Gặp Lại Em Ngày Cuối Năm ... Ngô Ánh Tuyết

Buổi họp sáng hôm nay kéo dài hơn ba giờ, người chủ tọa tổng kết ý kiến của mọi người rồi tuyên bố chấm dứt cuộc bàn thảo. Thế là phiên họp bốn ngày kết thúc sớm hơn dự định. Chúng tôi còn nửa ngày tự do, đến chiều thì trở lại nhận bản tường trình và dự buổi dạ tiệc. Dù sao tôi cũng phải chờ đến sáng mai mới có chuyến bay trở về Cali.

Bước ra khỏi cao ốc, không khí bên ngoài mang đến cho tôi một chút thoải mái sau những ngày tập trung tinh thần trong các buổi hội thảo. Hôm nay 29 Tết, Philadelphia vẫn còn lạnh, người Việt ở đây không nhộn nhịp mua sắm chuẩn bị cho ngày đầu năm như ở Cali. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại thành phố này, một nơi với bao kỷ niệm của một thời đi học. Gần hai mươi năm, cảnh vật dường như thay đổi nhiều, trở nên xa lạ với tôi. Đến giờ trưa, tìm một chút gì ăn, rồi tôi xuống phố Việt Nam xem có còn cái gì quen thuộc không.

Vừa mở cửa bước vào quán cà phê, tôi chợt giật mình thoáng thấy dáng ai đang đứng xếp hàng chờ mua nơi quầy. Tôi tiến đến gần để nhận diện rõ hơn, một chút ngỡ ngàng, đúng rồi … em tôi đây.

- Em…

- Ô … anh…

- Em khỏe không? Lâu quá không gặp.

- Cám ơn anh, em vẫn khỏe.

- Nói chuyện một chút được không? … Hay là cùng ăn trưa với anh nha.

- Em đã ăn trưa rồi, chỉ còn nửa giờ nữa thôi, em phải trở lại tòa án.

- Thế à, vậy uống một cái gì cũng được.

Tôi và em cùng chọn một chỗ vắng trong góc quán. Em lẳng lặng ngồi xuống không nói gì, mắt hướng qua khung cửa kính nhìn ra bên ngoài. Tôi cũng không hơn gì, thật là bất ngờ, hai mươi năm, sao hôm nay định mệnh lại đưa đẩy tôi và em ngồi bên nhau nơi đây. May quá, cô bồi bàn đã đến, phá tan sự im lặng của chúng tôi. Tôi gọi một ly cà phê và cho em như thường lệ, sinh tố cam dâu.

- Không, xin anh cho em một ly cà phê như anh.

- Em uống cà phê?

- Lạ lắm sao, có gì đâu, bấy lâu nay em đã tìm lại được nửa thú vui rồi đó.

Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn em rồi phá lên cười làm em cũng cười theo, thế là chúng tôi tự nhiên hơn. Hóa ra em vẫn còn nhớ câu nói đùa của tôi ngày trước. Mỗi lần em thử uống cà phê là bị choáng váng gần như ngất xỉu, nên tôi thường trêu chọc em bằng ý tưởng người không biết uống cà phê là đánh mất đi một nửa thú vui của cuộc đời.

Em lại bối rối nhìn xuống tập hồ sơ. Không biết em đang nghĩ gì? Ân hận vì đã nhận lời mời của tôi ngồi đây, hay là tim em đang bắt đầu những nhịp đập không đều vì xao xuyến mặc dù không uống cà phê.

Bỗng dưng điện thoại di động của em reo lên, em chụp thật nhanh như một đứa trẻ đợi quà.

Tôi chưa từng thấy ai nhận điện thoại nhanh như thế, có lẽ nó giúp em thoát được giây phút căng thẳng này. Một đồng nghiệp nào đó gọi cho em bàn về công việc, em nói chuyện huyên thuyên, thao thao như ngày nào. Cách phát âm tiếng Anh của em khá chuẩn nhưng lại nhẹ nhàng, đã từng lôi cuốn tôi. Giọng nói mà tôi nghĩ không còn được nghe lại.

Dường như em cố ý kéo dài cuộc nói chuyện. Tôi có dịp nhìn em rõ hơn, em năm nay đã 52 tuổi, không biết vì cách trang điểm khéo léo hay thời gian cũng phải ngừng bước trước em, trông em người ta nghĩ chỉ khoảng 40. Đặc biệt nhất là đôi mắt em vẫn thật đẹp và sáng long lanh lúc nào cũng ươn ướt như chực khóc nhưng lại đầy niềm tự tin, tạo cho em một vẻ đặc biệt riêng. Tự dưng tôi cúi xuống, tìm cách lẫn tránh ánh mắt này. Ánh mắt đã thu hút tôi từ buổi đầu gặp gỡ.

Ngày ấy, tôi từ Kansas City buồn vắng, nghe lời thằng bạn thân, Ninh, chuyển về đây xem tương lai có khá hơn không. Vào học ở trường đại học Philadelphia, với bản tính nhút nhát tôi chẳng quen ai ngoài Ninh, sinh hoạt ở trường tôi chẳng tham gia gì. Hôm bầu cử ban đại diện sinh viên Việt Nam của trường, không thiết tha lắm nhưng tôi cũng theo Ninh đến dự. Các sinh viên được đề cử lần lượt thuyết trình trước khi mọi người bỏ phiếu. Tôi nghe nhưng chẳng để ý gì. Bỗng dưng một giọng nói khiến tôi chú ý hơn, người con gái đứng trên kia đang lưu loát trình bày phương hướng làm việc và những hứa hẹn nếu đắc cử. Chung quanh tôi, cả hội trường chăm chú lắng nghe và bắt đầu đặt câu hỏi, cô trả lời ngắn gọn vào trọng tâm vấn đề. Tôi hỏi nhỏ Ninh:

- Cô ấy là ai vậy mày?

- Con nhỏ này học năm thứ Ba phân khoa Luật, hơi phách lối nhưng học khá giỏi, làm việc rất hay. Nó đã là chủ tịch ban đại diện hai năm trước .

- Người duyên dáng như thế mà sao mày gọi là con nhỏ.

- Ừ, tao thích thế … Chắc tại nó nhỏ con. Ê, bộ mày cảm em rồi sao.

- Tao đâu dám, con gái gì mà lanh quá trời!

Tuy nói thế nhưng tôi rất muốn làm quen với em. Ninh đang lãi nhãi gì bên tai, mặc kệ, vì tôi mãi kín đáo quan sát em. Mái tóc đen dài đến nửa lưng, người nhỏ nhắn, đơn giản không son phấn màu mè. Từ xa tôi vẫn nhận ra được đôi mắt to đen láy với hàng mi rậm, tóc lòa xòa phủ trên vầng trán thông minh. Bỗng Ninh thúc vào hông tôi nói nhỏ:

- Sao tự dưng nó bị ngập ngừng vậy? Hồi giờ có như thế đâu?

- Ủa, nãy giờ tao không để ý, có biết gì đâu.

Hơi chủ quan, tôi không nói cho Ninh là em biết tôi đang say mê ngắm nhìn em. Tôi cảm nhận một sự gần gũi nào đó giữa tôi và em.

Em lại đắc cử thêm một lần nữa vào ban đại diện sinh viên. Ra về lòng tôi mãi nhớ đến hình dáng em với nét đẹp dịu dàng, phong cách nói chuyện chững chạc đầy tự tin. Cái đẹp của em không phô trương, không đập vào mắt tôi như những cô gái khác hay làm điệu ra vẻ hiền lành. Em nhẹ nhàng thu hút tôi mỗi ngày một hơn. Sau này em thường kiêu hãnh cho đó là “hữu xạ tự nhiên hương”.

Sau ngày đó tôi thường theo Ninh đến những buổi tụ tập sinh viên ở hội quán, chỉ để được nhìn thấy em. Vì bận học nên em không đến thường xuyên được. Những lần không có em tôi lại tự nhủ hay thôi em đừng đến nữa, để tôi quen dần với sự mong đợi rồi em sẽ trở thành lãng quên, tôi sẽ trở về với con người không thích đám đông của tôi.

Ninh kể cho tôi nghe em và người em trai tên Huy vượt biên, được đưa về St Louis rồi mới chuyển về đây. Sau đó Ba Mẹ của em được đoàn tụ theo diện HO. Em vừa đi học vừa đi làm để phụ giúp thêm cho gia đình. Tôi càng cảm phục hơn với tính tự lập và trách nhiệm của em.

Một lần trong buổi sinh họat, tự dưng cảm hứng tôi vô tình vừa đàn vừa hát bài nhạc tiền chiến mà em rất thích. Thế là em biết tôi, rồi chúng tôi quen nhau, gặp gỡ thường xuyên hơn, trò chuyện tự nhiên như đã là bạn từ thuở nào. Tôi vui lắm, em và tôi đến với nhau thật tình cờ, tôi chưa phải một lần tán tỉnh, chưa từng theo em đường về. Có phải chăng đây là định mệnh đưa đẩy cho chúng tôi gặp nhau từ hai thành phố xa lạ.

Dần dần tôi trở nên dạn dĩ hơn vì thường cùng em đến những nơi sinh viên hay tập họp tán dóc trong các giờ nghỉ. Để đỡ đần công việc cho em và được gần em nhiều hơn, tôi nhận lời phụ trách văn nghệ báo chí trong ban đại diện. Có lần tôi hỏi sao em lại ôm đồm nhiều việc như thế, vừa học vừa làm đã chiếm hết thời gian rồi mà lại còn đại diện cho sinh viên nữa, người đâu mà tham lam quá. Em không giận tôi vì hai chữ tham lam mà lại còn nhẹ nhàng giải thích cho tôi, sinh viên Việt Nam ở đây sau năm 75 chỉ là thiểu số, những bước đầu ở xứ người phải đối diện với mọi khó khăn từ phong thổ, ngôn ngữ, văn hóa, sinh hoạt xã hội đã đưa họ đến với nhau, dù chỉ là một nhóm nhỏ, giúp đỡ chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống mới này. Vài năm sau đó, ban đại diện được thành lập cho đến giờ. Em vì muốn duy trì truyền thống đó nên tiếp tục công việc của các đàn anh để có cơ hội giúp các em nhỏ lớn lên ở đây học vừa có dịp học hỏi thêm tiếng Việt. Tôi lại càng thương em hơn khi biết rằng để làm được điều đó, đôi lúc em phải bỏ ngoài tai những quan niệm không đúng cho rằng đại diện sinh viên là những người thích nổi bật, không được hiền cho lắm nếu không muốn nói là dữ dằn, độc tài, chỉ huy người khác.

Chúng tôi càng khắng khít, hầu như lúc nào cũng bên nhau cho dù không cùng giờ học. Lúc thì trong thư viện, khi thì ngoài sân trường ngồi với nhau hàng giờ không cần phải nói gì, mỗi người tự làm việc riêng của mình nhưng cảm thấy rất bình an bên nhau. Tôi bắt đầu biết chờ em ngoài giảng đường, mang hộ em sách vở, đưa đón hẹn hò với em, cho em một chỗ tựa yên lành vì từ nay em sẽ có tôi đi bên đời, chia sẻ những niềm vui những nỗi buồn.

Mọi sinh hoạt ở trường chúng tôi cùng nhau tham gia. Các em nữ sinh viên tìm đến tôi nhiều hơn, chắc vì gương mặt mà mọi người cho là khá đẹp trai của tôi, để được vào ban văn nghệ tập hát hay là vì tôi cũng bắt đầu nổi tiếng. Để trêu cho em giận, tôi thường đem chuyện này kể cho em nghe. Em tôi, tuy không nói gì nhưng với ánh mắt tôi đọc được rằng cho dù có bao nhiêu cô cũng chẳng hề chi vì em đã chiếm trọn trái tim tôi. Mỗi năm chúng tôi chỉ tổ chức được một ngày văn nghệ cuối năm vào 24 hoặc 25 Tết gọi là Cây Mùa Xuân Sinh Viên Việt, không hiểu em vận động thế nào mà các bạn Mỹ cũng tham gia, chương trình trở nên hào hứng hơn. Tiếng hát học trò của em, tiếng đàn vụng về của tôi nhưng cũng đủ quyện vào nhau bay bổng cao vút đưa đến các bạn tôi.

Ngày tháng trôi qua dần, với những buổi chiều mưa của mùa đông cành cây trơ trụi lá, một chút se lạnh trong gió xuân, những ngày hạ nắng ấm, rồi mùa thu lá vàng ngập lối đưa em về, tình chúng tôi lớn lên thêm trong lãng mạn, nhẹ nhàng. Niềm hạnh phúc đơn giản trong tiếng cười rộn rã của em, những ân tình chúng tôi giữ cho nhau cùng với những giận hờn trách móc vu vơ, bấy nhiêu đó cũng đủ cho tôi niềm vui sướng trong cuộc đời này. Bạn bè thân thương trìu mến ví von chúng tôi như hai con chim nhỏ lúc nào cũng quấn quýt líu lo bên nhau. Kẻ ganh tỵ thì suy diễn ra một cái gì đó rồi đàm tiếu, lấy đó làm niềm vui của họ. Tôi rất bực mình nhưng em thì nhẹ nhàng thường hay nói với tôi:

- Nếu anh có một người bạn tốt là niềm hạnh phúc. Nếu anh có người bạn xấu thì anh sẽ học được bài học. Cuộc đời của em đã học được nhiều bài học rồi anh ạ. Người ta nói xấu anh là do họ không hiểu anh, hoặc họ có cái gì đó thua thiệt không bằng anh, rồi ganh tỵ.

- Như thế thì bây giờ …anh đang hạnh phúc.

- Bởi vì anh đang có em.

- Và em cũng đang hạnh phúc, phải không?

Em tôi đấy, một nửa câu nói thôi em cũng hiểu được tôi muốn nói gì, ánh mắt của em cũng nói lên được với tôi những điều em muốn nói. Chúng tôi đến với nhau tự nhiên không kiểu cách, không vụ lợi, không phiền hà đến ai. Đấy là sự hài hòa của hai tâm hồn mà chỉ có tôi và em mới cảm nhận được. Thế mà cũng có kẻ dèm pha tìm cách chia rẽ chúng tôi. Tôi nhớ một lần, anh chàng Bách, bạn học của em từ hồi đại học ở Việt Nam, có lẽ hơi rãnh rỗi nên tuyên bố giữa sân trường vài điều xúc phạm đến danh dự của em. Em lặng người, bàng hoàng không phản ứng, đôi mắt ướt tha thiết nhìn tôi như thầm bảo “Không có chuyện đó đâu, anh tin em phải không?… Tại sao người ta lại có thể đối xử như thế với em?”. Lúc đấy tôi thật sự chỉ muốn chạy vào giảng đường lôi hắn ta ra đập cho một trận, nhưng tôi vẫn đứng yên nhìn em quay bước đi. Mọi người nhìn em và tôi thắc mắc không biết chuyện hư thực ra sao. Xin đừng quấy rầy nữa, hãy để em tôi một mình. Đến chiều, tôi ghé qua em, vừa thấy tôi, em vụt khóc lên nức nở, bờ vai tôi đẫm ướt vì nước mắt em. Hãy khóc đi, nước mắt sẽ mang đi hết bực dọc phiền muộn, trả lại em sự hồn nhiên vô tư bên tôi. Tôi nhẹ nhàng vỗ về em “Người bạn đã biết em rất rõ, nhưng lại nói những điều không đúng về em sẽ là cây thước để đo lòng dạ họ. Đừng để ý đến dư luận, lời bàn tán bên ngoài, chúng ta chỉ cần biết có nhau, là điểm tựa của nhau là đủ”.

Tôi vẫn còn nhớ ngày em tốt nghiệp, nụ cười rạng rỡ và tự tin trong chiếc áo hơi quá khổ nhưng vẫn không dấu được niềm hãnh diện được đào tạo ở một nước tân tiến trên thế giới. Cô luật sư của tôi, tốt nghiệp ở cái tuổi ngoài 30, hơi muộn, nhưng ước mơ của em từ thuở bé đã thành tựu. Rồi đây em có thể sử dụng kiến thức của mình để giúp mọi người sống trong một xã hội có luật lệ, trật tự mà em chưa bao giờ thấy khi còn ở quê nhà.

Tôi mĩm cười nghĩ đến cái nguýt dài của của em, ánh mắt tinh nghịch dường như thầm nói “Anh cứ làm đi rồi anh sẽ chết” khi tôi bảo rằng sau này nếu tôi lỡ làm việc gì sai trái, đều có em bên cạnh biện hộ. Giọng nói của em làm cắt ngang giòng tư tưởng của tôi:

- Anh nghĩ gì vui lắm sao, mà cười vậy?

- Không … không, em nói chuyện xong rồi hả. Em đang làm ở văn phòng nào vậy? Ba Mẹ em có khỏe không?

- Ba em mất đã 10 năm rồi. Mẹ thì hơn 80, chân tay hơi yếu nhưng đầu óc rất tỉnh táo, có khi còn nhớ hơn tụi em nữa. Huy vì công việc nên dời về New York, Mẹ em về theo Huy. Sau đó, em may mắn tìm được công việc ở một văn phòng khá lớn ở đấy nên dời về để được gần Mẹ em hơn.

- Em không còn ở đây? Anh cũng thế, đã dời về Santa Ana.

- Em biết. Tình cờ ghé mắt vào tờ báo Việt, em biết công việc của anh rất thuận lợi và em cũng biết sự thành công của anh. Chúc mừng anh. Hôm nay em về đây để thu thập một số tài liệu làm nhân chứng cho vụ án sắp đến của em. Chiều nay em phải về lại New York để giúp Mẹ chuẩn bị các thứ cho ngày Tết cổ truyền, vì đó là niềm vui của bà. Còn anh, anh làm gì ở đây?

- Tổng công ty họp thường niên đầu năm, sáng mai anh về.

"Tình cờ ghé mắt vào”, nghe sao mà xa lạ quá! Nhưng em nói đúng, chúng tôi mỗi người một con đường riêng cho mình, một cuộc sống riêng thì đâu còn gì mà quan tâm với nhau.

- Ninh có kể cho anh nghe, có một dạo em sang Úc phải không?

- Văn phòng trước của em có chi nhánh bên đấy, em sang làm việc 6 tháng ở Melbourne. Người Việt ở Úc rất thân thiện và thành công lắm. Họ sống êm đềm chứ không vật lộn với cuộc sống, chạy đua theo thời gian như bên Mỹ mình. Em rất thích Melbourne, bốn mùa trong một ngày, anh tha hồ mà viết văn, không cần phải đợi một năm.

- Trời ơi, thành phố như thế ai mà chịu nổi, em thích chắc vì nó giống như em trời mưa trời nắng bất chợt, ai mà lường được.

Rồi câu chuyện kế tiếp của chúng tôi chẳng ăn nhập gì nhau. Tôi còn đang mãi trở về quá khứ với đầy ắp hình ảnh của em.

- Sắp đến giờ rồi, em phải đi đây.

- Anh có thể đưa em một đoạn đường được không?

- Không cần đâu, em phải đi nhanh mới kịp giờ.

- Xong việc, em lái xe về cẩn thận. Giữ gìn sức khỏe nhé.

- Dạ, chỉ khoảng 2 giờ là em về đến nhà.

Bàn tay em vẫn mềm mại trong cái bắt tay từ giã. Tôi siết chặt tay em hơn, thoáng nghĩ muốn ôm chặt bờ vai nhỏ bé của em như giữ em lại. Lần này em dường như cảm nhận được điều đó, e dè rút tay lại rồi nhanh nhẹn quay gót bước đi. Em đi thoăn thoắt như trốn chạy tôi, trốn chạy quá khứ. Tôi dợm bước theo nhưng rồi lại đứng yên, mắt dõi theo bước em đi. Em bất chợt quay lại, miệng cười thật tươi vẫy tay chào rồi hòa nhập vào đám đông. Dáng em xa dần … rồi nhỏ dần trong giòng người xa lạ cao to. Nhưng tôi vẫn còn nhận ra được em qua chiếc khăn san trên vai bay ngược về phía tôi, cho đến khi khuất hẳn. Thế là em đã đi. Một chút nuối tiếc, tôi đứng lặng im rồi chậm rãi quay lưng bước đi.

Chia tay lần này nhẹ nhàng và dễ chịu cho chúng tôi hơn. Nhớ lại ngày trước, tôi tốt nghiệp sau em một năm, rồi vì công việc chúng tôi ít gặp nhau hơn, nỗi nhớ nhung trong xa cách làm cho tình cảm chúng tôi không những không thay đổi mà lại còn tăng thêm. Nhiều lần em có ý định sẽ về San Jose làm việc nhân tiện giúp đỡ cô bạn từ hồi trung học mới sang định cư, dù tôi đã nhiều lần phản đối.

Cho đến một hôm, sau buổi tiệc sinh nhật của em như thường lệ với một số người thân và bạn bè quen thuộc, em từ giã phải rời nơi đây vì vừa nhận một việc làm rất tốt ở nơi xa. Tôi ngỡ ngàng không biết em nói gì, bao nhiêu năm nay, mọi việc em đều bàn qua và cùng tôi quyết định. Lời giải thích ngang bướng của em nghe xuôi tai nhưng tôi không thể nào hiểu nỗi.

- Chúng mình quen nhau bao nhiêu lâu rồi anh có biết không? Biết nhau, quen nhau, tình bạn nhẹ nhàng đưa đến tình yêu khi nào mình cũng không hay. Mình chỉ biết có bên nhau, bao nhiêu năm trôi qua mà cứ ngỡ tưởng như mới đâu đây. Em và anh giống nhau quá, từ quan niệm cuộc sống cho đến sở thích trong sinh hoạt hàng ngày. Ngắm một bức tranh, chúng ta cùng một ý tưởng. Nghe một bài nhạc, đọc một câu chuyện em và anh cùng một nhịp cảm thông với người viết. Không một lời cãi vã, tranh luận vì chúng ta lắng nghe nhau, nếu có chỉ là những lời trách móc vu vơ nũng nịu mà thôi. Hai chúng ta như một, cái tình của mình em không biết định nghĩa như thế nào, không ai hiểu được, vì nó là của riêng mình. Em và anh có thể nói hết mọi điều mà đôi khi không thể nói được với người phối ngẫu. Thế cho nên mình không thể đi cùng một con đường trong cuộc đời sau này. Cuộc sống lứa đôi phải là sự phối hợp của hai con người bổ khuyết cho nhau, như những mảnh rời của trò chơi ghép hình, kết hợp lại thành bức tranh hoàn hảo thì mới có được hạnh phúc. Tin em đi, dù không có được nhau nữa, anh và em rồi sẽ ổn định, tự tìm cho mình một con đường một cuộc sống.

Tôi biết em còn thương tôi lắm nhưng vẫn bỏ ra đi. Tôi không hờn trách hay oán giận gì em, chỉ mong rằng em hãy thực tế hơn trên con đường em đi sau này. Niềm hy vọng một ngày nào đó em sẽ quay về vẫn mãi ấp ủ trong tôi. Rồi tôi lao đầu vào công việc, vào thương trường đầy cạm bẫy, đầy mưu chước, không có em bên cạnh để cùng chia sẻ.

Tôi không còn nhớ hai mươi năm qua tôi đã làm như thế nào bây giờ tôi trở thành một doanh thương rất thành công và nổi tiếng. Tôi cũng không nhớ tôi có làm điều gì xúc phạm đến danh dự và thanh danh của em không. Nếu có, xin em hãy tha thứ cho tôi. Với tính nhân hậu và lòng vị tha em sẽ làm được vì em biết rằng đó chỉ là do cái tự ái của tôi khi em bỏ đi, hoặc chỉ là vô tình mà thôi.

Tay tôi bỗng đau nhói. Giật mình, tôi như người mộng du giữa ban ngày, tôi đã mua một cành hoa hồng trắng từ lúc nào, gai nhọn đâm vào tay như thức tỉnh tôi. Ngày xưa quen em, mỗi chiều 30 Tết tôi hay đến tặng cho em chỉ một cành hồng trắng mà em rất thích, màu trắng trông đơn giản nhẹ nhàng nhưng là sự tổng hợp của tất cả các màu. Cũng như em, một con người phức tạp, nhạy cảm ẩn trong nét đơn sơ bình thường. Lời em nói có lẽ đúng, chúng tôi như những người tình tuyệt vời, với cuộc sống thực tế chắc gì chúng tôi tìm được hạnh phúc.

Bình tâm trở lại tôi sực nhớ ban nãy nói chuyện với em, cả hai đều không hỏi thăm gì nhau về cuộc sống hiện giờ. Không biết gia đình nhỏ của em, chồng con như thế nào. Em cũng không hề hỏi gì về tôi. Hiện tại chúng tôi không có gì để chia sẻ, chỉ xin giữ cho nhau một lời chào, một nụ cười trên đường phố nếu tình cờ gặp lại. Chúng tôi là của một thời đã qua, sự hiện hữu của quá khứ không thể xóa bỏ được, quyển sách đã được đóng và để lại nơi đây. Bụi thời gian đã làm những dòng chữ hoen mờ, không còn ai đọc được. Ngay cả chúng tôi cũng không muốn mở lại trang sách này thì xin mọi người đừng suy diễn, đừng phê phán cuộc tình rất là riêng tư của chúng tôi.

Định mệnh nghiệt ngã một lần nữa trớ trêu đưa đẩy chúng tôi gặp lại nơi đây. Bao nhiêu thành phố khác trên xứ Mỹ này sao công ty của tôi không chọn? Còn em, sao lại về đây đúng ngày hôm nay? Nhưng tôi lại thầm cám ơn định mệnh, đã cho tôi gặp lại em thật bất ngờ, để được nhìn thấy em, được biết em vẫn an vui.

Đêm mai là Giao Thừa, có lẽ em vẫn còn thói quen từ hồi học đệ Ngũ trung học, khai bút cho ngày đầu Xuân, ghi lại những ước mơ cho năm mới. Tôi biết chắc rằng niềm mơ ước ngày mai của em sẽ không có tôi trong đó. Dù sao chăng nữa, suốt sáu năm liên tục tôi là người đầu tiên và duy nhất cùng đọc lời khai bút với em vào sáng mồng Một Tết, có tôi rất nhiều trong ước mơ của em. Tôi không khai bút, không viết thành văn, chỉ mong ước rằng người bạn trên đường đời của em hãy trân trọng em, chăm sóc em tử tế, cố giữ em bên đời, điều mà tôi không làm được cho em và không còn có cơ hội nữa. Cũng như người bạn đời và cô con gái xinh đẹp của tôi, xin đừng ghen tuông hay nghĩ ngợi gì về em. Em chỉ là dĩ vãng, còn họ là phần đời, là hiện tại và tương lai của tôi.

Cành hồng trắng dễ thương này tôi sẽ mang về khách sạn rồi để lại đấy như một hình ảnh đẹp của thành phố mà tôi đã đi qua. Thành phố mà mọi nơi đều có bước chân chúng tôi và hình bóng em. Trời hơi se lạnh, giơ tay kéo cao cổ áo tôi bỗng hát khẽ một mình vừa đủ cho em nghe “…em hồn nhiên, rồi em sẽ bình yên”**.

Ngô Ánh Tuyết

Viết xong 28/12/2011

** Lời nhạc Trịnh Công Sơn