Cô Láng Giềng ... Hữu Nhơn

Hôm nay trời Xuân bao tươi thắm

Dừng gót phiêu linh về thăm nhà …

Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi

Tôi đã hình dung nét ai đang cười

…..

Cô láng giềng ơi! Không biết cô còn nhớ tôi

Giây phút êm đềm ngày xưa kia khi còn ngây thơ … ***

Ba tôi là lính nên gia đình tôi thường hay dọn nhà di chuyển nơi này đến nơi khác. Từ tấm bé cho đến ngày trở thành thanh niên 18 - 20 tuổi, không biết bao nhiêu lần tôi đã thu dọn đồ đạc để giúp ba má mình dọn nhà. Từ Túc Trưng đến Phước Long, rồi từ Phước Long dọn tới Thủ Đức, sau đó lại lên Biên Hòa và rồi trở ngược về Thủ Đức rồi tới Sài Gòn … Vì dọn nhà đi nhiều nơi, nhiều chỗ nên bạn bè của tôi cũng khá nhiều nhưng tình bạn của chúng tôi cũng chẳng được bền lâu. Ngẫm nghĩ lại, đếm trên đầu ngón tay thì tôi cũng có được vài ba cô bạn hàng xóm láng giềng để có thể ngâm nga vài câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi… Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rì …” hay có thể hát vài câu hát của nhạc sĩ Hoàng Quý “Cô láng giềng ... ơi! ….”

Hồi ở Túc Trưng tôi cũng có vài cô bạn nhỏ cùng xóm nhưng tôi lại không có được cái may mắn như ông Nguyễn Bính, có được một cô láng giềng bé nhỏ để mà tương tư, vì mấy cô láng giềng của tôi toàn là mấy đứa con gái nghịch ngợm và phá phách. Bọn con trai chúng tôi chơi trò gì thì mấy nàng con gái nhỏ cũng chơi theo tới bến, chẳng chịu thua chịu kém chúng tôi. Mỗi lần trời mưa mấy thằng con trai chúng tôi múa một màn ''thoát y vũ'' rồi chạy ra ngoài đường tắm với mấy đứa bạn, có cả con gái nữa. Lạ thiệt, sao lúc đó không đứa nào mắc cở hết trơn. Tắm một hồi trời lạnh, răng đánh lập cập và môi đứa nào cũng thâm tím vậy mà vui. Chúng tôi hay xếp mấy chiếc tàu rồi thả cho trôi theo dòng nước dọc theo lề đường. Có khi chạy một đỗi xa thiệt xa, thấy mấy đứa đứng trong nhà la ó om sòm thiệt mắc cười.

Khi lên 10 tuổi, nhà tôi dọn từ Túc Trưng lên Phước Long được vài tháng thì lại dọn về Thủ Đức. Ở Thủ Đức tôi mới biết được cái cảm giác mình là một đứa con trai “chính hiệu con nai vàng”, là phái mạnh như mọi người vẫn thường gọi nhờ có được một cô bé láng giềng nho nhỏ ở cạnh nhà. Không có cái hàng rào xanh ngắt của giậu mồng tơi nhưng nhà tôi và nhà nàng cũng có một cái hàng rào gỗ ngăn đôi khoảng sân tráng xi-măng giữa hai nhà. Cô bé láng giềng nho nhỏ, nhỏ tí ti so với số tuổi của cô lúc ấy. Sở dĩ tôi biết được là vì “nàng” nhỏ hơn đứa em gái kế của tôi một tuổi. Cô em tôi thì ốm nhom và cao nghiều nghiệu, còn “nàng” thì thấp nhỏ, mập mạp tròn trĩnh như búp bê.

Có được một cô bạn nhỏ cạnh nhà cũng để lại trong tim tôi nhiều kỷ niệm dễ thương và đáng nhớ suốt tuổi thơ của tôi. Ba tôi và ba của Nhi, tên cô bé hàng xóm, là bạn cùng đơn vị nhưng ba Nhi là sĩ quan, còn ba tôi là lính. Tuy là con nhà quan nhưng gia đình Nhi rất bình dân. Mỗi sáng tôi thấy mẹ Nhi cho Nhi năm cắc rồi đưa con qua bên kia đường mua một túm xôi đậu xanh hay xôi đậu đen cho Nhi mang theo đi học. Còn mẹ Nhi thì quanh năm suốt tháng xách cái giỏ ny-lông đi chợ, nhà không có người làm. Mỗi sáng tôi cũng bày đặt lẽo đẽo theo Nhi đi một đoạn đường từ nhà tới ngã ba rồi phải chia tay, mỗi đứa quẹo một hướng vì tôi học trường nam còn Nhi học trường nữ. Nhi có một cái mụt ruồi thật to ở nách bên phải. Cái mụt ruồi duyên này nó như là cái hột đậu đen nên khi “nàng” mặc áo cánh tay, chạy chơi đùa tôi thường hay trêu chọc là có con ruồi nó “ị” vào nách của Nhi làm cô bé hốt hoảng tưởng thiệt. Thấy Nhi thích ăn xôi đậu đen, tôi nghĩ trong lòng cũng may chỉ có một mụt ruồi chứ không chừng có nhiều mụt ruồi to như vậy ở trên mặt, chắc mặt nàng sẽ giống như gói xôi đậu đen mà nàng hay ăn mỗi sáng.

Chẳng được bao lâu thì gia đình cô bạn hàng xóm lại dọn nhà đi nơi khác làm tôi buồn không thể tưởng được. Làm con cái của mấy ông lính ngày xưa là vậy đó! Vài năm sau, gia đình tôi cũng dọn đi nơi khác như gia đình của Nhi. Nghe ba tôi nói là nhà mình sẽ dọn nhà lên khu gia binh ở Sài Gòn, tôi mừng húm vì hy vọng sẽ tìm được Nhi. Dè đâu Sài Gòn rộng mênh mông mà tôi chỉ là một thằng bé con mới học hết lớp Nhất trường làng thì làm sao có khả năng tìm kiếm cô bạn láng giềng ngày xưa ở đô thành hoa lệ này! Mới chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, mỗi buổi trưa tôi lén trốn nhà đi lang thang lên mấy dãy nhà ngói ở xóm trên - nghe nói mấy dãy nhà đó là nhà của mấy ông sĩ quan - với hy vọng là có khi nào tình cờ gặp được Nhi cũng đang đi lang thang như tôi? Tôi không dám hé môi hỏi một lời vì sợ ba tôi la “con nít nhỏ xíu bày đặt này nọ…”. Thế là một mối tình câm đi ngang qua đời thằng con trai bé bỏng!

Từ lúc dọn về ở trong con hẻm này, tôi đâu có để ý tới căn nhà với cây mận râm mát ở trước sân. Một hôm tình cờ lượm mấy bông mận chơi, ở trong hàng rào có tiếng con gái vọng ra nghe rất lạ tai, tôi len lén nhìn vào thì thấy cô nhỏ da ngăm ngăm đang cầm một cây tre dài thọc vài chùm mận. Nhìn mấy trái mận ửng hồng, tự dưng nước miếng tôi nó ứa ra... Thèm mận thì ít mà tò mò thì nhiều, tôi cứ đứng nhìn vào trong sân. Linh tính như bị người dòm lén, cô bé quay phắt lại. Giật mình tôi lủi nhanh, nép vào vách tường rồi lùi dần, lùi dần… Vậy chứ vài ngày sau tôi cũng mon men trở lại ngôi nhà có cây mận để nhìn trộm mấy trái mận và cũng len lén nhìn cô nàng da ngăm ngăm. Cô nhỏ này coi bộ kiêu kỳ lắm, biết tôi nhìn mà cứ vác mặt lên trời nhìn thấy bực cả mình.

Ở gần nhà vậy chứ suốt cả bảy tám năm trời tôi chưa có lần nào giáp mặt nói chuyện với cô láng giềng của tôi. Tôi học buổi sáng, lội bộ từ nhà tới trường. Còn nàng thì học buổi chiều, có xe đưa đón. Về tới nhà là nàng biến mất tiêu vào trong nhà, chẳng khi nào thấy nàng đi lang thang trong xóm như tôi. Rồi tôi thi đậu Tú Tài II, tôi vào đại học. Hai năm sau nàng cũng thi đậu Tú Tài IBM. Số nàng đúng là số đẻ bọc điều vì học tới đâu thì Bộ Giáo Dục bỏ thi tới đó. Nàng chẳng phải học thức ngày thức đêm như tôi, chẳng phải thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, lên tới lớp Mười Một thì người ta lại bỏ thi Tú Tài I, đến lớp Mười Hai thì lại có cải cách giáo dục, kỳ thi Tú Tài IBM khoanh độc nhất vô nhị. Trong khi tôi phải vừa thi vấn đáp vừa thi viết muốn trầy vi tróc vảy mới đậu được hạng Bình Thứ, còn nàng chỉ học tà tà rồi úm bà là khoanh mà thi đậu cao chót ngót. Tôi học ở Sài Gòn đạp xe đạp lóc cóc đi học. Còn nàng học ở Thủ Đức, sáng có xe trường đưa đi, chiều có xe trường rước về. Tôi tạm quên cô láng giềng, lo giồi mài kinh sử đặng đỗ đạt thành tài cho ba má tôi vui.

Thế nhưng cuộc đời có mấy khi được như ý vì ngày 30 tháng 4 năm 75 đã làm thay đổi cuộc đời của chúng tôi, nhất là cô láng giềng của tôi. Tôi xót xa cho nàng, một tiểu thư đài các giờ phải sống một cuộc sống cơ cực. Rồi ngày qua tháng lại, nàng cũng đứng vững trên đôi chân của mình, dù rằng vất vả trong cuộc sống nhưng nàng vẫn đến trường. Đó là điều mà tôi vừa thương vừa trọng cô gái này. Có lần tình cờ chúng tôi được tổ dân phố cắt đặt cùng trực chung một ngày, được nhìn nàng tận mặt, được nghe giọng nói của nàng tôi như người sống trong mơ. Thì ra cô láng giềng của tôi thiệt là khả ái dễ thương, nhất là cái lúm đồng tiền trên má mỗi khi cô cười. Sau buổi đó, tôi hay đi ngang qua nhà nàng để mong được ngó thấy người ta cho đỡ nhớ. Hôm nào gặp nàng đang đứng nấu cơm trong bếp cạnh cái cửa sổ là tôi lạng qua lạng lại vài ba bận, đến khi nàng vô tình nhìn thấy tôi và mỉm cười chào là tối đó về nhà lòng tôi vui như mở cờ.

Tính ra nhà tôi và nhà nàng cũng chẳng phải láng giềng chung vách gì cả vì hai dãy nhà cạnh nhau, phía sau nhà nàng đâu lưng với phía sau nhà tôi nhưng lại cách một con hẻm nhỏ. Bởi vậy tuy ở gần nhà mà mấy khi chúng tôi gặp nhau bởi vì hai đứa tôi mở cửa trước ra là mỗi người đi một ngả. Một hôm, thằng Quý, bạn tôi nói:

- Ê, gần nhà mày có con nhỏ học chung trường với em gái tao.

- Sao mày biết?

- Tao đến trường đón nhỏ em thì gặp nó đang đi với con nhỏ hàng xóm của mày. Thằng này thiệt, có con nhỏ hàng xóm vậy mà không chịu làm quen. Phí của trời!

Nghe Quý nói như vậy, tôi bỗng quýnh quáng sợ nó hớt tay trên của mình nên đành thú thật tình cảm của tôi dành cho nàng. Được nó làm quân sư, mỗi buổi trưa đi học thay vì dắt xe đạp thẳng ra cổng trại khu gia binh tôi đang ở thì tôi quay đầu xe lại, dắt xe ra phía ngõ nhà nàng. Tôi ngồi trên xe, chờ một hồi lâu chẳng thấy nàng đâu cả, nhìn vào sân nhà nàng chỉ thấy chiếc xe đạp nhỏ màu đỏ dựng ở dưới gốc mận. Sợ trễ học tôi phải đạp xe đi cho rồi.

Ông bà mình có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, thiệt là đúng trong trường hợp của tôi. Rồi một buổi trưa tôi đang ngồi trên yên xe, đầu thì tựa vào tường rào nhà nàng, bỗng tỉnh người hẳn ra vì cánh cửa rào mở toang, nàng dắt chiếc xe đạp bước ra cửa. Tức cười thiệt đó, đứng chờ nàng không biết mấy lần rồi vậy mà khi thấy nàng, tôi lại giả bộ quay mặt qua chỗ khác. Nàng thoáng thấy tôi, quay lại nhìn nhưng thấy tôi ngó lơ, nàng leo lên xe đạp đi. Tôi lại đạp xe lẽo đẽo theo nàng một khúc rồi phải tiếc nuối quẹo cua để đạp tới trường của tôi. Ngày này qua ngày nọ, tôi chờ nhưng khi nàng xuất hiện tôi lại giả vờ làm ngơ, giả vờ như đang chờ ai chứ không phải chờ nàng.

“Quý ơi! Lửa tắt bình khô rượu

Vắng nàng rồi tao học với ai đây!”

Nghe tôi ngâm thơ rên ư hử, Quý chửi tôi ngu. Nó còn nói:

- Mày mà không dô là tới phiên tao dô à nhen. Tao cũng thích cô láng giềng của bạn tao lắm đó.

- Thôi mày! Tôi nạt nó mà trong lòng cũng hơi lo vì không chừng nó dám làm thiệt lắm.

Thuở nhỏ tôi rất mê đọc truyện, cứ thấy chữ là tôi ngấu nghiến đọc. Tôi đã bị cốc lên đầu vì giành đọc truyện của hai chị gái tôi, vì còn nhỏ mà ham đọc chuyện của người lớn. Chị tôi đọc truyện gì là tôi cũng bon chen đọc cho biết với người ta. Trong nhiều truyện đã đọc, tôi rất thích truyện “Dòng Sông Định Mệnh” của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Tôi vẫn còn nhớ trong truyện của ông có một đoạn rất dễ thương. Đoạn này kể về thời niên thiếu của nhân vật chính, lúc nhỏ chàng thường ôm bẹ chuối để tập bơi. Chàng chơi rất thân với một cô gái hàng xóm và cũng tập tành cho cô này bơi. Một hôm chàng mặc một cái áo mới nhưng đã nhảy xuống sông cứu bạn vì cô gái đang chới với và bị sóng nước cuốn đi. Chàng phải vất vả lắm mới đem được cô gái vô bờ, về nhà thì chàng bị đòn vì cái áo dính đầy mủ chuối. Trong lúc chàng bị đòn thì cô gái đứng ở hàng rào nhìn sang, mặt của cô đầm đìa nước mắt trong khi chàng cắn răng chịu đòn vì sợ bạn mình nghe thấy.

Tôi mang nhân vật trong truyện vào giấc ngủ của mình và vẫn hằng mong cô láng giềng của tôi sẽ không phải rơi lệ vì cuộc sống vất vả. Khó khăn của những năm tháng đó đã tạo ra nhiều hoàn cảnh tang thương, người đi kẻ ở. Tôi cũng là một kẻ ra đi, đi tìm bến bờ tự do, bỏ lại ba má tôi, hai chị và người láng giềng tôi thương mến. Những ngày cuối năm 1979, má tôi cố cầm nước mắt đứng ở hiên nhà tiễn thằng con trai duy nhất của má ra đi. Và đây cũng là lần tôi đón nhận tình cảm của cô láng giềng. Trưa hôm đó tôi chở nàng trên chiếc xe đạp đòn dông đi một vòng Sài Gòn, tóc nàng bay bay phả vào mặt tôi, mùi chanh và mùi bồ kết nhè nhẹ. Tôi hít vào lồng ngực của mình hương thơm từ mái tóc của nàng. Chúng tôi nói với nhau nhiều lắm nhưng chẳng đâu vào đâu cả vì hai đứa tôi đều giấu trong lòng mình những nỗi niềm riêng, không dám nói ra vì e ngại bạn mình buồn.

Tôi không muốn nàng theo tôi đến bến xe, tôi sợ tôi không đành lòng chia tay với nàng vì tôi biết đây là lần chia tay vĩnh biệt, không biết đến bao giờ tôi mới gặp lại nàng. Không biết số tôi có may mắn không, ra đi bình an hay lại bị nằm trong một trại giam nào đó nếu chuyến đi của tôi bị lộ, hoặc sẽ nằm yên dưới lòng biển cả và nhất là tôi sợ những giọt nước mắt của nàng trong giờ phút chia ly. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn muốn có em bên cạnh, dù chỉ là những giây phút ngắn ngủi mong manh.

Trời tháng Chạp nắng hanh người, bến xe tấp nập người buôn kẻ bán, người đi lên kẻ đi xuống xôn xao chuẩn bị hàng hóa bán Tết. Tôi nhắc nàng đi về để tôi yên lòng lên xe nhưng nàng chần chờ muốn ở lại cho đến khi xe lăn bánh. Nắm tay dắt nàng chen vào dòng người, lòng tôi rưng rưng. Trong giây phút ấy tôi không biết có nên đi hay không, nhưng tôi không còn chọn lựa nào khác vì tôi đang bị phường đội truy lùng vì tội trốn nghĩa vụ. Tôi không thể nào quay trở lại nhà của mình.

Nắng chiều càng thêm gay gắt, hai đứa tôi mua một bịch trà đá chia nhau uống cho đỡ khát. Tôi loay hoay không biết sao lại làm rớt bịch nước lên người nàng. Lúng túng tôi nói lời xin lỗi. Nàng rút chiếc khăn tay lau những vạt nước trên áo rồi nàng lấy chiếc khăn ướt che lên đầu cho đỡ nắng. Tiếng người lơ xe thúc giục hành khách lên xe, tôi quay lại nhìn nàng nhưng không dám nhìn vào đôi mắt của nàng. Bịn rịn mãi rồi tôi cũng phải bước lên xe. Chiếc xe từ từ ra khỏi bến, tôi cố nhoài người nhìn lại phía sau; nàng đưa tay lên vẫy vẫy và bóng nàng xa dần, khuất trong dòng người chen chúc. Mắt tôi mờ đi, vì khói xe hay vì nước mắt, tôi chỉ còn thấy chiếc khăn trắng bay bay và biết là nàng vẫn còn đứng đó.

Khuya hôm đó ở một vùng quê hẻo lánh, tôi được ém vào nhà một gia đình nông dân để chờ sáng mai lên ghe ra tàu lớn. Tối đó, tối Ba Mươi Tết, tôi ngồi trong một góc nhà nhìn ra ngoài trời. Trời tối đen, nhìn ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét ngoài sân tôi bỗng nhớ nhà, nhớ má tôi, nhớ hai chị và nhớ cô hàng xóm của tôi da diết. Tết này tôi xa nhà, rời bỏ mọi thứ tôi yêu thương để giờ này ngồi co ro trong một góc tối xa lạ. Tôi không biết sự chọn lựa của mình có đúng hay không và nó sẽ đưa mình đi về đâu?Tôi thấy lòng mình nghe nằng nặng và nước mắt bất chợt chảy xuống ướt mặn môi…

Tôi mơ trời Xuân bao tươi thắm

Đôi mắt trong đen màu hạt huyền

Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng

Xao xuyến nỗi niềm yêu ... ***

Hữu Nhơn

Tháng Chạp 2012

*** Trích trong nhạc phẩm“Cô Láng Giềng” của nhạc sĩ Hoàng Quý