Mùa Xuân Trên Sông ... Nguyễn Chánh Trung

Sờ vào túi áo lần nữa, biết chắc cặp kính cận còn trong đó, tôi xách giỏ đệm trên tay, đứng lên cẩn thận theo người đi trước, bước lên những tấm gỗ trơn ướt trên khoang đò, xuống bờ đất đá lem nhem ven bến sông. Mới những ngày đầu tháng Chạp mà mặt trời đã xuống sớm. Con đường lầy lội từ bến xe về nhà cô Tư không xa nhưng không đeo kính nên tôi đi thật chậm, nhìn từng căn nhà để chắc là mình đi đúng đường. Rẽ qua con hẻm vào nhà thì trời bắt đầu nhá nhem. Ánh sáng nhợt nhạt của bóng đèn néon treo lửng dưới mái hiên tự dưng rực rỡ. Đến nhà rồi!

Đeo kính vào, biết chắc là đúng nhà, tôi bấm chuông. Tiếng người con gái với khuôn mặt thân quen xuất hiện ngay ngưỡng cửa. Người con gái đưa tay đón cái giỏ đệm trên tay tôi, nói tôi đi rửa mặt cho tỉnh táo rồi đi ăn cơm, rằng cô Tư không có nhà nên không phải lo đi chào cô. Tôi bước theo nàng ra nhà bếp mà cũng là nhà ăn. Nghe tiếng Tím, mấy con heo ngoài sân lên tiếng ủn ỉn. Nàng cầm cái gáo múc nước cho tôi rửa mặt, rửa tay ngay bên sàn nước. Vừa lúc có tiếng xe gắn máy, nhà bếp có cửa thông ra hàng hiên bên hông cũng là chỗ để xe gắn máy, Tím nói chị Lan và Nga vừa về tới, nàng quày quả bước đi mở cửa. Hai người con gái đẩy chiếc xe Honda vào trong, người trước người sau, hai chiếc bóng quấn dưới ánh đèn đêm.

Tím đặt mâm cơm trên bàn. Chị Lan và Nga kéo ghế ngồi đối diện với tôi trong khi Tím còn đứng bên cạnh. Tím nói chị Lan và Nga để tôi ăn cơm trước rồi mới nói chuyện. Chị Lan đứng lên đi vào nhà trong, nói sẽ ra ngay. Nga vẫn ngồi đó. Tím nói cho Nga biết là tôi có mang quà xuống cho Nga. Nói xong nàng bước vào nhà trong, chắc là đi lấy món quà từ trong giỏ tôi mang xuống.

Bữa cơm thật ngon, dưới ánh mắt chăm chút của ba người con gái. Cô Tư có bốn người con, cậu Út chưa tới mười tuổi, phải đi ngủ sớm. Cậu Út Tuấn được sinh ra không lâu thì chú Tư bị tử thương khi đem thuốc tây xuống Năm Căn giao cho đồng đội của chú, đội đặc công VC. Dân chợ biết chú là VC, nhưng thương cô góa bụa phải nuôi bốn đứa con nên giúp đỡ gia đình nhiều thứ. Vài năm sau 75, gia đình cô được công nhận là gia đình liệt sĩ. Nhờ tháo vát, biết chút ít về Tây Y, cô Tư xoay qua nuôi heo, chữa bệnh cho trâu bò, gia cầm. Nhanh chóng gầy dựng được số vốn, cô xoay ra buôn bán – cô lên Sài Gòn mua hàng, mang về Cà Mau bán lại cho tiểu thương. Ai cần gì cô mang về cái đó. Mấy lúc sau này, Tím bắt đầu giúp cô mua bán, thu tiền. Những lần lên Sài Gòn, tôi chở nàng đi mua hàng quanh vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ban đêm nhà cô Tư vẫn còn có chút yên bình của miền quê sông nước, ban ngày rất ồn ào vì nằm giữa chợ, không xa con sông Đốc. Mỗi lần về dưới này, tôi ngại nhất là ánh mắt thương cảm của cô Tư, của chị Lan, và của Tím. Lần này, những ngày cận Tết chắc sẽ không gặp cô Tư như những lần trước.

***

Sáng sớm vừa thấy tôi bước ra khỏi phòng, Tím lo gọi cà phê, quà sáng. Tôi định kéo ghế ra gần cửa, nhìn cái nhộn nhịp của phố chợ ven sông, nhưng Tím cản lại. Nàng lo “thiên hạ” để ý. Chị Lan chở Tuấn đi đâu từ sớm. Nga còn ngủ, thôi thì một mình uống cà phê, ăn tô bún trong bếp vậy.

Tím từ ngoài bước vào, hỏi tôi khi nào lên đường. Tôi trả lời là sáng hôm sau. Tím nói là sẽ bàn với chị Lan tối nay cả ba sẽ đi uống cà phê nghe nhạc.

Sau bữa cơm trưa với cả nhà, chị Lan mang bát đĩa đi rửa, Tím ra ngoài có việc, Nga đem cuốn tập nhạc chép tay nhờ tôi vẽ một vài đầu đề, tên bản nhạc. Cái hồn nhiên của cô học sinh trung học làm tôi vui lây nhưng cũng làm tôi nhớ Sài Gòn. Sài Gòn của những ngày cuối năm. Ngoài kia trời chuyển mưa, cơn mưa đến thật nhanh. Tiếng ồn ào phố chợ chợt ngưng lại, tiếng mưa rơi trên mái nghe rõ mồm một. Nga bước ra cửa sổ, vén rèm nhìn ra con ngõ bên hông nhà.

Tối hôm đó, ly cà phê làm tôi thức tới sáng. Tím đưa tôi ra bến đò đi Sông Đốc. Trận mưa chiều qua làm phố chợ, bến đò thêm lầy lội. Con đò dọc hối hả rời bến, bỏ lại sau lưng cái ồn ào, náo nhiệt, và Tím, người con gái hiền lành của vùng đất tận cùng của Việt Nam nhìn ra biển Thái Bình. Quang cảnh ở đây hình như chỉ có hai màu. Màu xám của sông nước, đất cát, rễ cây mắm, và màu xanh của lục bình, dừa nước, bình bát - màu xanh tươi của những tâm hồn bình dị.

***

Chiều hôm đó chuyến đò dọc dưa tôi tới thị xã Sông Đốc. Và vài hôm sau chuyến đò dọc đó đưa tôi trở lại chợ Cà Mau. Lúc đó trời bắt đầu tối, gia đình cô Tư vừa xong bữa cơm chiều. Lần này chị Lan mở cửa cho tôi vào. Chị nhìn tôi, lắc đầu ngao ngán. Chị gọi Tím lúc đó còn trong bếp. Nga và Tuấn trong phòng chạy ra mừng tôi trở lại. Nhìn thấy tôi, Tím bước nhanh tới cầm lấy cái giỏ trên tay tôi, chỉ tôi ngồi ghế. Tím trở ra bếp nấu nước cho tôi đi tắm.

Tắm rửa xong, tỉnh táo trở lại. Lần này tôi ngồi ăn cơm dưới cái nhìn của bốn cặp mắt. Tối đó, sau khi Tuấn đã đi ngủ chúng tôi ngồi trong phòng khách nói chuyện. Tôi kể chuyện trên Sài Gòn cho ba chị em nghe, nhất là chuyện ngày xưa tôi đi học trung học, đại học, đi làm… và chuyện đi vượt biên.

Khi còn mình tôi và Tím, nàng an ủi tôi là tôi ở lại Việt Nam ăn Tết lần nữa rồi hãy đi, sẽ nhiều may mắn hơn. Tím nói đúng, ngay sau Tết tôi trở lại Cà Mau, không ghé nhà cô Tư mà thẳng xuống Đất Mũi, ra hòn đảo nhỏ gần Bãi Bồi. Đầu tháng 3, trong cơn mưa chiều tầm tã thuyền tôi rời bến. Mùa Xuân lúc đó vẫn còn hiện diện đâu đó trên miền đất hiền hòa, thành những cơn mưa theo những nhánh sông tiễn tôi rời vùng đất bồi phù sa, về miền đất xa lạ nào đó.

NCT

3 Tháng 1, 2012

Trang trước Trở về đầu trang Trang kế tiếp