Ngày Ấy Đâu Rồi ... Phương Mai NaUy

Định mệnh cội nguồn quả thật đậm nét với cuộc sống lưu vong của dân Việt trên toàn thế giới. Chinh chiến điêu linh … làn sóng ra đi mới thật sự là một cuộc ra đi biền biệt quá nửa vòng trái đất, kéo lê kiếp sống tha hương nơi đất khách quê người với bao tủi hận nhớ thương … Hàng triệu triệu người di tản buồn. Dẫu không còn chút hy vọng lung linh như tia sáng nhỏ nhoi ở cuối con đường, hầu khỏa lấp bớt đi cảm nghĩ khủng khiếp lẫn đau buồn cho số phận mình, không biết sẽ ra sao và cuộc đời sẽ đi về đâu.

Người con gái vội vã ra đi với bao nỗi niềm se thắt … Chưa kịp nói lời tạm biệt người cha mà tôi hằng kính yêu, đã bỏ lại sau lưng tất cả, để rồi trong đêm đó nơi Nhà Thờ Đức Bà là niềm đau chôn giấu lần cuối cùng xa rời mảnh đất thân yêu. Mải miên man suy nghĩ thì chân cũng vừa bước lên con tàu định mệnh, một trăm sáu mươi tám sinh mạng con người đã phó thác trên chiếc tàu dài chỉ tám thước. Hai ngày ba đêm thả trôi lênh đênh trên biển cả, không một bóng chim bay, lạc ra đến cửa biển Thái Bình Dương, ánh mắt hướng mông lung về cõi hư không, không bờ bến. Sóng cuồn cuồn, cơn bão lớn mạnh như cuốn hút vào vực thẳm xa xăm vô tận. Tất cả được cứu vớt … Tạ Ơn Một Sự Hồi Sinh.

Hành trang bước vào đời bằng một trái tim nhỏ bé, một khối óc rỗng tuếch mênh mông trong cõi lòng còn nặng trĩu những nhớ nhung u buồn, lạc lõng trong thế giới đông người. Ánh sáng rực rỡ của kinh thành Singapore, những tòa nhà cao ngất trời, đuờng sá sạch sẽ quá, trải dài những hàng cây và thảm cỏ xanh mượt, phảng phất mùi hoa thơm cỏ lạ, tất cả quyện vào nhau thành một bức tranh yên bình. Như lạc vào chốn thiên thai, tiếng trầm trồ reo vang, réo rắt trong lòng người một niềm vui sướng vô biên.

Lằm lủi bước theo đoàn người, làm thủ tục, nhận đồ và một số tiền ăn cho mỗi tuần. Ồ! Mừng quá, sá chi với những ngày đi lao động đào kinh ở Nông Trường Nhị Xuân chói nước mà ngày hai bữa … “vỗ bụng rau bình bịch”…, nắng chang chang, những ngày ngồi nhóm lại ở sân trường họp tổ, học chính trị, viết kiểm điểm, hò hát những “Chiều Trên Maxcơva”, “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”, … Tôi không biết phải làm sao hơn khi con đường duy nhất là tiếp tục học cho xong phần còn lại.

Rồi đâu đây tiếng vọng cổ, nhạc vàng, nhạc sến, tiếng hát Chế Linh da diết … chọi lẫn với nhau vang lên inh ỏi trong “barrack” trại tỵ nạn Singapore. Trải chăn xuống đất “xí” một chỗ vừa đủ, lấy mền bịt kín hai lỗ tai, nhắm nghiền đôi mắt lại mặc cho nước mắt cứ tuôn. Ôi sao, nhớ nhớ và nhớ tất cả … Phải! Một cảm nhận thật sự rằng mình sẽ không bao giờ được gặp lại Ba Mẹ, anh em, họ hàng thương yêu, xa rồi ngôi nhà biết bao kỷ niệm êm đềm, xa rồi mái trường và đám bạn bè thân thương. Làm sao tôi quên được những lần đạp xe đi học về dưới cơn mưa ngập lụt ... Bỗng tiếng hát Khánh Ly “Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt”:

“Sài Gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường

Đường ngày xưa mưa có ướt ngập lối về”.

Nơi trại tỵ nạn Singapore, một ngày như mọi ngày, người người nhộn nhịp rủ nhau đi dạo, đi xem phim Tàu, những con phố chợ bảy màu cầu vồng ... mua sắm ... một chút quà cho Ba Mẹ, cho anh, cho em, cho người thương. Xa Sài Gòn mới chỉ có hơn hai tuần lễ thôi mà như nghìn trùng xa cách để rồi chỉ là lời hứa bâng quơ:

“Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may,

Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy.”

“Sài Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về.”

Ồ! Bỗng chợt như người ngồi trên hàng rào cổng trại, tôi có cảm giác ngờ ngợ thân quen. À thì ra Thái, học cùng Khoa Hóa, có biệt danh ... , cao như cột đèn. Bao nhiều lần Thái bắt gặp tôi ngồi xề “ghiền” ăn bún riêu ở chợ NCC... Bây giờ lại gặp nữa rồi? Nhưng lần nầy chúng tôi mừng rỡ nhận ra nhau, huyên thuyên nói chuyện ... Thế rồi, lại phải tiễn Thái lên đường định cư ở Đan Mạch.

Tương lai thênh thang sao mịt mùng quá, technology hiện đại nhưng cũng thật nhiều lối rẽ. Với nếp sống văn minh, một sự tự giác thật sự từ việc nhỏ nhặt xếp hàng lên xe bus, không ồn ào, cấm vứt tàn thuốc lá, cấm xả rác, giao thông đường phố trật tự, cho đến hệ thống hiện đại của những ngân hàng nằm chót vót trên cao ốc ... tôi thấy mình như ếch ngồi đáy giếng. Vâng! Phải làm gì và sẽ làm gì khi biết rằng Ba Mẹ vẫn đặt hết niềm tin nơi tôi. Cuối cùng, một sự quyết định lựa chọn đi định cư tại một quốc gia mà thiên hạ đã gán cho nó một cái tên bất hủ: “Buồn Muôn Thuở” hay đang sống trong tủ đông đá “Trên Đỉnh Gió Hú Mùa Đông”... Tôi luôn thầm cám ơn, xin nhận nơi đây làm quê hương thứ hai, trải dài trên xứ sở nhỏ hẹp một thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành, một dân tộc hiền hòa chất phác đã cưu mang tôi ... Con người được đối xử công bằng như nhau, để tôi có được cuộc sống ổn định, an cư lạc nghiệp và những ngày bình yên thật sự.

Lá thư đầu tiên của Ba Mẹ như một mãnh lực lớn lao giúp cho đôi chân đứng lên trong niềm tin, cùng những mảnh vụn thương yêu cho ngày tháng qua là những lần nước mắt hụt hẫng đã gợi về cho tôi niềm thương nỗi nhớ. Hoài bão lại cho những ngày hứa hẹn của chút gì để nhớ để quên. Tôi trân trọng những dòng chữ kính yêu của Ba, của Mẹ, lời thiết tha của tất cả bạn bè, những dòng chữ nắn nót lời chân tình yêu thương, nhất là Mỹ Dung cùng huyên thuyên những chuyện “tức cười” của bạn bè Khoa Hóa còn lại ở trường ở quê nhà. Tôi nâng niu gói trọn vào lòng và còn gìn giữ mãi cho đến ngày hôm nay.

Một việc quan trọng phải làm trong năm vừa qua ... nhằm dịp tôi phải về quê lần nầy trúng vào dịp Tết, mà khi xưa mãi ao ước xin được một lần ăn Tết Việt Nam, hưởng lại chút hương vị quê hương. Nhưng chỉ vài năm sau khi tôi bảo lãnh gia đình sang định cư ở đây, thì ý tưởng trở về Sài Gòn gần như vơi bớt đi phần nào...

Và rồi 29 Tết, tôi và những đứa bạn gái cũ dzung dzăng dzung dzẻ ở chợ hoa Nguyễn Huệ, hương thơm phảng phất, lẫn màu vàng, màu đỏ rực rỡ của những chậu quất, hoa mai, hoa cúc ... Màu vàng tượng trưng hoa phú quý may mắn, hoa bí vàng đẹp như những con bướm vàng bay chập chờn trên những nụ hoa, đi vào hồn một cách hồn nhiên. Trong cái nắng của mùa xuân như mời gọi bàn tay người thôn nữ hái về, sự hiền hòa trong ngọt mát, sự chiêm ngưỡng tựa như môi người thiếu nữ chạm vào miếng dưa hấu hình vành trăng khuyết như dành chỗ cho một sự tươi mát dịu dàng.

Những gian hàng trái cây, bánh mứt ... chợ đêm Tết Sài Gòn, người người đông nghẹt chen chân nhau không lọt. Chút gì đó tiếc nuối bâng khuâng của những năm tháng qua, xe cộ ồn ào náo nhiệt. Nét quê hương vẫn còn thấp thoáng nhịp sống bồn chồn hối hả của thành phố về khuya. Một hình ảnh thật đáng nhớ và không còn nữa, tiếng rộn rã tiếng cười tiếng trả giá mua hàng ... Lâu rồi tôi cũng không còn nghe tiếng rao "khô cá thiều nhậu nhiều nhiều" hay "kem đánh răng anh Bảy Chà" nữa. Chúng tôi đèo nhau đi lại khắp phố phường, tìm lại những con đường thân quen ngày xưa, nay đã đổi tên. Quán ăn, quán nước, quán bia, cà phê ... mọc lên khắp nẻo đường, cố lắng nghe tiếng mì gõ lóc cóc, tiếng rao vắt vẻo não nề của bà bán hàng rong trong đêm khuya có còn hay không?

Đi ngang lại ngôi nhà học thi Tú Tài ở Phùng Khắc Khoan, nhớ những chiều xuống thật êm ả, ngồi lặng nghe từng nốt nhạc réo rắc của tiếng đàn piano du dương ở nhà bên cạnh. Giàn dạ lý hương và những hoa sứ cùi phảng phất mùi hương thơm quyến rủ lạ lùng. Hàng cây rợp bóng bên vệ đường giờ như khoác lên mình chiếc áo ưu phiền đợi bóng ai về. Con đường Nguyễn Du, Duy Tân “cây dài bóng mát” còn đứng đó. Hàng cây cổ thụ, nơi giữ xe trước khuôn viên Khoa Học giờ lạ lẫm làm sao. Thời tiết vào những ngày Xuân, gió len lén nhẹ vào người làm cho tôi có cảm giác đằm thắm dễ chiụ ... Chợt nhớ lại mùng Ba Tết khi xưa năm cuối trung học, đám bạn bè nữ sinh cùng hẹn nhau đi Chùa Lăng Ông xin xăm đầu năm, xem quẻ tình duyên, gia đạo, học vấn, đường “ligne de coeur”, “ligne de minh mạng”, “ligne de con đường xưa em đi … ăn hàng”... rồi cả bọn lăn ra cười khúc khích.

Con đường trở lại phố nhỏ Mỹ Tho yêu thương sao nay xa lạ quá so với những lần tôi theo chị bạn về khi xưa với những hàng dừa soi mình dọc theo những bờ kinh lắng nghe những câu hò ngọt ngào, mây che trên đầu và nắng trên vai. Ngày ấy đâu rồi cho tôi tìm lại thời ấu thơ ... lời Mẹ kể năm nào. Lá xanh thẳm trầm trồ đẹp quá. Thương quá mái chèo, thương con nước, thuơng dáng người dân quê chất phác, làm nên máu lang bạt của người dân quê có một chút gì đó trữ tình, có một chút gì đó đau thương, có một chút gì đó thuơng yêu.

“Tưởng rằng đã quên, cuộc tình sẽ yên .

Tưởng rằng đã quên, nhưng tim yếu mềm.

Một ngày thấy em, là đời bỗng đêm vây khốn”

Quê hương là những bụi chuối sau hè, là những chùm khế ngọt, là những trái bưởi to ngọt ngào còn oằn oại trên cành cây, hàng cây cau lêu nghêu cao vút tình quê hương mình. Những chiếc quạt mo thổi lửa nấu cơm, nấu bánh ít bánh tét, xôi vò khi gần đến ngày giỗ. Giàn trầu của Ngoại cũng quyện tôi say vào giấc mơ khi tôi bắt chước Bà ngoáy trầu, tóm tém ăn trầu. Hồn quê thể hiện qua lũy tre già, vườn rau xanh ngát một màu, tiếng gà gáy canh ba, đàn gà con ríu rít kêu chím chíp đi theo sau được sự che chở bởi gà mẹ, đang kiếm mồi cho con.

Ngôi nhà tổ tiên hơn cả trăm năm, chiếc đồng hồ dây thiều cũ kỹ hơn 80 năm từ ngày sanh Mẹ tôi vẫn còn trên vách đong đưa gõ nhịp buồn theo thời gian. Tất cả đã đuợc người Cậu vừa được trả tự do về, nhận lãnh trách nhiệm giữ gìn ngôi nhà thờ cúng tổ tiên, thay thế cho các anh chị tha hương hay còn đang miệt mài trong tù cải tạo ở ngoài Bắc. Một mai … các con cháu còn một nơi chốn để quay về.

Tôi trở về đây, ký ức năm tháng xưa như sống lại trong tôi. Hàng bông mai, hoa thiên điểu, những chậu hoa sứ màu hồng thắm trồng khắp lối đi vào. Màu vàng óng ả của cây mai cổ thụ trước sân nhà như chào đón một mùa Xuân tươi thắm, như hát khúc hoan ca. Cứ mỗi độ hè về, lòng man mác một nỗi buồn lưu đày, tôi cùng với các anh chị em cậu dì ở Sài Gòn bị gởi về Ngoại, học thêm hè miễn phí ở trường nhà ông bà Tư, như một “lò rèn” cho văn võ song toàn ư? Ví dù có lai căng thị thành đi nữa thì ít ra cũng còn chút nhân nghĩa lễ trí tín, công dung ngôn hạnh. Nhưng làm sao có được ở trong tôi khi tôi không là đứa con gái bên ngoài dịu dàng, e ấp, thướt tha, vân vê tà áo mà tôi mãi là đứa con gái thích nghịch ngợm, thích đi tìm cái chân lý thú vị …

Nhà Ngoại trở thành địa điểm thuận tiện và không tốn kém cho óc tìm tòi của tôi … Đi hái me dốt, bắt chuồn chuồn cho cắn rún để biết lội, rồi ôm bặp dừa hay bắp chuối leo lên cây nhảy ùm xuống sông, chèo xuồng vớt lục bình trôi. Mợ và các em còn nhỏ được Ngoại tôi đem về bảo bọc để Cậu yên tâm những ngày trong quân ngũ. Trưa buồn, chiếc võng đưa kẽo kẹt, tiếng Mợ ru con:

“À ơi … Con ngủ đi con, để cha đi cấy ruộng sâu chưa về”.

Từ ngày có Mợ về, tôi học “lóm” rất nhanh, làm bánh, sau đó tự may được áo quần cho mình, thêu thùa, tà áo dài được đượm phất phơ thêm những cành hoa thêu màu trắng … Chả bù với những lần rủ nhau cúp cua chui “lỗ chó” ở trường, áo dài bị kẽm gai móc, tôi lấy băng keo dán kín lại phía bề trái chỗ áo rách, như dán lại vết thương lòng!

Dòng sông êm đềm, một vài cụm lục bình trôi lững lờ, giờ vắng đi những ghe thuyền qua lại của những người lằm lủi suốt ngày trên sông nước. Những đêm trăng sáng, ra cây cầu bờ ao, khỏa nước rửa chân tay, chợt giật mình vì ánh trăng trên mặt nước đang sóng sánh, vụn vỡ theo vòng gợn sóng lăn tăn, mất dần trong đám bèo trôi. Trăng treo lơ lững, trăng luôn đi theo mình … một thoáng gió heo may lùa qua kẽ lá làm ai đó chợt bâng khuâng? Biết bao nhiêu chàng trai trẻ xếp bút nghiên, từ biệt cô lái đò để lên đường làm tròn bổn phận làm trai. Dòng sông và những bến đò đâu đây vắng bóng khách sang sông. Dưới ánh trăng, chắc hẳn không còn nghe văng vẳng tiếng khách gọi đò.

Đồng ruộng thênh thang thẳng cánh cánh cò bay, những tàu lá chuối xanh mướt và những quày chuối nằm vắt vẻo vào những tàu lá chuối xanh mướt đẩy đưa trong những đêm trăng. Tôi đi theo thăm giăng câu, được cởi thử con trâu, nghe những câu hò vọng cổ thiệt muồi mẫn làm sao! Chờ con nước ròng, trò chơi đắp bờ mương lại, thò tay bắt cua, bắt còng trong hang có khi bị kẹp sưng tay, vó tép, lấy nôm để đôm tép cá, mặt mũi lấm đầy bùn sình … Ngẩng đầu lên, mừng rỡ khi thấy Ba tôi đã đứng trên bờ tự lúc nào không hay, chỉ lắc đầu, cười nói: “Ba đi công chuyện ngang đây, tiện ghé qua coi con gái của ba có giỏi không?” Quê Nội nằm sâu … bên kia con đường quốc lộ, bất an ninh nên Ba tôi phải biệt xứ.

Cái thú vị cũng như sợ hãi khi ở miền quê, tôi sợ nhất con trùn đất bò lúc nhúc và sâu xanh thường bám vào thân cây mảng cầu. Những đêm đầu mùa mưa, sấm sét ầm ì tụi tôi còn gọi là “trời đánh”… ban đêm không được “huýt sáo” sợ rắn lục xanh về, tiếng chim cú kêu sương như báo có điềm không lành, tiếng ễnh ương kêu uềnh oang, ếch nhái nhấp nhem, đôi thằn lằn trên trần nhà đang chắc lưỡi … “yêu nhau” rồi buông chân rơi xuống đất. Những âm thanh não nề kia tạo thành một bài kinh tịnh độ, thật thương tâm cho cái đói, cái khổ của nhà nông nếu năm đó mùa màng thất bại. Tiếng chó sủa trong đêm khuya, tiếng giày “boot” của mấy anh lính rập rềnh … súng đạn, “balô” để xuống đất nghe lổn cổn, họ được lệnh đến đóng quân ngoài hiên nhà Ngoại trong đêm đó để trấn giữ biên phòng, xa xa bên kia sông là Dinh Quận.

Vài năm sau đó chỉ còn lại tôi và ông anh họ lớn hơn tôi một tuổi, tôi phải chơi đá cầu lông hay bắn bi với anh ta. Hai đứa thích chọc ghẹo con chó vện. Đàn chó gầm gừ, rượt mấy con mèo chạy leo lên vách. Một hôm anh họ chui vào trong bồ lúa trốn học, bị phát giác khi các ông lái lúa đến mua. Vậy mà tôi phải chịu oan một cái “kí đầu” rất đau, còn hỏi vì sao tôi không báo cho anh hay trước?

Cây nhà lá vườn, không bán. Tôi không thấy Ngoại đi chùa nhưng thường sai người đem một ít trái cây đầu mùa lên cúng chùa, còn lại cho các con cháu mang về Sài Gòn. Chờ Ngọai ngủ trưa, tôi lấy đất cục chọi xoài xanh rụng xuống, ăn với nước mắm đường. Có lần, anh họ thách thức tôi. Nhất định tôi sẽ không bao giờ chịu thua ai, đánh dây nài bằng dây chuối khô, leo lên bẻ dừa. Anh kêu mét bà Ngoại, thấy tôi còn trên ngọn dừa, từ từ tuột xuống … Bà kêu trời, la làng cầu cứu, chạy kêu ông cậu Hai quản gia, đã ở đấy từ đời cha cho đến đời con trong nhà ai cũng phải kính nể hết. Theo lời Ngoại dặn, khi vừa nấu cơm xong phải múc trước ra một mâm cơm, đậy lồng bàn để riêng cho cậu Hai.

Làm sao tôi quên đuợc những lần rình rập bắt chuồn chuồn cặp mắt to và những con bướm vô tình bay nhởn nhơ quanh giàn hoa thiên lý phảng phất hương thơm lạ. Nó được ép xác, trân trọng cùng những cánh hoa phượng đỏ vào quyển tập lãnh phần thưởng cuối năm qua, ấp ủ nâng niu, thơ thẩn một vài vần thơ mực tím, trân trọng một chữ ký, cuối cùng đính kèm vào đó một tấm hình ngây ngô ... vô số tội. Để rồi một buổi chiều cuối tuần, tôi ngồi góc hiên nhà mắt nhìn đăm chiêu ra ngõ… Tất cả sao vẫn im lìm, không nghe gì tiếng xe Lambretta hay xe Taxi của Ba Mẹ đón về Sài Gòn. Giấu Ngoại, tôi đưa tay quẹt vội hai hàng nước mắt còn đọng lại trên bờ mi …

Đi về quê trong một ngày đẹp trời của mùa Xuân, nhất là những ngày rộn ràng không khí Tết, yêu cái nét bình dị dân quê, dân dã nầy. Ngày Tết ai ai cũng ăn mặc đẹp, ai ai cũng niềm nở một nụ cười. Ngày mồng Một Tết, thông lệ cổ truyền, các con cháu anh em người thân thường tụ tập nhau về đông đủ nơi nhà thờ cúng ông bà, đốt nén nhang gọi là mừng tuổi ông bà đầu năm. Lì xì nhau, bầu bạn chúc tụng nhau, bao nhiêu chuyện cũ chuyện xưa, chuyện đầu thôn trên đến cuối xóm dưới cứ tuôn trào lai láng. Tôi như Từ Thức nhớ nhà về thăm làng xưa, tay bắt mặt mừng mà sao nghe lòng se thắt lại. Gặp lại hôm nay, ký ức như sống lại những âm hưởng nơi chôn nhau cắt rốn của những người con biệt xứ không thể nào quên, sánh bước với những người thân như bầu trời hát khúc nhạc mừng Xuân.

Cây dừa, hàng cây vú sữa leo trèo nghịch ngợm giờ đây đâu còn nữa! Ngồi trên bậc thềm tam cấp bên ngoài hàng hiên nhà Ngoại, nghe xào xạc tiếng chim ríu rít gọi nhau, đàn cò vỗ cánh bay rợp trời trong không gian tĩnh lặng. Thế nhưng tất cả đều xa lạ và có sự thay đổi, hay đã có sự thay đổi lớn trong chính tôi. Thỉnh thoảng, một vài người bạn trông thấy tôi, nghe tôi nói dịu dàng hơn những gì đã viết trong văn, có lẽ vì tôi hay nói với họ bằng sự hóm hỉnh nhẹ nhàng. Bởi lúc ấy tôi là đứa con gái luôn yêu cả sự dịu dàng lẫn nghịch ngợm nhưng không vì thế mà tôi buông thả hay quên hết gia phong lễ giáo, dối gian bên những sự chân thành. Luôn biết ơn, tôn kính và sống hết với những điều chân thật ấy.

Bởi sự chia ly của cổng trường khép kín, đi vào đời bằng những ngả rẽ khác nhau. Vừa thi xong các tín chỉ, sau chuyến đi thăm cuộc thí nghiệm làm nấm của anh Thầy Trung ở Trường Bảo Lộc … mấy anh em ngồi xuýt xoa, trầm ngâm từng ngụm cà phê ở quán cà phê Tùng Di Linh, lòng tôi như muốn nói một lời tạ từ …

Về Sài Gòn, tôi hối hả ra đi khi khoảng thời gian ngắn ngủi còn sót lại. Giá như đừng có tiếng chuông đồng hồ gõ nhịp, giá như giấc ngủ kéo dài chìm đắm trong mộng mơ thì giờ đây đâu còn những khắc khoải u buồn, bâng khuâng một nỗi niềm khó tả khi giấc mơ chợt mãi hiện về trong ký ức với những đêm dài thao thức. Và tự hỏi có men rượu nào ấm áp bằng tình cảm giữa con người với con nguời, cha mẹ, anh em:

“Trả lại cho em nụ cười năm xưa.

Để em vui mãi không sầu,

Để em vui và em yêu như thuở nào yêu”

Có dòng sử học nào đã ghi chép hết tên các chiến sĩ vào sử xanh với những chiến công oai hùng, những trận đánh khốc liệt để giành lại mảnh đất cho quê hương? Tổ quốc cám ơn các anh, khắc ghi trên bia đá tên những người đã hy sinh, vừa nằm xuống để thế hệ con cháu mai sau ngàn đời biết ơn. Có quyển nhật ký nào để chép hết nỗi nhớ nhung tràn ngập và suy tưởng ảo ảnh mênh mông? Có thước đo lường nào đo được công ơn sinh thành dưỡng dục, một tình thương vô bờ bến của Cha, của Mẹ, dãi dầu một nắng hai sương, vẫn luôn cầu nguyện mòn mỏi đợi trông ngày con mình trở về bình yên?

Lòng vẫn còn lưu luyến, bước đi vẫn ngập ngừng và không dám ngoáy đầu lại. Kỷ niệm yêu thương trong những ngày ấy biết đâu tìm lại … Cho tôi tìm lại … Sao tôi thấy cay cay khóe mắt, bởi tôi biết phía sau lưng tôi còn có đôi mắt u buồn của những người thân thương. Họ vẫn mong đợi một ngày tôi trở về. Bản tình ca kết thúc với nốt nhạc trầm bổng, lắng đọng giữa hư không. Nếu ký ức là những viên đá sỏi vô tri, tôi đã quẳng sâu nó vào lòng đại dương. Thế nhưng ký ức mãi mãi như dòng suối ngọt ngào lăn lóc theo ta, thẩm thấu, thấm sâu vào thớ thịt làm nguồn sống theo nhịp thở con tim. Tuổi đời sẽ “không tha” cho bất cứ một ai, một thách thức lớn lao trong cuộc sống để ta phải vượt qua và bảo tồn tất cả cho thế hệ đi sau. Có đôi khi, tâm hồn tôi nghệch ngoạc, ê chề. Cố làm một người bình yên, thế nên bình yên đã đi theo những kỷ niệm và nhường chỗ cho bình yên mới. Nhưng rồi bình yên không có chân cũng chạy, chẳng có cánh mà bay đi …! Đôi lần “ký ức” hoài bão, nỗi nhớ nhung hiện về. “Nhất Quá Tam”, hay cũng chỉ là một định mệnh nào, nó thật cay nghiệt, mặn bờ môi, rồi khép kín đôi mắt, mãi mãi đợi chờ và mang theo đến một nơi chốn bình yên vĩnh cữu.

“Dù xa ngàn dặm

Hồn nào chưa quên …”

PhươngMai Norway

02. 01. 2013