MGTT 01-07

- Một Góc Thầy Trò 1- Nguyễn Ngọc Xuân

- Một Góc Thầy Trò 2 - Trương Đức Hoàng

- Một Góc Thầy Trò 3 - Lương Thị Khá

- Một Góc Thầy Trò 4- Vô Cùng Thương Tiếc Thầy Nguyễn Phong Cảnh

- Một Góc Thầy Trò 5 - Nguyễn Trần Diệu Hương

- Một Góc Thầy Trò 6 - Hồ Văn Tân & Hà Xuân Son

- Một Góc Thầy Trò 7 - Thầy Mai Kiến Phúc

Một Góc Thầy Trò 1- Nguyễn Ngọc Xuân

Được sự đồng ý của tác giả – CHS NQ Nguyễn Ngọc Xuân - một bức thư rất cảm động gởi cho Thầy giáo cũ (Thầy Nguyễn Văn Phố) , “Một góc Thầy Trò” xin mời bạn cùng đọc lời tâm tình của một học sinh rất giỏi với Thầy giáo dạy Toán thời anh Xuân còn ngồi ghế NQ.

Bao nhiêu năm trôi qua, vật đổi sao dời, nhiều thứ đã thay đổi, nhưng tấm lòng của anh Nguyễn Ngọc Xuân với Thầy giáo cũ vẫn còn nguyên vẹn như xưa, thời anh còn ngồi ở lớp đệ tứ (lớp chín) Trung học Ngô Quyền.

Ước mong trong tương lai, “Một góc Thầy Trò” sẽ nhận được nhiều đóng góp qúy báu của tất cả các CHS NQ ở khắp nơi trên thế giới, để củng cố niềm tin “nhất tự vi sư bán tự vi sư” và “trọng Thầy mới được làm Thầy”

E mail liên lạc : banbaochinq@yahoo.com ; Ntdhnt@aol.com ; tdung18@yahoo.com.

Kính mời quý Thầy Cô, mời anh, mời chị, mời bạn đọc lời tâm tình từ trái tim của một CHS NQ gởi cho Thầy giáo cũ gần nửa thế kỷ qua.

Thầy Nguyễn Văn Phố

Kính thưa Thày,

Thắm thoát mà đã hơn ba mươi năm qua, em chưa được gặp lại Thày. Cuộc đời qua nhanh như giấc mộng. Và đối với em, đó lại chẳng phải là một giấc mộng bình thường,Thày ạ! Khi giấc mộng tan, thì thấy cuộc đời mình không còn trẻ nữa! Và mọi giá trị hình như đã bị xóa nhòa, thay đổi. Nhưng mặc dầu vậy, mặc dầu cách xa, em luôn luôn nhớ, nghĩ đến Thày,và lúc nào cũng cầu mong Thày được vạn sự lành, may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống. Những tháng năm ở bên Thày dưới mái trường Ngô Quyền, được Thày thương yêu chăm sóc dạy dỗ, đối với em mãi mãi là những tháng ngày đẹp đẽ, những kỷ niệm giá trị vô cùng và vĩnh cữu...

Về phần em, em không còn ở Sài Gòn nữa, và đã đến cư ngụ ở thành phố Đà Nẵng kể từ tháng 06/2006 đến nay. Cuộc sống ở thành phố biển Miền Trung Việt Nam, bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn do mưa bão, lũ lụt triền miên, nhưng dần dần em cũng đã thích nghi với biển xanh, với núi xanh, với thành phố nhỏ bên bờ sông Hàn yên tĩnh, sạch sẽ và đang được từng bước dựng xây...

Thày ơi, ngày xưa, Thày đã dạy em, làm người phải có lý tưởng và sự nghiệp để đời. Chắc là em đã không hoàn thành lý tưởng và sự nghiệp ấy rồi, xin Thày tha lỗi cho em, vì lý tưởng đời em đã có nhiều , mà sự nghiệp khi em tóc đã bạc đầu không có gì đáng kể!

Giờ đây, em như con chim giang hồ tạm bằng lòng khép lại đôi cánh tha phương nơi chân trời xa lạ... Những mong Thày đừng trách, xin Thày đừng trách tiếng thổn thức của con tim người học trò mang nhiều hoài bão, nhưng không làm được gì nhiều cho cuộc sống...

Quỹ thời gian cuộc đời của Thày, của em, chẳng còn nhiều. Mỗi một ngày qua, là một lời tạm biệt đầy nhung nhớ tình Thày, tình trò.

Thày ơi, Em mãi mãi kính yêu Thày như ngày xưa đã từng, như những tháng ngày qua đã từng...

Em mong làm sao Ơn Trên giúp cho em cơ hội được gặp lại Thày lần nữa...

Kính chúc Thày Cô cùng Quý quyến dồi dào sức khỏe, may mắn và an vui .

Kính thăm Thày.

Em NGUYỄN NGỌC XUÂN

Một Góc Thầy Trò 2 - Trương Đức Hoàng

Năm 2001, anh Trương Đức Hoàng, Trưởng Khối Xã Hội Học Tập - Ban Điều Hành Học sinh Ngô Quyền 1972-73, từ Úc về Việt Nam thăm cô Đinh Thị Hòa ở Tân Mai, Biên Hòa.

Anh được anh Nguyễn Hồng Phúc, một người bạn cùng lớp thời Trung học đưa anh đến thăm Cô giáo dạy Pháp văn khi anh còn học đệ lục (lớp Bảy).

Chỉ vài năm sau, cô Hòa đã yếu hơn trước, và anh Phúc đã thành người thiên cổ.

Gần đây, qua website của CHS NQ, anh Hoàng tìm lại được nhiều bạn bè và đàn em của thời mới lớn ở trường Ngô Quyền yêu dấu của chúng ta. Anh E-mail cho đàn em (Nguyễn Trần Diệu Hương, cũng là học trò của cô Hòa và rất kính thương Cô) để chia sẻ những xúc cảm rất chân thành của anh đối với cô Hòa, quý Thầy Cô, và tất cả CHS NQ trên toàn thế giới.

Cả người gởi và người nhận đều đồng ý chia sẻ cái E-mail có nội dung “mời người lên xe tìm về quá khứ” với quý Thầy Cô và tất cả CHS Ngô Quyền (nhất là những anh chị có sinh ngữ chính là Pháp văn, -Nous aimons notre école et tous nos maitres & amis-) và cũng để gọi là một nén hương lòng tưởng nhớ đến hai anh Nguyễn Hồng Phúc và Dương Ngọc Mai, cùng tất cả các Thầy Cô và CHS NQ đã về với “hạc nội mây ngàn”.

Kính mời Thầy Cô, mời anh chị, mời bạn cùng đọc thư của anh Trương Đức Hoàng để thấy tình nghĩa Thầy Trò (chắc đã trở thành “đồ cổ” ở Việt Nam hiện nay), và để tìm lại hinh ảnh “con dốc Ngô Quyền trần ai khoai củ” mà hầu hết chúng ta đã gò lưng đạp xe mỗi ngày để đến ngôi trường Trung học Ngô Quyền thân yêu, bây giờ chỉ còn trong trí tưởng…

…Khi ở chợ về, anh mới rủ anh Phúc đi thăm cô Đinh Thị Hòa. Lúc đó, tụi anh đèo nhau trên một chiếc xe đạp "đòn dông" (có thanh sắt nằm ngang giữa tay cầm và yên xe, mình có thể ngồi lên thanh sắt này). Ban đầu, anh Phúc chở anh từ chợ Biên Hòa về. Khi qua khỏi rạp hát Biên Hùng một chút, gần quán hủ tíu "Cây Trứng Cá", anh kêu anh ấy ra phía trước ngồi, vì anh muốn hai đứa thay phiên nhau đạp cho đở mỏi. Hơn nữa, anh sợ anh Phúc ốm "cà tong cà teo", đạp lên dốc không nổi. Aí dè khi lên dốc, một phần vì xe anh Phúc hơi cao, một phần lúc anh rướn người để đạp xe, anh Phúc nghiêng qua một bên; anh không kềm được và chiếc xe lật ngang làm hai đứa té "chổng gọng". Thiệt tình, khi đó tụi anh quê ơi là quê, nhứt là cảnh hai ông già gần 50 tuổi quần áo dính đầy đất cát, trông không giống ai hết!

Anh Phúc mới cự nự:"Tao nói mày để tao chở vì tao quen rồi mà mày cứ giành, thôi bây giờ tới phiên tao". Anh cũng không muốn anh ta chở mình để lên con dốc "trần ai khoai củ" đầy kỷ niệm này (có lẽ tất cả CHS NQ đều nhớ đoạn đường từ rạp hát Biên Hùng đến trường của mình?). Cuối cùng tụi anh dắt chiếc xe đạp và đi bộ...lên dốc. Khi về nhà, anh Phúc đã lấy xe Honda của người em để chở anh. Tụi anh chất bánh trái lên xe rồi đi thăm Cô Hòa trong khu phố mới ở Tân Mai.

Khi mới gặp tụi anh, Cô không biết hai đứa là ai. Cô chỉ nhớ lại khi được tụi anh tự giới thiệu. Nhìn lại Cô mình sau hơn 33 năm xa cách, anh đã không cầm được nước mắt. Vẫn giọng nói khoan thai đó, vẫn ánh mắt hiền từ và nụ cười dịu dàng đó, nhưng sao anh thấy Cô tiều tụy quá! Anh đã nhìn Cô mình qua màn nước mắt để nghe Cô kể chuyện đi xe đạp và té gãy tay trước đó mấy tháng. Bây giờ anh đang ngồi đây gõ phím mà vẫn nghe rưng rưng khi nhớ về kỷ niệm xưa!

Anh học với cô Hòa năm đệ lục 4 (lớp Bảy) và còn nhớ rất nhiều kỷ niệm đối với Cô. Hồi đó lớp của anh phá phách hơn quỉ nữa (chứ không phải đứng sau quỉ và ma đâu!). Vào một buổi chiều, trong giờ học Pháp văn với Cô, vì tụi anh phá và làm ồn quá, Cô la rầy không được và đã lặng lẽ khóc. Lúc đó, tự nhiên cả lớp im phăng phắc, có lẽ vì sợ và ái ngại. Khi nhìn hai hàng nước mắt lăn dài trên má của Cô, anh thấy thương Cô vô cùng và tự hứa, từ rày về sau, mình sẽ không làm bất cứ một điều gì để cho Cô buồn. Sau một lúc lâu, Cô mĩm miệng cười như tha thứ đám học trò nghịch ngợm của mình, anh và lũ bạn đã thở phào nhẹ nhỏm. Cho đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ hình ảnh "thánh thiện" của Cô mình trong ngày hôm đó.

Năm 2002, anh về Biên Hòa và thăm Cô một lần nữa nhưng Cô đã dọn đi. Từ đó đến nay, anh không biết tin tức gì của Cô nữa. Hôm trước, khi đọc Tuyển tập CHS NQ 2006, anh thấy hình của Cô chụp chung với các Thầy Cô khác (năm 2005) mà ứa nước mắt. Anh cũng không tin ở mắt mình, vì trong vòng có 4 năm mà cô thay đổi quá nhiều, dáng Cô gầy gò và héo hắt hơn trước.

Biết rằng thời gian qua rất nhanh và không ai thoát khỏi qui luật của tạo hóa là có sinh thì có diệt, nhưng anh vẫn ray rức, trăn trở hoài. Cách nay hai năm, anh Phúc đã mất vì bị bịnh ung thư cổ. Đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ lời anh ấy nói qua điện thoại khi anh gọi về: "Khi nào về Biên Hòa, mày cứ vô đây ở với tao". Năm rồi, anh Dương Ngọc Mai trong lớp anh cũng đã ra đi vì bịnh ung thư.

Hương ơi, dù cho Cô Hòa, quí Thầy Cô và những đứa con của trường Trung học Ngô Quyền có ở phương trời nào, anh cũng cầu chúc cho mọi người bình yên và hạnh phúc...

Một Góc Thầy Trò 3 - Lương Thị Khá

“Một góc Thầy Trò” hôm nay mời bạn quay về quá khứ của Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), thế hệ học sinh đầu tiên của Trung học Ngô Quyền – với “chị cả ”Lương Thị Khá" đang định cư ở Boston, Massachusetts.

Với tâm tình chân thật, và bút pháp đơn giản chị Khá ngoài việc bày tỏ lòng kính mến của mình với các Thầy Cô đầu tiên của NQ - đặc biệt là Thầy Đinh Văn Sái, Thầy giáo dạy Pháp văn (thầy dạy Toán Lý Hóa thời “Ngô Quyền mới lập quốc”)-, còn giới thiệu với các thế hệ đàn em về những “ông lái đò già đầu tiên” đã mở đường cho “bến đò xưa”, đưa rất nhiều thế hệ học sinh NQ đến bến bờ thành công.

Rất nhiều năm trôi qua, hầu hết Thầy Cô của lớp chị Khá, Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957), đã về với lòng đất, “chị cả” Lương Thị Khá cũng ở mấp mé tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng Chị vẫn nghĩ về Thầy Cô với lòng kính trọng như ngày xưa, thời Chị còn ngồi ở ngôi Trường Trung học mới được khai sinh ở cạnh dòng Đồng Nai có "Nắng bờ sông như màu trang vở cũ"*, nhưng không làm mờ được tình nghĩa Thầy Trò của chị Khá và của nhiều thế hệ đàn em sau này…

Kính mời Thầy Cô, mời anh, mời chị, mời bạn cùng đọc tâm tình của thế hệ Ngô Quyền đầu tiên và cùng thắp nén hương lòng tưởng nhó đến các Thầy Đinh Văn Sái, Bùi Quang Huệ, Phạm Văn Tiếng, Dương Hòa Huân, và Phạm Văn Mẫn cùng tất cả các Thầy Cô, và các CHS Ngô Quyền đã về cõi vĩnh hằng.

* thơ cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, CHS NQ khóa 9.

Nhớ về Thầy Cô Lớp Đệ Thất B1 (1956-1957)

Kính thưa Quý Thầy Cô,

Ngày ấy chúng con là những học sinh lớp Đệ Thất B1, chúng con là những đứa bé vừa hơn 10 tuổi, và đến nay đã 50 năm nhưng hình ảnh Thầy Cô không thể xóa nhòa trong trí chúng con.

Chúng con nhớ đến Thầy Đinh Văn Sái dạy Toán Lý Hóa, Thầy Bùi Quang Huệ dạy Việt Văn, Thầy Dương Hòa Huân dạy Sử Địa, Thầy Phạm Văn Mẫn dạy Vẽ, Cô Trần Ngọc Anh dạy Nữ công, Thầy Trần Văn Lộc dạy Nhạc, Thầy Phạm Văn Tiếng dạy Pháp Văn, Thầy Trần Minh Đức dạy Anh Văn.

Giờ đây Thầy Sái, Thầy Huệ, Thầy Huân, Thầy Tiếng đã thực sự về sống nơi thế giới mới, nhưng những kỷ niệm và hình ảnh của các Thầy Cô không thể xóa mờ trong trí của chúng con. Một điều mà con nhớ gần nhứt là trong năm 1989, 1990 con còn sống ở quê nhà, con đã được nhiều lần nói chuyện với Thầy Sái trong vấn đề Thầy nên ra đi hay ở lại Việt Nam khi tuổi Thầy đã lớn, và cuối cùng Thượng Đế đã sắp xếp Thầy ở lại vĩnh

viễn với quê hương Việt Nam. Con nhớ hoài hình ảnh của Thầy với chiếc xe Thầy chạy khi Thầy ghé lại nghĩ chân chỗ con bán hàng trước khi Thầy tiếp tục đi về Tân Uyên. Ngày còn nhỏ học với Thầy con sợ Thầy bao nhiêu, tuổi lớn lên con càng thương kính Thầy bấy nhiêu.

Về Thầy Tiếng, con không đủ giấy để viết về công ơn và những kỷ niệm mà con có từ Thầy. Nếu không có Thầy Tiếng con sẽ không có tên trong danh sách của những học sinh lớp Đệ Thất B1(1956-1957), và không có sự thành công trong đời con.

Chúng con xin kính cẩn cúi đầu cầu nguyện linh hồn các Thầy luôn yên vui và bình an nơi cõi niết bàn.

Cô Trần Ngọc Anh và Thầy Trần Văn Lộc hiện giờ đang sống ở Việt Nam. Riêng Thầy Đức được coi như một Thầy trẻ nhất lúc bấy giờ. Thầy chỉ dạy chúng con trong năm Đệ Thất B1, và sau đó Thầy không tiếp tục dạy tại trường Ngô Quyền nữa, từ đó chúng con không có dịp gặp lại Thầy. Chúng con không thể quên được hình ảnh của một người Thầy trẻ nhưng lúc nào cũng tận tụy với học sinh của Thầy. Chúng con không thể quên được những buổi Thầy dạy thêm cho chúng con tại nhà Thầy vì tiếng Anh được coi như môn học mới của những học sinh lớp Đệ Thất lúc bấy giờ.

Sau 50 năm, tuổi đời chồng chất lên những học sinh lớp Đệ Thất bé nhỏ ngày nào. Các Thầy Cô cũng đã cộng thêm 50 năm tuổi nữa, nhưng một điều chắc chắn không thay đổi là chúng con luôn kính yêu Thầy Cô như những ngày chúng con còn nhỏ, và luôn mong mỏi được sự dẫn dắt của Thầy Cô.

Chúng con luôn hy vọng và mong mỏi ngày Hội Trùng Phùng sớm đến để được gặp lại Thầy Cô của chúng con.

Xin cầu nguyện ơn trên cho Thầy Cô và bạn bè chúng con có đầy đủ sức khỏe và trở về họp mặt trong ngày Hội Trùng Phùng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường (2011)

Viết từ Boston, MA

Lương Thị Khá

Một Góc Thầy Trò 4- Vô Cùng Thương Tiếc Thầy Nguyễn Phong Cảnh

Dưới đây là lá thư của CHS NQ Võ Thị Tuyết Mai, và những bạn bè, đồng nghiệp đã gửi cho Cô Ma Thị Ngọc Huệ, khi được tin Thầy Nguyễn Phong Cảnh từ trần vào ngày 4 tháng 1 năm 2006 tại California.

Với tâm tình rất đơn sơ và chân thật, chị Tuyết Mai đã bày tỏ lòng kính mến và vô cùng thương tiếc đối với người Thầy đã tận tụy dạy dỗ và khiến chị yêu thích môn Toán suốt hai niên học lớp 11 và 12 ở trường Ngô Quyền.

Trong “Một Góc Thầy Trò” hôm nay xin được dành chỗ cho những lá thư này như một lời chia sẻ với gia đình của Thầy Nguyễn Phong Cảnh và cô Ma Thị Ngoc Huệ trước sự mất mát lớn lao của gia đình Thầy nói riêng và đại gia đình Ngô Quyền nói chung.

Kính thăm Cô,

Em là Tuyết Mai, học trò của Thầy Phong Cảnh ngày xưa. Thời gian trôi qua nhanh quá, hàng ngày lại phải đối diện với những nỗi lo toan trước cuộc sống và trách nhiệm luôn oằn nặng đôi vai ... Có đôi lúc em rất thèm muốn và ao ước được sống lại những giây phút hồn nhiên, ngọt ngào của ngày xưa áo trắng, với những giờ toán học luôn hấp dẫn và lôi cuốn em- đứa học trò luôn sợ những con số vốn khô khan và vô tình- nhưng qua lời giảng của Thầy, em đã học và hiểu được giá trị của những con số mà chúng ta vẫn thường xuyên hàng ngày xử dụng... Thời gian đã trôi theo dòng đời, cuốn theo tất cả những hoài bảo, tuổi trẻ và tình yêu...nhưng tình thầy trò vẫn luôn đậm nét trong lòng em.

Và hôm nay, được tin Thầy đã rời xa trần thế, ra đi về cõi vĩnh hằng. Có một nỗi đau vô hình đã làm cho tim em như thắt lại. Số mệnh đã vô tình và tàn nhẫn, nhanh chóng mang đi người Thầy mà em đã từng yêu kính. Xin Cô cố nén nỗi đau thương (vì ai cũng phải ra đi theo "định luật trời dành") hãy giữ gìn sức khỏe để có thể vượt qua được chặng đường khó khăn trước mắt. Và xin Cô hãy thay em thắp dùm nén hương cho Thầy. Em và gia đình sẽ cầu nguyện cho hương hồn Thầy sớm được siêu thoát.

Kính chúc Cô nhiều sức khỏe, tạm vơi nỗi đau và có đủ nghị lực để đối diện với cuộc sống khi bên cạnh không còn có Thầy.

Thân kính,

Tuyết Mai

Ngoài học trò, thầy Cảnh cũng được bạn bè tiếc thương, cô Huệ được sự yểm trợ tinh thần của bạn bè ở khắp nơi trên thế giới

Kính chị Huệ,

Tuy đã biết rằng chuyện gì phải đến thì nó sẽ đến, nhưng tôi không khỏi hoảng hốt, sửng sốt khi nó đã đến và đến quá nhanh! Một sự mất mát to lớn không cách chi bù đắp lại: Các bậc trưởng thượng đã mất đi người con rễ hiếu thảo, chị đã mất đi người chồng gương mẫu luôn luôn hiền hòa, yêu thương và kính trọng vợ, các cháu mất đi người cha, người ông rộng rãi bao dung, chúng tôi đã mất đi người bạn hiền dung hòa khả ái, các em học sinh đã mất đi người thầy tin cậy quí báu, riêng tôi với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm đã vun đắp trong nhiều năm qua, với những kế-hoạch cho năm nay (cùng nhau đi Âu Châu) và cho nhiều năm tới đột nhiên sụp đổ tan tành... tôi vô cùng thương tiếc anh Cảnh, tôi khóc…tôi nhớ ngày nào tôi mới gặp lại anh Cảnh lần đầu trên đất Mỹ đã rơi nước mắt, thì ngày nay chuyện đến như vậy, tôi còn đau xót thương tiếc tới đâu? Rồi đây với sự hụt hẫng to tát trong đời sống tinh thần, tôi cầu mong chị chịu đựng một cách trầm tĩnh, can đảm vượt qua mọi khó khăn sắp tới. Tôi rất mong và rất nhiệt tình giúp ích được việc gì đó dù to dù nhỏ, mong đáp lại thạnh tình của anh Cảnh và của chị trong thời gian qua. Tôi tin chắc hương hồn anh Cảnh sẽ sớm siêu thoát vào miền Cực Lạc.

Kính chị. Hãy can đảm lên!

Nghĩa.

Huệ ơi,

Biết nói gì đây trong những giờ phút đau buồn này ! Dù không biết đích xác tình trạng bệnh của anh Cảnh, nhưng như mình đã mail cho Huệ lần trước, với góc độ của một người làm nghề y mình đã linh cảm là bệnh anh Cảnh không nhẹ, và mình đã biết trước là Huệ sẽ phải vất vả nhiều để chăm sóc cho anh Cảnh. Nhưng nay điều tệ hại nhất đã xảy ra! Tuy tất cả mọi người đều thương tiếc, nhưng số mệnh của con người đã được định sẵn. Nên mình mong Huệ đừng quá đau buồn mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn phải biết chấp nhận sự thật, và rằng bạn nên thấy vui vì anh Cảnh đã ra đi trong tình cảm thương yêu của đông đủ bè bạn, cả ở Mỹ lẫn ở VN, một điều mà không dễ nhiều người có được !

Không có lời lẽ nào để chia sẻ với bạn về nỗi mất mát quá lớn này , nhưng Huệ ơi, một lần nữa mình mong bạn hãy vững tinh thần và tiếp tục sống trong thanh thản, mà một người hết lòng với mọi người, với bạn bè... như Huệ nhất định phải xứng đáng được hưởng, với tất cả lòng thương mến sâu đậm của bạn bè, của mọi người.

Trần Thị Hiệp

Ngay cả đồng nghiệp ở xa, chẳng hạn Thầy Huỳnh Công Ân ở Canada, là bạn học của Thầy Cảnh ở Trường Đại học Sư phạm Saigon và là đồng nghiệp ở Ngô Quyền cũng gởi lời chia buồn chân thành

Kính chị Huệ,

Xin thành thật chia buồn cùng chị về sự ra đi của anh Nguyễn Phong Cảnh. Kính chúc hương hồn anh Cảnh được tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng

Bạn học ban toán Đại Học Sư Phạm Saigon 1962-1965

Đồng nghiệp dạy học tại trường trung học Ngô Quyền, Biên Hòa 1973-1975

Huỳnh Công Ân.

Quebec, Canada J4J1H5

Và cô Phan Thị Tốt vừa là cô giáo cũ của CHS NQ Ma Thị Ngọc Huệ, vừa là đồng nghiệp của Thầy Nguyễn Phong Cảnh cũng ân cần thăm hỏi.

Huệ ơi cô rất buồn khi được tin Anh Cảnh đã ra đi quá

mau như vậy. Cô cứ tưởng là có thể chữa trị cách khác

ngoài thuốc tây ở bịnh viện... Ban chấp hành trường NQ cũng vừa báo

tin buồn, cô đọc mà không cầm được nước mắt.

Xin Chia buồn với Gia đình em và cầu linh hồn anh Cảnh được an giấc ngàn thu.

Cô Phan thị Tốt.

Một Góc Thầy Trò 5 - Nguyễn Trần Diệu Hương

Thành lập năm 1956, đến thập niên 70s, trường Trung học Ngô Quyền đã có được lớp học sinh “thế hệ NQ thứ nhất” quay về trường xưa, không phải chỉ để thăm các Thầy Cô cũ, hay đi dọc theo những hành lang để tìm lại kỷ niệm thời Trung học, mà còn để tiếp nối sự nghiệp cao quý đứng trên bục giảng, đào tạo các lớp đàn em.

Và thế hệ NQ đậu vào lớp sau đầu thập niên 70s là những lớp đàn em may mắn nhất, được học với các đàn anh, đàn chị Ngô Quyền trong bối cảnh xã hội kỹ cương Thầy Trò vẫn còn nguyên, quan niệm nho giáo “Quân Sư Phụ” vẫn còn được trân trọng, ở học đường, ít nhất là đối với “Sư” và “Phụ”.

Hồi xưa, đúng như hai câu thơ một nhà thơ đã làm từ thời tiền chiến, mà những cô cậu học trò tinh nghịch đã sửa chỉ mỗi một chữ thành:

“Em còn nhỏ xíu ngây thơ lắm

Chỉ biết… ăn thôi, chẳng biết gì”

Thế hệ của CHS NQ Nguyễn Trần Diệu Hương thời điểm đó, nữ sinh vẫn còn chơi cò cò trước cửa lớp giờ ra chơi, nam sinh vẫn con mê bắn bi hơn là mê …con gái, và vẫn còn nhìn các Thầy Cô như một khuôn mẫu toàn hão, không hề biết mình đang được học với nhiều đàn anh, đàn chị Ngô Quyền.

Ba mươi năm sau, bên đời lưu lạc, ở tuổi nửa đời người, các cô, các bé ngày xưa mới biết một số Thầy Cô cũ đã từng là học trò Ngô Quyền như mình.

Dù muộn màng, “Một góc Thầy Trò” xin được giới thiệu “Những CHS NQ trên bục giảng” để vinh danh các CHS NQ cũng là các Thầy Huỳnh Quan Phận, Diệp Cẩm Thu; các Cô Hà Thị Nhung, Liêng Tuấn Tài, Phạm Thị Hạnh.

Ước mong danh sách “những CHS NQ trên bục giảng” sẽ còn được tiếp nối với nhiều cảm nghĩ, nhiều chia sẻ khác trong tương lai…

Từ trái sang phải: Thầy Hoàng Phùng Võ, Thầy Mai Kiến Phúc, Thầy Phan Thanh Hoài (hàng ngồi)

Thầy Diệp Cẩm Thu, Cô Hà Thị Nhung, Nguyễn Trần Diệu Hương (hàng đứng).

NHỮNG CHS NGÔ QUYỀN TRÊN BỤC GIẢNG

Vào trường Ngô Quyền trong thập niên 70, tôi không được hân hạnh học những năm cuối ở Ngô Quyền, nhưng bù lại tôi có may mắn được học với 5 thầy cô là cựu học sinh Ngô Quyền. Với quý thầy cô này, sợi dây gắn bó với trường bền chặt gấp hai lần những thành viên khác của Hội CHS NQ, mỗi thầy cô đều có một quá khứ học trò nhìn lên bục giảng, tiếp nhận những kiến thức căn bản từ quý vị giáo sư, và cũng thực hiện được mơ ước trên bục giảng Ngô Quyền.

“Mai sau con lớn làm cô giáo

Thiên hạ trông lên ngước mắt chào”

Những thầy cô này là bạn học của nhiều anh chị tôi được quen biết trong những lần họp mặt CHS NQ hàng năm ở California. Qua lời kể của các anh chị đó tôi được biết là các thầy cô cũ của mình thời đi học đều học rất giỏi.

Thầy Diệp Cẩm Thu được anh Nguyễn Hữu Hạnh gọi là “một trong những đứa con cưng của Ngô Quyền”. Có lẽ thầy là ông thầy hiền nhất trong tất cả các thầy cô trong suốt quãng đời cắp sách cũa tôi. Thời gian thầy đứng trên bục giảng cũng nhiều gần bằng số tuổi của chúng tôi, lớp học trò đầu tiên của thầy. Trong những lần họp mặt, nhiều anh chị vẫn “phân bì”, lúc nào thầy Phố cũng nhớ đến “Diệp Cẩm Thu” mà quên đi những học trò khác. Cũng có lý do để thầy Phố và có lẽ nhiều thầy cũ khác của thầy Thu nhớ đến thầy Thu. Có lẽ thầy sinh ra để làm một nhà mô phạm và suốt đời sống mẫu mực cho “Thiên hạ trông lên ngước mắt chào” như một câu thơ đã ca tụng những nhà giáo chân chính. Điều duy nhất tôi đã làm được để tỏ lòng biết ơn thầy là đã vẽ lại “tập hợp giao” không phải bằng những vòng tròn của Tân Toán học mà là những suy nghĩ rất chân thành khi nghĩ về những người lái đò xưa, đã cùng các bậc sinh thành, đưa chúng tôi đến bờ bến thành đạt.

Lần đầu tiên tôi gặp lại cô Hà Thị Nhung sau giờ Hình học cuối cùng của cô kể từ niên khóa 74-75, đời sống đặt lên vai thầy trò chúng tôi 32 năm với nhiều “vật đổi sao dời”, nhưng cô vẫn nhớ chổ ngồi đầu bàn nhất của tôi trong lớp học ở giữa dãy lầu quét vôi vàng ngày xưa của Ngô Quyền. Dĩ nhiên dưói mắt cô đã ẩn hiện “vết chân chim” nhưng nét thông minh của một trong những nữ sinh đầu tiên của lớp đệ nhất B (12B) Ngô Quyền vẫn còn. Cô lái xe đến thăm tôi trong mưa phùn giữa mùa đông của California, cô và trò “nhìn xuống cuộc đời” qua cửa sổ kính dầy của Marriott Courtyard ở Anaheim mà nhớ đến những khung cửa sổ hình chữ nhật của những lớp học ở Ngô Quyền xưa. Ước gì có một ngày, mình được về ngồi nhìn lại mưa trên sông Đồng Nai. Bên đời lưu vong, ở một khía cạnh nào đó, mình cũng giống những tam giác đồng dạng ngày xưa cô đã dạy em phải không thưa cô?

Qua cô Nhung, tôi được biết cô Liêng Tuấn Tài, giáo sư Đại số của lớp chúng tôi và là bạn học cùng lớp đệ nhất B của cô Nhung, vẫn đang sống ẩn dật bình an với một tiệm sách nhỏ ở Biên Hòa. Ngoài những đẳng thức, phương trình của môn Đại số, cô còn chứng minh cho chúng tôi một cách hùng hồn câu ngạn ngữ “hữu xạ tự nhiên hương”. Càng lớn lên, nhìn lại quá khứ, nhìn lại những người bạn học ngày xưa giữa cuộc đời có muôn ngàn lối rẽ, tôi càng hiểu hơn bao giờ hết những điều cô Tài đã dạy lũ học trò con gái mắt sáng môi tươi nhưng rất ngu ngơ ngày nào. Tôi chưa có dịp gặp lại cô kể từ giờ học cuối hơn 30 năm qua ở Ngô Quyền, những điều cô dạy tôi dù nhạt nhòa theo năm tháng nhưng nền tảng suy luận vẫn còn, bởi vì tôi đã được học toán với cô, một “đàn chị Ngô Quyền” rất xuất sắc thời đi học.

Nếu bây giờ các em ở trong nước được học môn Công dân giáo dục, và được nghe đọc “Le Petit Prince” như thầy Huỳnh Quan Phận đã dạy cho chúng tôi từ bục giảng của những năm đầu Trung học thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều, tôi tin chắc như vậy. Thời Trung học của thầy ở Ngô Quyền chắc là rất bình an, thơ mộng, nên thầy cũng tạo cho chúng tôi những giờ phút thoải mái nhưng vẫn giữ trật tự nghiêm minh trong giờ học. Hơn mười năm trước, lúc giơ tay tuyên thệ thành công dân Hoa Kỳ, tôi đã cố gắng kìm những giọt nước mắt lăn ra khi nhớ đến lời giảng của thầy ngày xưa “mỗi người dân chỉ có một tổ quốc và nên tuyệt đối trung thành với tổ quốc của mình”…

Ở tận một góc nào đó rất xa, không phải ở trong nước, bây giờ cô Phạm Thị Hạnh vẫn dạy Anh văn như hồi xưa cô dạy chúng tôi. Học trò của cô bây giờ lớn hơn chúng tôi ngày xưa nhiều, và cô cũng không còn ở tuổi ngoài hai mươi như lúc chúng tôi nhìn cô đứng trên bục giảng mỗi tuần hai lần. Nhưng hẳn là những bài học ngoại ngữ vẫn như xưa, vẫn được giảng dạy bằng nhiệt tình của một cô giáo trẻ truyền lại kiến thức cho đàn em. Bây giờ đã nói được tiếng Mỹ rất nhuần nhuyễn, nhưng tôi vẫn không quên những bài học đầu tiên cô Hạnh dạy chúng tôi ở một thời xưa đã nằm trong ký ức tuyệt vời của thầy trò chúng tôi.

Ngoài tư cách nhà giáo, cả năm thầy cô kể trên đã hướng dẫn chúng tôi bằng nhiệt tình của những đàn anh, đàn chị Ngô Quyền. Nếu ở mỗi cuộc họp mặt, có bảng tên màu xanh cho CHS, bảng tên màu vàng cho quý thầy cô, thì chắc phải có một bảng tên nửa vàng, nửa xanh cho những lớp đàn anh, đàn chị Ngô Quyền đã công thành danh toại, về lại trường xưa với tư cách mới trên bục giảng nhưng tấm lòng với thầy cũ, trường xưa vẫn còn nguyên, mãi mãi không nhòa…

Nguyễn Trần Diệu Hương

Santa Clara, đầu thu 2007

(Với lòng biết ơn đến các CHS NQ đã là thầy cô của em)

Một Góc Thầy Trò 6 - Hồ Văn Tân & Hà Xuân Son

Ngoài CHS Nguyễn Tất Nhiên mà tài năng thiên phú đã tạo cho anh có một chỗ đứng vững chắc trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ 20, trường Ngô Quyền yêu dấu của chúng ta cũng đã đào tạo được rất nhiều "nhà thơ học trò" dù tuổi còn ngây thơ nhưng “thi pháp” cũng khá nhuần nhuyễn qua thể thơ thất ngôn dạt dào tình cảm.

Trong số những "nhà thơ học trò" này, có hai anh Hồ Văn Tân và Hà Xuân Son mà sáng tác từ tâm tình của hai anh thời mới lớn đã bày tỏ được lòng biết ơn Thầy Hoàng Phùng Võ, thầy giáo Việt văn lớp Đệ Ngũ B2 (nk 1958-1959)

Đúng nửa thế kỷ sau, hè 2009, sau nhiều "vật đổi sao dời", bên đời lưu lạc, giữa quê người, Thầy Võ vẫn còn lưu giữ được món quà hiếm quý và đầy chân tình của hai học sinh lớp Đệ Ngũ (lớp Tám) năm xưa

"Một góc Thầy Trò" xin kính mời quý Thầy Cô, mời các anh chị cùng sống lại thời “em ước mơ mơ gì tuổi mười ba, tuổi mười bốn ?" với các anh Tân và Sơn qua hai bài thơ bên dưới.

Hy vọng dù đang ở một góc trời nào đó, dù tóc đã đổi màu, hai anh vẫn tiếp tục làm thơ, nhất là những câu thơ ghi lại tình nghĩa thầy trò để tất cả chúng ta vẫn thấy cuộc đời luôn dễ thương như thời còn cắp sách…

Thầy Hoàng Phùng Võ (Tháng 7/2009)

Sáu tháng chung lưng kể cũng dài

Thầy trò lưu luyến phút chia tay

Em về quê cũ buồn man mác

Rồi biết ngày nao gặp lại Thây

Ngày tháng dần trôi sao mau quá

Em còn nhớ mãi một chiều nào

Buổi chiều tạm biệt, chiều oi bức,

Em lén nhìn Thầy dạ xôn xao

Thầy trò mỗi ngả mỗi người đi

Lưu luyến buồn vương nữa để chỉ?

Trái đất còn xoay còn gặp lại

Lòng em nhớ mãi một chiều ni!

Giờ phút chia tay đã điểm rồi

Chúc Thầy may mắn giữa đường đời

Còn em em nhớ chiều nay mãi!

Trông bóng Thầy đi luống ngậm ngùi

(Kính dâng Thầy để kỷ niệm những ngày

Thầy dìu dắt em trên bước đường học tập)

HỒ VĂN TÂN (Đệ Ngũ B2 nk 58-59)

Một năm học cũng sắp tàn rồi

Hè đến muôn ngàn cánh phượng rơi

Nóng bức ve sầu ngâm khắp chốn

Đôi dòng cảm tưởng với Thầy tôi .

Thầy tôi đến dạy một chiều kia,

Rét buốt mùa đông, gió, lá lìa

Với lối dỗ dành nhiều tận tụy

Làm bao em bé phải say mê

Say mê học hỏi những điều hay,

Trần thuyết ý nhiều, phát biểu ngay

Mạnh dạn ý mình đừng cho dỡ

Không rành cứ hỏi mới là tài.

Rồi đến hôm nay phút cuối cùng

Của năm đệ ngủ dạ bâng khuâng.

Gởi dòng cảm tưởng lên trang giấy

Chẳng biết năm sau có gặp không?

Cách biệt giờ đây đã đến rồi,

Nghẹn ngào Thầy đến chốn xa xôi

Chúc Thầy gặt hái nhiều may mắn

Thầy đi riêng để trẻ ngậm ngùi

(Kính tặng Thầy)

HÀ XUÂN SON - Hè 1959

Một Góc Thầy Trò 7 - Thầy Mai Kiến Phúc

Một điều đặc biệt về Thầy Mai Kiến Phúc là Thầy rất yêu nghề đi dạy, và dù chỉ được đứng trên bục giảng 14 năm (1965-1979) nhưng suốt thời gian đó, Thầy liên tục ..."gõ đầu trẻ" ở Trung học Ngô Quyền với môn Vật Lý.

Thời đó, trong số những học sinh "ngưỡng mộ" Thầy vì Thầy còn trẻ lại dạy các lớp đệ nhị cấp một môn học cần phải "động não" nhiều, có những học sinh còn "ái mộ" Thầy như CHS Trần Ngọc Danh chẳng hạn. Bao nhiêu năm trôi qua, phong cách một nhà mô phạm của Thầy Phúc vẫn còn trong ý nghĩ của anh Danh cũng như rất nhiều học sinh cũ của Thầy.

Hình ảnh Thầy Phúc nghiêm khắc với kiến thức Lý Hóa uyên thâm cũng đã trở thành một hình ảnh không phai mờ trong lòng anh Lữ Công Tâm.

Đầu thập niên 70, một vài học sinh cũ của Thầy Phúc (Thầy Diệp Cẩm Thụ, Cô Hà Thị Nhung, Cô Liêng Tuấn Tài) đã trở thành đồng nghiệp của Thầy ngay trên bục giảng Ngô Quyền nhưng quan hệ Thầy Trò vẫn như ngày nào. Trong lòng các nhà giáo trẻ vừa mói ra trường, hình ảnh Thầy Phúc "đi qua đi lại trên bục giảng, thao thao bất tuyệt về các định luật Vật lý" vẫn còn nguyên, không nhòa.

Và cứ mỗi lần họp mặt CHS NQ ở Calỉonia, Thầy Phúc được rất nhiều học sinh cũ đến xin được chụp hình chung với Thầy. Mặc dù ngày xưa, trong giờ của Thầy Phúc, "các cô cậu Tú tương lai" thường tránh ánh mắt của Thầy bằng cách cúi xuống "ngắm" giày dép của mình, vì sợ bị Thầy kêu lên bảng giải các bài tập Vật lý.

Lớn lên vào đời, không còn phải "ngắm giày dép" mỗi lần gặp Thầy Phúc, nhưng lòng ngưỡng mộ vẩn còn nguyên, nên tuy không nói ra nhưng một sồ anh chị đã viết ra để các đàn em, không được hân hạnh học với Thầy, có dịp "ngưỡng mộ…ké”.

Nếu gặp lại Thầy Mai Kiến Phúc, tôi sẽ chạy lại Thầy ngay, không cần suy nghĩ, tôi sẽ ôm Thầy như một người thân xa nhau lâu ngày nay mới được gặp. Có thể tôi sẽ khóc vì xúc động hay có lẽ tôi khóc vì thấy tóc Thầy vẫn dày mà tóc tôi đã di tản nhiều hơn Thầy sau nhiều năm xa cách! Tôi mong thấy Thầy không đổi khác, vẫn kính trắng gọng đen (như lúc đó), vẫn sơ mi trắng và quần sẫm màu. Đó là model mà hồi còn trong lớp tôi vẫn ái mộ. Không nói quá, cái hình ảnh Thầy đứng trước bảng đen, say sưa với từng công thức Vật Lý làm tôi cũng như say. Thú thật, tôi mê Thầy và ao ước một ngày nào đó tôi trở thành đồng nghiệp đáng tin cậy của Thầy trước đám học sinh! Sau nầy khi đọc bài viết của Thầy ở Đặc San Ngô Quyền 2004, tôi càng cảm phục Thầy hơn qua ý tưởng sắt đá với nghề dạy học. Xin trích dẫn "Có đến thì có đi. Ngày vĩnh viễn ra đi có thể là ngày mai, tháng tới, năm tới, hay ngay cả đôi ba chục năm nữa thì cũng phải tới. Lúc đó tôi chỉ cầu xin Thượng Đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quảng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian nầy với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình..."

Thử hỏi còn giá trị nào cao hơn với nghề dạy học mà Thầy gắn bó?

Tôi sẽ không bao giờ quên tư cách của Thầy trong lớp là nghiêm túc mà gần gũi học sinh cho nên không đứa nào xa cách hay sợ Thầy quá đáng. Có một thói quen của Thầy là trước khi chấm dứt giờ học, Thầy cầm viên phấn nhỏ ném xuống đất. Là hết giờ! Bởi vậy khi gần cuối giờ Vật Lý, khi thấy mấy cô bạn học Ban B là Hà Thị Nhung, Cao Thị Tốt, và Liêng Tuấn Tài vén vén tà áo dài, loay hoay với cặp sách và trước bảng đen, Thầy Phúc bẻ bẻ viên phấn cho nhỏ nhỏ, chuẩn bị, không biết cố ý hay vô tình, ném xuống đất, là tôi biết hết giờ học. Tôi ngẩn ngơ với bài học chưa hiểu hết hay ngẩn ngơ trước một phong cách thường nhật quá dễ thương của Thầy? Bây giờ tôi cũng chưa biết …

Trần Ngọc Danh - Đệ Nhất B1 (12B1)

…Thầy Mai Kiến Phúc là người đỗ thủ khoa từ Đại học Sư pham. Thời ấy (cuối thập niên 60 ), giờ học của Thầy Phúc rất là khuôn khổ học sinh nào đi trễ chừng năm phút thì sách vở sẽ bay ra cửa.

Thầy là người Thầy dạy Lý Hóa ở đệ nhị cấp mà chúng tôi rất khâm phục, vì khi Thầy bước vào lớp, chúng tôi chưa bao giờ thấy Thầy mang theo sách để giảng bài, kể cả những lúc Thầy đọc các bài toán Lý Hóa, dường như cũng nằm sẵn trong óc Thầy mà ra…

Lữ Công Tâm - Đệ Nhất A2 (12A2)