Người Mất Ước Mơ Và Tìm Được Tự Do ... Lê Thi

Bắt đầu vào câu chuyện tôi xin kể về tuổi thơ của tôi nơi quê nhà, đó là Tuy Hòa. Tuy rằng nơi đây không có danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhưng với tôi nó có đủ núi, sông, biển, cánh đồng bát ngát và một thị trấn nhỏ. Tôi đã ngắm bình minh với ráng hồng, những buổi hoàng hôn trên dãy núi xa xa, đi thuyền trên giòng sông Ba nơi gần cuối nguồn. Có lúc chúng tôi nô đùa trên bờ sông hay trên bãi biển với những trò chơi như xây lâu đài cát hay chơi tuột xuống từ đồi cát, nhặt vỏ ốc hay bắt ốc mượn hồn rồi hà hơi vào cho con ốc chui ra ngoài. Có những buổi chiều từ sân thượng tôi ngắm bầu trời trong xanh ngắt với làn mây trắng. Khi tối đến, tôi ngắm trăng sáng và đếm sao, đôi lần được ngủ và đắm mình trong ánh trăng. Tôi còn nghe được tiếng sóng vỗ dạt dào từ biển đưa vào. Có lúc tôi đi ra cánh đồng và hít thở hương lúa trong lành. Vào mùa hè, có những buồi trưa trốn ngủ để đi bắt bướm, chuồn chuồn, còn ham bắt chim, bắt cá nữa. Đó là những kỷ niệm đẹp. Thiên nhiên nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn và thể chất tôi để tôi có một tình yêu quê hương thắm thiết.

Bên cạnh đó cũng có những khó khăn, nhất là lúc thời tiết xấu, trời mưa tầm tã nhiều ngày đưa đến lụt lội, hay là bão tố. Những đêm đông lạnh lẽo nghe tiếng gió rít qua đỉnh núi Nhạn mà lòng buồn rười rượi. Có những lúc tối trời mà lỡ còn đang trên đường về nhà, giữa nơi vắng vẻ thì lòng lo sợ, e rằng có “ma”, lúc ấy tôi bấm vào ngón tay áp út, giống như bắt ấn của Đức Phật, theo như lời chỉ bảo của người lớn, thì sẽ hết sợ.

Về nhân tình thế thái, nơi quê tôi có đủ các hạng người, từ người địa chủ hàng trăm mẫu ruộng, các vị trí thức giáo sư, bác sĩ, các thương gia, các ngư dân, nông dân, thợ thuyền. Về tính tình thì cũng có người hiền, người dữ, người chân chất, người lừa đảo, có những người say sưa, những người điên loạn. Nơi cái thị trấn nhỏ đó hầu hết mọi người đều biết nhau cả.

Tuổi thơ của tôi đã êm đềm trôi qua cho đến khi chiến tranh bắt đầu. Tôi nghe nói “người phía bên kia” đến các xóm làng ở vùng quê để bắt người vào bưng. Một số người ở vùng quê đã xuống thị xã để lánh nạn, trong số đó có những người có chồng, cha đi tập kết ra Bắc từ năm 1954. Sau này thì tôi biết những người này (họ hàng với người tập kết) hoạt động nằm vùng cho bên kia.

Rồi một hôm, một cô bạn học nói với tôi rằng: ”Anh N.. nói rằng: những đứa con gái là những bù nhìn bằng ngọc thạch”. Anh N.. là một người bạn học cùng lớp có cha đi tập kết. Nghe lời này tôi nghĩ rằng bạn ấy khinh thường các nữ sinh vô tích sự. Đó là năm 1966, lúc đó tôi 14 tuổi. Tôi liền có ý định rủ các bạn gái cùng lớp làm một tờ báo, chủ đề “Khuôn mặt nữ sinh Ngũ 2”, chúng tôi là học sinh lớp Đệ Ngũ 2 (sau này là lớp Tám), để trả lời cho bạn trai kia. Tôi còn nhớ bài thơ tôi làm như sau:

Mây đen đã phủ kín cả bầu trời

Người con gái ngồi trong cửa sổ

Tiếng bom đạn làm rung rung cửa kính

Nghe những em bé ngồi ước mơ hòa bình

Một người bạn nói rằng “những đứa con gái là những bù nhìn bằng ngọc thạch”

Như vậy là tôi đã ôm ước mơ hòa bình cho quê hương cùng với các bạn trẻ, bắt đầu từ đó tôi đã định hướng một lý tưởng là sống cho xứng đáng bằng cách học hành đàng hoàng, sinh hoạt tốt trong nhà trường, gia đình và xã hội theo khả năng của mình hầu có một nếp sống đẹp.

Khi tờ báo ra đời thì một thầy giáo đã nói với chúng tôi rằng: ”Cuộc chiến tranh này là chiến tranh ý thức hệ.”

Bây giờ nhớ lại tôi thấy rằng từ đó gia đình tôi có sóng gió.

Vào cuối năm Đệ Ngũ tôi lại làm báo và viết một truyện ngắn về cảnh tan nát của một gia đình vì chiến tranh, trong đó người già thì điên loạn và trẻ em thì kinh hoàng.

Vào năm Đệ Tứ (lớp Chín), trong một bài thi Công dân Giáo Dục với đề tài “Làm sao một nước nô lệ thoát được vòng nô lệ”, tôi đã trả lời rằng ”Vì chiến tranh có thể hủy diệt nhiều thứ nhưng không diệt được tiếng nói, tiếng nói là chìa khóa mở xích xiềng của nô lệ”. Với bài thi này tôi đã được đứng nhứt lớp.

Xin nói nhỏ với các bạn là, tuy rằng tôi ý thức về tiếng nói quan trọng như trên, nhưng khi gia đình có sóng gió, tôi chỉ ôm niềm đau một mình mà không nói được gì cả. Ngay cả đối với các thầy giáo khó tính, hay la mắng học trò, tôi cũng chỉ im lặng chịu đựng. Có điều tôi tự nhủ sẽ sống tốt đẹp chứ không như những người gây sóng gió.

Tuổi thiếu nữ của tôi đã đối đầu với tất cả các tình cảm, tình bạn, tình yêu, tình gia đình, tình thầy trò, tình yêu quê hương đất nước và khiến tôi có những ước mơ của tuổi trẻ, và ước mơ của tôi không được thỏa đáng. Cho đến một hôm tôi chợt nghĩ rằng nếu ta đạt được một ước mơ rồi thì ta lại tiếp tục ước mơ khác nữa, và như vậy là ta không thực sự đạt được hạnh phúc vì ta đòi hỏi mãi. Như vậy ta phải làm gì để có hạnh phúc đích thực? Và tôi thấy rằng để trả lời câu hỏi trên tôi nên bắt đầu sống như là một học sinh tốt, một đứa con tốt, một người em và người chị tốt, và một người bạn tốt. Như vậy tôi đã sống với tình thương tự trong trái tim tôi đối với mọi người, cùng lúc tôi chăm chỉ học hành hầu có thể thực hiện được ước mơ trở thành người hữu ích cho xã hội, đó là những việc thực tế mà tôi nên làm.

Bây giờ nhớ lại tôi thấy rằng sau đó tôi có nhiều năm sống rất bình an hạnh phúc, gia đình tôi hết sóng gió, có những bữa cơm ngon ngồi quay quần bên nhau vui vẻ, ấm áp. Có những lúc lòng tôi an lạc, đứng ngắm hoa trong vườn mà thấy hoa đẹp kỳ diệu. Trong lớp học, chúng tôi sinh hoạt rất phấn khởi, thỉnh thoảng lại rủ nhau đi chơi xa, có rất nhiều kỷ niệm đẹp với nhau. Như vậy là tình yêu đã nuôi dưỡng tôi lớn lên cho đến xong Tú Tài 1, rồi Tú tài 2, tôi đã đến tuổi trưởng thành. Lúc được tin thi đậu Tú Tài 2, ước mơ đã được thành tựu, tôi đã viết trong nhật ký rằng: ”Trước mặt ta là bầu trời xanh có mây trắng và ngập đầy ánh nắng ban mai, và có những lá cờ đủ màu sắc nữa chứ. Ta miên man, ngây ngất…” Rất nhiều bạn cũng đã thi đậu như tôi. Chúng tôi đã chiến thắng và rất hạnh phúc.

Sau đó tôi cùng với mẹ tôi đi vào Sài Gòn bằng máy bay. Lần đầu đi máy bay tôi có dịp ngắm quê hương mình từ trên cao, với những cánh đồng mênh mông, những dãy núi chập chùng phủ mây trắng hoặc nhuộm nắng vàng… Thiên nhiên tuyệt vời. Một người Thầy đã nói với chúng tôi : ”Người Nhật rất yêu nước vì quê hương họ rất đẹp.” Không biết đối với người khác quê hương tôi có đẹp hay không, nhưng với tôi nó thật là đẹp.

Máy bay hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, chúng tôi được xe buýt đưa về thành phố. Lúc đó tôi thấy Sài Gòn sao mà lớn quá, xe chạy mãi mà vẫn thấy toàn nhà là nhà, đường phố thì xe cộ đầy cả. Tôi và Mẹ được anh đón đưa về nhà bằng taxi. Nhà của chúng tôi ở đường Nguyễn Thiện Thuật, ngôi nhà nhỏ này được Ba tôi vừa mới mua lại cho các con ở Sài Gòn.

Đây là bước ngoặc trong đời tôi. Từ nhỏ tôi chưa nấu bữa cơm nào cả, nếu có đụng tới bếp núc thì chỉ phụ thôi. Nhưng ngay ngày hôm sau vào Sài Gòn Má tôi đã bảo tôi nấu cơm cho cả nhà ăn, và tôi tự một mình nấu được, cũng bữa cơm với hai, ba món.

Tôi ghi danh học SPCN ở Đại Học Khoa Học, mong rằng sẽ thi vào Y khoa. Nhưng bên cạnh viêc học tôi phải giúp gia đình trong việc mua hàng để gửi về quê cho cửa hiệu bán sỉ của gia đình, tôi rất bận rộn. Còn nữa, ông anh lớn của tôi cùng sống trong một nhà đã gây không biết bao nhiêu là khó khăn, tôi phải chịu đựng mà không dám mách lại với Ba Má vì sợ Má buồn. Cho đến mùa hè đỏ lửa 1972, vì tình hình chiến sự mà trường đại học phải cho sinh viên thi sớm, tôi đã ghi danh thi, nhưng đến ngày thi thì bị sốt cao, phải bỏ cuộc. Như vậy là tôi không đưọc ghi danh lần thứ 2 để thi, vì năm đó chỉ được ghi danh một lần thôi.

Sau đó tôi ghi danh học Sinh Lý Sinh Hóa ở Thủ Đức. Chúng tôi được đưa từ Sài Gòn ra Thủ Đức bằng xe buýt mỗi ngày. Được ra khỏi Sài Gòn bụi bặm và sống trong không gian quang đãng ở Thủ Đức, tôi thích lắm. Việc mua bán của gia đình tôi nhờ người anh nhỏ giúp, nên tôi cũng có nhiều thời giờ để lo học. Các môn học tôi đều thích cả, nhất là phần thực tập, chỉ có môn Toán là tôi thấy khó thôi, ngoại trừ môn Thống Kê học thì tôi khá.

Nhớ lại ngày đầu tiên đến Thủ Đức, tôi thấy Cô Tiếng với chiếc áo dài màu nâu giản dị, đang dịu dàng chăm sóc đứa con nuôi của người, và người đã đi vào lòng tôi với một tình cảm mến mộ nơi tôi.

Một năm học với các vị Giáo Sư và các Giảng Nghiệm Viên khả ái êm đềm trôi qua, tôi đã đậu được chứng chỉ dự bị SLSH , nhưng không còn muốn vào Y khoa nữa vì đã say mê khoa học. Cũng trong năm này hiệp định Paris ký kết vào mùa Xuân 1973. Tôi tiếp tục học lên hướng Cử Nhân Sinh Lý Sinh Hóa, vừa học vừa đối đầu với những khó khăn trong gia đình do người anh lớn gây ra.

Năm 1973 em gái tôi ghi danh học dự bị Toán Lý Hoá (MPC), như vậy là tôi có một người thân nữa bên cạnh để tôi thấy ấm lòng và có thể chia sẻ được đôi điều.

Năm 1974 em trai út của tôi lại ghi danh học dự bị MPC. Em gái tôi học lên hướng Cử Nhân Hóa Học. Tôi bây giờ có ước mơ là em tôi sẽ giúp tôi trong kiến thức Hóa Học và Vật Lý để giải quyết dùm tôi những thắc mắc trong các môn học của tôi. Tôi đã có con đường sáng cho mình rồi.

Tuy nhiên bên cạnh tôi là những bất hạnh trong gia đình và xã hội đã làm tôi suy tư và ước mơ có một xã hội đẹp hơn. Tư tưởng này tôi đã có từ khi còn là thiếu nữ. Có lần tôi nói với em gái tôi: ”Mình hãy sống như một bụi tre, cùng nghiêng theo gió nhưng không gãy vì bão”.

Các chứng chỉ sau tôi đều thi đậu cả, và điều này đã nuôi dưỡng tôi hoàn thành giấc mơ tốt nghiệp Đại Học Khoa Học hầu có một việc làm để tự nuôi thân và đóng góp hữu ích vào xã hội.

Thế rồi mùa Xuân 1975, khi tôi đang học dở chương trình Cử Nhân thì miền Nam xảy ra nhiều biến động. Tin tức đưa vào Sài Gòn, các chiến sĩ Cộng Hòa chạy vào Sài Gòn, những người quen đến kể cho tôi nghe tình hình chiến sự, tôi nghe mà nước mắt chảy dài vì thương các binh sĩ quá.

Rồi ngày 30-4-1975, với lệnh đầu hàng, tất cả đều sụp đổ quanh tôi (chắc là các bạn cũng thế). Tôi không thiết gì nữa và thấy mình vô tích sự trước bao khổ đau của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng sau vài ngày dằn vặt suy tư, tôi quyết phải đứng dậy để mà sống, vì mình không thể gãy vì bão.

Gia đình tôi có một số người bà con đã đi tập kết từ 1954, nay trở về miền Nam tiếp quản các đơn vị hành chánh. Nhìn thấy họ nghèo khổ mà lòng tôi ngao ngán. Họ đã được gia đình tôi tiếp đãi đàng hoàng. Nhưng xã hội miền Nam đã bị xáo trộn, mọi người đều phải đấu tranh để sống còn. Tôi lúc đó “tả xung hữu đột”, căng thẳng vô cùng. Nhưng tôi cũng được cái an ủi là tuồi trẻ miền Nam giờ đây tỉnh thức để quyết định cho mình một hướng đi, tôi đến trường và cùng cười với các bạn về việc đồng lòng với nhau.

Qua mấy chặng đường đời, cho dù có nhiều khó khăn, tôi vẫn có những lúc sống say mê, để có lúc nói với các em trong nhà: ”Con người là đẹp nhất, cảm nhận từ thiên nhiên và xã hội rồi biểu lộ ra.”

Năm 1977 sau khi thi xong chứng chỉ cuối cùng, tôi chưa kịp về quê thì bỗng nhiên bị rối loạn, những nỗi sợ hãi đối với chế độ tự dưng xâm chiếm tôi. Nhiều tháng sau đó tôi mới qua cơn sợ hãi, rồi bỗng dưng ở trong một trạng thái khác, tôi thấy tôi thoát khỏi gánh nặng mà lâu nay tôi vẫn mang, đó là đối phó với chế độ để sống còn và cả những sợ hãi với nhiều nguyên nhân khác nhau nữa.

Năm 1979 gia đình tôi cho ba chị em tôi cùng với người cháu trai vượt biên theo diện bán chính thức, giả dạng là Hoa Kiều. Chúng tôi chen chúc nhau trên chiếc tàu với hơn 500 nhân mạng. Rồi đến ngày thứ sáu thì tàu chết máy một ngày đêm. Sau đó tàu được kéo vào một đảo nhỏ ở Mã Lai. Nhờ ơn Trời Phật, phước đức Ông Bà, Tổ Tiên chúng tôi đã đến nơi bình an. Chúng tôi được cho vào đảo Pulau Bidong, diện tích chỉ khoảng một cây số vuông với trên 40.000 người tị nạn.

Sau bốn tháng ở đảo, cháu trai được đi Pháp, còn 3 chị em chúng tôi đi qua Đức theo bảo lãnh của người chị đang làm việc bên Đức.

Những ngày đầu ở Đức thật là bận rộn, vì anh chị đưa chúng tôi đi mua sắm, nên chúng tôi rất mệt vì qua một thời gian sống thiếu thốn và một chuyến bay dài. Chúng tôi thấy nước Đức khang trang và thanh bình quá. Lúc đó là tháng 9 nên trời còn ấm và hoa vẫn còn nở, nắng vàng ở Đức thật đẹp.

Sau một tuần nhập trại thì chúng tôi được định cư ở tỉnh Dortmund. Khi mùa Thu đến thì chúng tôi được học tiếng Đức. Riêng tôi thì thường bị mệt mỏi, có lẽ vì qua bao cơn biến động mà tôi đã cố gắng đối đầu nên giờ đây mới thấy sức đã kiệt. Gia đình tôi đưa tôi đi bác sĩ tâm thần vì cho rằng tôi bị suy nhược thần kinh. Bác sĩ cho thuốc an thần và chỉ làm tôi mệt mỏi thêm thôi. Sau đó chị tôi sanh một cháu trai, chị nghỉ được sáu tháng không đi làm để nuôi con. Khóa học tiếng Đức xong, tôi thấy chưa được khỏe nên không tiếp tục đi học mà ở nhà nuôi cháu cho chị đi làm. Người chị cùng đi với tôi thì có việc làm trong phòng thí nghiệm, người em thì học lại đại học khoa Hoá, rồi sau đó đổi qua học Dược.

Khi cháu tôi được 2 tuổi thì bố cháu cũng xong chương trình học đại học mà chưa có việc làm, tôi giao cháu cho bố.

Lúc đó tôi vẫn còn đang được chữa trị, thuốc an thần lại làm tôi mất ngủ. Sau một thời gian, bác sĩ cho thuốc khác giúp tôi phấn chấn hơn, nhưng vẫn mất ngủ. Sau đó tôi xin học thêm tiếng Đức để đủ sức vào đại học. Tôi xin được học nghành Sinh Học (Biologie). Vị giáo sư nhận bằng cử nhân Việt Nam của tôi đã xem và nói rằng tôi thiếu các chứng chỉ về Phân Loại Học (Bestimmung), nên tôi cần phải học thêm. Sau một năm học tôi đã thu nhập được kiến thức về Động Vật và Thực Vật, rôì nhắm không thể hoàn thành chương trình học Biologie nên tôi chấm dứt chương trình đại học và chuyển sang học nghề làm chuyên viên phòng thí nghiệm về kim loại nặng. Trong lúc này tôi ở một mình và thấy buồn lắm, nên có liên hệ với một nhóm sinh viên du học trước 1975 và đến văn phòng của nhóm để cùng làm việc. Tôi hoàn thành tốt chương trình học nghề và ra trưòng.Tôi vẫn bị mất ngủ và vẫn dùng thuốc để điều trị bệnh suy nhược. Sau đó hãng bị thua lỗ nên tôi không có việc làm. Tôi tiếp tục là đồng sự của nhóm sinh viên du học.

Trong thời gian này tôi được biết đến Thiền Sư Nhất Hạnh, người đã mang giáo pháp ra rao giảng và tôi đã nghe và học tập. Đồng thời tôi cũng nghe các mục sư, các linh mục và các chứng nhân Giê-Hô-Va rao giảng về Kinh Thánh và Chúa Giê-su.Thời gian này tôi đi sâu vào tâm linh và quán chiếu nội tâm của mình từ nhỏ đến hiện tại. Qua nhiều năm liền tôi đã thấy được rất nhiều điều kỳ diệu qua việc làm và cách quán chiếu mọi sự việc của mình. Tôi từ từ tìm lại được nguồn sống của mình dù vẫn bị thuốc chi phối, để thấy rằng “Con người là một linh ư vạn vật” như lời nói của một vị Thầy hồi tôi còn học lớp 11.

Cho tới bây giờ tôi vẫn theo Thầy Nhất Hạnh mà văn của Thầy như giòng suối trong, như làn gió mát đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi và đưa tôi trở về với nguồn cội của mình. Với những câu thơ, câu kệ như “Vững chãi, thảnh thơi”, ”Từng bước chân tỉnh thức, làm hiển lộ thần thông”, ”Bước chân con hãy về thanh thản”, “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”, ”Ta vẫn còn đi, đến thong dong”, “Bây giờ và ở đây.” vv…, cùng với pháp môn của Thầy giúp hành giả giữ chánh niệm và hơi thở. Với sự trao đổi và trợ giúp của tăng thân, tôi đã tìm được thanh thản và tự do. Tôi còn nhớ một đêm ở Làng Mai, miền Nam nước Pháp, khoảng 3 giờ sáng, tôi thức giấc, ngồi thiền tọa trong một chiếc lều cá nhân, nhìn vạn vật hiện hữu, các cây bạch dương cao ngất mạnh mẽ, thấy sức sống của thiên nhiên dù là ban đêm, lòng tôi thấy nhẹ nhàng thanh thản kỳ diệu.

Vào một buổi lễ hội Tết, tôi có đặt một câu kệ như sau:

“Ơn Thầy chỉ bảo,

Con quán chiếu

Năm Mới niềm nguyện ước

Niệm trong sáng,

Tâm thanh tịnh

Ngộ chân đạo tự Tâm Thân”

Vâng, tôi đã chăm chỉ hành thiền để thấy Phật, thấy Chúa, thấy Tổ Tiên, thấy vạn vật nhiệm mầu và nghiệm chứng cho tâm linh của mình.

Tôi viết bài này để cảm tạ Trời Phật, Thánh Thần, Tổ Tiên, tất cả mọi người, mọi vật và vũ trụ đã giúp tôi có được ngày hôm nay với sự tự do quý giá này.

Dortmund, ngày 18-12-2011

Lê Thi