Những Ngày Tết Xưa Của Tý - Minh Nghĩa

Vừa thấy anh mình mở cánh cửa rào, leo lên ghế chuẩn bị treo phong pháo là thằng Tý đã chực chạy tuôn ra đường. Nó khựng lại ở bậc thềm nhìn qua nhìn lại coi có ai để ý đến mình không. Con xóm nhỏ im ắng vì còn gần nửa tiếng nữa mới tới giờ Giao Thừa nên nhà nào nhà nấy vẫn còn đóng cửa để lo chuẩn bị sắp xếp bàn thờ. Anh nó kéo tay nó vào, nhanh tay khép cánh cửa rào lại rồi kêu nó phụ khiêng cái bàn salon từ phòng khách ra giữa sân. Chị Hồng đem bình bông và cái ly đựng gạo dùng để cắm nhang cúng đặt lên bàn. Tý nhìn vào nhà, ba đã thay bộ áo quần tươm tất để chuẩn bị cúng Giao Thừa. Mấy chị gái người bưng chè, bưng xôi, kẻ thì khệ nệ khiêng dĩa trái cây ra sân. Mạ cầm bó nhang thơm trên tay, vẻ hớn hở hiện rõ trên gương mặt. Ba ở trong nhà nói vói ra:

- Còn 15 phút nữa mới tới Giao Thừa.

Mạ nó tiếp lời:

- Tý, một xí nữa nhớ mở hết cửa cho ông bà vô nhà nghe con.

Thằng Tý nghe mạ dặn thì gật đầu dạ thật to nhưng nó nghĩ lại thì thấy hơi kỳ kỳ. Nghĩ cũng lạ, ông bà đi hay đến có ai thấy đâu? Nó nghe nói là ông bà không có đi như người thường mà họ bay lơ lửng trên không, muốn đáp xuống đất lúc nào thì đáp giống như máy bay trực thăng, có đóng cửa ông bà cũng vô nhà được. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng Tý cũng nhanh nhẩu chạy ra mở cửa rào thật lẹ để một chút nữa nó chuồn đi lượm pháo cho dễ. Hôm nay nó mở luôn cả hai cánh cửa rào mà không sợ ăn trộm vào khiêng mâm cúng như cái bữa mạ cúng rằm tháng Chạp.

Nhớ lần mạ thằng Tý cúng rằm tháng Chạp, đã khóa cửa rào lại rồi mà ăn trộm cũng leo qua tường, nhảy xuống sân nhà nó bưng hết cả mâm cúng, chỉ chừa lại có bình bông và ly nhang! Mấy hôm trước chị Hà lãnh tiền thưởng Tết nên chị ghé chợ mua mấy xấp vải thun màu xanh da trời về cho ba nó may màn cửa mới chuẩn bị ăn Tết. May xong mấy tấm màn mới, chị nó treo lên cái cửa lớn và hai cái cửa sổ rồi chống tay lên cằm ngồi ngắm. Cả nhà ai cũng gật gù khen đẹp làm chị nó khoái nở cả mũi. Thường thì khi cúng rằm không khi nào mạ đóng cửa. Lần đó vì muốn khoe cái màn mới, chị nó bày đặt đóng cửa rồi còn kéo màn lại nữa. Dè đâu kẻ gian đi ngang qua nhà thấy cửa thì đóng kín mà màn thì kéo lại, cơ hội ngàn năm một thuở, ngon ăn quá nên nhảy vô sân hốt trọn mâm cúng rằm. Khi nhang gần tàn, chị nó hé màn nhìn qua khung cửa kiếng thì hỡi ơi mấy chén chè, mấy dĩa xôi đậu xanh cùng với mâm trái cây đã không cánh mà bay!

Nghe tiếng pháo nổ đì đùng từ nhà hàng xóm, Tý hối anh đốt pháo. Anh nó nhíu mày nói:

- Cái thằng ni! Chưa tới Giao Thừa mà cứ hối hoài. Còn tới 5 phút nữa lận.

- Cái ông hàng xóm ni thiệt! Năm mô cũng đốt pháo trước Giao Thừa. Mình phải đợi đài truyền hình thông báo thì mới đúng giờ chớ.

Khi cô xướng ngôn viên đài truyền hình vừa cất tiếng chính thức thông báo đã đến giờ Giao Thừa, anh nó cầm cái hộp quẹt bước ra sân châm ngòi pháo. Tiếng pháo nổ dòn tan. Cả nhà túa ra sân đứng nhìn. Pháo nổ nghe đã thiệt, nổ cho tới viên cuối cùng. Tiếng pháo vừa dứt, mấy anh em nó vỗ tay reo, ba mạ mặt mày vui vẻ:

- Hên quá, năm ni pháo nổ giòn không có viên mô bị lép là nhà mình may lắm đó.

Anh nó chen vào kể công:

- Nhờ con đem pháo ra phơi nắng hai ba bữa ni đó ba.

Pháo nổ giòn là hên, nhưng năm ngoái pháo nhà nó nổ cũng giòn lắm mà ba mạ của nó bị tai nạn phải vào nhà thương ngay chiều mùng Hai Tết. Trưa mùng Một, khi ba nó đang đứng tiễn khách ngoài sân thì nghe vụt một tiếng, có vật gì màu đen rớt xuống đất ngay bên cạnh chậu kiểng mai chiếu thủy. Thì ra con chim đen thui không biết từ đâu bay ngang, rớt xuống ngay sân nhà. Mạ nó mặt mày thất sắc:

- Chao ơi! Xui rồi! Tự nhiên mà chim hắn sa xuống là có điềm xấu đó.

Bị ám ảnh bởi hình ảnh con chim sa xuống sân nhà ngay ngày đầu năm, mạ nó căn dặn cả nhà cẩn thận, hạn chế đi chơi ngoài đường vì sợ xe cộ. Mạ còn kỹ lưỡng tới mức không dám cho ba nó chở đi coi hội hoa xuân cây cảnh ở vườn Tao Đàn, mà đòi nằng nặc phải đi bằng xích lô cho an toàn. Đi xích lô cũng phải lựa người tuổi trung trung một chút, nhất định không chọn người đạp xe trẻ, sợ nó đạp xe chạy nhanh, sợ nó thích lạng lách nguy hiểm. Trên đường về, chỉ còn có vài phút nữa là tới nhà, không biết từ đâu một chiếc xe Honda trờ tới, vọt qua mặt chiếc xích lô. Cái đuôi xe Honda móc vào càng xe xích lô kéo chiếc xích lô chạy một đoạn dài. Ông xích lô bất ngờ không kịp thắng làm chiếc xe mất thăng bằng lật nhào. Hai người khách bay ra khỏi xe té ụp xuống đường. Mạ nó đầu bị đập xuống đường, còn ba nó thì tay chân trầy trụa máu. Mạ nó bị bệnh tăng xông nên khi té xuống thì ngất đi làm ông xích lô hết hồn. Ba nó quên cả đau, quýnh quáng kêu taxi chở mạ nó đi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy.

Tiếng pháo nhà thằng Tý chưa dứt thì phía xóm trong pháo thi nhau nổ vang rền làm sáng rực cả một góc trời. Mọi người đổ xô ra đường đứng nhìn những phong pháo lóe sáng cùng với những tiếng nổ vang dội inh tai. Quay tới quay lui một hồi thằng Tý đã chạy lọt vào xóm trong. Chị nó chạy tới phía đầu xóm ngó vào thì thấy Tý cùng với những đứa trẻ trong xóm đang lúi húi nhặt những viên pháo rơi. Chị nó chưa kịp kêu em về nhà thì thằng em đã lủi theo mấy đứa bạn chạy lên khu nhà ngói ở xóm trên rồi!

Khi tiếng pháo chào mừng năm mới gần tàn, chỉ còn rải rác đâu đó vài tiếng nổ lẻ tẻ, chị em nhà nó kéo nhau vào nhà đóng cửa lại, mới hay là thiếu mặt thằng em trai! Biết tìm thằng em ở đâu bây giờ? Đầu năm đầu tháng không lẽ đi lang thang ngoài đường kiếm em mình? Thôi kệ, đi lượm pháo một hồi nó cũng về nhà kêu cửa mà. Ăn hết mấy chén chè, ngồi coi TV hết chương trình ca nhạc "Mừng Xuân Mới" cũng chưa thấy thằng Tý về, chị nó đành phải tắt đèn đi ngủ mà lòng lo lắng phập phồng, không biết giờ này thằng em của mình đang ở đâu? Không biết nó có biết khôn đi theo bạn về nhà xin ngủ nhờ qua đêm không? Mà nếu nó theo bạn về nhà thì không biết người ta có cho nó ngủ lại nhà vào ngày đầu năm hay không?

Gần sáng, vừa thức dậy bà chị nhìn ra cửa thì thấy thằng em đã đứng sẵn ở ngoài hàng rào, hai tay ôm một bụm pháo, mặt mày hốc hác vì suốt đêm không ngủ. Tuy giận trong bụng nhưng khi thấy em mình đã về tới nhà, chị nó mừng nên không dám la em, nhất là ngày đầu năm phải kiêng cử không thì xui cả năm. Năm đó coi như thằng Tý là người khách đầu tiên đặt chân vào nhà, nó là người xông đất cho nhà mình. Chị Hồng của nó bực lắm vì chị đã đặt cọc người đến xông đất để mong rằng mình sẽ gặp được may mắn, ăn nên làm ra hơn những năm cũ. Ai dè đâu thằng em này làm tiêu tan hy vọng của bà chị! Người ta nói con nít xông đất cũng tốt, cũng hên nên chị nó tạm nguôi ngoai cơn bực tức. Cũng may là năm đó nhà thằng Tý không hên mà cũng không xui.

Tết năm sau, chị thằng Tý phải dặn nó không được chạy đi lượm pháo nữa. Đêm Giao Thừa, chị nó đứng cạnh bên nó và không quên nắm tay em thật chặt như sợ nó vuột đi mất. Hai chị của nó còn kêu thêm cô em út đứng gần thằng em để coi chừng phụ với mình. Mỗi lần cô em út vừa thấy anh mình rục rịch, nhón gót chuẩn bị đi thì kêu lên báo động. Thằng Tý đành đứng lại trước nhà, nhìn mấy đứa bạn cùng xóm chạy tới chạy lui lượm pháo trước ngõ nhà của mình mà cặp giò bồn chồn muốn bước đi. Khi chạy ngang qua mặt Tý, một thằng bạn dừng lại:

- Ê, Tý…đi lượm pháo với tụi tao…

Tý xoay người lại nhìn chị mình rồi lắc đầu, tiếc rẻ nhìn theo đám bạn đang chạy về phía khu nhà ngói ở xóm trên. Khi tiếng pháo tạm ngưng, nhà chuẩn bị đóng cửa đi ngủ thì thằng em trai cũng biến đi theo tiếng pháo.

Trong suốt mấy năm trời, thằng Tý luôn là người xông đất đầu năm cho gia đình hắn. Năm nào mà hên, làm ăn thuận buồm xuôi mái thì không sao, còn năm nào có chuyện không vui hay làm ăn trật vuột chị nó bực bội, lầm bầm:

- Cũng tại thằng Tý. Đã dặn ở nhà rồi mà năm mô hắn cũng ham đi lượm pháo cả đêm, tới ba bốn giờ sáng mới về tới nhà rồi đạp đất vô nhà …

Hai năm trước cũng vì cái tội ham đốt pháo mà nó làm cho mạ nó bị một phen hoảng kinh hồn vía. Chiều 28 Tết mạ nó đi Chợ Lớn mua hàng hóa để dành ra Giêng kiếm tí tiền lời mua gạo củi thêm cho gia đình. Vừa về tới nhà chưa kịp uống nước thì có tiếng con nít kêu hốt hoảng ngoài cửa:

- Bác Nhơn ơi, thằng Tý bị Công An bắt rồi!

Mạ nó nghe vậy nhảy vội ra sân. Thằng Cu Đen, bạn chí thân của Tý đang đứng trước cửa rào, mặt mày tái xanh, thở hổn hển nói:

- Thằng Tý bị Công An bắt rồi!

- Răng rứa? Răng mà bị bắt?

- Dạ, nó đốt pháo rồi thảy vô văn phòng của Công An nên người ta bắt nhốt rồi.

- Trời ơi! Khổ quá!!!

Mạ nó vừa sợ vừa lo kêu chị nó đi theo, hai mạ con hối hả tới văn phòng Công An phường của nó đang ở. Tới nơi, thằng con đang đứng ở một góc trong văn phòng Công An phường, mặt mày tái mét. Thì ra đám con nít không biết mua pháo ở đâu kéo nhau tới cái sân bên hông trụ sở Công An, đốt pháo rồi thách nhau thảy pháo vô văn phòng của người ta. Đang ngồi họp cuối năm, nghe tiếng pháo nổ bên tai, giật mình họ đứng lên chạy túa ra sân. Gặp đám con nít đang đứng nhe răng ra cười, tức mình quá họ chạy tới kéo mấy thằng bé lại. Đứa nào nhanh chân thì chạy thoát, còn lại ba đứa, trong đó có thằng Tý, đang đứng gần nhất, bị điệu vào văn phòng. Mạ nó phải ngồi nghe giảng huấn và làm giấy cam kết coi chừng con, không để cho nó tái phạm nữa. Mạ con dắt nhau về nhà mà hú hồn.

Thằng Tý giờ đây đã là một người đàn ông trung niên điềm đạm, có gia đình con cái đàng hoàng. Nó đã bỏ cái chuyện đi lượm pháo từ lâu mà lo chăm chỉ học hành. Nhìn nó bây giờ không ai có thể đoán được hồi nhỏ nó tinh nghịch đến như vậy! Thỉnh thoảng nó cũng nhớ đến chuyện đi lượm pháo đêm Giao Thừa khi còn bé, nhất là chuyện bị tóm đầu, xém bị nhốt vì nghịch pháo ngày nào. Mỗi lần chị em nó nhắc lại chuyện ngày xưa, nó cười khì khì:

- Công nhận hồi nớ vui thiệt. Tết mô cũng đi lượm pháo về đốt tới mấy ngày mới hết. Đã thiệt!

- Rứa chớ Tý có nhớ tới chuyện Tý đốt pháo rồi đôi vô văn phòng Công An lúc họ đang họp không? Chị nó hỏi.

- Nhớ chớ. Mà đâu phải mình em làm mô. Có mấy anh lớn nữa. Lúc đó em còn nhỏ đâu có biết chi mô, chỉ thấy vui quá xá… Chừ mỗi khi Tết đến, em thấy buồn buồn nhớ nhớ làm sao đâu… Nhớ ngày xưa …

Minh Nghĩa 12 / 2011