Truyện

- TRÁI TIM CỦA MẸ

- ÂM HƯỞNG THÁNG TƯ

- MỘNG BAN ĐẦU

- YES, VIRGINIA - SORRY, BIÊN HÒA

- TÓC VÀNG SỢI NHỎ

- MẸ VÀ THƯƠNG YÊU

TRÁI TIM CỦA MẸ

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi lần đến ngày Mother’s Day là bà Audrey biến mất. Gia đình hay bạn bè tìm đủ mọi cách để liên lạc với Bà đều không có hiệu quả. Điện thoại nhà, điện thoại sở, cell phone đều chỉ có cái message lạnh lùng: "xin vui lòng để lại lời nhắn, tôi sẽ gọi lại ngay khi tôi có thể". Sau ngày Mother’s Day, ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5, bà Audrey xuất hiện lại, vẫn bình thường như không có gì xảy ra.

Ai đó có thắc mắc hỏi thăm, bà chỉ trả lời qua loa:

- Tôi bị stress hơi nhiều, nên đi retreat hai ngày cuối tuần để tâm trí được thoải mái hơn.

Chỉ có thế, không có gì hơn, nhưng người ta không thắc mắc nhiều vì bà Audrey vẫn đi làm, vẫn hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của bà là một nhân viên lo về dịch vụ quảng cáo cho một tờ báo điạ phương ở Oregon State

Không một ai biết là đằng sau câu trả lời đó là cả một nỗi niềm vẫn cắn rứt bà từ năm mười bảy tuổi.

Hồi đó, cuối năm lớp mười một, được một nam sinh ở cùng xóm đang học lớp mười hai mời đi "senior prom" (dạ tiệc khiêu vũ của học sinh lớp mười hai). Cô nhỏ Audrey lúc đó vừa sung sướng, vừa hãnh diện, vì ít khi học sinh lớp mười một được đi dự dạ vũ của lớp mười hai. Cô về nhà gom góp hết tiền để dành của mình và lén cha mẹ nhịn ăn cả tuần để dành tiền thuê một cái áo dạ vũ màu hồng rất đẹp. Audrey được cha mẹ cho đi dạ vũ với điều kiện phải về nhà trước chín giờ tối. Anh chàng học sinh lớp mười hai, «date» của Audrey ở cách đó một block đường, mặt mày cũng hiền lành, thường xuyên có mặt ở thư viện điạ phương học hành nghiêm chỉnh, không gây hoài nghi cho bất cứ một bậc cha mẹ nào vẫn luôn để mắt đến các cô con gái dậy thì, xinh tươi vẫn bị so sánh với "các thùng thuốc nổ chậm" trong nhà.

Vậy mà dưới ảnh hưởng cuả «peer pressure», bạn bè cùng trang lứa, hậu quả của việc tham dự "senior prom" năm đó để lại một mầm sống trong Audrey. Khi cha mẹ Audrey khám phá ra việc này, thì chỉ còn hai tháng nữa là Audrey đến ngày sinh nở, quá trễ để có thể có những lựa chọn khác. Hơn thế nữa, là một gia đình Catholic thuần thành, họ không muốn giết một hài nhi vô tội.

Ngày Audrey sinh con, cô chưa đến mười tám tuổi, nên mọi việc đều thuộc quyền quyết định của cha mẹ. Thế là mặc dù "mẹ tròn con vuông", em bé khoẻ mạnh, Audrey được cha mẹ chở về nhà một mình. Bé trai sơ sinh đã được cha mẹ nuôi đến nhận ngay từ lúc được cắt cuống rốn.

Về nhà, Audrey học tiếp năm lớp mười hai, tốt nghiệp trung học, đi làm, rồi lập gia đình với một thanh niên làm cùng chỗ. Cuộc sống hạnh phúc kéo dài không lâu, Audrey ly dị và bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, lần này chắc là rút kinh nghiệm của lần đổ vỡ trước, hôn nhân kéo dài được gần mười năm, rồi lại "đường ai nấy đi".

Hai cuộc hôn nhân đến rồi đi không để lại một ràng buộc nào với những người trong cuộc vì Audrey không sinh nở lần thứ hai.

Lúc này đã đến tuổi nửa đời người, bà Audrey chững chạc hơn, khôn ngoan hơn, và nỗi ân hận cho con năm xưa ngày một lớn dẩn.

Bà trở về thành phố tuổi thơ, xin vào làm ở một tờ báo địa phương, và đổi lại họ "Springfield" thời con gái cuả mình.

Là chuyên viên nhận đăng và lay out quảng cáo cho một tờ báo điạ phương, mỗi ngày bà Audrey thấy người ta đăng tất cả mọi thứ trên báo, và kết quả cũng cao, vì thỉnh thoảng bà vẫn nhận được những Email cảm ơn khi việc quảng cáo có kết qủa. Thế là bà Audrey quyết định đăng một quảng cáo cho chính mình, với ước mong tìm lại được cậu con trai chưa một lần được bồng bế năm xưa.

Thế là từ đó, mỗi năm vào ngày 7 tháng 4, sinh nhật cuả cậu con, bà đăng một mẫu tin trên quảng cáo với nội dung không đổi:

"Chúc mừng sinh nhật ngày 7 tháng 4, sinh nhật cậu bé trai Springfield cuả mẹ. Mẹ luôn luôn thương yêu con.

Mẹ đẻ của con – Audrey Springfield".

Cái quảng cáo đó chỉ xuất hiện vào ngày 7 tháng 4 mỗi năm, và kéo dài gần 30 năm, xuất hiện trên báo, nằm khiêm nhường chìm lẫn trong cả chục mẫu quảng cáo đủ loại thượng vàng hạ cám khác.

Chỉ có tin đi mà không có tin về, nhưng bà Audrey không ngừng nuôi hy vọng một ngày nào đó, bà sẽ tìm lại cậu con trai sơ sinh thất lạc. Bà không ngừng cầu nguyện, tiếp tục đăng quảng cáo vào ngày 7 tháng 4 hàng năm trên cùng một tờ báo điạ phương. Hình như đó cũng là một cách làm giảm nỗi ân hận của bà, mặc dù đó không phải là quyết định của cô Audrey ngây thơ mười bảy tuổi, mà là quyết định của các đấng sinh thành.

Và vào mỗi ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5, ngày Mother’s Day ở Mỹ, bà lặng lẽ đi về một nơi nào đó xa xôi, tránh những hình ảnh trên báo chí, TV nói về ngày lễ của Mẹ. Hình như đó là ngày mà nỗi ân hận của bà dâng cao nhất, ngút ngàn chất ngất.

Nhiều năm như vậy, sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, không có con với cả hai người chồng, mặc dù vẫn còn đẹp ở tuổi 60, bà Audrey không còn nghĩ đến chuyện lập gia đình lần thứ ba. Bà không cảm thấy cô đơn, chỉ thấy nỗi ân hận đã bỏ rơi cậu con trai sơ sinh năm xưa ngày càng lớn dần.

Cách đây hai năm, qua hồ sơ lưu trữ của một adoption agency ở địa phương, bà Audrey được biết cậu bé sơ sinh năm xưa được cha mẹ nuôi đặt tên là Dylan. Thế là câu quảng cáo hàng năm trên báo vào ngày sinh của cậu bé trở thành cụ thể hơn như sau:

"Chúc mừng sinh nhật ngày 7 tháng 4 Dylan của mẹ. Mẹ luôn luôn thương yêu con.

Mẹ đẻ của con – Audrey Springfield".

Sau nhiều thập niên bị gậm nhấm trong nỗi ân hận, nhưng không ngừng cầu nguyện và hy vọng, năm nay, bà Audrey só được món quà quý nhất trên đời với bà vào một tuần trước lễ Mother’s Day

Đó là một buổi trưa thứ bảy, yên tĩnh, an nhàn, không gấp rút, bận rộn như những ngày làm việc trong tuần, có một người đàn ông trung niên bấm chuông nhà bà. Từ cửa sổ nhìn ra, bà Audrey nghĩ đó là một nhân viên của UPS đến giao cho bà một cái áo khoác, món hàng mà bà mua qua internet tuần trước.

Bà mở cửa, người đàn ông trung niên trước mặt với trang báo quảng cáo của tờ Portland Tribune trên tay, giọng lịch sự có pha một chút e dè:

- Chào bà, thưa có phải bà là Audrey Springfield không ạ?

Bà gật đầu: "Vâng, tôi là Audrey Springfield".

Giọng người đàn ông trung niên lạc hẳn đi vì xúc động:

- Thưa bà, tên tôi là Dylan, có thể bà là mẹ ruột của tôi.

Cả hai người quan sát nhau kỹ hơn và cùng nhanh chóng nhận ra những nét quen thuộc của mình trên khuôn mặt người đối diện. Bà Audrey nghẹn ngào không nói được tiếng nào, ôm choàng lấy Dylan, thật chặt, như sợ người con trai lại biến mất khỏi vòng tay của bà nhanh chóng như năm xưa, lúc bà mười bảy tuổi.

Từ trên cái SUV đậu trước nhà, vợ cuả ông Dylan nhìn vào, và dù không được nghe hai người nói với nhau những gì, bà cũng nhận ra là ông Dylan đã tìm lại được người sinh ra mình sau 43 năm.

Có lẽ trời cũng động lòng trong giây phút trùng phùng của hai mẹ con, một màn mưa phùn chợt kéo đến phủ lên tóc của cả hai người những hạt nước trắng xóa li ti.

Tháng trước, nhân sinh nhật lần thứ 43, tự dưng ông Dylan tò mò lên search online xem thử có bao nhiêu người sinh cùng ngày 7 tháng 4, cùng nơi sinh với mình ở bệnh viện Oregon State Hospital ở Portland. Ông Dylan đánh vào hàng chữ: "Babies born in April 7th at Oregon State Hospital". Trong vài giây, có hơn 75 ngàn kết quả hiện ra, mà một trong ba kết quả đầu tiên ở trang đầu là dòng quảng cáo chúc mừng sinh nhật Dylan của bà Audrey.

Dù được bố mẹ nuôi, ông bà Lawrence, cho biết mình là con nuôi từ lúc tròn 21 tuổi, đôi lúc ông Dylan rất muốn đi tìm cha mẹ ruột của mình, nhưng ông không muốn tự làm mình thất vọng, vì chưa chắc là người sinh ra ông còn quan tâm và nghĩ đến ông. Vả chăng, cha mẹ nuôi của ông, ông bà Lawrence không có con, nên thương yêu ông vô cùng.

Lần này có tên của bà Audrey, ông tìm trên white book, quyển danh bạ điện thoại dày cộm của thành phố Portland, và tìm được cả số phone lẫn điạ chỉ cuả bà Audrey, chắc là mẹ ruột của ông, chỉ ở cách ông có 30 phút lái xe.

Thế là vào một ngày thứ bảy, hai vợ chồng ông Dylan Lawrence lái xe đến địa chỉ cuả bà Audrey với trang báo quảng cáo trên tay, với một kết quả rất cảm động, một "happy ending" sau gần ba mươi năm, bà Audrey kiên nhẫn đăng quảng cáo trên báo chúc mừng sinh nhật ngày 7 tháng 4 cuả cậu con trai thất lạc từ lúc mới chào đời.

Dù mới gặp nhau lần đầu, nhưng tình mẫu tử từ bà Audrey và sợi dây huyết thống vô hình đã làm cho hai mẹ con thấy rất gần nhau như họ chưa từng bị chia cách trong 43 năm qua.

Hai đứa con trai của ông Dylan kể từ bây giờ sẽ có thêm một bà nội thứ hai, bà nội Springfield, ngoài bà nội Lawrence mà các em vẫn thấy từ thuở mới có trí khôn.

Đêm đó, bà Audrey ngồi suốt đêm trên ghế sofa, không dám nằm ngủ, bà sợ chuyện mới xảy ra lúc sáng chỉ là một giấc mơ. Nếu bà đi ngủ, lúc thức dậy, giấc mơ sẽ không còn.

Đó có lẽ là món quà quý nhất mà Thượng đế đã ban tặng cho hai mẹ con bà Audrey một tuần trước lễ Mother’s Day. Một món quà vô giá không một khoản tiền nào có thể mua được.

Từ đó, mỗi lần đến ngày 7 tháng 4, thay vì đăng quảng cáo, và khóc thầm, bà Audrey sẽ mang một cái bánh sinh nhật đến cho con trai của mình với nụ cười rạng rỡ và với lòng biết ơn ông bà Lawrence đã nuôi dạy em bé sơ sinh Dylan năm xưa trở thành một người lớn đàng hoàng, có nghề nghiệp và tư cách. Và mỗi ngày Mother’s Day, một ngày chủ nhật của tháng 5, bà Audrey không phải lái xe đi xa, lặng lẽ âm thầm với những giọt lệ ăn năn của mình.

Trái tim của người Mẹ, từ một người mẹ non trẻ dại khờ, chưa đủ trí khôn, đến một người mẹ da mồi tóc bạc, đi gần hết cuộc đời lúc nào cũng chứa cả một đại dương tình thương cho các con của mình.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Santa Clara- Mother's Day 2011

Kính cảm ơn Thầy Hoàng Phùng Võ

ÂM HƯỞNG THÁNG TƯ

H. ơi

Đầu tháng 4 rồi đó, hoa anh đào năm nay nở sớm, từ cuối tháng 3. Anh đi dọc bờ sông Pontomac ở DC mà nhớ bờ sông Đồng Nai của tụi mình hồi đó vô cùng. Anh dùng chữ "hồi đó"vì sông Đồng Nai bây giờ khác với sông Đồng Nai thời nhỏ dại của mình. Anh nhớ cuôí tháng 4 năm 75 "làn sóng đỏ" tràn vào miền Nam, vật đổi sao dời. Đầu tháng 5 anh đi ra bờ sông để "rửa tai" như một nhân vật trong chuyện cổ của Tàu ngày xưa. Chắc H còn nhớ tại sao anh phải "rửa tai" phải không? Những người về từ rừng rú, từ phía bên kia vĩ tuyến 17, vào miền Nam bưng, đội, khiêng, vác, quơ cào, vơ vét tất cả mọi của cải ở miền Nam đem về miền Bắc "thiên đường mù" của xã hội chủ nghĩa ( như cách nhận xét của nhà văn Dương Thu Hương).

Anh tiếc nhất là tủ sách của anh bị mất sạch. Chừng như chưa đủ, những người mà trình độ nhiều khi không hiểu nổi tựa của quyển sách, còn "lên lớp" anh bằng một ngôn ngữ nghe lạ tai, không phải là thứ ngôn ngữ quen thuộc mình thường nghe từ thuở cha sinh mẹ đẻ. Anh phải ra sông "rửa tai", và ở đó anh thấy H. và T. ngồi ở khúc vắng nhất của bờ sông, gần cư xá nhà mình, nước mắt chảy xuống hòa với nước sông cũng mặn, dù không mặn bằng nước biển.

Nước sông Pontomac thì vẫn ngọt ngào như đời sống bình yên giàu có ở quê hương thứ hai của tụi mình H. hả? Bởi vì ở đây tự do và dân chủ được thể hiện ở mức độ cao nhất trên quả đất, đâu có chuyện tự nhiên đuổi người ta ra khỏi nhà, rồi chiếm hết tài sản của người ta, nên đâu có em bé nào ngồi khóc ở bờ sông như H. và T. hồi nhỏ.

Anh gởi lời thăm T., hình như dạo này T. có số "thiên di", đi business trip liên tục từ Âu sang Á. Anh lại làm mất email của T. rồi, H. có được gởi qua cho anh xin nghe. Với anh, lúc nào hai cô láng giềng (ở bên phải và ở bên trái căn nhà thiếu thời hồn nhiên hạnh phúc của anh) cũng nhỏ xíu, tội nghiệp như lần ngồi nhỏ nước mắt xuống bờ sông Đồng Nai dạo nào.

. . .

H. thương mến,

Lâu ghê, chị quay như con vụ theo dòng đời sống, không có thì giờ viết email cho H., mặc dù chị vẫn theo dõi những buồn vui của H. Vui buồn nào thì chị không biết, duy có nỗi buồn tháng tư thì tụi mình, và có lẽ rất nhiều người, nhiều người khác đều giống nhau, nỗi buồn lịch sử của cả một dân tộc.

Từ gần ba mươi năm nay, cứ đến ngày 30 tháng 4, anh chị đều mặc áo đen, mặc dù chị vốn ghét màu đen. (Đời đã có quá nhiều chuyện không vui rồi. Tại sao phải góp thêm màu đen vào đời sống?) Năm nay. 2005, tròn 30 năm miền Nam sụp đổ, có lẽ anh chị sẽ mặc áo đen 3 ngày để tưởng nhớ đến tất cả những người đã bỏ mình trong ngục tù cải tạo, và những người đã tự sát trong biến cố tháng tư rất buồn của miền Nam. Nếu có một ai đó đã qua tuổi "thấp thập cổ lai hy" mà vẫn nói những lời thiếu chín chắn, động lên anh linh của những anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn.....thì mình nên mặc áo đen 3 ngày để tưởng nhớ đến những hậu duệ tuyệt vời của các vị danh tướng như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, đã tự sát chết theo thành khi thành thất thủ, như là luật bù trừ, chị nghĩ vậy, H. có đồng ý không?

Con bé lớn nhất của anh chị năm nay vừa lên mười một tuổi, anh chị phải hướng dẫn cho nó từ từ, để lớn lên nó sẽ theo học ngành "Political Science". Từ năm cháu lên bảy, chị đã bắt đầu cho nó coi những cuộc "debates" lịch sử của các ứng cử viên Tổng Thống, đã tập cho nó coi "State of Union Address" hàng năm; quan sát qua tivi trò chơi dân chủ ở một đất nước tự do. Chị cũng đã cho nó đi học Piano và chơi Tenis từ hồi bắt đầu đi học, không phải để hy vọng thành một nhạc sĩ hay một vận động viên sau này, mà để khi cháu lớn lên dễ được nhận vào những trường Đại Học nổi tiếng (những prestgious Universities của Mỹ), để dễ có "connection", dễ lọt vào "mắt xanh", mắt nâu hay mắt xám....của những Giáo Sư uy tín có ảnh hưởng đến những nhà lãnh đạo của nước Mỹ. Chị không dám có mơ ước, con bé được một phần nhỏ như bà Condoleeza Rice rất cương nghị và tài ba, nhưng chị muốn lớn lên, ít nhất con bé đi được vào vòng ngoài của quỹ đạo quyền lực ở Washington DC. Lúc đó "ngày về" của nhiều người Việt Nam lưu vong sẽ có khả năng thành hiện thực. Thử để thế hệ con em mình đi một đường khác, như cộng đồng người Do Thái, mặc dù không vào được những vị trí tột đỉnh uy quyền hay những vai trò "decision maker", nhưng đã ảnh hưởng đến những quyết định lớn, những chính sách quan trọng rất nhiều.

Anh chị đã và sẽ làm hết sức mình, nhưng "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" phải không H? Thế hệ anh chị làm không được thì ráng đầu tư vào con bé, để nó hoàn thành được ước mơ của mình. Khi nào rảnh H. nhớ cầu nguyện cho ước vọng chung của những người Việt Nam lưu vong tỵ nạn chính trị H. nghe, cho "ngày về" của rất nhiều người; và để bố chị cùng rất nhiều người chiến hữu của ông được mỉm cười nơi chín suối.

. . .

H. thân mến

Anh vừa về Việt Nam lần đầu theo một tourists trip. Gần ba mươi năm sau nhìn lại quê hương, anh thấy mình thật sự là Từ Thức trong truyền thuyết ngày xưa. Anh thấy mình lạc lõng trên chính quê hương mình, còn hơn cả cảm giác bơ vơ, lạc loài đầu tiên anh đến định cư ở St Louis cổ kính của miền Tây nước Mỹ hơn hai mươi năm trước.

H có biết là từ nhiều năm nay, anh thấy thú vị với những cái "joke" của người Mỹ còn hơn là những chuyện tiếu lâm của đồng bào mình ở quê hương xa xăm đầy tội nghiệp. Anh chắc là H. cũng vậy, bằng cớ là H. vẫn kể cho anh nghe nhiều chuyện cười H. đọc được từ Reader Digests, và cả hai anh em đã cười tít mắt, cười đến nỗi không thấy Tổ Quốc đâu hết. Tổ Quốc nào H. hả?

Anh còn nhớ hồi ở trại tỵ nạn Pulau Bidong ở Mã Lai, H. đã rất mê một bài thơ từ tạp chí Văn ấn hành ở Mỹ, anh chỉ nhớ mỗi câu cuối "Em hỏi sao bây giờ mình có hai Tổ Quốc?" Khái niệm Tổ Quốc, với anh thật mù mờ kể từ khi mình dơ tay tuyên thệ thành công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên cứ mỗi độ tháng Tư, Tổ Quốc hình chữ S vẫn đậm nét hơn, hằn sâu trong ký ức với những kỷ niệm rất buồn của ba mươi năm trước.

Anh ngưng ở đây, vì nếu viết nữa, anh sẽ buồn ghê lắm, đôi khi còn chảy cả nước mắt, mà nước mắt của đàn ông, con trai thì hiếm vô cùng, nên phải xử dụng cho đúng chỗ và đúng lúc.

. . .

H. thương yêu,

Cứ mỗi độ đầu xuân ở Mỹ, trời trong xanh, đẹp hơn, nhưng dì vẫn buồn khi nhớ những kỷ niệm của một tháng 4 đầy ảm đạm của đất nước mình. Hồi đó, tuần lễ cuối cùng của tháng Tư đầy lửa đạn, chú để dì và hai em đi trước, chú phải ở lại với đơn vị đến giờ phút cuối.

Dạo đó, dì còn quá trẻ, vừa tròn ba mươi, hai em thì còn nhỏ, một em 5 tuổi, một em 3 tuổi. Suốt đường từ nhà ra phi trường em Thạch cứ khóc đòi về:

- Thạch không đi chơi, Thạch muốn về với ông ngoại, mẹ cho Thạch về.

Một người lính Mỹ trên máy bay cho em một gói chocolate M&M, em lại hét lên:

- Không, Thạch không muốn kẹo, Thạch chỉ muốn đi về với ông bà ngoại.

Ruột dì nát như tương, tương lai trước mắt mờ ảo như trong sương mù. Dì vừa bồng em nhỏ, vừa dắt em lớn, chưa bao giờ thấy thân phận của con người, nhất là người dân của một nước nhược tiểu, bọt bèo như thế.

Rồi sau đó, mọi việc xảy ra như một cơn mơ đầy bàng hoàng, dì và hai em đến Guam, và gặp lại chú ở Camp Pendleton của California chỉ còn tiểu gia đình nhỏ, mất đại gia đình, mất hết tài sản, mất cả quê hương. Kể từ ngày đó, 30 tháng 4 là ngày dì nhớ nhất trên đời, dĩ nhiên với nỗi buồn vô hạn.

. . .

Cô H. thân

Dạo đó, ngày miền Nam sụp đổ, anh đang học năm thứ hai ở UC Berley, vừa mới bắt đầu mùa Spring thì trên hệ thống tin tức CNN của Mỹ, bản đồ của miền Nam Việt Nam bị mũi tên màu đỏ lấn dần, lấn dần rồi nuốt chửng.

Dạo đó, trong trường chỉ có hơn mười sinh viên Việt Nam ở cả hai chương trình cử nhân và tiến sĩ. Cả bọn đều sững sờ như người thất tình gần cả tháng, vẫn lên lớp đều đều, nhưng đầu óc như đông đặc lại, không vô được một chữ nào. Anh Nam, người lớn nhất trong nhóm đang học năm cuối, sẽ ra trường vào tháng 6/75 thì tháng 4 mất nước và mất luôn đường về; tiêu tan cái ước vọng về dạy trường Kỹ Thuật Phú Thọ truyền lại cho các thế hệ đàn em những điều anh đã học được từ chương trình Tiến Sĩ ở Mỹ để nước mình có nhiều nhà máy, nhiều công xưởng hơn. Có khi nào cô H. tưởng tượng ra cái cảm giác hụt hẫng, đau buồn của một sinh viên du học không còn có nhà, không còn có Tổ Quốc để quay về? Đó có lẽ là một trong những cảm giác khó tả, tan nát cả tim óc và tâm hồn.

Những người bạn Mỹ nội trú cùng phòng, rất thông cảm với nỗi đau rất lớn của sinh viên Việt Nam, đã đem nhiều thức ăn vào cho cả nhóm, nhưng tụi anh không nuốt được miếng nào. Cả nhóm gom góp tiền, cứ 3 anh chị lớn nhất, đến 3 trại tỵ nạn dựng lên ở 3 căn cứ quân sự trải dài trên chiều ngang nước Mỹ tiếp đón những người Việt Nam đầu tiên lưu vong, ngay sau ngày miền Nam sụp đổ, để tìm thử có gia đình mình di tản qua không. Chỉ có mỗi anh Chương là may mắn gặp lại được cả gia đình từ trại Fort Chaffe ở tiểu bang Arkansas, số còn lại bắt đầu ngậm ngùi sống đời "vô gia đình, vô Tổ Quốc" giống như truyện "Sans Famille" của Pháp và nội dung của bài hát "Nostalgia"

Gần đây, khi coi phim "Terminal" có anh chàng người Đông Âu vừa đặt chân đến phi trường thì nước mình bị mất, lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", anh vẫn chạnh lòng nhớ lại tình cảnh tương tự của mình tháng 4 năm 75 mà không hề cười nổi mặc dù đó là một phim hài hước, và anh thì mê tít lối diễn xuất tuyệt vời rất tự nhiên của Tom Hanks. Đời sống và phim ảnh rất ngẫu nhiên, đôi khi có những điều giống nhau rất đau lòng, H. có thấy điều đó không?

. . .

H. thân thương

Tụi mày ở California với nhau, có nhớ gởi quà cho Hoàng Anh không? Năm nay cho nó một cái gift certificate từ Macy's đi, để nó đi shopping, quên đi nổi buồn không bao giờ có được birthday party chỉ vì nó sinh vào đúng ngày 30 tháng 4. Nghe nói hồi mới ra đời, nó khóc cả tiếng đồng hồ, mới chịu nín. Khóc cho ngày 30 tháng 4 mà chỉ khóc một tiếng thì hơi... ít phải không? Lại đùa cho đỡ buồn, vì sắp tròn ba mươi năm, có là gỗ đá mới không có cảm giác với ngày này.

. . .

Gần đây, nghe nói chính quyền Việt Nam hiện nay nay đang than phiền về chuyện "chảy máu chất xám". Bây giờ mới bắt đầu than phiền thì quả là muộn màng! Chất xám đã chảy ra khỏi nước rất nhiều từ cuộc di tản vĩ đại của tháng 4 năm 75, chất xám bị thui chột trong các "trại cải tạo", rồi tiếp tục rò rỉ theo những chiếc ghe vượt biên nhỏ nhoi, đầy tội nghiệp. Chưa dừng ở đó, chất xám Việt Nam tiếp tục thất thoát cho tới bây giờ, khi những sinh viên Việt Nam đi du học; thế hệ sinh ra và lớn lên trong vòng tay "xã Hội chủ nghĩa", ra ngoại quốc học, được ánh sáng văn minh và tự do soi rọi, rồi tự nguyện "quên mất đường về", tìm đủ mọi cách để được ở lại.

Càng nghĩ càng đau lòng, nên chi đôi khi vô tâm như Hoàng Anh cũng là một điều hạnh phúc phải không?

. . .

Các cháu thân quý.

Chú mừng vì các cháu hiểu được nhiều điều, mà lúc bằng tuổi các cháu, thế hệ cha ông các cháu nhiều khi còn mù mờ, cho nên không ít người bỏ cả cuộc đời để cống hiến cho lý tưởng của tuổi hai mươi, đuổi ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc, đến lúc bạc đầu mới biết mình lầm thì không còn sức lực, và thời gian để làm lại từ đầu. Cứ nhìn các cháu cặm cụi tra cứu trong thư viện, sách vở, internet để tìm hiểu nguyên nhân miền Nam sụp đổ, mới thấy không phải ai cũng bỏ mặc cảnh "nước chảy bèo trôi". Cảm ơn sách vở, cảm ơn tự do, cảm ơn các nhân chứng sống đã viết, kể trong các tác phẩm phản ánh một phần lịch sử cận đại Việt Nam từ "Mùa hè đỏ lửa" của Phan Nhật Nam đến "Đại học máu"của Hà Thúc Sinh, "Quê hương - Bạn hữu- Tù đày" của Trần Dạ Từ, hay "Đáy địa ngục" của cố nhà văn, cố họa sĩ Tạ Ty.

Bằng kiến thức của các cháu, bằng nhận xét từ nhiều phía cả Mỹ lẫn Việt, cả miền Bắc lẫn miền Nam, bằng tấm lòng của người Việt Nam, chú tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng hơn của đất mình có dân chủ, có tự do và có cơm ăn áo mặc đầy đủ cho hơn tám mươi triệu đồng bào trong nước.

Như tất cả người Mỹ khác, các cháu phải đi làm mỗi ngày, phải quay cuồng với nợ áo cơm, với công tác thiện nguyện, và đời sống rất riêng của mỗi cháu. Nhưng trước khi là một người Mỹ, các cháu đều đã là một người Việt Nam, mà là ngưởi Việt Nam thì phải có đạo đức, phải có câu "uống nước nhớ nguồn". Các cháu sẽ không làm thế hệ cha anh thất vọng phải không? Xin được nhắc các cháu một câu hát nổi tiếng đã được chính tác giả Guy Hovis hát trong lễ tuyên thệ nhiệm kỳ hai của tổng thống Bush "we pay the price of sacrifice, the price you can not ignore". Chú và ba các cháu đã trả một giá rất đắt, một thời trai trẻ chiến đấu bảo vệ tự do, một thơì trung niên bị đày ải trong núi rừng âm u đầy chướng khí của các trại tập trung cải tạo để thế hệ các cháu được nước Mỹ nhận ngay từ trại tỵ nạn, hay lên máy bay ra đi, dù muộn màng, nhưng vẫn đến được bến bờ tự do an toàn. Cái gì cũng phải trả giá, không có cái gì "free", không có cái gì từ trên trời rơi xuống. Đến tháng tư hàng năm, các cháu càng phải nhớ điều đó hơn bao giờ hết, các cháu nhé! Rồi sẽ có một ngày, chất xám Việt Nam thôi chảy ra ngoại quốc, rồi sẽ có một ngày không một ai muốn sống đời lưu lạc; ngày đó gần hay xa còn tùy ở thế hệ các cháu.

Nguyễn Trần Diệu Hương

MỘNG BAN ĐẦU

Chị tên Thanh Thủy, bởi vậy từ hồi biết đọc thơ của Bùi Giáng cho đến bây giờ, ai hỏi tên chị cũng trả lời bằng hai câu thơ của ông thi sĩ có tài nhưng bất đắc chí:

Hỏi tên rằng biển xanh đâu

Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa.

(Bùi Giáng)

Câu thơ đầu được chị giải thích rõ ràng, nhưng câu thơ sau, chị chỉ cười để thay cho câu trả lời về mộng ban đầu của chị. Thế nhưng ai quen thân với chị Thủy đều hình dung được mơ ước thời mới lớn của chị.

"Mộng ban đầu" của anh chị hình thành ở Việt Nam trong thời kỳ đời sống hãy còn chậm, không có computer, không có Ipod, không có Cell Phone. không có máy chơi game. Khi nào không đi học, không được đi chơi với bạn thì vẽ mộng trong đầu. lớn lên mình sẽ làm gì, sẽ giúp được cho ai? Mộng ban đầu chưa kịp chia xẻ với ai, ngay cả với những người thân yêu nhất thì lịch sử sang trang, khi họ đang ở những năm đầu Trung học. Trật tự xã hội đảo lộn, nhưng mộng ban đầu của họ vẫn còn nguyên, nằm ngoan hiền ở một góc tâm tưởng.

Anh chưa kịp điều chỉnh ước vọng của mình thì đã phải điều chỉnh phương pháp học và lối học ở một trường Trung học Mỹ, với mọi thứ đều mới. Ngôn ngữ mới thì chỉ sau một niên khóa, anh đã đuổi kịp bạn cùng lớp sinh ra ở Mỹ và bắt đầu vượt qua họ ở hầu hết cả môn học, nhất là những môn khoa học tự nhiên, đem về những report card (phiếu điểm) rất đáng tự hào làm vui lòng ba mẹ đang vất vả lao đao ở những ngày đầu chân ướt chân ráo ở quê người. Nhưng quan niệm sống thì mãi cho đến bây giờ, thời gian luu lạc ở quê người dài gần ba lần thời nhỏ dại ở quê nhà, đôi khi anh vẫn thấy mình nằm riêng , tách biệt trong cái melting pot của nước Mỹ. Bởi vì gia đình anh là một gia đình mang nặng truyền thống cố đô Huế của Việt Nam. Thời kỳ vua chúa với những luật lệ nặng nề đã chìm vào quá khứ gần cả thế kỷ, nhưng luật lệ đó vẫn còn tồn tại ở một số gia đình truyền thống, mà gia đình anh là một trong những điển hình. Do vậy, vài năm sau khi quen anh, chị mấy lần định tự động biến mất khỏi đời anh khi thấy viễn cảnh làm dâu nhà anh, nhưng anh không bao giờ chịu bỏ cuộc, và chị cũng không nỡ hát bài "nghìn trùng xa cách" với anh.

Thời còn chân ướt chân ráo ở Mỹ, bận rộn với đủ mọi thứ trên đời, ba mẹ anh vẫn không hề xao lãng việc chăm nom, dậy dỗ các con, cho nên anh vẫn còn nguyên truyền thống Việt Nam. Mộng ban đầu của anh hoàn thành một nửa, anh chỉ làm được đúng nghề mình thích, nhưng nghề nghiệp không phục vụ ước vọng mà anh thầm mơ ước ngày còn nhỏ, dùng kiến thức về khoa học kỹ thuật nâng cao đời sống còn chậm tiến của những đồng bào Việt Nam nghèo khổ của anh. Thỉnh thoảng, nhìn lại ước vọng ngày còn nhỏ, anh vẫn tự an ủi, dù sao đạt được một nửa mơ ước vẫn còn hơn không nắm bắt được điều gì.

Hồi mới biết nhau, chị hỏi anh giỏi môn nào nhất, anh trả lời rất khiêm nhường:

- Môn nào cũng tàm tạm, đủ để mỗi năm lên một lớp,

Thế nhưng sau này, khi đã thân nhau, khi chị có dịp đề cập lại câu đó, anh hùng hồn tuyên bố:

- Môn nào cũng được A! Mình là dân lưu vong phải học giỏi để bù lại nhiều thứ mình không bằng người bản xứ!

Chị vất vả hơn anh, và mộng ban đầu hoàn toàn tan như bong bóng trời mưa khi những năm Trung học, mỗi sáng thứ hai chào cờ ở sân trường, chị vẫn cúi gầm mặt nhìn mặt đất mầu đen (như tương lai của thế hệ con cái những người tù chính trị của XHCN) để khỏi phải nhìn thấy mầu cờ đỏ bay trên nền trời xanh hiền hòa của miền Nam mưa nắng hai mùa.

Nhiều năm sau này, khi anh đã xong sáu năm Đại học và là một kỹ sư trẻ đầy năng lực của một Công ty khoa học lớn ở California thì chị mới bắt đầu hành trình lưu lạc ở quê người với hai bàn tay trắng. Lúc đó ba chị vẫn còn ở trong lao tù của những người về từ phiá bên kia vĩ tuyến 17, ở một trại cải tạo nào đó trong núi rừng Việt Bắc âm u đầy chướng khí, mẹ chị vẫn còn vất vả ở quê nhà. Vì vậy chị không dám học ngành mình thích, mà chỉ dám chọn nganh dễ học để có thể vừa đi học, vừa đi làm, giúp các em đều học full time và trả nợ tiền vé máy bay từ trại tỵ nạn đến quê hương thứ hai mà Sở Di trú Mỹ đã ứng trước cho những thuyền nhân tỵ nạn túi rỗng, tay không. Những cố gắng sách đèn không ngừng nghỉ đã đem đến cho chị một khích lệ lớn lao. Một trường Đại học tư danh tiếng ở California cho chị học bổng toàn phần hai năm trong khi học trình ít nhất là bốn năm cho bằng cử nhân. Chị suy tới tính lui, rồi tiếc nuối viết thư xin nhường lại học bổng cho người khác. Nếu chị gặp anh lúc đó, lúc anh đã có chiều dài nghề nghiệp hơn mười năm thì chắc chị đã nhận học bổng hai năm ở trường Đại học tư vì nếu hai năm sau, không xin được học bổng thì đã có "back up" là anh.

Sau này, khi đã rất thân nhau, anh vẫn thường nửa đùa nửa thật:

- Em đúng là bị "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" nên những lúc khó khăn nhất luôn phải cáng đáng mọi thứ một mình.

Là một người làm việc với những công thức toán học, những máy móc, sơ đồ khó khăn, chính xác, ngôn ngữ của anh cũng ngắn gọn, nên lúc đầu, anh không chinh phục chị được bằng bề ngoài, hay những ngôn từ hoa mỹ. Nhưng trong một ngày mùa hè nóng bức, khi dừng chân ở một tiệm Jamba Juice, anh hỏi chị muốn uống loại nước trái cây nào? Chị ngập ngừng:

- Carrot Juice, mà thôi, trời đang nắng gắt, vitamin C cần hơn, anh cho em xin Strawberry mixed với Blueberry.

Khi anh trở lại từ tiệm bán nước giải khát, tay phải anh bưng Carrot Juice, tay trái là Strawberry cùng Blueberry.

Chị nhẹ nhàng, lễ độ cảm ơn anh, và chọn ly nước có nhiều vitamin C.

Anh từ tốn như một ông anh lớn, và tán tỉnh bằng cả một câu hát:

- Em thích cái nào cứ uống cái đó, cả vitamin C lẫn vitamin A, uống không hết, anh sẽ uống phần còn lại. Mình sinh sau đẻ muộn, không được "uống ly chanh đường uống môi em ngọt ở đường Duy Tân cây dài bóng mát" như các anh các chị lớn, thì uống juice ở Mỹ chung một ống hút, cũng cảm thấy môi ngọt hơn nhiều em hả ?

Lặng người vì cảm động, chị chỉ nói được hai tiếng cảm ơn. Từ đó, chị hiểu anh là một phần thưởng qúy chị được ban tặng từ đời sống, (và cả từ ba mẹ của anh) Giữa một ngày hè nóng bức trên 90 dộ Fahrenheit, lòng chị chợt mát lạnh như một ngày đầu thu. Cả anh và chị cùng uống hai ly nước trái cây, cùng dùng chung hai cái ống hút cắm vào mỗi ly nước, hồn nhiên như hai em bé trong một phim hoạt họa, mặc dù họ đã mấp mé ở tuổi nửa đời người. Đó là một khởi đầu cho rất nhiều thứ, từ tinh thần đến vật chất họ cùng chia xẻ cho nửa phần đời còn lại.

Với anh ấn tượng tốt đẹp đầu tiên về chị là lần anh đón chị bằng cái xe truck "làm ăn" chuyên chở đồ đạc nặng nề quá khổ từ Home Depot về nhà. Chiếc xe mầu xám hơn năm tuổi, anh dùng để chở đồ hơn là chở người. Lần đầu anh đón chị ở "waiting island" của phi trường LAX, chiếc truck cũ kỹ của anh nhích lên từng inch một -giữa những chiếc BMW, Mercedes, Lexus... đời mới, bóng loáng- trông tội nghiệp, nghèo nàn như cô bé lọ lem lạc lõng giữa bao nhiêu công chúa, tiểu thơ trong cung vàng điện ngọc. Vậy mà chị vui vẻ leo lên xe, lại còn giúp anh dọn dẹp những thứ vương vãi trên xe anh chưa kịp sắp xếp.

Lần đó, cái xe truck đưa họ leo lên đồi, đến bãi biển Malibu, giữa khu nhà có "ocean view" của những tài tử đang hái ra tiền ở Hollywood. Họ ngồi trên xe, ngắm sóng biển hiền hòa đầu mùa hè, tai nghe văng vẳng tiếng "những con ve nhỏ hết hồn kêu vang". như một câu thơ của Trần Dạ Từ.

Một chiếc xe tuần tiễu của cảnh sát địa phương - thấy "cái xe truck làm ăn" của anh đậu ven bờ biển cả tiếng đồng hồ, rất khác thường giữa một khu vực mà mọi thứ đều tính bằng bạc triệu- ngừng lại bên kia đường. Một người cảnh sát đến nhìn vào xe, không có gì khác thường như ông ta tưởng tượng. Cả bốn con mắt Việt Nam tròng nâu đen mở to, nhìn vào hai con mắt tròng xanh xám của người police officer một cách trong sáng, hồn nhiên. Yên tâm là không có gì khả nghi, người cảnh sát cười thân thiện:

- Enjoy sunshine and ocean view.

Không hẹn mà họ cũng buột miệng:

- Yes, we will. Thank you.

Khi người Cảnh sát đi khuất, chị cười nửa đùa nửa thật:

- Chắc ông ta nghĩ mình là tài xế hay người giúp việc nhà của các movie stars sống quanh đây, anh hả.

Anh đáp lại rất nghiêm trang:

- Làm tài xế hay housekeeper thì đâu có gì là xấu! Anh muốn là tài xế suốt đời của em, em có chịu cùng làm việc nhà với anh không?

Ngôn từ của anh bao giờ cũng ngắn gọn và chính xác như những con toán trên bản vẽ anh làm việc mỗi ngày. Chị cũng là một người thích học toán nên họ nói ít nhưng hiểu nhau rất nhiều.

Lúc ông cụ thân sinh ra anh nằm bệnh viện dài ngày sau một cơn stroke nặng, mỗi ngày dù bận rộn đến đâu, dù muộn đến đâu, anh cũng ghé vào thăm ông cụ trước giờ bệnh viện đóng cửa, dù chỉ để đứng nhìn ông cụ đã chìm vào hôn mê với life support system đầy dây nhợ giăng mắc ở đầu giường. Dạo đó, mỗi lần anh chị gặp nhau, điểm đến đầu tiên bao giờ cũng là phòng bệnh nơi ông cụ vẫn nằm thiêm thiếp. Vậy mà anh vẫn nói chuyện với ông cụ, tự nhiên chân tình như khi ba anh vẫn còn khỏe.

Những câu nói đã đôi lần làm chị chẩy nước mắt:

- "Ba ơi, tỉnh lại đi ba. Sao ba ngủ lâu vậy ba ? Thức dậy để còn về nhà, với mẹ và tụi con"

Miệng nói, tay anh lau cánh tay bên trái của ông cụ bằng loại khăn giấy của bệnh viện. Ở phiá bên kia giường bệnh, chị chớp mắt ngăn giọt nước mắt lăn ra, và lặng lẽ làm theo anh, lau cánh tay mặt của người bệnh.

Đó không phải là lần duy nhất họ không hề nói chuyện với nhau cả vài tiếng đồng hồ, nhưng vẫn đọc được tư tưởng của nhau qua ánh mắt. Lần chị gọi điện thoại cho một cựu sĩ quan QLVNCH ở tận bên Indiana, hỏi về những giờ phút bị đọa đầy trong lao tù "học tập cải tạo" ở rừng thiêng nước độc Việt Bắc của ba chị. Bên kia đầu dây, nhân chứng sống, chú Tấn, người bạn tù một thời của ba chị kể lại cho chị về những giờ phút đau thương, bất khuất của ba chị và ông ở trại A Nam Hà đưa đến hậu qủa hai năm rưỡi bị biệt giam, đôi lúc bị cùm chân của ông; nước mắt chị lăn dài, giọt này tiếp giọt kia. Ngồi bên cạnh chị, anh lặng lẽ dùng Kleenex thấm những giọt nước mắt bằng một tay, tay kia cầm tay chị như truyền thêm nghị lực và sự cảm thông.

Trong tình yêu của họ có cả tình bạn và sự cảm thông gần như tuyệt đối. Chị nghe giọng nhau, họ hiểu được nhau đang ở trạng thái nào; buồn hay vui, lạc quan hay thất vọng?

Điều đem họ đến gần nhau nhất là lòng hiếu thảo bởi cha mẹ. Ngày ba anh về với "hạc nội mây ngàn", để lại một lổ hổng to lớn trong lòng bầy con, nhưng anh là người con duy nhất tự nguyện "xuống tóc" để cầu nguyện cho ông cụ được "vãng sanh cực lạc". Suốt một trăm ngày đầu tiên có lời cầu nguyện từ tấm lòng của cả đại gia đình, anh bầy tỏ lòng hiếu thảo và sự nhớ thương người quá cố bằng một cái đầu bóng lưỡng, giống như tài tử Bruce Willis. Thời gian đó, mỗi khi họ gặp nhau, chị tìm thấy trong xe của anh toàn đồ ăn chay, và trái cây đủ loại, thứ trái cây được hạ từ bàn thờ xuống , không còn tươi tốt. Chị hỏi:

- Những thức ăn này từ bàn thờ ông cụ phải không thưa anh?

Câu hỏi chỉ có vậy nhưng đủ làm mặt anh chùng xuống, anh gật đầu không nói. Chị lặng lẽ nắm tay anh, chia xẻ đại tang còn rất mới của anh., và chợt thấy anh đẹp hơn mặc dù không còn một sợi tóc nào trên đầu.

Anh thì ngẩn ngơ trước nét dễ thương kín đáo, đôn hậu, còn nguyên vẹn "hương đồng gió nội" của chị từ lần đầu tiên hai người gặp nhau ở sân sau nhà một người bạn chung. Về sau này, càng biết chị nhiều hơn anh càng hiểu vẻ đẹp tâm hồn của chị không thể tìm được ở một người con gái khác. Thời mới quen nhau, mỗi ngày chị đến văn phòng làm việc đều có một tấm E Card hoa hồng anh gởi từ tối hôm qua. Chị in ra từ color printer và nâng niu, gìn giữ trong một folder dầy 4 inches mầu trắng như một chứng tích tình yêu chân thành, trong sang, dù có một chút muộn màng.

Đời sống ở Mỹ tất bật và vội vã nên tình yêu của họ không có cảnh tượng "em tan trường về anh theo ngõ về " như trong thơ tình của Phạm Thiên Thư, mà những cuối tuần gặp nhau, họ phải sắp xếp vừa đi chơi, vừa lo công việc.

Anh đã chở chị đến thăm các thầy cô cũ, chững chạc và lễ độ chào các thầy cô dậy chị những năm đầu Trung học ở Việt Nam, mặc dù có thầy cô đã bảo anh:

- Anh không phải là học trò của chúng tôi, thầy bà gì, gọi sao cũng được.

Nhưng anh vẫn đối xử cung kính với các Thầy Cô của chị như là Thầy Cô của chính mình. Do vậy , anh đã hiểu rất rõ "thời mới lớn tuổi mười lăm mười bẩy" của chị, mặc dù lúc đó họ ở xa nhau cả nửa vòng trái đất.

Chị cũng đã đi đến tiệm sửa xe, đến Home Depot, cửa hàng bán đồ sửa chữa nhà cửa rất quen thuộc của anh, mà chị đã đuà:

- Chắc anh có để ý cô nhân viên bán hàng nào ở đó phải không?

Cứ như vậy, sau một vài lần theo anh đi từ khu vực này đến Department khác của Home Depot, chị cũng có một ít kiến thức về sửa chữa nhà cửa, biết tẩy một vết dơ trên thảm mầu trắng, biết sửa chữa một lỗ thủng trên vách tường, biết đo hơi trong các bánh xe, và biết thay nhớt xe như rất nhiều đàn bà, con gái người bản xứ..

Điều làm họ cảm thấy gắn bó với nhau “như chim liền cánh, như cây liền cành" là họ qúy cả những tính xấu của nhau. Chị cảm cái bướng bỉnh, cứng đầu, và lì lợm của anh. Anh thương cả tính miả mai, châm chọc, và đôi khi nói dai của chị (điều quan trọng là chị biết ngừng lại đúng lúc khi nhìn mắt anh đang bình thường bỗng trở nên nghiêm nghị, đầy vẻ quyết đoán)

Hơn thế nữa, họ cùng lớn lên từ một môi trường mà người cha là người quyết định mọi thứ trong gia đình, và người mẹ là người đàn bà có vị trí số một trong trái tim tất cả những người đàn ông trong nhà, nên mỗi lần có mẹ anh cùng đi trên xe, lúc nào anh cũng mở cửa trước và cửa sau xe, không nói năng điều gì, nhưng bao giờ chị cũng tự động leo lên ngồi ở băng ghế sau, nhường chỗ ngồi quan trọng hơn, ở ghế trước, cạnh anh, cho bà cụ thân sinh ra anh. Mỗi dịp lễ Valentine, nhận được những cánh hồng nhung đỏ thắm từ anh, bao giờ chị cũng nhắc anh gởi hoa cho mẹ vì một lẽ rất đơn giản mẹ anh là người mang nặng đẻ đau và tạo ra anh. Có lần anh phải đi công tác dài ngày ở xa, điện thoại liên lạc không dễ dàng như khi đang ở trên đất liền, mỗi lần có dịp anh gọi phone cho chị, bao giờ chị cũng nhắc nhở:

- Anh đã gọi cho bà cụ chưa? Bà cụ ở nhà, không đi làm, không bận rộn nhiều như em, chắc là mong tin anh nhiều hơn em.

Cả anh và chị đều dễ tính và nhường nhịn anh chị em trong nhà từ thời thơ dại ở quê nhà cho đến mãi tận bây giờ những năm tháng lưu lạc ở quê người. Những món ăn còn sót lại sau một buổi tiệc tùng họp mặt cả gia đình hay những món chay đã nguội lạnh sau một nén hương thắp trên bàn thờ người quá cố đã tàn như phong tục của người Việt Nam, không ai muốn ăn, chỉ có anh và chị ăn dần cho đến lúc hết Đến độ anh đã bị anh chị em trong nhà nửa đùa nửa thật cho là "con nhà quan mà tính nhà lính", anh im lặng cười không nói , nhưng khi chỉ có hai người anh vẫn thì thầm với chị:

-Ăn uống như vậy đâu có cực khổ như mọi người vẫn nghĩ phải không em? Hồi xưa, những người lính ngoài mặt trận khổ cực hơn mình nhiều, và ngày nay, mỗi ngày vẫn còn có bao nhiêu người đói. Đã là một điều may mắn khi mình được sống no đủ bình an như ngày hôm nay.

Có một điều rất bất ngờ là họ đã gặp nhau từ thời thơ dại một lần vào muà hè năm 1974 trước khi anh bắt đầu đời sống lưu vong. Lúc đó, còn nhỏ, mỗi một dịp nghỉ hè, anh hay ra bãi Tiên ở Vũng Tầu ngồi xây những lâu đài bằng cát ẩm. Tính anh vốn kỹ càng và chi tiết nên chưa khi nào anh xây xong lâu đài hoàn toàn thì đã bị gọi về nhà. Sau này, anh kể lại cho chị, và cho đó là mộng ban đầu của mình, chưa khi nào xây xong như trong trí tưởng. Có lần khi anh rời bãi biển, ở chỗ gần mặt nước, cát còn ẩm ướt, đủ để xây thành quách lâu đài, có một con bé nhỏ xíu, tóc cột hai đuôi xuống biển cùng một bầy anh em trai. Trong khi tụi con trai xuống nước thì con bé vẫn ngồi quanh quẩn trên cát ướt ngắm lâu đài dang dở của anh. Chỉ có vậy, anh phải nhanh chân chạy về nhà, không có giờ để nhìn lại "lâu đài trên cát" của mình chưa hoàn thành mà vẫn được người khác ngồi nhìn chăm chú. Nghe kể điều đó, chị đã tả rõ lại cái lâu đài cát của anh có đến ba cổng ra vào, có hai cai tháp cao hai bên và một cái cầu treo ở giữa, anh còn cẩn thận đặt tên cho lâu đài là "mộng ban đầu". Anh tròn mắt ngạc nhiên:

- Sao em đoán hay vậy?

Chị cười kể tiếp cái kiểu đi thụt lùi trên bãi cát, vừa đi vừa nhìn lại lâu đài trên cát của anh như một báu vật bị bỏ lại.

Điều chị kể đúng chính xác, như mang anh về lại thời niên thiếu vô tư ở quê nhà, vì chị chính là con bé nhỏ tròn tròn trăng trắng như củ khoai từ ngồi nhìn công trình dang dở trên cát của anh. Không những chị ngắm nhìn công trình của anh mà chị còn xây tiếp đến khi hoàn thành. Lúc đó họ chỉ thoáng thấy nhau ở bãi biển hai ba lần, chưa hề biết nhau, vậy mà định mệnh tình cờ, hai mươi sáu năm sau họ gặp lại nhau và cùng xây lại lâu đài trên cát ở bãi biển Santa Monica.

Lần này, họ khôn ngoan hơn, chín chắn hơn nhiều so với thời thơ dại, và cùng giúp nhau xây lại lâu đài trên cát như hình ảnh ngày xưa họ còn giữ trong đầu. Lần này, lâu đài được xây hoàn thành, và vẫn mang cái tên cũ, dù bằng tiếng Mỹ "First Dream Castle". Dĩ nhiên, lần này họ đã trưởng thành, ở một thời đại văn minh hơn, ở một đất nước giầu mạnh nhất nhì thế giới, họ đã cẩn thận ghi lại công trình trên cát của mình bằng nhiều hình ảnh từ nhiều góc cạnh. Những cái hình đã được chị trân trọng gìn giữ trong cái binders 4 inches mầu trắng, cùng với những cái E card, in ra bằng máy in mầu, anh đã kiên trì gởi đến cho chị hàng ngày trong ba tháng đầu khi hai người mới quen nhau.

"Mộng ban đầu" bỏ dở dang trên bãi cát vàng ngát của bãi Tiên Vũng Tầu từ thời thơ dại, được họ xây lại hơn một phần tư thế kỷ sau ở bãi biển Santa Monica, California., không phải chỉ là một toà lâu đài trên cát, mà là những ước mơ cả anh và chị cùng kỳ vọng lớn lên mình sẽ làm được. Cùng nhau, họ đã làm được rất nhiều điều đã mơ ước lúc vừa đủ trí khôn, vừa nhận ra được cái tốt và cái xấu.

Mỗi cuối năm dương lịch, trong khi đa số mọi người Mỹ rộn rịp mua sắm quá cáp nhân lễ giáng sinh cho thân nhân hay bạn bè thì anh chị lại bận rộn suy tính những ngân khoản để gởi về giúp cho những em bé bán vé số đang lang thang kiếm sống ở quê nhà. Anh may mắn rời quê nhà trước khi cuộc chiến kết thúc nên chỉ có khái niệm mà không có những hình ảnh rõ ràng trong tiềm thức về những em bé nghèo, ốm đói đi bán vé số mỗi ngày với ước mơ nhỏ nhoi, bình thường là được ăn no, và được đi học.

Mỗi lần nói đến chuyện Việt Nam sau năm 1975, mặt chị chùng xuống, mắt đong đầy nước. Trước mặt chị hiện ra rõ ràng hình ảnh cô bạn cùng lớp sáng cắp sách đi học, chiều cắp rỗ đi bán khoai lang. Thời đó, cuối thập niên 70s ở Việt Nam, rất nhiều người phải ăn khoai thay cơm, nên cô bạn nhỏ cũng sống được qua ngày, và học được đến hết lớp chín. Hồi đó, cả lớp, có đồng nào, đều mua khoai giúp bạn, những củ khoai đầy mật ngọt nhưng ăn vào, đứa nào cũng đắng miệng, và nghẹn ngào. Bao nhiêu năm trôi qua, đôi mắt của cô bạn nhỏ ngày xưa, vẫn quẩn quanh trong một góc ký ức của chị. Chị không nói nhiều, chưa bao giờ kể những điều đó cho anh nghe, nhưng bằng sự đồng cảm đặc biệt giữa hai người, anh vốn đã hiểu còn hiểu nhiều hơn khi có lần anh đọc tin tức trên CNN online, có hình một cô bé Việt Nam với cặp mắt ngây thơ, buồn thảm của một con nai con bị vướng bẫy, chỉ mới mười hai tuổi, còn là nụ, chưa thành hoa, đã bị bán vào "lầu xanh".

Mãi cho đến bây giờ, mỗi tuần chị đều ăn khoai lang, không phải vì thích loại củ ngọt bùi mầu vàng cam, không vì phải ăn độn như một thời khốn khó ở quê nhà sau năm 1975, hay vì bất cứ một lý do nào về sức khỏe. Chị muốn ăn khoai lang để tự nhắc nhớ đến cô bạn cùng lớp thời thơ dại, để tự nhủ mình phải giúp những em nhỏ nghèo ở Việt Nam vẫn phải dãi nắng dầm mưa, một buổi đi học, và một buổi đi bán dạo để kiếm sống. Từ vài năm nay, anh cũng ăn khoai lang mỗi tuần như chị, để hướng một phần từ tâm của mình về với những em nhỏ Việt Nam vẫn còn phải chịu nhiều vất vả gian nan trên quê nhà.

Dĩ nhiên họ cũng có những tính xấu như mọi người bình thường khác, những tính xấu đôi khi cũng làm buồn lòng nhau, thậm chí làm người đối diện bực mình, nhưng họ cũng nhận ra khuyết điểm của mình và biết xin lỗi đúng lúc, trước khi sự kiên nhẫn của người đối diện biến thành giọt nườc cuối cùng làm tràn ly nước. Anh đã có lần giận dữ với một nhân viên cộng sự đến mất bình tĩnh, khi chị nói chuyện với anh qua điện thoại, chị nghe rõ giọng nói anh vẫn còn đầy nỗi bực tức. Rất dịu dàng, chị thỏ thẻ:

- Anh uống một ly nước lạnh đầy giùm em, thở ra hít vào đều đặn như mình đang tập thể dục mỗi sáng vậy. "Deep Breath" anh nghe. Từ bây giờ đến lúc về, anh tránh đừng gặp người đó.

Tương tự, chị có lần giận một người tài xế lái xe trên đường, đã đi ẩu, còn giơ một ngón tay rất khiếm nhã. Nửa giờ sau, chị vẫn còn ức, phân trần với anh bằng một giọng nói lớn hơn bình thường khá nhiều. Anh trầm tĩnh:

- Calm down, honey. Anh đâu có bị lãng tai.

Chị biết ý, trở lại giọng nhỏ nhẹ bình thường, dù vẫn còn uất ức, anh lại tiếp:

- Em quên là rất nhiều người dậy mình phải điềm tĩnh, không giận dữ. Giận quá thì mất khôn, Vả chăng, con chó cắn mình, mình đâu có bao giờ ôm chó cắn lại phải không em?

Ngoài quan hệ bình thường như mọi người khác, họ còn có mối đồng cảm của Bá Nha Tử Kỳ, nên có rất nhiều điều dù không nói ra, nhưng cả hai người đều hiểu. Ở những họp mặt đông người, họ chỉ trao đổi tư tưởng bằng ánh mắt, không cần phải dùng đến lời nói, mà vẫn làm đúng ý của nhau.

Trên tất cả mọi điều, họ còn mang một trái tim Việt Nam rất sâu đậm, cùng đau xót mỗi lần có những thiên tai, bất hạnh đến với đồng bào trong nước; cùng có một nỗi tự hào mỗi lần thế hệ những người sinh ra và lớn lên sau năm 1975 biết biểu tình phản đối khi nước láng giềng khổng lồ phương Bắc ỷ đông lấn biển hay lấn đất về phương Nam như họ đã từng làm từ cả ngàn năm trước trong lịch sử.

Mộng ban đầu của họ, dù đã xa, rất xa như khi họ gặp nhau lần đầu ở bãi biển Vũng Tầu thời thơ dại, dù vẫn chưa hoàn thành, nhưng đã được thực hiện từ khi họ quen nhau. Có được hai người, mỗi người chỉ cần làm một nửa mộng ban đầu thì cuộc đời sẽ bớt mầu xám, thêm mầu hồng. Và những củ khoai lang tròn trĩnh, đầy mật ngọt ở Mỹ vẫn còn được nguyên vẹn mùi vị ngọt bùi trên đầu lưỡi, khi ăn vào không còn bị nghẹn ngào như một thời gian khổ đã xa ở quê nhà...

Nguyễn Trần Diệu Hương

YES, VIRGINIA - SORRY, BIÊN HÒA

Hơn một thế kỷ trước, đầu mùa Đông năm 1897, một cô bé tám tuổi nghiêm chỉnh đến hỏi cha:

- Ba ơi, ông Santa Claus (ông già Noel) có thật không?

Câu hỏi đơn giản nhưng làm Tiến sĩ Phillip O'Hanlon không biết cách trả lời. Ông hỏi lại cô con gái Laura Vỉginia O'Hanlon mới học lởp ba của mình:

- Tại sao con lại hỏi như vậy?

- Vì bạn của con ở trường nói là ông Santa Claus không có thât.

Ba cô bé Laura Vỉginia đăm chiêu suy nghĩ. Ông hiểu cô bé không còn quá ngây thơ để tin tất cả những điều người lớn nói mà không suy luận, nhưng ông cũng không muốn làm tan biến thế giới hồn nhiên của con. Sau cùng ông trả lời:

- Ba đề nghị con nên viết thơ hỏi báo "New York Sun" (một tờ báo có uy tín ở khu nhà giàu Manhattan nổi tiếng của New York, nơi bé Vỉginia chào đời). Nếu họ bảo là Santa Claus có thật thì con không còn phải nghi ngờ thắc mắc gì nữa.

"Thắc mắc lớn" của một cô nhỏ tám tuổi làm Virginia ngồi vào bàn học, viết một cái thư ngắn có câu hỏi quan trọng "Ông già Noel có thật hay không?" gởi đến tờ New York Sun. Cái thư ngắn chấm dứt bằng một sự khẩn cầu "xin vui lòng nói cho cháu biết sự thật"

Người thư ký tòa soạn mở cái thư mỏng dính có nét chữ con nít ra, và vì thư không có tên người nhận cụ thể, ông Francis Church, người chịu trách nhiệm bài vở của tờ báo phải trả lời câu hỏi rất đơn giản mà không một người lớn nào có thể làm hài lòng cả người thắc mắci lẫn người trả lời.

Lúc đầu, ông Francis muốn trả lời bằng sự thật cho cô bé tám tuổi ký tên trên thư là Virginia biết là Santa Claus chỉ là một biểu tượng trong huyền thoại, được người lớn dựng lên để muốn trẻ con ngoan hơn, và có một thế giới tuổi thơ thật sự hồn nhiên, êm đềm. có thêm niềm tin ở cuộc sống rằng mình cứ sống tốt đẹp thì sẽ được đền bù xứng đáng.

Nhưng rồi ông Francis nhớ lại thời gian nội chiến của Mỹ (American Civil War 1861-1865) giữa mười một Tiểu bang miền Nam có nhiều nô lệ da đen nhất nước Mỹ với những tiểu bang còn lại. Thời gian đó không những nước Mỹ chỉ thiệt hại về tài sản và nhân mạng của cả hai sắc dân di cư từ Âu Châu và Phi Châu, mà hy vọng và niềm tin cũng không còn. Ông hiểu niềm tin quý vô cùng, có niềm tin người ta có thể làm được nhiều thứ tưởng như quá sức mình. Hơn nữa, ông muốn cô bé Virginia nào đó kéo dài được thêm niềm tin thánh thiện ít nhất là thêm một năm nữa, và có được niềm cảm hứng cho cả cuộc đời trước mặt của cô. Đôi khi vì lợi ích của con nít, người lớn vẫn phải nói dối.

Thế là ông trả lời cho bé Virginia là ông già Noel có thật. Thư trả lời được đăng trên một cột báo nhỏ xíu nằm khiêm nhường dưới những câu trả lời khác thực tế hơn cho độc giả người lớn, nhưng không những chỉ làm cho bé Virginia vui, mà còn làm cho cả trăm ngàn em bé còn ở bậc Tiểu học hớn hở như vừa tìm lại được một vật quý giá nhất trên đời vì "Yes, Virginia, there is a Santa Claus"

Khỏi phải nói, bé Laura Virginia O'Hanlon hớn hở đem tớ báo vô trường, trịnh trọng chứng minh cho các bạn cùng lớp là Santa Claus có thật. Vì tờ báo tiếng tăm "New York Sun" và ông Chủ bút hiểu rộng biết nhiều đã trả lời như vậy rành rành trên giấy trắng mực đen.

Thư trả lời nằm khiêm nhường ở trang trong ,cuối một cột báo nhỏ nhoi không quan trọng vậy mà có ảnh hưởng đến cả triệu em bé không những chỉ ở Manhattan, New York mà còn ở khắp nước Mỹ, và lấn qua cả nước láng giềng Canada nói cùng ngôn ngữ.

Dĩ nhiên, sau này lớn lên, cô nhỏ Virginia hiểu mặc dù ông già Noel không có thật trên đời nhưng thế giới tuổi thơ thần thánh của cô và cả triệu em bé được kéo dài thêm ít nhất là một năm và quan trọng hơn hết, niềm tin về điều tốt đẹp được củng cố vững chắc, nên Virginia vẫn trân trọng giữ gìn thư trả lời trên báo xác nhận, "Yes, Virginia, there is a Santa Claus"

Rồi như quy luật tự nhiên "what's going up, will be down", cô Virginia lớn lên với niềm tin được vun xới bởi một ông Chủ bút tờ báo địa phương không quen biết, thành một nhà giáo trong suốt 47 năm, luôn luôn tìm cách củng có niềm tin của học trò và trẻ thơ vào cuộc đời.

Bà Laura Virginia O'Hanlon Douglas mất năm 1971 trong một nhà dưỡng lão ở tiểu bang New York, quê hương chôn nhau cắt rốn của mình và để lại một trang báo đã ngả màu vàng úa có câu trả lời của ông chủ bút báo New York Sun năm xưa cho cô cháu ngoại duy nhất. Trong số đồ nhà dưỡng lão giao lại cho cháu ngoại của bà cụ Laura Virginia sau khi bà cụ qua đời, còn có một hộp lớn thư từ của rất nhiều em bé khắp nơi gởi đến Virginia hỏi về sự hiện diện của ông già Noel trên đời có thật hay không? Bà Virginia, suốt cả cuộc đời, đã nối tiếp công việc của người trả lời thư cho mình năm xưa, ông Francis Church, trở thành một sứ giả gieo rắc niềm tin, hy vọng và niềm cảm hứng cho trẻ em.

Mãi cho đến đầu năm 1972, khi bốn sinh viên khoa báo chí tình cờ đọc tiểu sử cuộc đời của bà cụ 82 tuổi Virginia trên một trang báo của tờ New York Times vào dịp Christmas, mở đầu bằng câu "Yes, Virginia" nói về thái độ lạc quan và tin tưởng rằng khi mình làm điều tốt sẽ gặp việc tốt (như thuyết nhân quả của đạo Phật). Bài báo tạo được nhiều cảm xúc trong lòng bốn sinh viên vứa bước vào tuổi hai mươi, họ quyết định lập một công ty nhỏ có tên Elizabeth Press, tự xuất bản tác phẩm đầu tay là một quyển sách cho trẻ em có tựa là "Yes, Virginia" .

Quyển sách bán khá chạy vi thời đó không có các trò chơi điện tử, trẻ em đọc sách nhiều hơn bây giờ, nhưng "Yes, Virginia" không thật sự nổi tiếng cho đến khi các tác giả đưa tác phẩm đầu tay của họ đến công ty phim ảnh kỳ cựu Warner Brothers, thuyết phục các đạo diễn dựng thành một phim truyền hình dựa trên câu hỏi của cô bé Virginia và câu trả lời của ông Chủ bút Francis cả trăm năm trước. Lần trình chiếu đầu tiên năm 1974 dưới hình thức phim hoạt họa của con nít , được một giải thưởng Emmy của các show truyền hình vì nội dung và ý nghĩa của việc củng cố niềm tin cho trẻ thơ.

Đến lúc đó, kỹ nghệ điện ảnh thấy được viễn ảnh lợi nhuận tử quyển sách "Yes Virginia", họ nhảy vào khai thác, kéo theo cả các Công ty bán lẻ lớn như Macy's vào việc biến câu chuyện nhỏ của cô bé Laura Virgina từ cuối thế kỷ 19 thành một cách quảng cáo hữu hiệu nhất lôi kéo khách hàng đến cửa tiệm trong mỗi dịp Giáng sinh.

Trầm lặng hơn, nhưng mang nhiều ý nghĩa hơn là ở một góc phòng truyền thống của phân khoa Báo chí trường Đại học nổi tiếng Columbia (ở vùng Manhattan, sinh quán của Virginia; và là nơi đào tạo ông chủ bút Francis Church thành một nhà báo có uy tín), hàng năm mỗi dịp Christmas, người ta vẫn để một em bé tám tuổi đọc lá thư của cô nhỏ Vỉginia nâm xưa, và một nhà báo đọc câu trả lời của ông Francis như là một cách tưởng niệm hai nhân vật chính đã vô tình tạo nên cả một "kỹ nghệ kiếm tiền" từ câu hỏi và trả lời đơn thuần dựa trên niềm tin và tấm lòng của họ.

Giáng sinh năm 1974, đúng vào năm cả nước Mỹ bắt đầu biết đến câu chuyện về niềm tin của cô nhỏ Virginia ở New York xảy ra vào cuối thế kỷ 19 qua bốn sinh viên phân khoa báo chí, ở Biên Hòa cũng có bốn người bạn nhỏ (người lớn nhất học lớp mười một, người nhỏ nhất vừa vào ngưỡng cửa Trung học, cùng học ở một trường lớn nhất miền Đông Nam phần, bên dòng sông Đồng Nai) đạp xe mười lăm cây số đường trường mang quà đến một cô nhi viện ở chân núi Châu ThớI, Biên Hòa. Họ chỉ muốn các em bé, trạc tuổi cô nhỏ Virginia lúc viết thơ, tin rằng dù chiến tranh vẫn đang xảy ra, dù các em không còn cha mẹ nhưng cũng có những tấm lòng nghĩ đến và lo cho các em.

Con nhà nghèo thường khôn sớm hơn con nhà giàu, nên các em bé bảy tám tuổi ở cô nhi viện ngoại ô Biên Hòa năm đó không thắc mắc ông già Noel có thật hay không như Virginia và các bạn cùng lớp ở khu nhà giàu Manhattan của Mỹ, nên những ánh mắt tuổi thơ chỉ sáng lên vì được quà, vì có người đến thăm. Bốn người bạn nhỏ hẹn Giáng sinh sang năm sẽ trở lại thăm các em, và các em phải ngoan, phải chăm học để có quà nhiều hơn. Lời hứa đó không bao giờ thực hiện được dù cả nhóm bạn vẫn giữ canh cánh bên lòng. Vì chỉ vài tháng sau đó là biến cố tháng 4 năm 1975, mọi thứ đổi thay, xã hội đảo lộn, cô nhi viện không còn hoạt động bình thường như trước.

Một người trong nhóm bạn bị cơn lốc tháng 4 thổi qua tận Washington, tiểu bang miền Tây Bắc của Mỹ. Mỗi dịp Christmas, giữa những rộn ràng, hân hoan đón mừng lễ Giáng sinh, anh vẫn âm thầm xin lỗi những em bé mồ côi ở cô nhi viện năm nào vì đã không thực hiện được lời hứa dù rằng lỗi không phải ở anh và ba người bạn thời mới lớn. Anh tin những em bé Virginnia của Việt Nam lớn lên, hiểu được mọi chuyện trên đờI, sẽ tha thứ cho anh và cả nhóm bạn về chuyện không giữ lời hứa.

Người nhỏ nhất trong nhóm, đến Mỹ cuối thập niên 80, để bù lại lời hứa không thực hiện được năm nào, đã gỏp một bàn tay trong tổ chức thiện nguyện Milkcare Foundation (http://www.milkcare.org), chuyên cung cấp sữa đậu nành cho các em nhỏ, và sách vở cho các em lớn ở các cô nhi viện rảii rác đó đây trên quê hương hình chữ S.

Dù là một tổ chức từ thiện nhỏ bé, chỉ hoạt động khi những người làm thiện nguyện đã xong bổn phận với nợ áo cơm mỗi ngày,nhưng cũng được sự đóng góp của nhiều người bản xứ và những tấm lòng Viêt Nam lưu vong khẳp nơi.

Một trong những cô nhi viện được tài trợ hàng nâm là cô nhi viện ở Biên Hòa, nơi mà Giáng sinh năm 1975, chắc là có nhiều em bé mồ côi mỏi mòn chờ đợi các anh chị Khối Xả hội của Trung học Ngô Quyền đến thăm.

Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng ánh mắt rạng rỡ của các em mồ côi ở cô nhi viện năm xưa vẫn soi sáng cả một ký ức của cả nhóm bạn mà sau này lưu lạc từ Đông sang Tây của nước Mỹ, mỗi lần dịp Giáng sinh nghe lại câu chuyện "Yes Virginia" giữa mùa Đông băng giá của nước Mỹ, lòng họ vẫn quay về với các em bé mồ côi ở quê nhà vẫn đang cần được sự giúp đỡ, quan tâm của người lớn để các em lớn lên có đủ niềm tin khi bước xuống cuộc đời.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Santa Clara , Christmas 2009 - Viết cho các anh chị chs NQ: PKO ở Connecticut, TTS ở Washington, NCP ở California

TÓC VÀNG SỢI NHỎ

(Xin phép được dùng một câu thơ trong bài "Mùa thu Paris" cùa thi sĩ Cung Trầm Tưởng để làm tựa cho bài viết này)

Ấn tượng ban đầu của Trân về những cô gái tóc vàng ở quê hương thứ hai không phài là một ấn tượng tốt đẹp lắm. Trân không hề bị ảnh hưởng bởi những cái sticker dán sau đuôi vài cái xe chạy xuôi ngược trên đường phố, vô tình hoặc cố ý "miệt thị", châm chọc những cô gái tóc vàng với một mệnh đề "the blond ones are the dumb ones" (những người tóc vàng là những người thiếu thông minh), hay bằng một phương trình "blond hair = dumbness". Chẳng những thế, Trân còn kín đáo quan sát tài xế những cái xe có dán những sticker để xem tóc họ màu gì, giới tính, và độ tuổi, lẩn thẩn đoán tại sao họ lại lợi dụng tự do ngôn luận ở Mỹ để trầm lặng "tuyên chiến" với những cô gái tóc vàng thường rất đẹp.

Một điều đáng ghi nhận là trong khi Trân, một người tóc đen, và các bà, các cô tóc nâu, tóc bạch kim, tóc đỏ... cảm thấy những người tóc vàng bị tấn công lưu động bằng khẩu hiệu trên các đuôi xe thì những người đẹp tóc vàng sợi nhỏ lại tỉnh bơ coi như những cái sticker nói về những con búp bê tóc vàng hay những manequin làm mẫu trong các tiệm bán áo quần phụ nữ, chứ không phải nói về mình. Thỉnh thoảng có những cô tóc vàng còn phản công lại bằng một khẩu hiệu khác vừa từ tốn, vừa biểu lộ niềm tự hào "em là con gái trời cho đẹp" của mình “Don’t hate me because I’m beautiful” (đừng ghét tôi vì tôi xinh đẹp).

Và như vậy, dưới mắt của rất nhiều người Mỹ, tóc vàng bẩm sinh đồng nghĩa với nhan sắc rực rỡ. Những người không ưa các cô gái tóc vàng cứ tự nhiên mua sticker về dán sau đuôi xe, không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, không ảnh hưởng đến luật giao thông, nhưng ảnh hưởng đến suy nghĩ của một cô gái tóc đen Việt Nam trong khoảng thời gian chân ướt chân ráo ở Mỹ như Trân dạo mới nhận quê người làm quê hương.

Thời đó, còn miệt mài ở trường Đại học, Trân đã nhận ra cá tính chung của đa số các cô sinh viên tóc vàng, không chịu thương chịu khó như sinh viên tỵ nạn, lại còn lười hơn những sinh viên bản xứ tóc nâu hay tóc đỏ. Phân khoa được các cô tóc vàng theo học đông nhất là "marketing" và “truyền thông báo chí” là những ngành học tương đối không phải suy nghĩ nhiều, nhưng lúc ra trường thì cần có nhan sắc để có thể trở thành những xướng ngôn viên truyền hình lương rất cao và có dịp tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng, con đường "làm quan... bà" luôn luôn thênh thang rộng mở. Thỉnh thoảng, có những lớp kiến thức tổng quát (General Education) học chung cho tất cả các phân khoa, những project của cả nhóm thường các cô tóc vàng không đóng góp nhiều nhưng vẫn được hưởng trọn điểm cao của cả nhóm. Mỗi lần giáo sư ra chỉ thị chia nhóm, chỉ có những sinh viên “chậm chân” mới bị chia chung nhóm với những người đẹp tóc vàng, và sẽ phải làm giùm công việc cho những người bạn học tóc vàng sợi nhỏ.

Đâu đó trong khuôn viên các trường Đại học, bên cạnh đa số sinh viên mặt mày hốc hác vì thiếu ngủ triền miên, những người đẹp tóc vàng vẫn tươi tỉnh, vẫn điệu đàng, nổi bật trong sân trường. Có lẽ vì Marketing dễ học hơn các ngành khác mà cũng có thể vì chuyện phải học cật lực đề có GPA (điểm trung bình) cao không phài là ưu tiên hàng đầu của những cô sinh viên có tóc cùng màu nắng mặt trời.

Lúc ra trường, đi làm ở các công ty dù tư hay công, Trân lại gặp những cô gái da trắng tóc vàng thường làm receptionist, ngồi ở ngay cửa chính của Công ty, trả lời điện thoại và hướng dẫn khách đến thăm hay làm việc với Công ty. Công việc tương đối nhàn rỗi nên lâu lâu các cô thường giúp input những data đơn giản vào computer. Bổn phận rất đơn giản vậy mà cũng có nhiều lỗi, lập đi lập lại nhiều lần. Nhiều lúc Trân cũng bực mình nhưng nhìn hai con mắt nâu nhạt hay xanh xám ẩn hiện dưới những sợi tóc vàng, vừa ngơ ngác vừa biết lỗi, Trân không nở phàn nàn; nhưng từ đó không dám nhờ những đồng nghiệp tóc vàng sợi nhỏ làm bất cứ chuyện gì vì thời gian để sửa chữa sai lầm còn dài hơn thời gian tự làm mọi việc một mình để đúng từ lúc đầu.

Những cô gái tóc vàng bẩm sinh không những chỉ có một mái tóc rất dày, gồm khoàng một trăm bốn chục ngàn sợi, nhiều nhất so với các màu tóc khác, mà những sợi tóc còn mềm và óng mượt như tóc của con nít. Trong các truyện cổ tích từ Đông sang Tây, bao giờ hoàng tử, công chúa hay các nàng tiên cũng có mái tóc vàng óng như những tia nắng mặt trời. Người ta lớn lên, không một ai còn tin trên đời có tiên, nhưng hình ảnh mái tóc vàng sợi nhỏ óng mượt vẫn gắn liền với sự thánh thiện và ngây thơ, nên những cô gái tóc vàng xinh đẹp ở ngoài đời thường được mọi người ưu đãi hơn những người có các màu tóc khác. Và vì rất đẹp, được tất cả mọi người ưu đãi, làm giùm tất cả mọi việc, những em bé tóc vàng (những Daddy's Princess) lớn lên thành những cô, rồi những bà tóc vàng không quen tự làm mọi việc như những người có tóc màu đậm hơn.

Dorothy là tên một cô bé mặc chiếc áo đầm ô vuông trắng xanh, cùng con chó Toto bị bão lốc cuốn đi đến xứ sở thần tiên trong huyền thoại “The Wonderful Wizard of Oz” cùa Mỹ; cũng là tên một cô đồng nghiệp xinh đẹp tóc vàng rất được ưu ái trong công ty Trân làm. Dorothy cùa đời thường lớn hơn Dorothy trong huyền thoại nhiều nhưng cũng nhí nha, nhí nhảnh và đẹp như cô bé cùa chuyện cổ tích. Công việc của Dorothy rất đơn giản là receptionist và giao chuyển thư đến và đi trong một công ty nhỏ chưa đến một trăm người. Vậy mà Dorothy luôn đem "râu ông nọ cắm cằm bà kia" , bỏ lộn hay gởi lộn thư, nên nhiều người xuống phòng nhận thư tự lấy thư và tự gởi thư . Có thắc mắc gì với Doorothy, sẽ nhận được câu trả lời thường là vô thưởng vô phạt kèm theo đôi mắt nâu nhạt mở to trông rất là... vô tội:

-Sorry, I dont know. (Xin lỗi tôi không biết)

Nhưng chắc là nhờ mái tóc vàng óng mềm mại tự nhiên như những tia nắng mặt trời kèm theo một khuôn mặt đẹp và ngây thơ nên cô thư ký tóc vàng không những không mất job mà còn được hiểu ngầm như là một "trophy employee" (nhân viên "làm cảnh") cùa công ty.

Hình ánh của Dorothy, cùng những cô bạn học tóc màu nắng mặt trời thời đi học, và cà những cái sticker châm chọc những người đẹp tóc vàng sợi nhỏ phía sau những chiếc xe chạy khắp nơi trên đường phố làm Trân không mấy tin cậy lắm vào sự cố gắng cũng như hiệu quả công việc của những phụ nữ tóc vàng cho đến lúc Trân gặp Dawn, một người hàng xóm có mái tóc vàng óng mượt tự nhiên như những tia nắng nhẹ nhàng lúc bình minh.

Hàng xóm ở Mỹ rất lịch sự nhưng lạnh lùng không như lối sống "bán anh em xa mua láng giềng gần" của Việt Nam. Nên dù cùng ở trong một khu vực biệt lập gần cả chục năm, tình bạn giữa Dawn và Trân chỉ bắt đầu từ hơn ba năm qua.

Lần đó, Trân đến dự một buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Số người tham dự lên đến gần mười hai ngàn người, toàn bộ tiền bán vé dùng để làm việc từ thiện. Ngồi ở hàng ghế ngay trước mặt Trân có đến bốn mái tóc vàng, trong đó có lẽ chỉ có mỗi một mái tóc vàng bẩm sinh vì tóc vẫn mềm và mướt như tóc con nít. Ba mái tóc còn lại có lẽ là tóc vàng nhân tạo vì nhìn bằng mắt thường, không cần phài dùng đến xúc giác, vẫn thấy rất khô và cứng do hóa chất từ các loại thuốc nhuộm tóc (kiến thức từ một lần đi thông dịch cho một người đồng hương giúp Trân nhận ra điều này).

Chiều hôm đó, trong lúc chờ xe bart trở về nơi đậu xe, Trân gặp lại người tóc vàng sợi nhỏ, trông nổi bật giữa những mái tóc đủ màu của đủ mọi sắc dân trong melting pot ở Mỹ. Xe bart buổi chiều rất đông, tuy là đàn bà con gái nhưng người có tóc màu nắng mặt trời vẫn đứng lên nhường chỗ cho một bà cụ già. Trân và một vài người khác trên toa xe cùng kín đáo quan sát người đẹp tóc vàng biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình với nhiều thiện cảm.

Ở trạm dừng cạnh bãi đậu xe miễn phí, người đẹp tóc vàng xuống xe cũng như Trân và hơn một nừa hành khách trên xe bart.

Trân lấy cái xe màu trắng quen thuộc của mình, hạ bốn cửa kính xe xuống để không khí tràn vào. Khi xe vào đến xa lộ, gió thổi mạnh hơn, cuốn đi hơi nóng trong xe, cuốn luôn hình ảnh ngưới đẹp tóc vàng lịch sự và biết quan tâm đến người già.

Mấy tháng sau, một lần đi họp home owners association, Trân gặp lại người tóc vàng sợi nhỏ đã nhường chỗ cho người lớn tuổi trên xe bart. Người đẹp tên Dawn, trong cái kính cận giống như cặp kính của bà Sarah Palin, phát biểu hùng hồn không thua gì bà cựu Thống đốc, kiêm cựu ứng cử viên Phó Tổng thống, nhưng cao hơn, và đẹp hơn nhờ hãy còn ở bên này của ngọn đồi tuổi tác, và nhờ mái tóc cùng màu với những tia nắng mặt trời.

Vì cùng ý kiến trong cuộc họp hôm đó và cùng quan điểm về nhiều mặt, Dawn và Trân trở thành bạn dù bề ngoài không có gì tương đồng. Ở cùng một complex nhưng hầu hết liên lạc khi có chuyện cần đều qua E mail hoặc qua điện thoại; lâu lâu "get together" gặp gỡ nhau để nói về một chuyện gì cần thiết và cần thảo luận chi tiết, hai người bạn khác màu da đều gặp nhau ở quán cà phê Starbucks ở một góc phố gần nhà. Có lần Dawn "dẫn" theo ông chồng, Trân ngạc nhiên khi thấy đó là một người Mỹ gốc Á, thế hệ thứ ba, (nghĩa là ngay cả cha mẹ ông ta cũng đã sinh trưởng ở Mỹ) nên mọi ngôn từ, cách hành xử đều rất Mỹ, không có một chút gì Á Châu ngoài làn da vàng nâu và cặp mắt một mí rất Nhật bản. Có lẽ được nghe bà vợ tóc vàng sợi nhỏ kể về người bạn hàng xóm nhiều lần, nên đúng tinh thần "ladies first", ông ta vui vẻ đi mua và lễ mễ bưng ra một khay đủ loại bánh ngọt; trên đó có cả hai ly latte nóng với sữa non fat, có kem bọt màu trắng nổi trên mặt, với mấy gói đường diet đúng kiểu uổng cà phê của đàn bà con gái ở Mỹ luôn canh chừng calories nạp vô phải bằng hoặc ít hơn calories đi ra.

Cũng giống như nhiều người đẹp tóc vàng khác, Dawn không phải đi làm vì đã có chồng nuôi, nhưng Dawn chịu khó tự học hỏi để nâng cao kiến thức qua những lớp học hàm thụ online trên internet.

Khó tưởng tượng là một ngưởi đẹp tóc vàng đi xe Mercedes thể thao mui trần, tập thể dục và đi bơi mỗi ngày một lần ở gym - để giữ gìn sức khỏe và nhan sắc trời cho của mình - lại có tấm lòng với những người kém may mắn, vượt qua mọi biên giới và màu da.

Dawn là một trong những người đóng góp thường xuyên cho tổ chức từ thiện Operation Smile - có trụ sở ở Norfolk, Vỉginia - chuyên đi khắp thế giới đề giải phẩu cho các trẻ em bị sứt môi.

Hai khoản chi tiêu cùa Dawn được tự động trả một khoàn tiền cố định từ tài khoản ở ngân hàng hàng tháng là tiền đóng góp cho Operation Smile và tiền membership cho câu lạc bộ tập thể dục: hai sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống cúa Dawn. Chưa kể đến các đóng góp mỗi năm cho những ngưởi không có một mái nhà vào mỗi dịp Lễ Tạ ơn, hay những đóng góp cho các nạn nhân bị thiên tai ở Mỹ cũng như ở khắp nơi trên thế giới.

Sau này, khi đã thân nhau hơn, lâu lâu Trân còn gởi cho người hàng xóm tóc vàng sợi nhỏ những website từ thiện của bạn bè chuyên giúp các em nhỏ nghẻo ở Việt Nam được đi học, và có đủ cơm ăn áo mặc. Tưởng là chỉ giới thiệu cho Dawn biết những tấm lòng Mỹ gốc Việt đối với quê hương phái bỏ lại sau lưng vì vận nước, nhưng không ngờ thỉnh thoảng Dawn vẫn gởi những chi phiếu không nhỏ đến góp phần giúp đỡ những người Việt Nam không may mà có lẽ suốt đời Dawn chỉ biết đến qua hình ảnh.

Mỗi mùa bầu cử vào tháng 11 hàng năm, người đẹp tóc vàng hàng xóm của Trân còn rất hăng hái gởi E mail vận động cho những dự luật được đem ra trưng cầu dân ý. Kiến thức về khoa học chính trị đã được học dù không đem ra dùng để kiếm sống nhưng khi đem ra để cổ võ cho một ứng cử viên hay một dự luật nào đó thì rất rõ ràng và có hiệu quả.

Cũng có một mái tóc vảng tự nhiên mềm mại, cũng có một khuôn mặt rất đẹp của đa số người Mỹ gốc Châu Âu nhưng Dawn khôn ngoan, biết điều, và biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình, hoàn toàn không giống những người đẹp tóc vàng sợi nhỏ mà Trân đã có dịp tiếp xúc trước đó.

Một lần ngổi uống cà phê sữa nóng nhìn mưa rơi ngoài khung cừa kính, cuối hành lang của khu thương xá, một người homeless ngồi trước một cửa tiệm hãy còn bỏ trống, tóc tai tua tủa, có lẽ vì lâu ngày không cắt; Trân thấy lòng chùng xuống, áy náy, chưa biết làm gì, thì Dawn đã nhanh nhẹn đến mua một ly latte nóng khác với sữa whole milk kèm theo một cái sandwhich và hai cái croissant đựng trong hộp đến đưa cho người homeless.

Biết tính người bạn tóc vàng sợi nhỏ, Trân lấy cái gift card của chợ Safeway mới được tặng, chưa hề dùng, đưa cho Dawn

- Cho tôi góp phần cùng bạn tặng người thiếu may mắn.

Lúc đó là một buổi trưa thứ Bảy giữa mùa thu, lễ Thanksgiving đang đến rất gần, trời mưa không lớn lắm nhưng đủ để giữ chân nhiều người trong quán cà phê Starbucks lâu hơn thường lệ. Qua khung cừa kính, mọi người đều thấy hình ảnh một người da trắng ân cần bưng thức ăn đến cho một người da đen không nhà, có kèm theo một thẻ mua thực phẩm biếu tặng từ một người da vàng.

Không biết nhờ tinh thần của mùa lễ, nhờ Dawn, hay nhờ kết hợp của cả hai lý do, nhiều người khác tình cờ thấy hình ảnh sống đáng quý đó, lục trong túi mình những đồng tiền lẽ đặt vào tay người homeless vẫn còn đang ngỡ ngàng như vừa trải qua một cơn mơ giữa ban ngày. Ngay cả nhân viên của tiệm Starbucks cũng lấy vài tờ giấy một đồng từ cái hộp vuông đựng tiền tip cạnh quầy tính tiền, đặt vào lòng bàn tay người homeless đang run lên nhè nhẹ không biết vì cảm động hay vì những cơn gió sắc lạnh của một ngày có cơn bão rớt đi qua thành phố.

Thoáng chốc, hình như trời bầu trời xám ngắt của mùa thu bỗng xanh lên trong một khoảnh khắc. Và hạt giống thương yêu lan nhanh, phát tán xa hơn, vượt qua mọi biên giới của chủng tộc, mọi khác biệt cùa màu da…

Santa Clara, mùa thu 2010

Nguyễn Trần Diệu Hương

(Kính cảm ơn Thầy/ Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng)

MẸ VÀ THƯƠNG YÊU

. Mẹ đã dạy chúng tôi rất nhiều điều, từ thời thơ dại, cho đến bây giờ… Mẹ chưa từng bảo chúng tôi phải thương yêu mẹ, nhưng tự thuở nào, chúng tôi không còn nhớ, mẹ đã là một hình ảnh rõ nét nhất của thương yêu, và hy sinh trong lòng mỗi chúng tôi, các con của mẹ.

. Ở tuổi gần bảy mươi, mẹ vẫn còn may mắn được cài hoa hồng đỏ trên áo. Và lòng hiếu thảo của mẹ đối với bà ngoại là một bài học cụ thể nhất, nhắc nhở chúng tôi bổn phận đối với ba mẹ.

“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình”. “Trái tim người mẹ là kỳ quan đẹp nhất thế giới”. Chúng tôi nhớ rất rõ những điều đó từ lúc đủ trí khôn, và hiểu là lòng mẹ như nước ở đại dương, nhưng điều chúng tôi làm vui lòng mẹ như những giọt nước nhỏ nhoi. Cho nên, chúng tôi vẫn cố gắng đưa thêm nhiều nước vào lòng đại dương mênh mông như tấm lòng của mẹ.

· Trong những giông bão của cuộc đời, nơi trú an toàn nhất vẫn là vòng tay của mẹ. Nghĩ về mẹ, tâm hồn bạn sẽ bình an, hạnh phúc hơn, vì đâu đó trên đời này, vẫn có một người thương yêu bạn vô điều kiện, vui với thành công của bạn, và là điểm tựa an toàn nhất khi bạn bị vấp ngã.

· Mỗi một ngày trong đời sống đều phải là Mother’s Day, Father’s Day, hay lễ Vu Lan trong tâm tưởng để nhắc nhở mỗi chúng ta trân trọng những ngày còn được ở gần mẹ, còn được mẹ nâng đỡ trong những lúc chồn chân, mỏi gối.

· Từ trái tim yêu thương, hy sinh vô điều kiện của mỗi bà mẹ, nhất là những bà mẹ Việt Nam phải chịu nhiều nỗi truân chuyên, chúng ta sẽ thấy mình vô cùng hạnh phúc vì có một người luôn thương yêu chúng ta với tấm lòng của một đại dương. Phải yêu thương và đền đáp ơn mẹ, bởi vì không có mẹ thì chúng ta đã không lớn nỗi thành người.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Santa Clara-Vu Lan 2002