Trái Bắp Mỡ Hành - Nguyễn Thúc Soạn

Đầu tháng Chạp năm nay không khí Tết nhà thầy Năm có nhiều khác lạ. Dãy chuồng heo ngày xưa với mười con heo nái đủ để mỗi sáu tháng có đủ hàng trăm con heo làm thịt cung cấp cho thị trường nay chỉ còn lại vỏn vẹn hai con. Hai con heo chỉ đủ để trang trải chi dùng cho các con, quà cáp và sắm sửa mâm cơm ba ngày Tết.

Đầu tiên thầy Năm cho rửa sạch mười căn chuồng nuôi heo. Đích thân thầy trông coi, hai con heo được chuyển ra cuối dãy chuồng, đầu dãy thầy cho đặt chiếc giường, mùng mền, chăn chiếu sạch sẽ, ở giữa là bếp để nấu cháo heo. Thầy cho chùi rửa nồi nấu cháo heo mà các con phải làm tới lần thứ ba thầy mới vừa lòng.

Sau hai ngày cật lực làm việc, thầy tập hợp vợ con để ban chỉ thị:

- Hôm nay là mùng Năm tháng Chạp, hai đứa con trai phải thay phiên ra chuồng heo ngủ.

Hai thằng con trai ngọng luôn. Ông bà mình nói: “Một vợ thì ngủ giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm”. Hai thằng con trai còn độc thân mà phải ra chuồng heo ngủ, hai thằng con tự dưng bật cười cùng lúc, cùng ngẫm nghĩ là ông già chuẩn bị cưới vợ cho các con, mỗi đứa thế nào cũng có ba vợ?

- Cũng từ hôm nay, bắp, khoai lang, khoai mì, rau lang bằm, cây chuối xắt dùng để nấu cho heo phải rửa sạch trước khi nấu.

Mấy đứa con thầy Năm cho là ông già bị lẫn rồi vì heo thì phải ăn tạp, ăn dơ mới ú ra, và nhờ ăn tạp nhạp từ nhỏ cho nên nó ít bịnh và sống lâu. Ông bà mình còn nói “Ở dơ sống lâu”, hổng thấy sao.

Vườn tược của thầy Năm lớn lắm. Đàn bò phải cần tới hai ba người chăn, người làm có khi lên trên hai ba chục người, máy cày máy ủi có đủ. Trại gà công nghiệp của thầy có lúc lên đến trăm ngàn con. Còn vườn cây ăn trái nhiều khi hái không kịp, trái rụng đầy thối rục để làm phân bón.

Thế rồi khi lá rừng Trường Sơn bay về phủ kín phố phường, thầy đã quyết định thu gọn lại. Con cái trong nhà phản đối thầy ra mặt vì đã quen cách xài theo kiểu “đại gia”. Thầy cho bán tất cả bò, dẹp trại nuôi gà, tháo gỡ và đập phá bình địa trại nuôi gà, chuồng nuôi bò. Vườn tược thì thầy cùng với hai thằng con trai đi làm dấu những cây hồng tốt, sai trái, giữ lại chừng 100 cây. Số còn lại cùng với vườn mận thầy cho cắt bỏ, dùng máy ủi đào hết rễ, chất đống và đốt sạch. Nhờ những nhân công ngày xưa phụ giúp, trong vòng một tháng vườn tược sạch sẽ.

Thầy cho mua về 15 cây cà phê, 10 bụi trà, loại được ươm lâu năm, đặt xuống đất thì năm sau ra trái chiếng. Cà phê và trà trồng dọc bờ suối xen kẽ với những đám tranh, tránh mọi người dòm ngó. Ao nuôi cá chép cá rô được đào để thả mỗi loại chừng trăm con, trên rải rau muống. Giàn bầu, giàn mướp được dựng, bên cạnh thầy cho làm đất trồng chừng 100 đọt mía, hai luống đất dài độ 100 mét cắm đọt lang, hai luống cũng chừng100 mét cắm khoai mì. Đặc biệt thầy dành riêng 5 sào đất, chia làm ba phần để trồng bắp, trồng gối đầu mỗi đợt cách nhau 2 tháng. Thầy dùng chính sách “tiêu thổ kháng chiến trường kỳ trong vinh quang”.

Phải kéo dài hơn tháng thì công việc tạm ổn, thầy Năm cho tập hợp đám nhân công đã giúp thầy bao nhiêu năm. Thầy tuyên bố không làm ăn nữa. Nhân công người nào thích làm nông thầy cắt đất cho, hơn hai mươi nhân công thì chỉ có hai người xin về quê, số còn lại tùy theo số người trong gia đình, một người nửa mẫu đất, có gia đình nhận được 7, 8 mẫu. Cuối cùng gia đình thầy còn lại 5 mẫu.

Để có nhà cửa cho những người ra riêng, thầy cho làm vần công. Làm xong nhà này, mấy chục nhân công phụ làm nhà khác. Vật liệu, mái che thì có chuồng gà, chuồng bò đã tháo gỡ từ trước. Mảnh đất nông trại ngày xưa bây giờ xuất hiện hàng chục căn nhà mới mọc. Để chuẩn bị cho mùa gặt tới, thầy cho trưng dụng máy cày, cày cả trăm mẫu đất cho những người chủ mới, cung cấp hạt bắp giống, đám nhân công sung sướng ra mặt vì tự dưng có tài sản, nhà cửa chỉ chờ mùa gặt nữa là có thể tự túc tự cường. Thầy Năm làm ăn bài bản, người nào nhận đất, nhận nhà đều ký giấy là do thầy Năm cho, chứ không trả một xu ten. Thầy ngừa trước cái nạn đấu tố thầy là địa chủ.

Vườn tược bây giờ đã an bài. Nhà thầy bây giờ có bắp, có khoai, có cá, có gà, có heo, có bầu, mướp, bí, có đường, có cà phê, có trà tươi, thầy chuẩn bị một đời sống vương giả tự túc tự cường. Xong đâu đó thầy kêu hợp tác xã nông nghiệp tới để hiến máy cày, máy ủi, chỉ giữ lại một máy cày Kubota nhỏ để các con thầy sau này đỡ tay đỡ chưn.

Tạm ổn, thầy cùng vợ đi vào Sài Gòn để tìm thằng con lớn, cái thằng mà thầy cho nhắn bao nhiêu lần cũng không về thăm nhà. Không biết có gặp thằng con lớn hay không mà ba hôm sau thầy trở về nông trại, thầy bắt đầu một cuộc sống mới đầy trắc trở. Đợt đổi tiền đầu tiên 500 đồng cũ ăn 1 đồng mới, giới hạn một gia đình được đổi 200 đồng mới. Sau khi đổi, nhà thầy còn dư 3000 tiền cũ, thầy nhờ nhà nước giữ giùm. Mấy đứa con thắc mắc là tiền bán gia súc thầy bỏ đâu để tụi nhỏ còn tìm cách đổi thêm, thầy nói chắc nịch thầy không còn.

Tiếp theo là nhà nước đánh thuế nông nghiệp, có gia súc thì đánh thuế, có cây ăn trái thì cứ đếm gốc, to nhỏ, có trái hay chưa không cần biết, cứ mỗi gốc là hai mươi lăm đồng. Thầy có 100 gốc hồng trái, vị chi thuế là 2500 đồng tiền mới, cộng thêm thuế phụ thu mà mấy năm trước chưa đóng, thuế này cũng giống như thuế truy thu thời trước. Tổng cộng thầy nợ nhà nước 3000 đồng, nhà nước tỏ lòng nhân đạo là chờ xong vụ mùa mới thu thuế. Hồng tới mùa thu hoạch, thầy kêu thuế vụ cứ tự do vào vườn hái và bán để lấy thuế, nhà thầy không có người hái. Năm đó gạo, bắp, khoai còn không có ăn, ai mà mua hồng! Thuế vụ cho nhân viên hái hai lần rồi không thấy trở lại. Chắc là tụi nó đem về chia nhau ăn, bị tiểu đường, tiêu chảy cho nên ngưng thu hoạch, nghe đâu có đưa ra cửa hàng quốc doanh nhưng chả có ma nào rớ tới.

Một ngày đẹp trời, ba người đội nón cối của phòng vật tư nhà đất đến thăm thầy và yêu cầu thầy hiến đất vì nông trại thầy quá lớn, nhà có mười người chỉ được giữ lại năm mẫu theo qui định nhà nước. Thầy cho đem trình giấy má là nhà thầy chỉ có năm mẫu đất đúng theo qui định, những đất còn lại là của những người có nhà xung quanh.

Sau vụ đổi tiền, thuế nhà, chia đất xong xuôi thì thằng con lớn của thầy ở Sài Gòn ghé qua nhà, thầy cho làm con gà trống thiến nấu vài món cho cả nhà quây quần ăn lén ban đêm. Sau đó thầy và thằng con lớn rút vô phòng rù rì, ăn uống cũng trong phòng, hai cha con không biết nói những gì mà đến sáng thứ Ba, chưa xong ly cà phê, thầy Năm bắt đầu lớn tiếng, thầy chửi thằng con lớn mát mặt. Thầy kêu vợ và những đứa nhỏ vào gặp thầy và thầy tuyên bố từ thằng con lớn, nó phải rời nhà ngay ngày hôm nay. Thằng con lớn đón xe đò về Sài Gòn và rồi biệt tăm luôn.

Hàng ngày thầy thấp thỏm đi ra đi vào, thầy chờ có chuyến xe đò nào ngừng lại trước nhà hay không? Thầy như người mất hồn cho đến một ngày, cô Hạnh, em thầy, từ Sài Gòn về, bước xuống xe đò, móc bọc đưa cho thầy cái điện tín đánh từ quê ngoại là thằng con lớn của thầy hiện giờ đang ăn đồ ăn Thái. Bấy giờ cả nhà mới hiểu ra là thầy và thằng con lớn đã diễn xong vở kịch. Vở tuồng mà thầy dựng đã hạ màn. Ủy Ban hỏi thầy, thằng con lớn ở đâu thì thầy cho biết có gọi nó về làm vườn, nhưng nó bảo nó là nhà giáo chỉ biết cầm bút, không biết cầm cày, thấy cái thằng không biết “lao động là vinh quang” cho nên thầy từ nó rồi, nó bỏ đi bụi đời rồi, bây giờ nếu Ủy Ban có phương tiện thì tìm nó giùm thầy.

Thầy cùng vợ và thằng con trai thứ lại làm một chuyến thứ hai vào Sài Gòn. Thầy vào nhà ở làng báo chí Thủ Đức, căn nhà mà thằng con lớn đã tìm mua cho thầy, bây giờ thầy phải giao lại cho thằng con thứ trông nom. Thầy cho kiểm lại số vàng mà thằng con lớn chôn dưới gốc ổi đã hao hụt bao nhiêu, vì nó đã dùng một số cho cái chuyến thăm quê ngoại.

Thằng con lớn và thầy đã liên lạc qua cô Hạnh mà các em trong nhà không ai hay biết. Mỗi lần bán bò, bán heo là thầy cho mua vàng. Thằng con lớn báo đã mua nhà, thầy cho chuyển vàng, của chìm vô Sài Gòn để chôn giấu. Các con trong nhà nói:

“Ba và anh Ba tính toán giống như Micheal và Vito Corleon sắp đặt để diệt ngũ đại gia đình ở New York. Hèn gì thấy Ba và anh Ba lúc nào cũng đọc cuốn Bố Già mỗi năm, không kể Đông Chu, Thủy Hử, Hán Sở Tranh Hùng. Anh Ba thì làu làu những chuyện kiếm hiệp Kim Dung.”

Ông già nói:

“Anh Ba mày tổ chức hơi khác là có đàn bà là má mày tham dự. Micheal và Vito gốc Ý, không bao giờ cho đàn bà tham dự.”

Thầy Năm truyền nghề cho thằng con lớn, thằng con trời đánh đã lên chương trình thu gọn và tránh né những phiền phức. Sau khi thấy không còn trục trặc, thằng con lớn trở lại thăm tất cả anh chị em lần cuối và yên tâm đi bụi đời. Tụi nhỏ đâu biết rằng thầy Năm ngày xưa là Lục Sự Tòa Án, theo trào lưu tham gia cách mạng mùa Thu. Sau đó thầy trốn về thành, giấu gốc tích, bỏ quê đi làm nông, làm rẫy. Vì vậy chính sách của nhà nước mới thầy đâu xa lạ gì, thầy và thằng con lớn sắp đặt công việc mà phải tới nửa năm mới xong. Nói đúng ra thầy và thằng con lớn không gặp nhau nhưng bà cô nó, cô Hạnh, em thầy Năm là nhịp cầu giữa hai cha con cho nên hai cha con mới lên được lịch bán gia súc và chia đất. Nói vậy chớ họ cũng đâu để yên cho thầy, làng xã kêu lên kêu xuống năm bảy bận. Thầy phải dở chiêu cuối cùng là chiêu “đầu tiên”.

Tối hai mươi hai tháng Chạp, thầy Năm đứng trước nhà la lớn:

“Cha con thằng Được, thằng Của vào nhà gặp tao."

Thầy báo cho biết tối nay cha con Được, Của không còn cháo heo để ăn vì heo phải bỏ đói một ngày để mai xẻ thịt. Thầy Năm bảo là sáng sớm ngày mai qua phụ với mấy đứa nhỏ trong nhà làm heo, vợ thì phụ gói bánh tét. Sau đó thầy hỏi cha con anh Được là còn muốn ăn cái gì thì ngày mai đưa ông Táo, thầy cho.

Nghĩ ông bà mình cũng ngộ, đặt tên con cháu thì lúc nào cũng có ý nghĩa, có vần có điệu. Muốn con sau này có chức tước thì đặt tên con là Quan, muốn cháu có tiền thì đặt tên cháu là Tài, hàng xóm khi gọi cha con một lúc thì đâm nghẹn, cha con ông Quan-Tài ơi...? Bởi vậy cha là Được con là Của tức là Được-Của, thì lại nghèo xác nghèo xơ.

Ngay từ đầu tháng Chạp, thằng con báo cho thầy là nồi cháo heo cứ bị mất dấu, hình như có người múc ăn. Đó là lý do thầy Năm bắt cả nhà kỳ rửa và nấu cháo heo để cho người ăn vì thầy biết hai cha con anh Được-Của, đêm đêm mò sang nhà thầy múc cháo heo đem về cho gia đình cùng ăn. Hai thằng con phải ngủ chuồng heo vì năm rồi đạo tặc quơ của thầy hai con chó ngay lúc cận Tết, thầy ngừa năm nay tụi nó mượn tạm thầy cặp heo.

Sáng nay, hai mươi ba tháng Chạp, nhà thầy lo đi chợ mua bánh trái và bộ tam sên để đưa ông Táo về trời. Năm nay thầy cho mổ heo ngày hai mươi ba tháng Chạp vì mọi năm làm heo ngày hai mươi tám tháng Chạp, ruồi nhặng bu nhiều quá, con heo thầy bỏ công nuôi cả mấy tháng, ruồi muỗi xin thầy ủng hộ cho nên cuối cùng không còn bao nhiêu. Ấy vậy mà ngày hai mươi tám tụi nó cũng bu đến thăm thầy đầy nhà. Mặt dàu dàu, thầy nói năm nay không có thịt gói bánh chưng bánh tét vì giữa tháng Chạp heo bỏ ăn, thầy kêu lái heo bán đổ bán tháo vì sợ để lâu heo bị dịch. Thầy sai mấy đứa con ra vườn bẻ bắp, đào khoai, luộc đãi đám chầu rìa. Tụi nó vừa ăn vừa nghẹn nên rút sớm.

Sau khi mổ heo chia thịt cho bà con, gói mấy đòn bánh tét, thầy cho cúng đưa Ông Táo về trời. Tàn nhang thầy bày thức ăn cho cả nhà thưởng thức nồi cháo lòng, nào là dồi, nào là lòng, gan. Thầy bắt cả nhà phải ăn cho hết, không để dây mơ rễ má qua ngày mai. Đại khái là của mình làm mà khi ăn thì ăn vụng, mà ăn vụng thì phải chùi mép, không thì có thằng nào nó hít mùi mắm tôm chấm lòng nó tố thì có nước móc họng cho ói để nó kiểm tra, nó làm việc. Dĩ nhiên, gia đình Được-Của cũng được thầy cho tham gia. Xong bữa ăn, sẵn lửa củi, thầy sai thằng con ra vườn hái chục bắp. Thầy cho nướng bắp, làm sẵn chén mỡ hành, thầy biếu cho cha con sáu Được-Của, ước mơ mà thầy hứa đáp ứng cho hai cha con Được-Của cuối năm. Ước mơ trái bắp trét mỡ hành!!!!!

Câu chuyện này xảy ra vào khoảng thập niên tám mươi khi nạn đói khủng khiếp xảy ra tại quê nhà. Đói quá người ta phải ăn cắp cháo heo, bẻ bắp trộm, và họ còn ăn cả những cái gì “cục cựa” để thêm chất đạm. Đây là thời gian mà công ty xây cất nhà vệ sinh bị thất nghiệp vì làm gì có phân mà chứa, sán lãi còn không có ăn huống hồ tạo “phân xanh”, “phân tím”. Không có thống kê nào cho biết thời gian này bao nhiêu người đói hay chết vì đói, nhưng hình như toàn dân đói, ngoại trừ một số ngồi trong xe hơi “kiểu nước lụt”, những người có tiền mua sắm “ba đê”: đài, đổng, đạp. May sao, sau năm 1986, nhờ đổi mới tí tẹo, nhà nhà mới bắt đầu có rau dằn bụng.... Rau thôi đó nghen.

TB: Đây là câu chuyện thật được ghi lại do lời kể của anh NTH.

(Khi đói, bộ óc con người ta chạy xuống cái bao tử)

NOV. 2011 Cao Nguyên