Năm Rồng - Tìm Hiểu Sơ Lược Một Số Đặc Điểm Động Vật Học Của Rồng ... Tiền Lạc Quan

Năm Rồng

Tìm Hiểu Sơ Lược Một Số Đặc Điểm Động Vật Học Của Rồng

Tiền Lạc Quan

Rồng được mô tả trong nhiều nền văn hóa Tây Phương cũng như Đông Phương. Kinh điển các tôn giáo, những truyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, huyền thoại, v.v... mô tả nhiều loài rồng khác nhau. Trong kiến trúc Đông Phương, hình rồng được vẽ hoặc chạm trổ trên những bức tường, cột trụ, ... của những cung điện, đền đài, lăng tẩm, v.v... Ở các nước Tây Phương, hình tượng con rồng cũng là biểu tượng của quyền uy, sức mạnh, lòng dũng cảm, ... Người La Mã cổ đại coi rồng là nguồn kiến thức và dùng hình tượng rồng làm biểu tượng cho sự hùng mạnh của quân đội. Họ dùng hai biểu tượng rồng, một cho sự dũng cảm, anh hùng, một để làm quân địch khiếp đảm. Hình rồng cũng được vẽ trên cờ xí, chạm trổ trên những huy hiệu, gia huy của những lãnh chúa và những cái khiên của những hiệp sĩ Tây Phương thời xưa, ... Ở đầu các chiến thuyền của người Viking (bộ lạc người Scandinavia, định cư ở các vùng Bắc Âu và Tây Âu từ Thế Kỷ thứ 8 đến Thế Kỷ thứ 10) cũng có hình đầu rồng, những thuyền này được gọi là “drakkar” nghĩa là “thuyền rồng” (dragon ship).

3

1

2

4

1. Rồng Thyrus, biểu tượng của Thủ phủ tỉnh Terni, miền Trung Italy, cách Rome 104Km về phía Bắc

2. Huy hiệu của địa phận Czersk, Ba lan (Poland)

3. Welsh flag, Cờ của xứ Wales, Anh Quốc, có hình rồng Welsh: Rồng đỏ :”The Red Dragon”

4. Huy hiệu của vua Henry VII, Anh Quốc (1366-1413), có hình Rồng Welsh

Hình đầu rồng Draco của Quân Đoàn XXIV, quân đội La Mã (hình bên trái), được phục chế theo các mẫu đầu rồng

Draco Standards ở Mainz Museum, Germany và Segadunum Museum, Newcastle, England (hình giữa và bên phải) – (“Draco”, ngôn ngữ Latin có nghĩa là “rồng”)

Trừ loài Độc Long – rồng độc tượng trưng cho sự hung ác dữ tợn, rồng Đông Phương là một con thú thiêng liêng, một trong Tứ Linh – Long, Lân, Quy, Phụng, tượng trưng cho sự cao quý, quyền uy, trí huệ sáng suốt, uyên bác... Những chữ “long” hay “rồng” thường dùng để chỉ nhà vua hay những vật dụng của vua dùng, như long nhan: mặt rồng, ý nói nhà vua, long xa: xe của vua đi, long bào: áo của vua, long sàng: giường của vua, v.v...

Trái lại Rồng Tây Phương, hầu hết được coi là những quái vật (monsters) hại người, cần phải bị diệt trừ.

Nói chung rồng được mô tả là những con thú kỳ bí, huyền diệu, có những quyền lực phi thường ...

Mô tả và phân loại

a/- Mô tả

Thân mình

Hầu hết các chủng loại rồng có thân mình tương tự như các loài bò sát. Thân mình thường dài, tương tự như thân rắn, có vảy cứng bao phủ toàn thân từ đầu mũi cho đến chót đuôi. Tài liệu Draconika cho rằng Rồng Trung Hoa có tất cả 117 vảy. Lớp vảy có tác dụng như cái áo giáp bảo vệ rồng, do đó muốn giết rồng, như trong các truyện thần thoại, truyện cổ tích, ... phải đâm ngay cổ họng hoặc phía dưới bụng là những chỗ không có vảy che phủ.

Thân mình rồng có những bắp cơ to và mạnh, đầu và cổ to, thường có sừng và râu loại xúc tu (antenna).

Theo tài liệu Draconika, một số loài rồng Tây Phương trưởng thành có chiều dài thân mình đến 25m (85feet), chiều rộng sải cánh có thể đến 50m (170feet).

Hầu hết các loài rồng Tây Phương được vẽ trong những bức họa cổ, có kích thước khoảng 9m. Những truyền thuyết Hy Lạp và La Mã mô tả các loài rồng có thể có chiều dài thân mình đến 30m. Những loài “rắn có cánh” (Winged serpents) là những loài có kích thước nhỏ nhất, khoảng 3m. Những loài rồng có cánh như Wyverns và rồng Tây Phương (Western dragons) có chiều dài thân mình từ 3m đến 9m, tính từ đầu mũi đến chót đuôi, chiều rộng của sải cánh từ 4,5m đến 14m.

Wyvern

Hàm rồng to, mạnh, có những răng nọc bén nhọn. Lưỡi rồng có thể là loại chẻ dọc làm hai hoặc ba, bốn ở đầu lưỡi, như hình cái nỉa (forked tongue), tương tự như lưỡi các loài rắn.

Đuôi rồng thường ngoằn ngoèo, uốn khúc.

Chót đuôi có hai loại:

- chót đuôi nhọn hoặc có hình mũi giáo và có nọc độc như ở hầu hết các loài rồng Tây Phương

- chót đuôi xòe ra như cánh quạt ở một số loài rồng Đông Phương.

Tứ chi và cánh

Thường rồng được mô tả có 4 chân, một số có thêm 2 cánh trên lưng. Như vậy những chủng loại rồng có cánh có tới 6 chi: 4 chân và 2 cánh. Xương cánh phát triển ngược lên trên từ phía lưng. Khác với cánh chim và cánh dơi phát triển từ 2 chi trước. Còn cánh các loài côn trùng, là những động vật không xương sống (Invertebates), phát triển từ lớp vỏ ngoài (exoskeleton).

Bàn chân rồng có dạng tương tự như bàn chân các loài chim ưng, đại bàng, ... có móng vuốt bén nhọn.

Mắt rồng to, tròng mắt rộng, đồng tử thẳng đứng tương tự như mắt mèo. Tùy theo loài, tròng trắng mắt có màu vàng, xanh lục, cam, đỏ hoặc màu bạc. Mắt rồng được che chở bởi 4 mí mắt: mí mắt ngoài cùng là một lớp da dày và cứng, mí mắt trong cùng là một màng mỏng trong suốt che chở cho mắt không bị hư hại khi rồng bay với tốc độ cao trong khi mắt vẫn mở to, 2 mí mắt ở giữa có thể nhắm lại khi có những tia sáng chớp lóe đột ngột.

Màu sắc

Rồng có nhiều màu sắc tùy chủng loại, có loại có thể biến đổi màu sắc, tương tự như các loài kỳ nhông (chameleon).

b/- Phân loại

Ghi chú: Vì chưa tìm thấy tài liệu có tên các loài rồng đã được dịch sang tiếng Việt, nên người viết xin chép lại một số tên các loài rồng bằng tiếng Anh từ những tài liệu tham khảo dùng cho bài viết này.

Phân loại theo Động Vật Học

Dựa theo một số đặc điểm mô tả ở phần trên, rồng có thể được xếp vào Lớp Bò Sát – Reptilia

- Giới: Động Vật – Animalia

- Ngành: Động Vật có xương sống – Vertebrata

- Lớp: Bò Sát – Reptilia

- Nhóm Criptics (theo môn “Động Vật Học Huyền Bí”, xin xem phần “Những môn học về rồng” ở đoạn chót).

Nhiều loài động vật thuộc Lớp Bò Sát có tên thông thường là “dragon”, dịch sang tiếng Việt là “rồng”. Hầu hết là những loài nhông thuộc Họ Agamidae, Bộ Squamata (gồm cắc ké, kỳ đà, kỳ nhông, nhông, rắn, thằn lằn, ...). Trong số đó có thể kể loài rồng Komodo (Varanus komodoensis), thuộc Họ Varanidae, Bộ Squamata, sinh sống tại Indonesia.

Phân loại theo kinh điển Phật giáo

Rồng thuộc Cõi Rồng, hạng chúng sinh đứng thứ hai sau Cõi Trời, thuộc Thiên Long Bát Bộ, gồm 8 loại chúng sinh: Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La và Ma Hầu La Dà.

Cõi rồng tiếng Phạn (Sanskrit) là Nāga, phiên âm tiếng Việt là Na-già. Các loài rồng trong cõi này có thân rắn, tương tự như rắn hổ mang cobra.

Cõi Rồng gồm có các vị Long Vương (vua Rồng) và Long chúng (cũng tương tự như dân chúng).

Có tất cả 4 loại rồng:

- Thủ Thiên Cung Long, gọi tắt là Thiên Long: Rồng ở cõi trời, giữ gìn cung điện của chư Thiên

- Hành Võ Long: Rồng làm mưa, lại được phân ra làm 2 loại:

. Thiện Long: Rồng lành làm mưa thuận gió hòa

. Ác Long: Rồng dữ, làm sái thời tiết, làm mưa to gió lớn, gây lụt lội, thiên tai

- Địa Long: Rồng ở sâu dưới đất, đào hầm, khoét hang, làm đất lún thành sông, hồ, biển cả, ... (Cần phân biệt loại rồng này với “địa long” là con giun hay con trùn đất)

- Phục Tàng Long: Rồng gìn giữ kho tạng của vua Chuyển Luân Vương (Tchakravartia – vị vua dùng Chánh Pháp và Pháp Lý để cai trị dân) và của những nhà có phúc đức lớn.

Tượng Đức Phật thiền định có rồng che mưa nắng

(Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ)

Rồng có hình tướng tương tự như loài rắn hồ mang cobra

(King Cobra - Ophiophagus hannah)

Phân loại theo sự phân bố địa lý

1- Rồng Á Châu – Rồng Đông Phương (Eastern dragons):

Rồng Đông Phương (Estern dragon)

Chinese dragon

Loài rồng quen thuộc với người Việt chúng ta.

Có truyền thuyết “Cá hóa long” cho rằng rồng do một loài cá chép vượt vũ môn hóa thành.

Các loài rồng Đông Phương có 4 chân và thường không có cánh. Chỉ có Ứng Long là loài có cánh. Thường rồng có bờm trên lưng, riêng rồng Tây Tạng không có bờm.

Tuy không có cánh nhưng các loài rồng Đông Phương bay được nhờ một bọc khí ở đầu rồng, có thể phồng to, tương tự như cái bong bóng bay (có lẽ loại gas trong bọc khí này là loại gas nhẹ hơn không khí, như hydrogen hay helium !). Các bức họa vẽ hình rồng Đông Phương thường có vẽ thêm một trái châu đang cháy cùng những đám mây cho thấy rồng đang bay trong mây.

Theo các tác giả Ceran, Moseley và Skwarek trong quyển Dragon World, rồng Trung Hoa (Chinese dragons) gồm nhiều loài: những loài hùng mạnh nhất gồm Thiên Long (Celestial dragons) bảo vệ các vị Thần Thánh, cung điện trên trời, Thần Long (Spiritual dragons) làm mây, mưa, gió bão và điều hòa thời tiết, Địa Long (Earth dragons), kiểm soát, điều hòa sông ngòi và Phục Long (Underworld dragons), giữ gìn những báu vật, vàng bạc châu báu, ... Cách phân loại rồng này cũng tương tự như cách phân loại rồng theo kinh điển Phật giáo.

Trong số các loài rồng Đông Phương, Hoàng Long (Yellow dragons – Rồng vàng) được cho rằng là loài có nhiều quyền năng nhất. Bàn chân phải có nắm giữ một viên Ngọc Châu Trí Huệ (Pearl of Wisdom) là nguồn năng lực cho rồng. Thường viên ngọc châu được mang ở cằm, dưới những lớp vảy da nơi cổ.

Cũng theo các tác giả trên, rồng Trung Hoa có 5 móng, rồng Triều Tiên (Hàn Quốc) có 4 móng và rồng Nhật Bản có 3 móng. Nhưng ở Trung Hoa và Việt Nam, trong các bức chạm trổ hay các bức họa, chỉ có nhà vua mới được vẽ hình rồng có 5 móng, các vị quan trong triều đình hay những vị có chức sắc được vẽ hình rồng có 4 móng, còn các vị trưởng giả hoặc dân chúng chỉ được vẽ hình rồng có 3 móng (tuy nhiên, người viết mới tìm thấy tài liệu Draconika có đề cập đến điều này, cần tìm thêm tài liệu kiểm chứng).

Cũng theo tài liệu Draconika, rồng Trung Hoa có 9 loại (trong số đó có một vài loại đã được liệt kê ở 2 đoạn trên):

. Thiên Long: Rồng ở trên trời (Celestial dragons): bảo vệ các cung điện nhà trời.

. Thần Long (Spiritual dragons): điều hòa mưa gió, thời tiết.

. Phục Tàng Long (Dragons of Hidden Treasures): loài rồng canh gác, gìn giữ kho tàng và báu vật, gồm những châu báu có tự nhiên và những báu vật nhân tạo. Người ta cho rằng khi núi lửa hoạt động là khi loài rồng này vụt ra khỏi lòng đất để bay lên trời.

. Địa Long (Underground dragons): loài rồng sống dưới lòng đất, cai quản sông ngòi. Có truyền thuyết cho rằng Địa Long là rồng cái, chúng chỉ bay khi cần giao phối với Thần Long là loài rồng đực.

. Ứng Long (Winged dragons): là loài rồng cổ nhất trong các loài rồng Đông Phương. Đây là loài rồng Đông Phương duy nhất có cánh. Tương truyền Ứng Long đã có nhiều trợ giúp đắc lực cho vua Hoàng Đế (năm 2697-2598 trước Công Nguyên).

. Cầu Long (Horned dragons): được xem là loài rồng hùng mạnh nhất.

. Bàn Long (Coiling dragons): loài rồng sống ở những ao hồ, đầm lầy, ...

. Hoàng Long (Yellow dragons): là biểu tượng cho kiến thức, sự thông minh uyên bác. Tương truyền Hoàng Long phát xuất từ sông Lạc Hà, một nhánh sông đổ vào sông Hoàng Hà, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Hoa, đã truyền dạy cho vua Phục Hy chữ viết (khoảng năm 2800 trước Công Nguyên).

. Long Vương (Dragon Kings): cai quản bốn biển Đông, Tây, Nam, Bắc.

Dựa trên màu sắc, rồng Đông Phương còn có nhiều loại: Thương Long – rồng xám, Thanh Long – rồng xanh, Hoàng Long – rồng vàng, Kim Long – rồng màu vàng kim, Hắc Long – rồng đen, Bạch Long – rồng trắng, Xích Long – rồng đỏ, Tử Long – rồng tím, ...

Lại còn có nhiều loại rồng phân biệt theo cá tính như: Quai Long – khôn lanh, Bàn Long – loại rồng nằm chờ thời, Si Long – rồng si mê, ngốc nghếch, Hỏa Long – nóng nảy, Độc Long – rồng độc hung ác, ... Về hình dáng có Đà Long, Giao Long, Phan Long – rồng sống dưới đất, Long Mã – rồng bay như ngựa bay, ...

2- Rồng Âu Châu (European dragons) – Rồng Tây Phương (Western Dragons):

Gồm các loài Amphipteres, Firedrakes, Lyndworms (có tài liệu viết “Lindworms”), Wyrms, Lambton Wyrm, Wyverns (có tài liệu viết “Wiverns”), Serpent dragons và Whale dragons.

Bộ sách Dragonology lại phân loại và mô tả các chủng loại rồng Tây Phương như sau:

. Rồng Âu Châu (European dragons): bộ da màu xanh lục, có vảy.

. Frost dragons: bộ da màu sáng, có phủ một lớp băng giá.

. Knuckers: bộ da tương tự như da rắn, màu xanh lục, có vảy, không có cánh nhưng có vết tích của cánh.

. Marsupial dragons: thân mình tương tự như con kangaroo ở Úc Châu, bộ da màu xanh lục, có vảy.

Hầu hết rồng Tây Phương đều có 4 chân và 2 cánh, tất cả đều biết bay.

Rồng Tây Phương thường được mô tả chỉ có một màu duy nhất, tuy có một số loài được mô tả là có nhiều màu, tương tự như nhiều loài cắc ké hiện nay, có loại có thể biến đổi màu sắc tương tự như các loài kỳ nhông (chameleon).

Lyndworms, Wyrms: Những loài rồng có thân mình như thân rắn, thân mình có thể rất dài, hai bàn chân trước có móng bén nhọn và có nọc độc, hàm có nhiều răng nanh bén nhọn.

Wyverns: Loài rồng đầu rắn, có cánh, cánh tương tự như cánh dơi, ở đầu mỗi cánh có móng vuốt to lớn, bén nhọn. Trên lưng, cổ và đuôi có nhiều ngạnh hay gai nhọn có nọc độc. Chỉ có 2 chân, bàn chân có móng vuốt bén nhọn tương tự như móng vuốt các loài chim ưng, đại bàng, ..., có thể phun nọc độc.

Còn có loại Sea-wyverns sống dưới biển, có đuôi giống như đuôi cá, thay vì đuôi có gai như những loại wyverns khác.

Lại cũng có những loài rồng “theo trí tưởng tượng hiện đại” (Modern Fantasy), hình tướng tương tự như những loài rồng Tây Phương trong các truyện cổ tích, được phân loại theo màu sắc: Rồng đen (Black dragons), Rồng đỏ (Red dragons), Rồng xanh dương (Blue dragons), Rồng xanh lục (Green dragons), Rồng trắng (White dragons), ... Lại còn các loài Metallic dragons (Rồng có những màu bạc chiếu sáng), gồm Brass dragons, Bronze dragons, Copper dragons, Gold dragons, Silver dragons, ... Mỗi loại có những đặc điểm, cá tính và môi trường sinh sống khác nhau. (Theo Draconica http://www.draconika.com/types.php , http://www.draconika.com/types/metallic.php).

Brass dragon

Gold dragon

Copper dragon

Bronze dragon

Silver dragon

Metallic dragons

Pictures from http://www.draconika.com/types/metallic.php

3- Rồng Bắc Mỹ (North America): Amphipteres, Piasa, Quetzalcoatl, Serpent dragons và Whale dragons

4- Rồng Nam Mỹ (South America): Amphipteres, Serpent dragons và Whale dragons

5- Rồng Phi Châu (Africa): Amphipteres, Serpent dragons và Whale dragons

6- Rồng Úc Châu (Australia): Serpent dragons và Whale dragons

Riêng Châu Đại Dương (Antarctica), không thấy tài liệu nói về các chủng loại rồng sống tại đây. Có lẽ vì xưa nay Châu này không có người sinh sống, hơn nữa điều kiện khí hậu và môi trường nước biển quá lạnh đối với loài rồng.

Theo như trên, loài Serpent dragons và Whale dragons xuất hiện trên khắp năm châu. Kế đến là các loài Amphipteres, được mô tả ở Mỹ Châu, Âu Châu và Phi Châu, không có ở Á Châu và Úc Châu.

Amphipteres và Serpent dragons:

Rồng Amphitere

Chủng loại rồng Amphiteres thường có thân rắn bao phủ bởi một lớp vảy như vảy rắn hoặc có bộ lông vũ tương tự như lông chim. Có loài có đầu như đầu rồng. Thường không có chân nhưng có 2 hoặc 4 cánh. Cánh có khi là cánh da tương tự như cánh dơi hoặc cánh có lông vũ như lông chim.

Chiều dài thân mình rồng Amphiteres khoảng 3m, nhiều loài có thể phát triển đến hơn 12m.

Chúng sinh sống trong các lùm cây, thường xa lánh loài người, con mồi là những động vật nhỏ.

Nhiều truyền thuyết và truyện cổ tích của các dân tộc Phi Châu, các nước Trung Đông và Mỹ Châu có mô tả loài “rắn bay” (flying serpents) Amphipteres này.

Tượng Nữ Thần Mertseger – Ai Cập

Nữ Thần Mertseger (có tài liệu viết “Meretseger”) là vị Nữ Thần Rồng Amphiptere thời Ai Cập cổ đại, gìn giữ các lăng mộ của các vị vua Pharaohs trong khu vực Valley of Kings. Hình tướng vị Nữ Thần này tương tự như loài rắn hổ mang cobra, thân có vảy như vảy rắn, nhưng có hai cánh có lông vũ như lông chim bóng mượt. Có truyền thuyết cho rằng vị Nữ Thần này có thân hình rắn và đầu là đầu một người phụ nữ.

Thần Rồng Quetzalcoatl

Ở Mexico, khoảng 2000 năm trước, dân tộc người Maya có thờ vị Thần Quetzalcoatl, một vị Thần Rồng có thân rắn (Serpent dragon), thân mình có lông vũ như lông chim bao phủ. Lông trên lưng và đuôi màu xanh lá cây, sáng bóng, bộ lông đuôi dài và đẹp. Phần bụng và ngực cũng có lông vũ màu đỏ sáng chói. Thần Quetzalcoatl ăn thịt những kẻ thù địch gây hại cho dân tộc Maya để bảo vệ cho dân tộc này.

Ngày nay, ở Illinois, Hoa Kỳ, còn có bức vẽ loài rồng Piasa trên vách đá. Loài rồng Piasa, cũng có liên hệ họ hàng với rồng Amphiptere, là một loại rắn bay, được mô tả trong các truyền thuyết của các bộ lạc thổ dân Mỹ Châu từ hơn 500 năm trước.

Whale dragons, thân hình cũng tương tự như loài cá voi (whale), có vi, sống ở các đại dương khắp năm châu.

Môi trường sinh sống

Người xưa có câu:

Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh

Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh

Nghĩa là: Núi không cần phải cao, miễn là có tiên ở thì sẽ trở nên danh tiếng. Nước không nhất thiết phải sâu thẳm, miễn có rồng ở tất phải linh hiển.

Theo kinh điển Phật giáo, cảnh giới loài Rồng ở đáy nước, đáy các sông hồ, đáy biển, hoặc trên mặt nước, có các cung điện gọi là Long Cung, là nơi ngự trị của các Long Vương, tức vua Rồng.

Vậy từ xưa người ta cho rằng rồng sống trong môi trường nước: biển khơi, sông ngòi, ao hồ, đầm lầy rộng lớn.

Loài rắn biển American sea serpent được nhìn thấy năm 1639 tại Cape Ann, Massachusetts, Hoa Kỳ

Tượng rắn nước Ogopogo hồ Okanagan tại Kelowna, British Columbia

http://en.wikipedia.org/wiki/Ogopogo

Có lẽ rồng được loài người mô tả đầu tiên là những loài rắn biển (sea serpents). Có lẽ những loài rắn này cũng tương tự như loài rắn biển Mỹ (American sea serpent) được người ta nhìn thấy năm 1639 tại Cape Ann, Massachusetts, Hoa Kỳ, và loài rắn Ogopogo, “lake demon” mà có người cho rằng đã nhìn thấy tận mắt năm 1860 tại hồ Okanagan, thuộc British Columbia.

Các truyện cổ tích Tây Phương cũng cho thấy rồng sống trong môi trường nước. Nhiều truyện tích kể rằng rồng sống ở những nơi hoang vắng, chiếm cứ các hang động tăm tối, ẩm ướt, cách biệt hẳn loài người.

Nhưng tài liệu Draconika cho rằng cũng có nhiều loài rồng Tây Phương sinh sống ở các vùng sa mạc hoặc thảo nguyên khô cằn nóng bỏng, như các loài Blue dragons, Brass dragons, ... có cả những loài sống trong núi lửa như Red dragons...

Thức ăn của rồng

Hình như rất ít tài liệu cho biết rồng Đông Phương săn bắt những con mồi gì. Theo quyển Dragon World, con mồi rất được một loài rồng Đông Phương ưa chuộng là voi con mới sinh. Do đó, khi voi sắp sinh, voi đực có nhiệm vụ canh giữ. Với thị giác và thính giác rất nhạy cảm, rồng bay đến đánh nhau với voi đực để giành con voi mới sinh. Sau khi đánh thắng voi đực, rồng nuốt chửng con voi này. Nhờ vậy con voi mới sinh cùng mẹ chạy thoát an toàn. Phải 3 năm sau rồng mới tiêu hóa hết con voi đã nuốt, xương voi được nhả bỏ.

Nhiều truyện cổ tích Tây Phương kể rằng rồng (rồng Tây Phương) săn bắt bất cứ động vật nào: chim, chuột, rắn, dơi, kể cả loài người, nhất là trẻ con. Rồng có thể phun lửa làm cháy hoặc phun hơi lạnh làm đông lạnh con mồi. Một con rồng đang giận dữ có thể phun một cầu lửa xa đến 8m, làm thiêu rụi tất cả. Đặc điểm này cũng tương tự như loài rắn hổ mang cobra, có thể phun nọc độc trúng chính xác vào mắt một con mồi xa đến 2,5m, làm con mồi mù mắt và rất đau đớn.

Sinh sản

Chưa thấy tài liệu mô tả rồng đực và rồng cái khác nhau thế nào, hoặc đề cập đến chu kỳ và mùa sinh sản của rồng. Có lẽ những đặc điểm sinh sản của rồng cũng tương tự như ở các loài bò sát.

Có lẽ chưa ai thấy trứng rồng bao giờ. Nhưng qua ca dao và nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích, ... thì loài rồng đẻ trứng.

Trứng rồng lại nở ra rồng

Liu điu lại nở ra dòng liu điu.

Theo sự tích Con Rồng Cháu Tiên thì dân tộc Việt Nam chúng ta thuộc dòng dõi Rồng Tiên. Cha là Lạc Long Quân, dòng dõi Rồng, mẹ là Âu Cơ, dòng dõi Thần Tiên. Sinh được 100 trứng nở ra 100 người con. Theo đó, nếu Rồng kết hợp với Tiên thì có thể sinh sản mỗi lần đến 100 trứng!

Kích thước và màu sắc trứng rồng tùy thuộc chủng loại rồng. Thường trứng có màu sắc tương tự như màu da của rồng mẹ.

Theo tài liệu Draconika, kích thước trứng một số loài rồng có thể từ 30cm đến 120cm (1-4feet), đường kính trứng khoảng phân nửa chiều dài, từ 15cm đến 60cm.

Theo các tác giả Ceran, Moseley và Skwarek trong quyển Dragon World trứng rồng thuộc loại trứng vỏ da, vỏ trứng dày và rất cứng, khác với loại trứng vỏ vôi như trứng loài chim và các loài bò sát khác như rắn, kỳ đà, cắc ké, cá sấu, v.v... Nhưng trong quyển này, không thấy nói rõ loài rồng mỗi lần đẻ bao nhiêu trứng. Thường trứng rồng chỉ có một màu và rải rác có những đốm màu khác nhau. Riêng trứng các loài rồng Trung Hoa có nhiều màu sắc rực rỡ và trứng sáng bóng rất đẹp như những viên ngọc.

Cũng theo các tác giả này, ở hầu hết các loài rồng, thời gian ấp trứng từ 6 đến 9 tháng, riêng loài rồng Trung Hoa (Chinese dragons), thời gian ấp trứng phải hơn 1000 năm! Sau khi trứng nở, loài rồng Trung Hoa trải qua nhiều giai đoạn biến thái tương tự như các loài thuộc Lớp Lưỡng Thế (Amphibia – cóc, nhái, ếch, ...). Sau khi nở, rồng con có dạng như những loài rắn nước. Đến 1000 năm tuổi, thân mình chúng mới bắt đầu có vảy như vảy cá. Đến 1500 năm thì tứ chi bắt đầu phát triển. Từ 1500 năm đến 2000 năm tuổi sừng (tương tự như gạc các loài hươu nai) mới bắt đầu mọc. Sau 2000 năm tuổi các lớp vảy sẽ tróc đi. Cho đến 3000 năm tuổi cánh mới bắt đầu phát triển. Từ đó hình dạng rồng trưởng thành sẽ không biến đổi nữa. Tuổi thọ của rồng Trung Hoa có thể đến hơn 4000 năm.

Kết luận

Mặc dù có thể cho rằng các chủng loài rồng đã được mô tả do sự tưởng tượng của con người, nhưng những đặc điểm của chúng về mặt Động Vật Học (Zoology) hay Cơ Thể Học (Anatomy) rất giống những đặc điểm của các động vật thuộc Lớp Bò Sát, nhất là các loài khủng long (dinosaurs) đã bị diệt chủng và một số loài rắn như rắn hổ mang cobra. Thí dụ một số đặc điểm loài rồng Âu Châu Wyvern cũng gần giống những đặc điểm của giống thằn lằn bay Pterosaur thời tiền sử đã bị tuyệt chủng cách đây khoảng 65 triệu năm: có 4 chi, hai chi trước phát triển thành 2 cánh.

Thằn lằn bay Pterosaur

Tương tự như khủng long, có lẽ các chủng loại rồng cũng đã từng có mặt trên quả địa cầu vào thời tiền sử, hằng triệu năm trước khi loài người xuất hiện, nhưng đã bị tuyệt chủng. Những chủng loại rồng được mô tả trong kinh điển các tôn giáo, truyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, huyền thoại, ... có thể là một số loài khủng long chưa bị tuyệt chủng, còn tồn tại từ thời tiền sử, như trường hợp các loài cá sấu hay loài rồng Komodo (Komodo dragon - Varanus komodoensis) ở Indonesia, hoặc do con người tưởng tượng và mô tả từ những bộ xương hóa thạch của các loài khủng long được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới.

Rồng Komodo – Indonesia

(Varanus komodoensis)

Có thể rồng là không chỉ là loài thú được mô tả theo trí tưởng tượng của con người, mà là những động vật có thật ?

Những môn học về rồng

Cryptozoology – xin tạm dịch là “Động Vật Học Huyền Bí” (xin tạm dùng chữ “huyền bí” để dịch chữ “crypto”, tương tự như môn “Khoa Học Huyền Bí” – Crypto-Science) nhằm mô tả và nghiên cứu những “cryptics” là những động vật được mô tả trong kinh điển các tôn giáo, truyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, huyền thoại, v.v... và những loài động vật mà người ta cho rằng đã nhìn thấy tận mắt khắp nơi trên thế giới, từ thời thượng cổ cho đến nay.

Dragonology – xin tạm dịch là “Long Học”: mô tả và nghiên cứu rồng về mặt cơ thể học (Dragon Anatomy).

Dragonology là tựa đề một bộ sách mô tả các chủng loài rồng trên thế giới, mô tả chi tiết về cơ thể học (Anatomy) của rồng, trình bày những mẫu vảy và da rồng, đề cập đến các phương pháp dùng để kêu gọi và thâu bắt rồng, cũng như tìm hiểu những điều huyền bí và ngôn ngữ loài rồng.

· Dragonology: The Complete Book of Dragons by Dr. Ernest Drake, editor Dugald A. Steer, ISBN 1-84011-503-3

· The Dragonology Handbook - a Practical Course in Dragons by Dr. Ernest Drake, editor Dugald A. Steer, ISBN 1-84011-523-8

· The Dragonology Chronicles: The Dragon's Eye by Dugald Steer, ISBN 1840115335

Một số tài liệu tham khảo chính

Sách

Ceran, Milivoj, Moseley Keith, Skwarek, Skip (2007) Dragon World.

The Five Mile Press Pty Ltd., Victoria, Australia

Cogger, Harold G. (2000) Reptiles & Amphibians of Australia.

Reed New Holland –New Holland Publishers (Australia) Pty Ltd.

Websites

Dragons

http://en.wikipedia.org/wiki/Dragonology

Draconika

http://www.draconika.com/what.php

http://www.draconika.com/anatomy.php

http://www.draconika.com/history.php

http://www.draconika.com/culture.php

http://www.draconika.com/cultures/western.php

http://www.draconika.com/types.php