Bài 25: Tốt Đẹp Hơn Hay Sẽ Tệ Hại Hơn

Câu hỏi gợi ý

    • Hôn nhân là gì?
    • Mục đích của hôn nhân?
    • Có thể có hôn nhân giữa hai người nam hoặc hai người nữ chăng?
    • Giáo lý Kitô giáo có thay đổi hôn nhân theo cánh thức nào không?
    • Vì sao hôn nhân được xem là một ơn kêu gọi?
    • Người chồng hoặc người vợ có thể nên thánh trong hôn nhân được không? Hôn nhân có thể tạo nên các vị thánh hay không? Bằng cách nào?
    • Người Công Giáo có thể có hôn nhân hữu hiệu ngoài Hội Thánh được không? Vì sao được hoặc vì sao không?
    • Các yếu tố cốt yếu của bí tích hôn phối là gì? Sự ưng thuận là điều rất cần thiết phải không?
    • Ai là thừa tác viên hợp thức của bí tích này?
    • Những gì được xem là điều thiện hảo và ràng buộc của tình yêu vợ chồng?
    • Hội Thánh có thái độ gì đối với những người đã ly dị rồi lại kết hôn theo luật dân sự?
    • Còn những người không lấy vợ hoặc không lấy chồng thì sao?
    • Những nguyên tắc nào phải lưu tâm trong trường hợp hôn nhân hỗn hợp? Và thế nào là hôn nhân hỗn hợp?
    • Thế nào là hôn nhân khác đạo? Những qui định nào cần lưu tâm đối với loại hình hôn nhân này?
    • Vợ chồng có được phép ly thân? Còn sự hủy bỏ mối liên kết hôn nhân thì sao?
    • Hôn nhân vô hiệu có thể hữu hiệu hóa được hay không? Bằng phương thức nào?

1. Hôn nhân và mục đích của hôn nhân

1.1 Hợp với trật tự tự nhiên (trật tự sáng tạo)

Không phải Hội Thánh tạo dựng nên hôn nhân. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng từ lúc Ngài dựng nên cha mẹ của nhân loại. Việc này được nhắc lại trong Sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL mục 337; xem thêm Sách Giáo Lý Công GiáoGLCG, mục 1601-1605):

Thiên Chúa là tình yêu, và đã tạo dựng con người từ tình yêu. Ngài kêu gọi con người yêu thương. Khi tạo dựng họ có nam có nữ, Ngài kêu gọi họ sống đời hôn nhân trong một hiệp thông thân mật của sự sống và tình yêu với nhau, “vì lẽ đó, họ không còn là hai, nhưng là một thân thể.” (Mátthêu 19: 6). Khi chúc lành cho họ, Thiên Chúa nói: “Hãy sinh sôi nảy nở.” (Sáng Thế 1:28).

Trong buổi tiếp kiến ngày 09/01/1980, Đức Giáo Hoàng Chân Phước Gioan Phaolô II giảng giải về ơn kêu gọi sống đời hôn nhân như sau:

Khi Giavê Thiên Chúa phán: “Người nam ở một mình không tốt,” (Sáng Thế 2:18), Ngài khẳng định rằng “ở một mình”, con người không hiểu được yếu tính của mình. Con người chỉ nhận ra yếu tính của mình khi sống “VỚI AI ĐÓ” – và sẽ hiểu nó một cách sâu xa và trọn vẹn khi sống “VÌ AI ĐÓ”.

Khi nói hôn nhân là một định chế tự nhiên, chúng ta hàm ý rằng hôn nhân nảy sinh từ nhân tính; nó là phần thiết yếu của đời sống con người; nó hiện diện nơi mọi nền văn hóa; và những chuẩn tắc chi phối nó không những hướng tới người Công Giáo và tín hữu Kitô giáo, mà còn hướng tới bất cứ ai tự nhận mình là con người.

Mục đích của hôn nhân là gì? Mục 338 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1659-1660) giảng giải về MỤC ĐÍCH CỦA HÔN NHÂN như sau:

Sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ được đặt nền tảng và được sắp xếp theo các luật lệ của Ðấng Sáng Tạo, tự bản chất được hướng tới [1] SỰ HIỆP THÔNG và THIỆN ÍCH CỦA ĐÔI VỢ CHỒNG, và [2] VIỆC SINH SẢN và GIÁO DỤC CON CÁI. Theo ý định ngay từ ban đầu của Thiên Chúa, sự kết hợp hôn nhân là bất khả phân ly, như Ðức Giêsu Kitô đã xác nhận: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.”(Máccô 10:9)

(Để biết đầy đủ về mục đích của hôn nhân, xin xem Fr Cormac Burke Covenanted Happiness --http://www.cormacburke.or.ke/node/999.)

1.2 Sự nâng cấp

Thiên Chúa, Đấng gieo nơi con người ƠN KÊU GỌI nên thánh, muốn ban cho người một phương thế mạnh mẽ để nhờ đó con người thánh hóa đời sống hôn nhân và cuộc sống gia đình. Vì thế, Thiên Chúa đã nâng giao ước hôn nhân giữa người nam và người nữ lên hàng bí tích. Mục 1601 Sách GLCG trích dẫn Điều 1055 Bộ Giáo Luật (xem thêm Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes 48 #1):

“Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống, tự bản chất, giao ước ấy hướng đến lợi ích của đôi bạn, đến sự sinh sản và dưỡng dục con cái. Đức Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội lên hàng bí tích.”

Người chồng và người vợ có thể thánh hóa đời sống hôn nhân của mình bằng cách nào? Họ có thể nên thánh qua hôn nhân theo phương thế nào? Trong bài giảng Hôn Nhân, Một Ơn Kêu Gọi Kitô Giáo (trích từ cuốn Christ is Passing By 23, 24), Thánh Josemaría viết:

Vợ chồng được mời gọi thánh hóa đời sống hôn nhân của mình và thánh hóa bản thân trong đời sống ấy. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu họ tách đời sống gia đình ra khỏi sự phát triển linh đạo. Sự kết hiệp trong hôn nhân, sự chăm sóc và giáo dục con cái, nỗ lực chu cấp cho mọi nhu cầu của gia đình và cho sự an sinh cùng sự phát triển gia đình, những mối quan hệ với mọi người trong cộng đồng, tất cả đều là những hoàn cảnh nhân linh rất đời thường mà đôi lứa Kitô hữu được mời gọi hãy dủng đó để nên thánh.

Họ sẽ đạt được mục đích này nhờ việc sống ĐỨC TIN và ĐỨC CẬY, bình thản giáp mặt với mọi khó khăn lớn nhỏ mà gia đình nào cũng phải đối phó, giữ vững tình yêu và nhiệt tâm để nhờ đó mà dễ dàng hoàn thành nghĩa vụ, bổn phận. Bằng cách này, họ thực thi ĐỨC MẾN trong mọi việc họ làm. Họ biết mỉm cười, biết quên bản thân mình để chăm lo cho tha nhân. Vợ chồng sẽ luôn lắng nghe nhau và lắng nghe con cái; luôn cho chúng thấy rằng chúng được yêu thương và được thấu hiểu. Vợ chồng sẽ bỏ qua những xích mích nhỏ nhặt mà nếu để tính ích kỷ xen vào chúng có thể trở thành những chuyện tày đình. Với lòng yêu thương, họ sẽ chiều chuộng, phục vụ nhau trong mọi việc lớn nhỏ của cuộc sống chung thường ngày.

Mục đích là: thánh hóa đời sống gia đình đồng thời tạo dựng bầu không khí gia đình đúng mực. Nhiều đức hạnh cần phải có để thánh hóa mỗi ngày trong đời. Trước tiên là những nhân đức đối thần (tin, cậy, mến); kế đến là các nhân đức: KHÔN NGOAN, TRUNG TÍN, THẬT THÀ, KHIÊM NHƯỜNG, SIÊNG NĂNG, YÊU THƯƠNG … Nhưng khi nói về hôn nhân và đời sống vợ chồng, chúng ta nên bắt đầu với chủ đề là tình yêu thương lẫn nhau giữa vợ và chồng.

TÌNH YÊU TINH TUYỀN và CAO QUÍ của họ là một điều THIÊNG LIÊNG. Với trọn tấm lòng của một linh mục, tôi chúc lành cho tình yêu ấy. Truyền thống Kitô giáo xem sự hiện diện của Đức Kitô nơi tiệc cưới Cana là bằng chứng về những giá trị mà Thiên Chúa đặt cho hôn nhân. Thánh Cyril thành Alexandria viết: “Đấng Cứu Độ chúng ta dự tiệc cưới đó để thánh hóa căn nguyên của đời sống con người.”

Hôn nhân là bí tích kết hợp hai thân thể trở nên một xác thịt. Thần học diễn đạt điều này rất ấn tượng khi giảng rằng CHẤT THỂ của BÍ TÍCH HÔN NHÂN là THÂN THỂ của CHỒNG VÀ VỢ. Chúa chúng ta thánh hóa và chúc phúc cho tình yêu giữa chồng và vợ. Ngài nhìn thấy trước sự hợp nhất của hai linh hồn và cả sự hợp nhất của hai thể xác. Không một Kitô hữu nào có quyền hạ thấp giá trị của hôn nhân cho dù người đó có được ơn kêu gọi sống bậc vợ chồng hay không.

Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng và được ban cho trí thông minh tựa như một phần nhỏ của thần trí. Cùng với một ân sủng khác Thiên Chúa ban cho chúng ta là ý chí tự do, nó giúp chúng ta hiểu biết và yêu thương. Thiên Chúa còn ban cho thân xác chúng ta KHẢ NĂNG SINH SẢN, là sự dự phần của chúng ta vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta dùng tình yêu mà đem đến cho thế trần những con người mới, và làm tăng triển chi thể của Hội Thánh. Từ điểm này, chúng ta thấy rằng tình dục không phải là một điều hổ thẹn; mà chính là quà tặng của Thiên Chúa ban cho chúng ta để sống, để yêu thương, để sinh sôi nảy nở.

Đây là nền tảng để chúng ta hiểu giáo thuyết Kitô giáo về vấn đề tình dục. Tín lý của chúng ta không xem thường những gì tốt đẹp, cao quí và thực sự nhân linh trên đời này. Nó chỉ giản dị dạy chúng ta rằng nguyên tắc sống của chúng ta là không phải là buông thả theo khoái lạc bản thân, vì chỉ có sự hy sinh, sự tiết dục mới đưa đến tình yêu đích thực. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và bây giờ Ngài mời gọi chúng ta yêu kính Ngài và thương yêu tha nhân chân thật, đúng mực như tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Ý nghĩa của điều nghịch lý này được viết trong Tin Mừng Thánh Mátthêu: “Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai hy sinh mạng sống mình vì Ta thì sẽ còn mãi.”

Những ai chỉ chú tâm tới bản tâm, luôn làm sao để thỏa mãn ý riêng sẽ xa rời ơn cứu độ muôn đời và không sao tránh khỏi bất hạnh trong cuộc sống. Chỉ những người biết quên bản thân, biết dâng hiến mình cho Thiên Chúa và cho người khác, trong hôn nhân cũng như trong mọi lãnh vực khác của cuộc đời, mới an vui trên đời; họ an vui với niềm hạnh phúc là chuẩn bị và cảm nhận trước về niềm hoan lạc nước trời.

Gia đình được gọi là HỘI THÁNH TẠI GIA vì chính đây là nơi con trẻ được đào luyện về nhân đức, là nơi chúng học hỏi tín lý, là nơi chúng học cầu nguyện, và là nơi nuôi dưỡng ơn thiên triệu. Bởi thế, các bậc cha mẹ cần được đào luyện kỹ lưỡng. Điều quan trọng là các cặp vợ chồng nên tận dụng những chương trình huấn đạo để giúp họ làm tròn nhiệm vụ của mình. (xem thêm GLCG mục 1656-1658; 1666)

Tuy nhiên, sự kết hợp thánh thiện này luôn gặp hiểm họa bởi tội. Bí Tích Hôn Phối đem đến ân sủng cần thiết để vượt qua những hiểm họa này. Hơn nữa, Hội thánh còn có Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể để giúp các bậc vợ chồng có thêm sức mạnh và tinh tiến trong ân sủng và sự thánh thiện. Sự siêng năng lãnh nhận hai bí tích này là một điều thiết yếu nếu như vợ chồng mong muốn thánh hóa đời sống hôn nhân và cuộc sống gia đình. (xem thêm GLYL mục 339; GLCG mục 1606-1608)

1.3 Những yếu tố cốt yếu

1.3.1 Chất thể

    1. Chất thể xa: thân thể của hai người phối ngẫu
    2. Chất thể gần: sự ưng thuận kết hôn

Mục 344 Sách GLYL giải thích: (xem thêm GLCG mục 1625-1632, 1662-1663)

Sự ưng thuận kết hôn là ý muốn do người nam và người nữ bộc lộ, để tự hiến cho nhau một cách dứt khoát, với mục đích sống một giao ước tình yêu chung thủy và sung mãn. Vì chính sự ưng thuận làm thành bí tích Hôn Phối, nên sự ưng thuận là điều không thể thiếu và cũng không thể thay thế được. Ðể bí tích Hôn Phối thành sự, sự ưng thuận phải có đối tượng là Hôn Nhân đích thực; và sự ưng thuận đó phải là một hành vi nhân linh ý thức và tự do, không do bị ép buộc hay vì sợ hãi một quyền lực nào.

Chúng ta trích dẫn ở đây lời giảng giải trong Sách GLCG viết ở mục 1625 về CHẤT THỂ của bí tích Hôn Phối và những qui định về sự ưng thuận kết hôn.

Các bên ký kết giao ước hôn nhân là người nam và người nữ, cả hai đều đã được rửa tội và tự do để kết hôn, và tự nguyện bày tỏ sự ưng thuận của mình; “tự do” có nghĩa là:

- Không bị ép buộc;

- Không bị cản trở theo luật tự nhiên hoặc giáo luật.

Sự ưng thuận này quan trọng ra sao? Mục 1626 Sách GLCG viết:

Hội Thánh coi việc trao đổi ưng thuận giữa hai người phối ngẫu là yếu tố thiết yếu “làm nên hôn nhân”. Nếu thiếu sự ưng thuận thì không có hôn nhân. [Điều 1057 #1, Bộ Giáo Luật]

“Sự ưng thuận” được hiểu như thế nào? Điều 1057, Khoản 2, Bộ Giáo Luật minh định như sau:

Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi của ý chí do đó người nam và người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân, bằng một giao ước không thể hủy bỏ.

Mục 1627 Sách GLCG giải thích thêm:

Sự ưng thuận là một “hành vi nhân tính qua đó hai người phối ngẫu trao thân cho nhau và đón nhân nhau”: “Anh nhận em làm vợ anh” – “Em nhận anh làm chồng em”. Sự ưng thuận kết hợp hai người phối ngẫu với nhau này đạt đến sự hoàn hợp khi hai người “trở nên một xác thịt”. [xem Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes 48 #1; OCM 45; Điều 1057 #2 Bộ Giáo Luật; Sách Sáng Thế 2:24; Mátthêu 10:8; Thư Êphêsô 5:31]

Như trên đã nói, sự trao đổi ưng thuận phải hoàn toàn tự do. Không có tự do thì không có ưng thuận. Không có sự ưng thuận thì không có hôn nhân thành sự. Mục 1628 khẳng định điều này:

Sự ưng thuận phải là một hành vi ý chí của mỗi người phối ngẫu, tự do không bị tác động vì bạo lực hoặc vì nỗi sợ hãi từ bên ngoài. Không quyền lực nào của con người có thể thay thế sự ưng thuận này. Nếu thiếu sự tự do ưng thuận thì hôn nhân không thành sự. [xem Điều 1103; Điều 1057 #1 Bộ Giáo Luật]

Sẽ có hậu quả gì nếu có minh chứng là một trong hai người phối ngẫu bị ép buộc kết hôn? Mục 1629 giải đáp:

Vì lý do này (hoặc vì những lý do khác làm cho hôn nhân trở nên vô hiệu và tiêu hôn), Hội Thánh, sau khi xét duyệt các điều kiện qua tòa án hôn phối có thẩm quyền, có thể tuyên bố sự vô hiệu của hôn nhân, nghĩa là hôn nhân đó KHÔNG HỀ thành sự. Trong trường hợp này, hai người được tự do kết hôn nhưng vẫn phải giữ những nghĩa vụ tự nhiên do sự kết họp trước. [xem Điều 1097-1107; Điều 1071 Bộ Giáo Luật)

Thực ra, không phải chỉ có sự ép buộc mới làm cho hôn nhân trở nên vô hiệu và tiêu hôn. Sự thiếu tự do quyết định cũng là yếu tố làm cho hôn nhân không thành sự. Vì tự do xuất phát từ hành vi của trí năng và ý chí (xem Bài 26), nên chúng ta có thể nói rằng điều gì [1] làm suy giảm sự hiểu biết cần thiết hoặc [2] cản ngăn sự thể hiện ý chí đều làm tiêu tan tự do.

Những qui định sau đây của Bộ Giáo Luật liên quan tới sự ưng thuận kết hôn.

Ðiều 1095: Những người sau đây không có khả năng kết hôn:

1. Những người không thể SỬ DỤNG LÝ TRÍ đúng mức.

2. Những người vướng khiếm khuyết trầm trọng trong NHẬN ĐỊNH về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân.

3. Những người không thể đảm nhận những nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân vì những nguyên nhân TÂM THẦN.

Ðiều 1096

(1) Ðể có sự ưng thuận kết hôn, hai người kết hôn phải biết điều tối thiểu là: hôn nhân là ĐỜI SỐNG CHUNG VĨNH VIỄN giữa người nam và người nữ, nhằm đến việc SINH SẢN CON CÁI bằng phương cách GIAO HỢP SINH LÝ.

(2) Phải xem là họ đã biết những điều này sau tuổi dậy thì.

Ðiều 1097

(1) Sự lầm lẫn về thể nhân làm cho hôn phối vô hiệu.

(2) Sự lầm lẫn về tư cách của thể nhân, cho dù đó là nguyên nhân kết ước, không làm cho hôn phối vô hiệu, trừ khi tư cách này được nhằm đến một cách trực tiếp và có chủ đích.

Ðiều 1098: Ai kết hôn do một sự lường gạt được bày ra vì mưu chước để cho mình ưng thuận, nếu sự lường gạt ấy liên hệ đến tư cách của người phối ngẫu, mà chính tư cách này có thể gây phiền nhiễu nặng nề cho cuộc sống chung của vợ chồng, thì sự kết hôn vô hiệu.

Ðiều 1099: Sự lầm lẫn về sự hợp nhất hoặc sự bất khả phân ly hoặc về tính cách bí tích của hôn nhân, sẽ không làm sự ưng thuận hôn nhân bị hà tì (mất hiệu lực), miễn là sự lầm lẫn ấy không tác động đến ý chí.

Ðiều 1100: Sự hiểu biết hoặc quan niệm về sự vô hiệu của hôn nhân không nhất thiết loại trừ sự ưng thuận hôn nhân.

Ðiều 1101

(1) Sự ưng thuận bên trong của tâm hồn được xem là tương hợp với những ngôn từ và dấu chỉ được dùng khi cử hành hôn phối.

(2) Tuy nhiên, nếu một bên hoặc cả hai bên, do một hành vi tích cực của ý chí, loại bỏ chính hôn phối hay một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn phối, thì việc kết hôn vô hiệu.

Ðiều 1102

(1) Sự kết hôn lệ thuộc điều kiện nào đó về tương lai thì không thể hữu hiệu.

(2) Sự kết hôn lệ thuộc điều kiện về quá khứ hay về hiện tại thì hữu hiệu hay không tùy theo đối tượng của điều kiện đã xảy ra hay không.

(3) Tuy nhiên, điều kiện nói ở khoản 2, không thể được đặt ra cách hợp pháp, nếu không được Bản Quyền sở tại cho phép bằng văn bản.

Ðiều 1103: Hôn phối sẽ vô hiệu nếu được kết lập vì bạo lực hay sợ hãi trầm trọng do một duyên cớ ngoại tại, cho dù không chủ ý trực tiếp gây ra, nhưng để thoát nó, người ta bị bó buộc đành phải lựa chọn kết hôn.

Ðiều 1104

(1) Ðể kết hôn hữu hiệu, cần hai người kết ước phải hiện diện đồng thời hoặc đích thân hoặc qua một người đại diện.

(2) Hai người kết ước phải phát biểu sự ưng thuận kết hôn bằng lời nói; nếu không thể nói được, thì bằng những dấu hiệu tương đương.

1.3.2 Mô thể (Mô thức)

Mô thể của bí tích Hôn Phối là lời bày tỏ sự ưng thuận: “Thưa, có.” (xem GLCG mục 1632; Điều 1057 Bộ Giáo Luật)

1.4 Chủ thể và thừa tác viên

Bí tích Hôn Phối rất độc đáo về khía cạnh này; đó là NGƯỜI NAM và NGƯỜI NỮ VỬA LÀ CHỦ THỂ VỪA LÀ THỪA TÁC VIÊN. Linh mục hoặc phó tế giữ vai trò là người làm chứng, không phải là thừa tác viên. Mục 261 Sách Youcat (Giáo Lý Công Giáo Dành Cho Giới Trẻ, ấn bản lần I) viết:

Người nam và người nữ cùng nhau cử hành bí tích Hôn Phối. Linh mục hoặc phó tế ban ơn lành của Thiên Chúa cho đôi tân hôn, và làm chứng rằng hôn nhân này được tiến hành theo đúng các thể thức qui định; hôn ước được bày tỏ đầy đủ và công khai.

Mục 1623 Sách GLCG nói thêm về truyền thống các Giáo Hội Đông Phương:

Theo truyền thống các Giáo Hội Đông Phương, các tư tế (giám mục hoặc linh mục) là những nhân chứng cho sự hỗ tương được trao đổi giữa hai người phối ngẫu, nhưng lời chúc lành của các ngài cũng cần thiết để bí tích nên thành sự. [xem Điều 817; Điều 828 Bộ Giáo Luật Đông Phương]

Mục 1630 Sách GLCG giải thích về sự hiện diện của linh mục hoặc phó tế.

Linh mục (hay phó tế) chứng kiến việc cử hành hôn phối và nhân danh Hội Thánh nhận lời ưng thuận của đôi tân hôn, và ban cho họ lời chúc lành của Hội Thánh. Sự hiện diện của thừa tác viên Hội thánh (và của các nhân chứng) thể hiện rằng hôn nhân là một THỰC TẠI CÓ CHIỀU KÍCH HỘI THÁNH.

Vì hôn nhân được Thiên Chúa nâng lên hàng bí tích nên người đã chịu phép rửa tội chỉ có thể kết hôn THÀNH SỰ khi sự kết hôn được tiến hành theo cách bí tích. Điều 1055, Khoản 2 Bộ Giáo Luật minh định

giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí Tích.

Sách GLCG (mục 1631) trình bày thêm:

Vì lý do này, Hội Thánh thường buộc các tín hữu phải kết hôn theo thể thức của Hội Thánh. Một số lý do giải thích về qui định này [xem Công Đồng Trent: DS 1813-1816; Điều 1108 Bộ Giáo Luật]:

- Hôn nhân mang tính bí tích là một hành vi phụng vụ. Bởi vậy nên được cử hành trong phụng vụ công khai của Hội Thánh;

- Hôn nhân đưa người ta vào một bậc sống trong Hội Thánh, mang lại những quyền lợi và nghĩa vụ trong Hội Thánh giữa đôi phối ngẫu và đối với con cái;

- Hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh nên cần thiết phải có sự chắc chắn về hôn nhân (vì vậy bắt buộc phải có các nhân chứng);

- Tính chất công khai của sự ưng thuận bảo vệ lời ưng thuận “Thưa, có” sau khi đã được tuyên bố, và sẽ giúp cho đôi phối ngẫu trung thành với lời ưng thuận đó.

Phải làm gì khi một trong hai người phối ngẫu không phải là Công giáo? Mục 345 Sách GLYL đáp:

Ðể hợp pháp, [1] HÔN NHÂN HỖN HỢP (giữa người Công giáo và người đã Rửa Tội ngoài Công giáo) cần CÓ SỰ CHO PHÉP của thẩm quyền Giáo Hội. [2] HÔN NHÂN KHÁC ĐẠO (giữa người Công giáo và người không Rửa Tội), ĐỂ THÀNH SỰ, cần phải có PHÉP CHUẨN.

Trong cả hai trường hợp, ĐIỀU CHÍNH YẾU là [1] đôi hôn phối phải ý thức chấp nhận những mục đích và đặc tính căn bản của hôn nhân; và [2] về phần người Công giáo, phải chấp nhận những cam kết là giữ đức tin và bảo đảm việc Rửa Tội cũng như giáo dục công giáo cho con cái, cũng phải báo cho người phối ngẫu biết những điều này.

1.5 Sự thiết lập bí tích hôn phối

Mục 1613 Sách GLCG viết rằng chính tại tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích.

Khởi đầu đời sống nơi công chúng, Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên – theo lời yêu cầu của mẹ Ngài – tại một tiệc cưới. Hội Thánh xem việc Đức Giêsu hiện diện tại tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh nhận ra trong sự kiện đó sự xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và lời loan báo rằng từ đây về sau hôn nhân là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô. [Xem Gioan 2:1-11]

2. Tính thiện hảo và những ràng buộc của tình yêu vợ chồng (xem Bài 35)

2.1 Sự hợp nhất và sự bất khả phân ly

Mục 263 Sách Youcat (ấn bản lần I) giải thích vì sao cuộc hôn nhân hữu hiệu không thể phân ly.

Hôn nhân không thể phân ly vì ba yếu tố này: thứ nhất, vì yếu tính của tình yêu là sự tự trao hiến hoàn toàn cho nhau; thứ hai, vì đó là hình ảnh về lòng tận trung vô điều kiện của Thiên Chúa đối với thụ tạo của Ngài; và thứ ba, vì hôn nhân biểu trưng cho sự hiến dâng của Đức Kitô cho Hội Thánh của Ngài, và đã hy sinh chịu chết trên Thánh Giá. (xem GLCG mục 1605, 1612-1617, 1661)

Đức Giáo Hoàng Chân Phước Gioan Phaolô II (trong bài giảng ngày 15/11/1980) từng nói về vấn đề được gọi là “hôn nhân thử”:

Người ta không thể thử sống hoặc thử chết xem sao. Người ta không thể thử yêu một ai đó hoặc thử chấp nhận một ai đó trong một thời hạn.

2.2 Sự chung thủy

Sự chung thủy đi cùng với sự hợp nhất và sự bất khả phân ly – vợ chồng chung thủy với nhau vì ba lý do đã nói ở trên. Sách GLCG (mục 1646) giảng thêm về sự trao hiến cho nhau giữa vợ và chồng:

Tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi đôi phối ngẫu phải chung thủy với nhau hết lòng. Đây là hệ quả của việc chính họ tự hiến cho nhau. Tình yêu phải vững bền, không phải là một hoạch định được thực hiện “cho tới khi có quyết định mới”. “Sự kết hợp mật thiết trong hôn nhân thể hiện qua hành động trao hiến cho nhau, và sự tốt đẹp của con cái, đòi hỏi nơi vợ chồng sự hoàn toàn chung thủy và sự kết hiệp bất khả phân ly.” [Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes 48 #1]

Hội Thánh xử sự thế nào đối với những người đã ly dị rồi lại kết hôn theo luật dân sự?

Mục 349 Sách GLYL minh định (xem thêm GLCG mục 1650-1651, 1665):

Trung thành với Chúa, Hội Thánh không thể công nhận hôn nhân của những người đã ly dị lại kết hôn theo luật dân sự. “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Máccô 10:11-12). Ðối với họ, Hội Thánh giữ một thái độ chăm sóc ân cần, mời gọi họ duy trì đời sống đức tin, cầu nguyện, thực hành các việc bác ái và chăm lo việc giáo dục con cái theo Kitô giáo. Nhưng bao lâu tình trạng như thế của họ kéo dài, vì rõ ràng trái với luật Chúa, họ không được xưng tội, rước lễ, cũng như đảm nhiệm một số trách nhiệm trong Hội Thánh.

2.3 Đón nhận sự sinh sản con cái và sự sống mới

Con cái là hoa trái của tinh yêu con người và là tặng phẩm của Thiên Chúa. Ngoài việc đem đến những sinh linh mới cho thế trần, và cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, các bậc cha mẹ còn là những vị hiệu trưởng và là những thãy cô giáo đầu đời của con cái. (xem thêm GLCG mục 1652-1654)

Những tội nào đối nghịch với bí tích Hôn Phối? Mục 347 Sách GLYL trả lời câu hỏi này (xem thêm GLCG mục 1645-1648):

Ðó là các tội: NGOẠI TÌNH và ĐA THÊ vì đi ngược lại với phẩm giá bình đẳng của người nam và người nữ, đi ngược lại với tính duy nhất độc hữu của tình yêu hôn nhân; TỪ CHỐI SINH CON, vì loại bỏ khỏi hôn nhân hồng ân con cái; LY DỊ, vì đi ngược lại với tính bất khả phân ly của hôn nhân.

3. Hiệu quả của bí tích Hôn Phối

Bí tích Hôn Phối đem đến hai hiệu quả. Mục 346 Sách GLYL viết (xem thêm GLCG mục 1638-1642):

Bí tích Hôn Phối [1] tạo nên một MỐI DÂY liên kết vĩnh viễn và độc nhất giữa hai người phối ngẫu. Chính Thiên Chúa đã xác nhận sự ưng thuận của những người kết hôn. Như thế, hôn nhân thành sự và hoàn hợp giữa những người đã được Rửa tội không bao giờ có thể tháo gỡ được. Mặt khác, bí tích này cũng [2] trao ban cho đôi vợ chồng ÂN SỦNG cần thiết để họ đạt tới sự thánh thiện trong đời sống lứa đôi, cũng như trong việc sinh con có trách nhiệm và giáo dục con cái.

Thế nào là hôn nhân “thành sự” (ratified) và “hoàn hợp” (consummated)? Bộ Giáo Luật minh định như sau:

Ðiều 1061

(1) Hôn phối hữu hiệu giữa những người đã chịu phép rửa tội được gọi là CHỈ MỚI THÀNH SỰ (Ratum tantum) nếu chưa có sự hoàn hợp; hôn phối THÀNH SỰ VÀ HOÀN HỢP (Ratum et Consummatum) khi đôi bạn đã giao hợp với nhau một cách hợp với nhân tính. Sự giao hợp là hành động hướng đến việc sinh con cái, tức là một mục tiêu tự nhiên của hôn nhân, và do hành động ấy, đôi bạn trở nên một xác thể.

(2) Sau khi đã cử hành hôn phối, nếu đôi bạn đã sống chung với nhau thì hôn nhân của họ được xem là hoàn hợp cho đến khi có chứng minh ngược lại.

(3) Hôn phối bất thành sự được gọi là ngộ tín (putative), nếu đã được cử hành với sự ngay tình, ít ra là của một bên, cho đến khi cả hai bên biết chắc chắn về tình trạng bất thành sự của hôn phối ấy.

4. Đời sống độc thân và khiết tịnh

Mục 342 Sách GLYL hỏi (xem thêm GLCG mục 1618-1620): Có buộc tất cả mọi người phải kết hôn hay không?

Hôn nhân không phải là một sự bắt buộc cho hết mọi người. Ðặc biệt, Thiên Chúa kêu gọi một số người nam và người nữ, để theo Chúa Giêsu trong đời sống khiết tịnh và độc thân vì Nước Trời, giúp họ từ bỏ thiện ích to lớn của hôn nhân để lo toan những công việc của Chúa và tìm cách làm đẹp lòng Người. Như thế, họ trở thành dấu chỉ cho sự ưu tiên tuyệt đối của tình yêu Ðức Kitô và sự sốt sắng mong chờ ngày Người đến trong vinh quang.

Thánh Josemaría Escrivá trả lời trong một cuộc phỏng vấn (Phụ Nữ Trong Đời Sống Xã Hội Và Trong Đời Sống Của Giáo Hội, trích trong cuốn Conversations with Monsignor Escrivá de Balaguer):

Tôi luôn luôn nói rằng những phụ nữ theo ơn gọi sống độc thân làm việc tông đồ không phải là những bà cô không hiểu biết gì về tình yêu hoặc không xem trọng tình yêu; trái lại, cuộc sống của họ được lý giải theo Tình Yêu của Thiên Chúa (tôi thích viết hoa chữ tình yêu) vốn là yếu tính của mọi ơn thiên triệu.

5. Các vấn đề khác liên quan tới Giáo Luật

5.1 Sự ngăn trở

Sự ngăn trở được xem xét theo nhiều cách. Xét theo sự ảnh hưởng đối với bí tích, thì sự ngăn trở có hai hình thức: [1] SỰ NGĂN TRỞ TIÊU HÔN (sự ngăn trở LÀM MẤT HIỆU LỰC của hôn nhân); và [2] SỰ NGĂN TRỞ CÓ TÍNH CHẤT CẤM ĐOÁN (sự ngăn cấm); sự ngăn trở này làm cho hôn nhân KHÔNG HỢP PHÁP nhưng HỮU HIỆU. Bộ Giáo Luật 1983 minh định sự ngăn trở tiêu hôn với nhiều trường hợp cụ thể, nhưng lại không trình bày rõ về sự cấm cản hôn nhân. Do đó, sự phân biệt giữa sự hữu hiệu và sự hợp pháp không được rõ ràng lắm so với các qui định trước đó.

Ðiều 1073: Ngăn trở tiêu hôn làm cho người ta mất khả năng kết hôn cách hữu hiệu.

Ðiều 1083

(1) Người nam chưa đủ 16 tuổi, người nữ chưa đủ 14 tuổi, không thể kết hôn hữu hiệu.

(2) Hội Ðồng Giám Mục có quyền ấn định tuổi lớn hơn để kết hôn hợp pháp.

Ðiều 1084

(1) Sự bất lực sinh lý không thể giao hợp, có trước khi kết hôn và vĩnh viễn, hoặc về phía người nam, hoặc về phía người nữ, dù tuyệt đối hoặc tương đối, tự bản tính của nó khiến cho hôn phối vô hiệu.

(2) Nếu ngăn trở do bất lực sinh lý có tính cách hoài nghi, dù hoài nghi về luật hay về sự kiện, thì không nên ngăn cản hôn phối hay tuyên bố vô hiệu bao lâu còn hoài nghi.

(3) Sự vô sinh không ngăn cấm cũng không tiêu hủy hôn phối, nếu không vi phạm quy định của điều 1098.

Ðiều 1085

(1) Người còn bị ràng buộc bởi một hôn nhân trước, cho dù chưa hoàn hợp, không thể kết hôn hữu hiệu.

(2) Cho dù hôn phối trước vô giá trị hay bị đoạn tiêu vì bất cứ lý do nào, nhưng không thể vì thế mà được phép kết hôn lại trước khi sự vô hiệu hoặc sự đoạn tiêu của hôn phối trước được tuyên bố một cách xác thực và hợp thức.

Ðiều 1086

(1) Hôn phối cũng vô hiệu giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội công giáo và chưa công khai bỏ Giáo Hội, với một người không rửa tội.

(2) Không được chuẩn ngăn trở này nếu chưa chu toàn những điều kiện nói đến trong các điều 1125 và 1126.

(3) Nếu vào lúc kết hôn, một bên vốn được coi là đã rửa tội hoặc có hoài nghi về sự rửa tội, thì dựa theo điều 1060, hôn phối phải được suy đoán là hữu hiệu cho đến khi nào chứng minh được cách chắc chắn là một bên đã rửa tội và một bên không được rửa tội.

Ðiều 1087: Những người đã chịu chức thánh không thể kết hôn hữu hiệu.

Ðiều 1088: Những người đã gia nhập vào một dòng tu bằng lời khấn công khai giữ khiết tịnh trọn đời cũng không thể kết hôn hữu hiệu.

Ðiều 1089: Hôn phối sẽ vô giá trị giữa người nam với người nữ bị bắt cóc hay ít ra bị giam giữ để ép buộc kết hôn, trừ khi nào sau đó, người nữ được thả ra ở một nơi an ninh và tự do, đã tự ý lựa chọn kết hôn.

Ðiều 1090

(1) Kẻ nào, với chủ ý kết hôn với một người nào đó, đã gây ra sự chết cho người phối ngẫu của người đó hay cho người phối ngẫu của mình, thì hôn phối với người đó sẽ vô hiệu.

(2) Cả những người đã cộng tác một cách thể lý hay luân lý để giết người phối ngẫu, cũng không thể kết hôn với nhau cách hữu hiệu.

Ðiều 1091

(1) Trong trực hệ, hôn phối giữa tất cả thân thuộc, dù chính thức hay tự nhiên, đều là vô hiệu.

(2) Trong bàng hệ, hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp thứ bốn.

(3) Ngăn trở về huyết tộc không nhân cấp.

(4) Không bao giờ được cho phép kết hôn khi có hoài nghi đôi bên có cùng liên hệ huyết tộc trong bất cứ cấp nào của trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ.

Ðiều 1092: Hôn thuộc theo trực hệ dù ở cấp bậc nào cũng tiêu hủy hôn phối.

Ðiều 1093: Ngăn trở về liêm sỉ phát sinh từ hôn phối vô hiệu sau khi đã có sự sống chung, hoặc sự tư tình công khai và hiển nhiên. Ngăn trở này tiêu hủy hôn phối trong trực hệ ở cấp thứ nhất, giữa người nam với những người có liên hệ huyết tộc với người nữ, hay ngược lại.

Điều 1094: Hôn phối vô hiệu giữa những người thân thuộc do dưỡng hệ đã được pháp luật nhìn nhận, trong trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ.

5.2 Hôn nhân hỗn hợp và hôn nhân khác đạo

Ở những nơi có đông người không phải là tín hữu Công Giáo thường nảy sinh nhiều trường hợp hôn nhân hỗn hợp hoặc hôn nhân khác đạo. Bộ Giáo Luật nói về hôn nhân hỗn hợp như sau:

Ðiều 1124: Nếu không có phép minh thị của nhà chức trách có thẩm quyền, hôn phối bị cấm chỉ giữa hai người đã rửa tội, mà một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo, hoặc đã được nhận vào Giáo Hội công giáo sau khi rửa tội và chưa công khai bỏ Giáo Hội công giáo, với một người thuộc về một Giáo Hội hay giáo đoàn không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội công giáo.

Vấn đề này được trình bày rõ ràng ở mục 1633 và 1634 Sách GLCG:

Tại nhiều miền, rất thường có những HÔN NHÂN HỖN HỢP (hôn nhân giữa người Công Giáo và người đã được rửa tội ngoài Công Giáo). Tình trạng này đòi hỏi sự lưu tâm đặc biệt của những người phối ngẫu và của các vị mục tử. Trường hợp HÔN NHÂN KHÁC ĐẠO (giữa người Công Giáo và người chưa được rửa tội) lại càng phải lưu tâm cẩn trọng hơn nữa.

Sự khác biệt về đức tin giữa hai người phối ngẫu không tạo nên những trở ngại không thể vượt qua đối với hôn nhân một khi hai người đóng góp cho nhau những gì mỗi người lãnh nhận nơi cộng đoàn của mình, và học hỏi lẫn nhau cách sống trung thành với Đức Kitô. Nhưng không nên xem thường những khó khăn trong hôn nhân hỗn hợp. Những khó khăn này xuất phát từ sự việc là mối chia rẽ giữa các Kitô hữu đến nay vẫn chưa vượt qua được. Đôi phối ngẫu có nguy cơ cảm nhận bi kịch chia rẽ Kitô hữu ở ngay trong gia đình mình. Sự khác đạo có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn này. Những khác biệt về đức tin, quan điểm về hôn nhân, và não trạng tôn giáo khác nhau, có thể trở nên nguồn khởi phát căng thẳng trong hôn nhân, nhất là về vấn đề dưỡng dục con cái. Từ đó rất dễ nảy sinh sự cám dỗ xa lánh tôn giáo.

Trong trường hợp hôn nhân hỗn hợp, điều hay nhất là cộng đồng Kitô hữu nên cùng nhau thực thi mục vụ cho những đôi hôn nhân hỗn hợp. Bằng cách này, các đôi vợ chồng đó được giúp đỡ để chu toàn nghĩa vụ hôn nhân. (xem thêm GLCG mục 1636)

Về trường hợp hôn nhân khác đạo, người phối ngẫu Công Giáo, bằng tình yêu, khiêm cung, kiên nhẫn, và siêng năng cầu nguyện, nên tìm mọi cách đưa người bạn đời của mình đến với đức tin Công Giáo. (xem thêm GLCG mục 1637)

5.3 Sự ly thân

Hội Thánh cho phép vợ chồng ly thân. Điều này được minh định nơi mục 348 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1629-1649):

Hội Thánh chấp nhận việc vợ chồng ly thân khi việc họ chung sống, vì những lý do nghiêm trọng, đã trở nên không thể được trong thực tế, mặc dù Hội Thánh vẫn mong muốn họ hòa giải với nhau. Nhưng bao lâu người phối ngẫu còn sống, không ai trong đôi vợ chồng được tự do tái hôn; trừ khi hôn phối của họ là không thành sự và được thẩm quyền Hội Thánh tuyên bố điều đó.

5.3.1 Sự hủy bỏ mối liên kết hôn nhân

Sau đây là những qui định của giáo luật liên quan đến sự hủy bỏ mối liên kết hôn nhân.

Ðiều 1141: Hôn phối thành nhận và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào, ngoài sự chết.

Ðiều 1142: Hôn phối bất hoàn hợp giữa những người đã lĩnh bí tích rửa tội, hay giữa một người đã được rửa tội với một người không được rửa tội, có thể được tháo gỡ bởi Ðức Giáo Hoàng khi có lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai bên hay của một bên, dù bên kia phản đối.

Ðiều 1143

(1) Hôn phối kết ước giữa hai người không được rửa tội được tháo gỡ bởi đặc ân Thánh Phaolô nhằm ích lợi Ðức Tin của bên đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, do chính sự kiện là người đã được rửa tội kết lập hôn phối mới, miễn là người không rửa tội đã đoạn tuyệt với họ.

(2) Hiểu là đoạn tuyệt khi người không rửa tội không muốn chung sống với người đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, hay không muốn chung sống thuận hòa mà không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa; không kể trường hợp người đã được rửa tội, sau khi lãnh nhận bí tích, đã gây cho bên kia một duyên cớ chính đáng để đoạn tuyệt.

Ðiều 1144

(1) Ðể người đã được rửa tội có thể tái hôn cách hữu hiệu, luôn luôn cần phải chất vấn người không rửa tội, xem rằng:

1. họ có muốn lĩnh phép rửa tội không;

2. họ có muốn ít ra chung sống thuận hòa với người đã được rửa tội và không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa không.

(2) Sự chất vấn như vậy được thực hiện sau khi rửa tội. Tuy nhiên, vì lý do quan trọng nào đó, Bản Quyền sở tại có thể cho phép thực hiện sự chất vấn trước khi rửa tội, hoặc miễn chuẩn việc chất vấn trước hoặc sau khi rửa tội, miễn là ngài thấy rõ ràng, ít là sau một thủ tục đơn giản ngoại tố tụng, rằng việc chất vấn không thể thực hiện được, hay sẽ vô ích.

Ðiều 1145

(1) Thường lệ, việc chất vấn được thực hiện do quyền hành của Bản Quyền sở tại của người đã trở lại đạo. Nếu bên kia xin, ngài có thể cho khoan giãn một thời hạn để trả lời; nhưng phải nói cho họ biết, nếu thời hạn trôi qua mà không có sự đáp ứng nào, thì sự im lặng của họ được xem là câu trả lời phủ định.

(2) Nếu không thể giữ được thể thức truyền buộc như trên, thì việc chất vấn được thực hiện cách riêng tư do chính bên đã trở lại cũng hữu hiệu và hợp pháp nữa.

(3) Trong cả hai trường hợp, việc chất vấn và phúc đáp phải được minh xác hợp lệ ở tòa ngoại tại.

Ðiều 1146: Người đã chịu phép rửa tội có quyền tái hôn với một người công giáo:

1. nếu bên kia trả lời phủ định trước sự chất vấn, hay sự chất vấn đã được bỏ qua cách hợp pháp;

2. nếu bên không rửa tội, dù đã được chất vấn hay không, lúc đầu tiếp tục chung sống thuận hòa không xúc phạm tới Ðấng Tạo Hóa; nhưng sau đó, lại đoạn tuyệt khi không có lý do chính đáng; tuy nhiên, phải giữ những quy định của các điều 1144 và 1145.

Ðiều 1147: Tuy nhiên, khi có lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại có thể ban cho người đã được rửa tội và hưởng đặc ân Phaolô, được phép kết hôn với một người ngoài công giáo, dù đã được rửa tội hay không, nhưng phải giữ những điều truyền luật định về hôn phối hỗn hợp.

Ðiều 1148

(1) Một người nam chưa được rửa tội có nhiều vợ cũng không được rửa tội, sau khi lãnh Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo, nếu khó sống mãn đời với người vợ thứ nhất, thì ông có thể chọn sống với một trong các bà vợ và bỏ những bà khác. Ðiều này cũng có giá trị cho một người nữ chưa được rửa tội mà có một lúc nhiều chồng không được rửa tội.

(2) Trong những trường hợp nói ở khoản 1, sau khi đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, hôn phối phải được kết lập theo thể thức hợp lệ, và nếu cần, còn phải giữ những quy định về hôn phối hỗn hợp và những điều khác theo luật.

(3) Sau khi đã thẩm định về điều kiện luân lý, xã hội, kinh tế của địa phương và nhân sự, Bản Quyền sở tại phải lo liệu để người vợ cả và những người vợ khác bị rẫy, được chu cấp theo lẽ phải bác ái Kitô giáo, và sự công bình tự nhiên.

Ðiều 1149: Một người chưa rửa tội, sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Giáo Hội công giáo và không có thể lặp lại đời sống chung với người phối ngẫu không rửa tội vì lý do tù đày hay bắt bớ, thì có thể kết lập một hôn phối khác, cho dù trong thời gian ấy người phối ngẫu kia cũng đã lĩnh Bí Tích Rửa Tội, miễn là giữ điều 1141.

Ðiều 1150: Trong trường hợp hồ nghi, pháp luật suy đoán thuận lợi cho đặc ân Ðức Tin.

5.3.2 Ly thân nhưng vẫn giữ mối liên kết hôn nhân

Những điều sau đây của Bộ Giáo Luật qui định những trường hợp ly thân nhưng vẫn duy trì mối liên kết hôn nhân.

Ðiều 1151: Ðôi bạn có bổn phận và quyền lợi duy trì đời sống chung vợ chồng, trừ khi được miễn chước vì một lý do hợp lệ.

Ðiều 1152

(1) Mặc dù phải thiết tha khuyên nhủ người phối ngẫu, vì bác ái Kitô giáo thúc đẩy và vì lợi ích gia đình đòi hỏi, không nên khước từ việc tha thứ cho người bạn ngoại tình và đừng để tan vỡ đời sống vợ chồng; tuy nhiên, nếu họ không minh thị hay mặc nhiên tha thứ lỗi lầm ấy, thì họ có quyền tháo gỡ đời sống chung vợ chồng, trừ khi chính họ đã chấp nhận việc ngoại tình, hay đã gây nguyên cớ ngoại tình, hay cũng đã phạm tội ngoại tình.

(2) Sự tha thứ mặc nhiên xảy ra khi người phối ngẫu vô tội, sau khi biết rõ bên kia ngoại tình, vẫn tự nguyện sống thân mật với người đó. Sự tha thứ đượcxem là đã có nếu trong vòng sáu tháng, họ vẫn giữ đời sống chung vợ chồng và không khiếu nại với quyền bính Giáo Hội hay dân sự.

(3) Nếu người phối ngẫu vô tội đã tự ý tháo gỡ đời sống chung vợ chồng, thì trong vòng sáu tháng, phải trình nguyên cớ ly thân lên nhà chức trách Giáo Hội có thẩm quyền. Sau khi đã cân nhắc mọi hoàn cảnh, Giáo Quyền phải liệu xem có thể thuyết phục người phối ngẫu vô tội tha thứ lỗi lầm và đừng kéo dài việc ly thân vĩnh viễn.

Ðiều 1153

(1) Nếu một trong hai người phối ngẫu gây nguy hiểm nặng nề, hoặc về phần hồn, hoặc về phần xác cho người kia hoặc cho con cái, hay nếu làm cho đời sống chung trở nên quá cơ cực, thì người kia có lý do hợp lệ để xin Bản Quyền sở tại cho phép ly thân. Nếu thấy sự khoan giãn sẽ có nguy hiểm, thì chính Bản Quyền có thể tự tiện cho phép ấy.

(2) Trong mọi trường hợp, khi nguyên cớ ly thân đã chấm dứt, thì phải tái lập đời sống vợ chồng, trừ khi giáo quyền ấn định thể khác.

Ðiều 1154: Một khi đã thực hiện việc ly thân, phải luôn luôn dự liệu một cách thích hợp về việc chu cấp và giáo dục con cái theo lẽ phải.

Ðiều 1155: Người phối ngẫu vô tội có thể đón nhận người kia trở về đời sống vợ chồng, và là điều rất tán thưởng. Trong trường hợp đó, họ khước từ quyền ly thân.

5.4 Sự hữu hiệu hóa hôn nhân

Trường hợp hôn nhân vô hiệu do một ngăn trở tiêu hôn, liệu có giải pháp nào để hữu hiệu hóa hôn nhân đó hay không? Bộ Giáo Luật trình bày vấn đề này trong hai mục: [1] Sự Hữu Hiệu Hóa Đơn Thường; và [2] Sự Điều Trị Tại Căn.

MỤC 1: SỰ HỮU HIỆU HÓA ÐƠN THƯỜNG

Ðiều 1156

(1) Ðể hữu hiệu hóa hôn nhân vô hiệu do một ngăn trở tiêu hôn, thì cần là ngăn trở đã chấm dứt hay được miễn chuẩn và phải lặp lại sự ưng thuận ít ra về phía người biết có ngăn trở.

(2) Việc lặp lại ấy được luật Giáo Hội yêu sách như điều kiện hữu hiệu cho sự hữu hiệu hóa, cho dù lúc ban đầu hai người đã bày tỏ sự ưng thuận và sau đó không rút lại.

Ðiều 1157: Việc lặp lại sự ưng thuận phải là một hành vi mới của ý muốn kết hôn, do người biết chắc hoặc tưởng nghĩ rằng hôn phối đã vô hiệu ngay từ đầu.

Ðiều 1158

(1) Nếu sự ngăn trở là công khai, thì đôi bên phải lặp lại sự ưng thuận theo thể thức giáo luật, nếu không vi phạm quy định ở điều 1127, khoản 2.

(2) Nếu ngăn trở không thể chứng minh được, thì chỉ cần lặp lại sự ưng thuận cách riêng tư và kín đáo bởi người bạn nào biết có sự ngăn trở, miễn là người bạn kia còn giữ vững sự ưng thuận đã bày tỏ; hoặc bởi cả hai người, nếu cả hai người đều biết có sự ngăn trở.

Ðiều 1159

(1) Hôn phối vô hiệu vì thiếu sự ưng thuận được hữu hiệu hóa nếu người bạn trước đây không ưng thuận đã tỏ dấu ưng thuận, miễn là người bạn kia còn giữ vững sự ưng thuận đã bày tỏ.

(2) Nếu sự thiếu ưng thuận không thể chứng minh được, thì chỉ cần người bạn đã không ưng thuận bày tỏ sự ưng thuận cách riêng tư và kín đáo.

(3) Nếu sự thiếu ưng thuận có thể chứng minh được, thì việc bày tỏ sự ưng thuận phải được thực hiện theo thể thức giáo luật.

Ðiều 1160: Hôn phối vô hiệu vì thiếu thể thức, để được hữu hiệu, cần phải kết lập lại theo thể thức giáo luật, nếu không vi phạm quy định ở điều 1127, khoản 2.

MỤC 2: SỰ ÐIỀU TRỊ TẠI CĂN

Ðiều 1161

(1) Sự điều trị tại căn một hôn phối là việc hữu hiệu hóa hôn phối ấy mà không phải lặp lại sự ưng thuận, do nhà chức trách có thẩm quyền ban cấp; nó bao hàm việc chuẩn ngăn trở, nếu có, chuẩn thể thức giáo luật, nếu đã không giữ; cũng như hồi tố các hiệu quả giáo luật của hôn phối về quá khứ.

(2) Việc hữu hiệu hóa có hiệu lực kể từ lúc ban đặc ân. Sự hồi tố được hiểu là bao trùm cho đến lúc cử hành hôn phối, trừ khi đã minh thị dự liệu cách khác.

(3) Chỉ được ban sự trị liệu tại căn khi có hy vọng đôi bạn muốn duy trì đời sống vợ chồng.

Ðiều 1162

(1) Hôn phối không thể được điều trị tại căn, nếu cả hai hay một trong hai người bạn đã thiếu sự ưng thuận ngay tự ban đầu, hoặc lúc đầu đã bày tỏ nhưng về sau đã rút lại.

(2) Nếu quả thật sự ưng thuận đã thiếu ngay từ đầu nhưng về sau đã bày tỏ, thì có thể cho trị liệu kể từ lúc bày tỏ sự ưng thuận.

Ðiều 1163

(1) Hôn phối bị vô hiệu vì ngăn trở hay vì thiếu thể thức hợp lệ có thể được trị liệu, miễn là đôi bạn còn giữ vững sự ưng thuận.

(2) Hôn phối bị vô hiệu vì một ngăn trở theo luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết định, chỉ có thể được điều trị khi ngăn trở đã chấm dứt.

Ðiều 1164: Việc điều trị có thể được ban cách hữu hiệu cả khi một trong hai, hay cả đôi bạn không hay biết; nhưng chỉ nên ban khi có lý do quan trọng.

Ðiều 1165

(1) Việc điều trị tại căn có thể được ban do Tòa Thánh.

(2) Việc điều trị tại căn có thể được ban do Giám Mục giáo phận trong từng trường hợp, cho dù khi có nhiều lý do vô hiệu quy tụ trong cùng một hôn phối. Việc điều trị hôn phối hỗn hợp chỉ được ban khi đã hội đủ những điều kiện nói đến trong điều 1125. Tuy nhiên, Giám Mục giáo phận không thể ban điều trị tại căn, nếu hôn phối mắc một ngăn trở mà Tòa Thánh dành riêng việc miễn chuẩn theo điều 1078, khoản 2; hoặc một ngăn trở theo luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa thiết định, dù ngăn trở đã chấm dứt.

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2011, các mục 337-350. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 1601-1666. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996
    • Bộ Giáo Luật (The Code of Canon Law), bản dịch Việt ngữ của Đức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Đức Vinh

Websites