Viết Về Thầy

THẦY PHẠM GIA HƯNG

Thầy Hưng

Khi nhắc đến Thầy Phạm Gia Hưng thì hầu hết Thầy Cô và cựu học sinh Ngô Quyền đều biết. Thầy là một vị cựu giáo sư luôn gắn bó với Đại gia đình Ngô Quyền, được mọi người thương mến và quý trọng.

Thầy đã giảng dạy qua nhiều trường, nhưng Thầy gần gũi với trường Ngô Quyền nhiều nhất. Thầy đã tham gia hầu hết những buổi họp mặt truyền thống hàng năm của trường Ngô Quyền. Chiếc bánh mừng ngày họp mặt là của Thầy gửi tặng.

Trí nhớ của Thầy rất tốt. Thầy nhớ tên nhiều Thầy Cô đồng nghiệp xưa và học trò cũ cùng những kỷ niệm họp mặt với Thầy ở Virginia và California. Nói chuyện với Thầy là cả một vùng trời kỷ niệm hiện về qua từng câu chuyện kể. Thầy nhắc đến tên của các anh chị cả khóa đàn anh lớn như anh Công, chị Lan, anh Hòa, anh Cửu, chị Mai, chị Mỹ Thể, anh Tình, anh Châu, anh Sơn, chị Tâm... Thầy cũng nhắc đến các em khóa đàn em nhỏ như Tuyết Hương, Diệu Hương, Lam-Mai...

Thầy vẫn sinh sống ở thành phố Fairfax của tiểu bang Virginia hơn bốn mươi năm qua. Thầy thích thủ đô Hoa Thịnh Đốn vì mùa xuân có lễ hội hoa anh đào và mùa thu lá chuyển màu rất đẹp. Trong vườn nhà Thầy có nhiều loại hoa đẹp và một góc vườn rau. Đó là nơi Thầy vui thú điền viên, thưởng ngoạn cây cảnh.

Thầy có một căn hộ ở Hawaii để hàng năm Thầy đi sang đó nghỉ hè. Căn hộ ở Waikiki, một thành phố biển đẹp và nổi tiếng. Buổi sáng đón bình minh rực rỡ bên kia bờ kinh và buổi chiều ngắm hoàng hôn trên biển.

Thầy thường ngỏ lời mời Thầy Cô và cựu học sinh Ngô Quyền sang Hawaii để nghỉ hè cùng thời gian với Thầy. Chuyến nghỉ hè thật thích thú vì được Thầy đưa đi thăm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Đồng thời được thưởng thức những thứ trái cây nhiệt đới đặc trưng ở Hawaii vừa ngon vừa rẻ.

Những năm qua, một số Thầy Cô và cựu học sinh Ngô Quyền có duyên với Hawaii nên đã được Thầy niềm nở đón tiếp ở căn hộ của Thầy, cùng có những ngày nghỉ hè vui vẻ và đầm ấm với Thầy nơi xứ sở thần tiên nầy.

Thầy cũng mời gọi gia đình Ngô Quyền đến thủ đô Washington DC xem hoa anh đào nở vào mùa xuân. Thầy sẽ là hướng dẫn viên đưa đi thưởng ngoạn hoa anh đào và đi thăm Tòa Bạch Ốc, Quốc Hội Mỹ và các Bảo Tàng Viện. Thầy thật là hiếu khách, nhất là đối với gia đình Ngô Quyền.

Đặc biệt Thầy có khiếu về thơ văn. Những xúc cảm về tình bạn, tình thầy trò, tình quê hương đất nước... đã được Thầy dệt nên những bài thơ thật hay và đầy ý nghĩa với bút hiệu Thái Hưng. Thơ lục bát của Thầy hay cả nội dung lẫn hình thức. Cách gieo vần thật chỉnh, đọc lên như một bài ca với cung bậc bổng trầm.

Ở tuổi vàng bát tuần, Thầy vẫn còn khỏe mạnh. Lúc nào Thầy cũng vui vẻ với nụ cười nên trông Thầy trẻ hơn tuổi rất nhiều. Thầy có một nhân sinh quan về cuộc sống là hòa đồng và cởi mở, đó là bí quyết để Thầy vui sống.

Thầy vẫn còn liên lạc với những người bạn thân cùng học chung mái trường năm xưa từ bậc tiểu học, đến trung học rồi đại học và cùng nghề dạy học. Thầy hay nhắc đến Thầy Lê Tiến Đạt, Thầy Phạm Kế Viêm, Thầy Nguyễn Đoan Phi... Đó là những người bạn vong niên đã trải qua một chiều dài lịch sử từ Việt Nam đến hải ngoại. Ôi! Tình bạn hơn bảy mươi năm thật đáng trân quý!

Thầy rất thích đi du lịch và đã đi nhiều nơi trên thế giới. Ở đâu Thầy cũng có bạn xưa và trò cũ ân cần tiếp đón. Mọi người luôn dành cho Thầy những tình cảm chân thành bởi Thầy luôn chân tình với tất cả và xem như cùng chung một mái ấm gia đình.

Nhân mùa Lễ Tạ Ơn, chúng em kính chúc quý Thầy Cô trong gia đình Ngô Quyền dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc để sống vui bên đàn con cháu thân thương...

Hát Bình Phương

(Lễ Tạ Ơn 2016)

THẦY TÔI

Thầy tôi tuổi hạc tám mươi

Vẫn còn khỏe mạnh, nụ cười trẻ trung

An nhiên cuộc sống ung dung

Điền viên cây cảnh vui cùng thiên nhiên

Thầy đi du lịch mọi miền

Bạn xưa trò cũ đoàn viên tâm tình

Ha-wai biển đảo đẹp xinh

Buổi sáng ngồi ngắm bình minh rạng ngời

Chẳng màng danh lợi cuộc đời

Mỗi ngày vui sống tuyệt vời biết bao!

Hát Bình Phương

(Kính tặng Thầy Phạm Gia Hưng)

MỪNG SINH NHẬT THẦY

Tuổi Thầy nay chẵn tám mươi

Thân tâm an lạc, thảnh thơi tháng ngày

Ngô Quyền hội ngộ năm nay

Ca-li nắng ấm, dang tay đón chào

Thầy trò muôn nẻo nôn nao

Mừng ngày hội lớn, xôn xao tìm về

Mồng một tháng bảy cận kề

Là ngày sinh nhật vị Thầy kính yêu

Căn nhà ngoại ô buổi chiều

Chiếc bánh sinh nhật, nâng niu tặng Thầy

Mừng Thầy thượng thọ bát tuần

Chúc Thầy sức khỏe, tinh thần lạc quan...

Hát Bình Phương

(Kính tặng Thầy Phạm Gia Hưng)

THĂM THẦY PHAN THÔNG HẢO

(Hình ảnh: Thầy Phạm Gia Hưng cung cấp)

thayhao3

Thầy Phan Thông Hảo cựu giáo sư Pháp văn trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa cùng thời với thầy Phan Thanh Hoài, nhiều năm định cư tại Pennsylvania Hoa Kỳ, sau thời gian dài, đồng nghiệp ngày xưa và môn sinh đã có dịp đến thăm thầy vào trung tuần tháng 5 năm 2015

Là một người gắn bó với trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa, cũng mang kiếp người theo vận nước đổi thay, thầy Phan Thông Hảo đã rời trường bỏ nước và chọn Pennsylvania của Hoa Kỳ làm quê hương thứ hai. Trong thời gian trước đây, tuy rằng Ngô Quyền Biên Hòa giờ đã xa nhưng Thầy Phan Thông Hảo luôn gắn bó với hội cựu học sinh Ngô Quyền và cũng là một Mạnh Thường Quân của hội ái hữu Biên Hòa California hiện tại. Bỗng chợt một thời gian có lẽ vì lý do sức khỏe, sinh hoạt gia đình những tin tức về thầy hầu như bặt tin, đến nỗi người bạn đồng nghiệp cùng thời với thầy Hảo là thầy Phan Thanh Hoài luôn hỏi han từng đứa học trò: “ Các em có số phone mới hoặc email mới của thầy Hảo?”.

Dù rằng điều kiện sức khỏe của thầy Phan Thanh Hoài không tốt lắm vì tuổi đã cao, nhưng tôi vẫn còn nghe tiếng thở dài bằng cả sự quan tâm chân tình của một người bạn: “Không biết thầy Hảo giờ này ra sao???”

Theo tin tức từ các cựu học sinh Ngô Quyền đang định cư tại Philadelphia, khi còn khỏe mạnh thầy Phan Thông Hảo đã từng làm công quả cho một ngôi chùa Việt Nam tại thành phố này. Cũng có một thời gian những người học trò đến tận căn nhà cũ của thầy Phan Thông Hảo để thăm viếng nhưng căn nhà hầu như vắng lặng…

Vào trung tuần tháng 3 năm 2015 lại nhận được tin buồn chuyển đến người bạn đời của Thầy Phan Thông Hảo đã mất, ban chấp hành cũng không có được số phone và email của thầy để trực tiếp chia buồn.

Đất Mỹ phải chăng lạnh lùng để con người luôn đối diện những cơn hạn hán kéo dài, những cơn bão lụt chợt đến. Nhưng không lạnh lùng đến nỗi và có được ngày hôm nay khi các thầy Phạm Ngọc Quýnh từ Canada, thầy Hoàng Quý Nam từ Maryland, thầy Phạm Gia Hưng, chị Lê Ngọc Ánh khóa 1 và các cựu học sinh từ Virginia đã đến thăm thầy Phan Thông Hảo.

Sự thăm viếng bất ngờ, dù rằng sau khi có sự nối lại sự liên lạc qua phone giữa người con Thầy Phan Thông Hảo và thầy Phạm Gia Hưng, Thầy Hảo vẫn mong gặp bạn bè tận mặt thay vì hẹn lại kiếp sau. Và thầy Phan Thông Hảo không chờ đến kiếp sau, hôm nay đồng nghiệp và môn sinh đã đến thăm. Nursing home là nơi gặp lại của những người thầy. Thầy Phan Thông Hảo, thầy Phạm Gia Hưng phải nói là 50 năm rồi không gặp. Không phải là” Chuyện tình buồn”, nhưng là chuyện tình của trường Ngô Quyền đã đi vào trong máu trong tim. Như thầy Phạm Gia Hưng đã từng tâm sự “dù thầy đã dạy nhiều nơi, nhiều trường cũng không tìm nơi đâu có được tình cảm chứa chan tình nghĩa, đậm đà như trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa”.

Thầy Phan Thông Hảo vẫn còn tỉnh táo lắm, cũng nhận ra những người bạn đồng nghiệp ngày xưa, cũng còn nhắc nhớ lại những kỷ niệm dưới mái trường Ngô Quyền và luôn là những nụ cười tươi. 50 năm rồi còn gì...

thayhao1

Thời gian đã là phương thuốc nhiệm mầu xóa nỗi đau buồn mất mát, thời gian cũng là chứng nhân cho sự già nua của tuổi tác. Trong giây phút quý Thầy còn dịp gặp mặt và cận kề bên nhau, những tiếng gọi thân quen ngày xưa của những người bạn: “ Quýnh ơi!...Hảo ơi!...Hưng ơi!..” như chơi vơi trong cõi vô thường…

thayhao2
thayhao4

Nhìn qua hình ảnh của các thầy, tôi chợt nghĩ đến ước vọng của thầy Lâm Tấn Văn “Tôi mong sẽ gặp lại tất cả đồng nghiệp và học trò Ngô Quyền, nếu có thể được tại Nam California vào dịp đại hội Ngô Quyền toàn thế giới lần 3 vào năm 2016”. Mong sao thực hiện được ý nguyện của thầy Lâm Tấn Văn với điều kiện sức khỏe của Thầy Cô.

Kính mong ơn trên luôn gìn giữ người Thầy, người Cô của chúng tôi, vì thời gian không còn bao lâu nữa…

thayhao6
thayhao5
thayhao3

Anh Thoại,Chị Dư, Thầy Nam, Thầy Hảo, chị Ánh, Thầy Quýnh, Thầy Hưng

Quý Thầy đến được với nhau cũng không quên sự góp mặt của những cựu học sinh như chị Lê Ngọc Ánh khóa 1 và hai người em của chị Kiều Oanh Khóa 5. Dù không là cựu học sinh Ngô Quyền, Chị Lê Ngọc Dư (Trần Thượng Xuyên) và chồng anh Trần Giai Thoại (Quốc Gia Nghĩa Tử). Và vui hơn cả phải nói là Thầy Phan Thanh Hoài kính mến của chúng ta, từ đây thầy sẽ có được nhiều tin tức của người bạn vong niên và sẽ không còn băn khoăn trăn trở “Không biết thầy Hảo giờ này ra sao?”

ANH HÁT BÌNH PHƯƠNG

Địa chỉ Nursing Home:WEST GATE HILL. Quý Thầy Cô và cựu học sinh có dịp thăm Thầy Hảo.

2050 Old Westchester PiKe

Havertown PA 19083 Phone 610-443-8600

Mr PHAN Room# 146 – Khu Nursing Home

MGTT 38 - THẦY PHẠM GIA HƯNG

Cũng như hầu hết các Thầy Cô dạy ở Ngô Quyền thời mới thành lập, đội ngủ giáo sư chưa đầy đủ, ngoài môn chính là Vạn vật, Thầy Phạm Gia Hưng phải dạy thêm hai môn Công dân và Hiệu đoàn cho các lớp Đệ nhị cấp.

Thầy hiền và rất có lòng với đồng nghiệp cũng như học trò.

Là cựu GS Vạn vật ở NQ xưa, ở tuổi ngoài 70, Thầy sáng tác nhiều bài thơ với tình bạn ấm áp và tình thầy trò ngọt ngào như những cái bánh kem Thầy vẫn tặng thầy trò NQ mỗi kỳ họp mặt.

Học trò của Thầy, các chs NQ K1 đến K6, mắt không còn sáng, môi không còn tươi như thời trung học, lưu lạc khắp nơi, nhưng luôn nhớ đến Thầy dạy Vạn vật năm xưa.

Các anh chị (từ bạn học chuyển thành bạn đời): Đào Văn Công & Trần Kim Lan, Trịnh Văn Kiều & Lê Kim Oanh; cùng chị Phạm Thị Hữu Hạnh đã ghi lại những kỷ niệm với Thầy Phạm Gia Hưng từ Biên Hòa, qua Virginia, đến Washington. Xin được gởi MGTT 38 như một món quà Giáng sinh đến Thầy Phạm Gia Hưng.

Sau nửa thế kỷ, tháng 4/ 2013, chúng tôi gặp lại người bạn học cũ (Phạm Phú Hòa) đến từ “ miệt dưới “xứ Kangaroo.

Gia đình chúng tôi không thuận đường cho một chương trình du lịch khám phá và thăm viếng nếu không muốn nói là đơn giản chỉ “gặp lại“. Từ Úc đến Los Angeles, trạm đầu tiên cũng là nơi có nhiều bạn bè và là “thủ phủ“ người Việt, đáng được dừng chân, bay qua Virginia để đến Washington xem hoa đào, đi Toronto để có dịp thăm thác Niagara, đến San Jose thăm lại trường Hải Quân của một thời du học, nhưng quành lại “ xóm ngựa “, xứ “gà chiên “ thì thật trái hành trình. Chỉ có “ thân tình “ lắm mới đến thăm trong hoàn cảnh như vậy.

Nhờ vậy chúng tôi liên lạc được Thầy Phạm Gia Hưng.

Trường hợp Phạm Phú Hòa liên lạc được với Thầy Phạm Gia Hưng cũng là một sư tình cờ. Theo chương trình định trước, khi đến Virginia, một người bạn cũ sinh sống nhiều năm tại đây sẽ đón tiếp, hướng dẫn thăm thủ đô Washington DC và xem hội hoa đào. Lộ trình sắp xếp trước nhưng bất ngờ lại xảy ra, đến Virginia đúng vào lúc thân phụ anh bạn nầy qua đời. Điện thoại nhà bạn reo trong lúc bạn đi vắng lo việc nhà, bắt lên nghe thì là Thầy Phạm Gia Hưng, gọi đến chia buồn, Vậy là Phạm Phú Hòa được Thầy Hưng đưa đi thăm Thủ đô cùng hoa đào… chưa nở.

Thầy Phạm Gia Hưng là một trong số quí vị giáo-sư dạy chúng tôi chỉ vài giờ mỗi tuần. Thầy dạy môn Công dân và Vạn vật ở lớp Đệ Tam năm học 1960-1961, mỗi tuần chúng tôi học Thầy hai giờ, vì là lớp Toán ban B. Năm sau, lớp Đệ Nhị, mỗi tuần một giờ Vạn vật, tuy cũng là môn thi Tú tài 1 nhưng chỉ thi trong phần vấn đáp nên thực tế các học snh ban Toán vẫn cứ lơ là. Đến năm sau nữa, lớp Đệ Nhất, Thầy Phạm Gia Hưng phụ trách môn Công dân và Hiệu đoàn, mỗi tuần chúng tôi học Thầy hai giờ đồng hồ .

Với một số giờ ( Công dân ) thật ít oi vậy mà kết quả vô cùng lớn lao. 99% học trò của Thầy đều là những công dân tốt khi vào đời. Có nhiều học trò tình nguyện nhập ngũ rất sớm, duy nhất một trường hợp đứng về phía bên kia.

Được số điện thoại, chúng tôi liên lạc với Thầy, dĩ nhiên thầy Phạm Gia Hưng biết chúng tôi là học trò khi chúng tôi sơ lược quá trình ngày xưa. Thầy nhiệt tình thăm hỏi tình trạng gia đình chúng tôi, chúng tôi cũng có cơ hội để “ kể lể sự tình “ của bao năm tháng biến cố dập dồn.

Thầy cũng không ngại chia sẻ một số chuyện, qua đó chúng tôi được biết Thầy đã đi du học tại Mỹ trước ngày 30 tháng 04 năm 1975. Để đem được gia đình sang Mỹ, Thầy đã trở thành “ chúa chổm “ mà món nợ rất lớn phải nhiều năm sau mới trả hết !

Bây giờ Thầy đã nghỉ hưu, có cuộc sống bình yên, đi đây đi đó,quay phim, chụp ảnh làm DVD tặng người quen, nhất là rất ưu ái với học trò cũ, Thầy luôn nhắc nhở có đi Washington DC nhớ liên lạc với Thầy .

Thầy không ngờ là từ nửa thế kỷ trước Thầy đã để lại đứa học trò nầy một kỷ niệm rất đặc biệt : Đó là lời phê trong Thông tín bạ năm lớp Đệ Nhất ( 1962-1963 ) , trang đệ nhị bán niên khảo hạch như sau : “ không thi, đi Thủ Đức “ . Đi Thủ Đức là nhập ngủ vào Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức trong khi hầu hết quí vị giáo sư khác chỉ đơn giản phê vào thành tích biểu: “không thi”.

Đôi khi một dòng chữ ngắn cũng là một kỷ niệm không quên.

Đào Văn Công & Trần Kim Lan - chs NQ K1

(Xóm ngựa tháng 12/ 2013 )

Tản Mạn Thầy Trò:

Thầy Phạm Gia Hưng

Nhà thầy, ở cách nhà tôi không xa, cùng thành phố Springfield, Virginia… khoảng 10 phút lái xe. Thế mà mãi đến cách đây hai năm, nhân dịp đi dự đám cưới con trai của anh chị Lý Thanh Phi, chúng tôi được may mắn xếp ngồi chung bàn, thì thầy trò mới nhận ra nhau.

Thật ra, chính chúng tôi (Trịnh Văn Kiều & Lê Kim Oanh) nhận ra thầy. Riêng thầy, có thể vì học trò nhiều quá, cứ từ lớp này đến lớp khác, nên thầy chưa nhớ được. Thường thì phải là những học trò giỏi, hoặc có những cá tính đặc biệt như phá phách hay nhu mì nhất trong lớp thì mới gây được sự chú ý của thầy, cô. Riêng chúng tôi, chả có gì đặc biệt mà cũng không được hiền lành cho lắm, vì thế, khi nghe chúng tôi nhận đã là học trò trong giờ công dân của thầy, có lẽ thầy chỉ biết là CHS Ngô Quyền mà cũng chưa hình dung ra hình ảnh của chúng tôi ngày xưa như thế nào. Vả lại, gần 50 năm rồi, các học trò ngày xưa bây giờ đầu hai thứ tóc, hình hài cũng thay đổi rất khó nhận diện? Riêng thầy thì vẫn nụ cười hiền hòa luôn nở trên môi với mái tóc bạc, nhìn thầy thật phúc hậu. Giọng nói chậm chạp của thầy làm tôi nhớ lại ngày xưa. Thầy dạy công dân lớp tôi mỗi tuần hai giờ. Ngày đó, đa số các thầy đều ở Sài Gòn về dạy Ngô Quyền, có thầy ở nhà trọ, có thầy sáng đi chiều về, riêng thầy Hưng thì tự lái chiếc xe hơi nho nhỏ, đi về từ Saigon-BH, và trên xe thường có vài thầy cùng đi chung, lâu quá nên tôi cũng không nhớ rõ thầy nào ngồi chung xe với thầy Hưng, và hình như có thầy Quýnh.

Thầy rất hiền, giảng dạy rõ ràng, giọng Bắc của thầy nghe nhẹ nhàng và êm tai lắm. Thầy chưa hề phạt em nào, dù trong giờ thầy dạy, các em hay lợi dụng sự dễ dãi của thầy mà đùa vui, nói chuyện. Tôi nhớ có một lần, thầy đang thao thao giảng trên bục gỗ, thừa lúc thầy quay lưng viết lên bảng, tôi vội vàng lục trong ngăn bàn ra gói me ngào vừa được chị Năm của Mỹ Quế làm gửi cho tôi, múc một miếng me, chấm vào tí muối ớt, bỏ tót vào miệng nhấm nháp, đang suýt soa thì bất chợt thầy quay lại. Không biết thầy có thấy cái miệng còn nhem nhép của tôi không mà thầy nhìn qua phía khác và tiếp tục giảng tiếp. Hú hồn, hú vía. Từ đó, tôi tởn không dám ăn vụng trong lớp nữa. Em xin lỗi thầy, mãi đến hôm nay em mới dám “xưng tội”.

Tháng sáu năm ngoái, anh Lý Thanh Phi rủ chúng tôi đến nhà thầy vào một buổi trưa Chủ Nhật, nhân dịp thầy Phạm Ngọc Quýnh từ Canada sang thăm và có cả thầy Hoàng Quý Nam từ Maryland nữa.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi có dịp đến tư gia của thầy. Nhà thầy rất dễ tìm, tọa lạc trên một khu đất rộng có cổng rào sắt, sân đậu xe rộng rãi, vườn cây thênh thang, thầy trồng đủ loại hoa trái, nhìn khu vườn linh động đầy hoa, thật mát mắt. Thời tiết đang vào Xuân nên cây cỏ, hoa lá xanh tươi, tỏa đủ sắc màu tuyệt đẹp, những chậu kiểng, cành lan uốn khúc, hoa thuỷ tiên, hoa mai, hoa hồng, thược dược nở đầy vườn, nhìn đẹp và quyến rũ vô cùng. Thầy dắt cả bọn đi tham quan khu vườn tươi mát, thầy trò cùng dạo xem hoa, vừa ngắm cảnh ,vừa trầm trồ khen thầy khéo tay cắt tỉa thật đẹp, rồi cùng chụp hình chung quanh vườn, trước khi vào bữa trưa.

Mỗi người một món. Tuy là lần đầu họp mặt mà cũng khá đông, ngoài các thầy Phạm Ngọc Quýnh, thầy Hoàng Quý Nam, thầy Phạm Gia Hưng , chúng tôi gồm có:Kiều & Oanh, các anh Lý Thanh Phi, Đỗ Như Thạch, anh Huệ, vợ chồng chị Ánh (Khóa 1 NQ), vợ chồng cô em gái của tôi Thoại Dư, Chú Lai Kim (chủ Tiệm bánh Song Quê ở Eden), cô Sâm, và một vài người nữa tôi không nhớ tên. Anh Phi đem đến một rổ nghêu, xả ớt, thế là tôi bắc chảo lên làm món nghêu xào xả ớt, chị Ánh nấu canh chua chay, tôi làm gỏi đu đủ khô bò, cô em tôi nấu một nồi chè xôi nước, thầy Hoàng Quý Nam đem đến 1 khay bánh cuốn. Hôm đó, cô bận coi tiệm, Thầy giao cả cái bếp nhà thầy cho chúng tôi lục lọi, nấu nướng. Thầy còn hầm một nồi xương nai với các vị thuốc Bắc, mỗi người múc một chén húp xùm xụp. Nghe thầy bảo, nhà thầy thường hầm xương nai với các vị thuốc để uống cho bổ.

Một bữa cơm thật thân mật thấm tình thầy trò. Nhờ thế mà chúng tôi mới được biết, sở dĩ thầy vắng mặt những năm sau này là vì 1975 thầy được sang Mỹ du học, rồi biến cố 30 tháng Tư đến thầy ở lại Mỹ, cô và các em còn kẹt lại, phải vất vả, chờ đến ngày Thầy bảo lãnh cả gia đình theo diện đoàn tụ.

Cứ thế mà bao nhiêu kỷ niệm hiện về. Thầy trò hàn huyên cả một buổi. Thầy rất vui, tâm tình thoải mái với học trò, bình dị như bạn bè. Ngồi nhìn thầy Hưng, Thầy Nam và Thầy Quýnh nói chuyện với nhau, mà tôi ngậm ngùi nhớ lại mấy chục năm qua, lúc đó các thầy còn trẻ, vóc dáng thư sinh. Nếu nhìn lại những bức hình ngày xưa, khi các thầy đứng chụp chung với học trò thì rất khó nhận diện. Mấy chục năm sau, các thầy đều lớn tuổi, học trò cũng chồng chất tuổi đời, nhưng các thầy vẫn không khác xưa bao nhiêu, nhìn lại chúng tôi ngày trước với bây giờ thì chán lắm !

Xong buổi họp mặt chúng tôi ra về, thầy còn luyến tiếc, đưa tiễn ra tận cổng và dặn là nếu có dịp nên ghé đến nhà của thầy ở West Virginia nghỉ mát, nơi đây phong cảnh thật đẹp, có bờ hồ, sidewalk, có đồi núi, có chỗ câu cá, đạp xe, v.v. Thầy có một cơ ngơi thật vững chắc, ngoài căn nhà khang trang nơi thầy cô đang cư ngụ, thầy còn có một khu nhà nghỉ mát ở West Virginia và một căn khác ở Hawaii mà gia đình thầy thường sang nghỉ mát vào mỗi mùa Hè..

Tháng 9 / 2013, chúng tôi lại có dịp đến họp mặt tại nhà thầy lần nữa. Hôm nay chỉ có một mình thầy Hưng. Thầy Nam vì bận không đến được, chúng tôi gồm anh Lý Thanh Phi, anh chị Đỗ Như Thạch, vợ chồng Thoại-Dư, vợ chồng chị Ánh, Kiều Oanh và một anh nữa (tôi không nhớ tên).

Ngoài các món ăn do mọi người đem đến, thầy còn có thịt nai, anh Kiều lãnh chức đầu bếp nấu món nai xào lăn. Cô vẫn bận phải trông tiệm, chúng tôi lại tiếp tục làm chủ căn bếp nhà thầy. Một điều rất lạ, là thầy đều nhớ tất cả những món gia vị trong nhà, mà tôi tưởng chỉ có cô mới biết để ở đâu. Thời tiết vào đầu tháng chín hơi lạnh, cho nên chúng tôi không ra sân chụp hình được. Chỉ chụp vài tấm ảnh trong bàn ăn, và thầy thì vẫn với cái máy camcord trong tay, thầy quay hết tất cả mọi người... Bữa ăn hôm đó thật nhiều món rất ngon, nhưng món nai xào lăn thì đắt hàng nhất.

Lại thêm một ngày họp mặt vui vẻ và đầm ấm, quý hoá vô cùng. Nơi đất khách quê người mà tìm lại được tình cảm thầy trò thắm thiết như thế này không phải là chuyện dễ. Tiệc tàn, chúng tôi chia tay ra về. Thầy dẫn ra tận cửa và chỉ cho chúng tôi xem một số cây cảnh thầy mới ươm. Thầy còn trồng được cả lá gai, loại lá dùng để làm bánh gai của người Bắc, bánh màu đen là do lá gai đâm nhuyễn chắt lấy nước hòa vào bột nếp nên khi bánh hấp chín thì có màu đen, bên trong có nhân đậu xanh và dừa, mùi va ni thơm phưng phức, mà ngày còn ở Việt Nam, mỗi lần Mẹ tôi có dịp ghé khu chợ Thái Bình, Tân Mai hay Hố Nai đều xách về cho chị em chúng tôi một vài xâu. Nghe tôi nhắc đến bánh gai, Thầy bảo hôm nào tôi muốn làm bánh thì cứ việc sang nhà Thầy hái lá gai về làm, thầy trồng một vài chậu cho vui….Thú thật, tôi chỉ biết ăn thôi, chứ tôi chưa làm thử món bánh này bao giờ. Cách đây không lâu, thầy có gọi phone và bảo là thầy vừa hái vào một mớ lá gai, nếu tôi cần thì thầy sẽ đem đến cho, để tôi trổ tài làm món bánh mà tôi ưa thích …tôi đành thú thật với thầy là dù rất thích ăn, nhưng tôi lại không biết cách làm. Vô cùng cảm động trước nhiệt tình và sự quan tâm của thầy. Thầy thật đáng kính.

Sau buổi họp mặt đó, thầy cô sửa soạn đi Hawaii--nơi gia đình thầy đang có một căn nhà nghỉ mát ở đấy. Mặc dù Thầy Cô đang vui chơi ở Hawaii mà thầy vẫn còn nhớ gửi về cho chúng tôi xem những hình ảnh thầy đang đứng bên bờ biển nước trong xanh, và cũng không quên dặn dò các em có rảnh nên làm một chuyến Hawaii với thầy cô, nơi đây, cả một vùng biển xanh, tình xanh, khí hậu êm ả của miền thùy dương nắng ấm.

Thưa thầy,

Hôm nay, em xin mạo muội viết vài dòng cảm tưởng về thầy, để góp vào trang MGTT của website NQ. Chúng em hy vọng sẽ có nhiều dịp họp mặt cùng các thầy, cô để thầy trò cùng ngồi kể lại những chuyện ngày xưa, ôn lại kỷ niệm cũ, dù đã hơn 40 năm qua, biết bao nhiêu chuyện bể dâu. Nơi xứ lạ quê người, chúng em rất may mắn là còn có dịp được gặp lại một số thầy cô nơi hải ngoại.

Lại một mùa Noel nữa đến nồi, Virginia đang vật lộn với những cơn bão tuyết, đóng băng của mùa Đông tới. Thiên hạ vẫn rộn ràng sắm sửa, treo đèn kết hoa, mừng đón mùa Giáng Sinh 2013, quên cả tuyết rơi, gió bấc thổi. Gia đình thầy cô và chúng em đều đang ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, và cũng đang chịu đựng những cơn lạnh buốt da của mùa giá lạnh. Năm Dương Lịch 2013 sắp qua. Chúng em xin gửi lời chúc phúc đến thầy cô, kính mong thầy cô luôn luôn được dồi dào sức khỏe, vui hưởng những ngày mùa Đông trong tình yêu thương, ấm cúng của gia đình.

Và cũng nhân mùa Giáng Sinh, gia đình Trịnh văn Kiều & Lê Kim Oanh xin gửi lời kính chúc đến tất cả thầy cô và các bạn đồng môn khắp nơi, một mùa Giáng Sinh vui tươi hạnh phúc, một đêm Noel sum họp, vạn sự cát tường, an lành trong mùa lễ.

Trịnh Văn Kiều & Lê Kim Oanh - chs NQ K5

Giáng Sinh 2013 - Virginia

Kỷ Niệm Với Thầy Phạm Gia Hưng

Tôi tốt nghiệp và từ giã trường Ngô Quyền để về Saigon học tiếp trường Sư Phạm Saigon năm 1971. Từ dạo đó, tôi không có dịp liên lạc với quý Thầy Cô Ngô Quyền. Cho đến 40 năm sau, tôi mới có cơ hội tham dự Đại Hội Ngô Quyền Toàn Thế Giới lần 2 năm 2011 và gặp lại quý Thầy Cô trong những ngày Đại Hội.

Dòng thời gian đã nhuộm bạc mái tóc của những Thầy Cô trẻ năm xưa, nhưng tôi vẫn nhận ra một vài Thầy Cô đã từng giảng dạy trong lớp học của tôi những ngày xa xưa ấy. Những Thầy Cô khác tuy tôi không được học nhưng nghe tên rất quen thuộc, trong đó có Thầy Phạm Gia Hưng.

Chính trang nhà Ngô Quyền là gạch nối liên lạc để quý Thầy Cô gặp lại đồng nghiệp cũ và các cựu học sinh gặp lại bạn bè xưa qua những hình ảnh và bài viết được đăng tải. Đại gia đình Ngô Quyền ở hải ngoại và quốc nội trở nên gần gũi nhau hơn qua những thông tin liên lạc, như những cánh chim lạc đàn nay đã tìm về tổ ấm.

Mùa hè năm 2012, nhờ liên lạc qua trang nhà, tôi mới biết Thầy sẽ đến Seattle để thăm con trai út là em Phạm Gia Hảo, trước khi về San Jose dự họp mặt Ngô Quyền. Thế là tôi liên lạc với Thầy để đến thăm Thầy ở nhà em Hảo, đồng thời đưa Thầy đi xem đập khóa nước Chittenden Locks ở Seattle và xem thác Snoqualmie vào những ngày cuối tuần.

Trước khi chia tay Thầy, tôi cùng với vài anh chị cựu học sinh Ngô Quyền ở Seattle, mời Thầy dự một buổi họp mặt thân mật để thầy trò gặp nhau hàn huyên tâm sự. Thời gian họp mặt chỉ có vài giờ ngắn ngủi, không đủ để thầy trò nhắc lại những kỷ niệm xưa và những thăng trầm trong cuộc sống. Được gặp các học sinh Ngô Quyền năm xưa, Thầy vui lắm và cảm động trước sự ưu ái và mến thương của những học trò cũ.

Sau khi dự họp mặt Ngô Quyền ở San Jose thì Thầy trở về Virginia, cũng là lúc tôi đi thăm con gái đang làm việc ở Washington DC. Thầy trò lại có dịp gặp nhau lần nữa bên miền Đông nước Mỹ. Tiếc rằng thời gian tôi ở lại DC ngắn ngủi, nên không có dịp được Thầy hướng dẫn đi xem những danh lam thắng cảnh ở Virginia, nơi mà Thầy đã định cư hơn 40 năm qua.

Lâu lâu Thầy lại gọi phone thăm hỏi và mời các cựu học sinh Ngô Quyền sang Hawaii nghỉ hè hoặc nghỉ đông với Thầy. Đã nhiều lần quý Thầy Cô đồng nghiệp và các học sinh cũ đến Hawaii và được Thầy đưa đi thăm viếng những nơi có cảnh đẹp để thưởng ngoạn và Thầy lưu giữ hình ảnh qua video để làm kỷ niệm. Thật là tiếc vì tôi chưa có cơ hội đến Hawaii, nhưng trong tương lai thế nào tôi cũng phải thực hiện một chuyến đi Hawaii như tôi hằng mong ước.

Năm nay, em Hảo có việc làm ở San Jose nên đã di chuyển về Bắc Cali. Vợ chồng con gái tôi cũng thuyên chuyển về Seattle làm việc nên không còn ở DC nữa. Dù vậy, tôi vẫn mong có dịp gặp lại Thầy khi Thầy sang Cali thăm con hay họp mặt Ngô Quyền.

Các cựu học sinh Ngô Quyền vẫn thường tâm niệm:” tất cả Thầy Cô dạy ở Ngô Quyền dù chúng tôi có được học hay không cũng đều là Thầy Cô của chúng tôi vì cùng chung Đại gia đình Ngô Quyền”. Chúng tôi luôn luôn kính trọng và quý mến Thầy Cô, những Nhà Giáo đã tận tâm dạy dỗ cho học sinh của mình trở thành người tốt và hữu dụng cho xã hội.

Thầy sáng tác thơ lục bát rất hay và đầy tình tự thầy trò cùng mái trường Ngô Quyền thân yêu. Bài thơ nào Thầy cũng đề tặng học sinh cũ và gửi đăng trên trang nhà Ngô Quyền. Ngưỡng mộ Thầy, tôi đã thực hiện trang site “Thái Hưng” (bút hiệu Thầy dùng khi làm thơ) để lưu giữ những bài thơ và hình ảnh của Thầy làm kỷ niệm.

Thái Hưng

Với tính tình hiền hòa, vui vẻ, thân thiện... nên Thầy được đồng nghiệp thương mến và học trò quý trọng. Kính chúc Thầy nhiều sức khỏe để đi du lịch, thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh khắp nơi và có nhiều dịp gặp gỡ bạn hữu cũng như học trò. Đó là điều Thầy rất vui và mong mỏi thực hiện khi bước vào tuổi hoàng hôn của đời người.

Phạm Thị Hữu Hạnh - chs NQ K9

Washington, tháng 12/ 2013

Một Lần Thăm Viếng Hawaii

Thuở còn đi học, tôi được đọc sách nói về quần đảo Hạ Uy Di nằm ở giữa biển Thái Bình Dương. Nơi đó có nước biển màu xanh ngọc bích tuyệt đẹp. Dọc theo bờ biển có những hàng dừa xanh với những tàu lá thướt tha che mát bờ cát trắng. Nhất là lúc hoàng hôn trên bãi biển, ráng nắng vàng đỏ đẹp tuyệt vời. Thật là một khung cảnh thần tiên và là niềm mơ ước được thấy tận mắt của một đứa trẻ như tôi vào thời đó.

Vậy mà giấc mơ ngày xưa đã trở thành hiện thực khi tôi có dịp đến Hawaii vào mùa hè 2015. Thật là dịp may hiếm có khi biết được Thầy Phạm Gia Hưng có một condo ở Hawaii. Tuy Thầy sinh sống ở Virginia, miền Đông nước Mỹ, thỉnh thoảng Thầy vẫn về Hawaii để nghỉ hè và thăm bạn bè ở đó. Thầy vẫn thường mời gọi Thầy Cô Ngô Quyền, đồng nghiệp ngày xưa của Thầy, và các cựu học sinh Ngô Quyền đến thăm viếng Hawaii, ở nhà của Thầy để được Thầy hướng dẫn đi thăm danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của Hawaii, được tắm biển và thưởng thức những món ăn cùng trái cây đặc sản của Hawaii.

Chúng tôi có bốn người: vợ chồng tôi cùng với chị Tư và cháu nội đi thăm Thầy vào cuối tháng 8 năm vừa qua. Vượt qua sáu giờ bay từ thành phố Seattle đến Honolulu, thủ phủ của tiểu bang Hawaii, nằm trên đảo Oahu. Thời tiết ở Seattle bắt đầu lành lạnh vào những ngày đầu thu. Vậy mà khi vừa đến phi trường Honolulu thì mồ hôi nhỏ giọt bởi cái nóng của khí hậu miền nhiệt đới.

Thầy đón chúng tôi ở phi trường Honolulu và choàng các vòng hoa lei đeo cổ nhiều màu theo truyền thống Hawaii. Thầy đưa chúng tôi về Waikiki, một thành phố du lịch có bãi biển đẹp và nổi tiếng trên thế giới. Condo của Thầy nằm ở trên lầu cao trong một building có nhiều tầng nhìn xuống con kinh Ala Wai. Từ balcon nhìn ra xa có thể thấy toàn cảnh thành phố Waikiki, nhất là ban đêm đèn điện sáng choang, gió biển thổi vào mát rượi.

Điểm du lịch đầu tiên Thầy đưa chúng tôi đến thăm là Pearl Harbor tức là Trân Châu Cảng, nơi ghi dấu cuộc tấn công quân sự bất ngờ của hải quân Nhật thực hiện, nhắm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ vào sáng Chủ Nhật, ngày 7 tháng 12 năm 1941, dẫn đến việc Hoa Kỳ sau đó quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Thế chiến thứ hai. Chúng tôi được xem phim về trận đánh lịch sử Trân Châu Cảng, xem bảo tàng viện với những hình ảnh và chứng tích của cuộc chiến. Sau đó, được đi thăm nơi chiến hạm Arizona đã ngủ yên dưới lòng vịnh Pearl Harbor 74 năm về trước. Đúng ngay vị trí đó, bên trên là Đài Tưởng Niệm 1,102 lính Mỹ đã yên nghỉ trong lòng tàu. Thật là cảm động trước sự hy sinh cao cả của họ.

Thầy đưa chúng tôi đến thăm viếng chùa Nhật Byodo-In nằm dưới chân núi Ko'olau. Ngôi chùa nầy được xây dựng theo mẫu của ngôi chùa cổ Byodo-In trên 950 tuổi ở bên nước Nhật. Chùa có lối kiến trúc thật độc đáo màu đỏ, phía ngoài là một cái chuông lớn để khách thập phương gióng lên vài tiếng chuông, cầu nguyện điều gì đó trước khi vào chùa lễ Phật. Phía trước chùa là một cái hồ lớn có thật nhiều cá đủ sắc màu nhởn nhơ bơi lội, trên mặt hồ có đôi thiên nga trắng bơi bên cạnh nhau rất hạnh phúc. Bên trong chùa có những chiếc cột gỗ tròn to và những tượng Phật cũng bằng gỗ sừng sững, uy nghi trong làn hương khói.

Thầy hướng dẫn chúng tôi đến khu chợ China Town. Ôi! Những loại trái cây đặc sản của Hawaii được bày bán thật nhiều và tươi ngon. Nào là xoài vàng ươm và thơm mùi chín mọng. Chôm chôm màu đỏ tươi, đu đủ chín vàng, chùm nhãn thơm phưng phức, thanh long màu hồng tím, mãng cầu ta cùng với mãng cầu xiêm, những trái thơm thật to trông rất hấp dẫn... Chợ trái cây trông giống như ở Việt Nam và giá cả không đắt lắm. Chúng tôi mua đủ loại và khệ nệ mang về để thưởng thức mà nhớ về hương vị cây trái chốn quê nhà.

Thầy đưa chúng tôi đến khu nông nghiệp Dole Plantation với biểu tượng trái thơm thật to trước cổng vào. Đi vào phía trong là cửa hàng bày bán những sản phẩm chế biến từ thơm thật là bắt mắt. Nhất là hàng bán kem tươi được nhiều người xếp hàng chờ đợi để thưởng thức loại kem đặc biệt chế biến từ trái thơm. Giữa cái nóng oi ả của mùa hè mà được ăn một ly kem thơm mát lịm thì thật là tuyệt diệu. Chúng tôi mua vé đi tour vòng quanh đồn điền bằng xe troller. Nào vườn mía, vườn thơm, vườn chuối bạt ngàn làm cho người thưởng ngoạn vô cùng thích thú.

Thầy hướng dẫn chúng tôi đến chùa Quan Âm - Kuan Yin Temple - của người Hoa gần khu Phố Tàu. Ngôi chùa không lớn lắm nhưng lối kiến trúc rất đẹp, mái chùa màu xanh cẩm thạch với cổng và cột chùa màu đỏ. Trong chùa nghi ngút khói hương của Phật tử đến viếng chùa và lễ Phật. Đang là mùa Vu Lan nên cảnh chùa rộn rịp, tấp nập khách thập phương, có lẽ đông đúc hơn thường ngày. Đa số người Hoa đến cúng chùa thường đốt nhiều nhang và giấy tiền vàng bạc nên mùi nhang khói tỏa ra mờ mịt khắp nơi.

Thầy đưa chúng tôi đến trung tâm thương mại Ala Moana, một khu thương mại lớn nhất của vùng Thái Bình Dương, gồm những building nối tiếp nhau với đủ tên các cửa hàng hiệu danh tiếng như Nordstrom, Macy’s, Neiman Marcus, Bloomingdale’s... Cửa hàng nối tiếp cửa hàng và được bày biện hàng mẫu trước mặt tiền rất sang trọng, đầy màu sắc hấp dẫn khách du lịch. Từ khu thương mại nổi tiếng nầy, chúng tôi đi hướng về công viên Ala Moana để dạo mát dưới những hàng dừa cao đong đưa theo gió biển, biểu tượng của hình ảnh Hawaii. Phía ngoài xa là bờ biển Ala Moana thấp thoáng sóng biển trắng xóa.

Đến Hawaii, điều chúng tôi mong mỏi là được tắm biển. May mắn thay, chúng tôi được tắm ở bãi biển Waikiki nổi tiếng rất đẹp, sầm uất và nhộn nhịp với con đường biển thật dài. Ở khu tắm biển, một bên có bờ đá che chắn cho sóng lớn không tràn vào dành cho người lớn và trẻ con, một bên không che chắn dành cho những người trẻ thích chơi lướt sóng. Chúng tôi tắm ở phía trong, mặt nước biển nhấp nhô gợn sóng, được ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh. Nhìn ra phía ngoài xa, những người chơi nhảy sóng thỏa thuê với những đợt sóng cao liên tục. Phía bên trái là đỉnh Kim Cương, một miệng núi lửa đã tắt có tên là Diamond Head.

Thật là tuyệt vời khi được ngắm hoàng hôn trên bãi biển mỗi buổi chiều. Mặt trời đỏ rực như một quả cầu, từ từ lặn xuống biển xanh, để lại màu vàng cam ráng nắng. Rồi những tia nắng cuối cùng cũng biến mất phía chân trời xa. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống thì mặt trăng cũng xuất hiện ở phía đông. Ánh trăng rằm tròn và sáng thật đẹp chiếu xuống mặt biển lóng lánh sóng nhấp nhô. Ôi, đúng là cảnh thần tiên trên đảo ngọc mà mọi người ca tụng!

Mỗi buổi sáng, Thầy trò chúng tôi đi bách bộ dọc theo bờ kinh Ala Wai. Sáng sớm, mặt nước của con kinh phẳng lặng, không gợn sóng, trông như mặt gương. Các tòa nhà cao tầng và hàng dừa cạnh bờ kinh, cùng với bầu trời xanh mây trắng, soi bóng xuống mặt nước tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Hàng cây bông sứ ven bờ kinh toả mùi thơm ngan ngát từ những đóa hoa màu trắng ngần. Con đường dẫn chúng tôi về nhà có những ngôi nhà rất sang trọng, được bao bọc bởi hàng rào hoa dâm bụt với nhiều màu sắc đỏ, cam, vàng, trắng thật lạ. Hoa dâm bụt năm cánh là loài hoa biểu tượng của Hawaii. Có nhà trồng hoa giấy màu hồng thắm trước nhà như cổng tam quan rất đẹp.

Chuyến nghỉ hè của chúng tôi chỉ có một tuần lễ, không đủ thời gian để thăm viếng nhiều di tích lịch sử và chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh của Hawaii. Nhưng những nơi Thầy đưa chúng tôi đến là những nơi tiêu biểu của Hawaii, để lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm khó phai mờ. Nhất là sự nhiệt tình và thân thiện của một người Thầy, không ngại mệt nhọc, hướng dẫn và giải thích cặn kẽ cho chúng tôi những nơi đã đi qua.

Sau những ngày Thầy trò sinh hoạt vui vẻ bên nhau rồi cũng đến ngày chia tay. Thầy đưa chúng tôi ra phi trường Honolulu. Trên xe, chúng tôi ngắm lại những con đường ở thành phố có hàng cây Macadamia xanh tươi, những cây phượng vĩ còn sót lại những chùm hoa phượng màu đỏ thắm. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp thấy lại hoa học trò, loài hoa thật gần gũi của thời học sinh trong những ngày tháng thơ mộng cũ.

Hawaii đúng là xứ sở thần tiên mà ai đến đó một lần sẽ nhớ mãi và mong có dịp trở lại. Riêng với người Việt Nam tha hương thì thấy gần hơn với chốn quê nhà bởi cây trái, hoa quả, khí hậu, bờ biển gần giống như quê hương Việt Nam. Bỗng trong tâm hồn tôi ngập tràn những ý thơ dành cho Hawaii xinh đẹp:

Ha-wai Xứ Sở Thần Tiên

Lần đầu thăm viếng Ha-wai

Thời tiết ấm áp, trái cây ngọt ngào

Nhấp nhô từng dãy nhà cao

Tiếng chim ríu rít đón chào vầng dương

Hoa dâm bụt nở bên đường

Hoa sứ, hoa phượng vấn vương học trò

Hàng dừa cao vút bên bờ

Hoàng hôn trên biển ngẩn ngơ ráng chiều

Từng đôi sóng bước mỹ miều

Trăng vàng thấp thoáng, gió chiều xôn xao

Trời xanh mây trắng trên cao

Rì rào sóng biển lao xao tự tình

Ha-wai xứ sở đẹp xinh

Biển xanh non nước hữu tình người ơi!

Xa xa tận phía chân trời

Việt Nam quê mẹ suốt đời không quên...

(hbp)

Ngồi trên cao nhìn xuống qua cửa sổ, khi máy bay mới cất cánh, đảo ngọc thấp thoáng với biển xanh mênh mông, núi non hùng vĩ, rừng cây bạt ngàn và phía trên là bầu trời mênh mông. Ôi, thiên nhiên tuyệt đẹp như cảnh thiên đàng hạ giới! Tạm biệt Hawaii với những kỷ niệm êm đềm bên người Thầy kính yêu. Những ngày nghỉ hè tuy ngắn ngủi nhưng chắc hẳn để lại trong lòng chúng tôi tình cảm Thầy trò sâu đậm.

Theo lời Thầy kể, những năm trước Thầy cũng đã từng đón Thầy Cô và các cựu học sinh Ngô Quyền đến đây nghỉ hè. Thầy tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch và còn cẩn thận ghi hình vào các video clip để làm kỷ niệm và chia sẻ với mọi người. Ai cũng muốn có một chuyến nghỉ hè cùng Thầy ở Hawaii cho thỏa lòng mơ ước. Phải nói rằng chúng tôi có duyên tao ngộ với Thầy nên mới thực hiện được chuyến du lịch đảo ngọc vừa qua.

Cảm ơn Thầy đã có nhã ý mời chúng em đến Hawaii để có dịp cùng Thầy vui hưởng những ngày nghỉ hè tuyệt vời nơi xứ sở thần tiên. Chúng em mong Thầy luôn luôn dồi dào sức khoẻ để hàng năm về họp mặt với đồng nghiệp xưa và học trò cũ Ngô Quyền. Hẹn gặp lại Thầy vào ngày Đại hội Ngô Quyền Toàn thế giới lần thứ ba, cũng là dịp mừng thượng thọ Thầy Cô, ở Nam Cali tháng 7 năm 2016.

Tạm biệt Hawaii và mong có ngày trở lại...

Hát Bình Phương

Seattle, tháng 5/2016

(Kính tặng Thầy Phạm Gia Hưng)