không dễ dàng như tôi nghĩ vì không phải cái gì mình muốn cũng được đâu bạn ơi! Khi tôi hỏi ý kiến "boss" trong nhà. Anh như bị điện giật, phản ứng của anh làm tôi sửng sốt không ngờ. Giọng nói anh to gần như hét, rằng anh không đồng. Anh bảo tôi phải dẹp bỏ cái ý nghĩ này ngay lập tức và nói rằng tôi không thể làm được đâu, bộ không sợ nghe chửi sao?

 

Tôi đã bị cụt hứng và buồn quá các bạn ạ! Nghĩ cho cùng anh nói cũng quá đúng, điên hay sao mà đi vác ngà voi những chuyện này?  Người ta đông như thế và chỉ tổ chức nhà hàng còn lộn xộn lung tung. Mình thì ở xa xôi, không có người, phải tổ chức tour, hotel và đưa đón. Biết bao nhiêu lộn xộn sẽ xảy ra, ai mà biết được?

Tôi liền bàn với Châu Xuân Hùng và Vỹ "Khoa Trưởng", nói các bạn đứng ra nhận làm đầu tàu đi. Tôi sẽ ủng hộ hết mình ở phía sau, không ra mặt được vì ông xã không đồng ý. Vỹ sẽ đứng trên danh nghĩa của Ban Tổ Chức để gửi thư mời cho các bạn ở Việt Nam. Tuy nhiên không bao lâu sau, Vỹ đòi quảng cáo thêm ở những nhóm ngoài. Tôi biết Vỹ có ý tốt nhưng thật tình tôi nghe sợ quá, vừa nghe đã phản đối ngay vì lần này họp mặt này có đi tour, làm sao mà mình cho người ta đi tùm lum được? Nếu như trên xe bus mà có người tính tình kỳ cục thì cuộc vui sẽ tiêu luôn. Tôi nói với Ban Tổ Chức là tôi sẽ rút lui nếu các bạn  mời người ở nhóm ngoài. Thế là Vỹ và Hùng chịu nhường bước, không mời lung tung nữa và chúng tôi phải sửa chữ "Đại Hội" thành "Hội Ngộ". Lúc ấy tôi không còn cách nào hơn là phải ra mặt. Ông xã tôi đành phải chìu vợ nhưng lòng cứ lo âu.

Thế rồi những ngày họp mặt qua mau. Gia đình chúng tôi đón tiếp bạn cũ, gặp thầy cô, và bạn mới dễ thương quá ! Để lại nơi này đầy kỷ niệm, mỗi lần ngồi trên xe lửa đi qua Harbour Bridge, tôi nhớ bạn bè quay quắt, mới đó mà cũng đã hơn một năm.

Nếu các bạn hỏi tôi về kinh nghiệm và khó khăn của tôi trong việc tổ chức họp mặt ở Sydney thì thú thật nó không khó với tôi lắm. Vì hồi nhỏ, tôi có đi Hướng Đạo cho nên cũng quen với chuyện tổ chức hội hè. Phần có sở thích là đi du lịch cho nên tôi khá rành về chuyện đặt phòng ở khách sạn và đưa đón các bạn ở phi trường. Cái khó nhất là làm sao cho tour thật rẻ để các bạn mình khắp nơi có thể tham dự được. Tôi đã tốn khá nhiều thời gian để "nghiên cứu" chuyện này, và cũng phải tìm cách trả giá, để làm sao cho người ta nghe êm tai mà bớt tiền cho bạn bè nhờ.

 

Nói chung mọi việc diễn ra tốt đẹp. Phần đưa đón người ở phi trường được các anh ở Sydney như Bảo, Hoàng, Hương Nam, Quí, Nam Huấn, Trà, Tiền Lạc Quan... giúp đỡ. Văn nghệ thì có Nam Huấn, Minh Châu, Châu Xuân Hùng, Đinh Thanh Liêm và tất cả các bạn trong Ban Tổ Chức khắp nơi của nước Úc tụ về. Bác tài cho các xe bus phụ thì có Vỹ và Tiền Lạc Quan là có bằng lái. Vừa làm tài xế, vừa giúp vui cho mọi người còn gì bằng. Chúng tôi như sống lại những ngày còn trẻ ở mái trường Khoa Học.

Nhờ trời mọi việc diễn ra tốt đẹp và suông sẻ, đương nhiên có trục trặc nhưng không đáng kể như lời các bạn nói. Chúng tôi thật sự có những ngày vui. Tôi thì mệt thở không ra, vậy mà nụ cười vẫn không tắt? Thầy trò khắp nơi trên thế giới họp lại đi chơi Sydney, Gold Coast. Đâu đây vẫn còn rộn rã tiếng cười, tôi cám ơn các bạn lắm, đã để lại nơi này những kỷ niệm vui và tôi sẽ không bao giờ quên được...

"Dư âm Hội Ngộ Sydney vẫn còn đây mà bây giờ đã lo chuyện họp mặt ở Paris rồi."  Đó là thư của Võ Phi Hùng viết  cho tôi để trả lời là bạn có đi dự Hội Ngộ  Paris 2012 hay không. Đúng vậy đó các bạn, Sydney dường như chưa vào kỷ niệm thì lại đến Hội Ngộ Paris. Hôm nay nhìn lại thì khá gần rồi. Thời gian đúng là bay quá nhanh...

Tôi cũng không ngờ lần Hội Ngộ tới đây sẽ được tổ chức ở Paris và mình lại phải dính vào! Đây có phải là nhân duyên nữa không? Nếu thế thì xin lần này thôi nhé các bạn. Xin được đừng bao giờ có thêm lần thứ ba. Mấy tháng nay tôi không còn biết mình là ai và hình như trong cuộc đời tôi, chưa bao giờ tôi lại bận như thế? Ngay cả những mùa thi cử tôi cũng chưa bao giờ thức khuya đến như vậy. Nhất là cái đêm mua vé máy bay cho Aussie từ Poland bay trở lại Paris, tôi đã thức gần sáng. Thôi thì đã lỡ leo lưng cọp rồi thì phải rán nhe LC!

Tôi nói và than vậy đó các bạn nhưng lòng của tôi vui lắm, vì khi làm cái gì cho người khác vui thì mình cũng vui luôn phải không? Nếu có gì sơ sót thì chỉ mong các bạn thông cảm hơn và nói với nhau những câu dịu dàng, vì sức người cũng có hạn và nhân vô thập toàn. Được đi du lịch chung với đồng môn trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn, chắc chắn các bạn sẽ thấy thoải mái hơn khi đi du lịch với những tour ở ngoài và sẽ có kỷ niệm sâu đậm hơn với tình bạn Khoa Học.

Các bạn biết nguyên do gì có họp mặt ở Paris nữa không? Lần này thì cũng tại người đẹp Thanh Hằng nữa các bạn ạ. Mình có nên cám ơn Thanh Hằng không hay là đỗ lỗi cho Hằng vì Chi mệt quá Hằng ơi! Vì nếu như Thanh Hằng không gửi cái link hình của các anh chị của Hằng, trong nhóm bạn của Trường Y Khoa ở Sài Gòn năm xưa đi du lịch ở Paris, thì tôi cũng chẳng thích thú làm gì chuyện họp mặt ở Paris mà sẽ đi du lịch riêng với gia đình. 

Thật ra sau những ngày vui vẻ họp mặt ở Sydney, có bạn đã nghĩ đến cuộc vui kế tiếp ở Paris hay Sài Gòn rồi. Thanh Bình ở Sydney nói với tôi:

- Lệ Chi phụ với Paris đi để tụi mình đi chơi.

Tôi quý bạn lắm nên năn nỉ Long Ánh, Hồng Thư tổ chức Hội Ngộ ở Canada. Tuy nhiên thấy không xong, quay sang thầy Chí bên Pháp. Thầy Chí đã từng có kinh nghiệm tổ chức cho nhóm cựu sinh viên Trường Phú Thọ. Vậy mà thầy "nỡ nào" viết thư từ chối với lý do "xét thấy không đủ khả năng". Riêng tôi nghĩ “không đủ người thì đúng hơn”.

Tôi thất vọng khi nhận cái thư từ chối của thầy Chí, tính quên luôn rồi chuyện hội ngộ. Nhưng khi nhận thư của Thanh Hằng gửi hình các anh chị đi chơi, nhóm nhỏ tổ chức trên chiếc tàu, tôi bỗng nghĩ ra sao mình không làm thế nhỉ?  Nếu như ở Paris không ai đứng ra tổ chức thì mình rủ nhau đi chơi giống như các anh chị ấy. Thế là tôi điện thoại hỏi Liên Thu ở Melbourne.

- Mình tổ chức như thế có được không hả Liên Thu?

Thu trả lời:

- Ai cấm mình. Vì mình ở xứ tự do, có quyền đi chơi chứ phải không? Đâu phải đợi đến ngày có hội ngộ thì mới đi đưọc.

 

Tôi bèn mạnh dạn viết thư cho các thầy cô và các bạn ở Châu Âu: "Nếu các bạn không làm thì chúng tôi sẽ làm vậy". Một lời lịch sự xin phép vậy mà lại "chạm tự ái" của thầy Chí …hihihi…. Để Lệ Chi bên Úc mà làm hội ngộ ở Paris thì kỳ quá nên thầy Chí quyết định đứng ra tổ chức ở Paris nhưng với điều kiện là phải có sự cộng tác của tôi. Tôi đã chấp nhận ngay và nói:

- Thầy đừng lo, em ở xa nhưng có thể làm được, có phone và internet thì mọi chuyện sẽ OK.

Vả lại tôi nghĩ Paris còn có Lê Bình Phương và Thanh Hải, ca nhạc sĩ Khoa Học ở Paris thì lo gì.

 

Thế là thầy trò chúng tôi sắp đặt chương trình, tôi đã mời thêm thầy Lưu Thanh Lâm, thầy Nguyễn Hữu Tính cộng tác. Tội nghiệp các thầy ở xa quá, nhưng để cho Ban Tổ Chức thêm phần xôm tụ mà. Thầy Chí lo tìm nhà hàng cho đêm Hội Ngộ. Nhà hàng ở Paris sao đắt quá! Đúng là kinh thành ánh sáng Paris! Muốn tìm cái sân khấu rộng rất khó khăn vào những ngày cuối tháng 6. Họ đòi phải đặt cọc tiền sớm. Thầy Chí đi  đặt chỗ cho 150 người. Tôi nghe mà phát run:

- Thầy ơi, sao deposit nhiều quá? Làm gì đến 150 người mà sao thầy deposit như vậy? Cao lắm là 120 thôi.

Lúc ấy trong bụng tôi cũng đánh lô tô vì tôi nghĩ xa xôi bên Pháp này, biết ai mà đi đông? Thế mà chuyện lại không ngờ và ngoài sức tưởng tượng! Nó chẳng những đến 150 người, mà lên hơn gấp đôi. Số người ghi tên trên 360 người. Danh sách dài thấy sợ, dài đến nỗi mỗi lần load vào website rất khó khăn.

 

Đây là lần đầu tiên cựu sinh viên Khoa Học khắp nơi hội về kinh đô ánh sáng kinh thành Paris. Nó sẽ là buổi họp mặt thật long trọng, không như tôi nghĩ chỉ là một nhóm nhỏ như lúc ban đầu. Lần tụ họp này có sự hiện diện của quý Thầy Cô Trường Đại Học Khoa Học Sai Gòn, những nhà trí thức của miền Nam di tản ra nưóc ngoài, đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây có lẽ là cơ hội duy nhất để gặp lại nhau sau bao năm "viễn xứ" của các thầy cô. Ngoài các thầy cô tham dự đông đảo, các bạn đã từng qua Sydney bây giờ lại kéo gần hết đến Paris, làm tôi cảm động quá, có khi lại rủ cả gia đình. Tôi cám ơn các bạn lắm, cho nên rán chịu cực hơn chút nhe LC, bạn mình dễ thương lắm đó. 

Lần họp mặt này phải nói là tốn kém nhất vì đa số người tham dự từ phương xa đến. Khoa Học ở Paris thì đếm trên đầu ngón tay. Có rất nhiều người thích tham gia cuộc Hội Ngộ này, nhưng không thu xếp được. Có bạn nói với tôi Hội Ngộ Paris là "My dream". Đúng vậy, chúng tôi sẽ làm cho “Your dream come true”. Ngoài Paris nổi tiếng, bạn sẽ đến miền Nam nước Pháp với những bãi biển nổi tiếng của Tây. Chúng ta sẽ cùng nhau đi đến những nơi đẹp nhất của nước Ý cùng với thiên đàng Áo, Thụy Sĩ ... Rán giữ gìn sức khỏe bạn nhé. Chỉ còn 5, 6 tháng nữa thôi. Mình sẽ có dịp gặp nhau để tiếp nối những ngày vui.

 

Điều mà tôi ngạc nhiên nhất là lần này dân Khoa Học ở Aussie ghi tên đi dự Hội Ngộ Paris đông đến như vậy. Gần cả trăm người, "đạt kỷ lục" thật vì vì đường bay trên 20 tiếng và vé máy bay đến Âu Châu thì lại quá đắt. Người Việt mình ở Úc mình xem vậy mà giàu lắm, không phải "khoe của" hay "mèo khen mèo dài đuôi". Tôi thấy đa số họ trả dứt nợ nhà vì họ không được khai thuế về căn nhà mình sở hữu như bên Mỹ, cho nên làm bao nhiêu đều đắp vào nhà cho nhanh. Vì thế mà họ ít chịu đi du lịch, vả lại đi Châu Âu quá đắt, tốn cả chục ngàn như chơi. Thôi thì đi chung với nhóm Khoa Học vừa vui vừa rẻ, tội gì không đi phải không? Rán đi thêm các nước Ba Lan, Tiệp Khắc và Dubai vì đường xa thôi thì chịu chơi cho đến cùng.

Thôi chuyện kể còn dài lắm, các bạn theo tôi sẽ mệt đấy. Tôi cũng phải trở về công việc của tour đang dở dang. Phần khách sạn và xe bus đã tạm yên, nhưng chưa kiếm ra người quay video. Các vé vào cửa của các nơi tham quan cũng chưa xong và sổ sách kế toán vẫn còn đang dang dở... Hẹn với các bạn lần sau vậy…

Chúc các bạn và năm mới cùng gia đình luôn vui khỏe, bình yên và may mắn. 

 

       Lệ Chi 1/2/2012

Trang trước               Trở về đầu trang                Trang chính