Tản Mạn Houston ... Cao Văn Trung

Tôi đã nghe nhiều lần ngôn từ “Độc Thân Tại Chỗ”, nhưng chưa bao giờ thắc mắc về ý nghĩa của bốn từ này kịp, đến khi mang trên vai mình bốn chữ “Độc Thân Tại Chỗ” khi lần đầu tiên về Houston, Texas.

Trong đêm Hội Ngộ 5 tháng 9 năm 2010 tại Houston, nhân kỷ niệm mười năm thành lập Chi Hội Texas của Hội Cựu Học Sinh Châu Văn Tiếp, nhiều thầy và cựu học sinh khắp nơi về tham dự. Phái đoàn Nam Bắc California khoảng 20 người. Trong phần giới thiệu thành phần tham dự, tôi được MC Kim Loan giới thiệu, người đến từ Nam California, kèm theo bốn từ “Độc Thân Tại Chỗ”. Thật là bất ngờ đối với tôi. Kể từ đó, tâm trí tôi cứ quanh quẩn bởi bốn từ này. Tại sao gọi là độc thân tại chỗ? Tại chỗ này thì độc thân, còn nơi khác thì sao? Hoặc là để phân biệt người độc thân là những người chưa lập gia đình với những người “độc thân tại chỗ” là những người đã có gia đình, nhưng vì lý do hoặc chia tay hoặc ly biệt với người bạn đời. Hoặc là những người có gia đình nhưng lại đi một mình nên đưọc gọi là “độc thân tại chỗ”. Tôi lại nghĩ phải chăng “Tại Chỗ” tương đương với một cụm từ bắt đầu bằng một giới từ trong tiếng Anh - prepositional phrase - “On The Spot”. “On The Spot, I Am Single”, hoặc ngắn gọn hơn “Single On The Spot”. Tuy nhiên “Tại Chỗ” lại không diễn đạt hết ý nghĩa của “On The Spot” vì “On The Spot” bao hàm ý nghĩa của cả không gian lẫn thời gian - tại nơi đây và vào lúc này. Tôi lại không theo học ngành khoa học nhân văn và xã hội, vì thế kiến thức chắc chắn còn hạn chế. Thắc mắc vẫn còn đó và câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.

Kế tiếp, Kim Loan giới thiệu thêm một nữ Châu Văn Tiếp của vùng Houston - Mỹ Châu - độc thân tại chỗ. Tôi chờ đợi Kim Loan giới thiệu tiếp những người cùng cảnh ngộ của Mỹ Châu và tôi, vì tôi biết trong khán phòng còn có sự hiện diện của những người cùng hoàn cảnh. Nhưng không biết vì lý do gì chỉ có hai chúng tôi được giới thiệu. Thế còn chị Kim Hường, rồi Mỹ Dung, Mỹ Phúc và cả Kim Loan nữa thì sao? Một điều khá thú vị, những người cùng cảnh ngộ được chia đều cho Boston- Mỹ Dung, Mỹ Hạnh, Houston - Mỹ Châu, Kim Loan và Nam California - chị Kim Hường và tôi. Tôi xin phép gọi năm vị nữ lưu này là “Ngũ Long Trong Đêm Hội Ngộ Houston”: Kim Hưòng, Kim Loan, Mỹ Dung, Mỹ Phúc và Mỹ Châu. Một điều đáng nói thêm là sự mất mát của sáu chúng tôi lại chia đều làm hai nhóm với hai lý do hoàn toàn khác nhau, chia tay người bạn đời hoặc người bạn đời đã vĩnh viễn không còn nữa.

Tôi thiển nghĩ, đối với Ngũ Long và tôi, mang trên vai bốn chữ “Độc Thân Tại Chỗ” là mang những kỷ niệm buồn bởi những mất mát hạnh phúc trong cuộc sống, dù hoàn cảnh đưa đến những mất mát có khác nhau, hoặc biệt ly hoặc chia tay. Con thuyền hạnh phúc đang trôi phẳng lặng trên dòng đời bởi đôi mái chèo nhịp nhàng bất chấp đôi khi gặp những con sóng nhỏ, hoặc đôi khi hai mái chèo lại chèo ngược nhau. Nhưng không sao, dù có chèo ngược hoặc gặp những cơn sóng nhỏ thì đó chỉ là những nét chấm phá của toàn bức tranh cuôc sống, làm cho cuộc sống lứa đôi thêm phần phong phú. Vợ chồng nào lại không có những giây phút giận hờn đáng yêu, nhưng chẳng qua đó chỉ là những cơn gió thoảng và đó cũng chính là hạnh phúc của cuộc sống lứa đôi. Nhưng bỗng dưng một ngày nào đó, bất hạnh lại đổ ập xuống khi một mái chèo gãy đôi hoặc ngưng chèo và rời bỏ con thuyền hạnh phúc, để lại một mái chèo bơ vơ chống chọi với những cơn sóng vỗ mạn thuyền làm cho con thuyền đơn độc thêm tròng trành, nhất là mái chèo đó lại là một chân yếu tay mềm. Trong sự mất mát và đổ vỡ, người phụ nữ Việt Nam truyền thống là những người vợ, người mẹ luôn chịu nhiều thiệt thòi, lại đôi khi hứng chịu những cái nhìn khá hẹp hòi, tiếng thị phi bất công của xã hội vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của luân lý Khổng Mạnh. Đối với tôi, không có người vợ và người mẹ hoàn hảo, chỉ có người vợ, người mẹ lo cho gia đình, nuôi dạy con hoàn hảo mà thôi. Người phụ nữ Việt Nam truyền thống là những người vợ, người mẹ luôn tròn bổn phận đối với gia đình, với chồng con, chớ không phải là người mà phải “phu tử tòng tử” như quan niệm cổ hủ khi xưa. Trong khi đó mấy ai ghi nhận và cảm thông được người vợ, người mẹ lại bỗng nhiên giữ thêm một vai trò mới mà thậm chí trước đây chưa từng nghĩ tới, vai trò trụ cột gia đình của người chồng, người cha ngoài vai trò của ngưòi vợ, người mẹ đang đảm đang.

Mẹ có bao giờ để cho con rời khỏi tổ ấm gia đình vì đã quen ấp ủ con từ thuở con mới lọt lòng. Chính vì thế mẹ luôn hy sinh và nhẫn nhục vì con, chỉ mong con khôn lớn và nên người mà không bao giờ nghĩ riêng cho bản thân mình. Một trách nhiệm tưởng như quá sức chịu đựng trên đôi vai gầy, dù sức chiụ đựng của người phụ nữ luôn dẻo dai và vượt trội nam giới. Nhưng đến khi con đủ lông cánh bay đi thì mẹ lại hụt hẫng, cô đơn. Ngay cả những người mẹ có đầy đủ hạnh phúc bên chồng, bên các con mà còn rơi nước mắt khi con rời tổ ấm gia đình, huống chi những người mẹ đơn độc. Tôi đương cử hai sự việc xảy ra trong gia đình tôi. Một hôm, trong bữa cơm, con gái chúng tôi - Khánh Vân - sau lễ cưới, xin phép ba mẹ theo chồng về San Francisco sống, vói lý do rất chính đáng vì con rể chúng tôi -Thiên Chương - đang còn tiếp tục việc học tại San Francisco. Đang cười nói vui vẻ, nhà tôi - Mỹ Lan - liền buông đũa và lặng lẽ vào phòng nằm khóc. Tôi phải khuyên nhủ nhà tôi rằng mình không thể nào sống mãi bên cạnh các con. Em hãy vui vì con đã có hạnh phúc riêng như chúng ta đang có, và em hãy mừng vì con đã trưởng thành và có thể tự lo liệu cho bản thân, lo cho gia đình riêng. Nước mắt luôn chảy xuôi chớ có bao giờ chảy ngược đâu em à. Sự việc thứ hai xảy ra trong những ngày Mỹ Lan nằm bệnh viện. Con trai chúng tôi - Lê Huỳnh - từ New York về thăm và chăm sóc mẹ. Nhưng rồi con cũng phải đến ngày trở lại New York tiếp tục học hành. Khi con từ giã mẹ ra đi, Mỹ Lan không nói lời nào mà lấy mền trùm kín mặt vì không dám nhìn con ra đi, dù chỉ ra đi tạm thời vì con còn có ngày trở về. Nhưng không ngờ rằng đó là lần thấy mặt con lần cuối cùng của Mỹ Lan. Thế mới biết lòng thương con của các bà mẹ Việt Nam như thế nào.

Mẹ thương con biển hồ lai láng” (ca dao)

Sự nhẫn nhục, chịu đựng luôn là phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam truyền thống vì họ luôn biết rằng:

Nhẫn một chút gió lặng sóng yên

Lùi một bước trời cao biển rộng” (sưu tầm)

Tôi luôn tin tưởng dù đơn độc với con thuyền, Ngũ Long cũng như những người vợ, người mẹ đơn độc sẽ vững mái chèo, giữ con thuyền thẳng tiến trên dòng đời để đi suốt phần đời còn lại. Và tôi ước vọng một ngày nào đó, biết đâu các bạn tôi lại có thêm một mái chèo mới tiếp sức ở một bến nước trong và thuyền lại về bến đỗ. Đó cũng là lẽ thường tình và hợp đạo lý trong cuộc sống hiện nay.

Dĩ vãng là những gì đã đi qua, không nhìn thấy và nắm bắt được, còn tương lai thì bất định, cũng không tiên đoán được. Vậy chỉ còn hiện tại là quan trọng. Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta đi tới còn vấp ngã, huống chi chúng ta vừa đi tới vừa nhìn lại phía sau. Vết thương nào rồi cũng sẽ lành theo thời gian dù đó là chấn thương tinh thần và tình cảm. Chúng ta không chối bỏ dĩ vãng, không quên quá khứ, vì không có dĩ vãng thì làm sao có được hiện tại. Nhưng có lẽ chúng ta rồi phải xếp lại dĩ vãng đau thương, cố quên đi những kỷ niệm buồn và chỉ chắt lọc để giữ lại những dĩ vãng, những kỷ niệm đẹp để cuộc sống hiện tại có ý nghĩa hơn.

Riêng tôi, những ngày ở Houston đã đem đến cho tôi niềm hy vọng và niềm tin vào cuộc sống, vì trước đây tôi bị khủng hoảng và mất phương hướng trong sự mất mát vô cùng lớn lao của mình. Tôi gặp lại người thân, bạn học của những ngày xa xưa và lại có thêm một người bạn mới mà lần đầu gặp gỡ nhưng tưởng như thân quen từ thuở nào. Âu đó chính là những cái phúc mà tôi có được vì đối với tôi “Phúc Như Đông Hải Trường Lưu Thủy” (sưu tầm). Tôi cũng mong Ngũ Long nói riêng và những người vợ, những người mẹ đơn độc nói chung có những cái phúc riêng cho mình, có nhiều hy vọng và có những buớc đi vững chãi trong cuộc sống hiện tại.

Cao Văn Trung

2/2011