Thân Hữu

- VÙNG TRỜI TỨ "H"

- TRONG CHUYẾN DU NAM HÈ 2013

- NỤ CƯỜI ĐẦU XUÂN

- LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO

- NGÔ QUYỀN TRONG KÝ ỨC

- TẠ ƠN THẦY CÔ NHÂN LỄ THANKSGIVING 2010

- LỜI TÁI HẸN

Thày vừa xem đọan phim, các Thày PG Hưng, NT Hiệp, NP Hùng và cả Hảo, DH

thăm Thày NX Hoàng, thấy Thày Hoàng khoẻ, vui hơn hôm trươc, nên rất vui,

và đã cảm khái về Vùng Trời Tứ "H"

VÙNG TRỜI TỨ "H"

Nhận được điện thư,

Báo tin Thày Hưng tới

Cùng Thày Hiêp đi thăm

Thày Hoàng trong đau nặng,

Hồi âm ngay để bảo

Thiếu Thày Hùng...

Tiếc đấy Diệu Hương ơi!

Nay xem đoạn phim ngắn

Thấy có cả BỐN người

Vùng Trời Tứ Trụ

Thêm hai học trò cũ...

Hảo... và...Hương

Chuyến thăm nhau...cũng... khác thường

Tình đồng nghiêp,

Nghĩa Đệ, Sư,

Đẹp quá,

Ngô-Quyền ơi, mãi mãi thăng Hoa.

Phạm Ngoc Quýnh

Canada, 27/11/ 2013

Ráng đi, làm nhiệm vụ theo các Thày và các chs NQ thăm thày Hoàng,

mong cho bệnh Thày Hoàng chóng thuyên giảm. Khẩu hiệu "Sắp sẵn" phải không DH?

TRONG CHUYẾN DU NAM HÈ 2013

Tôi tới HOUSTON, TEXAS

Đầu tháng 2 dương lịch vừa qua, tôi nhận được điện thư của Cô em họ từ VN: “Thưa Anh Tết này vợ chồng em sẽ sang Houston thăm con gái em sinh cháu đầu lòng... Anh có khoẻ không? Anh em mình lâu lắm rồi không có dịp gặp nhau.”

Đọc mấy dòng thư, bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về, vì thời gian đó, tháng 11/1954, tôi ở nhà Cô Chú tôi ngay đầu hẻm 342 đường Thành Thái để ngày ngày cuốc bộ đi học tại Trường Bắc Việt Di chuyển Hồ ngọc Cẩn tại số 63 đường Duranton, sau đổi là Bùi thị Xuân, khu Huyện Sĩ, Sàigòn. Trong nhà, tôi đươc xếp hàng anh lớn, nhưng đôi lúc vẫn chơi chung với các em.

Tôi nhớ mãi, hôm đó đang ngắm chúng đùa giỡn trong sân, thì có mấy tiếng súng nổ chát chúa ngoài đường- do lực lượng cảnh sát mũ Bê-rê xanh lính của Ông Bảy Viễn bắn, thế là môt tiếng “Chun dô''. Cô tôi quát và quất luôn mấy roi, chúng chạy vô nhà, tội nghiệp đứa chậm chân, vừa đi vừa lấy tay xoa đít, mặt như cái bánh bao chiều.

Tại Houston, từ trái sang phảỉ : Ngũ Ánh Vân (NQ), Đổ Ngọc Lệ (CT), Bạch Thị Hồng (NQ), H T/ HAH BH Lâm Sĩ Đăt (NQ), Thầy Phạm Ngọc Quýnh, Nguyễn ngọc Sơn (NQ) con Rể BHòa, Phạm Tuấn Tài (Phu Quân của Lệ)

Lần khác nữa, Cô tôi cầm tờ giấy bạc 1$, còn mới, màu vàng, có hình vua Bảo Đại xé toạc làm đôi cho thằng Đực, con Bé đi mua cà rem, đá nhận, món giải khát bình dân, nhưng khoái khẩu của trẻ con lúc đang trưa, trời nóng.

Hai tiếng “CHUN DÔ“ và việc XÉ TOẠC LÀM ĐÔI tờ giấy một đồng, lần đầu tiên tôi được thấy ở Sàigòn nó đã theo tôi và sẽ còn mãi mãi.

Tôi quyết định đi Houston,Texas.

Houston lại như nhắc nhở, còn có thân hữu đồng môn, cựu hs Ngô-Quyền, và cả Công-thanh nữa. Có những em thầy trò mấy chục năm trời chẳng gặp nhau, nhưng rồi biết tôi ở Canada nên lâu lâu gửi email hay phone thăm hỏi, tình nghĩa tràn đầy, ngay ở Oklahoma cũng vậỵ. Tôi thấy vui vui trong dự tính chương trình cho chuyến du NAM.

Chuyến bay trưa ngày 04/3 bị hủy vì sương mù bao phủ phi trường St John’s, NL Canada, phải đợi tới ngày 06/3 mới đi San Francisco, Cali và cũng may không bi lỡ chuyến trưa 07/3 đến Arlington, Texas. Tới nơi, hai ông Bạn Nguyễn thư Khoa, và Thạch Quang Lâm đã đứng chờ. Hôm sau, 8/3 kéo luôn anh Vũ Hữu Quyến trên Dallas thẳng đường đi Oklahoma thăm ”Cụ Án” Mậu, ”Tri huyện” Ưng và nhà Báo QĐ3 Đỗ Duy Chưởng. Hôm đó, chúng tôi thật vui, các vị Phu nhân bày tiệc linh đình, vì cuộc họp măt này đâu dễ có, do ai cũng tóc bạc da mồi nhất là Anh Trần Nhật Ưng, trong tình trạng quên... nhiều lắm.

Sáng 9/3, tạm biệt các bạn Oklahoma, để trở về Nhà anh TQ Lâm ở Arlington, có anh cả NT Khoa. Chén rượu chung vui, câu chuyện kim cổ, và dạo cảnh. Cái thú nhất là được nghe chim cu gáy ở vườn sau và sáng sáng ngắm chúng bay xuống sân gần cửa sổ ăn các hạt mồi do chủ nhân đã thảy ra. Chim cu, chim sẻ, chào mào, và vài loại khác, có con lông đỏ chóí, có con dưới ức màu nâu đậm. Chim cu rất tinh khôn thoáng thấy người là bay, tất cả đều bay. Chim Cu đã đi vào câu chuyện: ''Trên đời có bốn cái ngu. Làm Mai, lãnh Nợ, gác Cu, cầm Chầu.''

Ngày 12/3, tôi theo Megas bus tới Houston, Xe rộng rãi, tha hồ ngắm cảnh hai bên, suốt đường dài gần 200 dặm, nếu không ngủ gật. Đường xa như thế nhưng giá vé 5 đồng/ người, quá rẻ.

Xe tới trạm, lúc 1 giờ 30 Đỗ ngọc Lệ, cựu hs Công Thanh lễ phép chào tôi. Qua mấy dãy phố khu Trung tâm, Ngọc –Lệ lần lượt kể sự làm ăn phát đạt của bà con người Việt ty nạn CS, nghe thấy mà vui.

Nhà Ngọc Lệ khang trang, phu quân là một Cao học Dược làm trong Bệnh viện, có hai con trai, lớn học lớp 12 nhỏ, lớp 8 hay 9, ngoan, lễ phép cũng như con của Minh Khai ở Lucxembourg hè năm ngoái tôi đã có dịp ghé thăm.

9 giờ khuya hôm đó, Quỳnh Thư con gái tôi ở San Jose bay sang, cũng ở luôn nhà Lệ để tiện dịp thăm cô em họ tôi. Sáng hôm sau, Phạm Tuấn Tài về, thay vì đi nghỉ do làm ca đêm, nhưng vẫn ngồi chờ. Tôi thức dậy, bước ra, Tài đứng lên chào, tôi hiểu và rất cảm động trước tình cảm cùng phong cách ấy. Rất cám ơn vợ chồng Em, Tuấn Tài + Ngọc Lệ ạ.

Sáng ngày 14, tôi đến nhà người con rể Cô em họ, trông cháu Bé gái mới sinh kháu khỉnh, nằm ngủ thật dễ thương. Anh em chúng tôi được dịp hàn huyên gần trọn môt ngày, nhưng rồi cũng phải tạm biệt sau bữa cơm chiều. Con tôi lái xe lướt qua mấy phố của Houston, thành phố lớn nhất tiểu bang Texas, gọi là cho biết, rồì sáng hôm sau bay trở về San Jose.

Ở nhà Lệ, tôi được đưa đi thăm 2 ngôi chùa Lớn, đặc biệt Chùa Ni, về mặt kiến thiết, thấy các ni cô sử dụng các thiết bị xây dựng một cách nhẹ nhàng, thành thạo, kể cả việc lên dàn lợp ngói, theo như Sư Bà thuật lại, thấy mà quí nể, cũng như cảm phục sự sắp xếp, hướng dẫn của Sư Bà.

Ngày 15, có 3 chương mục đặc biệt, Anh Tài đã xin nghỉ để sáng cùng Lệ, thêm luôn hai cháu đưa tôi thăm anh Bạn cũ Phạm Huy Cường, một trong Bốn người là rể phụ cho tôi 51 năm về trước (1962, c/a Pham Gia Hưng, Lê tiến Đạt, Nguyễn văn Bảo, Phạm Huy Cường). Anh Cường cũng đã dạy Lý hóa lớp đệ tam đệ nhị Ngô-Quyền, nhưng chỉ 5, 6 tháng rồi theo lệnh động viên nhập ngũ. Phái đoàn chúng tôi được Chị Thu- Hà phu nhân của anh Cường tiếp đón nồng hậu với các món mứt, kẹo, tắc, tự biên tự diễn theo hương vị của Hà - Thành.

Tại nhà Đỗ Ngọc Lệ Thầy Phạm Huy Cường và Phu nhân

Buổi trưa tiếp tục đi thăm khu triển lãm trưng bày của Trung Tâm Không gian, niềm kiêu hãnh của Hoa kỳ, trong đó cũng có những người Việt Nam đã đóng góp phần công sức.

Đỗ Ngọc Lệ, cùng phu quân Phạm Tuấn Tài và Trưởng Nam, Thứ nam tai khu Triển lãm

Đến chiều họp mặt với mấy chs Ngô-Quyền, với Hội Ái Hữu BiênHòa TX, Hội trưởng hội Biên Hòa TX, Lâm sĩ Đắt còn tặng tôi quà lưu niệm và mời dự tiệc tại nhà hàng Fung’sKitchen, làm tôi hơi bối rối nhất là khi tặng quà.

Vì thời gian quá gấp và không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, theo lời kể của Ngũ Ánh Vân nên nhiều bạn tiếc không tham dự được, cũng như vào phút chót, xe Anh Ngàn, trên đường tới điểm hẹn lại bị đụng nên đành vắng măt, nhớ đến lại thấy thương cậu ấy .

Tôi cám ơn Ông Hội trưởng Lâm sĩ Đắt và tất cả các em có mặt cũng như những em không đến được vì phải đi làm. Tới Houston lần này tôi thấy thật vui và cảm động, coi như đã vẹn cả đôi bề.

Đi coi Ca Nhạc và DESCANSO GARDENS

Chị Nguyễn thị Thu, lúc dạy ở Ngô-Quyền, phần vì khác môn, ít khi gặp, chỉ chào hỏi xã giao, đâu biết cũng cùng môn phái Trưng Vương với bà xã tôi: Từ huyền Trân, sau này.

Anh Lê tiến Đạt về dạy môn Vạn vật, nhưng lúc đó lại cũng cảnh độc thân, ở chung căn phố thuê của ông Ba Hòa có cây xăng Biên-hùng gì đó, bên cạnh là Anh Chị Phan Thanh Hoài. Anh Đạt hiền, lúc đó được đặt tên là Đạt phật, hay phật bà, anh Hoàng Đức Bào còn goi là Ông Thiện để dễ phân biệt, vì trường Ngô-quyền lúc đó có tới 3 ông Đạt.

Chúng tôi thấy thân nhau, rồi là rể phụ của tôi cũng như anh Pham gia Hưng vậy. Sau một niên học anh Đạt đổi về Trường Pétrus Ký, ngôi trường danh tịếng của miền Nam. Ít lâu sau anh Hưng cũng được về Saigòn rồi xuất ngoại du học, còn tôi, vẫn trụ ở Biên hòa, nhưng lên trấn ở Công thanh, đâu có dip gặp nhau.

Vận nước đổi thay, tưởng như chẳng bao giờ còn được tương phùng, nhưng nhờ Đại hội toàn thế giới kỳ 2 của hội Ái hữu chs Ngô-Quyền năm 2011 tổ chức tại Nam Cali, chúng tôi đã gặp nhau và có tấm hình chung. Một lần nữa cám ơn các Em chs Ngô-quyền, nhất là Ban Chấp Hành Hội, cũng như các Thầy Cô vẫn thường gần gũi khuyến khích những hoạt động của các Em.

Rồi những cơ duyên, Quỳnh Thư con gái út của tôi ở San jose lại được Chị Thu thương mến coi như con nuôi cho nên Ngọc Dung đã ví von: ”... Riêng Quỳnh Thư và Cô Thu thì cứ như... sam ... chị Ngọc Huệ cho biết là Cô Thu đã nhận Quỳnh Thư làm con nuôi rồi. Vì Cô Quýnh vừa mới mất năm ngoái. Thảo nào hai cô khắn khit với nhau như là mẹ con ruột.''

Do đó tôi và Anh Lê tiến Đạt, Chị Thu thường gặp nhau mỗi khi tôi tới Cali. Lần này, lúc ở Houston về San Jose Quỳnh Thư nói: “Hai Bác đã mua vé và mời Bố đi coi ca nhạc “. Thế là tôi xuống Little Saigon.

Buổi trình diễn hôm đó, các ca sĩ đa phần là lớp trẻ mới, trừ Khanh Ly, nhưng cũng khá hay, kéo dài hơn một tíếng, chỉ có nhạc Trịnh công Sơn, cắt phần nhạc Phạm Duy, có lẽ ông bầu sợ chưa được phép của gia đinh NS Pham Duy sẽ bị ra tòa.

Tối hôm đó, đây là lần thứ hai ở nhà Anh Đạt, chúng tôi có dip tha hồ cụng ly, nhưng không đến độ say. Đâu biết tửu lượng của phật bà cũng hàng tầm cỡ... và cũng nhân những dịp này mới thấy được sự chu tất, giỏi giang của Chị Thu trong phong cách dân Bắc kỳ Hà-nội ngày xưa.

Thầy Lê Tiến Đạt, Thầy Pham ngọc Quýnh, Quỳnh Thư, Cô Nguyễn thị Thu và cựu hs Lê Văn Duyệt sau khi coi Ca nhạc

Ngày hôm sau, tôi theo anh Đạt + Chị Thu đi xem Descanso Gardens.

Quả thật là vĩ đạị, từng khu vực khác nhau, chỗ ở trên cao như khu đồi thấp những cây cối um tùm chỗ bằng phẳng đầy các loại hoa, riêng một khu Hoa hồng đủ loại, có cả hoa Tulip, có đoàn Xe Lửa chở những hành khách tí nhau, phải có người lớn ngồi canh chừng, rồi những con suối lượn quanh, có khúc rộng chừng 3 mét, dài 5, 6 mét, sâu khoảng một thước thôi, đủ cho mấy chú cá lượn quanh, thỉnh thoảng vài anh cá nhỏ, hơi tròn, giống như loại cá giếc muốn ngược giòng? thử sức?

Khu hồ nhân tạo, kỳ công, những khóm hoa to nhỏ, màu sắc khác nhau và nổi bật dưới ánh nắng, may lúc đó có vợ chồng người Phi, Chị Thu liền nhờ họ làm phó nháy.

Nữ ngoại tôn của Thầy Đạt, Cô Thu

Tại khu cây cổ thụ, mới nhìn, tôi nói chắc hơn trăm năm, nhưng lại gần, xem tấm bảng thấy rằng đã ước tính 250 năm! Có những cây cao tàn lớn, nhưng phía dướí lại trồng

những loại hoa thích hợp trong bóng râm: hoa đỏ, hoa vàng, hoa trắng, có loại cây, hoa màu đỏ trông gần như tráí thanh long, Tôi không phải người sành điệu, hiểu nhiều về hoa nên không biết và không dám nói tên hoa, tôi còn nhớ có cả loại màu Xanh, nghĩa là nhiều mầu lắm lắm vậy.

Nếu lầm lẫn, do đi lần đầu, lại phần trí nhớ ở tuổi ngoài thất thập, xin anh Đạt, Chị Thu sửa lại cho, Tôi nhớ là bảng ghi chủ ở trong tòa nhà của Chủ nhân của khu vườn này: có MỘT TRIỆU LOẠI CÂY và HOA!

Tòa nhà có 27 phòng, vẫn còn phần trang trí, được chăm sóc, lau chùi sạch sẻ.

Có thì giờ thăm viếng, ghi chép tương đổí, tôi nghĩ phải hàng trăm trang, nay tôi chỉ muốn nói là: Hai tiếng đồng hồ theo Anh Đạt, Chị Thu thăm khu cây cảnh này, Descanso Gardens đã lắm, và cũng mõi chân rồi, nhớ lúc ngồi nghỉ, để kiếm gì giải khát, cả Hai Vị đã thật vui và cũng thật nhanh. Xin chân thành ghi nhớ. Mong có sức khoẻ để chúng mình còn được thong dong trong cái tuổi về chiều.

Ở SAN JOSE

Tại San Jose lần này cũng thật là vui.

Tôi gặp anh Phan xuân Hải, học ở Hồ ngọc Cẩn Trung Linh ngoài Bắc, nhưng sau 54 chẳng gặp nhau phần vì khác lớp, phần do hoàn cảnh lúc bấy giờ, đâu có ngờ Anh cũng một thời với lon “quan Ba“ trấn ở Biên hòa, mà phu nhân lại là Cô giáo có gốc gác Ngô-Quyền, anh là Rể của Ngô-Quyền.

Cái vui trong tình Bạn cũ, thêm việc Cô giáo này kể lại thời làm báo Xuân trong dip Tết của tuổi học trò, thân thiết, hồn nhiên và cả “tiếng oan“ cho lớp, do một Bạn Nam sinh lớp khác có tài Hí họa. Tôi đã nhớ ra, phần ''đố Chữ''.

Rồi Phạm phú Hòa từ Úc có E-mail cho tôi nói sẽ sang Mỹ chơi, và còn ghi rõ chương trình đi cả Toronto thăm Bế văn Long, cùng khóa 1 Ngô-Quyền, và hỏi từ đó đến nơi tôi ở bao xa? Nhân dịp đã quyết định đi Houston nên hồi âm, hẹn sẽ gặp nhau tại San Jose, sau đó nói cho Phan kim Phẩm biết, nghĩ rằng chỉ gọn nhẹ gặp nhau ở nhà Lý khánh Hồng, vì cả ba đã dạy ở Công thanh, thêm nữa, Hòa đến San Jose không đúng vào dip cuối tuần, thời gian lại quá ít.

Đón Hòa từ Phi Trường San Jose về nhà Hồng, đã thấy có Pham văn Quan, có lẽ Lý khánh Hồng muốn cho tôi sự ngạc nhiên hay muốn thử xem trí nhớ của tôi còn tốt hay không? vì cũng đến hơn bốn mươi năm rồi không có dịp gặp nhau! Tôi, Hồng, Hòa, Quan rất thương nhau, lại là Hướng Đạo sinh nên coi nhau như anh em vậy, tiếc rằng hồi nầy Hồng sức khoẻ có yếu, ít đi đây, đi đó nên... thích cấm cung?

Phan kim Phẩm đầy nhiệt tình, có lẽ bởi đồng nghiệp, vì cùng dạy ở Công thanh, lại uí trọng lớp đàn anh, Hòa là K1, Ngô-Quyền nên báo ngay cho các Anh chị em Ngô-quyền Bắc Cali và mời cả các Thầy nữa. Lần họp mặt đông vui này các em Phan kim Phẩm và Hoàng Duy Liệu đã tường thuật qua 2 bài, đưa lên Web Ngô-Quyền rồi, tôi dừng lạị ở đây.

Tôi tới VIRGINIA

Từ San Jose, Cali về Canada, tôi thường theo chuyến bay San Francisco –Toronto, nhưng lần này theo ngả San francisco – Washington-Dulles - Toronto, tôi muốn dừng lại Virginia, để thăm các bạn, cũng Đồng môn, c/a Pham hoa Quỳ, Pham huy Dũng, Nguyễn phú Long và đồng nghiệp Hoàng quý Nam đã trên 40 năm không gặp và cựu học sinh Ngô-quyền, Trần thượng Xuyên, có những em cũng thế.

Thầy Phạm Ngọc Quýnh, Thầy Hoàng Quí Nam (áo Veste nâu) cùng các thân hữu và gia đình Ngô Quyền, Trần Thượng Xuyên họp mặt tại tư thất Thầy Phạm Gia Hưng ở Virginia.

Các Anh Hưng, Quỳ và Dũng đều nhắc tôi nên xuống Phi trường Dulles. Tuy xa một chút nhưng không bị kẹt xe, nên tôi đã lấy chuyến bay theo lời dặn. Ra cửa gặp các Bạn, thật mừng, vì lần đầu tới đây. Bốn ông họ Phạm cùng lên con ngựa sắt của anh Quỳ và trực chỉ về nhà anh ở FairFax Stion và tuy là lần đầu “Thầy Hưng“ gặp nhóm tụi tôi thêm anh Thạch quang Lâm từ Texas nữa nhưng tình thân đã thể hiện thật nhanh, phải chăng có điểm chung nào đã khiến cho dễ hợp? rồi bữa cơm họp mặt thân, vui đến chín giờ hơn, anh Dũng, anh Hưng mới dời gót ngọc, còn lại ba người: tôi, Anh Lâm và Chủ nhà, thêm mấy ly nữa và cùng nói chuyện ngày xưa, phu nhân của Anh Quỳ tế nhị nhắc chúng tôi nên đi nghỉ sớm vì thực ra, riêng 5 tiếng trên máy bay, chưa kể lúc ngồi chờ, cũng đủ mệt với tuổi này rồì?

Có lẽ các bạn tôi thông cảm cho khách từ xa, lại không còn nhanh nhẹn như xưa nữa nên Anh Hưng và cả Anh Khang lần lượt chở hết chỗ này đến nơi kia xem cảnh, xem hoa, riêng hoa Anh Đào thì đã trễ... Virginia, có thể nói Thành phố của cây Xanh, khác hẵn với San Jose Thung lũng Hoa vàng và Oklahoma, theo bạn tôi ở đó, anh Đăng đình Mậu nói là miền đât đỏ, Tôi cảm thấy đường phố nơi đây xanh mát, cũng có mấy dãy phố cổ, mang nét kiến trúc Châu âu. Đến khu này, Thầy Pham gia Hưng còn cố ý đi chậm chậm và phụ giải thêm. Ngoài ra, cái đặc biệt có trên đường là những chiếc xe như dạng xe tải, lại là gian hàng lưu động mà chủ nhân là dân mũi Tẹt, da vàng, treo bán đủ thứ vật dụng, áo quần đa số cho trẻ con, cảnh này tôi đã thấy từ năm 1998, khi theo con trai út dự trại HĐ Thẳng Tiến 6, Lake Fair fax. VA Chủ nhân của các gian hàng đó, nghe nói là thành phần gia đình cựu chiến binh, quả phụ, môt sự đãi ngộ tốt đẹp. Đi xa hơn là tới Glen Allen, khoảng gần 2 tiếng lái xe thăm Nguyễn Phú Long, một thời cũng khoác áo thủy quân lục chiến, nhưng có máu văn thơ, phải chăng do hậu duệ của nhà Thơ Núi Tản, sông Đà? Bạn tôi đã qua cơn bạo bệnh năm 2012, không dấu nổi sự vui mừng khi thấy 5 người bạn cũ đến thăm. Ngược lại, chúng tôi thấy anh tuy còn hơi yếu nhưng da dẻ cũng được hồng hào, giọng nói vẫn trong, vẫn còn cái vui của ngày nào, nên chúng tôi bắt phone đường dài gọi cho một anh cùng trong nhóm cũ hiện ở San jose nói chuyện: Anh Nguyễn Mộng Long sang Mỹ cũng cố học lại nghề Cao đơn hoàn tán. Thế là không khí của thời trai trẻ được quay về trong ít phút. Chúng tôi thật vui, chụp với nhau mấy tấm hình kỷ niệm trong khi Chị Long, được Anh Phạm hoa Quỳ tiếp tay dọn tiệc. Cũng trong số chúng tôi, đặc biệt Anh Phạm hoa Quỳ có lẽ được tiên-thiên cho thuốc hoặc phu nhân chăm sóc kỹ lưỡng nên “lương y bất đáo gia”. Các ông Bà Dược Sĩ khó kiếm được tiền do bán thuốc, nhất là loại đặc trị cho Anh, vì không bị chứng bệnh nào, mặc dầu nay cũng xấp xỉ TÁM MƯƠI! trong khi các Bạn cũng ít nhiều, được khao vọng mang dòng họ Cao “Cao Đường, Cao Mỡ ‘ Đã thế, mấy ngày ở chơi, tôi còn được thấy cái thói quen, cũng mấy điếu thuốc, ly càphê ngồi trước nhà, ngắm hoa, thả hồn theo gió...

Các bạn tôi, nói chung người nào cũng có con thành đạt, và 2 “ông Bà già’ trong cảnh an nhiên.

Đó là vài nét tượng trưng về phần thân hữu, còn đồng nghiệp và học trò cũ, cũng thật là vui, các Em đến với các Thầy sự quí trọng, thân thương.

Anh Phạm gia Hưng có nhã ý mời nhóm bạn tôi tới nhà cùng các em cựu học sinh họp mặt cho vui, Tôi Anh Quỳ, anh Lâm đến trước nhất, Anh Dũng xin kiếu vì nhà có khách. Lúc đang ngắm cảnh nhà anh Hưng, ai cũng khen, vườn hoa đẹp, thi thấy một xe qua cổng, rồi một xe, và xe nữa từ từ theo sau, sân khá rộng, phía đầu nhà cũng rộng luôn, cứ việc tự do tìm chỗ, xe thứ nhất dừng, cửa xe mở, bước ra trong sắc phục tu hành, như một ni cô, hướng về phía chúng tôi chắp tay xá, tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cũng gật đầu đáp lễ, còn đang thắc mắc thì anh Hưng nói ngay:

- À, Ánh.

Thì ra cô học trò Ngô-quyền Lê ngọc Ánh, nay là cư sĩ, không khí thầy trò trở lại thật vui.

Kế tiếp là anh Hoàng Quí Nam, mặc áo veste, trịnh trọng, nhìn về phía tôi, cười cười đi lại. Thú thật lúc đó tôi chưa nhận ra, vì Anh Nam phát tướng, lại đẹp trai, à quên đẹp lão, nhưng quan sát cách đi, cái nhìn hướng về phía tôi, thì chỉ có Hoàng Quí Nam, giây phút thân tình, chúng tôi bắt tay nhau, hôm đó nếu tôi là anh Nguyễn phi Hùng thì Anh Hoàng Quí Nam sẽ nghẹt thở.

Cũng lúc đó mấy xe khác tiếp theo, chắc các em đã hẹn giờ đi... đến thành đoàn cho vui cho đẹp mắt và có lẽ nghĩ rằng thời gian đã làm cho cả Thầy lẫn trò khác xưa, hẵn khó nhận ra, nên ai cũng vui và tự xưng danh tánh: ”Thưa thầy em là Dư, học TTXuyên, em ngồi bàn thứ hai, nhớ lúc thầy gọi lên đọc bài... Đây là anh Lai-kim, đạị gia đó Thầy,... em là Huệ, hs NQ , rồi Trần cao Thach vẫn cái cười cởi mở, rồi Kiều... Tôi bắt tay Lý thanh Phi, Phi ôm tôi và nói: ”Cám ơn Thầy, em có nhận được e-mail chia buồn, hôm Ba em mất“ rồi Sâm, Oanh... Trịnh văn Kiều, cả con rể Ngô-quyền, con rể Trần Thượng Xuyên..., vui, thân thiết.

Nói chuyện, chụp hình vui vẻ, rồi Thầy Hưng mời vào nhà, có tiếng nói: Nhà thầy đẹp quá, tôi và mấy Anh Bạn, cùng vài em an tọa, riêng các cô học trò do thiên chức Trời ban, nhanh nhẹn bày các món ăn tự biên tự diễn của từng người mang lạị, có cả của Thầy Hoàng quí Nam và đặc biệt món 11 cái chân nai hầm với các vị bổ thuốc bắc, hẵn Phu nhân của Thầy Hưng đã chu đáo từ sáng sớm rồi mới ra trông cửa tiệm của Chị ngoài phố.

Trần cao Thach, hai tay kẹp hai chai rượu vang, có Lý thanh Phi hộ tống từ khu bàn tiệc đi ra, tôi nghĩ ngay: coi chừng hai cậu này hôm nay cho mình uống đã như lần trước, chiều 4/7/2011, ĐHTTG kỳ 2, cũng với Thầy Hưng. Quả thật, rót rượu, Thạch còn khéo giới thiệu, xin phép được ưu tiên mờì Thầy Quýnh trước vì người ở xa, kế đến Thầy Nam, Thầy Hưng và các Bạn tôi: Anh Thạch Quang Lâm, Anh Nguyễn tường Đằng cùng các đấng con trai, con rể của hai nước Trần, Ngô như: Lai-Kim, Huệ, Thể, Thoại, Kiều... rồi đến chính mình: Phi, Thạch.

Tôi cụng môt ly rồi kiếm đường chạy, vì thấy còn những mấy chai vang, chưa kể quầy rượu kế phòng ăn của Thày Hưng đã giới thiệu với tôi lúc mới đến, chưa có học sinh. Thực ra một chai vang chẳng có nghĩa gì, tôi rất thích rượu vang, nhưng là ngày thường, kẹt cái ngày mai phải về Canada, lỡ có gì khổ lắm. Rất cám ơn hai em Thạch, Phi.

Chạy được món rượu, vào trong khu bàn tiệc, phái nữ đang lấy thức ăn mời các Thầy, các Bạn, thành ra lại thêm khách để chào hàng. Rất cám ơn trước những chân tình, quí trọng với những nụ cười tươi, vui, mừng rỡ của mấy Cô học trò cũ. Thưởng thức xong mấy món chính, đến phần tráng miệng, Lý thanh Phi đưa tôi miếng dưa hấu và bánh ngọt, ăn chưa hết, Tôi nhớ là Sâm và Loan giới thiệu bánh nhân đường trong liễn kiếng. Trông cái bánh tròn, to, nhỏ, nhưng màu nâu... , không phai vừa trắng lại vừa tròn..., có hương vị gừng thơm phức, rất ngon, tôi ăn hết, thế là Lê ngọc Dư múc luôn cho vào hộp, thành ra lạị có quà đem về được dịp mời Anh Chị Bạn.

Vừa ăn vừa nói chuyện, qua nhiều đề tài, tưởng như từ lâu không có dip nói ra, hăng say nhất là cư sĩ Lê ngọc Ánh rồi đến Lê ngọc Dư, cùng là Lê ngọc, nhưng một thì lai giọng Bắc, còn một rặt Nam, ít nói là Sâm, Oanh. Phái nam có Thạch, Phi, Kiều cũng tham dự luận bàn, sôi nổi, còn Huệ, nhỏ con bằng ¾ người Thạch, chỉ ngồi nghe, còn Lai-Kim, đúng dáng của Đại gia, thủng thẳng, cười cười, riêng mấy ông con rể có người thì gần như giữ ý, còn phu quân của LN Dư có tên khá hay: Trần giai Thoại, nóí với tôi về Trường Hưng Đạo, Sài gòn và mấy lớp Toán, Lý hoá... của Thầy Nghiên, thầy Phú.

Cuộc vui nào rồi cũng đên lúc ngừng thôi, phái nữ ra sức dọn dẹp cho sạch sẽ : ”Dọn đi kẻo Cô về có một mình“, vì phu nhân của Thầy Hưng ngoài tiệm.

Chia tay trong lưu luyến và chúc sức khỏe cho nhau để mong còn được thường gặp mặt.

Ngày hôm sau, trong lúc ngồi chờ lên máy bay về lại Canada, những hình ảnh thân quí ấy lạị hiện ra.

Ngày 22/5/1013

Phạm Ngọc Quýnh

NỤ CƯỜI ĐẦU XUÂN

Mồng một Tết năm nay rơi vào ngày chúa nhựt, mọi gia đình Việt Nam đều được đón mừng Xuân mới trọn vẹn với nhiều niềm vui. Riêng Thầy Trò Ngô Quyền tại Nam Cali trong một sinh hoạt nhỏ nhưng cũng mang màu sắc của Tết với những nụ cười đầu xuân.

Nhân dịp Thầy Cô Phạm Gia Hưng từ tiểu bang Virginia về Nam California ăn Tết, một buổi tối mồng một với buổi cơm gia đình được gia đình chị Ma thị Ngọc Huệ khoản đãi. Cùng đến tham dự với Thầy Cô Phạm Gia Hưng có cô Đặng thị Trí, anh Lữ Công Tâm, Mai Trọng Ngãi, Nguyễn Hữu Hạnh và Nguyễn Văn Hòa. Bên gia đình chị Ma Thị Ngọc Huệ có anh chị Ma Thành Tâm, Ma Thành Xuân- Phượng và cô Hoàng Hồng ái nữ của thầy Giám Học Hoàng Đôn Trịnh.

Với nụ cười luôn nở trên môi, thầy Phạm Gia Hưng càng vui hơn khi được tiếp chuyện với bác Ma Phiếu, như được hưởng lộc đầu năm. Bác Ma Phiếu năm nay đã 92 tuổi là thân phụ của anh Tâm, chị Huệ và Xuân, tuổi đã cao nhưng bác vẫn còn mạnh khỏe, hằng ngày còn đọc từng bài trong đặc san Biên Hòa California, luôn tấm tắc lời khen của người tuổi già dành cho đàn con trẻ. Trời bắt đầu se lạnh nhưng mọi người đều thấy ấm lòng, tuy không còn nghe được những tiếng pháo từ khu phố Bolsa, nhưng bên trong nhà với những tiếng cười vang cũng rộn ràng như pháo Tết.

Gia đình chị Huệ cũng rất chu đáo chuẩn bị cho hai bàn chay mặn, các cô ăn chay mồng một cầu duyên như theo lời anh Ma Thành Tâm, còn các anh cũng ăn chay nhưng là ve chai vui say ngày Tết. Thầy Phạm Gia Hưng vui vẻ trao đổi với Nguyễn văn Hòa về quê miền Bắc, nói chuyện với Nguyễn Hữu Hạnh về miền Tây sông nước, những địa danh Thầy có dịp đi qua nhất là những món ăn ngày Tết. Chắc có lẽ chị Ma thị Ngọc Huệ và gia đình muốn Thầy Cô và bạn bè tìm lại hương vị mùi Tết xưa cả Bắc lẫn Nam. Nào dưa chua thịt đong, kiệu hành khổ qua chua thịt nguội. Những tô canh khổ qua dồn thịt nghi ngút khói, thịt heo kho tàu vàng ánh miếng mở thơm. Cô Đặng thị Trí ăn chay nhưng lòng vẫn còn vương vấn, với những kỷ niệm đắng cay và đau buồn của nghề dạy học sau 1975. Anh Lữ Công Tâm đầu năm chịu uống với lớp đàn em chưa chê rượu bao giờ. Anh Ma Thành Tâm hiền lành hơn bao giờ hết, không phải khép nép vì có bác Ma Phiếu, chỉ vì có chị Tâm bên cạnh. Xuân, Phượng, Hồng một lòng chay lạt nên không thể quấy rầy. Riêng Cô Phạm Gia Hưng không còn cảm thấy lạc lõng giữa đám học trò xa lạ. Không gì hạnh phúc hơn có ngày họp mặt đầu năm, có cha có con, có bạn đồng nghiệp, có Thầy Cô và học trò. Gần gũi hơn cả có bạn có bè và anh chị em. Rượu ngon có bạn hiền nên mau cạn, hết rượu chị Huệ lại lo tiếp bia cho Ngãi, Hạnh, Hòa.

Thầy Phạm Gia Hưng đã mang mưa lạnh từ Virginia về California và đã được sưởi ấm bằng những tình cảm bé nhỏ nồng nàn từ mái trường Ngô Quyền xưa. Bằng sự nhiệt tâm Thầy Hưng cho biết tuy rằng ở xa, nhưng Thầy vẫn theo sát sự thành hình và thăng trầm của hội cựu học sinh Ngô Quyền và hội Biên Hòa California. Thầy luôn dành sự cảm phục cho sự thành tựu nầy. Hương vị ngày Tết ngọt ngào làm sao? Thức ăn trên bàn đều được Ngãi và Hạnh chở hết dường như để bù đấp và để nhớ những ngày tù tội sau 1975. Ngọt ngào hơn khi được chị Ma Thị Ngọc Huệ tặng thêm cho hai tài xế thường trực hai chén cà ri dê đặc biệt thay cho thịt rắn trong năm Quý Tỵ.

Có thể nói rằng lần đầu tiên gia đình nhỏ của Ngô Quyền có buổi họp mặt đầu năm thuần túy ăn Tết. Lời chúc, câu nhắn nhủ được nói lên từ tấm lòng luôn được trân quý của Thầy Cô. Tình anh em, tình đồng môn luôn được gìn giữ và bồi đắp “Thật Lòng Với Trường Xưa”. Cũng cần có những tấm lòng để giữ mãi nụ cười đầu xuân.

Nguyễn Hữu Hạnh

Lễ Hội Hoa Anh Đào

Hằng năm, cứ vào cuối mùa đông, khi thời tiết bắt đầu ấm dần thì hoa anh đào nở rộ báo hiệu mùa xuân chớm sang. Cũng vào thời gian nầy, lễ hội hoa anh đào được tưng bừng tổ chức ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Thông thường, lễ hội kéo dài trong hai tuần lễ, từ khi hoa chớm nở đến lúc hoa tàn rụng đầy trên mặt đất. Đặc biệt năm nay, kỷ niệm 100 năm của vườn hoa anh đào ở thủ đô, lễ hội sẽ kéo dài năm tuần lễ, từ ngày 20 tháng 3 đến hết ngày 27 tháng 4 với rất nhiều chương trình đặc sắc để phục vụ khách thưởng ngoạn.

Thủ đô Hoa Thịnh Đốn mang vẻ đẹp yên bình với dòng sông Potomac bao bọc, có tượng đài Jefferson nổi bật bên bờ hồTidal Basin và những công viên cây xanh rải rác khắp thủ đô. Khách du lịch sẽ được thấy những cơ quan quyền lực nhất nước Mỹ, các cơ quan quốc tế cũng như những tòa đại sứ, đại diện cho các quốc gia trên thế giới có mối quan hệ với Hoa Kỳ. Mọi người sẽ ngạc nhiên vì những công trình kiến trúc ở thủ đô không có những tòa nhà chọc trời như New York hay các thành phố lớn khác, mà chỉ có những tòa nhà thấp hơn Tháp Bút. Đa số những công trình kiến trúc ở đây đều có các tầng hầm phía dưới mặt đất và nổi bật nhất là hệ thống xe điện ngầm được xây dựng đã mấy thập niên qua, để giải quyết nạn kẹt xe trên mặt đất. Bên cạnh đó là những bảo tàng viện lịch sử, quốc gia và rất nhiều tượng đài kỷ niệm để du khách đến thăm viếng. Mỗi năm, cứ vào dịp cuối tháng ba kéo dài đến giữa tháng tư, hoa anh đào lại nở rộ chung quanh bờ hồ Tidal Basin báo hiệu xuân về sau mùa đông lạnh giá.

Cách nay vừa đúng 100 năm, thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã nhận món quà quý giá 3,000 cây hoa anh đào do thủ đô Tokyo tặng, nhằm tăng tình hữu nghị giữa hai nước Mỹ - Nhật. Từ đó, người Mỹ đã chăm sóc và nhân giống cây hoa anh đào trồng khắp thủ đô Hoa Thịnh Đốn và một số thành phố khác, để hằng năm sắc hoa anh đào tràn ngập các con đường, vườn hoa, công viên, khu phố, in bóng trên mặt nước, thấp thoáng trên bầu trời xanh, hòa hương sắc cùng các loại hoa khác mỗi độ xuân về. Hoa anh đào có hai màu là màu trắng và màu hồng. Thời gian tồn tại của một đóa hoa anh đào thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày, trung bình khoảng một tuần lễ từ lúc bắt đầu nở. Thời điểm hoa nở rộ là đẹp nhất, mới hôm trước những nụ anh đào còn e ấp trong những cành cây mà hôm sau đã bắt đầu xòe những cánh hồng phơn phớt đẹp tuyệt vời. Hoa anh đào là loại hoa xứ lạnh, cánh mỏng manh với sắc hồng lãng mạn. Đến khi hoa sắp tàn, chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua là vô số cánh hoa bay phất phới như một trận mưa phùn, rơi đầy mặt đất và trôi bềnh bồng trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Tuy hoa tàn rơi khắp nơi nhưng những cánh hoa vẫn còn sắc trắng chứ không úa vàng như những loài hoa khác.

Năm 2012 là năm đánh dấu những cây hoa anh đào đầu tiên được trồng trên đất nước Hoa Kỳ được một thế kỷ. Hiện nay có khoảng gần 4,000 cây hoa anh đào được trồng bên bờ sông Potomac, xung quanh hồ Tidal Basin và quanh đài tưởng niệm Washington. Lễ hội hoa anh đào là một trong những lễ hội hoa thu hút đông khách du lịch nhất thế giới. Mỗi năm có hàng triệu du khách khắp nơi tới chiêm ngưỡng vườn hoa đào, thăm viếng những tượng đài cũng như các viện bảo tàng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trong lễ hội kéo dài hai tuần còn có các hoạt động thưởng thức món ăn Nhật Bản Sushi, rượu Sake, trình diễn trang phục Kimono, lễ hội đường phố, đua xe đạp quanh bờ hồ Tidal Basin.

Bản thân người viết vốn dĩ rất yêu thiên nhiên và cây cảnh nên đã có niềm mơ ước được một lần đến thủ đô vào mùa hoa anh đào để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa vương giả. Cho tới 16 năm, sau ngày định cư ở đất Mỹ mới có cơ hội ngắm hoa anh đào, thực hiện giấc mơ từ bấy lâu nay. Đứng bên bờ hồ nhìn về phía Tháp Bút, đài tưởng niệm Washington, cao sừng sững vươn lên bầu trời rồi nhìn sang bờ bên kia là tượng đài Jefferson soi bóng dưới mặt hồ lấp lánh ánh nắng. Bao nhiêu khách nhàn du dạo bước dưới những cây anh đào dày đặc những chùm hoa trắng, hồng. Vườn đào tựa như chốn thiên thai mà Tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho con người. Nét đẹp tuyệt vời của vườn hoa anh đào đã để lại một kỷ niệm đáng ghi nhớ:

Mùa Hoa Anh Đào

Đến Washington mùa hoa đào

Một ngày nắng đẹp gió lao xao

Hoa nở từng chùm khoe sắc thắm

Soi bóng mặt hồ đẹp biết bao!

Sừng sững uy nghi kia Tháp Bút

Đây đài Tưởng Niệm dáng cao cao

Du khách dừng chân hồn ngơ ngẩn

Lạc bước thiên thai chốn vườn đào...

(hbp)

Riêng với cựu học sinh Ngô Quyền, chúng ta có một vị cựu giáo sư Ngô Quyền đã định cư ở thành phố Fairfax, cạnh thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã bốn mươi năm kể từ lúc đi du học, đó là Thầy Phạm Gia Hưng. Vậy có dịp đến DC vào mùa hoa anh đào, chúng ta cũng sẽ có cơ hội đến thăm Thầy và được hướng dẫn xem lễ hội hoa anh đào. Trong những email gửi đến học trò cũ, Thầy vẫn nhắn nhủ có dịp về thủ đô thì ghé thăm Thầy với địa chỉ và số phone Thầy viết kèm theo. Đó là thứ tình cảm rất thân thương trìu mến mà Thầy luôn dành cho những học trò cũ đã cùng với Thầy một thuở Ngô Quyền.

Hãy cứ tưởng tượng có một ngày đầu mùa xuân, Thầy trò hội ngộ ở thủ đô vào mùa hoa đào, cùng bách bộ dưới những tàng cây tràn ngập những chùm hoa đào sắc hồng sắc trắng, nhắc lại chuyện xưa của hơn bốn mươi năm trước khi Thầy trò cùng dưới một mái trường. Ôi cái hình ảnh đó sao mà thân thiết và tuyệt vời biết bao! Vườn đào lại ghi thêm một kỷ niệm đáng quý của tình Thầy trò. Mong lắm thay!

Hát Bình Phương

NGÔ QUYỀN TRONG KÝ ỨC

Hàng ngồi: Cô Bùi Thị Ngọc Lan (áo vest màu xám tro), Cô Đặng Thị Trí (áo bông nâu vàng) - 2011

“Ngô Quyền ơi! 55 năm mãi xanh màu kỷ niệm.

Ngô Quyền ơi! 55 năm tình nghĩa vẫn đong đầy”

Về nhà đêm hôm đó, tôi không sao ngủ được. Bài hát “Về lại trường xưa thân ái” của Trần Kiêu Bạc đã làm tôi mất ngủ. Đêm tiễn đưa đứng lên cầm bài hát, hát với các em, tôi được đọc từng câu ca thấm thía làm sao. Tôi ghi lại những kỷ niệm năm xưa dưới mái trường Ngô Quyền cũng không ngoài ý nghĩa “để thương để nhớ”.

“Xanh màu Kỷ Niệm”

Năm đó chúng tôi gồm có chị Luông, chị Thủy, chị Nga, chị Hồng, chị Hòa và tôi về Ngô Quyền sau khi ra trường. Năm sau có thêm chị Trí, chị Tâm và chị Bàn về. Phần đông chúng tôi chưa lập gia đình và rất trẻ. Lần lượt chúng tôi lập gia đình hết chỉ trừ chị Luông, chị ăn chay lúc còn đi học, chị là người hiền từ đạo đức.

Chị Vương Chân Phương lúc nào cũng nụ cười trên môi, chị đi rất mau. Chị Hà Bích Loan đẹp và vui tánh. Chị Hường, chị Diệu Dung, chị Thu Hà, chị Tốt, chị Còn và nhiểu chị khác mình quên tên.

Các anh có anh Võ, anh Đạt, anh Hưng, anh Phúc, anh Ân, anh Quãng v. v…

Đi dạy rất vui biết bao nhiêu là chuyện cười ở phòng giáo sư và phòng giám thị. Hiệu trưởng là ông Tuấn, ông Tuấn đi lính thầy Bảo lên thay, sau thầy Bảo là ông Thành. Thầy Bảo là một ông hiệu trưởng có một không hai. Nhìn hai cánh tay của ông, tôi đoán là ông tập tạ mỗi ngày. Học sinh sợ thầy Bảo lắm, ông rất tốt tôi không nghe ai than phiền về ông.

Có ba giáo sư bậc thầy của chúng tôi: Thầy Huệ, thầy Tiếng và thầy Sái. Tôi còn nhớ thầy Sái nói câu : “Nếu bạn bè mượn tiền, mình muốn từ chối khéo thì nói để tôi về hỏi lại bà xã rồi cho anh hay”. Tôi cũng hay áp dụng lối xã giao nầy.

Thầy Huệ rất thương cháu: “Nhà tôi bây giờ có cháu đi lững chững, nên tôi cưa hết bốn cạnh bàn, làm cho nó tròn tròn để cháu tôi đi khỏi đụng đầu”.

Thầy Tiếng rất thích ciné. Cuối tuần thầy đi Sàigòn xem bốn xuất ciné rồi mới về Biên Hòa. Khi thầy mất, cô Loan (con dâu của thầy) sai con đi mượn máy chiếu film về chiếu cho ông nội coi. Nàng dâu có hiếu, cô Loan rất đẹp, nên khi về dạy ở Biên Hòa, rất nhiều người để ý.

Chị N.Y: “ Em nói với ông xã em là lấy chồng cả đời không được đi đâu hết, tối ngày chỉ biết có con đường đi tới trường Ngô Quyền và con đường đi tới chợ” các chị biết ổng nói sao không? – Đi chợ sướng thấy mồ!”. Chị ơi! giặc giã tứ tung đi đâu bây giờ ?

Chị C: “Trời nắng, mình nhờ ổng đưa đi dạy, ổng không đưa ở nhà ngủ. Ngày xưa, mình không cho ổng tới trường đón mình, mà ổng cứ tới hoài, làm mình mắc cở thấy mồ.”

Chị ơi, lấy nhau được rồi là thế đó!

Chị Luông, chị tu ăn chay trường mặc áo lam. Chị hỏi tôi: “Chị Lan, em N.T.T thấy mình thì nó chấp tay xá mình, không biết nó kính mình thiệt hay ngạo mình?”

Chị ơi có trời mà biết…

Chị Nguyệt Thu: “Chị Lan, thằng Nghiệp của chị nó sửa radio giỏi quá.”

Chị hên đó, nó làm hư mấy cái radio ở nhà rồi chị biết không?

Chị Bàn thì hiền quá.

Chị Nga - Chúng tôi hay chọc chị về chiều cao của chị: “Cao như con Nga khó lấy chồng.”

Khi đi dự đám cưới chị Nga và anh Ẩn, một giáo sư nói: “Tôi thấy anh Ẩn cao hơn chị Nga, tôi thở một cái khì.”. Đồng nghiệp ai cũng lo cho chị khó tìm người xứng với chị, Anh Ẩn rất hiền và ít nói.

Chị Hòa hiền lành thùy mị, ít nói hay mắc cở đỏ mặt. Chị Thủy và tôi hay chọc chị Hòa và chị Nga bằng những chuyện tiếu lâm làm hai chị cười đỏ mặt.

Chị Hương – Thương chị quá. Khi đưa đám tang chồng chị là Bác sĩ Hiệp, giám đốc Dưỡng Trí Viện, không biết tại sao tôi khóc sướt mướt, một người bạn của ông xã tôi để ý, mấy ngày sau gặp lại anh nói “Hôm đám ma Bác sĩ Hiệp, làm gì bà khóc dữ vậy bà ?” Tôi cũng không biết tại sao ngày hôm đó tôi khóc ngon lành. Có lẽ thấy chị Hương còn trẻ quá và các con chị còn nhỏ quá.

Chị Hội – Nghe nói chị ở tận New Guinée? Chị rất vui tánh.

Chị Tốt - Chị rất đặc biệt, Chúng tôi học cùng lớp với chị, chị Hòa, chị Nga ở tiểu học, chị rất thông minh, lúc nào cũng đứng nhứt lớp. Một người bạn trong lớp nói “Nhìn cặp mắt nó là biết nó thông minh rồi.”. Cặp mắt chị đen huyền lóng lánh tròn như hột nhãn, ăn nói gọn gàng, không dài dòng. Nói đến chị tôi nhớ tới cô Hữu dạy chúng tôi lớp nhứt. Một hôm cô giảng bài, có lẽ là toán, chớ việt văn thì dễ hiểu quá. Cô giảng đi giảng lại mà mặt học sinh cứ ngơ ngơ không hiểu, nên cô giáng cho một câu “Không học mà biết là thần đồng, học mà biết là người ta, còn học mà không biết là con bò”, chúng tôi im lặng không dám hó hé… Chúng tôi rất thương cô.

Tôi là một học sinh vô tình đáng trách. Ra trường rồi, không bao giờ trở lại thăm thầy cô cũ. Nếu có gặp đâu đó thì chạy trốn, mặc dù trong lòng lúc nào cũng nhớ đến thầy cô.

Ở Việt Nam ngày bãi trường là ngày học sinh bày tỏ lòng biết ơn thầy cô. Chúng ta có buổi tiệc chia tay, có quà tặng thầy cô, trưởng lớp đứng lên đọc diễn văn để nói lên lời cám ơn và xin thầy cô tha lỗi chúng em đã bao lần làm thầy cô buồn.

Các cô của chúng tôi là:

Cô Nhan ở Cù lao phố lớp năm

Cô Liêng vợ thấy Lô lớp tư

Cô Lượm bà ngoại em Phẩm lớp ba.

Cô Loan người Bắc lớp nhì,

Cô Hữu lớp nhứt.

Anh Nguyễn Xuân Hoàng và chị Liên Chi. Anh Hoàng cao và đẹp trai, lúc nào cũng vui vẻ. Chị Liên Chi bạn của tôi mất ở Pháp, chị rất hiền.

Anh Phúc chị Còn – Anh Phúc cũng đẹp trai, cao. Chị Còn hiền.

Anh Hiệp - trẻ đẹp, đạo mạo, mấy em thích thầy Hiệp lắm đó.

Anh Võ lúc nào cũng vui cười

Anh Quãng – Cao đẹp trai, vẽ thật tài.

Chị Dung anh Cát – Anh chị có giàn cây trái gấc thật đẹp. Cựu học sinh Ngô Quyền hay tham vấn thầy cô. Anh chị rất hiền.

Anh Phố - Quá hiền.

Chị Trí - Tôi với chị gặp nhau thường ở những buổi họp mặt với các em và họp mặt đầu tháng của giáo sư. Có lần họp mặt đầu tháng anh Hoài chỉ địa điểm làm sao mà chị tới không gặp ai, chị về… cự nự quá.

Chị Diệu Dung – Tôi gặp lại chị kỳ họp mặt Ngô Quyền năm 2009? Chồng chị và chồng tôi là hai bạn “nhậu” ở Biên hòa. Chị không thay đổi mấy, vẫn đẹp như ngày xưa nên dễ nhận ra.

Chị Thư anh Đạt - Tôi gặp lại anh chị ở chùa An Lạc Ventura CA, tôi nhìn ra anh chị liền. Anh chị lại không nhìn ra tôi.

Chị Oanh – tôi gặp lại chị ở Phước Lộc Thọ, chị không thay đổi, vẫn đẹp như thuở nào. Còn rất nhiều anh chị tôi nhớ mặt mà quên tên, thành thật xin lỗi.

Các anh chị Ban Giám Đốc, Giám Thị.

Ông Sanh – Vui tánh, hiền: “Cô biết không, cái xe hơi khi nó đậu coi nó hiền lành, còn nó chạy, nó là một hung thần, chớ sao”

Ông Chẫn kế toán - Mỗi lần có tin vui về lương bổng, ông cho biết với nụ cười trên môi như lên lương, tiền mượn tết được cho luôn.

Ông Tý - Kể tôi nghe chuyện khổ của người dân dưới thời bị Pháp đô hộ “Người dân nghèo lắm cô ơi, tới năm không tiền đóng thuế thân phải chạy trốn, mà nếu Tây bắt được thì nó bỏ tù khổ lắm. Ở nhà quê có người không tiền mua vải phải mặc bao bố”. Ông kể về ông là “Tôi cực khổ tới đâu cũng được miễn vợ con tôi được no ấm là tôi mãn nguyện.” . Thật là một người chồng, người cha gương mẫu.

Ông Tân chồng cô Hiệp - Ông ít nói, hiền hậu, các con của ông đều thành công và giàu có.

Cô Giàu – Lúc nào cô cũng cầm một xâu chìa khóa trong tay. Cô hay nói “Trong đời chưa ai khổ bằng tôi: mấy lần chồng bị bắt, mấy lần…, mấy lần…” tội cho cô, người ta bị một lần cũng đủ chết rồi, còn cô thì “mấy lần”, một người đàn bà can đảm trong thời loạn. Cô còn là một “người mẹ tinh thần” của nữ sinh. Bất cứ chuyện gì, các em cũng tới nói với cô. Cô hay nói: “Tụi con về lớp đi, để rổi cô tính; hoặc tao mệt với tụi bây quá.”. Cô rất thương và che chở cho học sinh.

Ông Hảo, Ban Giám Đốc – Hôm đó nhìn ông có vẽ tiều tụy, râu mọc lún phún, ông choàng một cái mền trên vai, ông nói: “Mấy ngày nay tôi đau chị Lan, rồi ông kể chuyện tình của ông là cha mẹ người ông yêu không chịu gả con gái cho ông. Ông buồn và bịnh. Ông kết luận một câu xanh rờn “Bây giờ tôi mới biết thế nào là “con tim rạn nứt” đó chị Lan.”. Tôi nói để vừa chọc vừa an ủi ông: “Vâng, yêu nhau lấy nhau không được thì con tim rạn nứt, còn lấy nhau được rồi thì rướm máu con tim đó ông, rồi từ đó con tim sẽ rỉ máu dài dài ông ạ, đàng nào con tim cũng bị thương”.

“Ủa sao kỳ vậy?”. Ông ngạc nhiên hỏi. Không biết sau nầy ông có cưới được cô ấy?

Từ trái sang phải: Thầy Hoài, Cô Lan, Thầy Phố, Thầy Võ, Thấy Phiên, Cô Trí (tháng 7/2011)

“Tình Nghĩa đong đầy”

Tháng 5, 1975 gia đình tôi qua trại tỵ nạn Florida. Một em nữ sinh Ngô Quyền lại nhìn tôi, “Em là học sinh Ngô Quyền.” Tôi mừng quá vì có em giúp đỡ giấy tờ thông dịch. Em là tình nguyện viên giúp trại tỵ nạn. Xe bus chở chúng tôi tới trại lúc 2, 3 gìờ sáng, những người thiện nguyện ngủ trên xe hơi của họ để đợi tỵ nạn tới dẫn chúng tôi về lều rồi mới về, sáng hôm sau họ trở lại. Hôm họp mặt “55 năm”, tôi có gặp lại em, em nhìn ra tôi và tôi cũng nhớ ra em, người giúp gia đình tôi ở trại tỵ nạn. Tôi thật vô tình không hỏi điện thoại và tên em. Nếu em có đọc bài nầy xin em liên lạc với cô.

Về Oklahoma, tôi lại gặp một em nữ sinh Ngô Quyền khác, tên em là Thanh Vân Anderson, em Thanh Vân nhường cho tôi việc phụ giáo ở trường tiểu học. Em giới thiệu tôi đi phỏng vấn và được mướn.

Hai em là ân nhân của tôi. Xin cám ơn và nhớ hoài hai em. Tôi nhớ Biên Hòa, nhớ trường xưa, nhớ các anh, các chị và các em học sinh Ngô Quyền. Kính chúc các anh, các chị và các em “Một Đời Hạnh Phúc Bên Người Yêu” “Trăm Năm Tình Nghĩa vẫn Đong Đy”

GS. Bùi Thị Ngọc Lan

Tạ Ơn Thầy Cô Nhân Lễ Thanksgiving 2010

Mỗi năm vào dịp Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, chs NQ nhắc nhau cùng bày tỏ lòng biết ơn các đấng sinh thành, quý Thầy Cô đúng như tinh thần lễ giáo Đông phương "Công Cha nghĩa Mẹ ơn Thầy" và những bài Công dân giáo dục đã được học từ thời thơ dại.

Đặc biệt lần này, ngoài lời tri ân đến các Thầy Cô từ học trò Ngô Quyền xưa, MGTT xin được vinh danh Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo, một người gắn bó gần như cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục, đã góp công không nhỏ trong việc đào tạo nhiều nhân tài cho miền Nam, và đã là niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò tiếp nối trở thành những nhà giáo có cả nhiệt tình lẫn tài năng.

Xin mời tất cả chs Ngô Quyền cùng quay về trường xưa trong tâm tưởng để tri ân những người lái đò ngày nào đã ít nhiều góp phần đưa chúng ta đến bờ bến thành đạt cùa đời người.

BBT

Trong 12 năm dài làm Hiệu trưởng Trung học Ngô Quyền (1961-1973), Thầy Phạm Đức Bảo không còn trực tiếp giảng dạy như thời Thầy còn là GS ở Quốc Học (Huế), nhưng hầu hết các chs NQ ở Đệ Nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) đều có dịp học với Thầy một hay hai giờ khi Thầy dạy thế thay cho GS chính vì một lý do nào đó phải vắng mặt. Những lần như vậy, cả lớp "ngoan" và chăm học hơn bình thường vì Thầy là ông Hiệu trưởng với quan niệm "thương cho roi cho vọt" thường xuất hiện trong sân trường với cây roi dài lăm lăm trên tay. Hình ảnh đó trở thành một ấn tượng không nhòa trong ký ức cúa tất cà chs NQ. Ngày xưa, học trò NQ sợ Thầy hơn là thương Thầy. Sau này, trưởng thành khôn ra, hiểu ra "nhờ ai ta có ngày nay", hình ảnh ông Hiệu trưởng nghiêm khắc với cây roi dài chừng như trở thành hình ảnh ông tiên cầm cành dương liễu.

Nên cuối thập niên 90s , khi Thầy từ Đức qua Mỹ, ghé qua San Jose, chs Ngô Quyền miền Bắc đón tiếp Thầy rất nồng hậu với nhiệt tình của "thời mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy" dù tóc của nhiều anh chị đã đổi màu. Đó là lần đầu tiên chs NQ miền Bắc họp mặt đông kín cả nhà hàng, những người đến trễ phải đứng ở ngoài hàng hiên.

Học trò thơ dại năm xưa đã trưởng thành, sự nghiệp vững vàng nên Thầy Hiệu trưởng không còn nghiêm khắc, không còn cầm theo cây roi. Nhưng học trò xưa vây quanh Thầy vẫn với lòng kính trọng như một thủa nào mắt sáng môi tươi với phù hiệu Ngô Quyền trên đồng phục học sinh. Đêm đó ở một góc San Jose, xa Biên Hòa nửa vòng trái đất, mắt thầy trò cùng lấp lánh niềm vui như những tinh tú trên trời vào một đêm đẹp trời cuối xuân đầu hè …….

Nguyễn Trần Diệu Hương- học trò của chs Ngô Quyền khóa 5,6 và 7

Đầu năm Đệ lục (sau này đổi thành lớp 7) tôi được Thầy Hiệu Trường Phạm Đức Bảo cho phép chuyển từ "trường quê" Tân Uyên về "trường tỉnh “Ngô Quyền” kèm theo "lời răn đe":

-Liệu mà học hành. Học không chăm, không giỏi sẽ bị đuổi về lại Tân Uyên.

Mười hai tuổi, học trò nhà quê ra tỉnh, tôi vừa sợ Thầy, vừa sợ bị đuổi ra khỏi trường nên hết sức chú tâm vào chuyện học. Có lẽ nhờ vậy mà tôi có căn bản vững chắc trong mọi môn học, đặc biệt là môn Toán, môn có hệ số cao nhất của bậc Trung học.

5 niên khóa trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ, mỗi cuối năm học tôi đều được phần thưởng nên không… “bị đuổi về Tân Uyên” và cũng chìm lẫn vào cả ngàn nam sinh áo trắng quần xanh ngoan ngoãn của ngôi trường công lập lớn nhất miền Đông Nam phần. Cuối năm Đệ Nhị B1 (11B1 sau này), tôi đậu Tú tài 1 ưu hạng nên Thầy càng nhớ tôi hơn. Xong bốn năm ở Sư phạm Toán, tôi được đi học thêm một năm ở Pháp, rồi về lại quê nhà. Ghé thăm trưởng xưa, tôi gặp lại Thầy, lúc đó không còn là Hiệu trưởng Ngô Quyền mà đổi về Khu Học chánh. Thầy vẫn nhớ cậu học trò nhà quê năm xưa nên mặc dù tôi không còn được ưu tiên chọn nhiệm sở như lúc mới ra trường Đại học Sư phạm, Thầy vẫn nhận học trò xưa vào dạy Ngô Quyền như Thầy đã làm với rất nhiều học trò cũ thời Thầy còn dạy Quốc học ở Huế (trong số này có quý Thầy: Tôn Thất Long, Thân Trọng Bình, Tôn Thất Để, Trần Phiên, và Lê Quý Thể đã từng dạy Toán ở Ngô Quyền)

Xin kính cảm ơn Thầy về tất cả những quan tâm Thầy đã dành cho học trò Ngô Quyền nói chung và em nói riêng. Lúc nào em cũng nhớ đến Thầy. Cầu mong Thầy luôn an lạc và vui khỏe như một thuở nào ở Ngô Quyền thân yêu.

BBT viết theo lời kể của Thầy Diệp Cẩm Thu, chs NQ khóa 7

… Ngôi trường Ngô Quyền mơ ước và thân thương đang đón chờ tôi, thời đó trường như vậy là khang trang, hiện đại lắm rồi: gồm hai dãy lầu quét vôi màu vàng, giữa là sân chơi với những hàng dương đã bắt đầu tỏa bóng mát. Ngoài ra phía trước, ngoài cổng bước vào bên trái còn một nhà trệt, mái ngói, cửa kính, đó là phòng thí nghiệm, phía sau và một bên sân có mấy nhà để xe cho học sinh.Nhớ về trường xưa, tôi và các bạn làm sao quên được công lao, nghĩa tình sâu nặng của biết bao thầy, cô đã vun đắp cho chúng ta…

Huỳnh văn Huê – chs Ngô Quyền khóa 8 – Biên Hòa- Việt Nam

…Xin được có một Lời Tạ Ơn gửi đến các Thầy Cô đã dạy chúng em học tại trường Ngô Quyền Biên Hòa ngày xưa...!

Phạm Anh Quân – chs Ngô Quyền khóa 15– Biên Hòa- Việt Nam

… Dù có đi khắp bốn phương trời, mãi mãi hình ảnh Thầy Cô, bè bạn dưới mái trường NGÔ QUYỀN luôn ở trong trái tim tôi.

Thầy rất chân tình chăm lo cho tất cả chúng tôi, khiến cho chúng tôi ai nấy đều kính quý Thầy, cảm thấy thân yêu Thầy như người Cha trong gia đình, mọi người không ai bảo ai đều ra sức học tập chuyên cần để Thầy vừa lòng.

Thầy rất hiền lành, nhưng cũng rất nghiêm, tận tụy siêng năng, chăm chút theo dõi việc học tập của từng người học trò một, không bỏ sót một ai... Thầy rất tình cảm, có lần tôi nhìn thấy Thày khóc, vì một bạn trong lớp vi phạm kỷ luật và bị điểm kém…

Nguyễn Ngọc Xuân- chs Ngô Quyền khóa 7- Đà Nẵng- Việt Nam

… Người Mỹ có phong tục rất hay, có ngày Thanksgiving để tạ ơn trời, để tạ ơn gia đình, tạ ơn bạn bè, tạ ơn những người chung quanh đã giúp mình. Tôi nhận lấy phong tục nầy. Xin được tạ ơn trời, tạ ơn cha mẹ, tạ ơn gia đình, tạ ơn thầy cô: thầy Phúc, thầy Hiệp , thầy Kỷ , thầy Bích, thầy Quyến (Pháp Văn), thầy Lan (Anh Văn), thầy Văn (Vạn Vật), thầy Hưng, cô Oanh (Sử Địa) và tất cả những thầy cô ở Ngô Quyền năm xưa. Tôi muốn viết một bài để tạ ơn thầy cô như nhà văn, nhà giáo Nguyễn Xuân Vinh viết trong "Thầy Còn Nhớ Tôi Không". Nhưng giáo sư Nguyễn Xuân Vinh viết hay quá. Tôi không thể nào viết một bài hay như thế được, xin thầy cô nhận nơi đây như những lời tạ ơn của em trong mùa lễ Tạ Ơn. Cũng xin tạ ơn các anh chị trong ban Chấp Hành Hội Ái Hữu CHS Ngô Quyền Biên Hòa đã tạo cơ hội cho chúng ta có dịp tìm lại nhau sau một quãng thời gian dài xa cách tưởng như không còn dịp gặp nhau nữa…

Thung Lũng Hoa Vàng

Mùa Lễ Tạ Ơn 2010

Nguyễn Anh Tuấn - chs NQ khóa 6 (1961-1968) - San Jose, CA- USA

… Thầy dạy tôi môn Hóa Học. Người thầy cao ốm, khẳng khiu. Dưới đôi mắt kiếng dầy cộm như vỏ chai, thầy hay tít mắt lên cười. Thầy trẻ trung, vui tánh và hay pha trò nên không khí trong lớp học Thầy dạy rất cởi mở. Thầy dạy từ từ, rõ ràng, theo mức độ hấp thu của học sinh. Khi giảng bài Thầy dùng phấn nhiều màu để viết dàn bài hoặc vẽ hình minh họa . Thầy biến môn Hóa khô khan thành một môn học lý thú và dễ hiểu. Học sinh lơ tơ mơ như tôi mà lúc đó còn hiểu cấu trúc cơ bản nguyên tử (atom) gồm có protons, neutrons và electrons. Protons mang điện dương, electrons mang điện âm còn Neutrons thì trung hòa. Chính vì thấy mình không đến nỗi tệ trong môn Hóa nên sau này lên Đại Học tôi đã mạnh dạn đi theo ngành Hóa Học. Em xin cám ơn Thầy…

Phạm Thị Hạnh-chs NQ khóa 11 – (Australia)

NHỮNG LỜI CHƯA NÓI.

Tôi rời xa mái trường Ngô Quyền năm 1970, thoáng chốc đã 40 năm với bao bước thăng trầm trong cuộc sống, tuổi đã vào Thu biết bao kỷ niệm còn luyến nhớ, cỗng trường xưa, con dốc lài từ Đài kỷ niệm xuống Biên Hùng chỉ còn trong trí tưởng. Bao người xưa phiêu bạt nơi đâu, chợt nhớ ra mình cũng còn “ Những lời chưa nói” với Thầy với Cô của những ngày đi học.

Cô ĐàoThị Nga tôi vẫn luôn nhớ đến cô, năm đầu thất 4 những bài Anh văn vỡ lòng Let’s Learn English. Nhớ đến cô như nhớ đến những ngày hiên ngang lên Trung học. Suốt 7 năm dưới mái trường Ngô Quyền, tôi rất sợ các giờ của quý Thầy Nguyễn Văn Phố, Nguyễn Thất Hiệp, Tôn Thất Để, Tôn Thất Phong, Lê Văn Tuý và Lê Quý Thể, không biết vì quý Thầy quá nghiêm hay bản thân tôi dở Toán. Trái lại tôi rất ham học những giờ Việt văn với Cô Bùi Thị Ngọc Lan với những bài văn nhẹ nhàng, cô Hà Bích Loan với những câu chuyện thần tiên "Bích Câu Kỳ Ngộ”, thầy Đoàn Viết Biên với những bài thơ của Nguyễn Khuyến, bà Huyện Thanh Quan và thầy Phạm Ngọc Quýnh với tuyệt tác “Kim Vân Kiều”. Với sở thích của mình lẽ ra tôi phải chọn ban C khi lên đệ nhị cấp, nhưng “Đường về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê” của mấy đứa bạn hiên ngang chọn ban B để cho mấy cô em biết mình giỏi Toán. Ngoài cô Đào Thị Nga, môn Anh văn còn có cô Võ Thị Thu Thủy, Thầy Nguyễn Xuân Kính, Thầy Nguyễn Văn Lan, cô Phan Thị Tốt và thầy Phạm Văn Dật. Môn Pháp văn vẫn nhớ đến cô Nguyễn Thị Mỹ và thầy Đinh Hữu Quyến và còn nữa thầy Nguyễn Ngọc Ẩn với môn Sử Địa. May mắn tôi vẫn còn thường gặp lại cô Bùi thị Ngọc Lan với nụ cười hiền hòa thuở nào, gặp lại cô Hà Bích Loan một lần cùng với cô Phạm Thị Nhã Ý vẫn nhớ lời nhắn nhủ ân cần của cô “Người viết văn thơ muốn viết cho đạt, phải đặt cái tâm hòa trong lời viết”. Gặp lại thầy Nguyễn Văn Lan vào năm 1996, thầy đến Mỹ từ Paris và Thầy trò đã có một đêm tâm sự. Riêng thầy Nguyễn Văn Phố cũng ở gần đây thôi, tôi đã thường tự nhắc với bản thân mình, cố gắng mỗi tháng đến thăm để nghe lại giọng nói, và nhìn lại dáng cao gầy của thầy.

Kính thưa Thầy, kính thưa Cô. Là một đứa học trò đi lạc nhưng vẫn còn một lối để quay về, với trái tim còn thổn thức để được nói lên “NHỮNG LỜI CHƯA NÓI” trong mùa lễ tạ ơn.

Nguyễn Hữu Hạnh- Orange County . CA USA

… Từ Khiết Tâm, tôi “leo rào” qua Ngô Quyền vì nghe nói học sinh trường Ngô Quyền đẹp lắm, học giỏi nữa, bao nhiêu người trẻ tài hoa đều tập trung ở Ngô Quyền, định mệnh đẩy đưa tôi trở thành học sinh Ngô Quyền với năm học cuối cùng của bậc trung học, bao nhiêu những kỷ niệm đẹp, huy hoàng mà suốt đời tôi không quên được với một năm học cuối này. Ở đây tôi tham gia các sinh hoạt thể thao, văn nghệ, xã hội... gặp gỡ những người bạn, người em thân thương, chân tình, chia xẻ những băn khoăn, trăn trở của tuổi mới lớn. Cũng nơi đây tôi nhận thấy tình cảm yêu thương tận tâm tận lực của các thầy cô như: thầy Bảo, thầy Lê Quý Thể, thầy Lâm Tấn Văn, thầy Mai Kiến Phúc, cô Tốt dạy Anh văn, thầy Thành... và còn nhiều nữa, các thầy cô đã đem hết tình yêu thương cũng như khả năng để dạy chúng tôi, giúp chúng tôi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Nhớ lại ngày xưa còn nhỏ, ông bà, ba mẹ tôi thường dạy rằng: "một chữ cũng là thầy", hoặc "mùng một tết cha, mừng hai tết chú, mùng ba tết thầy". Hồi còn học bậc tiểu học ở trường làng quê, mỗi dịp tết đến tôi thường đi bộ đến nhà từng thầy cô để chúc tuổi.

Thời gian đã qua, đầu đã bạc, nay có dịp ôn lại cái thủa xa xưa ấy. Rất chân thành cám ơn Ban Biên Tập cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa đặc biệt mục Một Góc Thầy Trò đã tạo cơ hội cho tôi được viết lại dòng tâm sự này, với lối văn, ngôn từ mộc mạc hy vọng với lòng thành cũng đủ để tỏ lòng tri ân quý thầy cô đã giúp tôi có ngày hôm nay. Nguyện xin ơn trên tuân độ nhiều hồng ân xuống cho quý thầy cô, đặc biệt hằng ngày trong lời cầu nguyện xin cho quý thầy cô đã quá cố được hưởng phước đời đời...

Đinh Quang Bình-Trưởng Khối Thể thao NQ (nk72-73) -Dallas TX USA

THẦY ƠI!

Thầy nén lại tiếng ho trong ngực

Giấu cơn đau khớp gối trở trời

Không để cho đời riêng cơ cực

Làm nặng nề bài học tinh khôi.

Tóc đen theo thời gian bạc trắng

Lưng còng thêm những nỗi lo toan

Nếp suy tư hằn trên vầng trán

Vắt cạn nguồn kiến thức cho con.

Thầy đứng lại để con bước tới

Bóng hoàng hôn tỏa ánh nhân từ

Ấm lòng con tình thầy vời vợi

Tuổi học trò chẳng chút ưu tư .

Thầy đã chắp cho con đôi cánh

Bằng lời hay ý đẹp mênh mông

Bàn tay thầy tiếp thêm sức mạnh

Giữa bão giông vẫn thấy an lòng.

(Kính nhớ tất cả các thầy cô của mái ấm NQ)

Hà Thu Thủy - Biên Hòa- Việt Nam

Sau cùng, cũng xin được gởi lời tạ ơn trong tâm tưởng đến tất cả các Thầy Cô đã quá cố. Cầu mong quý Thầy Cô được thanh thản ở cõi vĩnh hằng.

Tôi rất xúc động khi hay tin Thầy Trần Văn Kế đã qua đời. Rất tiếc là từ khi Thầy sang Mỹ tôi chưa có lần nào có dịp được thưa chuyện với Thầy. Trong quãng đời làm học trò Ngô Quyền, tôi chỉ nhận được lời khen duy nhất từ Thầy. Lời khen của Thầy, dù có hơi thiên vị, đã an ủi tinh thần tôi rất nhiều trong những lần vấp ngã.

Phạm Kim Luân-Trưởng Khối Báo chí Ngô Quyền ( nk 73-74)- Hòa Lan

... Lần Thầy thay “van tim” ở bệnh viện San Jose những ngày đầu thế kỷ 21, tôi vào bệnh viện thăm Thầy, thấy Thầy vẫn còn hôn mê trên giường bệnh chằng chịt ống dẫn nước biển. Bên cạnh, Cô mệt mỏi ngủ ngồi. Tôi rón rén đặt bình hoa trên bàn rồi lặng lẽ ra về. Hôm sau, Thầy gọi điện thoại cảm ơn làm tôi cứ thắc mắc mình đã cảm ơn đủ những điều mình đã nhận được từ Thầy Cô từ bao năm qua hay chưa?

Đầu mùa Xuân 2007, chs Ngô Quyền ở miền Bắc California tiễn Thầy về với hạc nội mây ngàn. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, chắc hẳn rất nhiều học trò cũ của Thầy ở Vĩnh Long, ở Biên Hòa cũng gởi lời cầu nguyện vào hư không tiễn Thầy về với Chúa.

Cũng như chs Ngô Quyền các khóa 15, 16 và 17 đã thành tâm tưởng nhớ Cô Phạm Thị Khang, Cô Lê Thị Mỹ và cầu mong hai Cô được sớm siêu sinh tịnh độ.

Nguyễn Trần Diệu Hương- Phó Tổng Thư ký BĐH HS NQ (nk 74-75)

Lời Tái Hẹn

Người buồn ta cũng chẳng vui

Cũng là mặt nước bèo trôi lỡ làng

Người về nẻo ấy thu sang

Hàng ngày "quét lá thu vàng đầy sân".

Nhớ xưa hạnh phúc thật gần

Ta vung tay hái bao lần nhớ quên?

Trai anh hùng, gái thuyền quyên

Hẳn là cái hạnh tầm duyên nhất đời?

Mái trường với lá phượng rơi

Cánh hoa đỏ thắm như môi học trò

Thương sao điệu nhẩy lò cò

Nhớ sao những buổi nắng to hè về!

Vui thay Hưng Thái bên trời

Luôn tay vun quén lá rơi khắp vườn

Là cây hạnh phúc dấn thân

Ráng vun chắc gốc cây thần ấy nghe .

Rồi sang năm lại trở về

Thần Tiên đảo nhỏ bạn bè bốn phương

Sắn tay nấu món lẩu hương

Kẻ nhai người húp thập phần khen ngon.

Lộc Phúc