Duyên Tiền Định - Vũ Lan Hoa

Mẹ nhíu đôi mắt khẽ liếc qua Tâm Đan, đôi môi son hồng của mẹ chợt dịu dàng ẩn một nụ cười:

-Gớm, bây giờ thì ra dáng thiếu nữ rồi!

Bố lên giọng trả lời mẹ :

- Hơn thế chứ, yểu điệu thục nữ...

- Thôi đi anh, đừng bắc cầu cho nó leo nữa... Cũng chỉ vì cái áo dài trắng này mà nó cãi lời...trông luộm thà, luộn thuộm!

- Con gái chỉ cần nó ngoan là tốt rồi, học trường Việt cũng có sao đâu!

Tâm Đan nhìn bố bằng đôi mắt trìu mến và biết ơn. Các anh chị lớn của cô bé đều học trường Tây. Tốt nghiệp trung học xong thì tất cả đã đi ngoại quốc du học, chỉ còn lại một mình Tâm Đan với những căn phòng trống vắng...

Cô bé thường ước mơ được mặc áo dài trắng đi học, và bây giờ cô bé đã là một trong đàn bướm trắng bay lượn trong khung trời hoa mộng của ngôi trường nữ trung học cổ kính.

Mùa thu mang lại cho không gian một thi vị bàng bạc cho dù thành phố không có nhiều cây cối trổ lá vàng. Dù vậy, những hàng cây sao trong sân trường cũng lác đác gieo rắc lá bay xuống đầy sân mỗi khi có làn gió lướt qua. Ánh nắng chiều chênh chếch chia đôi mầu sắc của những bức tường vôi tạo thành một khung cảnh tĩnh lặng trước giờ tan lớp.

Tâm Đan phác họa những hình ảnh ngoài sân vào trang giấy trắng và cất vội vào hộc bàn khi cô giáo đang bước xuống dãy lớp từ bục giảng. Tiếng kẻng báo giờ tan học phá tan sự yên tĩnh khi những tà áo trắng huyên náo ùa ra từ những lớp học như bầy chim vỡ tổ. Tâm Đan cũng theo giòng người túa ra cổng trường và ngồi vào chiếc xe nhà mà bác tài xế đã đợi sẵn hàng ngày.

Bức họa cảnh sân trường buổi chiều của Tâm Đan bỏ quên trong hộc bàn trong lớp đã được thay thế bằng một bức tranh khác, vẽ cảnh sân trường trong giờ ra chơi buổi sáng. Những tà áo trắng chụm năm, túm ba trong sân trường như lất phất nhẹ vờn bay theo gió thoảng, những suối tóc huyền như tơ óng dưới ánh nắng dịu của ban mai, những nụ cười hàm tiếu trên những khuôn mặt nữ sinh rạng rỡ làm Tâm Đan ngất ngây nhìn mãi bức tranh suốt buổi học. Ôi, bàn tay nào đã tạo cảnh nên thơ đến dường này! Người chị học lớp buổi sáng ngồi cùng bàn ơi! Chị là ai?

Nhẹ nhàng như một áng mây và thanh tú như giòng suối trên ngàn, chị đến với Tâm Đan mỗi buổi trưa vào lớp bằng những mảnh giấy xinh xinh gói gọn những câu chào hỏi dịu dàng... đơn giản mà thiết tha! Khi thì là một câu chuyện nhỏ kể lại những chuyện vui, buồn xảy ra trong lớp học. Khi thì là một bài thơ mộng mơ của một thiếu nữ lặng lẽ khép mình sau khung cửa. Khi thì là những ước muốn tung bay thật đam mê như cánh chim hải âu trong cảnh trời nước mênh mông...Và tất cả những "khi thì" như thế được Tâm Đan đáp lại bằng tất cả sự chiêm ngưỡng mến yêu. Chị hỡi, chị là ai? Hình dáng chị như thế nào trong nét chữ mảnh dẻ nghiêng nghiêng, trong những bức tranh sống động như thế này? Chị vẫn không hề nói về mình cho dù mảnh giấy nào cũng vẫn viết gửi Tâm Đan thân mến.

Bố vẫn bảo Tâm Đan ngoan nhất nhà và mẹ vẫn hài lòng với những số điểm trong học bạ mà cô bé mang về trình cho mẹ hàng tháng. Thế mà chả ai có thể ngờ rằng một buổi chiều, Tâm Đan trở nên bướng bỉnh vẩy mực vào áo dài trắng của đứa bạn đanh đá nhất trong lớp mà không thèm xin lỗi! Hạnh kiểm xấu như thế mà cô bé ra chừng không ân hận. Mẹ lại nhíu đôi lông mày bán nguyệt nhìn vào tờ giấy phạt hai giờ cấm túc và im lặng lắng nghe Tâm Đan bày tỏ sự hối lỗi với đôi mắt ánh lên một sự vui mừng bí mật.

Hai giờ cấm túc bị phạt ngồi trong phòng giám thị để sắp xếp lại hồ sơ, sổ sách văn phòng đối với Tâm Đan không có gì là khó. Nhưng làm cách nào chạy qua hành lang để đến lớp học trước giờ tan học của lớp sáng mà thoát được những cặp mắt kiểm soát của các bà giám thị mới là chuyện cần tính toán. Thế mà Tâm Đan đã làm được! Đứng nép mình vào cửa ra vào, Tâm Đan nghiêng người lén nhìn vào chỗ ngồi của mình mỗi buổi chiều. Một cảm giác bỡ ngỡ và xa lạ khi cô bé nhìn thấy vẻ đẹp kiêu kỳ của người thiếu nữ với từng lọn tóc óng ả cuộn dưới cái nơ xanh màu ngọc bích ôm gọn khuôn mặt đẹp như một búp bê bằng sứ trưng bày trong một cửa hàng pha lê sang trọng.

Tiếng chuông báo hiệu giờ tan học làm xôn xao cả ngôi trường. Người chị ngồi cùng bàn của Tâm Đan cũng theo các bạn bước ra từ lớp học. Cô bé vội vàng chạy theo níu tay người thiếu nữ ấy lại:

- Chị ơi, em là Tâm Đan ngồi bàn buổi chiều của chị đây.

- Xin lỗi... chắc em nhận lầm người rồi! Tôi đâu có rảnh thì giờ mà chơi những trò vớ vẩn đó chứ.

Tâm Đan đứng sững mãi trên hành lang... và rồi cũng chẳng biết tại sao sau buổi học đó, người chị dễ thương lớp sáng đã không còn gửi gì cho cô bé nữa.

Mẹ bảo rằng Tâm Đan đang nhuốm bệnh tương tư và bố cho là mẹ đã quá nhiều tưởng tượng. Nhưng điều thiếu vắng những mảnh giấy xinh xinh trong hộc bàn đã làm Tâm Đan ngã xuống giường mê man phát sốt mà không sao ngồi dậy được! Hình ảnh mơ hồ của một thiếu nữ với mái tóc dài, mảnh mai trong tà áo trắng luôn hiện ra trong cơn mơ khiến Tâm Đan không muốn thức dậy. Chập chờn trong giấc mộng, tiếng nói sắc lạnh đầy uy lực của mẹ đã làm cô bé phải gắng gượng, thu hết sức lực để đứng lên: "Nếu đi học mà lôi thôi như thế này thì bắt buộc phải đổi trường khác vậy!"

Tâm Đan trở lại trường và bị buộc đổi chỗ ngồi, thêm vào những thông báo về kỷ luật và sự kiểm soát gắt gao của giám thị được thi hành trong tất cả các lớp làm giao động mọi người. Đối với Tâm Đan cũng chẳng có gì đáng để ý vì người chị cùng bàn đã bước ra khỏi nếp sống của cô bé từ sau những ngày nhớ nhung trên giường bịnh, và ngoài những kỷ niệm trao đổi một thời đã được cô bé cất sâu trong ngăn tủ trong phòng riêng của mình. Bây giờ Tâm Đan chỉ muốn tìm được bình yên cho tâm hồn, quên đi những vướng mắc không thể nào giải thích được!

Mùa Xuân đầu tiên của ngưỡng cửa trung học đã qua đi không có gì đáng để nhớ, nhưng tâm hồn của Tâm Đoan như chững chạc hẳn ra. Những buổi học chăm chỉ để sửa soạn cho chương trình thi lên lớp khiến Tâm Đoan không còn thì giờ để nghĩ đến điều gì khác. Thỉnh thoảng rảnh rỗi trong giờ ra chơi, cô bé ngồi một mình trước trang giấy trắng, cầm cây viết chì trên tay tính vẽ nhưng lại thôi. Chẳng biết người chị buổi sáng bây giờ đang ngồi ở đâu trong lớp học này và trước khi những chuyện thay đổi xảy ra thì chị ấy có thật sự ngồi cùng chỗ với mình không? Hình ảnh kiêu kỳ và câu trả lời của người chị gặp hôm đi cấm túc cho Tâm Đan đoán chắc rằng đó không phải là người chị cùng bàn thật sự của mình. Ôi, Tâm Đan gục đầu xuống bàn che dấu những giọt nước mắt chợt rơi và tự nhủ lòng đừng nên nghĩ đến nữa vì dù có nghi vấn cũng không có cách nào giải đáp được! Chỉ còn vài tháng nữa là đến hè rồi, người chị bí mật kia sẽ rời trường sau năm học cuối và mọi chuyện cũng sẽ theo thời gian chìm vào quên lãng...

Chiều hôm ấy Tâm Đan hấp tấp chạy ngược lên hành lang trở lại lớp sau giờ tan học vì chợt nhớ đã để quên cuốn sách toán trong hộc bàn. Vừa đến cửa lớp thì chợt thấy dáng hai bà giám thị đang lui cui lục soát từng hộc bàn khiến cô bé vội vàng lùi lại nấp sau cánh cửa. Lời đối thoại của hai bà làm Tâm Đan bàng hoàng:

- Sách này của con bé ấy để quên đấy nhưng tôi xem rồi, không có cất dấu gì cả.

- Gớm, mẹ của nó khó khăn quá, chuyện cũng chẳng đáng gì mà bà ấy đến trường đòi đưa Tố Uyên ra Hội Đồng Kỷ Luật.

- Tội nghiệp, Tố Uyên làm trưởng lớp mấy năm liền thật ngoan. May mà mọi người xúm vào phân giải xin dùm cho mới được bà ấy tha cho! Con bé bị một mẻ sợ rạc cả người, khóc sưng cả mắt.

- Cô ơi, xin cho con được gặp chị Tố Uyên. Chỉ một lần mà thôi.

Tâm Đan đứng trước cửa lớp, khuôn mặt ràn rụa nước mắt ....

Hai mươi năm sau

Tâm Đan cùng chồng bước vào nhà trước sự reo mừng của cả đại gia đình! Năm nay tất cả các anh chị đều thu xếp để về ăn Tết cùng với nhau nên bố mẹ tổ chức đón Giao Thừa thật đầy đủ như ngày xưa ở quê nhà. Có bánh chưng, bánh dầy, dưa hấu, mứt hạt sen, mứt dừa và cả phong bì mừng tuổi cho con cháu.

- Chào cô chú mới đến ạ.

- Gớm, mới ngày nào chú còn làm bò cho cháu cưỡi vòng quanh nhà để tán cô mà bây giờ đã cao như thế rồi đấy! Hôm nay lại mặc áo dài nữa trông không khác như Tâm Đan hồi xưa nhỉ.

Tâm Đan nguýt chồng nhưng đôi mắt rạng rỡ :

- Dạo đó em tưởng anh thích baby nên mới chịu, để sau này anh làm Mr. Mom của con em, chứ biết anh vụng thay tã thì em đã hổng thèm !...

- Giời ơi, công anh theo em mòn không biết bao nhiêu vỏ bánh xe mà em lại không nhớ gì cả? Tính cái gì đâu không?

Ông anh cả của Tâm Đan từ dưới bếp bưng khay chả giò đặt trên bàn rồi quay lại cười xòa, trả lời cậu em rể :

- Cậu theo Tâm Đan thì thấm gì với chúng tôi. Gian khổ trần ai khoai củ... mới lấy được nhau đấy !

- Ai làm ra gian khổ thế nhỉ. Chị Tố Uyên khó đến thế cơ à?

Tâm Đan thúc vào tay chồng để ra hiệu mẹ đang ngồi nghe chuyện. Bố cười xòa giải thích :

- Mẹ chúng nó chứ ai! Còn đòi thưa con dâu ra Hội Đồng Kỷ Luật trường nữa đấy.

- Ai bảo chúng nó ngày đó cứ vớ vẩn thư từ với nhau rồi con bé Tâm Đan ốm suýt mất mạng đấy!

Tâm Đan ôm mẹ cười âu yếm bảo :

- Nhưng mẹ lại là ông tơ bà nguyệt cho anh chị phải không? Mẹ gửi thư kể lể chuyện cho anh con thế nào mà Hè năm ấy anh bay về thăm nhà ngay để tìm gặp cho bằng được cô nàng lãng mạn đó...

- Nào ai mà biết được lại xảy ra cớ sự như thế chứ?

- Thế bây giờ thì mẹ có hối hận không nào, có thương chị Tố Uyên không hở mẹ?

- Nó đền cho mẹ một bầy cháu như Tiên Đồng, Ngọc Nữ thế thì còn ghét làm sao được!

Cả nhà cùng quay về hướng chị Tố Uyên đang vén màn đi lên đồng thanh hét lên :

- Chúng mày liệu hồn, đứa nào bắt nạt con dâu trưởng của bà thì bà không để yên đâu nhá....

Mùa Xuân bắt đầu thật đáng yêu làm sao !

HHQ