Dẫn nhập (4)

Đức Giêsu Kitô có kế hoạch lưu truyền sứ mạng của Ngài không? Ngài có thể hiện trên thực tế không?

Mọi lời Đức Giêsu dạy và mọi việc Ngài làm đều rất tốt lành. Nhưng con người thời nay có thể hỏi, "Còn với tôi thì sao? Chỉ những người ở thời Đức Giêsu được hưởng ơn lành của Ngài thôi sao?" Nhiều người nhìn nhận Đức Giêsu Kitô là một Nhân Vật xuất chúng, và thậm chí có thể tin Ngài là Thiên Chúa. Nhưng đối với họ, tất cả chỉ là quá khứ. Có thật như vậy không? Trong bài này chúng ta sẽ nêu lên các câu hỏi sau đây:

    • Đức Giêsu có tuyển chọn một ít người và đào tạo họ một cách đặc biệt không?
    • Ngài có sai họ đi truyền bá lời dạy của Ngài không?
    • Họ có trở thành một băng nhóm tông đồ lỏng lẻo, hay Ngài đã xây dựng họ thành một tổ chức để bảo tồn sự duy nhất?
    • Ngài có tuyển chọn một người để thay thế Ngài không?
    • Ngài có hứa rằng tổ chức này và lãnh đạo của nó sẽ tồn tại cho tới ngày tận thế không?

1. Ngài đã tuyển chọn một số người và đào tạo họ đặc biệt

Thánh Mátthêu (10:1-4) thuật lại:

(1) Rồi Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (2) Sau đây là tên của mười hai Tông Ðồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; (3) ông Philiphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; (4) ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, chính là kẻ nộp Người.

Thánh Máccô (3:13-19) nói:

(13) Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. (14) Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, (15) với quyền trừ quỷ. (16) Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, (17) rồi có ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan em ông Giacôbê Người đặt tên cho hai ông là Boanêghê, nghĩa là con của thiên lôi, (18) rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Batôlômêô, Máthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuôc nhóm Quá Khích, (19) và Giuđa Ítcariốt chính là kẻ nộp Người.

Thánh Luca (6:12-16) kể lại:

(12) Trong những ngày ấy, Ðức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (13) Ðến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Ðồ. (14) Ðó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, (15) Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, (16) Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

Các tác giả Tin Mừng không chỉ nhất trí về danh sách các sự lựa chọn này. Họ cũng nhất trí về thứ tự tên các tông đồ trong bản danh sách này. Điều đáng chú ý nhất là tên của Simon Phêrô luôn luôn đứng đầu danh sách. Một điểm đáng chú ý nữa là các tên ghi trong danh sách có thể phân thành ba nhóm, mỗi nhóm bốn người, và cách chia này giống nhau cả trong bốn sách Tin Mừng và sách Công vụ Tông Đồ (xem đoạn trích tiếp theo).

Danh sách này được kể lại một lần nữa khi mười một tông đồ còn lại tụ tập lại sau khi Chúa sống lại. Sách Công Vụ Tông Đồ (1:13) thuật lại như sau:

(13) Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Các ông ấy là: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Máthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê.

Sách Công Vụ (1:15-16) cũng nhắc lại rằng Giuđa từng là một trong nhóm mười hai tông đồ:

(15) Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em - có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt - Ông nói: (16) "Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Ðavít để nói trước về Giuđa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Ðức Giêsu. (17) Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi.

Hơn nữa, Nhóm Mười Hai sẽ phải là những nhân chứng cho Đức Giêsu Kitô. Thế nên, khi họ phải chọn một người để thế chỗ cho Giuđa, ông Phêrô đã đứng lên và nói (Cv 1:21-26):

(21) "Vậy trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người dẫn đầu chúng ta, (22) kể từ phép rửa của ông Gioan cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi về cuộc Phục Sinh của Người". (23) Họ đề cử hai người: ông Giuse, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Mátthia. (24) Họ cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai trong hai người này (25) để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Ðồ, chỗ mà Giuđa đã bỏ để đi về chỗ dành cho y". (26) Họ rút thăm, và ông Mátthia trúng thăm: ông được kể thêm vào số mười một Tông Ðồ.

Trong Chương 10 sách Công Vụ, Thánh Phêrô nhấn mạnh rằng chính Thiên Chúa tuyển chọn đặc biệt những người được trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng và là những người đã tận mắt chứng kiến việc Đức Giêsu Kitô sống lại.

(39) Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. (40) Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, (41) không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. (42) Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Ðấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.

2. Ngài sai họ đi truyền bá lời dạy của Ngài

2.1 Đức Giêsu Kitô sai các tông đồ đi rao giảng, làm phép rửa, và dạy người ta tuân giữ các lời dạy của Ngài.

Có thể thấy điều này trong các đoạn trích dẫn ở trên.

Hơn nữa, sau khi sống lại, Đức Giêsu Kitô đã nói với các tông đồ (Mátthêu 28):

(18) Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (20) dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".

Thực vậy, các tông đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng ngay sau khi được Đức Giêsu uỷ thác. Trong Chương 16, Thánh Mác Cô đã thuật lại cho chúng ta:

(15) Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. …(20) Còn các Tông Ðồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Thánh Luca (Chương 24) còn viết thêm chi tiết: lòng trí các tông đồ được mở ra, họ sẽ là những nhân chứng về những điều đã ứng nghiệm, và họ còn phải đợi Chúa Thánh Thần ngự đến:

(45) Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, (47) và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân của những điều này. (49) "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống".

Thánh Luca đã kết thúc và nhắc lại các điểm trong tường thuật Tin Mừng của ngài bằng những lời mở đầu cho Chương 1 của sách Công Vụ Tông Đồ:

(1) Thưa ngài Thêôphilô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Ðức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu (2) cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Ðồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. (3) Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. (4) Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, (5) đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần. (6) Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?" (7) Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, (8) nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất".

2.2 Các Tông đồ được sai đi giống như Đức Giêsu đã được sai đi.

Đức Giêsu đã trao lại sứ mạng của Ngài cho các tông đồ (từ "sứ mạng" trong gốc tiếng Latinh mittere có nghĩa là "sai đi"). Đức Giêsu Kitô trao lại con người của Ngài cho các tông đồ. Họ sẽ phải là những nhân chứng về Đức Giêsu Kitô và Đức Chúa Cha, chứ không phải về bản thân họ.

(21) Người lại nói với các ông: "Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em".(Gioan 20:21)

2.3 Các tông đồ sẽ được hưởng cùng một quyền bính như Đức Giêsu Kitô.

Theo tường thuật của Thánh Gioan, những lời của Đức Giêsu tại bữa Tiệc Ly cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã ban cho các tông đồ cùng một quyền bính như Ngài:

(20) Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy". (Gioan 13:20)

Trong Chương 17, khi cầu nguyện của Chúa Cha, Đức Giêsu đã nói về các tông đồ của ngài như sau:

(1) Nói thế xong, Ðức Giêsu ngước mắt lên trời và nói rằng: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha, (2) Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. (3) Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô. (4) Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. (5) Vậy lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian."

"(6) Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. (7) Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, (8) vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con…"

"(18) Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian."

Quyền bính này đến từ Chúa Cha, vì thế, cũng như

(19) "Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì…"(Gioan 5:19)

thì cũng thế, Đức Giêsu Kitô nói với các tông đồ của Ngài:

(5) "Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được." (Gioan 15:5)

Và Đức Giêsu còn nói rằng, ai muốn chấp nhận Ngài thì cũng phải chấp nhận các lời giảng dạy của các tông đồ:

(16) "Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Ðấng đã sai Thầy. (Luca 10:16)

2.4 Sứ mạng không kết thúc khi các tông đồ qua đi: đến lượt mình, các ngài cũng cử những người kế vị các ngài

Đến lượt mình, các tông đồ cũng cắt cử các tông đồ khác bằng cách đặt tay trên họ. Sách Công Vụ Tông Đồ (Chương 6) thuật lại cho chúng ta việc các tông đồ chọn ra 7 người phụ tá:

(5) … Họ chọn ông Têphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với ông Philipphê, Pơrôkhôrô, Nicano, Timôn, Pácmêna và ông Nicôla, một người ngoại quê Antiôkhia đã theo đạo Do Thái. (6) Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Ðồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Ðồ đặt tay trên các ông.

Trong hai lá thư gửi cho Timôthêô, Thánh Phaolô cũng nhắc đến việc đặt tay này:

(14) Ðừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh. (I Timôthêô 4:14)

(22) Anh đừng vội đặt tay trên ai, đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác. hãy giữ mình trong sạch.(I Timôthêô 5:22)

(6) Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. (II Timôthêô 1:6)

3. Họ sẽ không trở thành những tông đồ độc lập. Đức Giêsu đã thiết lập một tổ chức để duy trì sự hiệp nhất.

3.1 Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất

Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu Kitô đã cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài được hiệp nhất. Thánh Gioan đã ghi lại các lời của Đức Giêsu trong Chương 17 sách Tin Mừng của ông.

"(11) Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. … (22) Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: (23) Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con."

3.2 Hội Thánh hữu hình với một thủ lãnh hữu hình

3.2.1 Phêrô được chọn

Đức Giêsu Kitô đã thiết lập một Hội Thánh để bảo đảm sự hiệp nhất này. Hội Thánh này sẽ có một thủ lãnh hữu hình. Chương 16 sách Tin Mừng Mátthêu ghi lại những lời của Chúa:

"(18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."

Tên gọi "Phêrô" trong tiếng Hi Lạp là Petros, nghĩa là viên đá (nhỏ); còn "tảng đá" trong tiếng Hi Lạp là petra. Petros là danh từ giống đực, petra là danh từ giống cái. Nhưng trong bản tiếng Aram của Tin Mừng Mátthêu, từ kepha hay cephas được dùng để chỉ cả về Simon Phêrô lẫn tảng đá. Tên gọi này cũng được dùng trong Tin Mừng của Thánh Gioan.

(42) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Ðức Giêsu. Ðức Giêsu nhìn ông Simon và nói: "Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha" (tức là Phêrô). (Gioan 1:42)

Vào thời Chúa Giêsu, người ta không dùng "Kepha" hay "Cephas" làm tên người. Vì vậy cách dùng của Chúa Giêsu là độc đáo. Vai trò của ông Phêrô trong việc tiếp nối sứ mạng Chúa Giêsu được chứng minh bởi số lần các sách Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ nhắc đến ông. (Xem bảng thống kê ở trang cuối để so sánh với các tông đồ khác).

Vào một dịp khác, Thánh Luca (Chương 22) ghi lại những lời Chúa Giêsu nói với ông Simon:

(31) Rồi Chúa nói: "Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. (32) Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh".

Đức Giêsu bảo đảm rằng Phêrô sẽ thực sự là một tảng đá vững chắc. Mặc dù ông sẽ sa ngã (chối Chúa Giêsu), nhưng ông sẽ hối cải ("và một khi anh đã trở lại").

Chúa rất nhiều lần chỉ nói với một mình ông Phêrô, như trong cơn hấp hối của Ngài trong vườn cây dầu (Mátthêu 26:40-41):

(40) Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? (41) Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối".

Bản tường thuật của Thánh Máccô dựa vào lời giảng của Thánh Phêrô cũng ghi nhận rằng Chúa Giêsu đã nói riêng với ông Phêrô trong số ba tông đồ:

(37) Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: "Simon, anh ngủ à ? Anh không thức nổi một giờ sao? (38) Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối". (Máccô 14:37-38)

Có vẻ như Chúa Giêsu có một lòng ưu ái đặc biệt đối với ông Simon. Thánh Luca (Chương 5) kể cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chọn xuống thuyền của ông Simon để giảng cho dân chúng, và Ngài đã nói tiên tri rằng ông Simon sẽ trở thành một ngư phủ đánh lưới người.

(3) Ðức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. (4) Giảng xong, Người bảo ông Simôn: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá". (5) Ông Simôn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới". (6) Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. (7) Họ Làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. (8) Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" (9) Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. (10) Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simôn: "Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.

Vai trò đặc biệt của ông Phêrô giữa các tông đồ được thấy rõ trong mẩu đối thoại với Chúa Giêsu Kitô sau khi Ngài sống lại. Trong mẩu đối thoại này, Chúa Giêsu trao cho ông Phêrô nhiệm vụ chăm sóc cả trẻ lẫn già trong Hội Thánh (Chương 21 Tin Mừng Gioan).

(15) Khi các môn đệ ăn xong, Ðức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". (16) Người lại hỏi: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy". (17) Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy."

3.2.2 Ông Phêrô gia tăng vai trò của mình

Chúng ta đã thấy rằng trong danh sách các tông đồ, ông Phêrô luôn luôn được liệt kê đầu tiên. Thánh Mátthêu (10:2) thậm chí còn viết thêm từ "đứng đầu" để nhấn mạnh địa vị của ông Phêrô.

(2) Sau đây là tên của mười hai Tông Ðồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô…

Phêrô dẫn đầu các tông đồ khác trong nhiều dịp: Ông xin Chúa cắt nghĩa các dụ ngôn cho họ (Mátthêu 15:15); ông hỏi Chúa dụ ngôn ấy chỉ được dành cho nhóm mười hai hay cho hết mọi người (Luca 12:41); ông tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia (Mátthêu 16:16; Máccô 8:29; Luca 9:20); ông trách Chúa Giêsu khi Người báo trước cuộc khổ nạn và cái chết của Người (Mátthêu 15:22; Máccô 8:32); trong số ba tông đồ được Chúa Giêsu đem lên núi trong cuộc hiển dung của Người, chính Phêrô là người đề nghị dựng ba lều (Mátthêu 17:4; Máccô 9:5; Luca 9:33); sau khi Chúa Giêsu nói rằng điều gì họ tháo cởi dưới đất sẽ được tháo cởi trên trời, và điều gì họ trói buộc dưới đất sẽ bị trói buộc trên trời (Mátthêu 18:18), chính Phêrô hỏi Chúa rằng họ phải tha thứ bao nhiêu lần (Mátthêu 18:21); ông hứa sẽ trung thành với Chúa trong cơn bách hại (Mátthêu 26:33; Máccô 14:29; Gioan 13:37); ông cảm thấy mình có bổn phận bảo vệ Chúa khi bọn lính đến bắt Ngài (Gioan 18:10); ông chạy ngay tới mộ Chúa sau khi được các phụ nữ loan báo Chúa đã phục sinh (Luca 24:12; Gioan 20:3); và Gioan đã nhường cho Phêrô vào mồ trước, mặc dù mình đã đến trước (Gioan 20:4-5).

Ông Phêrô nói thay cho các tông đồ khác:

(27) Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?" (Mátthêu 19:27; Máccô 10:28, Luca 18:28)

Khi dân chúng đi theo Đức Giêsu rất đông và một phụ nữ bị bệnh chạm vào Ngài, Đức Giêsu hỏi ai đã chạm vào Ngài. Chính ông Simon đã trả lời:

(45) …ông Phêrô nói: "Thưa Thấy, đám đông xô đẩy, chen lấn Thầy đấy!" (Luca 8:45)

Khi Đức Giêsu Kitô nói Ngài sẽ ban thịt và máu Ngài làm của ăn của uống, nhiều người không còn muốn nghe Ngài nữa và đã bỏ Ngài. Khi Chúa hỏi các tông đồ họ có bỏ Ngài không, ông Simon đã trả lời thay cho họ:

(68) Ông Simon Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. (69) Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". (Gioan 6:68)

Những người ngoài cũng nhìn nhận Phêrô là thủ lãnh nhóm mười hai, như khi những người thu thuế đền thờ đến hỏi ông (chứ không hỏi ông Mátthêu, nguyên là nhân viên thu thuế) xem Đức Giêsu có nộp thuế không (Mátthêu 17:24).

Sau khi Chúa phục sinh, các thiên thần ở trước mồ Chúa bảo các phụ nữ: “Xin các bà về báo tin cho các môn đệ của Người và ông Phêrô biết Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người.” (Máccô 16:7). Hai môn đệ được Chúa hiện ra trên đường Emmau đã trở về Giêrusalem và được báo tin “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra cho ông Simon!” ((Luca 24:34).

3.2.3 Phêrô lãnh đạo Hội Thánh tiên khởi sau khi Đức Giêsu lên trời

Nhiều sự kiện chứng minh cho điều này. Khi các môn đệ họp nhau lại để chọn người thay chỗ của Giuđa Ítcariốt, chính Phêrô lên tiếng và chủ toạ một đại hội gồm khoảng một trăm hai mươi tín hữu để chọn người thế chỗ của Giuđa (Công Vụ 1:15); chính Phêrô ngỏ lời với đám đông đang tụ họp sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần (Công Vụ 2:14-36), và khi họ hỏi họ phải làm gì (lưu ý là họ hỏi ” ông Phêrô và các tông đồ khác “ — Công Vụ 2:37), thì chính Phêrô lên tiếng giảng dạy (Công Vụ 2:38-40). Khi người què xin hai ông Phêrô và Gioan bố thí, chính Phêrô lên tiếng và chữa lành người què (Công Vụ 3:4-8); khi đám đông chứng kiến phép lạ, chính Phêrô ngỏ lời với họ (Công Vụ 3:12-25). Lại cũng chính Phêrô giảng giải cho các kỳ mục và kinh sư biết về những việc họ đã làm (Công Vụ 4:8-12). Và cũng chính Phêrô đã chất vấn hai vợ chồng Anania và Saphira và khiến họ phải chết (Công Vụ 5:3-11). Phêrô có quyền lực quá lớn khiến người ta chỉ cần đưa người bệnh đến dưới bóng của ông là được khỏi bệnh (Công Vụ 5:15). Sách Tông Đồ Công Vụ ghi nhận Thánh Phêrô là người đầu tiên ban bí tích Thêm Sức (Công Vụ 8:14). Chương 9 sách Tông Đồ Công Vụ (câu 32-41) cũng làm nổi bật hai phép lạ khác do Phêrô thực hiện (chữa bệnh tê bại cho ông Ênêa và cho bà Dorca sống lại), và nhiều người đã hoán cải sau khi chứng kiến các sự lạ ấy. Chính Phêrô cũng có một thị kiến làm ông thấy được rằng Hội Thánh không phải chỉ dành cho người Do Thái nhưng cho mọi người (Công Vụ chương 10 & 11).

Vai trò lãnh đạo của ông Phêrô cũng được chứng minh qua sự kiện các tín hữu đã sốt sắng cầu nguyện cho ông khi ông bị bắt. Sự kiện này được thuật lại trong Chương 12 sách Công Vụ Tông Đồ.

(1) Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. (2) Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan. (3) Thấy việc đó làm vừa lòng người Dothái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. (4) Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. (5) Ðang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.

Phêrô được một thiên thần giải thoát khỏi nhà tù, và khi ông đến thăm các tín hữu đang cầu nguyện cho ông, ông bảo họ đi báo tin cho các môn đệ khác biết là ông đã thoát tù (Công Vụ 12:17).

Chương 15 sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta một bằng chứng rất rõ về việc ông Phêrô thi hành quyền tối thượng.

(1) Có những người từ miền Giuđê đến dạy anh em rằng: "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ." (2) Ông Phaolô và ông Banaba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Banaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông Ðồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này. (3) Các ông được Hội Thánh tiễn đưa. Khi đi qua miền Phênixi và miền Samari, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng. (4) Tới Giêrusalem, các ông được Hội Thánh, các Tông Ðồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông. (5) Có những người thuộc phái Pharisêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: "Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê." (6) Các Tông Ðồ và các kỳ mục bèn họp nhau để xem xét vụ này. (7) Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phêrô đứng lên nói: "Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo. (8) Thiên Chúa là Ðấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. (9) Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh thẩy lòng họ. (10) Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi? (11) Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ. (12) Bấy giờ toàn thể hội nghị im lặng…

Lưu ý là sau khi ông Phêrô dứt lời, vấn đề được coi là đã giải quyết, và đại hội chuyển sang bàn về các vấn đề khác.

3.2.4 Những người kế vị Thánh Phêrô tiếp nối công việc của ngài

Trong tác phẩm Adversus Haereses ("Chống Lạc Giáo", Quyển III, 3,3),Thánh Irênê ở Lyon (khoảng 130/140-203 C.N.) cho chúng ta biết về những người kế vị thánh Phêrô cho tới năm 180 C.N.

Sau khi thành lập và xây dựng Hội Thánh, các Thánh Tông Đồ đã ban chức giám mục cho Linô. . . kế vị ngài là Anaclêtô, kế đến là giám mục Clêmentê. . . Kế vị Clêmentê là Êvaristô. Kế vị Evaristô là Alexandrô. Người kế vị thứ sáu sau các Tông Đồ là Sixtô; sau ngài là Têlesphorô, người đã chịu tử đạo hiển vinh; rồi đến Higinô, sau ngài là Piô, rồi đến Anixêtô. Tiếp đến là Sotêrô, và bây giờ là Êleuthêriô, người kế vị thứ mười hai từ các thánh Tông Đồ được thừa hưởng quyền giám mục. Theo thứ tự kế tục này, truyền thống Hội Thánh từ các Tông Đồ và việc rao giảng sự thật đã được truyền lại cho chúng ta.

Trong quyển De Schismate Donatistarum ("Cuộc Ly Giáo Đônatô," quyển II, 1-3), Thánh Optatus đã kể tiếp danh sách này cho tới năm 366 C.N.

Bạn không thể phủ nhận rằng mình biết Ngai Tòa giám mục trước tiên được giao cho thánh Phêrô, tại thành phố Rôma, ngai tòa của vị thủ lãnh các Tông Đồ là Phêrô. Vì vậy Thánh Phêrô là người đầu tiên giữ Ngai Toà này, là biểu tượng đầu tiên của Hội Thánh; kế vị Thánh PhêrôLinô, kế vị Linô là Clêmentê (rồi các vị khác kế tiếp nhau theo thứ tự sau đây): Anaclêtô, Êvaristô, Alexandrô, Sixtô, Telesphorô, Hyginô, Anicêtô, Piô, Soterô, Êleutheriô, Victoriô, Zêphêrinô, Calistô, Urbanô, Pontianô, Anterô, Fabianô, Cornêliô, Luciô, Stêphanô, Sixtô, Dionysiô, Fêlicê, Êutykianô, Caiô, Marcellinô, Marcellô, Êusêbiô, Miltiađê, Sylvester, Marcô, Juliô, Libêriô, Đamasô. Kế vị Đamasô là Siriciô, hiện là giám mục đồng nghiệp với chúng tôi và là người mà cả thế giới cùng với chúng tôi đều nhất trí với ngài trong mối hiệp thông duy nhất bằng việc trao đổi thư từ liên lạc.

Thánh Augustinô (354-430 C.N.) (Thư 53 gửi Gênêrosô) liệt kê danh sách này tới tận năm 400 C.N.

Bởi vì nếu để ý đến danh sách các giám mục kế tiếp nhau theo hàng dọc, chúng ta sẽ chắc chắn và được lợi biết bao nếu tính từ chính Thánh Phêrô, là người đại diện cho toàn thể Hội Thánh và đã được Chúa nói:” Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và các cửa hỏa ngục sẽ không thể nào thắng nổi “ . . . Kế vị Phêrô là Linô, Clêmentê [kế vị] Linô, [chuỗi kế vị không gián đoạn tiếp theo là] Anaclêtô, Êvaristô, Anaclêtô, Êvaristô, [Alexandrô—được kể sau Sotêrô], Sixtô, Telesphorô, Hyginô, Anicêtô, Piô, Soterô, Alexandrô, [Êleutheriô—không được liệt kê], Victoriô, Zêphêrinô, Calistô, Urbanô, Pontianô, Anterô, Fabianô, Cornêliô, Luciô, Stêphanô, Sixtô, Dionysiô, Fêlicê, Êutykianô, Caiô, [Marcellinô—không được liệt kê], Marcellô, Êusêbiô, Melchiađê, Sylvester, Marcô, Juliô, Libêriô, Đamasô, Siriciô, Anastasiô.

Click vào đây để xem đầy đủ danh sách các Giáo Hoàng từ Thánh Phêrô tới Đức Bênêđitô XVI.

4. Đức Giêsu hứa tổ chức này và người lãnh đạo của tổ chức sẽ tồn tại cho đến tận thế.

(18) Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (20) dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".(Mátthêu 28:18-20)

Đức Giêsu hứa ban một Đấng Bảo Trợ hay Cố Vấn khác là Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ bảo đảm lời giảng dạy của Ngài được truyền lại một cách trung thành.

"(16) Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. (17) Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. (18) Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em." (Gioan 14:16-18)

Còn về vai trò lãnh đạo của Thánh Phêrô và các đấng kế vị ngài, chúng ta không được quên lời hứa của Chúa Giêsu với Thánh Phêrô rằng Ngài sẽ giúp cho vai trò này mãi mãi bền vững.

(18) … quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (Matthew 16:18)

PHỤ LỤC:

THỐNG KÊ SỐ LẦN CÁC TÔNG ĐỒ ĐƯỢC NHẮC ĐẾN

TRONG CÁC SÁCH TIN MỪNG VÀ CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

Đọc Thêm

    • Anthony F Alexander, Catholic Apologetics. The Proof of the Truth of the Catholic Faith, Chapter 14 "The Nature of Christ's Church", Chapter 15 "The Mark of Apostolicity". Illinois: Tan Books, 1994, pp 135-168.
    • William G Most, Catholic Apologetics Today. Answers to Modern Critics., Chapter 13 "The Inner Circle", Chapter 14 "Behold, I Am With You All Days", Chapter 16 "You Are Peter". Illinois: Tan Books, 1986, pp 69-81, 90-100.
    • John Salza, The Biblical Basis for the Catholic Faith, Chapter 2 "The Church". Indiana: Our Sunday Visitor, 2005, pp 40-64.

Websites