Bầu Cua Cá Cọp ... Tiền Lạc Quan

Có Cô Gái Đồ Long lắc bầu cua ... Lắc một cái ra ba con gà mái ... Chung hết tiền ... Vô Chí Hòa ...

Tiếng hát của đám con nít vang ầm. Tụi nó vừa kéo nhau đi rần rần, vừa hát, vừa hét la, cười giỡn, ... làm náo động, ồn ào cả xóm ...

Dường như chỉ có dịp Tết mấy đứa con nít mới được phép “gầy sòng” bầu cua và làm ồn ào, náo động cả xóm nhỏ vào buổi trưa. Bình thường vào giờ này mấy đứa con nít sẽ bị người lớn la rầy vì làm ồn ào quá, người lớn không nghỉ trưa được. Ngay cả trên radio, Đài Phát Thanh Sài Gòn cũng nhắc nhở: “Xin quý thính giả điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe ... để không làm phiền đến giấc ngủ trưa của mọi người ...”

Ngày thường, vào giờ này mấy đứa con nít đã đi học hết rồi, có ở nhà đâu mà làm ồn để bị la rầy ..., nhưng bây giờ đã là nghỉ Tết rồi ... Chưa tới ngày đưa Ông Táo mà thỉnh thoảng đã có tiếng pháo đì đùng ... Đám con nít có làm ồn cũng không sao ... Dường như lúc này người lớn không nghỉ trưa nữa để dọn dẹp nhà cửa, quét dọn, mua sắm, ... chuẩn bị đưa Ông Táo và đón Tết.

Trở lại đám con nít trong xóm, trong đó dĩ nhiên là phải có tôi cùng thằng Bình, thằng Tài, là bộ ba “ba con khỉ”, cùng với thằng Hùng, con Huệ, ... đám nào tụi nó cũng có mặt, kéo nhau tới thềm nhà “má Hai” để “gầy sòng”.

Kêu là “thằng” và “con” là kêu theo người lớn, chớ trong đám con nít có khá nhiều đứa lớn hơn tụi tôi vài ba tuổi, có khi năm bảy tuổi, đáng lý phải kêu bằng “anh”, “chị” mới phải. Nhưng hồi đó mấy đứa con nít kêu mấy đứa kia bằng “thằng” và “con” hết, “bình đẳng” không phân biệt tuổi tác khi chơi với nhau.

Nhà “má Hai” là ngôi nhà bự nhứt, nằm ngay giữa xóm, kiến trúc kiểu Tây, hai bên có hai bực thềm tam cấp để vô nhà. Người nhà chỉ dùng bực thềm bên mặt để vô nhà, còn cửa phía bên trái thì luôn luôn khóa.

Chỗ bực thềm bên trái có hai cánh cửa luôn luôn khóa này là chỗ lý tưởng cho đám con nít trong xóm tụ tập, vì trước bực thềm là một khoảnh đất rộng, nói là rộng chớ chỉ khoảng ba bốn thước vuông là cùng, chỗ này ngó qua vách bên hông nhà tôi và cũng là con hẻm nhỏ đi thẳng tới nhà má thằng Hùng ở cuối hẻm. Chỗ này có bực tam cấp cho nên là chỗ lý tưởng để làm “sân khấu trình diễn văn nghệ”. Các “ca sĩ” đứng trên các bực thềm trước cánh cửa khóa để trình diễn cho “khán giả” ngồi và đứng coi ở chỗ khoảnh đất rộng này. Trước bực tam cấp có một khoảnh rộng chừng một hai thước vuông được lót gạch tàu, một loại gạch hình vuông khoảng 40cm x 40cm, là nơi lý tưởng để “gầy sòng” bầu cua.

Xin nói “lạc đề lảng quẻ”, tản mạn một chút ở đây, cũng như ở mấy đoạn trên – nghĩ gì viết nấy, nhớ tới đâu viết tới đó, lòng vòng, không đầu không đuôi, ... “lối văn tản mạn” mà!

Không biết tại sao mà người trong xóm gọi bà chủ ngôi nhà bự này là “má Hai”, còn ông chồng của “má Hai” không gọi là “ba Hai” mà gọi là “ông Xã”, có khi người ta cũng gọi “má Hai” là “bà Xã”, vì hình như hồi trước ông này có làm Xã Trưởng một xã ở dưới quê. Không biết ông này làm cái gì mà thấy ở nhà cả ngày. Ông luôn cởi trần, bận một cái quần lãnh dài, có khi quần đen, có khi quần trắng, hai ống quần luôn luôn xắn lên tận đầu gối. Đầu ông có búi “chignon” một cục phía sau, miệng luôn ngậm một điếu thuốc rê vấn, phun khói phì phèo. Ông này ít khi nói chuyện với ai, lúc nào cũng chăm chú cắt tỉa các cây kiểng, không biết ổng có chán không? Sau này tôi mới biết đó là những chậu bonsai, có nhiều cây có tuổi đến trăm năm, nghe nói mắc tiền lắm!

Cũng không rõ tại sao người ta gọi chỗ đám con nít trong xóm hay tụ tập là “nhà má Hai” mà không gọi là “nhà ba Hai”, “nhà ông Hai” hay “nhà ông Xã”? Tương tự, người trong xóm gọi “nhà má thằng Hùng”, “nhà chị Huynh”, “nhà bà Đại Úy”, “nhà bà Bắc”, “nhà bà chủ” (không rõ bà này làm chủ gì mà người ta gọi là “bà chủ”, nhà của bà nhỏ xíu so với nhà “má Hai”, nói là “nhà” chớ chỉ là một cái “chái” khoảng 4m x 4m), v.v... mà không gọi “nhà ba thằng Hùng”, “nhà anh Huynh”, “nhà ông Đại Úy”, “nhà ông Bắc, “nhà ông chủ”, ... trong khi mấy ổng còn sống sờ sờ đó? Có lẽ ban ngày mấy ổng, trừ “ông Xã”, không ở nhà, còn các bà ở nhà nên người ta thường thấy mặt?

Vì chưa tới Tết nên mấy đứa con nít chưa có tiền lì xì, nên chơi bầu cua đặt bằng “hình” hay bằng “nút khoén” (hình như hồi nhỏ kêu trại chữ “nắp khoén”) là nắp các chai xá xị, chai “la ve La Rue” có hình đầu con cọp, ... không biết nắp khoén ở đâu mà tụi con nít để dành được nhiều quá nhiều ... Chơi lắc bầu cua “ăn” hình hay ăn “nút khoén” cũng vui lắm, cũng ì xèo, cũng chơi ăn gian, cũng cãi nhoi, có khi muốn đánh lộn, mét ba mét má, ...

Ngẫm nghĩ lại thì cũng hơi ... bất công vì chỉ có dịp Tết đám con nít mới được “gầy sòng” bầu cua, còn mấy bà trong xóm thì hình như thường trực, ngày nào cũng gầy sòng tứ sắc ở nhà má thằng Hùng. Nhà má thằng Hùng ở cạnh nhà “bà chủ” nhưng tương đối rộng hơn, bước vô cửa là “phòng khách” khá rộng, nói là “phòng khách” vậy chớ nhà chỉ có một phòng, có tấm vách ván bằng cây ngăn làm buồng ngủ. “Phòng khách” có bộ xa-lông đủ bộ hẳn hoi, gồm một cái “canapé” và hai cái ghế bành gọi là ghế “fauteuil”. Hồi đó trong xóm người ta thường gọi nhiều đồ dùng trong nhà bằng tiếng Tây, đó là gọi theo “má Hai” và “bà chủ”, mấy vị này cũng như nhiều vị lớn tuổi khác như “ông Cố”, “ông Xã”, ông Ba, ... đều biết tiếng Tây. Tôi còn nhớ có một tờ nhựt trình (hồi đó người ta hay gọi tờ báo là tờ nhựt trình) tiếng Tây Le Journal d’Extrême-Orient (Viễn Đông Nhật Báo) chuyền nhau đọc xong trả lại cho “bà chủ” – ba má tôi cũng được đọc tờ báo này.

Lại “lạc đề lảng quẻ”! Trở lại nhà má thằng Hùng. Chỗ bộ xa-lông ở “phòng khách” là chỗ mấy bà trong xóm đánh bài tứ sắc, đánh ăn tiền thiệt chớ không có đánh ăn “nút khoén” như đám con nít. Mấy bả trải chiếu ngồi thành một vòng tròn dưới đất ngay khoảng trống giữa cái “canapé” và hai cái ghế bành. Hình như ít thấy ai ngồi trên mấy cái ghế của bộ xa-lông hết. Mấy bà “thành viên thường trực” gồm má thằng Hùng, “má Hai”, “bà chủ”, bà Hai, bà Ba, ... khoảng chừng mười mấy bà, tuy chỉ cần 4 bà là đủ “tay chơi” rồi. Má tôi không phải là “thành viên” vì một phần má tôi không biết chơi tứ sắc và một phần vì má tôi thuộc hàng “cô”, người ta gọi là “cô Hai”, vì tuổi nhỏ hơn nhiều so với mấy bà “thành viên” đánh tứ sắc. Hàng “cô cậu” là những người khoảng trên mười lăm mười sáu tuổi tới hai mươi mấy ba chục tuổi, trên ba mươi mấy bốn chục là lên hàng “ông bà” hết rồi, còn dưới mười lăm mười sáu thuộc hàng “đám con nít ranh, xây lũ cố”.

Hình như ít thấy mấy ông chơi tứ sắc, hay là cũng có chơi mà lúc nhỏ tôi không để ý, bây giờ lâu quá rồi nên không nhớ rõ. Thường thấy ba thằng Hùng và mấy ông khác hay đánh cờ tướng hơn, vừa đánh cờ vừa uống trà hay uống bia “la ve La Rue” chai bự tổ khoảng một lít.

Trở lại sòng bầu cua, lần nào thằng Hùng cũng làm “cái”. Có lẽ vì nó là “sở hữu chủ” của cái bàn bầu cua. Không biết cái bàn bầu cua này nó có từ bao giờ mà năm nào nó cũng lôi ra xài. Cái “bàn” là một tấm giấy lớn có in hình 6 con vật, còn gọi là “linh vật”, gồm Nai, Bầu, Gà (hàng trên), Cá, Cua, Tôm (hàng dưới) – chỉ có trái Bầu không phải là một con vật. Cái tấm giấy này rách ten ben, nhứt là chỗ các lằn xếp được dán lại bằng băng keo “Scott” không biết là mấy lớp. Còn các cục súc sắc bằng cạc-tông, hình lập phương, mỗi cạnh khoảng 2cm hay 3cm, có dán hình 6 con vật ở 6 mặt. Ba cục súc sắc này cũng cũ mèm, đen hù, nhưng hình vẫn còn rõ.

Có một điều tới bây giờ tôi mới để ý nhưng chưa kiếm được các cục súc sắc chơi bầu cua để kiểm chứng. Các hột xí ngầu, thường dùng để chơi domino, cờ cá ngựa, v.v... hình lập phương có 6 mặt, mỗi mặt có khắc từ 1 đến 6 nút lõm (ở những hột xí ngầu kiểu Á Châu, trên những mặt có 1 và 4 nút lõm, những nút lõm này màu đỏ, những nút lõm trên bốn mặt kia đều màu đen hay xanh), nếu để ý thì sẽ thấy tổng số các nút lõm của hai mặt đối diện đều bằng 7, như vậy có 3 cặp: 1+6, 2+5 và 3+4. Không rõ trên các cục súc sắc của bàn bầu cua, hình các linh vật dán trên mặt nào của hình lập phương cũng được, hay phải dán theo từng cặp Nai-Cá, Bầu-Cua, Gà-Tôm trên các mặt đối diện, nghĩa là hai linh vật trên hai mặt đối diện phải là một trên cạn và một dưới nước, tức một ở hàng trên và một ở hàng dưới trong bàn bầu cua?

Khoảng thập niên 60, hình như người ta chưa có sản xuất đồ dùng bằng nhựa, nên “dụng cụ” để lắc bầu cua là một cái tô đá lớn, loại tô đá của mấy gánh mì gõ lốc cốc và một cái dĩa cũng bằng đá nặng chịch. Cái bàn bầu cua này cùng mấy cái bao “nút khoén” nay có lẽ đã bị thất lạc đâu đó rồi, chớ nếu đem được ra hải ngoại thì bây giờ có lẽ quý lắm, là “đồ cổ”, nhứt là cái tô và cái dĩa đá, có thể sẽ được trưng bày trong Viện Bảo Tàng không chừng! Vì tôi thấy trong các Viện Bảo Tàng, người ta cũng trưng bày trong các tủ kiếng nhiều chén dĩa và mảnh vỡ chén dĩa, chai lọ cũ, v.v... nói chơi cho vui: toàn là đồ “đời Tống” cả!

Vì không giới hạn số người chơi nên đám con nít bu lại chơi cũng khá đông, cũng khoảng mười mấy đứa, toàn là đám “xây lũ cố”. Quý vị mười lăm mười sáu tuổi hay lớn hơn một chút thuộc “hàng cô cậu”, không thèm chơi với đám con nít này, có lẽ vì họ sắp thành người lớn rồi, thích “mơ mộng” hơn ... không biết họ thích chơi cái gì? Hình như họ thích đọc hơn, đọc những tạp chí như Tuổi Hoa, Tuổi 17, ...

Đám con nít xúm lại đặt nắp khoén vô mấy cái ô có in hình các linh vật trong bàn bầu cua. Cái nắp khoén nào cũng như cái nắp khoén nấy không làm sao mà nhận biết cái nào của đứa nào đặt, cũng khó nhớ là đứa nào đặt vô những ô hình con gì, mỗi ô là bao nhiêu cái nắp khoén, vì luật chơi không giới hạn số nắp khoén đặt là bao nhiêu cái ... Vậy mà thằng Hùng nhớ hết trơn, để chung nắp khoén cho đủ số và chung đúng cho từng đứa, cũng như gom hết các nắp khoén của mấy đứa bị thua. Thiệt là hay! Vậy mới là làm “cái” chớ! Còn tôi thì tôi chịu thua trước.

Hồi đó tôi chỉ thích đặt “con Gà”, lâu lâu mới đặt mấy con khác, có lẽ vì hồi nhỏ con gà là quen thuộc nhứt. Trong xóm người ta nuôi gà vịt, ngang, ngỗng khá nhiều, thả rong ... có gà trống, gà mái, gà con, ... Mấy con khác ít thấy, hồi đó chưa thấy trái bầu thiệt, loại có cái eo bao giờ, chỉ thấy hình trong sách thôi ; con nai thiệt thì lâu lâu đi sở thú mới thấy, mà chỉ đứng coi ở đằng xa, không lại gần nó được ; còn cá, cua, tôm thì tuy có thấy mấy con thiệt, nhưng mấy con này không hấp dẫn mấy vì thường cá tôm mua từ chợ về đều chết hết ráo, còn cua tuy còn sống, nhưng bị cột dính chùm, ... chơi không vui bằng chơi với mấy con gà, rượt tụi nó chạy có cờ, ... tụi nó vừa chạy vừa la “quác quác” inh ỏi, có khi có con quýnh quá chạy không kịp còn biết bay nữa!

Hồi đó dù chưa học cái môn “Calcul des Probabilités”, nhưng cũng biết hễ đặt ít thì thua ít, đặt càng nhiều thì khả năng có thể ăn nhiều mà cũng có thể thua “đậm”. Nên mỗi lần tôi chỉ đặt một nắp khoén thôi. Như vậy nếu bị thua, tức lắc không ra “con Gà” nào thì chỉ bị mất một cái nắp khoén thôi, còn nếu ăn, nghĩa là lắc ra 1 “con Gà” thì được thêm một cái nắp khoén, lắc ra 2 “con Gà” thì ăn được thêm 2 cái nắp khoén ... Rất ít khi lắc ra 3 “con Gà” hay 3 linh vật khác cùng một lúc, để được “ăn” thêm 3 cái nắp khoén, xác suất chỉ được có 1/216 thôi.

Những trò chơi cờ bạc, đánh bài, ... kiểu may rủi này thường có dính dáng tới môn Toán Xác Suất.

Thử làm vài bài toán xác xuất coi có phải không.

Các linh vật có thể xuất hiện trùng nhau, thí dụ Gà-Nai-Gà, Gà-Gà-Nai hay Nai-Gà-Gà, v.v... đều như nhau, nên có 56 trường hợp:

- 6 trường hợp một linh vật cùng xuất hiện trên 3 cục súc sắc

- 5 x 6 = 30 trường hợp một linh vật cùng xuất hiện trên 2 cục súc sắc

- 20 trường hợp trên 3 cục súc sắc xuất hiện 3 linh vật khác nhau

Nhưng thật ra, 3 cục súc sắc độc lập với nhau, cho nên sự xuất hiện của các linh vật trên 3 cục súc sắc mỗi lần lắc là do sự kết hợp ngẫu nhiên của bất kỳ 3 mặt của 3 cục súc sắc khác nhau trong tổng số 6 x 3 = 18 mặt của 3 cục súc sắc. Có 3 cục súc sắc, mỗi cục 6 mặt, vậy tổng số các trường hợp kết hợp ngẫu nhiên này là

63 = 6 x 6 x 6 = 216

Do đó xác suất số Gà xuất hiện hay không xuất hiện trên các cục súc sắc, mỗi lần lắc là:

1/216 : cả 3 cục súc sắc đều ra Gà – ăn được thêm 3 nắp khoén

15/216 : có 2 Gà xuất hiện trên 2 cục súc sắc – ăn được thêm 2 nắp khoén

75/216 : có 1 Gà xuất hiện trên một cục súc sắc – ăn được thêm 1 nắp khoén

125/216 : không có Gà xuất hiện trên cả 3 cục súc sắc – thua và bị mất 1 nắp khoén

Bây giờ thử coi như 1 cái nắp khoén là $1.00 để tính coi có phải càng đặt ít thì khả năng thua càng ít, càng đặt nhiều thì khả năng thắng nhiều hơn mà khả năng thua cũng càng “đậm”. Còn không đặt gì hết thì không thua gì hết, mà cũng chẳng ăn được gì hết!

Tim số tiền trung bình E(X) có khả năng bị thua cho mỗi bàn (mỗi lần lắc), theo công thức:

E(X) = ∑ x f(x)

(X là tổng số tiền ăn được khi đặt “con Gà”, chơi càng nhiều bàn thì tính số tiền trung bình càng chính xác)

- Đặt $1.00 : x = 1

E(X) = -1(125/216) + 1(75/216) + 2(15/216) + 3(1/216) = -17/216 = -$0.0787

- Đặt $2.00 : x = 2

E(X) = -2(125/216) + 2(75/216) + 4(15/216) + 6(1/216) = -17/108 = -$0.1574

- Đặt $3.00 : x = 3

E(X) = -3(125/216) + 3(75/216) + 6(15/216) + 9(1/216) = -17/72 = -$0.2361

- Đăt $6.00 : x = 6

E(X) = -6(125/216) + 6(75/216) + 12(15/216) + 18(1/216) = -17/36 = -$0.4722

- Đặt $10.00 : x = 10

E(X) = -10(125/216) + 10(75/216) + 20(15/216) + 30(1/216) = -170/216 = -$0.7870

Như vậy, nếu đặt $10.00 cho ô “con Gà” thì trung bình mỗi bàn có thể bị thua 78 xu, nếu đặt ít hơn thì khả năng bị thua sẽ ít hơn, thí dụ đặt $6.00, khả năng bị thua còn 47 xu thôi, nếu chỉ đặt $1.00 thì khả năng bị thua chỉ còn chưa tới 10 xu.

Chơi nhiều lần thì lần hồi mình cũng “tích lũy” được khá nhiều nắp khoén. Khi được khá nhiều thì có thể lật ngửa những cái nắp khoén ra để coi có chữ in phía trong cái nắp khoén không, có khi có thể ráp lại thành một chữ hay một câu gì đó. Hồi đó lâu lâu cũng kiếm được những cái nắp khoén có in một chữ cái phía trong, không phải cái nào cũng có in chữ cái. Khi nào gom được nhiều nắp khoén có chữ cái mà ráp lại được thành một chữ có nghĩa thì hình như có thể đem lại hãng BGI hay một “dépôt” nước ngọt – chỉ là một tiệm tạp hóa, nhưng hồi đó người ta gọi là “cái dépôt” – để đổi lấy một chai xá xị. Đây là một hình thức “khuyến mãi” mà sau này tôi mới biết: “dụ dỗ” cho con nít uống nhiều chai xá xị để bán được nhiều.

Hồi đó còn nhỏ nên tôi, cũng như mấy đứa kia, không đứa nào thắc mắc coi câu hát mà đám con nít thường hát ở đâu mà có, cùng những chi tiết thú vị về “Bầu Cua Cá Cọp”.

Bây giờ nhớ lại mới có nhiều thắc mắc, như:

- Trò chơi “Bầu Cua Cá Cọp” có từ bao giờ?

- Ông Tổ bày ra trò chơi bầu cua là ai?

- Tại sao gọi là “Bầu Cua Cá Cọp” mà đâu có thấy hình con cọp?

- Tại sao có trái bầu? Không phải tất cả các hình là 6 động vật mà lại có trái bầu là thực vật?

- Tại sao chọn 5 động vật là nai, gà, cá, cua, tôm mà không chọn những động vật khác? Cũng như vị trí của 6 hình này trên bàn bầu cua?

Giải đáp những thắc mắc này cũng không phải dễ, phải tìm hiểu qua nhiều sách báo, tài liệu, internet, ... đây có thể là một “đề tài nghiên cứu” có thể được đem ra để “bảo vệ Luận Án Tiến Sĩ” chớ không phải chơi!

Có lẽ 6 con vật, có tài liệu gọi là “linh vật”, đại diện cho trời, đất, nước, đủ cả các môi trường sống, đủ cả các Giới Thực Vật và Động Vật, động vật có xương sống và không xương sống, ... Ba con hàng trên là những con vật hay đồ vật trên cạn, ba con hàng dưới là những loài vật quen thuộc đã được đánh bắt làm thức ăn, đại diện cho những loài vật sống dưới nước, sông biển, ao hồ, ...; cá đại diện cho động vật có xương sống, tôm và cua đại diện cho động vật không xương sống ; còn cua vừa sống dưới nước, vừa lên trên cạn được, nên được sắp ở giữa. Trên cạn là ở trên bờ nên những con vật, đồ vật trên bờ được sắp ở hàng phía trên, dưới nước là ở ... dưới nước (!) nên sắp ở hàng phía dưới. Con nai ở trong rừng, một loài thú hoang dã, đại diện cho muông thú, con gà đại diện loài chim bay trên trời, tuy gà không biết bay, nhưng vì chim không được thuần hóa, gà được nuôi coi như đại diện cho loài chim và ngành chăn nuôi. Trái bầu tượng trưng cho thực vật, cây cỏ mà cũng tượng trưng cho đồ dùng. Trái bầu loại có eo này lấy hết ruột ra phơi khô, thường dùng để đựng rượu mà nhậu, gọi là cái hồ lô. Mà sao đồ dùng không là một món gì khác quen thuộc, thường dùng trong nhà như cái nồi, ai cũng phải có cái nồi để nấu cơm, mà lại là trái bầu loại có cái eo này? Có lẽ cái nồi “phàm phu tục tử” quá, “miếng ăn là miếng tồi tàn”, nhưng không ăn thời chết đói ... Mấy con gà, cá, tôm, cua đại diện các đồ ăn ... thiệt, ăn cho no, “phàm phu tục tử” đủ rồi, có cả con nai đại diện đồ ăn ... nhậu, thuộc các món ăn chơi ... Vậy trái bầu có cái eo có vẻ một “linh vật” hơn, có lẽ tượng trưng cho bậc thần tiên, những vị thánh hiền nhàn hạ, vì hình Ông Thọ và mấy ông tiên, ... trong các truyện cổ tích ... đều có trái bầu hồ lô cột vô cây gậy, vừa đi vừa nhậu “xỉn xỉn”, nên có cây gậy chống cho khỏi té! À! Tới đây mới nhớ: còn một “chân lý” nữa là trái bầu hồ lô dùng đựng rượu được xếp hàng trên, ở giữa bàn bầu cua, chung quanh toàn là những món có thể làm ... “mồi nhắm” được hết! Hàm ý thưởng thức những “mồi nhắm” này mà thiếu “nước mắt quê hương” thì là một thiếu sót vô cùng lớn lao! Nếu vậy, có thể có người hỏi sao không lấy hình tượng cái nhạo, cái nhạo cũng dùng để đựng rượu vậy? Xin thưa cái nhạo là của người phàm, vả lại rượu đựng trong cái nhạo quá ít không dùng để nhậu mà thường chỉ dùng trong những dịp “vô tửu bất thành lễ” thôi! Trái bầu hồ lô mới thiệt là của bậc thần tiên ... vậy cho nên mới gọi là “Bầu Cua Cá Cọp”, nếu lấy hình tượng là những món đồ của người phàm trần thì đã gọi là “Nồi Cua Cá Cọp” hay “Nhạo Cua Cá Cọp” rồi!

Nghe nói bên Thái Lan người ta cũng chơi bầu cua, mà đúng là “Bầu Cua Cá Cọp” vì có hình con cọp, thay vì con nai. Con cọp cũng là một loài thú hoang dã sống trong rừng, đại diện cho muông thú.

Không biết sao Việt Nam ta lại dùng con nai? Một số tài liệu cho rằng trò chơi này có tên là “Bầu Cua Cá Cộc (Cọc)”, vì chữ “cộc” hoặc “cọc” khó đọc nên đọc “Bầu Cua Cá Cọp” nghe xuôi tai hơn. “Cọc”, còn đọc là “nọc”, là từ ngữ cổ có nghĩa là vật nhọn, như cây nọc, cây cọc, ... gồm cả cái sừng thú là một vật nhọn, nghĩa rộng hơn chỉ giống đực, một con thú giống đực, dương tính ... “cọc” còn có nghĩa là con nai đực có cặp sừng nhọn, xưa gọi là “con hươu cọc”, “hươu nọc” hay “con cọc”... trong bàn bầu cua là con nai đực vậy.

Đông Tây cũng có nhiều sự trùng hợp. Bên Âu Châu cũng có một trò chơi tương tự như chơi bầu cua gọi là “Crown and Anchor”, rất phổ biến ở Anh, Bỉ, Hòa Lan, Pháp, ... Cũng có cái bàn có hình 6 món vật và 3 cục súc sắc có in hình 6 món vật đó: Vương Miện, Mỏ neo và các hình Cơ, Rô, Chuồn, Bích trong bộ bài cào. Trò chơi này có từ Thế Kỷ thứ 18, đầu tiên do những thủy thủ trên tàu Hải Quân Hoàng Gia Anh chơi, có lẽ vì vậy mà có cái vương miệng tượng trưng cho Hoàng Gia và cái mỏ neo tượng trưng cho thủy thủ hay Hải Quân.

Một điểm tương đồng là ta gọi chơi “bầu cua”, tên hai linh vật được xếp ở giữa bàn cờ, bầu ở trên cạn, cua ở dưới nước, mà không gọi chơi “nai cá” hay chơi “gà tôm” ; còn bên Tây Phương trò chơi “Crown and Anchor” cũng gọi theo hai món vật được xếp ở giữa bàn cờ: vương miện (crown) ở trên cạn và mỏ neo (anchor) ở dưới nước.

Crown and Anchor game

Còn có thành ngữ “mất mặt bầu cua”. Thiếu gì những trò chơi khác như đánh bài, đánh cờ tướng, v.v... Sao không nói “mất mặt cơ rô chuồn bích” hay “mất mặt tướng sĩ tượng”, mà dùng hai linh vật bầu và cua trong trò chơi “Bầu Cua Cá Cọp”? Có lẽ ngôn ngữ Tây Phương không có những thành ngữ có dính dáng tới một trò chơi cờ bạc như vậy, thí dụ như không nghe nói “losing face crown and anchor” bao giờ.

Về câu hát đám con nít trong xóm cũ của tôi hát hồi đó, có lẽ con nít bây giờ ít đứa nào biết (Không biết mấy chỗ khác con nít có hát câu này không?). Lại càng không biết câu hát này từ đâu mà có? Ai đặt ra lời hát này hay sửa lời một bài hát nào? “Cô Gái Đồ Long” là ai? Tại sao là “Cô Gái Đồ Long” chớ không là một nhân vật khác trong một truyện tiểu thuyết khác? “Chung tiền” là gì? “vô Chí Hòa” là vô đâu? Tại sao “Lắc một cái ra ba con gà mái” mà hình vẽ là hình con gà trống? – Có ông bạn nhớ là lời hát hồi đó đúng là “ba con gà trống” như hình vẽ, có lẽ tôi nhớ trật là “gà mái” vì có vần với “Lắc một cái ...”, v.v... (Tôi có thấy một bài viết cũng chép “Lắc một cái ra ba con gà mái”, nhưng đoạn sau lại chép “... Thua hết tiền ... thua hết tiền ...”).

Cắt nghĩa “chung tiền” là gì và “vô Chí Hòa” là vô khám Chí Hòa tức là đi ở tù thì còn dễ chớ hỏi ai đặt lời câu hát này và tại sao lại là Cô Gái Đồ Long thì chịu thua! Có lẽ hồi đó người ta hay đọc truyện Tàu, dịch ra tiếng Việt thiệt hay, thiệt hấp dẫn đọc mê tới quên ăn quên ngủ, muốn biết chuyện sắp tới sẽ “như vầy ... như vầy ...”. Có lẽ thịnh hành nhứt thời đó là những tiểu thuyết võ hiệp Tàu của Kim Dung, trong đó có truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký, hình như do Từ Khánh Phụng dịch đề tựa là Cô Gái Đồ Long, có nhân vật tên là Triệu Minh, tức Cô Gái Đồ Long, là bà xã của anh hùng Trương Vô Kỵ.

Nếu bà này biết lắc bầu cua thì có lẽ trò “Bầu Cua Cá Cọp” có nguồn gốc từ bên Tàu, có từ trước đời nhà Nguyên nên bà này mới biết chơi? Bà này phải chơi cái bàn bầu cua bên Tàu gọi là “Hoo Hey How” (“hoo” là con cá, “hey” là con tôm, “how” là con cua, đọc theo âm tiếng Phước Kiến), mà trong bàn thay vì con nai thì là đồng tiền. Bà này làm “cái” cho nên bả lắc ba cục súc sắc, và phải chung tiền cho những người đặt. Bữa đó chắc có nhiều người đặt con gà quá, giống như tôi vậy, họ thích con gà hơn, vì con gà quen thuộc với họ hơn... chẳng may cả ba cục súc sắc đều ra hình con gà hết, cho nên bà này chung hết tiền luôn, không đủ tiền để chung cho nên phải “vô Chí Hòa” ở vài ngày để bù lại thôi ...

Hoo Hey How – Cá Tôm Cua

Bàn bầu cua không có chữ Tàu, chắc chắn là của Việt Nam ta rồi, còn bàn “Cá Tôm Cua” (“Hoo Hey How”) của bà xã Trương Vô Kỵ tức Cô Gái Đồ Long, như trong hình vẽ, có chữ Tàu thì đích thực là nhập cảng từ bên Tàu rồi!

Cũng như cờ tướng, các con cờ đều có khắc chữ Tàu thì chắc chắn ông Tổ Đế Thích phải là người Tàu, đã chế ra cả ngàn năm nay lận! Bài tứ sắc cũng có chữ Tàu như cờ tướng, có xe pháo mã, tướng sĩ tượng đủ hết, không biết có nguồn gốc từ bên Tàu hay không?

Nhưng những bàn bầu cua ở Việt Nam, dù không có chữ Tàu gì cả, cũng như những bàn cờ khác như cờ cá ngựa, cờ vua (hay còn gọi là “cờ quốc tế” – chess, chắc chắn có nguồn gốc từ bên Tây), những bộ cờ tướng, những bộ bài tứ sắc, bài cào, v.v... dù có chữ Tàu hay không, ai cũng đều biết là “đồ ngoại” được nhập cảng từ “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” cả!

“Cờ bạc là bác thằng bần”. “Bầu Cua Cá Cọp” dù sao cũng là một trò chơi cờ bạc. Con nít mê chơi quá cũng có hại, sau này sẽ có thói quen “máu me cờ bạc”. “Bầu Cua Cá Cọp” hay bất cứ trò chơi thuộc loại cờ bạc chỉ nên hạn chế vui chơi mỗi dịp Xuân về, Tết đến.

Nhưng ở hải ngoại, không khí Tết không bao giờ giống ở quê nhà. Những ngày Tết đều nhằm vào khoảng cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng Hai dương lịch, là thời gian các trường Trung Tiểu Học bắt đầu khai giảng, các Viện Đại Học cũng bắt đầu niên khóa mới. Những người đi làm thì mới vừa dứt kỳ nghỉ thường niên “Christmas – New Year Holidays”, phải lo đi “cày” lại. Không còn những náo nức sắp được nghỉ để đón Xuân, chuẩn bị sắm Tết ... như ở quê nhà.

Mặc dù ngày nay có nhiều websites bài bạc, trong đó có chơi bầu cua “online”, cũng như đánh cờ tướng và đánh cờ vua với computer … ; mặc dù ở những nơi có đông người Việt sinh sống, người ta có tổ chức những Hội Chợ Tết, có bày những bàn cờ tướng để thi đánh cờ và cũng có những sòng “Bầu Cua Cá Cọp”, nhưng không khí vui chơi không thể nào như ngày xưa ...

Thế hệ con cháu sau này, nhứt là con nít ở hải ngoại, có lẽ không còn thú chơi “Bầu Cua Cá Cọp” những khi Tết đến nữa ... Tụi nó bây giờ mê computer games hơn, có thể chơi game suốt ngày không mệt mỏi ... Những computer games đa số là bạo động, đâm chém, bắn giết, ... là mối lo âu của các bậc ông bà, cha mẹ ... nhưng dù sao còn đỡ hơn chơi đánh bài, đam mê bài bạc trên “Casino on line” ... Cầu mong cho tụi nó không biết đến những websites bài bạc loại này ...

Thú chơi “Bầu Cua Cá Cọp” mỗi lần Tết đến không còn nữa. Những cái gì của ngày xưa cũng như tuổi thơ đã qua rồi, không tìm lại được, chỉ còn có thể hình dung một số hình ảnh của ngày xưa mơ hồ trong ký ức ...

Tiền Lạc Quan

Tháng 1 - 2013

-------------------------------------------

Một số trang mạng “Bầu Cua Cá Cọp”

http://en.wikipedia.org/wiki/Bau_cua_ca_cop

http://www.vietcali.com/2008/05/bau-cua-ca-cop-game/

http://udm4.com/Android/Bau_Cua_Ca-908995

http://baucua.net/bau-cua-ca-cop.html

http://www.trungthu.us/XuanCanhDan/CanhDan2010/BauCuaCaCop.htm

http://udm4.com/iPhone/Bau_Cua_Ca_Cop-727138