Ba Mùa Xuân Gợi Nhớ ... Trần Quang Lang

Như bao đứa trẻ khác, lúc nào tôi cũng mong Tết đến để được lì xì, và nhất là được cha mẹ may cho áo mới mặc khoe với bạn trong ngày đầu năm. Có khi còn ngây thơ ao ước sao Tết lại không đến hai hoặc ba lần trong một năm nhỉ? Dần theo năm tháng với bao nhiêu biến cố của cuộc đời, nhìn lại mỗi mùa Xuân là một sự đánh mất, là sự hao mòn, cả thời gian lẫn sức khỏe. Tuy nhiên, dù ở vào thời kỳ nào thì tâm hồn chúng ta vẫn còn náo nức, vẫn còn mơ ước mỗi khi mùa Xuân mới lại về.

Mùa Xuân đầu tiên mà tôi vẫn còn nhớ là năm tôi lên tám tuổi, học lớp Hai trường làng. Căn nhà của tôi lúc bấy giờ vừa là nơi sinh sống của gia đinh vừa là nơi mẹ tôi bán vải và tạp hóa. Bên cạnh nhà, ba tôi làm thêm mái hiên để mở một tiệm may. Lúc ấy ba tôi có nhận thêm hai cô học trò và lúc nào đồ may vẫn đầy ắp. Đặc biệt những ngày cận Tết , ba tôi và những cô thợ học nghề phải tăng tốc độ làm việc và làm cho đến nửa đêm. Còn mẹ tôi lui cui dưới ngọn đèn đơm nút và làm khuy cho kịp để sáng mai giao hàng cho khách. Năm nào tôi cũng được ba may cho một bộ đồ mới và trao cho tôi vào lúc gần Giao Thừa, lúc mà những người khách cuối cùng vừa ra về. Thế là sáng hôm sau tôi thức dậy sớm, mặc vào và chạy đi khoe với mấy đứa con gái, con của bà Ba bán bánh ú ở đầu đường.

Nhưng năm nay vì quá nhiều hàng mà khách người nào cũng muốn lấy hàng cho kịp trước Tết nên ba tôi và mấy cô thợ phải cố gắng may đồ cho khách. Riêng đồ may cho tôi thì không nghe ba tôi nhắc đến. Tôi không dám hỏi ba tôi cũng không dám nhắc mấy cô thợ. Tôi khép nép đứng sát vào cái tủ dựng đứng, khuất ở bên trong và đủ tầm nhìn để theo dõi xem ba tôi có đem xấp vải màu xanh của tôi ra để cắt chưa? Tôi chờ đợi mỏi mòn cho đến lúc thiếp đi và ngủ vùi cho đến sáng. Khi thức giấc thì thấy mẹ tôi bên giường, bà vuốt tóc tôi và thì thầm trong nước mắt:

- Tết nay ba con không may kịp cho con bộ đồ mới. Mẹ biết con buồn nên mẹ vội vã chọn một bộ đồ, trong số đồ của khách may mà không lấy, cho con mặc tạm năm nay. Mẹ hứa vào đúng ngày mùng Bốn khi tiệm mình khai trương, mẹ sẽ nói ba may cho con.

Nước mắt mẹ vẫn còn chảy khi bà vội vàng đi xuống nhà bếp để lo bánh nước cúng đầu năm. Riêng tôi, vì mặc chiếc áo rộng thùng thình và cái quần dài phủ gót nên tôi không dám đi ngang qua nhà bà Ba bán bánh ú như mọi năm. Mấy đứa con gái của bà Ba với những chiếc áo mới tinh rực rỡ, không thấy tôi, lấy làm lạ nên chúng đến trước cửa nhà tôi nhìn vào như tìm kiếm tôi để khoe đồ mới. Tôi ngồi trong nhà, vén hé tấm màn cửa sổ nhìn chúng nó trong lúc cái tay vẫn còn kéo chiếc quần lên cho khỏi tuột. Tôi nghĩ thầm trong bụng “sao mình không là con của bà Ba nhỉ?”… Mẹ tôi như đoán được ý tôi nên bà kéo vội tôi vào lòng và hun lên trán tôi. Bà nói nhỏ:

- Mẹ xin lỗi con vì không may kịp cho con bộ đồ mới. Thay vào đó mẹ lì xì cho con 20 đồng, con ra đầu đường chơi bầu cua cá cọp ......

Năm mươi lăm năm trôi qua, kể từ mùa Xuân năm ấy, vào năm 1973, mẹ tôi đã qua đời trong lúc tôi vào quân đội và đóng quân ở vùng sâu. Tôi không về kịp để nhìn mặt mẹ tôi lần cuối. Mẹ tôi không còn nữa để tôi tạ ơn bà trong Ngày Lễ Mẹ, để nói với mẹ rằng “trong hoàn cảnh nào con vẫn hãnh diện là con của mẹ”. Ngày xưa nhỏ dại, chỉ vì ước mơ có một chiếc áo mới như con bà hàng xóm mà tôi đã thầm ước sao mình không phải là con của bà ta. Bây giờ nghĩ lại, con dám đánh đổi cả sự nghiệp mà con đã dày công gầy dựng bao lâu nay để được có mẹ bên con. Hạnh phúc thay cho những ai còn có mẹ để mùa Xuân năm nay trên đất nước tạm dung giàu có và thừa vật chất nầy, còn có dịp khoác cho mẹ chiếc áo mắc tiền, đắt giá mà có lẽ suốt đời mẹ chưa một lần dám nghĩ đến, vì chỉ biết dành dụm tiền lo cho con cái.

Tết năm 1976 là cái Tết đầu tiên của tôi trong “trại tù cải tạo”. Trong bốn bức tường của doanh trại, chúng tôi chia từng nhóm nhỏ ngồi chụm vào nhau để chờ đón Giao Thừa. Cũng có cà phê pha từ cơm cháy khét, vài mẩu thuốc lào và vài thẻ đường tán, thế mà cũng ấm lòng. Quả thật con người cũng mau thích nghi với hoàn cảnh. Không có đồng hồ để biết chắc giờ, chúng tôi chỉ đoán chừng còn khoảng 15 phút nữa thì đến 12 giờ thì bất ngờ có tiếng la thất thanh của anh An từ trong góc trại, phía bên trái. Anh An, không biết vì buồn hay mệt mà anh đã nằm vùi từ tối đến giờ. Lúc chiều anh đã không vác nổi năm cây tràm từ rừng về trại, phải nhờ anh Thành tiếp sức. Về đến trại anh vẫn mặc nguyên bộ đồ ướt và nằm mê man cho đến giờ nầy. Anh An trước kia là sinh viên năm thứ Ba Trường Đại Học Khoa Học Cần Thơ. Nha Động Viên hạ xuống một tuổi nên anh đi nhập ngũ vào Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường anh làm tùy viên cho một ông tướng nên chưa nếm mùi gian khổ của chiến trường. Do đó, khi vào trại tù anh vẫn nguyên vẹn như một chàng thư sinh trói gà không chặt.

Chúng tôi gọi anh là nhà khoa học có lẽ vì anh học chứng chỉ MPC, chuyên về toán, nên lúc nào anh cũng lý luận. Bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ phải có logic thì anh mới làm. Hôm nào người bạn đồng tù có gia đình thăm nuôi thì tối đó chúng tôi những người bạn thân được mời để dự tiệc trà, quay quần bên nhau, nhâm nhi và cùng nhau ôn lại những chuyện đã qua. Riêng anh, khi được mời, anh thường đòi hỏi phải nói rõ lý do bữa tiệc và anh nói:

- Mời phải có lý thì mới đi dự chứ!

Tuy nhiên anh cũng không bỏ một tiệc nào.

Vào tù nhưng lúc nào anh cũng mang cặp kính trắng dày cộm. Một hôm, người quản giáo chắc là ngứa mắt hay sao đó nên ra lịnh cho anh không được mang kính nữa với lý do là khi vào rừng sẽ bị vướng víu, khó khăn nên anh ít khi đạt được chỉ tiêu lao động. Anh trình bày với người cán bộ:

- Nếu bỏ cặp kính ra thì tôi không thấy đường.

Người quản giáo không tin, lột cặp kính của anh ra đặt ở góc bàn và nói lớn:

- Trả lại cặp kính cho anh đấy. Đi đến chiếc bàn đàng kia mà lấy.

Anh đi đến đó và dùng tay quơ lên mặt bàn để tìm cặp kính. Lúc đó người quản giáo mới tin là mắt anh mờ thật. Từ đó anh được tự do và công khai đeo kính khi đi lao động. Anh không bỏ cái tính lý luận, anh nói "cái gì của Caesa là của Caesa”. Anh cũng như chúng tôi, hằng ngày phải vào rừng để đốn tràm và bứt dây choại, một thứ dây để đan lợp và bện đăng mà người thành phố chắc ít ai biết. Rừng thì nước lấp xấp, đầy đỉa và vắt. Nước trầm thủy quanh năm không thay đổi nên người nào cũng bị ghẻ. Nhớ lại mà rợn người!

Trở lại việc anh An, anh vừa khóc vừa kêu cứu. Càng lúc tiếng la của anh càng lớn:

- Các bác ơi, cứu tôi! Cái ... của tôi đã bị tét rồi... Hãy tìm cách may lại để cứu tôi các bác ơi ...

Cả trại chạy lại đốt đèn lên và quan sát... Thì ra anh bị một con đỉa trâu hút máu no phình nhưng vẫn còn bám chặt. Thấy ngứa nên anh đưa tay xuống gảy và vì thấy nó mềm mềm, trơn trơn nên anh tưởng “trung tâm hành quân” của anh bị bể... Thế là cả trại được một phen cười ra nước mắt. Sau khi anh tỉnh lại, chúng tôi chọc anh:

- Anh có tìm được nguyên nhân và hậu quả hay là quá trình diễn biến của sự việc xảy ra cho anh theo logic không?

Anh thì thầm:

- Cái gì cũng có nguyên do của nó. Nhưng việc con đỉa lớn chun vào cắn ngay “đầu não” thì tôi sợ quá! Không dám lý luận gì nữa. Các bạn cho tôi xin một ngao thuốc lào và một ngụm nước. Hôm nay là Tết phải không các bạn ? .......

Mải mê bàn đến chuyện của An nên chúng tôi đã quên mất là Giao Thừa đã qua mà không cảm nhận được gì về cái Tết đầu tiên ở trong tù. Những mùa Xuân sau có lẽ vì mỏi mòn trông đợi ngày về và sự thất vọng đến cùng cực nên trái tim dần dần nguội lạnh, tôi không còn cảm giác nào hơn là chấp nhận để những năm tháng trôi qua mà không có một chút hy vọng nào....

Tết năm 1994 là cái Tết đầu tiên của tôi nơi hải ngoại. Ngày mồng Một tôi xuất hành ra khu thương xá Phước Lộc Thọ. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy đồng hương Việt Nam cũng chơi bầu cua cá cọp như ở quê nhà. Tôi tìm một góc trong khu phố, đứng nhìn mà lòng bồi hồi nhớ về những ngày Tết xưa khi tôi còn là một cậu bé học lớp Hai trường làng. Trò chơi này cũng có đủ ba con xúc sắc và sáu hình bầu, cua, tôm, cá, nai, gà. Riêng chiếc bàn thì bằng nhựa, nhẹ và xếp được dễ dàng để khi cảnh sát đến họ xách đồ nghề chạy cho lẹ. Người chơi thì đủ mọi thành phần, có nam có nữ. Thấy cũng vui nên tôi móc bóp lấy ra hai chục đồng, đúng con số mà mẹ đã cho tôi năm nào, đặt xuống bàn. Nhưng khi vừa cúi xuống để đặt tiền vào khung hình cái bầu, tôi cảm thấy dường như có vị mặn ở đầu môi. Không kìềm được xúc động, tôi chạy thẳng ra xe. Về đến nhà tôi đóng cửa phòng lại và khóc thật lớn. Mùa Xuân năm ấy là một mùa Xuân tôi cảm nhận được nỗi buồn của một người xa xứ đón Xuân trên đất khách quê người...

Cali Mùa Xuân 2012

Trần Quang Lang