MGTT 15-21

- MGTT 15 - Vô Cùng Thương Tiếc Cô Phạm Thị Khang

- MGTT 16 – Các Thầy Cô dạy Quốc Văn

- MGTT 17 - Tạ Ơn Thầy Cô Nhân Lễ Thanksgiving 2010

- MGTT 18- Thầy trò Ngô Quyền Vĩnh Biệt Cô Trần Thị Hương

- MGTT 19 - Thầy Nguyễn Văn Phú

- MGTT 20 - Cô Hà Bích Loan

- MGTT 21 - Thầy Nguyễn Minh Lý

Một Góc Thầy Trò 15 - Vô Cùng Thương Tiếc Cô Phạm Thị Khang

Ngày xưa mỗi cuối giờ học, bảng đen được xóa sạch bởi Thầy Cô giáo vừa dạy xong hoặc bởi đội trực hôm đó. Vậy mà thỉnh thoảng bảng không được bôi xóa vì nhiều lý do. Chẳng hạn, cuối buổi học, "phe ta" đói bụng quá, ba chân bốn cẳng ôm cặp chạy về, để lại cái bảng đen đầy chữ hoặc hình cho lớp buổi chiều…lau giùm.

Kính mời quý Thầy Cô, mời các anh chị, mời bạn quay về với một ngày bình thường ở trường Ngô Quyền thân yêu ngày xưa, có giờ Vạn vật, giờ Công dân, rồi giờ Hình học của CHS Nguyễn Trần Diệu Hương để thấy có những điều, mà dù năm tháng chất chồng với nhiều kiến thức, nhiều lo toan nằm trong đầu óc, các cô bé học trò đệ nhất cấp nâm xưa vẫn nhớ rõ ràng trái tim và hệ thống tuần hoàn trong giờ Vạn vật của Cô Phạm Thị Khang như vừa mới xảy ra hôm qua.

Dù đang ở Châu Mỹ , Châu Âu, Châu Úc hay đang ở lại với "Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia định Đồng Nai thì về", có một khoảnh khắc nào đó nhìn lại thời Trung học hình như chúng ta vẫn còn ngồi ở hai dãy bàn học trò đặt song song nhìn lên bục giảng trắng màu bụi phấn, và vẫn ngồi cạnh bên nhau, chứ không phải đã "nghìn trùng xa cách" phải lhông các bạn thân mến?

Hồi đó mỗi lần nghe câu hát " hiền như ma soeur", cà lớp đều nghĩ đến Cô Phạm Thị Khang vì Cô hiền và rất nghiêm. Chúng tôi cứ tưởng tượng cô Khang trong chiếc áo chùng đen của những bà soeur thay vì trong chiếc áo dài quen thuộc của một nhà mô phạm.

Cô Khang dạy Vạn vật, nên vẽ rất nhiều hình trên bảng. Cô vẽ đẹp đến nổi cuối giờ Vạn vật, đội trực không … nỡ bôi bảng. Giờ kế là giờ Công dân, thầy Huỳnh Quan Phận vô lớp, chắc Thầy cũng thấy hình hệ thống tuần hoàn Cô vẽ có máu đỏ và máu đen ra vào quả tim rất đẹp, và đẹp hơn cả hình trong sách Vạn vật nên Thầy cũng chỉ dùng có một nửa bảng đen.

Đến giờ Hình học của thầy Huỳnh Kim Thân, không biết có phải “tư tưởng lớn” gặp nhau, Thầy Thân cho chúng tôi làm bài kiểm suốt giờ Toán nên hệ thống tuần hoàn với máu đen (vẽ bằng phấn xanh) và máu đỏ (vẽ bằng phấn hồng) vẫn còn nguyên. Giờ Hình học là giờ cuối, chúng tôi làm bài kiểm xong, mặt mày phờ phạc vì vừa đói bụng, vừa phải suy nghĩ về bài kiểm Toán; vả chăng hình vẽ Vạn vật của cô Khang rất đẹp, nên không đứa nào nghĩ đến chuyện bôi bảng; lớp con trai buổi chiều cũng có dịp được chiêm ngưỡng tác phẩm của cô Khang, một kết hợp toàn hảo giữa Vạn vật và Hội họa.

Đó là kỷ niệm xưa. Bây giờ Thầy Thân đã vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ trường Ngô Quyền, bỏ chúng tôi, lũ học trò bé bỏng ngây thơ thủa nào… Thầy Phận hình như đang ở Seattle, Washington, tiểu bang Tây Bắc của nước Mỹ, một nơi mưa hơn 200 ngày mỗi năm vẫn được tôi đặt tên là “thành phố nhỏ lệ thương đời”. Và cô Khang, từ hơn ba thập niên qua, cũng như Thầy Phận và Thầy Thân, Cô mãi mãi xa rời bục giảng.

Đúng như chúng tôi đã nhận xét về hình vẽ rất đẹp, và sắc sảo của Cô, sau khi rời bục giảng từ hơn 30 năm qua, Cô sống bằng nghề vẽ truyền thần ở Sài Gòn.

Tôi chưa được dịp gặp lại cô Khang từ tháng 4/75, chưa được hân hạnh chiêm ngưỡng những bức vẽ chân dung, hay vẽ tĩnh vật của Cô để so sánh với trái tim và hệ thống tuần hoàn năm xưa, nhưng tôi biết chắc Cô vẽ không chỉ để mưu sinh mà còn vẽ với lòng đam mê của một nghệ sĩ, như ngày xưa Cô vẽ hình trên bảng không chỉ bằng kiến thức của một giáo sư Vạn vật mà còn bằng trái tim của một họa sĩ.

Cô Khang ít nói nhưng Cô thương lớp chúng tôi lắm. Có lẽ vì chúng tôi là 55 nữ sinh đậu cao nhất trong kỳ thi vào lớp Sáu năm xưa, lúc nào cũng chăm chỉ học hành, như trên đời không có gì để lo nghĩ ngoài chuyện học. Mà cũng có thể vì cô Khang là chị cả nên Cô thương chúng tôi như những đứa em gái út của Cô ở nhà.

Hình ảnh rõ nét nhất tôi còn giữ được về cô Khang là đôi mắt sáng, lấp lánh sau cặp kính cận, đôi mắt ánh lên niềm vui khi bài thi Vạn vật của lớp chúng tôi điểm thấp nhất lớp là 13/20, và bài giỏi nhất được điểm tuyệt đối 20/20.

Thưa Cô, xin được thay mặt cả lớp, hôm nay em ghi lại vài kỷ niệm về Cô. Thầy trò mình đã mất đi 35 năm kể từ ngày tụi em từ hai dãy bàn học trò nhìn lên Cô trên bục giảng thời Trung học, nhưng lòng kính thương của tụi em đối với Cô vẫn còn nguyên vẹn như một thủa nào mình còn ở trường Ngô Quyền.

Trong em, và có lẽ trong ký ức của cả lớp, hệ thống tuần hoàn trên bảng đen ngày xưa vẫn còn nguyên mặc dù tuổi đời của tụi em bây giờ đã hơn gấp ba thời tụi em còn được nghe Cô dạy Vạn vật ở trường Ngô Quyền .

Em mong Cô luôn vui khỏe để Thầy Trò mình còn có được cơ duyên hạnh ngộ dù mình đã ở xa nhau nửa vòng trái đất….

California, hè 2009 Nguyễn Trần Diệu Hương

TIN CẬP NHẬT (ngày 30 tháng 9, 2010)

Trong lúc viết bài MGTT về Cô Phạm Thị Khang (vào khoảng tháng 8, 2009), Nguyễn Trần Diệu Hương đã cố gắng tìm cách liên lạc và thăm hỏi tin tức của cô giáo cũ, người có những nét vẽ thật tuyệt vời trong các giờ Vạn vật mà thời gian dù đã hơn 35 năm trôi qua nhưng vẫn chưa hề nhạt phai trong ký ức cô học trò lớp sáu, lớp bảy ngày xưa. Rất tiếc, Diệu Hương đã không còn cơ hội để gặp lại người cô kính yêu cũ của mình lần nào nữa, dù cuối bài viết Diệu Hương đã bày tỏ niềm ao ước thiết tha là: “Em mong Cô luôn vui khỏe để Thầy Trò mình còn có được cơ duyên hạnh ngộ dù mình đã ở xa nhau nửa vòng trái đất…” . Một ước mơ mãi mãi không bao giờ thành sự thực nữa vì cô Phạm Thị Khang đã ra đi vào ngày 27 tháng 9, 2010 vừa qua.

Nhận tin cô mất với lòng ngỡ ngàng, xót xa… Sáu mươi bốn tuổi, trong thời đại này, là …chết trẻ đấy cô ơi! dù chưa được hân hạnh là học trò của cô, nhưng qua những lời kể của Diệu Hương và tấm lòng của anh Phạm Anh Quân dành cho cô trong thư dưới đây, chắc chắn sẽ còn rất nhiều niềm thương, nỗi nhớ dâng đầy của học trò và bạn bè đồng nghiệp của cô trong những ngày sắp tới khi nhớ về cô, về sự ra đi, mất mát lớn lao này.

Vĩnh biệt cô Phạm Thị Khang, cô thương mến! Xin gửi đến Cô những nén hương lòng thay cho lời biết ơn sâu xa của những đứa học trò đã không còn dịp gặp lại cô lần nữa. Nguyện xin Cô sớm được an vui trên cõi thanh tịnh, an lạc đời đời.

BBT

MGTT 16 – Các Thầy Cô dạy QUỐC VĂN

Sau loạt bài về các Thầy dạy Triết, BBT nhận được nhiều lời khích lệ từ quý Thầy Cô, và nhiều chs NQ. Đặc biệt hơn hết, chs NQ khóa 11 Trương Đức Hoàng đã “nhắm măt cho tôi tìm về một thoáng hương xưa”, và đã ghi lại cả một đoạn đời Trung học của anh, từ lớp Đệ Thất 4 (6/4) đến lớp 12B1 rất chân tình, trung thực và truyền được cảm xúc từ người viết sang người đọc .

Mời các chs NQ (nhất là các anh chị khóa 11, đã mang phù hiệu NQ từ năm 1966 đến năm 1973) cùng trở về Ngô Quyền xưa, như chúng ta chưa từng có trên dưới bốn mươi năm ngăn cách mình với thời mới lớn.

Lắng nghe kỷ niệm của chs Trương Đức Hoàng với các Thầy Cô giáo dạy Văn: Nguyễn Thị Nguyệt, Hà Bích Loan, Trần Thị Hương, Đoàn Viết Biên, Vương Chân Phương, Trần Văn Kế; và Triết : Trương Hữu Chí, Vũ Khánh Thành để thấy là các nam sinh NQ ngày xưa đã “xuất khẩu thành thơ” và đã “dám xướng họa” với những tên tuổi lớn trong Cổ Văn VN như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Đoàn Thị Điểm... như thế nào?

Và cũng để thấy học trò Trung học công lập trước năm 1975 được giáo dục đa dạng, và biết thưởng thức thể thơ song thất lục bát, thấu hiểu những nỗi niềm mà tiền nhân đã gởi lại cho thế hệ hậu sinh.

Cuối cùng, xin được cùng với các chs NQ khóa 11, chúng ta đốt lên nén hương lòng tưởng nhớ Thầy Trần Văn Kế, Cô Vương Chân Phương, và chs NQ Vũ Mạnh Tiến.

KỶ NIỆM BUỒN VUI THỜI TRUNG HỌC

Trương Đức Hoàng

Đã lâu rồi tôi cứ thao thức vì muốn viết về những kỷ niệm khó quên thời Trung học. Ngày xưa dù có những môn rất thích và có môn... “nuốt” không vô nhưng lúc nào tôi cũng kinh mến và nhớ thương quý Thầy Cô của mình. Bây giờ với đầu óc già cỗi, tôi xin bắt đầu với hai môn Việt văn và Triết học.

Năm tôi tập tểnh bước chân vào Trung học thì có vài đổi mới là mình ăn mặc chỉnh tề và có vẻ chải chuốt hơn! Chị Hai tôi đã dẫn thằng em qua tuốt bên phố Đa Kao ở Sài Gòn để mua một đôi dép da mới. Thú thật suốt thời gian học Tiểu học từ lớp Năm đến lớp Nhứt (lớp Một đến lớp Năm bây giờ), tôi chỉ thích đi chân không đi học! Còn mặc quần áo thì thiệt là quê, tôi chỉ biết bỏ áo trắng vào bên trong quần xanh sát rạt, làm tăng thêm vòng hai béo ụ của mình chứ không biết kéo một chút áo cho nó phùng lên như các anh lớn. Với phong cách khá chửng chạc như vậy, tôi và đám bạn bè bát nháo được xếp vào lớp Đệ Thất 4.

Trong năm này môn tôi vừa thích mà cũng vừa sợ là giờ Việt văn học với cô Nguyễn Thị Nguyệt. Thích vì cô hiền từ, cười như hoa nở khi giảng bài nhưng sợ vì với giọng Huế của cô, mỗi lần viết chính tả tôi đã bị không biết bao nhiêu lỗi! Có một lần cô đọc "chậm xuộng hàng", tôi nghe không rõ nên thêm chữ "chầm" rồi viết thành "chầm chậm xuống hang", sau khi cô chấm điểm thì ra đó là... chấm xuống hàng, nghĩa là xuống hàng để viết qua một câu mới! Đến một bài nói về miền quê ngoài Bắc, tôi ngẩn ngơ khi nghe hai chữ "mịa muội", không biết đây là từ quái quỷ gì nên đành bỏ trống. Rốt cuộc tôi bị hai lỗi mới biết "mía mùi" là một loại mía rất ngon! Khi học với cô, trong lớp tôi có một bạn tên Châu trắng trẻo, bảnh trai đã bị bạn bè đặt chết tên là "Châu chấu ma" từ bài "Bọ ngựa và Châu chấu ma". Tụi tôi cũng thay phiên nhau vuốt mũi anh chàng này cho đỏ chót khi nghe cô giảng: "mèo mũi đỏ là mèo hay ăn vụng!"

Sang năm Đệ Lục 4 lớp tôi học với cô Hà Bích Loan. Cô đã dạy cả đám "phàm phu tục tử" viết chữ Hán, nét nào phải đá lên, nét nào cần uốn móc câu... Trong giờ này tôi mắc cười khi nhìn đám bạn vì có đứa thì bặm môi, đứa thì méo miệng để viết cho đẹp! Ông ơi, tôi cứ tưởng tượng nếu cô bắt dùng bút lông loại lớn thì chắc tôi sẽ đau khổ cầm cán viết như là... cán cuốc vì mỏi tay! Cô đã khiến tụi tôi mơ mộng đủ thứ khi giảng "Bích Câu Kỳ Ngộ". Nghe giọng thao thao bất tuyệt của cô, tôi cứ ngỡ mình là "Tú Uyên" và không biết khi nào gặp được người đẹp trong tranh "Giáng Kiều" đây! Lúc đó tôi mới biết hèn gì bà chị kế (học trên tôi 5 lớp) phục lăn khi nghe cô giảng về "Chinh phụ ngâm" của Đoàn Thị Điểm. Sau năm này tụi tôi không còn dịp học với cô, vì hình như cô đã chuyển về trường Lê Quý Đôn ở Sài Gòn!

Năm học lớp Đệ Ngũ 4 với cô Trần Thị Hương, đám bạn tôi đã chấm cô là "người có mái tóc đẹp nhứt trường!". Năm này có một biến cố khiến tôi không bao giờ quên. Có một lần khi được cô kêu lên trả bài, đang đứng trên bục gỗ thì tự dưng tôi thấy đầu óc choáng váng, đầu va vào tấm bảng sau lưng rồi ngất xỉu hồi nào không hay. Đám bạn đã dìu tôi (hay khiêng nhưng tôi không biết) xuống nằm trên băng ghế dài. Đến chừng nghe tiếng thằng bạn loáng thoáng: "thằng Hoàng giả bộ xỉu vì nó muốn được cô thương hơn tụi em đó cô!", tôi bật cười và mở mắt ra thì thấy cô mỉm cười dịu dàng như một cô tiên!

Tụi tôi đã mơ làm chuyện nghĩa hiệp khi nghe Lục Vân Tiên (nực cười lũ kiến chòm ong) giải cứu tiểu thơ Nguyệt Nga. Lũ học trò nghịch ngợm của cô đã sửa từ

"Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng là phận gái ta là phận trai"

thành

"Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng chờ trong đó ta từ từ vô!".

Nhờ cô tôi mới biết "Hồn Cách Mạng" là tờ báo của phong trào "Việt Nam Quốc Dân Đảng", và năm 1945 Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống hai đảo "Trường Kỳ" và "Quảng đảo" là Hiroshima và Nagasaki của Nhật... Vài năm sau tụi tôi nghe tin Thầy mất, cho đến bây giờ tôi vẫn hối tiếc vì không viếng thăm cô được trong những ngày đau buồn này!

Qua năm sau, lớp tôi được đổi thành lớp Chín 4 và học với thầy Đoàn Viết Biên. Thầy rất vui vẻ nhưng trông oai nghiêm với cái roi mây, bất kể tụi tôi đã "trổ mã" và to sầm nhưng đứa nào lạng quạng vẫn được thầy ưu ái tặng vài roi như thường! Hồi đó thầy dạy hai môn Cổ văn và Kim văn, bắt học trò phải học thuộc lòng tiểu sử tác giả như Nguyễn Du hay Phạm Quỳnh... Khi "được" kêu trúng tên, tụi tôi phải đọc phần nói về tác giả trước rồi mới trả bài (dĩ nhiên cũng phải học cho thuộc).

Thầy đã chia lớp tôi thành sáu đội, mỗi đội hai bàn. Trước giờ của thầy, thành viên trong đội có nhiệm vụ phải kiểm tra xem bạn mình có thuộc bài hay không. Nếu trong đội nào có người không thuộc bài, đội trưởng phải cho thầy biết tên, nếu không lỡ thầy gọi trúng anh chàng đó thì cả đội sẽ lãnh đủ và ăn... roi mây! Hồi đó có những cảnh cười ra nước mắt, nhứt là khi tụi tôi học phần Kim văn, vì bài của các học giả còn phôi thai nên văn viết dài lòng thòng và khó thuộc. Vào một buổi trưa tôi phải ôn bài "Hai Con Đường" của Phạm Quỳnh cho một người bạn tên Trung, anh này đi một đường tiểu sử tác giả ngon như ăn cháo. Sau đó Trung cũng trả một hơi đến nửa bài, tôi thấy chắc ăn rồi mới nói: "Thôi được rồi, tao với mày đi chơi !".

Khi thầy Biên mở sổ vàng kêu tên thì xui khiến làm sao Trung được chiếu cố tới! Tôi rất tin tưởng thằng bạn mình ai ngờ sau khi đọc đến nửa bài thì "xe" bị trục trặc, Trung ú ớ và thầy nhắc một hai chữ. Anh chàng đọc mấy chữ này rồi cứ lặp đi lặp lại hoài trong khi tôi muốn thót tim! Sau đó thầy hỏi: "Đứa nào khảo bài cho thằng này?". Tôi đành đau khổ đứng lên nhận tội và đi lên bảng, cả đội riu ríu đi theo tôi rồi nằm sắp lớp trên bục gỗ như... cá mòi. Lúc đó mỗi tên lãnh ba roi, tuy không đau nhưng thiệt là tức vì có mấy đứa con gái học khác buổi đi trực, sau khi thầy ký vô sổ điểm danh các "ả" không chịu đi cho rồi, cứ đứng ở ngoài cửa cười khúc khích hoài!

Cũng trong buổi chiều đó đến đội 6 thì đội trưởng báo cáo có bạn Tiến không thuộc bài. Tiến bèn tức tối đứng lên nói: "Thưa thầy, bửa nay trong đội có tới mấy đứa không thuộc bài chứ không phải một mình em!". Thầy Biên cười cười và không chờ các bạn khác nói "oong đơ" (un- deux) gì hết, đã kêu cả đội lên bảng nằm xuống để lãnh ơn mưa móc của thầy!

Nói về giảng bài thì khỏi nói, thầy đã truyền cho lớp tôi hào khí bừng bừng của ông Nguyễn Công Trứ. Nào là "Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc, Nợ tang bồng vay trả trả vay, Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây, Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể", hay là tuy nghèo nhưng không sờn lòng qua "Hàn Nho Phong Vị Phú", trong đó có câu

"Chém cha cái khó, chém cha cái khó!"

nhưng tụi tôi đã sửa thành

"Chém cha con chó, chém cha con chó!"

và hai câu

“Đêm năm canh an giấc ngáy o o, Thời thái bình cửa thường bỏ ngõ”

trở thành

“Đêm năm canh an giấc ngày o o, Bừng tỉnh dậy thấy đồ bay mất hết!”

Ngoài ra, cả lũ học trò non nớt cũng say sưa khi nghe thầy giảng truyện Kiều để cảm thương cho thân phận long đong của nàng.

Bước lên năm lớp 10B4, không biết tại sao tụi tôi chỉ học với cô PhạmThị Nhã Ý có một buổi, sau đó thì được học với cô Vương Chân Phương. Có lẽ vì cô Nhã Ý thấy trong lớp tôi, tên nào cũng có vẻ nghịch ngợm quá quắt chăng ?! Năm này tôi thật sự mê thơ "Song thất lục bát" trong "Chinh phụ ngâm" vì cô Chân Phương giảng bài thật tuyệt vời với những hình tượng rất đẹp như: "Ngòi đầu cầu nước trong như lọc, Đường bên cầu cỏ mọc còn non" hay "Áo chàng đỏ tựa ráng pha, Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in" và "Hồn tử sĩ gió ù ù thôỉ, Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi"... Cô cũng giải thích tâm sự não nùng của người chinh phụ qua "Đưa chàng lòng dặc dặc buồn, Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền", "Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy, Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu, Ngàn dâu xanh ngắt một màu, Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?" hay "Dấu chàng theo lớp mây đưa, Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà"...

Năm cuối tôi học Việt văn là lớp 11B4 với thầy Trần Văn Kế. Nhờ thầy tụi tôi đã có dịp "thâm cứu" thêm về sự thâm thúy của môn học này. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ phong cách đỉnh đạc với giọng ngâm sang sảng của thầy:

"Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,

Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên,

Có giang sơn thì sĩ đã có tên

Từ Chu Hán vốn sĩ này là quí.."

("Kẻ sĩ" / Nguyễn Công Trứ)

Năm đó cũng nhờ thích bài này mà tôi "trúng tủ" khi thi Tú tài 1 vào ngày 02/08/1971. Sau khi đọc đề bài, tôi mừng hết lớn và cứ cắm cúi viết ro ro môt mạch chứ không cần suy nghĩ gì nhiều (sau này tôi đoán có lẽ các anh chị khác học cùng thời cũng may mắn như vậy!)

Cuối năm 1971 lớp tôi bị tan bầy xẻ nghé: có bạn vào quân trường, vài người thi làm thầy giáo, hai bạn chuyển qua học lớp 12A4 còn số còn lại và tôi lên lớp 12B1. Năm cuối bậc Trung học tụi tôi bắt đầu làm quen với những khái niệm về Triết học. Lớp tôi đã học "Đạo đức học" với thầy Trương Hữu Chí và "Luận lý học" với thầy Vũ Khánh Thành. Tôi và các bạn đã học bộ môn Công dân với thầy Thành từ năm lớp 11B4 nên cảm thấy rất thân quen. Trong khi giảng bài với phong cách hòa nhã, từ tốn, thỉnh thoảng thầy cho mấy đệ tử những lời khuyên thật dí dỏm, ý nhị. Tôi vẫn còn nhớ từ buổi học đầu tiên với thầy Chí, đám học trò "lớn" rất thích thú qua lối giảng dạy sinh động của thầy.

Bây giờ sau gần 40 năm, cô Vương Chân Phương và thầy Trần Văn Kế đã ra đi. Bạn Vũ Mạnh Tiến “hay hút thuốc lá trong giờ cô Bích Loan" (lời thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo) và "bị báo cáo" trong giờ học với thầy Đoàn Viết Biên cũng không còn nữa! Xin thắp một nén hương lòng. Dù qua biết bao vật đổỉ sao dời, tôi vẫn nhớ tình cảm thắm thiết của bạn bè xưa và nguyện khắc ghi trong lòng công ơn, ân tình của quý Thầy Cô suốt đời.

Trương Đức Hoàng - Australia

Trưởng Khối Xã Hội Học Tập- Ban ĐHHS NQ (nk72-73)

18/09/2010

MGTT 17 - Tạ Ơn Thầy Cô Nhân Lễ Thanksgiving 2010

Mỗi năm vào dịp Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, chs NQ nhắc nhau cùng bày tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành, quý Thầy Cô đúng như tinh thần lễ giáo Đông phương "Công Cha nghĩa Mẹ ơn Thầy" và những bài Công dân giáo dục đã được học từ thời thơ dại.

Đặc biệt lần này, ngoài lời tri ân đến các Thầy Cô từ học trò Ngô Quyền xưa, MGTT xin được vinh danh Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo, một người gắn bó gần như cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục, đã góp công không nhỏ trong việc đào tạo nhiều nhân tài cho miền Nam, và đã là niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò tiếp nối trở thành những nhà giáo có cả nhiệt tình lẫn tài năng.

Xin mời tất cả chs Ngô Quyền cùng quay về trường xưa trong tâm tưởng để tri ân những người lái đò ngày nào đã ít nhiều góp phần đưa chúng ta đến bờ bến thành đạt cùa đời người.

BBT

Trong 12 năm dài làm Hiệu trưởng Trung học Ngô Quyền (1961-1973), Thầy Phạm Đức Bảo không còn trực tiếp giảng dạy như thời Thầy còn là GS ở Quốc Học (Huế), nhưng hầu hết các chs NQ ở Đệ Nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) đều có dịp học với Thầy một hay hai giờ khi Thầy dạy thế thay cho GS chính vì một lý do nào đó phải vắng mặt. Những lần như vậy, cả lớp "ngoan" và chăm học hơn bình thường vì Thầy là ông Hiệu trưởng với quan niệm "thương cho roi cho vọt" thường xuất hiện trong sân trường với cây roi dài lăm lăm trên tay. Hình ảnh đó trở thành một ấn tượng không nhòa trong ký ức cúa tất cà chs NQ. Ngày xưa, học trò NQ sợ Thầy hơn là thương Thầy. Sau này, trưởng thành khôn ra, hiểu ra "nhờ ai ta có ngày nay", hình ảnh ông Hiệu trưởng nghiêm khắc với cây roi dài chừng như trở thành hình ảnh ông tiên cầm cành dương liễu.

Nên cuối thập niên 90s , khi Thầy từ Đức qua Mỹ, ghé qua San Jose, chs Ngô Quyền miền Bắc đón tiếp Thầy rất nồng hậu với nhiệt tình của "thời mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy" dù tóc của nhiều anh chị đã đổi màu. Đó là lần đầu tiên chs NQ miền Bắc họp mặt đông kín cả nhà hàng, những người đến trễ phải đứng ở ngoài hàng hiên.

Học trò thơ dại năm xưa đã trưởng thành, sự nghiệp vững vàng nên Thầy Hiệu trưởng không còn nghiêm khắc, không còn cầm theo cây roi. Nhưng học trò xưa vây quanh Thầy vẫn với lòng kính trọng như một thủa nào mắt sáng môi tươi với phù hiệu Ngô Quyền trên đồng phục học sinh. Đêm đó ở một góc San Jose, xa Biên Hòa nửa vòng trái đất, mắt thầy trò cùng lấp lánh niềm vui như những tinh tú trên trời vào một đêm đẹp trời cuối xuân đầu hè …….

Nguyễn Trần Diệu Hương- học trò của chs Ngô Quyền khóa 5,6 và 7

Đầu năm Đệ lục (sau này đổi thành lớp 7) tôi được Thầy Hiệu Trường Phạm Đức Bảo cho phép chuyển từ "trường quê" Tân Uyên về "trường tỉnh “Ngô Quyền” kèm theo "lời răn đe":

-Liệu mà học hành. Học không chăm, không giỏi sẽ bị đuổi về lại Tân Uyên.

Mười hai tuổi, học trò nhà quê ra tỉnh, tôi vừa sợ Thầy, vừa sợ bị đuổi ra khỏi trường nên hết sức chú tâm vào chuyện học. Có lẽ nhờ vậy mà tôi có căn bản vững chắc trong mọi môn học, đặc biệt là môn Toán, môn có hệ số cao nhất của bậc Trung học.

5 niên khóa trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ, mỗi cuối năm học tôi đều được phần thưởng nên không… “bị đuổi về Tân Uyên” và cũng chìm lẫn vào cả ngàn nam sinh áo trắng quần xanh ngoan ngoãn của ngôi trường công lập lớn nhất miền Đông Nam phần. Cuối năm Đệ Nhị B1 (11B1 sau này), tôi đậu Tú tài 1 ưu hạng nên Thầy càng nhớ tôi hơn. Xong bốn năm ở Sư phạm Toán, tôi được đi học thêm một năm ở Pháp, rồi về lại quê nhà. Ghé thăm trưởng xưa, tôi gặp lại Thầy, lúc đó không còn là Hiệu trưởng Ngô Quyền mà đổi về Khu Học chánh. Thầy vẫn nhớ cậu học trò nhà quê năm xưa nên mặc dù tôi không còn được ưu tiên chọn nhiệm sở như lúc mới ra trường Đại học Sư phạm, Thầy vẫn nhận học trò xưa vào dạy Ngô Quyền như Thầy đã làm với rất nhiều học trò cũ thời Thầy còn dạy Quốc học ở Huế (trong số này có quý Thầy: Tôn Thất Long, Thân Trọng Bình, Tôn Thất Để, Trần Phiên, và Lê Quý Thể đã từng dạy Toán ở Ngô Quyền)

Xin kính cảm ơn Thầy về tất cả những quan tâm Thầy đã dành cho học trò Ngô Quyền nói chung và em nói riêng. Lúc nào em cũng nhớ đến Thầy. Cầu mong Thầy luôn an lạc và vui khỏe như một thuở nào ở Ngô Quyền thân yêu.

BBT viết theo lời kể của Thầy Diệp Cẩm Thu, chs NQ khóa 7

… Ngôi trường Ngô Quyền mơ ước và thân thương đang đón chờ tôi, thời đó trường như vậy là khang trang, hiện đại lắm rồi: gồm hai dãy lầu quét vôi màu vàng, giữa là sân chơi với những hàng dương đã bắt đầu tỏa bóng mát. Ngoài ra phía trước, ngoài cổng bước vào bên trái còn một nhà trệt, mái ngói, cửa kính, đó là phòng thí nghiệm, phía sau và một bên sân có mấy nhà để xe cho học sinh.Nhớ về trường xưa, tôi và các bạn làm sao quên được công lao, nghĩa tình sâu nặng của biết bao thầy, cô đã vun đắp cho chúng ta…

Huỳnh văn Huê – chs Ngô Quyền khóa 8 – Biên Hòa- Việt Nam

…Xin được có một Lời Tạ Ơn gửi đến các Thầy Cô đã dạy chúng em học tại trường Ngô Quyền Biên Hòa ngày xưa...!

Phạm Anh Quân – chs Ngô Quyền khóa 15– Biên Hòa- Việt Nam

… Dù có đi khắp bốn phương trời, mãi mãi hình ảnh Thầy Cô, bè bạn dưới mái trường NGÔ QUYỀN luôn ở trong trái tim tôi.

Thầy rất chân tình chăm lo cho tất cả chúng tôi, khiến cho chúng tôi ai nấy đều kính quý Thầy, cảm thấy thân yêu Thầy như người Cha trong gia đình, mọi người không ai bảo ai đều ra sức học tập chuyên cần để Thầy vừa lòng.

Thầy rất hiền lành, nhưng cũng rất nghiêm, tận tụy siêng năng, chăm chút theo dõi việc học tập của từng người học trò một, không bỏ sót một ai... Thầy rất tình cảm, có lần tôi nhìn thấy Thày khóc, vì một bạn trong lớp vi phạm kỷ luật và bị điểm kém…

Nguyễn Ngọc Xuân- chs Ngô Quyền khóa 7- Đà Nẵng- Việt Nam

… Người Mỹ có phong tục rất hay, có ngày Thanksgiving để tạ ơn trời, để tạ ơn gia đình, tạ ơn bạn bè, tạ ơn những người chung quanh đã giúp mình. Tôi nhận lấy phong tục nầy. Xin được tạ ơn trời, tạ ơn cha mẹ, tạ ơn gia đình, tạ ơn thầy cô: thầy Phúc, thầy Hiệp , thầy Kỷ , thầy Bích, thầy Quyến (Pháp Văn), thầy Lan (Anh Văn), thầy Văn (Vạn Vật), thầy Hưng, cô Oanh (Sử Địa) và tất cả những thầy cô ở Ngô Quyền năm xưa. Tôi muốn viết một bài để tạ ơn thầy cô như nhà văn, nhà giáo Nguyễn Xuân Vinh viết trong "Thầy Còn Nhớ Tôi Không". Nhưng giáo sư Nguyễn Xuân Vinh viết hay quá. Tôi không thể nào viết một bài hay như thế được, xin thầy cô nhận nơi đây như những lời tạ ơn của em trong mùa lễ Tạ Ơn. Cũng xin tạ ơn các anh chị trong ban Chấp Hành Hội Ái Hữu CHS Ngô Quyền Biên Hòa đã tạo cơ hội cho chúng ta có dịp tìm lại nhau sau một quãng thời gian dài xa cách tưởng như không còn dịp gặp nhau nữa…

Thung Lũng Hoa Vàng

Mùa Lễ Tạ Ơn 2010

Nguyễn Anh Tuấn - chs NQ khóa 6 (1961-1968) - San Jose, CA- USA

… Thầy dạy tôi môn Hóa Học. Người thầy cao ốm, khẳng khiu. Dưới đôi mắt kiếng dầy cộm như vỏ chai, thầy hay tít mắt lên cười. Thầy trẻ trung, vui tánh và hay pha trò nên không khí trong lớp học Thầy dạy rất cởi mở. Thầy dạy từ từ, rõ ràng, theo mức độ hấp thu của học sinh. Khi giảng bài Thầy dùng phấn nhiều màu để viết dàn bài hoặc vẽ hình minh họa . Thầy biến môn Hóa khô khan thành một môn học lý thú và dễ hiểu. Học sinh lơ tơ mơ như tôi mà lúc đó còn hiểu cấu trúc cơ bản nguyên tử (atom) gồm có protons, neutrons và electrons. Protons mang điện dương, electrons mang điện âm còn Neutrons thì trung hòa. Chính vì thấy mình không đến nỗi tệ trong môn Hóa nên sau này lên Đại Học tôi đã mạnh dạn đi theo ngành Hóa Học. Em xin cám ơn Thầy…

Phạm Thị Hạnh-chs NQ khóa 11 – (Australia)

NHỮNG LỜI CHƯA NÓI.

Tôi rời xa mái trường Ngô Quyền năm 1970, thoáng chốc đã 40 năm với bao bước thăng trầm trong cuộc sống, tuổi đã vào Thu biết bao kỷ niệm còn luyến nhớ, cỗng trường xưa, con dốc lài từ Đài kỷ niệm xuống Biên Hùng chỉ còn trong trí tưởng. Bao người xưa phiêu bạt nơi đâu, chợt nhớ ra mình cũng còn “ Những lời chưa nói” với Thầy với Cô của những ngày đi học.

Cô ĐàoThị Nga tôi vẫn luôn nhớ đến cô, năm đầu thất 4 những bài Anh văn vỡ lòng Let’s Learn English. Nhớ đến cô như nhớ đến những ngày hiên ngang lên Trung học. Suốt 7 năm dưới mái trường Ngô Quyền, tôi rất sợ các giờ của quý Thầy Nguyễn Văn Phố, Nguyễn Thất Hiệp, Tôn Thất Để, Tôn Thất Phong, Lê Văn Tuý và Lê Quý Thể, không biết vì quý Thầy quá nghiêm hay bản thân tôi dở Toán. Trái lại tôi rất ham học những giờ Việt văn với Cô Bùi Thị Ngọc Lan với những bài văn nhẹ nhàng, cô Hà Bích Loan với những câu chuyện thần tiên "Bích Câu Kỳ Ngộ”, thầy Đoàn Viết Biên với những bài thơ của Nguyễn Khuyến, bà Huyện Thanh Quan và thầy Phạm Ngọc Quýnh với tuyệt tác “Kim Vân Kiều”. Với sở thích của mình lẽ ra tôi phải chọn ban C khi lên đệ nhị cấp, nhưng “Đường về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê” của mấy đứa bạn hiên ngang chọn ban B để cho mấy cô em biết mình giỏi Toán. Ngoài cô Đào Thị Nga, môn Anh văn còn có cô Võ Thị Thu Thủy, Thầy Nguyễn Xuân Kính, Thầy Nguyễn Văn Lan, cô Phan Thị Tốt và thầy Phạm Văn Dật. Môn Pháp văn vẫn nhớ đến cô Nguyễn Thị Mỹ và thầy Đinh Hữu Quyến và còn nữa thầy Nguyễn Ngọc Ẩn với môn Sử Địa. May mắn tôi vẫn còn thường gặp lại cô Bùi thị Ngọc Lan với nụ cười hiền hòa thuở nào, gặp lại cô Hà Bích Loan một lần cùng với cô Phạm Thị Nhã Ý vẫn nhớ lời nhắn nhủ ân cần của cô “Người viết văn thơ muốn viết cho đạt, phải đặt cái tâm hòa trong lời viết”. Gặp lại thầy Nguyễn Văn Lan vào năm 1996, thầy đến Mỹ từ Paris và Thầy trò đã có một đêm tâm sự. Riêng thầy Nguyễn Văn Phố cũng ở gần đây thôi, tôi đã thường tự nhắc với bản thân mình, cố gắng mỗi tháng đến thăm để nghe lại giọng nói, và nhìn lại dáng cao gầy của thầy.

Kính thưa Thầy, kính thưa Cô. Là một đứa học trò đi lạc nhưng vẫn còn một lối để quay về, với trái tim còn thổn thức để được nói lên “NHỮNG LỜI CHƯA NÓI” trong mùa lễ tạ ơn.

Nguyễn Hữu Hạnh- Orange County . CA USA

… Từ Khiết Tâm, tôi “leo rào” qua Ngô Quyền vì nghe nói học sinh trường Ngô Quyền đẹp lắm, học giỏi nữa, bao nhiêu người trẻ tài hoa đều tập trung ở Ngô Quyền, định mệnh đẩy đưa tôi trở thành học sinh Ngô Quyền với năm học cuối cùng của bậc trung học, bao nhiêu những kỷ niệm đẹp, huy hoàng mà suốt đời tôi không quên được với một năm học cuối này. Ở đây tôi tham gia các sinh hoạt thể thao, văn nghệ, xã hội... gặp gỡ những người bạn, người em thân thương, chân tình, chia xẻ những băn khoăn, trăn trở của tuổi mới lớn. Cũng nơi đây tôi nhận thấy tình cảm yêu thương tận tâm tận lực của các thầy cô như: thầy Bảo, thầy Lê Quý Thể, thầy Lâm Tấn Văn, thầy Mai Kiến Phúc, cô Tốt dạy Anh văn, thầy Thành... và còn nhiều nữa, các thầy cô đã đem hết tình yêu thương cũng như khả năng để dạy chúng tôi, giúp chúng tôi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Nhớ lại ngày xưa còn nhỏ, ông bà, ba mẹ tôi thường dạy rằng: "một chữ cũng là thầy", hoặc "mùng một tết cha, mừng hai tết chú, mùng ba tết thầy". Hồi còn học bậc tiểu học ở trường làng quê, mỗi dịp tết đến tôi thường đi bộ đến nhà từng thầy cô để chúc tuổi.

Thời gian đã qua, đầu đã bạc, nay có dịp ôn lại cái thủa xa xưa ấy. Rất chân thành cám ơn Ban Biên Tập cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa đặc biệt mục Một Góc Thầy Trò đã tạo cơ hội cho tôi được viết lại dòng tâm sự này, với lối văn, ngôn từ mộc mạc hy vọng với lòng thành cũng đủ để tỏ lòng tri ân quý thầy cô đã giúp tôi có ngày hôm nay. Nguyện xin ơn trên tuân độ nhiều hồng ân xuống cho quý thầy cô, đặc biệt hằng ngày trong lời cầu nguyện xin cho quý thầy cô đã quá cố được hưởng phước đời đời...

Đinh Quang Bình-Trưởng Khối Thể thao NQ (nk72-73) -Dallas TX USA

THẦY ƠI!

Thầy nén lại tiếng ho trong ngực

Giấu cơn đau khớp gối trở trời

Không để cho đời riêng cơ cực

Làm nặng nề bài học tinh khôi.

Tóc đen theo thời gian bạc trắng

Lưng còng thêm những nỗi lo toan

Nếp suy tư hằn trên vầng trán

Vắt cạn nguồn kiến thức cho con.

Thầy đứng lại để con bước tới

Bóng hoàng hôn tỏa ánh nhân từ

Ấm lòng con tình thầy vời vợi

Tuổi học trò chẳng chút ưu tư .

Thầy đã chắp cho con đôi cánh

Bằng lời hay ý đẹp mênh mông

Bàn tay thầy tiếp thêm sức mạnh

Giữa bão giông vẫn thấy an lòng.

(Kính nhớ tất cả các thầy cô của mái ấm NQ)

Hà Thu Thủy - Biên Hòa- Việt Nam

Sau cùng, cũng xin được gởi lời tạ ơn trong tâm tưởng đến tất cả các Thầy Cô đã quá cố. Cầu mong quý Thầy Cô được thanh thản ở cõi vĩnh hằng.

Tôi rất xúc động khi hay tin Thầy Trần Văn Kế đã qua đời. Rất tiếc là từ khi Thầy sang Mỹ tôi chưa có lần nào có dịp được thưa chuyện với Thầy. Trong quãng đời làm học trò Ngô Quyền, tôi chỉ nhận được lời khen duy nhất từ Thầy. Lời khen của Thầy, dù có hơi thiên vị, đã an ủi tinh thần tôi rất nhiều trong những lần vấp ngã.

Phạm Kim Luân-Trưởng Khối Báo chí Ngô Quyền ( nk 73-74)- Hòa Lan

... Lần Thầy thay “van tim” ở bệnh viện San Jose những ngày đầu thế kỷ 21, tôi vào bệnh viện thăm Thầy, thấy Thầy vẫn còn hôn mê trên giường bệnh chằng chịt ống dẫn nước biển. Bên cạnh, Cô mệt mỏi ngủ ngồi. Tôi rón rén đặt bình hoa trên bàn rồi lặng lẽ ra về. Hôm sau, Thầy gọi điện thoại cảm ơn làm tôi cứ thắc mắc mình đã cảm ơn đủ những điều mình đã nhận được từ Thầy Cô từ bao năm qua hay chưa?

Đầu mùa Xuân 2007, chs Ngô Quyền ở miền Bắc California tiễn Thầy về với hạc nội mây ngàn. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, chắc hẳn rất nhiều học trò cũ của Thầy ở Vĩnh Long, ở Biên Hòa cũng gởi lời cầu nguyện vào hư không tiễn Thầy về với Chúa.

Cũng như chs Ngô Quyền các khóa 15, 16 và 17 đã thành tâm tưởng nhớ Cô Phạm Thị Khang, Cô Lê Thị Mỹ và cầu mong hai Cô được sớm siêu sinh tịnh độ.

Nguyễn Trần Diệu Hương- Phó Tổng Thư ký BĐH HS NQ (nk 74-75)

MGTT 18- Thầy trò NQ vĩnh biệt Cô Trần Thị Hương

Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California, để lại cho đồng nghiệp và học trò nhiều thương tiếc.

Một vài bài viết giới thiệu trên MGTT số 17 đã được viết bằng cảm xúc rất thật giữa bạn bè đồng nghiệp, và giữa thầy trò như là điếu văn tiễn Cô về cõi vĩnh hằng.

Trước khi ra đi, Cô Hương còn để lại cho học trò một bài thơ ghi lại cảm xúc của Cô sau khi đọc MGTT số 15. BBT xin được phép Cô cho phổ biến bài này trên trang nhà.

MGTT số 17 cũng xin thắp nén hương lòng cho tất cả quý Thầy Cô, và các chs Ngô Quyền đã khuất bóng.

Cuộc đời vốn mong manh, vô thường… nay còn, mai mất, nên xin kính mời quý Thầy Cô và tất cả chs NQ khắp nơi trên toàn thế giới cùng về sum họp tại miền Nam California vào tháng 7 năm 2011 nhân dịp Hội ngộ trùng phùng lần 2 vì biết đâu "mai sau còn có bao giờ"...!

BBT

Chỉ sau một ngày trong bệnh viện, ra đi thực nhẹ nhàng, nhanh chóng! Những người quen biết, tiếp xúc với cô Hương có thể nào lẹ làng quên được cô ấy không nhỉ? Cuộc sống dồn dập với những diễn biến không ngừng khiến tâm hồn ta cũng phải mau lẹ quên đi nhiều thứ. Thời điểm có thể dễ dàng quên những cảm xúc với sự việc thì sao?.

Nếu tình cảm giữa người và người là duyên phận thì giữa cô Hương và tôi là thế đấy!.

Thời gian dạy chung ở Ngô Quyền ngắn lắm, chỉ một niên khóa thôi (1972-1973). Sau khi Bác Sĩ Hiệp mất, cô Hương về Sài Gòn dạy ở Lê Quí Đôn và rồi đất nước thay đổi, nhưng cô và tôi vẫn gặp gỡ nhau. Đến khi di chuyển lập nghiệp nơi đất mới, tôi kiếm lại được cô không lâu ngay sau đó. Làm sao mà kiếm được nhau? Tôi không còn nhớ, tôi chỉ nhớ lần gặp ấy, câu tình cảm cô đã nói với tôi:

"Sau khi anh Hiệp mất, chị đã mất đi nhiều thứ lắm trong đó có cả nhiều tình cảm bạn bè nữa. Nhưng với em, mọi biến cố trong đời chị, em đều biết và đều kiếm được để đến thăm chị, chị vui lắm."

Đơn giản thế thôi! Nhưng câu nói của cô Hương cũng đã làm tôi quên mất hơn 2 tiếng lái xe từ San Jose đến Sacramento để gặp lại cô ấy.

Tại sao tôi phải lái xe một quảng đường dài để đến thăm cô Hương? Tôi nhớ mình đã trả lời câu tâm tình của cô Hương và cũng là câu giải đáp cho nguyên nhân chuyến đi đó. Giờ đây cô đã cách biệt và sau này sẽ chẳng thể gặp gỡ nhau ở cõi trần này nữa, tôi không ngại để nhớ lại tâm tình câu trả lời của tôi lúc đó:

"Chị không biết sao ư? Chị có ảnh hưởng nhiều đến cách sống của em nhiều lắm".

Cô Hương cười và sau đó chúng tôi chia sẻ những tình cảm, suy nghĩ, và kinh nghiệm về đời sống với nhau.

Cô Hương luôn giản dị trong cách suy nghĩ, trong cư xử, dùng tấm lòng trung hậu, và kiên trường trong bất kỳ mọi hoàn cảnh: Với 4 con còn thơ ngây, góa phụ ở tuổi 34; một mình mang con đến đất mới, tất cả đều chưa thành thân... Tôi chưa từng nghe cô thốt lời chán nản, buông xuôi.

Theo thời gian, những gì cô Hương muốn hầu như đã hoàn thành được hết. Con cái lớn khôn trở thành những người hữu dụng trong xã hội. Và ngay cái ước muốn khó nhất là: "nếu phải ra đi, chỉ muốn được lẹ làng" Cuối cùng, thì sao nhỉ? Cô Hương đã thực hiện, kỳ diệu thật, phải không nào?.

Ngày 26 tháng 11 năm 2010, cô Hương thực đã đi rồi, nhưng không ít thì nhiều cô đã, vẫn và sẽ là một động lực ảnh hưởng đến thái độ can đảm, đối mặt hoàn cảnh khó khăn, buồn nản vẫn thường đến trong đời sống của tôi.

Thật lẹ làng!, cô Hương đã biến khỏi thế gian và trong lần cuối này tôi lại không đến gặp cô được.

Tiếc thật! nhưng biết sao bây giờ? âu đó cũng là một phần của duyên mạng, phải vậy không?

Mặc dù cô đã lẹ làng ra khỏi tầm nhìn của tôi, nhưng cảm xúc giữa cô và tôi vẫn còn như đâu đây và nó sẽ bất diệt, tôi biết thế!

Sự bình an, thanh thản sẽ luôn ở với cô Hương. Tôi vẫn luôn là bạn và là một người em gái nhỏ của cô ấy.

Cô Trần Thị Minh Tâm

HÀNH TRANG TRONG CHUYẾN VIỄN DU

Cô kính mến,

Mấy tuần qua khí hậu ở Sydney rất dễ chịu và hoa lá rực rỡ dưới nắng ấm của mùa Xuân, nhưng hai ngày nay bỗng dưng trời mưa tầm tả nên cảnh vật buồn thật buồn! Khoảng 5 giờ 30 sáng Chủ nhật em mở máy và ngồi chết lặng khi biết tin Cô vừa đột ngột ra đi! Em không tin ở mắt mình nữa vì ngày 21/11 Cô còn gửi cho em hai lá thư: (1) trả lời về hai tấm hình cũ em gửi cho Cô cách nay đúng một tháng, (2) lời hướng dẫn cách vào trang Web để đọc những tác phẩm của nhà văn (Ông) Bình Nguyên Lộc. Cô ơi, em đã đứng nhìn màn mưa giăng giăng ở ngoài trời, trên những ngọn cây trước nhà mà nước mắt ràn rụa và thấy thấm thía câu "đôi khi tôi muốn tin... tôi muốn tin những người khóc lẻ loi một mình!". Khi gửi hai tấm hình "Tìm đường ra khơi" năm 1981, em có hứa là khi nào có dịp, em sẽ kể cho Cô nghe chuyến vượt biên rất ly kỳ này nhưng bây giờ em không bao giờ có cơ hội để thực hiện điều này nữa!

Trong lá thư đầu tiên gửi cho Cô, em chỉ mong mình được sống như "cây mắm" trong truyện "Rừng mắm" của Ông để lo cho thế hệ sau (như các loại cây khác) được đơm bông kết trái sum xuê. Em đã gửi hai bài viết "Có những tấm lòng" và "Những tháng ngày lang bạt" để Cô biết cây mắm đã sống như thế nào sau cuộc đổi đời và được lời khích lệ của Cô "Và em nữa, cây mắm đã quen với nước mặn đồng chua vẫn sum xuê mặn mà trên vùng đất xa lạ. Tiếng nói con tim bao dung, ngọt ngào sẽ làm cho cuộc đời đẹp hơn phải không em?”. Em định gửi tiếp "Ngọt ngào hương trái thị" nói về chuyện đi cắm trại và cạo rửa, sơn quét tháp chùa Hội Sơn Tự ở gần Thủ Đức năm học lớp 12, vì trong lòng rất nôn nao muốn biết cảm nghĩ của Cô như thế nào nhưng hỡi ôi, em đã đi chậm một bước và làm sao nghe được lời Cô chỉnh sửa những đoạn văn còn vụng về!

Cho đến bây giờ em vẫn còn nhớ cô mình với mái tóc mềm như tơ trời, ánh mắt và nụ cười thật từ ái, khoan dung. Dù qua biết bao nhiêu năm, Cô vẫn không quên học trò của mình "Cho dù cô không nhớ rõ tên và dáng dấp của từng học sinh trong thời niên thiếu, nhưng những hình ảnh của những cô cậu học trò thân thương vẫn còn đậm nét trong những người mang nghiệp nhà giáo như cô trên miền đất tạm dung này". Ngay cả khi bị bịnh Cô vẫn nghĩ đến cậu học trò nhỏ này (dù bây giờ tóc em đang trắng dần như bông mận!) "Hơn tháng nay cánh tay mặt cô bị đau nên mỗi lần thấy con "mouse" đâm ra sợ. Cô đang điều trị theo kiểu phisical therapy, hy vọng sẽ đỡ rồi cô sẽ viết nhiều cho em". Cô ơi, viết đến đây không hiểu tại sao em thấy mấy dòng chữ cứ nhảy múa rồi nhòe nhoẹt dần qua màn nước mắt!

Em cám ơn lời dặn dò của Cô: "Cây mắm" vùng nước mặn sẽ còn nhiều gắn bó với quê hương". Cô biết không, ngày vượt biên khi chiếc ghe từ từ ra cửa biển, nhìn lại cảnh vật xa dần... xa dần... em nghe lòng rưng rưng và không cầm được nước mắt! Dù tính ra thời gian lưu lạc nơi xứ người dài hơn lúc còn ở quê nhà, nhưng lúc nào em cũng khắc khoải nhớ từng kỷ niệm xưa.

Trước đây em từng nghĩ: "Chà, không biết chừng nào mình mới có dịp gặp lại Cô đây?!" (vì Cô đã dặn em: "Khi nào có du lịch Mỹ cô mời Hoàng ghé qua nhà cô chơi. Diệu Hương biết chỗ cô ở") và viết cho Cô: "Đối với em, bây giờ còn được nghe những lời nhắn nhủ ân cần của Cô là diễm phúc rất lớn ở cuối đời mình", nhưng giờ đây ý nghĩ này đã trở thành vô vọng và hạnh phúc nhỏ nhoi cũng vuột khỏi tầm tay!

Hôm trước sau khi đọc tiểu sử của Ông và biết Thầy mất năm 1973, em đã chân thành chia buồn với Cô về sự mất mát quá to lớn này dù muộn màng. Cô ơi, em nghĩ Cô không còn phải giữ "nỗi buồn dai dẳng suốt 37 năm trời" như Cô từng viết cho em nữa, vì Cô sẽ có dịp ra biển như ước vọng của mình để về "Quê hương, khung trời cũ" và về với Thầy!

Cô kính mến, bây giờ em có cảm tưởng Cô đang từ từ bay lên... cao dần và xa dần... đến một phương trời nào đó, và tình thương bao la của Cô đang hòa vào đại dương và vũ trụ. "Cây mắm" vùng nước mặn ước mong lá thư này như là hành trang trong chuyến viễn du để Cô yên vui ở cõi vĩnh hằng.

Em kính,

Trương Đức Hoàng

Phụ Đính: Lá thư và bài thơ cuối cùng của cô Trần Thị Hương.

Date: Sat, 23 Oct 2010 12:18:47 -0700

From: huong_hiep@yahoo.com

Subject: Fw: Cam on

To: hoangtruong55@hotmail.com

Em Hoang than men,

Co xin goi em bai tho nho, nhu mot loi cam on cua co giao cu ve bai viet cua em tren Web NQ. Mong em doc duoc bai tho khong dau nay.

"Cay mam" vung nuoc man se con nhieu gan bo voi que huong.

Chuc gia dinh em an binh va suc khoe

--- On Sat, 10/23/10, Huong Thi <huong_hiep@yahoo.com> wrote:

From: Huong Thi <huong_hiep@yahoo.com>

Subject: Cam on

To: huong_hiep@yahoo.com

Date: Saturday, October 23, 2010, 12:01 PM

Cam on em, nguoi hoc sinh nam cu

Viet goi co ky niem vui buon

Truong xua, thay cu that than thuong

Ke con xa cach, nguoi vang bong

Mang theo nghiep chuong, kiep vo thuong.

Ba muoi nam bo lop bo truong

Bo lai dong song ca yeu thuong

Phan trang bang den gio dau ta?

Dong tho lang man cung bay xa.

42 nam ky uc da nhat nhoa

Dong doi lang le that phoi pha

Mai toc nam xua thanh di vang

Chi con mau trang dep rong reu

Que huong toi do, khung troi cu

Thoi danh quen lang voi thoi gian.

BBT xin được type lại với dấu tiếng Việt bài thơ của Cô:

Cám ơn em, người học sinh năm cũ

Viết gởi cô kỷ niệm vui buồn

Trường xưa, thầy cũ thật thân thương

Kẻ còn xa cách người vắng bóng

Mang theo nghiệp chướng kiếp vô thường.

Ba mươi năm bỏ lớp bỏ trường

Bỏ lại dòng sông cả yêu thương

Phấn trắng bảng đen giờ đâu tá?

Dòng thơ lãng mạn cũng bay xa.

42 năm ký ức đã nhạt nhòa

Dòng đời lặng lẽ thật phôi pha

Mái tóc năm xưa thành dĩ vãng

Chỉ còn màu trắng đẹp rong rêu

Quê hương tôi đó, khung trời cũ

Thôi đành quên lãng với thời gian.

Cô Trần Thị Hương

VĨNH BIỆT CÔ HƯƠNG

Cô vốn hiền lành như tất cả chs Ngô Quyền đã có dịp học Quốc văn với Cô ở lớp tám Ngô Quyền xưa còn nhớ. Cô là người rất dịu dàng, khiêm tốn như đồng nghiệp ở Ngô Quyền (Biên Hòa) và Lê Quý Đôn (Saigon) nhận xét. Với tôi, Cô là một người sống "lặng lẽ bên đời" nhưng đóng góp rất nhiều cho cả quê nhà lẫn quê người.

Là học trò Ngô Quyền, nhưng tôi chỉ biết Cô vài năm gần đây qua Cô Tâm, -GS Sử ở 7/1 năm xưa- ; và quý Cô như một người thuộc thế hệ các bậc sinh thành luôn cho tôi những lời khuyên cần thiết.

Ở tuổi bảy mươi, đã về hưu sau gần ba mươi năm làm công chức tiểu bang, Cô vẫn làm việc thiện nguyện hàng tuần vào mỗi mùa thuế ở Mỹ.

Ước nguyện của Cô là không muốn làm phiền ai. Và Cô đã đạt được điều đó phải không, thưa Cô?

Ở Úc, "học trò cũ" đã khóc Cô bằng nước mắt chân tình. Ở Mỹ, "học trò mới"... vài năm gần đây, hụt hẫng vì không còn được nghe lời khuyên của Cô qua điện thoại mỗi tháng ít nhất một lần.

Cầu mong Cô ra đi an bình, thanh thản. Mỗi lần ra biển em sẽ nhớ đến Cô. Chắc là biển sẽ mang Cô về lại với quê nhà...

Nguyễn Trần Diệu Hương

MGTT 19 - Thầy NGUYỄN VĂN PHÚ

Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung chẳng hạn cả lớp mê thơ và đã tập tành làm thơ từ một giờ Quốc Văn sôi nổi, lý thú của Thầy Nguyễn Văn Phú.

Thấy học trò ngoan, chăm học Thầy còn hát cho cả lớp nghe bài ”Ông lái đò" khiến học trò năm cuối đệ nhất cấp mơ hồ cảm nhận được rằng "không ai được tắm hai lần trong cùng một gìòng sông".

Thầy đã dạy cho lớp lớn bằng tất cả nhiệt tình của một ông Thầy với bảng đen, phấn trắng trên bục giảng Ngô Quyền. Đến lúc tóc đổi màu, giữa quê người, Thầy vẫn bảo ban văn học quê mình cho thế hệ lớp nhỏ qua điện thoại. Dù bằng phương thức nào đi nữa, cũng xin ghi ơn Thầy đã truyền dạy cho chúng ta những kiến thức văn học và kinh nghiệm đời quý báu của một nhà giáo, một người thuộc thế hệ các bậc sinh thành.

Thầy Nguyễn Văn Phú

Năm 2002, gặp lại thầy Nguyễn Văn Phú trong buổi họp mặt CHS Ngô Quyền lần đầu tiên tại nhà hàng Regent West, hình ảnh Thầy với mái tóc bạc trắng và dáng dấp gầy gầy đã khiến tôi xúc động và gợi nhớ ngay đến bài hát “Ông lái đò” mà Thầy đã hát trong dịp Tất niên của lớp Tứ 1 chúng tôi năm nào. Nhân cơ hội, tôi đã mời Thầy lên hát lại bài này cho mọi người cùng nghe. Thầy có vẻ ngạc nhiên và rất xúc động bảo rằng: “Vì tuổi tác và quá mỏi mệt sau những năm cải tạo nên đã quên lời hát, xin đọc 4 câu thơ để cho tròn tình nghĩa”. Bốn câu như sau:

“Đò chìm, ông lái bơ vơ,

Bỏ thuyền, xa bến, ngẩn ngơ nỗi sầu,

Triều dâng sóng vỗ bạc đầu,

Khói sương hư ảo nhuốm màu tang thương”*

Từ đó, những lần sinh hoạt của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền sau này luôn có mặt Thầy với những lời hướng dẫn thân tình, thắm thiết.

Thầy Phú là giáo sư dạy môn Quốc Văn lớp Tứ 1 chúng tôi, niên khóa 69-70. Niên khóa 69-70 là niên khóa đáng ghi nhớ nhất của đám học trò đệ Tứ vì đó là năm cuối cùng của bậc trung học “đệ nhất cấp”, để sang năm tới tùy theo việc chọn ban A, B, C sẽ chia tay nhau lên “đệ nhị cấp”. Nhưng một lẽ đặc biệt hơn nữa, đó cũng là năm cuối cùng để rồi năm sau hệ thống giáo dục của toàn quốc đổi thành hệ 12 cấp lớp gồm trường tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 (thay vì lớp năm, tư, ba, nhì, nhất), trường trung học từ lớp 6 đến lớp 12 (thay vì đệ thất, lục, ngủ, tứ, tam, nhị, nhất) và bỏ hẳn tên gọi “đệ nhất cấp” và “đệ nhị cấp” ở bậc trung học. Vì vậy, Thầy trò chúng tôi đã tổ chức vài cuộc đi du ngoạn trong cái năm “bản lề” này thật vui vẻ và đầy thú vị!

Thầy Nguyễn Văn Phú và lớp Tứ 1 (1970)

Thầy Trần Văn Phúc, Thầy Nguyễn Viết Long, Thầy Nguyễn Văn Phú và lớp Tứ 1 (1970)

Mỗi lần gặp lại Thầy là tôi nhớ đến những giờ học cũ khi cả lớp say sưa nghe thầy giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du, một tác phẩm mà Thầy rất tâm đắc và thường gọi bằng cái tên “Đoạn Trường Tân Thanh”, nhớ đến 2 khuôn mặt đặc biệt mà Thầy đã đặt tên cho sau khi giảng trích đoạn tả tài sắc hai chị em Kiều. Chị Trương thị Thúy (Thúy Kiều), và Nguyễn thị Hiệp (Thúy Vân). Chị Thúy (gọi là chị vì tuy học cùng lớp nhưng chị cao lớn và hơn chúng tôi một, hai tuổi gì đó) hiện đang ở Việt Nam mà lần về thăm vào năm 2002, lúc họp mặt bạn bè cũ, tôi có gặp. Chị vẫn mặn mà, sắc sảo như Thúy Kiều trong câu “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” và Hiệp, hiện đang ở San Jose, chúng tôi cũng đã có dịp hàn huyên, tíu tít trong lần họp mặt NQ năm 2004 ở SanJose, vẫn khả ái, xinh tươi như Thúy Vân với “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Thời gian không làm thay đổi nhiều hai gương mặt đẹp “tiêu biểu” của lớp chúng tôi.

Nguyễn thị Thúy (Thúy Kiều) Nguyễn Thị Hiệp (Thúy Vân)

nghe Thầy hẹn đến… tuần sau sẽ tiếp. Sau buổi đó, không biết có bao nhiêu đứa bạn đã mê thơ TTKH như tôi? Nhưng tôi nhớ mình đã chạy ngay ra nhà sách Huỳnh Hiệp “bê” ngay một bộ “Việt nam Thi Nhân Tiền Chiến” gồm 3 quyển “Thượng, Trung và Hạ” về nhà để “nghiền ngẫm” và “tập tểnh”… làm thơ. Kết quả là cũng có được một vài… con cóc nhảy ra sau này. Cám ơn Thầy đã là động lực, khởi nguồn giúp cho con biết yêu thơ từ đó.

Nhắc đến Thầy không thể không nhắc đến một biệt danh khác của Thầy là “Ông lái đò”. Nhân buổi Tất Niên của lớp, mời Thầy lên gíúp vui, Thầy đã hát bài “Ông lái đò” sau khi ví von hình ảnh này với những người Thầy đã tận tụy, dìu dắt, đưa đường cho biết bao học trò sang sông tới bến tương lai và như những người khách vô tình, sang sông dễ có mấy ai còn nhớ đến “Ông lái đò” nơi bến cũ vẫn ngày ngày “đưa mắt mỏi mòn trông”. Lời nhắn nhủ chân thành, cảm động đó khiến tôi nhớ mãi. Nhớ đến ân nghĩa của Thầy Cô mỗi khi nghe lại bài hát “Ông lái đò”.

Trong Tuyển Tập 2006, chắc cũng do cảm hứng từ bài hát và những kỷ niệm khó phai này. Thầy đã gửi đến cho đàn trò cũ một bài thơ đầy xúc cảm:

BẾN CŨ, ĐÒ XƯA

Mơ về bến cũ đò xưa,

Mà nghe như gió như mưa trong lòng.

Sông xưa nước vẫn xuôi dòng,

Chiều say nước lớn, nước ròng càng say.

Ai về xứ bưởi Đồng Nai,

Ngô Quyền bến ấy, biết ngày nào quên.

Đò tôi xuôi ngược, lênh đênh,

Giữa dòng sóng dữ, bập bềnh nổi trôi.

Bể dâu trải mấy, cuộc đời,

Thuyền không, khách vắng, đổi dời, đục trong.

Khách xưa giờ đã sang sông,

Biết ai còn nhớ tới ông lái đò.

ÔNG LÁI ĐÒ GIÀ

Bến Ngô Quyền 65-71

(Thân tặng các em cựu học sinh Ngô Quyền,

đặc biệt các em Ban Văn Nghệ Hiệu Đoàn thời 69-71)

Các bạn của Tứ 1 năm xưa, chắc rằng, không ít trong lòng chúng ta vẫn còn giữ được những kỷ niệm và mang cùng tâm trạng như tôi về hình ảnh của “Ông lái đò” ngày nào: Thầy Nguyễn Văn Phú.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Bài thơ do Thầy Phú sáng tác trong những ngày đầu mới sang Mỹ. Dưới đây là nội dung toàn bài mà Thầy đã gửi cho và nói rằng : “Vào lúc đó, vì xúc động nên chỉ đọc bốn câu đầu. Nay ghi lại toàn bài để em tùy nghi sử dụng”.

“Đò chìm, ông lái bơ vơ,

Bỏ thuyền, xa bến, ngẩn ngơ nỗi sầu.

Triều dâng, sóng vỗ bạc đầu,

Khói sương hư ảo nhuốm màu tang thương.

Trời Tây làm khách tha hương,

Vẳng nghe đâu đó tiếng chuông gọi hồn.

Hoàng hôn, rồi lại hoàng hôn,

Hỏi người năm cũ, ai buồn hơn ai?”(1)

Chú thích:(1) Người năm cũ, ám chỉ cụ Nguyễn Du. "Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"?.

Võ Thị Ngọc Dung

Gặp Thầy, lại nhớ đến giờ Văn học sử, khi giảng về dòng văn học lãng mạn, Thầy chuyển sang đề tài “Nghi án TTKH” khởi đầu với bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” khiến cả lớp xôn xao. Với lối kể chuyện sinh động và lôi cuốn, Thầy biến giờ Văn học sử vốn khô khan trở thành một buổi tranh luận về “huyền thoại” tên của tác giả ba bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn, Bài thơ đan áo và Bài thơ cuối cùng” mà cho đến bây giờ vẫn chưa biết rõ là ai? thật hào hứng, sôi nổi khiến cả lớp say mê theo dõi. Đến lúc chuông reo, câu chuyện vẫn chưa dứt, chúng tôi đành tiu nghỉu đứng lên khi

Vui buồn giữa Thầy Phú với Ban Biên Tập

Khi thực hiện bài cho MGTT nhân dịp Lễ Tạ Ơn 2009 ở Mỹ, Ban Biên Tập được khen là đã dùng .... "nho chùm" đúng chỗ, Thật ra, kiến thức về Hán văn của BBT mỏng manh hơn cả ... vỏ trái nho. Và người cố vấn cho BBT trong "thành tích " "xổ nho chùm" rất chính xàc là Thầy Nguyễn Văn Phú. Thầy đã chỉ dạy qua đường dây điện thoại đường dài khi chúng tôi "cầu cứu" thầy về nhửng kiến thức văn học Việt Nam hay từ ngữ Hán Việt. Ai dám bảo là ra khỏi trường thì không còn có cơ hội học hỏi từ quý Thầy Cô?

Tôi chí được biết Thầy Phú vài năm gần đây nhưng tôi rất quý Thầy vì hai lý do: Thầy có mái tóc bạc trắng như Ba tôi, một mái tóc bạc từ những năm bốn mươi như Ngũ Tử Tư thức dậy thấy đầu bạc trắng; và Thầy không được sống bên cạnh các con của thầy như Ba Mẹ tôi với chúng tôi.

Được hân hạnh góp một bàn tay nhỏ nhoi trong "nơi chốn tìm về" trên Internet của Hội CHS NQ, tôi vẫn gõ cửa quý Thầy Cô bằng điện thoại để chắc chắn mình không viết sai khiến các đàn anh đàn chị phải nhíu mày khi thấy "hậu sinh khả ... ố"; và để các Thầy Cô (nhất là các Thầy Cô dạy Việt văn) phải buồn vì "nồi cháo phổi đã dốc ra hết" mà học trò vẫn còn ngu ngơ!

Nguyễn Trần Diệu Hương

MGTT 20 - Cô Hà Bích Loan

Mỗi một chs NQ được học môn Quốc văn với Cô Hà Bích Loan đều không quên giọng Bắc di cư 54 phát âm rất chuẩn xác, lôi cuốn người nghe của Cô.

Cô yêu văn chương Việt Nam, đặc biệt là Cổ văn, nên dạy học trò không chỉ bằng sách giáo khoa mà còn bằng trái tim. Vì vậy, Cô đã góp phần lớn đào tạo được nhiều thi sĩ học trò. Trong số đó , nhiều anh chị đã thành thi sĩ và liên tục làm thơ cho đến bây giờ, chẳng hạn nhà thơ Thy Lệ Trang (chs NQ khóa 9 Nguyễn Thị Cúc), hay nhà thơ Hà Thu Thùy (chs NQ khóa 7).

Cô Loan truyền tình yêu văn chương chữ nghĩa của Cô sang học trò nên các nữ sinh NQ khóa 7 còn lập ra thi văn đoản "Bông hồng cài áo" mà một số thành viên vẫn còn sáng tác thơ văn với đủ cả chất lượng và số lượng đến ngày nay.

Hãy nghe các nữ sinh NQ năm xưa kể lại kỷ niệm với cô Loan để thấy nền giáo dục của miền Nam từ niên khóa 74-75 trở về trước đã tạo ra được những nhà giáo có tấm lòng và nhiều thế hệ học trò không những chỉ học được chữ mà cỏn học được đạo đức từ quý Thầy Cô.

BBT

CÔ HÀ BÍCH LOAN - Thy Lệ Trang

Cô dạy môn Việt Văn. Dáng cô gầy, thanh thoát. Nhưng màu áo cô mặc thật trang nhã và chưa bao giờ tôi thấy cô mặc áo hoa sặc sỡ. Khi giảng bài, cô đứng trên bục gỗ hay cạnh bàn, luôn luôn vân vê viên phấn trắng trên tay. Với tôi, đó là một cử chỉ rất nữ tính, rất dễ thương mà tôi không bao giờ quên. Vừa giảng Kiều, cô vừa liếc mắt canh chừng bọn tôi -Ngũ quỷ- nghe dễ sợ nhưng thực sự chỉ ồn ào phá phách hơn đám con gái bình thường chút xíu thôi. Nhỏ Ba tinh nghịch hay tìm những mẫu chuyên vui cười để chọc ghẹo bạn bè. Nhỏ Lưu nổi tiếng quảng giao. Nó có tài gợi chuyện "kiến trong lỗ cũng phải bò ra". Vì vậy những chuyện bồ bịch thầm kín của ai nó đều biết. Cô Loan phải nhắc chừng và cảnh cáo thường xuyên "Đừng nói chuyện nhiều nhá", "Đừng chọc ghẹo cái Lưu và cái Ba nhé -coi chừng chúng xin tí huyết đấy..." Cả lớp cười ồ! Nhỏ Ba và Lưu được dịp "ré" lên thỏa thích "Ô, tao thích cô này quá, cổ nói chuyện "chiụ chơi " quá!”.

Cô hay chêm những từ ngữ giang hồ võ hiệp như "XIN TÍ HUYẾT", "XIN TÍ GÂN", '"LẠNH LÙNG NHƯ MỘ ĐỊA" để pha trò tạo bầu không khí hào hứng sôi nổi cho lớp học. Chúng tôi say mê nghe cô giảng truyện Kiều:

Người lên ngựa kẻ chia bào

Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san.

...

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Nhờ nghe cô giảng, tôi đã làm hai bài thơ KHÓC THÚY KIỀU và TRÁCH TỪ HẢI. Hai bài này đã đăng trong Đặc San lớp Tứ Ba trường NQ do tôi làm trưởng Ban Báo Chí:

KHÓC THÚY KIỀU

Mười lăm năm sống giang hồ

Buôn hương bán phấn nhuốc nhơ tuổi nàng

Ai làm rẽ thúy chia loan?

Ai làm nát ngọc tan vàng đời hoa?

Bán mình chuộc tội cho cha

Quên tình vì hiếu trời già hay chăng?

Phận hồng nhan gặp gian truân

Mây trôi, bèo nổi muôn phần đau thương

Xót xa cho kiếp đoạn trường

Đây hàng nước mắt sầu thương khóc nàng.

TRÁCH TỪ HẢI

Cằm én, râu hàm oai lắm nhỉ

Tung hoành góc bể bấy nhiêu năm

Bốn phương nổi tiếng tài ngang dọc

Nghe gái xui nên chết chẳng nằm

Mang tiếng anh hùng sao quá dại

Thế gian mấy kẻ bảo rằng ưa?

Không tiếc - không thương mà tớ bảo

Chết vì gái đẹp - đáng đời chưa?

Thy Lệ Trang

Một thời áo trắng học trò - Nguyễn Thị Ngọc

Cô Hà Bích Loan, giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi lớp đệ tứ năm 1966-1967, đến bây giờ vẫn nhắc tới đám con trai nghịch ngầm hồi đó

Và câu chuyện về tờ Đặc San năm học đệ tứ cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của lớp chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhớ lại lúc ấy Trường Ngô Quyền có những hoạt động văn nghệ, thể thao, báo chí rất hào hứng nhất là khi gần đến Tết Nguyên Đán hoặc tổng kết năm học. Năm ấy, sau kỳ thi Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt, chuyện tranh đua học hành tạm lắng xuống để cho chị Nguyễn Thị Mỹ, cây văn nghệ của lớp hoạt động (Chị Mỹ hiện nay là Trưởng ban Văn nghệ và là MC duyên dáng , hoạt bát của những cuộc họp Ngô Quyền ở Nam Cali). Vì học trò Ngô Quyền học cũng giỏi mà hát cũng hay, cho nên Cô Minh Nguyệt, Thầy Hoàng Long và các Thầy Cô dạy nhạc cũng chiếm chỗ quan trọng trong trái tim học trò chẳng kém gì Thầy Cô dạy các môn học khác. Mùa Văn nghệ vừa đến cũng là lúc bọn trẻ ham chơi chúng tôi chiều nào cũng theo họa mi đầu đàn Nguyễn Thị Mỹ và những họa mi có tiếng hát hay vô trường, ai tập hát thì hát, còn những kẻ khác đi theo vỗ tay cổ vũ cũng có mà vui chơi nghịch ngợm cũng có. Phòng Khánh Tiết những lúc này là nơi thi thố tài văn nghệ, từ chiều đến tối luôn rộn rã tiếng đàn hát hòa lẫn với tiếng cười đùa…

Văn nghệ vui vẻ đến như thế thì nhóm nhà văn, nhà thơ của Hà Thu Thủy lẽ nào lại im hơi lặng tiếng. Thế là nhất định phải làm báo mà phải làm một tờ Đặc San hẳn hòi chứ không chỉ đơn sơ là báo tường thôi đâu nhé! Nhưng giáo sư hướng dẫn của lớp, Cô Bích Loan, vì sợ ảnh hưởng chuyện học hành (năm nay còn phải lo cho cái bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp) nên không đồng ý chuyện ra tờ Đặc San của lớp vì làm một tờ Đặc San cũng phải mất nhiều thời gian công sức lại còn phải tính đến chuyện phổ biến tờ báo đến các lớp khác nữa! Mộng làm văn chương chẳng lẽ đành từ bỏ. Thế là cả bọn âm thầm đi cầu cứu Thầy Nguyễn Thế Văn giúp cho lớp làm báo mà không nói cho Cô Loan biết làm ? ). Cô Bích Loan lúc đầu không khuyến khích chúng tôi chuyện làm báo nhưng sau đó đã cùng thầy Văn hướng dẫn đám học trò của Cô Thầy thực hiện mơ ước được làm nhà văn, nhà báo tuổi học trò. Cuối cùng tờ Đặc San cũng được hoàn thành với biết bao công sức của thầy trò lớp chúng tôi .Tôi còn nhớ cuốn Đặc San có bìa màu xanh biển với hình đàn chim bồ câu trắng xếp thành hàng tung cánh bay lên , tấm hình bìa rất đẹp ấy có được là nhờ công lao của Thầy Văn các bạn còn nhớ không? Sau biến cố của đất nước với biết bao đổi thay qua năm tháng có ai còn giữ được tờ báo kỷ niệm một thời tuổi trẻ ấy không?

Nguyễn Thị Ngọc

Vị ngọt từ Cô - Nguyễn Trần Diệu Hương

Cũng như nhiều người khác, tôi không thích chiều chù nhật, phải làm việc nhà nhiều hơn chuẩn bị cho một tuần mới với những tất bật của nợ áo cơm. Chiều chủ nhật hôm nay (25 tháng 9) còn buồn hơn vì tôi vừa được tin cô Hà Bích Loan, cựu GS Quốc văn của Ngô Quyền xưa, đang ở trong một cuộc chiến đấu không cân sức với bệnh tật.

Không được học với Cô, lúc tôi được hân hạnh mang phù hiệu Ngô Quyền trên ngực áo thì Cô Loan đã đổi về Saigon dạy ờ Lê Quý Đôn. Nhưng tôi biết nhà Cô vì Cô là bạn thân , cùng học ở Đại học Sư phạm xưa với chị họ của Mẹ tôi nên thời thơ dại, tôi vẫn gọi Cô bằng dì.

Còn nhớ một lần, tôi được Dì tôi chờ đến thăm Cô ờ cái nhà nhỏ có cổng sắt sơn màu xanh lá cây nhạt ở một con hẻm lớn trên đường Trương Minh Giảng, sau Viện Đại học Vạn Hạnh. Trong lúc Dì và Cô nói chuyện, thấy con bé cháu của bạn ngồi ru rú ờ một góc trước hiên nhà nhìn "ông đi qua bà đi lại", ngoan ngoãn không phá phách, Cô gọi bà bán đậu hủ đi ngang trước nhà mua cho tôi một chén đậu hủ có trộn mấy muỗng nước đường gừng rất hấp dẫn , nhất là đối với một đứa bé thuộc loại "hảo ngọt" như tôi thời đó.

Sau này lớn lên, tôi vẫn mê ăn đậu hủ. Những năm sống tha hương, mỗi lần về thăm quê nhà, buổi trưa, tôi vẫn cầm cái tô nhỏ, ngồi trước cổng nhà, chờ bà bán đậu hủ đi ngang để thưởng thức món ăn vặt rẽ tiền nhưng ngọt ngào, gắn liền với một vài kỷ niệm tuổi thơ. Và mỗi lần như vậy, tôi luôn luôn nhớ đến dì Loan của tôi, cô Hà Bích Loan của các anh chị chs Ngô Quyền .

Vài năm trước, Cô có qua Mỹ du lịch, học trò và đồng nghiệp ở Orange County, California đón tiếp Cô nồng hậu. Thời điểm đó, tôi đang ở miền Đông nước Mỹ, nên không có cơ duyên gặp lại Cô để mời Cô một ly đậu hủ ở quê người, để nhớ lại chén đậu hủ Cô mua cho tôi năm xưa ở cừa chợ Trương Minh Giảng, Saigon.

Hôm nay được tin Cô đang đơn độc chiến đấu với bệnh tật trong giai đoạn thứ ba của chu kỳ "sinh, lão, bệnh , tử", con đường không ai muốn, nhưng tất cả mọi người đếu phải đi qua, tôi thành tâm cầu nguyện cho Cô nếu không chiến thắng vẻ vang thì cũng cầm cự được trước bệnh tật để tôi còn có dịp được trả lại Cô món nợ ngọt ngào năm xưa…

Nguyễn Trần Diệu Hương

Cô Ơi! - Hát Bình Phương

Nghe tin Cô Hà Bích Loan bị bệnh, chị rất lo và buồn, mong Cô chóng khỏi... Chị rất cảm động khi đọc bài viết đầy tình cảm của Diệu Hương cũng như của chị Ngọc và Cúc. Chị không viết hay được như vậy mà chỉ có vài câu thơ mộc mạc gửi gấm tâm tình đến Cô:

Cô Ơi!

Nghe tin Cô bệnh chốn quê nhà

Đồng nghiệp, trò xưa ở phương xa

Mong Cô chóng khỏi, mau bình phục

Để còn cơ hội gặp gỡ nhau.

Nhớ thuở xa xưa, thời áo trắng

Cô dạy Quốc Văn, tiếng nước ta

Ơn nghĩa Thầy Cô, lời khuyên bảo

Trọng đạo tôn sư, ví Mẹ Cha.

Hát Bình Phương

(Trích thư gửi Diệu Hương)

KHÓC CÔ HÀ BÍCH LOAN - Phan Kim Phẩm-Nguyễn Tường Lynh.

Ghi nhận qua trí nhớ Phẩm & Lynh

Cô Loan ơi!

Khi em viết xong bài nầy và vừa gửi đi cho ban biên tập Ngô Quyền vào sáng nay thì được tin cô đã qua đời. Bài viết dưới đây với mục đích là chia sẻ cùng các thầy cô và bạn bè về nụ cười cũng như tâm sự của cô đến với em và Lynh trong lần họp mặt tại Saigon và Biên Hòa năm 2006. Bài viết nầy cũng như lời xin lỗi của em gửi đến cô vì đã không thực hiện lời hứa là sẽ tổ chức họp mặt lần nữa để mời cô tham dự. Bài viết nầy cũng với hy vọng là khi cô khỏe lại sẽ có dịp đọc và nhìn lại những hình ảnh của cô với học trò tứ Hai khóa 6 vào năm 2006. Bài viết vừa xong, vết “mực” chưa khô thì cô đã qua đời! Đau đớn quá khi biết được là trước khi ra đi cô vẫn còn chờ học trò Ngô Quyền đến thăm cô lần chót!

Giọt nước mắt nầy chúng em xin gửi đến cô như một lời chia tay. Chúng em xin thắp nén hương nguyện cầu hương hồn cô sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc.

Phẩm & Lynh

Cô Loan là giáo sư của chúng tôi cũng như các bạn học lớp tứ Hai, Ngô Quyền khóa 6. Nếu trí nhớ tôi vẫn còn tốt thì hình như tụi nầy học cô về môn vạn vật. Mặc dù tôi không có nhiều kỷ niệm với cô Loan trong thời gian ở trung học đệ nhất cấp nhưng tôi nhớ nhất về cô là nụ cười luôn nở trên môi của cô cũng như lời giảng dạy tuy nghiêm trang nhưng rất là dí dỏm với giọng Bắc kỳ duyên dáng của cô. Câu cô thường nói trong lớp mà tôi còn nhớ mãi là “xin tí huyết” nếu có ai làm cô bất mản hay nếu học trò nghịch phá trong lớp.

Sau khi ra trường, 1968, rồi đến 1975 thì chúng tôi không còn liên lạc với thầy cô cũng như bạn bè tứ Hai của chúng tôi. Với thời gian và qua nhiều thay đổi của thời cuộc nhưng nhóm bạn bè tứ 2 vẫn liên lạc với nhau và vẫn tìm dịp để về với nhau. Tuy chúng tôi có nhiều lần họp mặt với tứ Hai kể từ 2001 (năm đầu tiên chúng tôi trở lại Việt Nam từ 1975) nhưng chúng tôi không có dịp gặp gở ăn uống với các thầy cô cũ ở Việt Nam. Mãi đến năm 2006, tôi và Lynh về Việt Nam để ăn Tết thì cũng nhân dịp nầy, anh Tô anh Tuấn, đề nghị chúng tôi nên làm một video về buổi họp mặt với thầy Bảo cùng các thầy cô khác và thâu âm từng lời phát biểu của thầy cô cho chương trình họp mặt trung phùng lần thứ 1, 50 năm Ngô Quyền. Cuộc video ấy đã được trình bày tại buổi họp mặt trùng phùng July 2006.

Về đến Saigon thì chúng tôi liên lạc với Phạm thi Hạnh, con gái thầy Bảo và là đồng môn của chúng tôi, để nhờ Hạnh tổ chức buổi gặp nhau với thầy cô tại tư gia thầy Bảo. Thầy Bảo đã sốt sắng nhận lời đề nghị nầy và đã trực tiếp gọi phone và mời thầy cô đến nhà. Có đông đủ các thầy như thầy Văn, thầy Quyến, thầy Lục (ở Canada về VN ăn Tết), cô Phạm kiều Tiên, cô Hà bích Loan cùng vài thầy nữa mà tôi không nhớ tên. Một điều đáng ghi nhận là cô Loan rất cởi mở chuyện trò rất vui vẽ và luôn cười tươi dù rằng thầy trò đã không gặp nhau cả hơn 40 năm.

Hình chụp tại nhà thầy Bảo, February 2006, Lynh, Hạnh, cô Loan, cô Kiều Tiên

Nhận dịp nầy, chúng tôi có mời cô Loan cùng thầy Văn và các thầy cô dạy lớp tứ hai đến tham dự tiệc họp mặt “thầy trò tứ Hai” tại nhà hàng Du Long ở chân núi Bửu Long. Thầy cô hoan hỉ nhận lời tham dự nếu có được phương tiện di chuyển. Thế là chúng tôi cùng các bạn như Hiệp, Đặng thị Bạch Tuyết (từ Canada về ăn Tết), chị Bé, Kim Quang, Lùng, Việt, Hội etc. cùng làm việc với nhau cho buổi họp mặt nầy. Người thì lo thuê xe đưa thầy cô từ Saigon về, người thì lo đặt tiệc nhà hàng, người thì lo mời thầy cô ở Biên Hòa, người thì phụ trách tiếp tân và những thức linh tinh khác.

Cuối cùng thì xe “đón dâu, rể” thầy cô từ Saigon đã đến nơi. Tôi nhận thấy có sự hiện diện của cô Loan, cô Hòa, thầy Văn. Còn ở Biên Hòa thì có cô Nga, cô Bàn, thầy Tân. Thầy trò gặp nhau chuyện trò rối rít còn máy ảnh thì bấm liên hồi để cố gắng ghi lại những kỷ niệm của buổi họp mặt, để có những hình ảnh đáng ghi nhớ và có giá trị “để đời”.

Lynh, Hiền, cô Hòa, cô Loan, Thậm, cô Bàng, cô Nga.

Hàng đầu: Bổn, Hội, An, Phẩm, Việt, Lùng; hàng giữa: cô Hòa, cô Bàng, cô Loan, thầy Tân, thầy Văn; hàng chót: chị Lượm, chị Bé, Hiệp, Bạch Tuyết, Hạnh, Lynh, Kim Quang, Thậm, chị Đầm, Hiền, chị Huê.

Sau khi ăn uống nhậu nhẹt cùng với những tiếng ca hát của học trò và thầy cô thì cũng đã đến lúc phải chia tay. Tôi, Lynh và Hội tháp tùng xe “hoa” để trở lại Saigon. Trên đường về, thầy Văn, cô Loan và cô Hòa liên tục kể lại những chuyện của ngày xưa, chuyện phá phách của lủ học trò “phá như quỷ” cũng như những khó khăn trong cuộc sống hiện tại (2006). Khi tôi hỏi ý kiến của thầy cô về buổi họp mặt nầy thì cô Loan bảo ngay “nếu các em tạo dịp để cô có cơ hội được tham gia với sinh hoạt của các em thì cô sẽ đi ngay!” Nghe giọng nói đầy hứng khởi của cô cũng như ước nguyện dù nhỏ nhưng ít khi có cơ hội thực hiện được đã làm tôi vô cùng cảm kích. Tôi nguyện trong lòng là sẽ cố gắng để có được nhiều dịp gặp mặt nhau trong tương lai. Dù đã hứa như thế nhưng đã bao năm qua rồi mà chúng tôi vẫn không thực hiện được ước nguyện nhỏ bé nầy. Sau nầy thì cô Loan có sang Mỹ du lịch và đã gặp lại đồng nghiệp, bạn bè và học trò ở Nam California nhưng tiếc là chúng tôi và bạn bè ở Bắc California đã không có cơ hội đón tiếp cô tại thung lủng hoa vàng.

Đến hôm nay thì nhận tin cô đã vào bệnh viện và đang âm thầm đơn độc chống chỏi lại cái bệnh nguy hiểm nầy. Tôi và Lynh vô cùng xúc động với tin nầy và nguyện cầu cô qua khỏi được cơn bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi cũng mong là cô đọc được bài viết nầy của tôi để nhìn thấy lại những hình ảnh sinh hoạt của cô cùng học trò vào năm 2006 và cũng xin cô tha lổi cho tôi vì đã không thực hiện được lời hứa của tôi là tổ chức lần họp mặt thứ hai với thầy cô cùng bạn bè.

Xin tất cả hãy cầu nguyện cho cô Hà bích Loan sớm qua khỏi con bệnh ngặt nghèo và sớm hồi phục.

Phẩm & Lynh mùa Thu 09/2011

MGTT 21 - Thầy Nguyễn Minh Lý

Ở MGTT số 14, chs NQ đã có dịp được biết về môn Triết và quý Thầy dạy Triết từ 1962 (khi trường có lớp Đệ Nhất đầu tiên , sau này là lớp 12,) đến năm 1975.

MGTT số 21, xin được hân hạnh giới thiệu về một trong những vị Thầy dạy Triết cuối cùng của trường Trung học Ngô Quyền: Thầy Nguyễn Minh Lý.

Một điều đặc biệt hơn, "nhà tôi" của Thầy Lý là chs NQ khóa 1 Huỳnh Thị Xuân Hoa, một trong những nữ sinh đầu tiên của trường nhà. "Nhân duyên tiền định", Thầy quen cô Hoa khi cô đã là một nhà giáo. Nếu có được cơ duyên hạnh ngộ với Thầy Cô, không biết các anh chị cả khóa 1 sẽ gọi Cô là gì?

Với các lớp đàn em, bên cạnh ông Thầy dạy Triết ngày xưa, cô Hoa luôn luôn có mặt bên cạnh Thầy trong những thăng trầm của cuộc đời .

Xin được viết tiếp MGTT 14 bằng "Giờ Triết học giữa sân trường" cùa lớp 12B3 (nk 1974-1975) qua ngòi bút chân tình của chs NQ khóa 13 Diệp Hoàng Mai.

Nguyễn Trần Diệu Hương

GIỜ TRIẾT HỌC GIỮA SÂN TRƯỜNG

Thầy giáo của tôi gầy gò ngồi trên chiếc xe đạp course cũ kỹ, đôi mắt thầy u uẩn sau cặp kính trắng dày. Học trò vây quanh thầy, hoang mang với những câu hỏi đại loại: “Thầy ơi, ngày mai rồi sẽ ra sao?...” Những tư tưởng triết học lúc đó như lời khuyên thầy dành cho trò, và có lẽ thầy cũng dành khuyên chính bản thân mình: “ làm thế nào để vượt cơn sóng cả…” Đó là buổi chiều ngày 23/04/1975, chỉ duy nhất lớp 12B3 tình cờ được học giờ Triết sau cùng với thầy Nguyễn Minh Lý. Để rồi hơn 36 năm sau, cũng hết sức tình cờ tôi tìm gặp lại thầy…

Tốt nghiệp ban Triết đại học sư phạm năm 1965, đến năm 1970 thầy Nguyễn Minh Lý mới bén duyên với trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa (TH.NQBH). Năm lớp mười hai, thầy Lý dạy chúng tôi môn Luận lý học và Đạo đức học. Chúng tôi bắt đầu “làm quen” với các trường phái triết học cổ đại và các triết gia Socrate, Aristote, Platon, Pytagore, Thales, Descatres… Những bài học sơ khai về thân phận con người, về thế giới quan và nhân sinh quan thầy dạy chúng tôi còn dang dở, thì cơn lốc dữ đã xô dạt thầy trò chúng tôi tan tác muôn nơi…

Hơn ba sáu năm, sau giờ học Triết kỳ lạ giữa sân trường tôi mới có dịp thăm lại thầy. Thầy không khác xưa, vẫn nhẹ nhàng và điềm đạm. Nhắc đến cái nghiệp dạy học của mình, thầy cười hiền lành: ”Sau năm bảy mươi lăm, tôi bị … rớt xuống cấp hai”. Khi môn Triết không còn đất dụng võ, thầy Lý chuyển sang dạy môn Anh Văn cho học sinh phổ thông cơ sở (trung học đệ nhất cấp).

Vợ của thầy là cô Huỳnh Thị Xuân Hoa, cựu học sinh khóa 1 TH. NQBH cũng là nhà giáo, cho biết: “Được đi dạy học lại là quí lắm rồi. Ngoài việc dạy học, thầy cô đâu còn công việc nào khác để mưu sinh….”. Thời đó hai vợ chồng cùng đi dạy học, thầy cô mới được ưu tiên có sổ gạo cho cả nhà. Cũng như những thầy cô giáo khác, thầy cô vất vả nuôi nấng đàn con nheo nhóc của mình. Nhưng trên tất cả, thầy cô đều thiết tha với nghề giáo đã chọn “Mỗi năm đến ngày khai trường, thầy và cô cảm thấy… nhớ học trò mình lắm!...”

Sau khi nghỉ hưu, thầy Lý sống khá ẩn dật. Thầy chuyên tâm dịch các tác phẩm triết học và cộng tác với các nhà xuất bản có uy tín. Một trong những tác phẩm dịch thuật của thầy Nguyễn Minh Lý được tái bản hiện nay là “Tự do đầu tiên và cuối cùng” (nguyên tác tiếng Anh: ”The First and Last Freedom” của tác giả Krishnamurti). Không hài lòng với một bản dịch trước đó, thầy đã bỏ nhiều thời gian và công sức để thể hiện lại một tác phẩm nòng cốt và tinh tường về đề tài “Tự do” của tác giả nổi tiếng Krishnamurti.

Thầy Nguyễn Minh Lý xúc động khi nghe tôi kể, rằng những cựu học sinh NQ vẫn hoài nhớ đến thầy trong Tuyển tập Ngô Quyền 2011.

Niềm vui lớn nhất của thầy cô hiện giờ là các con đã thành tài. Tất cả đều tốt nghiệp đại học, có việc làm tốt. Thế nhưng nỗi buồn… không nhỏ của thầy cô, là không người con nào theo nghề giáo của ba mẹ. Bởi khi trưởng thành, các em từng chứng kiến ba mẹ quá cơ cực trong cuộc mưu sinh. Thầy cô luôn tôn trọng sự chọn lựa của các con mình. Mặc dù trong câu chuyện với chúng tôi, đôi lúc cô vẫn còn chút tiếc nuối: ”Đứa con trai đầu lòng của cô được đặc cách tuyển thẳng vào đại học sư phạm khoa Vật lý, nhưng nó quyết thi vào ngành kinh tế chứ nhất định không theo nghề của thầy cô…”

Thầy Nguyễn Minh Lý chỉ mỉm nụ cười hiền hòa, khi nghe phu nhân… phàn nàn về những đứa con có cá tính rất mạnh của mình…

Diệp Hoàng Mai

Tháng 11/2011